Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


 “Hãy cống hiến thời gian của con cho mình Chúa Giêsu mà thôi, rồi Ngài sẽ cống hiến trọn vẹn chính mình Ngài cho con...”

Chương 9

TÔI TIN...

    Sau đó ít ngày, tôi ghé qua ngân hàng. Khi đang bàn tán về sự kiện hiện ra với một trong những nhân viên, cô ấy nói cô rất buồn vì loạt bài báo đã chấm dứt, trong khi cô muốn nó cứ tiếp tục mãi, vì các biến cố tại Mễ Du làm cô rất xúc động. 
 
    Tôi nói với cô là tôi đã kể lại tất cả những gì có thể viết về các biến cố đó. Cô phản đối: “Đúng, nhưng anh chưa bao giờ thật sự cho biết ý kiến của chính anh. Chúng tôi biết những người khác nghĩ gì, nhưng còn chính anh, thực sự anh nghĩ gì?” 
 
    Tôi nhìn cô, khựng lại. Để giữ uy tín nhà báo, tôi đã cố gắng giữ tính khách quan. Tôi muốn độc giả tự rút ra kết luận, chứ không bị ảnh hưởng bởi những gì đã tác động hết sức mạnh mẽ đến tôi. Thử hỏi như vậy, tôi có quá đáng không? 
 
    Tôi cần phải suy nghĩ về điều đó. Và càng suy nghĩ, tôi càng thấy niềm kiêu hãnh nghề nghiệp của tôi đã ảnh hưởng biết bao đến quyết định giữ mức khách quan của tôi. 
    Xét cho cùng, một bài xã luận phải là một phương tiện trình bày tư tưởng cá nhân, đấy mới là mục đích của nó. Thế nhưng với loạt bài báo tôi viết vừa rồi, tôi đã mới chỉ coi nó như phương tiện thông tin thôi. 
 
    Như vậy, rốt cuộc, xem ra là tôi chưa viết bài cuối cùng. Sẽ phải có thêm một bài nữa - một bài tổng kết. Chỉ có một vấn đề: tôi sẽ diễn tả những cảm tưởng của mình về Mễ Du đến mức nào? Tôi vẫn không sẵn sàng để nói với bất cứ ai là tôi được nhận một sứ điệp riêng từ vị Khách thiên đình đó. 
 
    Khi về lại văn phòng, tôi khóa cửa và giam mình trong đó. Đầu óc tôi luôn sáng suốt, tỉnh táo, khi tôi ngồi trước máy đánh chữ. Thế là tôi cho giấy vào máy và bắt đầu diễn tả những cảm nghĩ riêng của tôi. Tôi tự bảo mình chỉ làm như thể suy nghĩ lớn tiếng, thế thôi, chứ không cố ý viết thành một bài báo. Nhưng đồng thời, tôi linh cảm thấy các ý nghĩ của tôi sẽ được phơi bày trên trang giấy, khi viết xong. 
 

Ngày 5-2-1986

Những ý nghĩ cá nhân về Mễ Du

 
    Tôi đã có đôi chút tự hứa với chính mình sẽ không viết về các biến cố Mễ Du trong một thời gian. Nhưng tôi thấy mình không làm vậy được - ít nhất cho đến khi tôi có được cơ hội để nói về vấn đề ấy theo quan điểm cá nhân của tôi. 
 
    Người ta có thể đề cập đến biến cố Mễ Du bằng nhiều cách. Có người hiếu kỳ, thích bất cứ điều gì khác lạ ngoài khuôn khổ bình thường chỉ vì tò mò; có những người không tin thì phỉ báng, giễu cợt những trò vớ vẩn vượt ngoài khuôn khổ mắt thấy tai nghe thông thường; và có những người tin. Họ tìm kiếm Dấu lạ và những lý do để củng cố lòng tin của mình. Đôi khi, họ tự biến thành nạn nhân vì quá cả tin. 
 
    Mễ Du có thể dẫn người ta vào một trong những cách xử lý trên, hay một cách nào khác nữa. Xét cho cùng, bạn đang giáp mặt với một biến cố bày tỏ một điều gì vượt quá sự thông thường. Chúng ta được bảo cho biết rằng Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Thân Mẫu Đức Giêsu, đang hiện ra với một nhóm thiếu niên, tại một làng xa xôi trong một nước Xã hội chủ nghĩa. Chúng ta được nghe nói là sự việc đó đã xảy ra từ ngày 24 tháng 6 năm 1981, và còn tiếp tục hiện ra cho đến hôm nay. Và chúng ta được nghe là ta phải cấp tốc hòa giải với Thiên Chúa càng sớm càng tốt, vì trên hoàn cầu loài người đang sa sút trầm trọng về lòng tin vào Thiên Chúa. 
 
    Nếu phải liệt tôi vào hạng người nào nói trên, thì tôi được xếp vào hạng người hiếu kỳ, đó là lý do chính khiến tôi quan tâm đến biến cố độc đáo này lúc đầu. Trong một lần nói chuyện với bạn bè, bất ngờ tôi nghe nói về Mễ Du. Thấy thích thú, tôi bắt đầu mày mò tìm hiểu. Tôi tưởng sẽ dùng câu chuyện này làm một bài báo hay cho mùa Giáng Sinh. Nhưng không ngờ, khi triển khai, thì bằng cách này cách khác, nó đã phát sinh thành một loạt bốn bài, mà tầm mức lại vượt quá khuôn khổ một bài xã luận thường kỳ của tôi. Nó đã trở thành một việc quan trọng bậc nhất trong đời tôi. Ít ra, tôi có cảm tưởng như vậy. Tại sao? Lúc ấy tôi không hiểu được. Bây giờ, thì tôi đã hiểu. 
 
    Phép lạ đích thực của Mễ Du là sự hoán cải của người dân sống ở đó. Nó cũng là sự hoán cải của những ai nghe về Mễ Du mà canh tân, hối cải và hòa giải, hoặc bất cứ danh từ nào mà các bạn muốn. 
 
    Đó là sự khám phá hay tái khám phá đức tin, đúng như ý nghĩa của nó. Một sự hiệp nhất lại với Thiên Chúa và những gì Ngài muốn nơi chúng ta. 
 
    Hằng ngày, thư bạn đọc yêu cầu gửi cho bản sao của cả bốn phần bay đến tòa soạn. Đến bây giờ, hơn 135 bản đã đến tay bạn đọc. Để được vậy, đòi hỏi mọi người phải gửi tới một bao thư dán tem, ghi sẵn địa chỉ; việc ấy chẳng mấy ai thích làm, trừ phi vì một điều gì đó rất quan trọng. Tôi đã nhận được vô số cú điện thoại gọi đến, và ở nơi nào tôi đến, người ta đều muốn nói chuyện về Mễ Du. 
 
    Hầu hết những người đã viết thư, gọi điện thoại hoặc nói chuyện với tôi về Mễ Du, đều thú nhận họ cảm thấy có một điều gì đang xảy ra tại đó - một điều không thể giải thích bằng những phương pháp khoa học thông thường. Phần đông chấp nhận nó vì nó như vậy. Một số người khác cho tôi biết biến cố đã thay đổi đời sống của họ. Nếu chỉ một ai đó cảm nghiệm được như vậy thôi, thì loạt bài này của tôi cũng đã đáng công rồi. 
 
    Cá nhân tôi, tôi tin Đức Trinh Nữ Maria đang hiện ra tại Mễ Du. Tôi tin mạnh mẽ đến nỗi tôi dự tính đến đó trong năm nay. Tôi không giải thích được niềm phấn khích mà biến cố ấy đã mang đến cho đời tôi. Tôi tin mạnh mẽ đến nỗi tôi dự định tiếp tục nghiên cứu, tham khảo về Mễ Du, và nói chuyện với những ai đã đến đó. 
 
    Tôi cũng hi vọng nhận được sự cho phép đăng lại trong loạt bài này những đoạn trích từ một trong những sách viết về Mễ Du. Đó là quyển sách cập nhật và đầy đủ nhất, lưu hành trong tháng 5 năm 1985. 
 
    Tôi luôn cố gắng viết đúng những gì tôi cảm nghĩ và tin tưởng. Theo tôi, đó là điều mà một nhà văn phải làm. Viết ra câu chuyện này với những cảm nhận thật của mình, quả là một điều hơi khác thường đối với tôi, nhưng tôi lại cảm thấy mình phải làm như vậy. 
 
    Chúc các bạn một tuần lễ tốt đẹp! 
 

* * *

 
    Bài viết này đã thật sự tóm tắt và tổng kết vấn đề. Nó còn ràng buộc tôi phải xưng ra những cảm nhận thật của mình trên giấy trắng mực đen - một điều mà tôi vô cùng mong, nhưng tôi cứ chần chừ, vì lý do này khác. Thông điệp Đức Trinh Nữ ban cho tôi đã bảo tôi: đây là sứ mệnh của đời tôi, nếu tôi chấp nhận. Trong khi nghiên cứu các sách về Mễ Du, tôi để ý thấy Người không hề bảo bất cứ ai phải làm một việc gì, Người luôn luôn chỉ yêu cầu thôi. Ngay cả các thị nhân cũng khẳng định Người chỉ yêu cầu - xin - chứ không bảo các em phải đi tu làm linh mục, hoặc nữ tu. Khi Ivanka và Mirjana cho thấy hai em dự định lập gia đình, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc nói đó là sự lựa chọn của các em, và Người sẽ tôn trọng. Tôi biết điều Người yêu cầu tôi, song hình như tôi coi đó chỉ là một yêu cầu chấp nhận viết về Mễ Du và sống một cuộc đời tốt hơn thôi. Còn lời kêu gọi lấy Mễ Du làm sứ mạng đời mình thì tôi phớt lờ. 
 
    Trong hai tháng qua, nhiều sự việc đã xảy đến như để giúp tôi tăng trưởng về mặt thiêng liêng rất cần thiết cho công tác, ấy thế mà lúc đó tôi không nhận ra. Sự việc thứ nhất: tôi khám phá ra chuỗi hạt Mân Côi. Chuyện là thế này: Có một bà bên Nhà thờ Công giáo vùng đó gọi điện thoại xin tôi gởi bản sao các bài báo cho bà. Bà tự giới thiệu bà là người phụ trách gian hàng bán đồ vật lưu niệm tại Nhà thờ, và bà gọi điện thay mặt một nhóm nữ tu ở đây. Bà nói: “Chúng tôi không biết cám ơn ông làm sao cho đủ, vì đã viết về Đức Mẹ Mễ Du. Các chị nữ tu và tôi có một món quà cho ông. Chúng tôi mong ông ghé qua Nhà thờ ngày thứ bảy, lúc năm giờ chiều. Chúng tôi muốn cho ông thấy chúng tôi đánh giá cao về những gì ông đã làm. Ông chỉ cần xin gặp bà Alford.”  
    Hết sức cảm động, tôi đồng ý ghé qua, tuy hơi ngại ngùng, vì tôi chưa bao giờ đến một Nhà thờ Công giáo. Gian hàng đồ vật lưu niệm nằm ngay ngoài hàng hiên, và tôi gặp bà ấy ở đó. Bà nói: “Cứ gọi tôi là “Taxi”, ở đây, người ta quen gọi tôi như vậy.” Rồi đưa tay ra, bà nói: “Dạ đây, tôi muốn tặng ông cỗ tràng hạt này. Nó từ Fatima đấy.” 
    Tôi nhìn xâu chuỗi hạt nhỏ bằng gỗ: “Ồ, cám ơn bà. Chắc vợ tôi sẽ thích lắm!” 
 
    - “Không, không, cái này là cho ông. Ông có muốn thêm một cái nữa cho bà nhà không?” 
 
    - “Ồ, không, đó chỉ là... ờ...ờ … tôi sẽ làm gì với cái này?” 
 
    Bà phá lên cười: “Đúng rồi! Ông đạo Tin Lành nên không biết chuỗi Mân Côi là cái gì. Đó là một loại kinh nguyện, tên Mân Côi, nghĩa là một vòng hoa hồng đặt dưới chân Đức Kitô. Cuốn sách bỏ túi này sẽ cho ông biết cách sử dụng. Ông biết không, ông cần phải tìm hiểu thêm về người Công giáo chúng tôi và những điều chúng tôi tin.” Bà mỉm cười tiếp: “Ủa, mà sao ông không đến dự lễ với tôi? Vài phút nữa là bắt đầu.” 
 
    - “À, tôi không biết, tôi phải...” 
 
    - “Thôi mà, không làm ông đau đâu!” bà mỉm cười, “với lại Lễ không lâu đâu.” 
 
    Thế là tôi dự Thánh Lễ Công giáo đầu tiên của tôi. Thoạt đầu, tôi hơi bứt rứt, nhưng sau đó thì ngạc nhiên, vì thấy Thánh Lễ Công giáo sao mà giống lễ nghi bên Tin Lành Lutêrô chúng tôi quá. Quả thực, chỉ trừ một vài từ, còn phụng vụ đôi bên hầu như y hệt. Điểm khác biệt chính yếu là phần Hiệp Lễ, hoặc phép Thánh Thể - như họ gọi. Tôi yêu mến việc phụng tự ấy. Khi tan lễ, tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà, nghĩa là cho đến lúc tôi được gặp vị mục tử (Cha Quản Xứ Nhà thờ đó). Tôi biết ông ít ra từ chín năm nay, vì cả hai chúng tôi là thành viên của câu lạc bộ dân sự địa phương. Khi đang chuyện trò với ông ở hàng hiên Nhà thờ, thì có một giáo dân nhận ra và nói với ông: tôi là tác giả của mấy bài báo về Mễ Du, “nơi mà Đức Thánh Mẫu Hồng Phúc đang hiện ra hơn bốn năm nay”, bà ta nói thêm. 
 
    Đột nhiên, ông bạn tôi lùi lại, khua tay và kêu lên: “Không, không, không! Anh đừng có dính dáng vào mấy cái trò hão huyền đó! Anh là một ký giả, Wayne ạ! Anh nên biết mấy chuyện đó không có thực, đó chỉ là những chuyện hoang đường, hoặc do tưởng tượng quá mức thôi!” 
 
    Chúng tôi đứng đấy trong im lặng sửng sốt. Cuối cùng, một trong các phụ nữ có mặt hỏi ông: “Thưa cha, cha không tin có việc hiện ra tại Mễ Du? Cha không tin Đức Mẹ đang hiện ra ở đó à?” 
 
    - “Dĩ nhiên là không!” ông kêu lên. “Tôi không tin bất cứ thứ hiện ra nào cả. Chúng ta không cần những cuộc hiện ra của Đức Mẹ hoặc của bất cứ ai; chúng ta chỉ cần không rời mắt khỏi Chúa Giêsu. Chỉ có thế thôi!” 
 
    Tôi choáng váng; tôi vừa nhận được phản ứng tiêu cực đầu tiên đối với các bài báo - mà lại từ một linh mục Công giáo! Sau vài phút nói chuyện gượng gạo, tôi cám ơn bà “Taxi” về món quà xâu chuỗi của bà và xin kiếu. 
 
    Tôi khó mà xua đuổi khỏi đầu câu trả lời tiêu cực của linh mục vừa rồi, và linh cảm đấy sẽ không phải lần cuối tôi phải nghe câu trả lời kiểu đó. Tôi cứ ngây thơ tưởng là mọi người Công giáo đều đơn giản nhìn nhận những vụ hiện ra như là một phần của Giáo Hội họ. Sau này, tôi mới khám phá ra giữa những người Công giáo với nhau, kể cả linh mục và tu sĩ, cũng có những tranh cãi về Đức Trinh Nữ Maria và những vụ hiện ra, như trong những giáo phái Kitô giáo khác. 
 
    Trong lúc ấy, tôi ra sức tìm hiểu về kinh Mân Côi. Tôi mới vỡ lẽ ra, kinh Mân Côi không phải là của riêng bên Công giáo, mà là một kinh nguyện đẹp đẽ. Nhưng lần đầu tiên khi đọc thử, tôi không tài nào tập trung tâm trí lâu đủ để nhận ra cái đẹp của ý nghĩa kinh ấy. 
 
    Xét kỹ lại thì ra, trước khi được biết về Mễ Du, thời gian tôi dành cho việc cầu nguyện dồn lại chỉ được chừng năm phút mỗi tuần. Còn việc lần hạt này, nếu đọc cho sốt sắng thật lòng, phải mất tối thiểu 20 phút.  
    Chính trong thời gian hồi sức sau bệnh cúm, tôi bắt đầu nghiệm được cái hay đẹp và sức mạnh của kinh Mân Côi. Tôi khám phá ra rằng đó là một kinh nguyện tổng hợp những suy niệm và những câu Lời Chúa trích ra từ Kinh Thánh, tập trung vào cuộc đời Chúa Giêsu. Thật vậy, nó như là tiểu sử rút gọn của cuộc đời Chúa Giêsu. Tôi quyết tâm nguyện kinh này hằng ngày - không phải vì Mễ Du, hay đặc biệt vì sùng kính Đức Maria, mà là vì chính tôi. Chưa bao giờ tôi có cảm giác hầu chuyện với Chúa một cách sâu đậm đến như thế. 
 
    Rồi đến sự việc đi thăm Cha Sylvester Scotti lần thứ hai. Trước đó, bài xã luận thứ tư đã ra mắt độc giả và cha Scotti đã đọc bài phỏng vấn ông trong đó. Mấy hôm sau, ông gọi tôi để cám ơn, nhưng giọng ông lại nghiêm trọng một cách không tự nhiên. Ông muốn tôi đến thăm ông càng sớm càng tốt. Ông gọi đến, tôi mừng quá, vì tôi rất muốn gặp ông lần nữa. Tôi cũng nghĩ ông có thể sẽ chỉ cho tôi biết nên đọc tiếp sách nào. “Chiều này thì sao ạ?” tôi hỏi, hi vọng ông sẽ rảnh. 
 
    - “À... Tôi có một cái hẹn đi ăn tối nay, nhưng trước đó, tôi gặp anh cũng được.” 
 
    Tôi bảo đảm sẽ có mặt ở đó trong vòng một giờ nữa. Đến nơi, tôi nhận thấy có vẻ gì khang khác nơi ông. Vẫn mừng khi gặp tôi như lần trước, nhưng lần này, ông có vẻ nghiêm nghị hơn, và hơi lo lắng. Cà phê có rồi, chúng tôi nói chuyện với nhau hơn hai giờ. Sau cùng, ông nhắc tôi ông có cái hẹn tối nay và không còn nhiều thời gian để bàn bạc với nhau. “Tôi có mấy quyển sách muốn tặng anh đây”, ông vừa nói, vừa trút hết sách trong kệ ra cho tôi. 
 
    Đa số sách ấy viết về Đức Maria - lịch sử vai trò của Người trong Giáo Hội; chuyện về các linh mục và những người có lòng sùng kính Người. Nhiều quyển khác viết về Giáo Hội tiên khởi. Phút chốc, chúng tôi đã làm đầy một thùng giấy lớn. Tôi cam đoan sẽ đem trả lại cho ông ngay khi đã đọc xong. 
 
    - “Cứ giữ đi!” ông nhấn mạnh và bằng một cử chỉ khua tay, gạt ý định trả sách lại của tôi. “Anh biết không”, ông nói với vẻ đăm chiêu, “Tôi hiến trọn đời tôi cho Đức Maria. Cứ mỗi kỳ nghỉ mà tôi có được, tôi đều đến Fatima hoặc Lộ Đức, hoặc Knock - những nơi Người đã hiện ra.” ông ngừng một chút, “Chắc là tôi đã biến thành một người kỳ quặc”, ông thở dài, “nhưng tôi cho là đáng công. Và dĩ nhiên, Mễ Du là nơi vượt trổi hơn hết!” Ông nhìn đồng hồ tay: “Tôi phải sửa soạn để đi. À này, còn một cái tôi muốn tặng anh trước khi anh về. Đợi một chút để tôi đi lấy.” 
 
    Ông trở lại, tay ôm một thùng gỗ cao khoảng 1 mét, rộng 30 phân. Đó là một bức tượng Đức Maria: “Bức tượng này rất đặc biệt”, ông giải thích, “Tôi đem đi Roma và được Đức Giáo Chủ làm phép. Làm chuyện này kể cũng điên thật, nhưng hễ tôi đi Mễ Du, tôi cũng đem theo luôn.” Ông im lặng và nhìn vào mắt tôi: “Tôi muốn anh đem về nhà, giữ nó vài tuần.” 
 
    - “Cha Scotti, tôi không thể nhận cái này được! Tôi làm vỡ mất.” Tôi cứ mường tượng bộ mặt của Terri, khi tôi bước vào nhà với một bức tượng Đức Trinh Nữ Maria cao 1 mét như vậy. Nàng vẫn lo tôi “bị ám ảnh bởi Mễ Du”, như cách nói của nàng. 
 
    - “Không”, ông nói nghiêm trang đến nỗi tôi không còn cách nào cãi được, “Anh phải nhận lấy. Tối nay, cứ giữ lấy trong vài tuần.” 
 
    Tôi thở dài, miễn cưỡng chấp nhận, rồi hai chúng tôi mang bức tượng và thùng sách ra xe. Sau khi “cốp” xe đã đóng lại xong xuôi, ông tỏ vẻ vô cùng nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng nghĩa vụ nào đó. Ông mỉm cười: “Rồi đó, anh đã được giao cho tất cả những thứ này. Hãy sử dụng chúng thật tốt!” 
 
    - “Vâng, tôi hứa.” tôi mỉm cười. “À, tuần tới, tôi có việc phải đi ra ngoài thành phố vài ngày, nhưng khi tôi về, chúng ta sẽ gặp lại. Thứ hai, tuần sau nữa, được chứ ạ?” 
 
    - “Được, được”, ông lơ đãng gật đầu. Tôi nhủ thầm sẽ gọi điện để nhắc ông. 
 
    - “Xin Chúa ở với anh, Wayne ạ!” ông nói lặng lẽ. 
 
    - “Và cũng ở với Cha nữa”, tôi vui vẻ nói qua cánh cửa mở. “Thứ hai sau nữa sẽ gặp lại Cha nhé!” 
 
    Trên đường về, tôi cố nghĩ cách để đưa bức tượng Bà Maria vào nhà. Chuyện không dễ chút nào. Terri đang lo là tôi nhiệt tình quá đà, mà đây sẽ là bằng chứng cụ thể. Nhưng may quá, khi tôi đến nhà, thì nàng đang bận làm cơm tối trong bếp. Phòng giặt ở ngay cạnh nhà để xe, nên tôi đưa cái thùng gỗ vào đấy và mở ra. 
 
    Bức tượng làm bằng thạch cao, tô màu bằng tay rất thanh nhã, tôi nghĩ đây là vật đẹp nhất tôi chưa từng thấy! Tôi cẩn thận lấy tượng ra khỏi thùng, rồi nhón chân bê nó đi ngang qua nhà bếp, vào phòng ngủ và đặt nó lên trên một cái bàn thấp. Xong rồi, tôi gọi Terri và Kennedy vào phòng ngủ. 
 
    Tôi đứng ngay cửa để quan sát sắc mặt của hai người. Kennedy thì ngỡ ngàng, còn Terri nhíu mày, tay chống nạnh và quay lại phía tôi. 
 
    - “Cái này đẹp quá hả em?” tôi hỏi, hi vọng tháo được ngòi nổ tôi thấy trong mắt nàng. 
 
    - “Đẹp!”, nàng nói thong thả, vừa lắc đầu. “Em không ngờ là anh đã đi xa đến thế trong cái vụ Bà Maria này! Anh lấy ở đâu ra cái này?” 
 
    - “Cha Scotti bảo anh đưa về nhà giữ trong vài tuần.” 
 
    - “Anh biết không, anh thật làm em lo lắm! Anh nói câu nào thì cũng là Maria, Maria! Vậy còn chỗ nào cho Chúa Giêsu?” 
 
    Sửng sốt bởi câu đáp của nàng, tôi lắp bắp: “Terri à, anh hiện cầu nguyện với Chúa Giêsu, anh chưa bao giờ gần gũi với Ngài hơn bây giờ. Thực ra, bây giờ anh cầu nguyện nhiều hơn bao giờ hết - tất cả là nhờ Đức Maria. Người chỉ đường cho anh đến với Chúa và anh không đặt Người choán chỗ của Chúa Giêsu đâu, tin anh đi!” 
 
    Nàng cứ lắc đầu, chẳng buồn nghe tôi nói. “Vậy thì anh sẽ đưa nó ra khỏi đây”, tôi thở dài nói với sự nhẫn nhịn, “để đặt ở phòng khác.” 
 
    - “Không, để yên đó. Anh đừng lo, có hai tuần thì em sống với nó được.” 
 
    Thứ hai sau, tôi đi công tác, và khi gọi điện về nhà đêm đó - như tôi vẫn làm khi đi xa -, Terri trả lời với giọng hơi khang khác. Tôi hỏi nàng có chuyện gì xảy ra, nhưng nàng trấn an tôi là mọi sự đều yên ổn. Khi về đến nhà tối thứ năm và khi đã cho bọn trẻ đi ngủ, tôi mới biết đó là chuyện gì. Terri nói cách bình tĩnh: “Em phải nói cho anh hay chuyện này. Hôm thứ hai, Jim Stoffel gọi điện thoại báo cho biết cha Scotti đã qua đời sáng hôm ấy, do một cơn đau tim đột ngột. Em không muốn nói với anh qua điện thoại trong lúc anh đang đi xa.” 
    Tôi ngồi đừ ra đấy, bần thần vì hung tin, rồi đi vào phòng ngủ. Tôi đóng cửa lại, ngồi ở mé giường, đăm đăm nhìn bức tượng Đức Maria. Nước mắt tôi lăn dài trên má. Bất chợt, tôi nghe như có tiếng cười của cha Scotti, và tôi cảm thấy lòng mình trào dâng một niềm vui. Tôi thấy chuyện ấy, một cách nào đó, không thể buồn được. Dường như tôi đã hiểu ra: cha Scotti đã nhận được điều ông mong ước từ lâu: một chỗ trên thiên đàng. 
 
    Tôi ra khỏi phòng, đến với Terri và nói cho nàng cảm nghĩ của tôi: “Anh tin là ông bây giờ đang ở trên thiên đàng, và ông được hạnh phúc, rất, rất hạnh phúc!” Tôi lắc đầu: “Đây là một cảm giác lạ lùng nhất!” 
 
    - “Jim Stoffel biết anh sẽ bị đau buồn, nên anh ấy...” 
 
    - “Nhưng anh không đau buồn, không như anh ấy nghĩ đâu. Anh chỉ mừng cho cha Scotti thôi. Anh thật tình không thể giải thích điều đó được.” Tôi cau mày, “Mặc dù vậy, anh cũng không biết phải làm gì với bức tượng bây giờ. Anh nhớ hình như ông có nói về một người em gái ở đâu đấy - hoặc cũng có thể ông muốn anh giữ bức tượng đó luôn chăng?” Terri cắt ngang: “Em không thích nói cho anh điều này, nhưng Jim Stoffel bảo bức tượng đó không thuộc về cha Scotti, nó thuộc về địa phận, và phải được trả về cho địa phận, để cho các Nhà thờ thay phiên mượn. Anh ấy nói nếu sáng mai anh đem qua nhà anh ấy, anh ấy sẽ mang đi trả giùm anh.” 
 
    Tim tôi tan nát, nhưng cuối cùng, cũng phải đồng ý. Tối hôm ấy, khi nghĩ về hai lần đến thăm cha Scotti, tôi nhận ra là ông đã cho tôi biết bao điều, duy chỉ trong một thời gian ngắn như vậy - vượt xa những quyển sách và pho tượng. Hơn nữa, tôi tin chắc, một cách nào đó, ông biết mình sắp chết, nên đã chủ tâm tặng cho tôi tất cả các thứ ấy. (Điều này đã được cô em của ông xác nhận với tôi như vậy sau này, khi tôi gặp cô trong một chuyến đi thuyết trình tại bang Florida). 
 
    Sáng hôm sau, khi nhẹ nhàng đặt pho tượng vào thùng, tôi nói với Terri: “Đấy, chắc em sẽ sung sướng khi thấy pho tượng này ra đi.” 
 
    - “Không”, nàng nói với giọng nghẹn ngào, “tượng đẹp thật!” Và nước mắt nàng trào ra. 
 

---o0o---