Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


Chương 1

 

SỨ GIẢ ĐEM HY VỌNG


LỜI DẪN CỦA NGƯỜI DỊCH :

Chương 1 này của tác giả, có thể coi là chương cuối song ông đem đặt lên đầu ở đây. Đó là vì sau khi ông được ơn biết và tin vào sự kiện Đức Maria hiện ra ở Medjugorje (Mễ Du), đã đến tận linh địa để tận mắt chứng kiến, và đã viết nhiều về sự kiện này, ông được nhiều nơi mời ông đến thuyết trình cho họ. Trên đường của một trong những chuyến đi ấy, ông được nghe kể về cảnh tượng xâu xé đáng buồn mà ông thuật lại trong chương 1 đây... Nó đã gợi ông nhớ đến tâm trạng cũng đáng buồn của ông trước khi được Đức Mẹ kêu gọi ông phục vụ cho Người và phổ biến sự kiện hiện ra vô tiền khoáng hậu này của Người.

Một buổi xế chiều rất đẹp của tháng năm, toàn cả quang cảnh xứ Ai Len chúng tôi thấy trước mắt, hiện ra đẹp như trong một bức tranh quảng cáo. Trên xe hơi, chúng tôi đã hạ kính cửa xuống để hưởng không khí trong lành. Con đường khá hẹp, hai bên đường thường có tường xây, phân ranh giới giữa các cánh đồng một mầu xanh ngắt. Lâu lâu chúng tôi lại thoáng thấy một mái nhà tranh, có lẽ đã có mặt đó từ ba bốn trăm năm. Có cảm tưởng là ở hạt Donegal đây, thời gian đã ngưng trôi từ mấy thế kỷ.

Vừa tới một đỉnh đồi, xe chúng tôi phải thắng gấp vì một bầy chiên do một cô gái chăn đang được dẫn đi ngang qua giữa lộ. May mà tôi không là người cầm lái.

Tài xế của chúng tôi, cô Vera McFadden, vẫn tỏ ra bình tĩnh. Cô với hai cô bạn khác ngồi ở băng sau, đã đến LetterKenny trên chiếc xe hơi Ăng-lê nhỏ này để đón tôi đến nhà thờ ở Derry, nơi tôi sắp nói chuyện chiều nay. Tôi ngồi ở băng trước, ghế bên trái, nơi bình thường có tay lái.(*)(1) Một chút ngỡ ngàng thôi. Nhưng không sao, tôi vẫn thoải mái thưởng thức cảnh đẹp của một hạt cực bắc của xứ Ai Len.

Tôi nói: “Không thể tưởng tượng ở đây cỏ lại xanh ngắt đến như thế!”

Vera đáp: “À! Nếu anh biết được ở đây đã mưa nhiều như thế nào! Hôm nay là một ngày đẹp trời hiếm có đấy, lại có mặt trời nữa!” Tôi mỉm cười gật đầu, dù giọng nói tiếng Anh của cô có hơi khó hiểu đối với tôi. Kể từ năm ngoái, đây là lần thứ hai tôi đến nói chuyện ở xứ Ai Len, cho nên tôi hiểu cái không khí lạnh và ướt mưa đặc biệt của xứ này.

Đến khúc quặt sau, chúng tôi bỗng im bặt tiếng cười nói, trước mặt chúng tôi một cây sào lớn sơn khoang trắng khoang đỏ ngăn lối – dấu hiệu một trạm kiểm soát của lính Anh trước ngõ vào Bắc Ai Len. Trước mặt, hai binh sĩ người Anh mặc quân phục và súng cầm tay. Tôi vừa sửng sốt vừa bực mình và sợ hãi. Bên kia cổng gác, chừng một tá binh sĩ đang ngả mình trên thảm cỏ bên vệ đường, vừa hút thuốc vừa tán gẫu, vũ khí đặt cạnh mình.

Cô Vera ngừng xe, và một binh sĩ tiến lại gần. Cô đưa xem các giấy tờ, anh lính xem qua không nói gì, anh ra hiệu cho một bạn khác nâng rào chắn. Không ai nói tiếng nào. Chúng tôi tiếp tục lái xe đi qua trạm gác vào xứ Ai Len. Tôi cảm thấy vẻ đẹp ngày hôm ấy không còn nữa.

Mới đi chừng một cây số, Vera lái xe tránh về bên mé đường, nhường cho một xe bọc sắt vượt lên. Chính lúc ấy tôi thấy một binh sĩ chĩa súng về phía chúng tôi qua chiếc cửa sổ nhỏ hé mở phía sau xe bọc sắt. Chưa bao giờ tôi bị mũi súng chĩa về phía tôi như thế. Chiếc xe nhấn ga lao vút đi và biến mất ở góc đường. Tôi giận lắm.

- “Chuyện gì thế?”, tôi hỏi.

Thay vì trả lời, Vera lại lái xe né vào mé đường và một xe bọc sắt thứ hai vượt lên trước. Cũng lại cảnh lần trước tái diễn. Cửa sổ phía sau hé mở, một binh sĩ chĩa súng về phia chúng tôi, rồi xe lại biến dạng…


Một thoáng cảm giác là tình hình ở đây bất ổn làm tôi kêu lên: “Cái gì xảy ra ở đây thế?”

Vera đáp: “Họ luôn đi hai xe với nhau để tránh bị phục kích.”

- “Nhưng chúng ta là dân sự mà! Họ phải coi chúng ta như là đồng minh mới phải! Tôi thật không thể hiểu nổi!”

Vera nhún vai: “Chúng tôi lại là người Công giáo”, vừa nói cô vừa chỉ lên cỗ tràng hạt treo trên kính chiếu hậu, “và lại có anh ngồi với chúng tôi, vậy họ nghĩ anh cũng là người Công giáo nốt.” Rồi cô thở dài: “Không thể trách họ, bạn bè của họ thường bị đánh bom chết hay bị đạn giết.”

Lập tức tôi thấy được tấn thảm kịch hiện tại của miền Bắc Ai Len. Những tay khủng bố người Công giáo bắn giết binh lính Anh và người Thệ Phản vô tội; ngược lại, những tay khủng bố Thệ phản giết những người Công giáo vô tội. Mỗi hành vi tàn ác lại châm thêm dầu vào lửa hận thù. Câu chuyện như thế đã tiếp diễn từ bao thế hệ rồi, và chưa thấy có dấu hiệu gì thay đổi cục diện. Chỉ luôn thấy âm ỉ một hận thù truyền kiếp. Các trẻ em của hai bên lớn lên trong căm thù, như cha mẹ chúng trước chúng.

Tôi hỏi: “Làm sao các người có thể cứ sống như thế được?”

- “Chúng tôi phải tiếp tục sống như thế, biết làm sao?”, cô Vera trả lời với nụ cười héo hắt. “Đành rằng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Tôi có những bạn hàng xóm người Tin Lành, và chúng tôi sống với nhau rất êm thấm. Chúng tôi có những nhóm cầu nguyện gồm cả Công giáo lẫn Tin Lành. Thật ra chỉ những phần tử cực đoan của hai phía gây ra hỗn loạn. Anh biết không, đôi khi anh chỉ còn biết phì cười thôi.


“Đây, một hôm tôi đang đi vào ngân hàng, có một người trùm đầu bằng vải đen, cầm súng dí vào đầu tôi. Bên cạnh hắn là một người khác cũng trùm đầu bằng vải đen. Tôi nghĩ thầm chúng đang muốn ăn cướp ngân hàng bằng cách bắt tôi làm con tin.”

- “Chúng là ai vậy?”

- “Chắc chắn là nhóm khủng bố IRA (Tổ chức quân đội Cộng Hoà Ai Len) hay một phe nào đó, không cần biết. Họ thường xuyên bắn giết lẫn nhau. Chỉ có điều là ngoài hai tên đó, có một tên thứ ba đến nhập bọn, nhưng hắn trùm đầu không bằng vải đen mà vải nâu. Bất ngờ tôi bật cười và nói với hắn ta: “Anh không mang đúng đồng phục!” Tôi chẳng biết tại sao tôi bật cười và nói như thế, vì lúc đó tôi quá sợ hãi.”

Cô bắt đầu cười khi kể lại cho tôi chuyện đó, và hai cô bạn ngồi băng sau cũng cười. Rõ ràng các cô này biết câu truyện ấy.

Vera nói tiếp: “Thế là không biết chúng bị khích động sao đó vì câu nói của tôi, mà chúng quay lưng rồi bỏ đi thật nhanh. Tôi nghĩ ngân hàng đáng lý phải thưởng cho tôi mới phải!” Thế là cả ba cô cùng cười như nắc nẻ. Phần tôi rất ngạc nhiên làm sao các cô có thể cười được trong một tấn bi kịch như thế, nhưng tôi nhận ra rằng họ giữ được thái độ vui vẻ lạc quan như thế quả là điều cần cho họ.

Sau khi đã bình tĩnh trở lại, Vera nhẹ nhàng nói với tôi, mắt không rời khỏi đường: “Tôi không thấy có nơi nào trên thế giới lại lâm vào tình cảnh bi thảm như sáu hạt của miền Bắc Ai Len này. Chắc có lẽ vì tôi quen biết một số những người vợ trẻ mới mất chồng, và những gia đình tang tóc với những đứa trẻ lớn lên mất cha.”

Rồi cô lắc đầu nói tiếp: “Với bao nhiêu người Kitô hữu ở cả hai phe, đáng lẽ sự tình phải thay đổi chứ. Thế mà chúng tôi cầu nguyện và cầu nguyện mãi, và xem ra chẳng có gì thay đổi cả. Đôi khi tôi tự hỏi không biết Thiên Chúa có nghe tiếng chúng tôi không?” Cô quay đầu về phía tôi: “May ra sứ điệp mà anh mang đến chiều nay có sẽ đem đến một sự thay đổi nào đó, nếu đẹp ý Chúa.”

Chúng tôi tất cả chìm vào im lặng. Tôi nhìn cảnh bên ngoài đang lướt nhanh ngoài xe, vẻ đẹp của nó đang che giấu nỗi tuyệt vọng của dân tộc họ. “Sứ điệp” mà tôi mang đến cho họ (chiều nay) xuất từ Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, khi Người hiện ra với một nhóm sáu bạn trẻ người Croát, ở một làng nhỏ miền núi Mễ Du, nước Nam Tư (cũ). Sứ điệp trung tâm của Người về bình an và yêu thương đã từ từ song vững chắc lan rộng ra khắp bốn phương trời, đã làm cho hàng triệu triệu người trở lại với Thiên Chúa.

Chiều nay tôi, một người Thệ phản thuộc Giáo hội Lutêrô, sẽ nói với họ về một hiện tượng tôn giáo, chính ra được coi như thuộc về Công giáo, trong một xứ sở bị xâu xé bởi một cuộc chiến tranh giữa hai tôn giáo. Liệu sứ điệp của Mễ Du có thể gây ra một thay đổi nào trong cuộc chiến đã khởi sự từ tám trăm năm? Hay chỉ là một giọt dầu bình an nhỏ vào sóng nước hỗn loạn ghê sợ ấy? Tôi không hề ngờ vực chút nào và tôi tự trả lời: Có! Thiên Chúa chăm nom săn sóc chúng ta, Thiên Chúa nghe chúng ta ! Tối nay, tôi sẽ chia sẻ bằng chứng cho họ xem và chia sẻ niềm hi vọng…

Chợt tôi nghĩ lại, thật mỉa mai: cách đây chưa lâu, chính tôi cũng là người không có hi vọng ! Thế mà nay, tôi sẽ đem đến một sứ điệp hi vọng phi thường cho một xứ sở đã đánh mất hi vọng !

Tôi nhẩm lại trong trí chuỗi dài vô tận những biến cố đã dẫn tôi đến ngày hôm nay: …

* * *

… Bắt đầu là vào một buổi chiều tháng mười, ba năm trước đây, đang khi tôi ngồi tại phòng khách nhà tôi ở Myrtle Beach, miền Nam Carolina ….

Trái tim xé nát và nhỏ máu của miền Bắc Ai Len không xa với tâm tình của tôi lắm đâu ….

--- o0o ---

Trở Lên Trên