SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 4
Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.
CHƯƠNG 06
KHI NÀO CÁM DỖ VÀ KHOÁI CẢM TRỞ THÀNH TỘI ?
Nàng công chúa chúng ta nói lúc nãy không thể bị khiển trách vì lời cầu hôn bất chính của tên đưa tin, vì như ta đã nói nàng không hề ưa thích. Nhưng trái lại, nếu nàng đã làm cớ, gây dịp cho sự cầu hôn ấy bởi đôi việc quyến rũ thế nào đó, như muốn san sẽ ái tình với kẻ tán tình nàng, đã hẳn là nàng có lỗi về việc cầu hôn xảy ra kia, dù nàng làm bộ chối đây đẩy, nàng vẫn đáng bị khiển trách và đáng phạt. Đôi khi cơn cám dỗ cũng thành tội nơi ta như thế, bởi vì ta là duyên cớ gây cơn cám dỗ ấy. Chẳng hạn, tôi biết rằng đánh bạc, thế nào tôi cũng nổi giận rồi nói lộng ngôn, canh bạc trở nên cơn cám dỗ đưa tôi tới nói lộng ngôn. Nên bao nhiêu lần tôi đánh bạc, là bấy nhiêu lần tôi phạm tội, và tôi còn có lỗi cả về những cơn cám dỗ xảy đến đang khi chơi. Ví dụ khác ; nếu tôi biết cuộc trò chuyện nào đó sẽ đem tôi đến cám dỗ và sa ngã, mà tôi cứ bắt chuyện, đã hẳn là tôi có lỗi về tất cả các cám dỗ tôi sẽ gặp trong các câu chuyện ấy.
Khi nào khoái cảm do cám dỗ phát sinh, mà ta có thể tránh được, ta lại không tránh cứ đón nhận, đó là phạm tội, to nhỏ tuỳ theo khoái lạc mà ta nhận và tùy theo ưng thuận của ta trong lúc đó lớn hay nhỏ, lâu hay chóng. Công chúa kia đáng trách, không những khi nàng nghe lời tán tỉnh bỉ ỗi, bất lương, mà còn thích thú, khi để trái tim thiện cảm với điều đó sau khi nàng nghe tán tỉnh. Dù cho đi nàng không ưng thuận thi hành cụ thể điều xúi giục nàng song nàng đã ưng thuận để tâm thiện cảm vui thích, thì nàng vẫn đáng trách, vì để tâm thiện cảm với một điều xấu, hay để thân xác thực hành điều xấu đó, cả hai đều bất chính. Hơn thế, tội là chính ở tại để tâm thiện cảm vui thích điều xấu, đến nỗi không có nó, thân xác có thực hành điều xấu đi nữa, vẫn chưa gọi là tội (tỉ như : Khi vô tình, không có y mà làm một điều gì).
Vậy khi nào con bị cám dỗ về một tội nào, hãy xem xét : Đã cố tình làm cớ để bị cám dỗ không ? Nếu có, cám dỗ này đã là tội cho con rồi, vì con đã liều đặt mình vào dịp đưa đến tội. Nhưng đó là nói khi con có thể tránh dịp ấy cách dễ dàng không hại gì, và con đã nhìn thấy trước, hay có bổn phận phải thấy trước cái cám dỗ sẽ đến. Nhưng nếu con không làm cớ để bị cám dỗ, con không mắc lỗi gì về cám dỗ ấy cả .
Khi khoái cảm kèm theo cám dỗ mà có thể tránh được, mình lại không tránh, thì luôn có tội, và tội thế nào là tùy theo mình đã dừng lại ở đó ít hay nhiều. Và tùy nguyên nhân của khoái lạc mà ta đã hưởng. Phụ nữ kia, tuy không tự mình làm cớ cho người ta ve vãn mình, nhưng lại thích thú về những lời tán tỉnh là bị mắc lỗi rồi, nếu thích thú nàng nếm kia đã do ve vãn gây ra. Nhưng tỉ dụ, anh chàng trai lơ muốn đoạt trái tim nàng lại là nhạc sĩ có hạng làm nàng vui thú say mê trong tiếng nhạc diệu huyền song không vui thú vì sự quyến rũ, lúc đó không có tội. Tuy vậy, nàng không được trầm mình trong cái say nhạc quá lâu, sợ dễ từ vui thú này chuyển sang vui thú sự ve vãn kia. Một tỉ dụ khác, một người trình bày cho tôi một mưu mô kỳ diệu để tôi báo thù kẻ địch tôi, song tôi không thích cũng không ưng báo thù nữa, nhưng thích về cái tinh vi tài tình của mưu mô ấy, đã hẳn là tôi không phạm tội, tuy rằng tôi đừng dại mà khoái trí mãi kẻo dần dần tôi đâm ra thích báo thù thật sự chăng.
Đôi lần bất ưng, ta cảm thấy những cảm giác vui thú đi liền với cám dỗ, trước khi ta kịp để ý đến mà chống cự lại cho đàng hoàng, thì cùng lắm cái đó cũng chỉ là một tội nhè nhẹ thôi. Tội ấy sẽ ra lớn hơn nếu khi đã nhận định rõ về sự xấu đang xảy ra, ta còn chểnh mảng trì hoãn đôi tí mà giằng co với khoái cảm kia xem nên bỏ hay nên hưởng. Và tội sẽ càng lớn hơn, nếu nhận thấy như thế mà rồi còn cứ nán lại trong khoái cảm một lúc bởi chểnh mảng thật tình, không chút quyết định đẩy lui khoái cảm ấy. Còn khi cố ý và kịp suy xét ta nhất định ưa thích cái khoái cảm ấy, cái nhất định cố ý ấy là một tội trọng, nếu điều ta vui thích đó là một điều xấu lớn lao. Như thế cũng giống người đàn bà muốn nuôi dưỡng những tình duyên ngang trái, nàng phạm lỗi lớn, mặc dầu nàng không bao giờ muốn hiến thân thực sự cho người yêu cả.