BÀ LÀ AI ?
CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.
[BBT] Mạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.
“Quanh mỗi ốc đảo bình an, thì có một sa mạc nơi Satan đang rảo quanh, rình rập. Chỉ bằng cầu nguyện, các con sẽ thoát khỏi mọi ảnh hưởng của Satan...”
Chương 16
TRỞ LẠI MỄ DU
Bay một mình tới Dubrovnik thật khác hẳn. Không có những người hành hương khác để cùng chia sẻ nguyện ước, trao đổi chuyện trò, chuyến bay dài chín giờ xem ra lâu gấp đôi chuyến đi lần trước. Chúng tôi đáp xuống phi cảng, và tôi càng thấy đơn độc hơn khi người phụ nữ mặc đồng phục, mặt lạnh như tiền ngồi ở quầy kiểm tra giấy thông hành cầm lâu giấy thông hành của tôi - giữ nó một hai phút, từ từ giở từng trang từ đầu tới cuối, trước khi quẳng nó lại cho tôi... Không một lời giải thích, bà ta chỉ muốn cho tôi biết ai là người nắm quyền kiểm soát ở đây.
Tôi cứ tảng lờ, rồi đi tìm hành lý. Ruột gan tôi như thắt lại. Thật là hoàn toàn khác với chuyến đi lần trước: không có ai hướng dẫn tôi phải đi đâu và phải làm gì, không có chiếc xe buýt thân thiện nào đưa tôi tới Mễ Du, không có một tiện nghi nào dành cho tôi khi đến đó. Ngay cả ở trạm cho mướn xe, bản đồ chỉ đường cũng không có. Hãng du lịch chuyên lo những chuyến bay công tác cho tôi đã đặt sẵn một chiếc Renault, và ngay khi tôi làm quen được với cần sang số nhô lên từ cái bảng điều khiển, tôi đã sẵn sàng để đi.
Năn nỉ mãi, tôi mới được nhân viên cho mướn xe miễn cưỡng cho mượn bản đồ chỉ đường độc nhất của ông, với lời hứa phải trả lại cho ông ta. Tôi quay chiếc xe màu đỏ nhỏ xíu ra khỏi bãi đậu xe của phi trường, đầu óc chỉ nhớ mang máng nơi tôi phải đến, nhưng lòng tôi thì quá hồi hộp.
Tôi dừng xe lại cho một bạn trẻ quá giang: hi vọng anh ta có thể chỉ cho tôi đi đúng đường tới Mễ Du, mà tôi biết là cách đó 150 cây số. Anh ta nói được đôi chút tiếng Anh, nhưng đã chỉ đúng hướng, và nói rằng: từ (phi trường) Dubrovnik tới vùng chúng tôi sắp đi tới không có nhiều đường xá ngang dọc, nên không khó tìm ra ngôi làng ấy.
Tôi bắt đầu thưởng thức cảnh đẹp trên đoạn đường ven bờ biển Adriatique, chạy ngoằn ngoèo qua xóm nhà bé xíu bám vào vách đá cheo leo. Cả một vùng bờ biển lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Ngay cả những tay lái xe điên rồ đang qua mặt tôi vèo vèo ở những khúc ngoặt thật gắt cũng không làm tôi khó chịu; tôi đang trở về với ngưỡng cửa của thiên đường.
Mễ Du không có tên trên cái bản đồ cũ mèm mà nhân viên cho thuê xe đã cho tôi mượn hồi nãy. Nhưng có tên Mostar, và thành phố đó, tôi biết chỉ cách Mễ Du khoảng 30 cây số. Lái xe độ một giờ dọc theo bờ biển thì đến chỗ rẽ dẫn tới vùng ấy. Càng đến gần, tôi càng hồi hộp. Cuối cùng, khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi rời khỏi phi trường, phong cảnh bắt đầu trông quen thuộc.
Citluk đây rồi! Tôi lái xe thẳng đến căn nhà nhóm chúng tôi đã trọ, và tôi xin thuê phòng với bà chủ nhà rất đỗi ngạc nhiên khi nhận ra tôi, nhưng chỉ được thuê trong ba ngày thôi. Ngay lúc ấy, tôi nhớ ra một người đàn ông tôi gặp ở đó hồi tháng năm. Ông ta có một tiệm buôn nhỏ và đang xây một căn nhà để cho khách du lịch thuê. Ông đã dặn tôi nếu có bao giờ trở lại đây và cần phòng trọ thì đến gặp ông. Tôi tự dặn mình phải nhớ đi tìm ông ngày hôm sau.
Nôn nóng trở lại Nhà thờ để một lần nữa cảm thấy sự bình an, thanh thản của ngôi làng và những người dân ở đó, tôi vội vàng tháo hành lý ra, rồi lên xe trực chỉ Mễ Du. Núi Krizevac hiện ra, tim đôi đập mạnh và miệng tôi kêu lên lớn tiếng những lời cảm tạ và biết ơn Thiên Chúa đã đem tôi trở lại chốn này.
Sự vui mừng của tôi đột ngột bị ngưng lại khi tôi rẽ vào khúc ngoặt kế tiếp và nhìn thấy một xe cảnh sát màu trắng, trên đỉnh có đèn xanh và bên hông có chữ Milicia màu xanh to tướng. Cảnh sát nổi tiếng là hay chận xe lại chỉ để quấy rầy. Lúc ấy tôi nghĩ: thay vì đi làm nhiệm vụ đơn độc như thế này, giá có phải đi cùng với một nhóm đông người thì tôi cũng chẳng lấy gì làm phiền. Nhưng không ngờ họ không quấy rầy tôi; thở dài nhẹ nhõm, tôi đi thẳng luôn. Qua khỏi chiếc cầu nhỏ, tôi liền thoáng thấy hai tháp chuông Nhà thờ Thánh Giacôbê. Tôi đã về lại với Mễ Du rồi!
Đậu xe trước Nhà thờ, tôi chạy ào vào bên trong và quỳ ngay xuống một chỗ ở cuối. Không lời nào diễn tả được nỗi lòng của tôi - sung sướng biết bao khi lại được ở giữa những người dân này, được nghe những âm thanh của Mễ Du, được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc từ chuyến đi đầu tiên, và - một lần nữa - được ở giữa đoàn người được đặc ân đến đây hành hương. Khi một nhóm phụ nữ cao tuổi, với y phục đen và khăn choàng đầu đen vừa đi quanh tượng Đức Maria (ngoài sân Nhà thờ) bằng hai đầu gối, vừa cầu nguyện sốt sắng, thì tất cả sự thánh thiện và sùng mộ cao độ - vốn là hiện thân của sự cải hối chung của dân làng - chất đầy trong tim tôi giờ đây rồi trào dâng lai láng. Mới hơn bốn giờ chiều mà Nhà thờ đã đầy ắp người đến để cầu nguyện, đọc kinh và chuẩn bị dự Lễ chiều theo lệ thường vào lúc sáu giờ. Khi khách hành hương bắt đầu ngồi chật các hàng ghế dài, tôi lại sửng sốt lần nữa trước sự biến dạng không thể tin được của làng quê bé nhỏ này nhờ một biến cố siêu nhiên, vốn đã mang cả thế giới đến đây thờ kính. Biết bao Nhà thờ trên khắp nước Mỹ đang phải van xin người ta đến; còn ở đây, người ta đến trước hai giờ chỉ để được lọt vào bên trong...
Tôi đang mải mê suy nghĩ, thì bỗng thấy Cha Tomislav Pervan, cha xứ Nhà thờ Thánh Giacôbê, đang đi lên từ lối đi chính trong Nhà thờ. Cha Svet đã dặn tôi: khi đến nơi phải liên lạc với ông qua cha Pervan, vì đó là cách tốt nhất và an toàn nhất để gặp ông tại Konjic.
Tôi nhớ lại lần nói chuyện với cha Svet qua điện thoại, sau khi Terri đồng ý để tôi trở lại làm việc với cha. Tôi đoán lần nói chuyện đó đã bị theo dõi. Quả thực tôi đã mất một lúc mới hiểu ra. Vị tu sĩ ở tu viện Konjic (trực và) trả lời điện thoại không biết nói tiếng Anh, nên tôi đoán là ông không hiểu những lời tôi nói gì mấy.
Sau một hồi lâu mới thấy cha Svet cầm máy. Tôi hỏi: “Cha Svetozar phải không?”
- “Vâng, ai ở đầu dây đó?”
- “Tôi là Wayne Weible, gọi từ bên Mỹ. Cha có nhớ tôi không?”
- “À, vâng, anh Wayne, nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Anh có khoẻ không?” Có điều gì như do dự, ngập ngừng trong giọng nói của ông, như thể ông không thoải mái nói chuyện...
- “Vâng, tôi rất khoẻ, thưa cha. Tôi gọi để cho cha hay là tôi sẽ trở lại Mễ Du vào tháng sáu để giúp cha làm xong quyển sách. Tôi sẽ đến...”
- “Không, không”, ông vội vàng ngắt lời tôi, rồi tiếp: “À, tôi biết là anh sắp đến với một đoàn hành hương - tốt, rất tốt đấy!”
Tôi chưng hửng, nín khe, rồi ngay đó, tôi chợt hiểu ra vấn đề. Nam Tư là một nước xã hội chủ nghĩa và cha Svet là một khuôn mặt hết sức nổi tiếng và có ảnh hưởng (cũng giống như cha Jozo, khi còn là Cha xứ của giáo xứ Thánh Giacôbê, đã bị tù khổ sai 18 tháng). Cha Svet luôn bị Nhà Nước theo dõi chặt chẽ và bị làm khó dễ thường xuyên, kể từ ngày ông đi tham quan nước Mỹ về, tại đó ông có trình bày một số vấn đề bị Nhà Nước cho là chống chính phủ. Điện thoại của loại người này thì tất nhiên phải bị theo dõi.
Biết vậy, tôi cố nói với giọng thờ ơ: “Vâng, tôi sẽ đến với nhóm Trung Tâm Hòa Bình để viết cuốn sách của tôi. Tôi rất mong gặp lại cha.”
Bây giờ, quỳ trong Nhà thờ Thánh Giacôbê, tôi thấy như sự quan phòng đã sắp xếp cho tôi được gặp cha Pervan khi tới đây chưa được mười phút. Tôi lách ra lối đi và tự giới thiệu với vị linh mục Phan Sinh có bộ mặt cương nghị với đôi mắt nâu lấp lánh này. Tôi nói với ông tôi đến để làm việc với cha Svet về quyển sách mới của ngài, và tôi nhờ ông gọi cho cha Svet biết tôi đang ở đây.
Cha Pervan nói vỏn vẹn: “Anh đến đây với tôi!” Tôi đi theo ông đến Nhà xứ, ngang qua “gian phòng hiện ra”, vào bên trong một cái cửa dẫn đến khu sinh hoạt. Ông mời tôi ngồi rồi gọi điện. Nói vài tiếng Croát rồi đợi, sau đó ông đưa điện thoại cho tôi.
- “Cha Svet?”
- “Vâng, ai đó?”
- “Thưa Wayne Weible trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Cha khoẻ không?”
Một phút im lặng rồi: “A, anh Wayne, được nghe tiếng anh tôi vui lắm!” Tôi nói với ông là tôi ở đây ba tuần để viết sách. “Thế thì tuyệt quá! Tối nay tôi sẽ đến đó, chúng ta sẽ nói chuyện sau Thánh Lễ.”
Tôi chào tạm biệt rồi gác máy. Tôi cám ơn cha Pervan đã giúp đỡ, ông chỉ mỉm cười và tiễn tôi ra tận cửa Nhà xứ. Trên đường ra ngoài, tôi dừng chân một lúc bên ngoài “gian phòng” - khoảng không gian nhỏ bé mà hằng triệu người trên thế giới mong được có mặt, khi Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc hiện ra cho các thị nhân Croát. Một giờ nữa thôi, nơi đây sẽ diễn ra những cảnh năn nỉ, chen lấn, cãi cọ và cầu nguyện sốt sắng như thường xảy ra mỗi buổi chiều. Tôi nghĩ chưa bao giờ tôi đến được gần “gian phòng” ấy như bây giờ.
Đã gần 4 giờ 30 chiều, nghĩa là tôi còn khoảng bốn tiếng nữa trước khi cha Svet đến. Mệt rã rời, nhưng phấn khởi được ở đây, lại đã nhanh chóng thu xếp một cuộc hẹn với người bạn dòng Phan Sinh của tôi, tôi bắt đầu thả bộ quanh làng - với cảm giác kỳ quặc là mình đang thực sự hít vào những hình ảnh, những âm thanh, và sự thần bí của nó.
Khi nhìn quanh, tôi giật mình nhận thấy Mễ Du, với tất cả dáng vẻ bên ngoài của nó, khó có thể được coi là nơi xảy ra một biến cố như thế. Mặc cho mọi sự giao động đang dồn dập đến, ngôi làng vẫn lặng lẽ, bình thản trong nếp sống đơn sơ, dân dã. Tôi tránh qua một bên lề đường, nhường chỗ cho một phụ nữ đi qua với bầy dê của bà. Bà mỉm cười và gật đầu với tôi, nói vài câu, tôi đoán là để chào tôi. Cử chỉ hiếu khách của bà đối với tôi - một người ngoại quốc đang đến với đất nước của bà - tiêu biểu cho thái độ của đa số dân làng, vốn vẫn tiếp tục sống như trước, không hề bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện thường xuyên của khách hành hương ngày càng đông.
Tuy nhiên, làn sóng người nước ngoài quả đã tác động mạnh trên sinh hoạt hằng ngày tại Mễ Du và vùng lân cận. Bây giờ bắt đầu có tiền, rất nhiều so với mức sống địa phương, mà các loại ngoại tệ đều có giá trị hơn đồng đi-na của Nam Tư.
Ngày nay đã có nhiều quán cà phê hơn. Còn những con đường hẹp, có vỉa hè sơ sài hoặc không có gì hết nối liền năm thôn xóm của Mễ Du, thì chỉ thích hợp để đi bộ, lùa gia súc, hoặc làm sân chơi cho trẻ em hơn là để từng dòng xe hơi, xe buýt khổng lồ chở khách liên tục lăn bánh choán hết chỗ.
Với tất cả cơ sự này, dân làng trông vẫn như có một sự bình an trong nội tâm và một sự đại lượng trước những xáo trộn ngày càng gia tăng này. Một số người cũng đã vật lộn với nó và bực bội trước những thay đổi; một số khác chào đón nó, đơn giản vì nó có lợi cho mặt thương mại. Nhưng phần lớn lại rất lịch sự và ân cần giúp đỡ người hành hương - như người đàn bà chăn dê kia đã làm. Trong một vùng nổi tiếng vì những mối thù truyền kiếp giữa các cộng đồng cư dân, chính sự thay đổi này của Mễ Du đã nổi bật lên như ngọn đèn hiệu dẫn đường trong đêm tối, minh chứng cho tính xác thực của những cuộc hiện ra.
Khi lang thang trên đường, tôi thấy những công trình xây dựng mọc lên khắp nơi. Điều mỉa mai là, trong năm năm đầu tiên, chính phủ đã nhìn sự kiện hiện ra với con mắt nghi ngờ và thù địch, thì nay lại ra công tới tấp lợi dụng nó. Từ “lợi dụng” thật đúng cho trường hợp này: không cần phân biệt khách du lịch hay khách hành hương, họ chỉ chằm chằm nhắm vào lợi nhuận người nước ngoài đem đến. Tuy vậy, mặc dù những tiện ích đang tăng vọt, những nhà hàng và vệ sinh công cộng vẫn còn thiếu một cách đáng ngạc nhiên.
Trong khi đó, đa số khách hành hương vẫn tiếp tục ở trọ tại nhà của dân làng, nhiều người trong số họ đang ghép thêm phòng vào những căn nhà bằng đá trần trụi của họ. Đây là một phương sách chậm chạp, buồn tẻ. Họ phải đợi đến khi có đủ tiền mới mua vật liệu xây dựng - nếu có bán ở cửa hàng - rồi mới làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ cuối tuần để có được căn phòng phụ. Tất cả mọi thành phần trong gia đình đều tham gia vào công việc đó, từ đứa con nhỏ nhất đến ông bà ở chung trong nhà.
Tôi ghé vào một quán cà phê để nhâm nhi một tách cà phê đậm đà, đặc sánh, đặc sản truyền thống từ thời thống trị lâu dài của Hồi giáo. Ở đây, phòng tắm thì không có bao nhiêu, nhưng những loại quán cóc và quày hàng bán đồ vật̀ lưu niệm thì dầy dẫy khắp nơi. Họ bán đủ thứ, từ ảnh tượng Đức Mẹ bằng nhựa, cho đến món bánh pizza, và họ lấn dần vào đất Nhà thờ. Phần nhiều quán xá đều do các đảng viên hoặc người Hồi giáo gốc dân du mục Gypsy quản lý; cả hai nhóm đều hăm hở làm ăn nhờ vào đoàn lũ người hành hương Kitô giáo. Các linh mục địa phương dùng đủ mọi biện pháp để gìn giữ tinh thần của sự kiện hiện ra khỏi bị lấn áp bởi thói buôn bán vụ lợi, đã khuyến cáo dân làng không mua gì ở các quán xá. Nhưng chính Nhà Nước đã cho phép họ đặt địa sở trên đất Nhà thờ và vùng quanh đó.
Kinh doanh chỉ là một khía cạnh của những đụng độ liên tiếp giữa các linh mục Phan Sinh và viên chức chính quyền, kể từ khi có những cuộc hiện ra. Trong năm năm đầu, họ hạch sách, làm khó dễ các linh mục, các thị nhân, dân làng và cả khách hành hương; những khách hành hương đầu tiên thường bị chận xe dọc đường, ngoài lãnh địa Mễ Du (nơi mà tôi đã gặp xe cảnh sát) để lục soát hành lý. Nếu người nào bị phát giác đem đồ đạo “buôn lậu” vào trong vùng, thì sẽ bị thẩm vấn rất lâu giờ. Máy bay trực thăng đến từ Mostar thường là là trên khu vực đó để quan sát, và liệng thật thấp trên mái Nhà thờ trong các giờ kinh lễ.
Do sự phát triển kinh tế phát xuất từ sự kiện hiện ra, chính quyền buộc lòng phải giảm bớt thái độ cứng rắn, nhưng vẫn cứ khó chịu về điểm cốt yếu của tình hình [......]. Và thêm một cảnh trớ trêu nữa trong vụ Đức Maria này, mà họ châm biếm gọi là “Đức Bà đỏ”, đó là: Mễ Du nay đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Nam Tư.
Tôi quay về Nhà thờ vừa kịp giờ Lễ chiều. Trời đẹp quá!
Thay vì gắng đi vào bên trong, tôi ngồi lại trên mấy bậc cấp trước Nhà thờ, nơi các gia đình Croát đang tụ tập vì bên trong đã đông nghẹt. Thật là tuyệt diệu khi được nghe lại tiếng hát cung đàn trong Nhà thờ vang lên hòa với tiếng chuông ngân. Sự thanh thoát, an bình của Thánh Lễ và làn gió hiu hiu của mùa hè ấm nóng hầu như xóa tan mọi nhọc mệt. Đây quả là ngưỡng cửa của thiên đàng.
Những dịp lễ lớn, trong Nhà thờ không còn chỗ, dân chúng tràn ra ngồi đầy ngoài sân. |
Đến phần giảng thuyết, tôi thấy cha Pervan đi len lỏi giữa đám đông ngồi ngoài Nhà thờ. Tôi mỉm cười, nhớ lại những gì đã đọc về ông. Ông đến Mễ Du ít lâu sau những ngày hiện ra đầu tiên, và đã hết sức nghi ngờ tính xác thực của sự kiện. Ông đòi phải có một cuộc tra xét kỹ càng và ngay lập tức chống đối với các em về mọi mặt, thậm chí còn đề nghị trừ tà cho các em. Sau khi cha Jozo bị bắt không lâu, cha Tomislav Pervan đã phải sửng sốt khi được ủy nhiệm làm vị Chánh xứ mới của giáo xứ Thánh Giacôbê, và như thế, đảm nhiệm luôn công việc liên quan đến cuộc hiện ra mỗi ngày.
Sau đó không lâu, sự kiên định trước sau như một và sự thành thật của các thị nhân đã mạnh mẽ thuyết phục được ông tin rằng đang có một điều phi thường xảy ra. Nếu không nhờ lòng tin và sự lãnh đạo mạnh mẽ, vững chắc của ông, không biết Mễ Du có phát triển được thành một thánh địa linh thiêng, hùng mạnh như ngày nay không.
Hồi mới bắt đầu nghiên cứu, tôi có xem một băng vidéo, trong đó, cha Pervanmô tả những thay đổi trong làng: “Có thể vạch một lằn ranh kể từ ngày 24-6-1981: có một Mễ Du trước ngày đó và một Mễ Du sau ngày đó; trước kia, nó là một ngôi làng như mọi làng khác; sau khi Đức Mẹ bắt đầu hiện đến, nó khởi sự thay đổi, và dân làng khởi sự sống Phúc Âm. Có thể sánh họ với các môn đệ Chúa Giêsu trước sự kiện phục sinh: trước khi Chúa sống lại, họ là những môn đệ bình thường; sau khi Chúa sống lại, họ thành những môn đồ được giác ngộ.”
Có vẻ như các linh mục dòng Phan Sinh tại Nhà thờ Thánh Giacôbê và nhiều linh mục ở các làng lân cận đều được soi sáng bởi sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Được Thiên Chúa kêu gọi trông coi những gì Người đang làm tại Mễ Du, các ông là một nhóm người cũng được trưởng thành trong khôn ngoan và thánh thiện. Và một khi danh tiếng sự hiện ra lan rộng, các ông đã đáp ứng một cách khôn ngoan và đầy năng lực mọi đòi hỏi dồn dập đặt ra cho các ông. Pervan rảo quanh đám đông, tự hi sinh niềm vui được cử hành Thánh Thể bên trong Nhà thờ, để có thể hiện diện bên ngoài đây với một phần của đàn chiên này.
Sau Thánh Lễ, tôi đợi cha Svet ở gần Nhà xứ, vừa nóng lòng bắt tay vào việc, vừa muốn đi ngủ, vì tôi đã quá mệt do thiếu ngủ. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua, cha Svet vẫn chưa xuất hiện. Cuối cùng, cha Pervan ở Nhà xứ bước ra, tôi đến hỏi ông có gặp hoặc có nghe cha Svet nói gì không, vì nghĩ có lẽ tôi đã lỡ dịp gặp ông mất rồi. Cha Pervan trả lời hầu như không dừng bước: “Ngài sắp đến đấy!” rồi đi thẳng vào Nhà thờ.
Quá 10 giờ đêm một chút, có một chiếc Volkswagen nhỏ sơn trắng ngừng lại ở bãi đậu xe của Nhà xứ. Cha Svet ra khỏi xe, ôm hôn tôi và dẫn tôi đến một đống ván để gần đó đang khi chúng tôi trao đổi những câu chào hỏi nhau.
Ông nói năng dịu dàng, dễ nghe, khiến người nghe lập tức thấy thoải mái được ở bên ông: “Nào, kể cho tôi nghe về gia đình anh đi, về mối liên hệ của anh với những cuộc hiện ra, và về chính anh. Bây giờ chúng ta có rộng thời giờ mà.”
Ý nghĩ tôi đã phải thức và di chuyển suốt 38 giờ qua xẹt ngang đầu tôi, nhưng đã vội bị quên đi khi chúng tôi ngồi xuống đống gỗ, và thế là tôi bắt đầu kể lại câu chuyện của đời tôi rồi đủ thứ. Sau đó, ông kể chuyện đời mình cho tôi, kể mãi cho đến hơn nửa đêm. Rồi đến câu chuyện này mới là khổ sở cho tôi: “Wayne, anh bạn của tôi, tôi rất hân hạnh được anh từ tít nơi xa ấy đến đây giúp tôi sửa chữa bản thảo. Nhưng, phải nói thật với anh, tôi chỉ có thể về lại Mễ Du để làm việc cùng anh sau lễ kỷ niệm những lần hiện ra (tức là sau ngày 25 tháng 6). Tôi hi vọng anh có thể làm việc một mình và hưởng được cảnh thanh bình của Mễ Du cho đến khi tôi trở lại...”
Tôi điếng người: “À, vâng, tất nhiên, thưa cha.” Tôi nghe mình trả lời: “Tôi rất biết ơn vì có dịp làm việc với cha, và được ở lại đây lần nữa.” Thế nhưng, tôi lại nghĩ tôi sẽ làm cái gì đây trong chín ngày tới?
Bàn với nhau sẽ gặp lại trưa hôm sau để thảo luận về những phần tôi đã làm xong trong bản thảo của ông trước khi đến đây, chúng tôi chia tay nhau. Tôi vượt 5 cây số đường trở về Citluk trong hoang mang, bối rối với một ý nghĩ cứ đến trong đầu: Bây giờ thì tôi đã có mặt ở đây, mà ông linh mục hết sức thánh thiện nhưng hơi vô tổ chức này lại không biết làm gì với tôi...