Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


    “Các con hãy cầu nguyện liên lỉ, và bằng cách đó, Mẹ sẽ ban cho các con niềm hân hoan mà Thiên Chúa ban cho Mẹ...” 

    Chương 6

    CÔNG VIỆC BẮT ĐẦU LAN RỘNG

    Nhưng giờ đây, khi đang lái xe trên đường về nhà, những tư tưởng tiêu cực về tác dụng của bài viết về một đề tài tôn giáo bất thường đó bắt đầu tấn công tôi. Việc đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín nhà báo của tôi ra sao? Mà thật ra, tôi có được chút uy tín nào không? Tôi khá ngạc nhiên thấy mình mới vừa hớn hở, phấn khởi vì đã hoàn thành được bài thứ nhất, giờ đây lại hoang mang tột độ, vì không biết mình có làm đúng hay không khi viết lại sự kiện ấy. 
 
    Khi về đến nhà, tôi chắc chắn mình đã phạm sai lầm. Sự bình an và niềm hân hoan thiêng liêng, do sứ điệp tôi đã lãnh được, đang bị đè bẹp bởi lo toan của cuộc sống thực tế hằng ngày. Tôi ngồi xuống với Terri, nói với nàng về nỗi lo âu của tôi, khi xuất bản những gì tôi đã cất công miệt mài nghiên cứu suốt một tháng qua. Như mọi lần, nàng có ngay những lời nói hợp tình hợp lý: “Coi kìa, anh đã viết về Mễ Du rất khách quan, và anh thực sự cảm thấy được kêu gọi để làm việc đó. Vậy hãy nghe theo con tim mà làm đi. Sẽ không có ai cười chê anh đâu! Đó là câu chuyện hấp dẫn, và em thích những gì anh đã làm đó.” Nàng vừa nói vừa vỗ nhẹ vào mấy trang bản thảo mà tôi đã đưa về nhà cho nàng sửa lại trước khi in. 
 
    Tôi quyết định cho ra mắt độc giả, nhưng trong ba ngày trước khi báo lên khuôn, vào chiều thứ hai, tôi đổi ý kiến đến 12 lần. Một khi đã in rồi thì hết đường thu lại. 
 
    Trong thời gian này, khi giảng dạy tại trường Chúa nhật, tôi nhất mực giữ đúng theo chương trình giáo huấn của Nhà thờ Tin Lành Lutêrô. Không đá động lời nào đến Mễ Du. Chúa nhật sau ngày tôi đã nhận sứ điệp, tôi nói với Becky Ginley là tôi cảm động sâu xa bởi những gì đang xảy ra ở Mễ Du, từng đó thôi, chứ tôi không đi vào chi tiết. 
 
    Vì có mối liên hệ với mục sư Wingard và mục sư phụ tá, Dick Albert, tôi đem chuyện này ra trao đổi với họ, mà không đề cập gì đến sứ điệp riêng tôi đã nhận từ Đức Trinh Nữ Maria. Bill Wingard liền gạt đi, coi đó là một “trò Công giáo”, khi ông trích dẫn thần học Lutêrô, và nêu ra những vấn đề trong Giáo Hội Công giáo, vốn đã dẫn đến phong trào Cải cách và mở đầu cho Giáo Hội Tin Lành xuất hiện. Và đương nhiên, ông cũng nhắc đến “việc tôn thờ Bà Maria”. Đây không phải là lần cuối cùng tôi được nghe những điều này. 
 
    Mục sư Albert, dù hết sức thận trọng, cũng không kìm nổi tánh hiếu kỳ. Ông chấp nhận đến dự buổi nói chuyện tổ chức tại Nhà thờ Công giáo ở Bắc Myrtle Beach, để nghe Jim và Rosie Stoffel vừa mới đi hành hương Mễ Du về. Becky Ginley, Mary Jeffcoat, Terri và tôi đã gặp ông tại đấy ngay trước giờ thuyết trình. Xúc động và hài lòng vì ông chịu đến nghe, tôi hăng hái thổ lộ với ông: tôi thực tình tin Đức Trinh Nữ Maria đang hiện ra ở đấy như thế nào.

    - “Tôi cũng muốn tin điều đó”, ông nói thận trọng, lựa từng lời, “Nhưng thành thực mà nói, tôi sẽ có xác tín hơn, nếu được thấy bằng chứng chắc chắn, như hình ảnh chẳng hạn.

Những bóng mờ lô nhô ở mé dưới hình bóng Đức Mẹ là các người hành hương đang tụ tập ở đó cầu nguyện. Họ có biết Đức Trinh Nữ Maria đang hiện diện giữa họ không? 

Tôi sửng sốt khi thấy giữa buổi diễn thuyết, Jim cho chuyền tay một hình chụp cây Thập Giá khổng lồ bằng xi măng dựng trên núi Krizevac, sau lưng Nhà thờ Mễ Du. Cạnh bên Thập Giá, người ta thấy hình ảnh lờ mờ một bóng hình có vẻ là một phụ nữ, đầu đội khăn voan, đôi tay chắp lại cầu nguyện. Nghe nói cái hình đó do một khách hành hương chụp cây Thập Giá, đến khi rửa phim thì lại thấy hiện lên cái hình bóng bí ẩn này(3). Tôi chăm chú ngó mục sư Albert, khi ông đang xem xét tấm ảnh: “Tấm hình không rõ lắm...”, ông nói. 

    Qua phản ứng của mục sư phụ tá, tôi thấy rõ một điều: tôi sẽ gặp rắc rối, khi nỗ lực làm cho người ta tin rằng tôi còn có một cái gì gây sửng sốt hơn mấy tấm hình. Nếu tôi kể cho họ nghe rằng Đức Maria thực sự đã nói với tôi và yêu cầu tôi lấy việc loan truyền sứ điệp của Bà làm sứ mệnh của đời tôi, có ai tin tôi chăng? 

    Sáng hôm sau, khi vào làm việc, tôi thừ người ra vì lo âu. Đến sáng ngày thứ ba, tình trạng còn tệ hơn. Tôi liền đi ngay đến phòng in, lấy một bản của tờ báo Lake City của chúng tôi vừa mới in xong. Tôi mở ra xem bài xã luận của tôi; nó sặc mùi tôn giáo, nhưng trễ quá rồi, không sửa đổi gì được nữa. Bây giờ thì nó đã ở ngoài tầm kiểm soát của tôi. Chẳng có thể làm gì để thay đổi điều không thể tránh khỏi. Lúc ba giờ chiều, báo sẽ được đưa đến bưu điện để phát hành ngày hôm sau. 

    Thứ tư, 4-12-1985, thời tiết báo hiệu một ngày tươi sáng và nắng ấm - hình như nó muốn chế diễu tâm trạng tồi tệ của tôi. Tôi nói khi bước vào phòng: “Này Denease, cô chuẩn bị mà nghe những tên khùng sắp gọi đến tới tấp đó!” 

    Quả đúng như vậy, vài phút sau, cô ấy trở vào và nói: “Rồi, đây là người thứ nhất, một ai đó ở Lake City”, rồi cô chỉ vào máy điện thoại: “Anh chàng này vừa cười vừa khóc, tôi không hiểu được anh ta đang nói gì! Nhưng anh ta nhất định đòi được nói chuyện với ông!” 

    - “Hết xẩy!” tôi lẩm bẩm. 

    - “Tập quen dần đi ông chủ ơi!” cô phá lên cười, “Tôi chắc là ông sẽ còn phải nghe nhiều lắm đấy!” 

    Cô đi ra, tôi hít một hơi dài và nhấc điện thoại lên: “Allô!” 

    - “Có phải là Wayne Weible đấy không, người viết về Mễ Du đó?” 

    - “Vâng, chính tôi đây!” 

    - “Tốt quá! Ngợi khen Chúa Giêsu! Tôi vừa tạ ơn Chúa cho ông! Xin Chúa chúc lành cho ông!” Ông ta tiếp tục đều đều như thế, trong khi tôi nhìn sững sờ vào ống nghe. Cuối cùng, ông ta ngừng lại lấy hơi rồi thong thả nói: “Để tôi giải thích cho ông nghe. Tôi tên Scotti, linh mục Sylvester Scotti, tôi là một trong số 100 linh mục Mỹ đến Mễ Du vào tháng 10 năm ngoái. Tôi được đánh động rất nhiều bởi những gì đang xảy ra tại đó, đến nỗi khi trở về nhà, tôi liền đến các hãng báo chí, truyền hình và đài phát thanh lớn ở Nam Carolina, nhưng không một ai đề cập đến chuyện đó. Phải, không ai hết! Rồi sáng nay, tôi ra mở hộp thư, ở đấy, tôi thấy có tờ báo nhỏ, trong đó là bài viết của ông nói về Mễ Du.” Rồi ông ấy lại khóc: “Xin lỗi, tôi xin lỗi, nhưng ông không sao hiểu nó đã tác động đến tôi như thế nào đâu!” 

    Tôi không biết phải nói gì, chỉ cảm thấy một nỗi xúc động dâng lên trong lòng... 

    - “Thứ lỗi cho tôi!”, ông ấy nói với giọng bình tĩnh hơn, “Chắc ông tưởng là tôi điên. Không đâu, tôi chỉ là một người Ý thôi!” Cả hai chúng tôi cùng cười. 

    - “Không, tôi không nghĩ là ông điên. Tôi chỉ bỡ ngỡ về điều ông đang nói với tôi. Tôi thực sự không mong đợi hồi âm tích cực đến thế...” 

    Rồi chúng tôi trò chuyện - đúng hơn, ông linh mục ấy nói phần lớn. Ông kể cho tôi nghe làm sao ông và các linh mục khác đã có mặt ở tầng hầm nhà xứ, lúc Đức Trinh Nữ Maria hiện ra ở đó với các thị nhân, và trao cho các em một sứ điệp đặc biệt cho các linh mục. Cha Scotti là một linh mục được gọi là linh mục Thánh Mẫu, nghĩa là người hoàn toàn tận hiến cho Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Ông đã đi viếng hầu hết các đền thờ, nơi mà Đức Bà đã hiện ra trong vòng năm thế kỷ qua. Chúng tôi hẹn vài ngày nữa sẽ gặp nhau lại để nói chuyện nhiều hơn. 

    Đặt ống nghe xuống, tôi đứng lên khóa cửa rồi ngồi vào bàn giấy và để hai dòng lệ tuôn trào. Tôi nhận ra là việc này chứng tỏ bài viết của tôi phải được phát hành. Bên trong tôi như có tiếng nói: “Con thấy chưa?” 

    Tôi vẫn còn bồi hồi, khi tôi đến phòng làm việc của Terri để kể cho nàng về sự việc mới xảy ra. 

    - “Lại có vấn đề gì rồi sao?” cô kêu lên khi nhìn thấy vẻ mặt tôi. 

    - “Cái bài báo của anh ấy mà. Anh vừa nhận được cú điện thoại...”, tôi nghẹn lời không nói được. Sau cùng, tôi phải cố gắng lấy lại bình tĩnh để kể cho nàng nghe về Cha Scotti. Rồi tôi kết luận: “Cái gì xảy ra bây giờ anh cũng cóc cần. Thật rất đáng giá.” 

    Nàng mỉm cười: “Tuyệt vời!” 

    Denease báo cho tôi lúc tôi trở lại phòng làm việc: “Thêm ba người gọi nữa và họ còn xin bản sao. Tôi phải làm sao đây?” 

    - “Trời ơi, cô cứ gởi bản sao cho họ đi! Cái đó đâu có tốn kém bao nhiêu, một con tem với một phong bì chứ mấy!” 

    Rồi thêm nhiều cú điện thoại nữa, người thì khen ngợi, kẻ vì hiếu kỳ hoặc lo lắng muốn biết sẽ có bài tiếp theo nữa hay không. Khi tôi đến ngân hàng chiều hôm đó, các nhân viên xúm lại hỏi chuyện tôi, bảo rằng họ rất thích những gì đang xảy ra tại ngôi làng nhỏ bé đó. 

    Một người trong bọn họ nói: “Anh biết không, chúng tôi không nghi ngờ chút nào việc đó là do Thiên Chúa.” 

    Tôi hỏi: “Cô là người Công giáo à?” 

    - “Anh nói giỡn sao? Chúng tôi đều là tín đồ Báptít!” 

    Tôi bật cười; cái này vượt quá sự ước mong của tôi. Đến cuối ngày, chúng tôi đã nhận được hơn một tá cú điện thoại. 

    Cho tới nay, chưa có bài báo nào của tôi lại gây ra được nhiều phản hồi đến thế. Tiếp theo sau là những lá thư bắt đầu dồn dập tới. 

    Thường thì tôi hoãn đến phút chót, tức là ngày thứ sáu mới viết bài, nhưng đến thứ năm, với các ý tưởng đầy ắp trong đầu và đã sẵn sàng đến nỗi tôi quyết định viết phần thứ hai sớm hơn một ngày. Lần này, tôi phác họa một đại cương để theo, nhưng sau đó lại xé đi, vo tròn và liệng vào sọt rác. Tôi dâng một lời nguyện vắn tắt, để xin ơn trên hướng dẫn cho biết việc phải làm... và tôi nhận thấy cầu nguyện như vậy thật dễ chịu. 

    Tôi cầm lấy quyển sách của Cha Svetozar. Người ta thường hỏi: “Thật ra, các thị nhân được phán bảo điều gì?” Thế thì tại sao lại không nói cho họ biết? Một lần nữa, mười ngón tay tôi lại lướt như bay trên bàn phím máy đánh chữ... 

    Ngày 12-11-1985

    Phần 2: Cuộc đàm thoại với Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu

 
    Đây là bài thứ hai trong loạt bốn bài (hay bốn phần) đặc biệt mà tôi viết cho mùa Giáng Sinh. Sự quan tâm các bạn đọc dành cho bài phần thứ nhất đã rất tốt và tích cực. Vì tính chất siêu phàm của biến cố tôn giáo, tôi xin lược thuật vài điều trong bài báo kỳ trước. 
 
    Trước hết, riêng tôi cảm thấy có điều gì đó... rất quan trọng và có ý nghĩa đối với tất cả mọi người, bất luận thuộc tôn giáo nào, đang xảy ra tại Mễ Du... 
 
    Sau đây, xin trích đăng vài đoạn chọn lọc, từ những cuộc nói chuyện giữa các thị nhân với Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, do chính các em kể lại: 
 
    Nhân lần hiện ra chiều thứ tư, sau lần hiện ra đầu tiên vào ngày 24-6-1981, Ivanka hỏi Bà tên gì. “Ta là Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc”, Bà đáp. Sau đó, Vicka nói: “Nếu Bà là Đức Mẹ, xin hãy ở lại; nếu không, hãy đi đi!” Bà đã cười và ở lại. 
 
    Vicka hỏi: “Tại sao Bà đến?” Bà đáp: “Ta đến vì ở đây có nhiều tín hữu tốt. Ta muốn ở với các con, để hoán cải và hòa giải tất cả mọi người.” 
    Một lúc sau, cũng trong cuộc hiện ra ấy, một thị nhân khác, Marija, thấy Bà khi em này đang trên đường xuống khỏi ngọn đồi nơi Bà đã hiện ra lúc nãy. Em dừng ngay lại, rẽ về bên trái và quỳ phục xuống. Em kể: “Đức Mẹ đang đứng đàng trước một cây Thập Giá, mắt đẫm lệ. Mẹ lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hòa bình, hòa bình, hòa bình, hãy hòa giải với nhau.” 
 
    Nhiều lần trong các cuộc hiện ra, Bà nói hướng về dân chúng: “Hãy tin như thể chính các con được thấy vậy.”

 Ngày 29 tháng 6, các thị nhân xin Bà chữa lành cho một bé trai (Daniel) hai tuổi rưỡi bị câm và bại liệt. Jacov thuật lại lời đáp của Bà: “Cha mẹ em đó hãy tin và con trai họ sẽ được chữa lành.” Đến chiều tối, đang trên đường về nhà, họ dừng lại ở một quán ăn, bỗng đứa bé câm đập tay lên bàn và nói: “Con muốn uống nước.” Từ đó, em nói và đi được. 
 
    Bà đã dạy cho nhiều người khác cầu nguyện, ăn chay và xin với Chúa Giêsu chữa lành các bệnh tật của họ. Theo lời của dân chúng ở đây, nhiều người đã được lành bệnh. Một lần nữa, cũng về vấn đề chữa lành, Đức Maria nói với các thị nhân: “Ta không thể chữa lành, chỉ mình Thiên Chúa có quyền phép ấy. Ta cần lời cầu nguyện và hi sinh của các con để giúp Ta.” 
 
    Bà nói tiếp (khi khẩn trương nói về sự cần thiết phải ăn năn hối cải): “Điều duy nhất mà Ta muốn nói là: “Hãy hối cải!” Ta nói với các con điều này, để các con nói lại cho toàn thể thế giới. Ta chỉ xin mọi người hãy ăn năn hối cải. Hãy sẵn sàng cho mọi sự và hãy hối cải. Hãy vất bỏ những gì cản trở các con ăn năn hối cải.” 
 
    Về việc cầu nguyện và đức tin, Bà nói: “Chớ gì họ (những người ở Mễ Du và những người đến viếng đây, kể cả những người nghe nói về Mễ Du) hãy tin như là chính họ được thấy; hãy tin vững vàng. Có nhiều tín hữu không cầu nguyện; đức tin không sống được nếu thiếu sự cầu nguyện.” 
 
    Khi các em hỏi, theo yêu cầu của một linh mục, người ta nên cầu nguyện với Đức Giêsu hay với Đức Maria, Bà đáp: “Xin hãy cầu nguyện với Đức Giêsu. Ta là Mẹ của Ngài và Ta chuyển cầu với Ngài cho các con. Nhưng mọi lời cầu nguyện đều dâng lên Đức Giêsu. Ta sẽ giúp đỡ các con: Ta sẽ cầu nguyện cho các con, nhưng tất cả mọi sự không tùy thuộc vào Ta. Nó tùy nơi sức mạnh của các con, sức mạnh của những người cầu nguyện.” 
 
    Về câu hỏi tại sao Bà lại chọn hiện ra ở Mễ Du: “Ta đã đặc biệt chọn giáo xứ này. Ta muốn bảo vệ các con và hướng dẫn các con trong Tình Yêu. Và bởi đó, Ta xin toàn cả giáo xứ hãy ăn năn trở lại, để khách hành hương tìm thấy ở đây một nguồn ơn hối cải.” Trong khi ban sứ điệp này, Bà cũng yêu cầu họ đọc lại một đoạn đặc biệt, trích từ Tin Mừng Thánh Matthêô, chương 6, câu 24 đến 34. (Đoạn này nói về sự tin cậy vào Chúa Quan phòng săn sóc mọi người).

Jelena, 10-11 tuổi, lúc em được Đức Mẹ bắt đầu phán bảo trong nội tâm.

 Trong Tuần Thánh, đặc biệt vào năm 1984, Đức Trinh Nữ Maria nói với giáo xứ qua em Jelena, một em được “thụ khải” (tức là chỉ được nghe tiếng Đức Mẹ phán bảo trong nội tâm): 
 
    “Các con hãy giang tay lên và mở lòng ra. Giờ đây, vào lúc Chúa sống lại, Ngài muốn ban cho các con một quà tặng đặc biệt, đó là: Các con sẽ trải qua nhiều thử thách một cách bình an. Chúng Ta (Chúa Giêsu và Đức Mẹ) sẽ ở bên các con và sẽ chỉ lối thoát cho các con, nếu các con chấp nhận Chúng Ta. Đừng nói rằng: Năm Thánh đã hết và không cần cầu nguyện nữa! Trái lại, hãy tăng cường cầu nguyện, vì Năm Thánh chỉ là bước tiến về phía trước.” Sau đó, Jelena cho biết là em được thấy Chúa Giêsu sống lại, với một luồng ánh sáng từ các vết thương của Ngài chiếu tỏa xuống dân chúng. Chúa Giêsu nói: “Hãy nhận lấy các ân phúc của Ta, và nói với toàn thể thế giới là hạnh phúc chỉ có được từ nơi Ta.” 
 
    Một điểm cuối cùng của phần viết trong loạt bài này là: Ngày nay, toàn bộ giáo xứ Mễ Du - dĩ nhiên trừ một số ít - tham dự các buổi thờ phượng ở Nhà thờ hằng ngày, các việc này thường kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ. Phép lạ lớn nhất và được coi như là một sự kiện đã được chứng thực, đó là sự hoán cải của toàn thể cộng đoàn giáo xứ, vốn đã trung thành, nếu xét theo những chuẩn mực của ta ngày nay. 

    * * *


    Lần này thì tôi rất sẵn sàng để trả lời cho mọi người. Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến - siêu thị, cây xăng, câu lạc bộ - đâu đâu người ta cũng nói về mấy bài báo của tôi. Một số đông xin tôi các bản sao của bài thứ nhất, vì họ chưa được đọc - hoặc của cả hai bài, để họ có thể chuyền cho người khác xem. Hầu như suốt cả tuần ấy, tôi sống như bay bổng trên mây. 

    ---o0o---