Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 29
NÓI HÀNH

Xét đoán liều sinh lo lắng, khinh bỉ đồng loại, kiêu ngạo và tự mãn về mình, và trăm ngàn hậu quả khốc hại khác, trong số đó, tật nói hành đứng hàng đầu, như ôn dịch trong các dịp đàm đạo. Ôi chớ chi tôi lấy được một miếng than hồng của bàn thờ để tẩy uế lưỡi người ta, như Thiên Thần Xêraphim đã tẩy uế miệng tiêng tri I-da-ia (Isaia) vậy (Isaia 6, 6-7). Ai cất được tội nói hành khỏi thế gian, sẽ cất được một phần lớn các tội lỗi của họ.

Ai làm mất tiếng tốt của kẻ khác cách bất công, không kể có tội, còn phải đền bù, tùy thứ loại của nó mà đền khác nhau. Không ai có thể vào Thiên Đàng mà còn giữ của kẻ khác, mà trong các của cải bề ngoài, danh thơm là của quí nhất. Nói hành là một thứ sát nhân, vì ta có ba sự sống :

Sự sống thiêng liêng là ơn nghĩa Thiên Chúa.

  • Sự sống thể xác mà hồn là căn nguyên.
  • Đời sống xã hội mà danh tiếng là huyết mạch.

Tội làm mất sự sống thứ nhất, chết làm mất cái thứ hai, nói hành làm mất cái thứ ba. Thường thường kẻ nói hành khi hoa môi múa mỏ, sát hại ba mạng sống : nó giết hồn mình và hồn kẻ nghe nó cách thiêng liêng, và hủy đời sống xã hội của kẻ nói hành. Như thánh Bê-na-đô nói : Kẻ nói và nghe nói hành, trong mình đều có ma quỉ : kẻ nói có trên lưỡi như lưỡi rắn. Kẻ nghe có nơi tai. Đa-vít nói về kẻ nói hành : “Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn” (Ca vịnh 139, 4). Mà con rắn, theo nhận xét của A-rít-tốt có lưỡi chẻ làm hai và nhọn. Lưỡi kẻ nói hành y như thế, mỗi lần vận dụng lưỡi là vừa cắn vừa tiêm độc vào tai kẻ nghe và vào danh thơm kẻ bị nói hành.

Phi-lô-tê, con rất yêu cầu, tôi tha thiết cầu mong con đừng bao giờ nói xấu ai cả, trực tiếp hay gián tiếp cũng vậy. Giữ mình đừng gán cho người khác những tội ác, những lỗi lầm giả, hoặc bới móc những lỗi kín, phóng đại những lỗi đã hiển nhiên, cắt nghĩa xấu một việc tốt, chối sự tốt mà còn biết người ta có, hay che lấp cách tinh quái sự tốt ấy hoặc làm giảm giá trị đi bởi đôi lời nói nọ kia : bằng tất cả những cách ấy, con xúc phạm nặng nề tới Thiên Chúa. Nhưng, nhất là khi cáo gian hay chối sự thật làm cho người ta bị hại, vì ở đây có hai tội : vừa nói dối, vừa làm hại người ta.

Có kẻ khi muốn nói hành, đã khôn khéo tuyên bố danh dự trước, hoặc nói những lời có vẻ tử tế, hay đượm hài hước : đó là kẻ nói hành tinh quái và độc dữ nhất. Chúng nói : “Tôi tuyên bố rằng tôi quí mến người ấy, đàng khác, đó là một con người lịch thiệp. Tuy vậy phải nói thật, hắn đã bậy bạ khi làm chuyện đồi bại kia… Còn cô kia là con nhà đạo đức tử tế, song cô ta bị yếu đuối, sơ hở…”, và các điều khéo nói, đón trước rào sau như vậy. Con đã thấy cái lèo lá ở đó chưa ? Kẻ bắn cung, trước hết kèo cái tên về mình cho hết sức, nhưng cốt để bắn đi mạnh hơn. Những kẻ nói trên kia, có vẻ rút lời nói xấu về mình, nhưng mục đích là để bắn đi mạnh mẽ, làm cho cắm sâu vào lòng kẻ nghe hơn. Nói hành dưới hình thức hài hước thì ác hiểm hơn hết, vì như thuốc độc tự nó không mạnh, trái lại rất chậm nên dễ khử trừ, song nếu uống với rượu thì vô phương cứu chữa. Nói hành cũng vậy, mình nó sẽ trượt tai này sang tai kia, như người ta thường nói, nhưng nếu được dặm thêm vào đôi ba câu bông đùa, tinh quái, nó sẽ bám chắc vào trí người nghe. Đa-vít nói : “Những kẻ ấy có nọc rắn độc dưới làn môi” (Ca vịnh 139, 4). Rắn độc cắn, bắt đầu ta như không cảm thấy gì, nọc nó chỉ làm cho ta ngứa và gãi bằng thích, do đó quả tim và ruột gan ta càng thấm chất độc, và sau đó vô phương chạy chữa.

Con đừng nói : “Người nầy say sưa rượu chè”, dù con nhìn thấy rõ ràng họ đang say sưa đi nữa ; hay : “Người kia ngoại tình”, vì con đã bắt chợt quả tang họ phạm tội ; hoặc : “Người nọ loạn luân”, vì con đã thấy họ phạm lỗi ấy : chỉ vì một hành động chưa đủ để tặng họ danh từ ấy. Mặt trời ngưng lại một lần cho ông Gio-duệ thắng trận (Sách Gio-duệ 10-13), và một lần khác sầm tối lúc Chúa Cứu Thế tắt hơi, không ai lại vì đó mà nói mặt trời bất động hay tối đen ! Ông Noe say rượu một lần, ông Lót một lần khác, đèo thêm vào đó một tội loạn luân, nhưng đâu có phải hai ông là kẻ nghiện rượu, hay ông thứ hai có tật loạn luân. Phêrô không là tên khát máu vì đã một lần làm đổ máu (khi chém đứt tai tên đầy tớ), hay ông là kẻ lộng ngôn chỉ vì đã nói phạm một lần (khi chối Chúa). Để đội tên một tính xấu hay một nhân đức, phải đã có tập quán và làm liên tục. Cho nên gọi một người là nóng nảy hay là đứa trộm cướp, vì ta thấy họ nóng giận hay ăn cắp một lần : đó là nói ngoa.

Dù một người đã có nết xấu lâu, ta cũng liều mình nói ngoa khi gọi họ là kẻ xấu nết. Ông Simong “hủi” gọi Ma-đa-lê-na là gái tội lỗi, vì trước kia cô như thế. Nhưng ông đã nói sai, vì cô không còn thế nữa, trái lại, là người sám hối thánh thiện. Vì thế Chúa Giêsu đã bênh vực cô. Người Pha-ri-sêu ngạo nghễ kia coi người thu thếu là kẻ đại bợm, hoặc ít nhất, kẻ bất công, ngoại tình, cưỡng đoạt, nhưng hắn lầm to, vì ông này được nên công chính ngay sau đó. (Luca 7, 36-50 và 18, 9-14). Vì lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn lao, đến nỗi chỉ một giây phút đủ để xin ơn và được ngay, thì ta làm sao dám quyết đoán chắc chắn rằng : người tội lỗi hôm qua, hôm nay vẫn thế ? Ngày hôm qua không có phép xử đoán ngày hôm nay, và hôm nay về ngày hôm qua. Chỉ có ngày sau cùng sẽ xét đoán về tất cả. Như thế không bao giờ được nói người ta độc ác mà không nguy hiểm là nói sai. Ta chỉ có thể nói nếu có bổn phận là họ đã làm một hành động xấu nào, đã sống trong tội thời gian nào, hay hiện thời đang làm điều ác. Nhưng không được kết luận từ ngày hôm qua, về ngày hôm nay, cũng như từ ngày hôm nay về ngày hôm qua, huống chi là về ngày mai.

Dù phải rất dè giữ cho khỏi nói hành người đồng loại, song cũng còn phải giữ kẻo lại thái quá trong vấn đề đó, như có vài người vì tránh nói hành lại ca tụng, nói tốt về các tính hư nết xấu. Nếu có ai nói hành, con đừng bào chữa cho họ là ngay thẳng và thành thật. Nếu người nào rõ ràng có tính hão huyền đừng bảo họ là hào hoa đại độ. Các điều quá thân mật nguy hiểm đừng cho là đơn sơ vô tội. Sự bất tuân phục, đừng cho là nhiệt thành, và che đậy tính kiêu ngoạo dưới danh từ cương trực, hay mệnh danh sự dâm đãng là tình bè bạn. Đừng, Phi-lô-tê, đừng nghĩ là trốn tránh tật nói hành bằng cách ủng hộ các tật xấu khác. Trái lại, cái xấu phải nói là xấu, cái gì đáng trách phải trách mắng. Hành động như thế là tôn vinh Thiên Chúa, nhưng với những điều kiện sau đây :

Để khiển trách thói xấu kẻ khác, cần phải nhắm lợi ích của kẻ ấy hay của kẻ ta đang nói với. Trước mặt các thiếu nữ mà tả những chuyện ái ân kín đáo của người này người nọ, những chuyện hiển nhiên là nguy hiểm ; hoặc cách sống buông tuồng của người này kẻ khác, trong lời nói hay bằng thái độ cử chỉ dâm đãng : nếu tôi không trách ngay cuộc nói chuyện xấu ấy mà lại có ý miễn chấp, thì các tâm hồn no trẻ đang nghe kia sẽ nắm cơ hội để buông theo. Lợi ích của họ đòi tôi phải khiển trách thẳng thắn những chuyện ấy ngay lúc đó, trừ phi tôi có thể dành lại dịp khác nói tiện hơn, và ít tai hại cho kẻ mà ta nói đến.

Ngoài điều kiện trên, còn phải là người có phận sự phải nói về vấn đề ấy nữa, như khi tôi là đầu trong cuộc hội họp ấy, mà nếu tôi không khiển trách, thì ra vẻ tôi tán thành tính xấu. Còn nếu tôi là một người bề dưới, tôi không có phận sự răn trách như thế. Nhất là tôi phải hết sức đúng trong lời nói để không một câu nào thừa. Chẳng hạn, tôi trách sự quá thân mật giữa thanh nam và thanh nữ kia, vì suồng sã và nguy hiểm, thì tôi phải cân nhắc cho đúng, đừng phóng đại thêm mảy may nào. Nếu chỉ có bóng dáng nhỏ mọn bên ngoài thôi, tôi sẽ nói chừng đó. Nếu là một sự dại dột thôi, tôi sẽ không nói thêm. Nếu chẳng có dáng tội lỗi cũng chẳng có gì dại dột thật mà chỉ tổ làm dịp cho vài đầu óc độc ác lấy cớ nói hành, thì tôi sẽ không nói gì hết. Khi nói về người đồng loại, cái lưỡi ở trong miệng cũng như dao mổ trong tay nhà giải phẩu, muốn cắt giữa hai đường gân vậy. Phải nhắm sao cho vừa đúng, để khỏi nói thừa nói thiếu. Và sau cùng, khi răn trách thói xấu, ta phải gắng kiêng nể người có tính xấu ấy được chừng nào hay chừng ấy.

Đã hẳn về các kẻ tội lỗi công khai, chán chường, ô nhục, ta có thể nói tự do, miễn là với tinh thần bác ái và thương cảm, không kiêu hãnh và tự đắc, hay để thích thú vì sự xấu của kẻ khác. Có tâm địa này, thực là dấu hiệu một tấm lòng đê tiện, tồi tàn. Tôi chừa ra các kẻ nghịch công khai của Thiên Chúa và Hội Thánh : Những kẻ nầy, phải mạt sát chúng chừng nào hay chừng nấy. Đó là những bè rối ly khai và các lãnh tụ của họ. Báo động có chó sói ở giữa đàn chiên hay bất cứ ở đâu, đó là bác ái vậy.(1)

Người ta thường tự tiện phê bình, đoán xét các bậc vua chúa và nói xấu mọi quốc gia tùy theo tâm tình họ thuận hay nghịch đối với các vị ấy, phần con, Phi-lô-tê, đừng rơi vào lỗi ấy, ngoài sự xúc phạm Thiên Chúa, con còn có thể gây muôn ngàn mối bất hòa.

Khi con nghe ai nói hành, hãy nghi vấn về lời cáo ấy, nếu có thể làm được cách chính đáng, nếu không, hãy bênh vực chủ ý người bị cáo. Nếu trường hợp sau nầy cũng không được nốt, con hãy tỏ lòng thương cảm họ, hãy gạt câu chuyện qua bên, trong khi đó con nhớ và nhắc bạn bè nhớ rằng : người không sai lỗi là nhờ ơn Chúa. Con hãy khéo đưa kẻ nói hành nghĩ đến bản thân hắn. Hãy nói vài điều tốt mà con biết về người nói hành.

--- o0o ---

1: Với tinh thần cởi mở và thông cảm ở thời đại của Công Đồng Vaticanô II này chắ́c tác giả sẽ dùng câu nói nhẹ nhàng và dễ nghe, thấm tình huynh đệ hơn là tinh thần chống Lạc Giáo thời đó.