BÀ LÀ AI ?
CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.
[BBT] Mạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.
“Hãy sống các sứ điệp!””
Chương 20
LOAN TRUYỀN SỨ ĐIỆP
“Con sẽ dâng hết đời mình để loan truyền sứ điệp...”
... Đã tám tháng qua, từ khi tôi nghe lần đầu tiên những lời này do Đức Trinh Nữ Maria phán bảo trong lòng tôi, tôi chưa bao giờ quên. Những lời này đang trở lại với tôi khi đang bay về nhà, cố sắp xếp các chi tiết của chuyến đi lần này. Tôi đã trở lại Mễ Du, cho rằng mình sẽ giúp cha Svet sửa quyển sách của ông. Kế hoạch đó đã chẳng thực hiện được bao nhiêu, nhưng tôi lại có dịp hiểu rõ rằng: đó không phải là mục đích của Thiên Chúa khi đưa tôi trở lại đây. Mà thật ra, đó là một thời gian để học hỏi và trưởng thành; rất nhiều điều đã được hoàn thành nơi tôi để chuẩn bị cho những gì còn ở phía trước.
Dĩ nhiên sẽ phải có một chuyến đi nữa, tự thâm tâm tôi biết điều đó, mặc dù trong cơn căng thẳng khô khan vừa qua, tôi đã nghi ngờ và phi bác đủ chuyện. Tôi sẽ trở lại có lẽ trước cuối năm. Nhưng, trong khi đó, Terri cũng phải đến để cảm nghiệm trực tiếp những gì đang ngày càng chiếm cứ đời tôi - vì đó là cuộc đời của chúng tôi, sứ mệnh của chúng tôi. Điều mà tôi đang được yêu cầu thực hiện cần phải có sự cộng tác toàn diện của Terri, nếu muốn thành công. Thời gian thuận tiện cho Terri đi Mễ Du có lẽ vào tháng tám, trước ngày tựu trường của bọn trẻ.
Dĩ nhiên, nàng đã không nhìn sự việc hoàn toàn theo cách đó, khi tôi nêu lên vấn đề chẳng bao lâu sau khi về đến nhà. Tôi nói với nàng khi đã kể xong những chi tiết của chuyến đi vừa qua: “Em phải đi. Anh còn phải hoàn thành nhiều việc mà lại không có sự yểm trợ và thông cảm toàn diện của em về những gì đang xảy ra ở Mễ Du.”
Nàng đáp: “Coi kìa, em đã đọc những sách về Mễ Du, và cả bản thảo của cha Svet nữa. Em tin mà. Em tin những việc đó xác thực, do Thiên Chúa mà đến. Vậy cần gì em phải đi?”
Tôi lắc đầu: “Em sẽ không bao giờ có thể cảm nghiệm được tác động đầy đủ của nơi ấy qua một người khác đâu.” Tôi bỏ lửng vấn đề ở đó, vì cảm thấy phản ứng chống đối của nàng.
Nhưng tôi không bỏ cuộc. Không một buổi tối nào qua đi mà chúng tôi lại không nói đến Mễ Du. Một tuần sau, tôi lại đề cập đến. Nàng thừa nhận: “Nếu đích thân can dự vào thì thật là hào hứng!”
- “Vậy em sẽ đi chứ?”
- “Em đâu có nói vậy! Tại sao anh không đi vào tháng 11 thay cho cả hai chúng ta?”
Thật đáng ngạc nhiên! Nàng đồng ý mà không tranh luận gì cả, khi tôi cho nàng hay tôi cần phải trở lại để tiến hành quyển sách của tôi.
- “Terri, anh đã hai lần đến đó rồi; anh muốn em đi vào tháng tám.”
- “Em không đi vào tháng tám; như vậy là điên!”
Tôi vẫn kiên trì: “Không điên đâu! Con mình sẽ nghỉ hè và anh chăm sóc chúng được. Nếu cần, chúng ta có thể nhờ một người đến đây lo cho chúng.”
Terri tuyên bố, quai hàm đanh lại: “Em không muốn đi, chấm hết!”
Tôi rút lui. Tôi đã hiểu ra vấn đề: con cái. Từ trước tới nay, nàng chưa bao giờ rời xa con cái. Nhưng bây giờ Kennedy đã lên sáu, Rebecca lên hai; chúng có thể sống không có mẹ trong vòng một tuần. Tôi không ép nữa, nhất là vào lúc này.
Tuần sau, tôi đặt lại vấn đề. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh cho nàng hiểu rằng việc nàng biết trực tiếp những gì mà tôi được yêu cầu tiếp xúc thật là quan trọng. Và một lần nữa, nàng khẳng định một cách sắt đá rằng nàng sẽ không rời bỏ các con mà nhào tới một nước Xã hội chủ nghĩa, để cảm nghiệm về một điều nàng đã tin là xác thực.
Tôi nói với sự bình tĩnh có tính toán: “Terri, lý do đích thực đó là: đối với em, con cái quan trọng hơn Thiên Chúa!” Tôi nghĩ: rồi, thế là xong. Bây giờ nàng sẽ không bao giờ đi. Và có thể nàng cũng sẽ không thèm nói chuyện với tôi trong một thời gian dài nữa.
Nhưng tôi đã lầm; ngay cả khi nàng trừng trừng nhìn tôi, tôi có thể nói là nàng vẫn nghe tôi. Tôi dịu dàng: “Chúng ta phải học để biết đặt Thiên Chúa lên trên hết, trên cả con cái chúng ta.”
Nàng thở dài: “Được rồi, được rồi, em sẽ đi! Nhưng không đi trong tháng tám.”
Tôi ngây ngất: “Vậy bao giờ?”
- “Em không biết. Để rồi tính.”
Ngày hôm sau, tại phòng làm việc, tôi gọi cho Trung Tâm Hòa Bình ở Boston và được biết chuyến thứ nhất sau tháng tám sẽ đi vào ngày 9 tháng 9. Tôi xin họ giữ một chỗ cho Terri và gửi tiền đặt cọc đi ngay. Khi Terri bước vào, tôi nói với nàng điều tôi đã làm. Nàng chỉ nhìn tôi nói: “À, thế đấy, em biết mà!”
Loan truyền sứ điệp... Mặc dù tôi vẫn chưa biết chắc tôi sẽ làm như thế nào, nhưng có một điều tôi đã học được từ tám tháng qua: Nếu Thiên Chúa gọi bạn làm một việc gì, Người sẽ chỉ cách cho bạn và giúp đỡ bạn. Phần bạn, chỉ cần lắng nghe cẩn thận, rồi làm đúng những gì Người bảo bạn làm.
Với loạt bài xã luận và một số bài mở đầu cho quyển sách của tôi, những gì tôi đã làm cho đến nay chỉ ở dạng chữ viết. Thế còn bằng lời nói? Sau khi kết thúc chứng từ ứng khẩu tại câu lạc bộ Sertoma, một người bạn mời tôi đến nói chuyện tại lớp Trường Chúa nhật của Nhà thờ Methodist (Giám Lý) của anh, rồi các lớp Trường Chúa nhật khác cũng mời theo.
Tiếng đồn loan ra là tôi đã có một kinh nghiệm cá nhân mạnh mẽ lúc ở Mễ Du - đó là kinh nghiệm xác nhận Thiên Chúa đang hoạt động ở đó. Hơn nữa, cách tôi thuật chuyện đã tăng cường ý thức về Thiên Chúa nơi mọi người nghe, bất luận họ thuộc giáo phái nào. Tuy nhiên, vẫn là một cú sốc cho tôi khi sau đó, có người không kềm chế nổi cảm xúc, tiến đến nói với tôi rằng câu chuyện ấy đã làm họ xúc động sâu xa như thế nào. Tôi không ý thức mình đã nói điều gì đặc biệt: tôi chỉ kể lại cách đơn sơ, hết sức trung thực những xúc cảm nội tâm của chính mình.
Khi tôi bắt đầu nhận những lời mời của các Nhà thờ và các nhóm dân chính ở những nơi mỗi ngày một xa hơn, tôi bèn nhớ lại lời tiên tri của cha Scotti: Đây mới chỉ là khởi đầu... Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những lời mời đều đến từ những người Tin Lành, giống như tôi. Mễ Du không chỉ là một hiện tượng cho người Công giáo - mà là cho tất cả mọi người - là một sứ điệp tuyệt vời, mời gọi mọi người trở lại với Chúa Giêsu. Và điều này thì lây nhiễm tràn lan: sự kiện Thiên Chúa đang từ trời hạ cố và chen vào đời sống thường nhật của mọi người nam nữ ở thế kỷ 20 này, khiến ai cũng phải suy nghĩ lại. Nếu Thiên Chúa tỏ mình ra ở đấy, trong ngôi làng nhỏ bé vô danh đó, thì... tại sao lại không ở đây?
Khi ngày 9 tháng 9 đến gần, tôi luôn hi vọng Terri sẽ bắt đầu thấy nôn nóng ra đi. Trong khi đó, tôi lại rất hào hứng về một việc sẽ xảy ra tại Boston trước khi Terri trở về. Trung Tâm Hòa Bình sẽ đưa cha Tomislav Pervan, vị chủ chăn Nhà thờ Thánh Giacôbê qua Mỹ, để đi các nơi nói chuyện về Mễ Du trong vòng hai tháng, và họ bắt đầu bằng một ngày tĩnh tâm cuối tuần tại Boston - dành cho những người bạn của Mễ Du, những người coi việc loan báo sứ điệp là sứ mạng của mình. Tôi sung sướng quá vì được mời tham dự.
Cuối cùng, ngày khởi hành của Terri đã đến. Tôi cố gắng không tỏ vẻ quá phấn khởi, vì tâm trạng của nàng lúc ấy hầu như trái ngược lại, nhưng tôi cũng không thể hoàn toàn nén được niềm vui; tôi biết những gì đang chờ đợi nàng. Tôi cũng biết Trung Tâm Hòa Bình sẽ chăm sóc nàng. Và nhất là tôi biết nàng ở trong tay Thiên Chúa. Người sẽ làm cho cuộc hành hương này đầy ý nghĩa vô song đối với nàng.
Từ phi trường về, tôi đến thẳng văn phòng gặp cô thư ký Denease của tôi đang cuống cuồng. Bài xã luận thứ tám và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về Mễ Du đã được đăng ngay trước khi tôi đi Mễ Du lần thứ hai, và yêu cầu về bản sao cứ tiếp tục tăng lên. Denease nổi nóng: “Anh biết không, trước đây họ chỉ cần các bài họ chưa có, còn bây giờ họ cần cả tám bài để gửi cho bạn bè!”
Tôi phá lên cười - tuy biết làm thế là không đúng lúc. Cô nói tiếp, với cái nhìn làm tôi hết cười: “Anh có biết là phải tốn mất chín trang giấy để sao lại toàn bộ loạt bài ấy không? Anh có biết phải mất bao nhiêu thời gian không? Anh có biết máy sao chụp (photocopy) còn thọ được bao lâu không? Rồi có đến một nửa khách hàng quên kèm theo bao thư có ghi sẵn địa chỉ và dán tem!”
Tôi nói, cố giữ không cười nữa: “Bình tĩnh, bình tĩnh! Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó, tôi xin hứa như vậy. Hiện nay có bao nhiêu thư yêu cầu gởi đến?”
Cô có vẻ nhượng bộ khi thấy tôi coi vấn đề cô nêu ra là nghiêm túc: “Mỗi ngày có từ 15 đến 20 thư yêu cầu.”
- “Nhiều vậy hả?”
Cô gật đầu: “Tính tổng cộng, tôi đoán chúng ta đã gởi đi độ một ngàn rồi.”
- “Cô không đùa đấy chứ?”
Tôi không ngờ lại nhiều như vậy. Tôi đi vào văn phòng, đóng cửa lại - và nghĩ xem còn có cách nào để việc phân phối những bản sao được dễ dàng và bớt tốn kém. Tôi bỗng nhớ là chúng tôi còn sở hữu nhà in. Chúng tôi có thể in bất cứ cái gì chúng tôi cần... Vậy thì tại sao lại không in theo kích thước của loại báo khổ nhỏ, chỉ bằng nửa khổ tờ báo hằng ngày? Như vậy vừa rẻ, vừa dễ cầm, dễ gởi đi các nơi bằng tàu, máy bay; và tôi còn có thể thêm vào đấy một số hình ảnh từ mấy chuyến đi Mễ Du của tôi. Trước hết, chúng tôi sẽ in khoảng 3.000 bản và cũng dùng để phát trong những lần tôi nói chuyện tại các câu lạc bộ và Nhà thờ.
Suốt buổi sáng, tôi sửa chữa và cập nhật các bài xã luận, sắp xếp bản in. Xong, tôi gọi Denease vào, cho cô ấy biết tôi đã giải quyết vấn đề phân phối các bài báo. Cô rất sung sướng - cho đến khi tôi giao cho cô những bản đã sửa chữa để đem đi lên khuôn. Cô than thở: “Tôi sẽ mất hai, ba ngày.” Tôi chỉ mỉm cười; Denease có cái tật phóng đại hai, ba ngày - nhưng rồi cô thường ào ào thanh toán nó chỉ sau bốn, năm tiếng đồng hồ thôi. Trong vụ này, cô cũng làm y như vậy.
Trong thời gian đó, tôi viết lời dẫn nhập, kể ngắn gọn hoàn cảnh tôi đã can dự vào hiện tượng này và đã nghe tự trong tim một sứ điệp rõ rệt, bắt đầu bằng: “Con là con của Mẹ...” Suốt một thời gian dài, tôi đã do dự không muốn thuật lại câu này trên giấy trắng mực đen. Tôi đã không ngần ngại kể cho bạn bè, nôn nóng chia sẻ với những người hành hương khác. Nhưng viết nó ra cho người lạ đọc và đánh giá, lại là một việc khác. Thôi, cái thời của “tính khách quan nhà báo” đã qua lâu rồi. Nếu đây sẽ là tác phẩm của đời tôi, tôi sẽ phải kể lại một cách trung thực như nó đã xảy ra.
Khi việc lên khuôn đã xong, tôi trải từng tờ lên bàn và bắt đầu sắp xếp lại thành tờ báo. Vài ngày sau, việc in ấn hoàn tất. Denease khoái chí lắm; tờ báo mới khổ nhỏ, có tám trang, bỏ vừa vặn vào một phong bì giao dịch công việc và chỉ cần dán một con tem, thay vì hai.
Cao hứng, tôi gói 500 bản đem theo đi tĩnh tâm. Sơ Margaret trước đó có xin bản sao các bài xã luận cho Trung Tâm Hòa Bình, và biết đâu có nhiều người khác ở đó cũng cần đến nữa. Tất cả chúng tôi hẹn nhau tại phi trường Kennedy để có thể có mặt tại đó khi cha Pervan đến, và sau đó, tất cả sẽ lái xe đến nhà Ephrata House, một trung tâm tĩnh tâm cách Boston độ một tiếng đồng hồ lái xe.
Vẻ ngạc nhiên trên nét mặt cha Pervan khi nhìn thấy chúng tôi, làm cho mọi sắp xếp, tổ chức của chúng tôi trở nên rất đáng công. Thực sự, chúng tôi không đông lắm, nhưng những người có mặt đều thuộc thành phần nòng cốt. Có Stan và Marge Karminsky, một cặp vợ chồng ở Pennsylvania, là những người đã tự thu băng vidéo chuyến hành hương của họ ở Mễ Du, băng ấy đã được sang lại hằng ngàn bản và phân phối trên toàn thế giới; có Terry Colafrancesco, một nhà kinh doanh trẻ, người đã lập một trung tâm thông tin Mễ Du tên là “Caritas” tại Birmingham, Alabama; có sơ Margaret và nhiều thành viên khác của Trung Tâm Hòa Bình mà tôi đã gặp. Tổng cộng có khoảng 40 người đến từ mọi miền đất nước. Đó là những người đã dấn thân làm cho các sứ điệp của Mễ Du - xuất phát từ những cuộc hiện ra - được mọi người biết đến.
Trên đường đi tới Nhà Ephrata, có người trong xe hỏi tôi đã liên quan đến Mễ Du như thế nào - và tôi đã kể hết cho họ. Tôi chấm dứt đúng lúc xe tới nơi, và ngạc nhiên khi thấy có nhiều người chảy nước mắt.
Sáng hôm sau có nhiều cuộc chia sẻ hơn, sau khi John Hill nói về Trung Tâm Hòa Bình, và về chuyến đi sắp tới của cha Pervan. Lại thêm nhiều nước mắt nữa, bởi Thiên Chúa đang kéo chúng tôi gần lại với nhau. Sung sướng biết bao khi được ở với những người cùng một ơn gọi và cũng đã trải qua nhiều thử thách.
Trong bữa ăn tối hôm ấy, ai đó đã đặt một cái bàn, bày ra nhiều sách, phần lớn rất quen thuộc với tất cả chúng tôi. Tôi hỏi họ có thể cho tôi để bài báo của tôi ra đấy không, họ đều nói là tất nhiên. Chỉ trong nửa giờ, chúng được hốt trọn không còn một tờ. Lúc ấy, tôi gặp Peter Crary, một luật gia ở Fargo, Bắc Dakota. Ông này, cũng giống như John Hill, chưa bao giờ đến Mễ Du, mặc dù hoàn toàn khẳng định giá trị và tầm quan trọng của hiện tượng này. Ông rất xúc động, vì một người Tin Lành Lutêrô lại quá tha thiết với những cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria. Ông rút trong ví ra tờ một trăm đô đưa cho tôi, rồi nói: “Khi nào anh về nhà, ráng gởi cho tôi một số bản vừa với số tiền này.”
- “Trời ơi, khoan đã Peter! Mấy cái này tôi không bán, tôi biếu không. Chỉ cần nói anh muốn bao nhiêu, tôi sẽ gởi liền cho anh.”
Ông ấy lắc đầu: “Anh không hiểu đâu. Tôi có nhiều bạn Lutêrô ngoài đó, và cho tới bây giờ, những gì mà tôi nói hoặc làm liên quan đến Mễ Du, họ đều không quan tâm. Nhưng tôi linh cảm mạnh mẽ là cái này sẽ làm được. Nào, bây giờ tôi có thể có bao nhiêu bản?”
Tôi phỏng chừng tiền in và tiền cước gởi đi khoảng 25 đô cho một ngàn bản, và tôi hứa sẽ gởi cho ông ấy 4.000 bản ngay khi nó được tái bản.
Nghe chúng tôi dàn xếp như vậy, một bà ở Michigan nói bà cũng muốn 4.000 bản và Terry Colafrancesco đặt in 2.000 bản cho Caritas. Tôi sửng sốt. Tôi chẳng cần cố gắng gì hết mà đột nhiên người ta đặt cả 10.000 bản!
Nhưng không còn giờ để chăm chú vào chuyện này, vì Terri đi hành hương (Mễ Du) sắp về rồi. Mong ước nàng bước ra khỏi máy bay về nhà với cùng một tâm tình như tôi trước đây thì hơi quá đáng, tuy nhiên, tôi vẫn thầm hi vọng.
Hi vọng của tôi buộc phải gác lại để chờ. Terri đã sống một kỳ hành hương Mễ Du khởi đầu đáng ghi nhớ, nhưng việc đó không đảo lộn cuộc sống của nàng như đã xảy ra nơi tôi. Nàng vui vì đã đi, và tỏ ra có lẽ sẽ đi lại - nhưng không phải ngay bây giờ. Rồi nàng nói một điều, khiến mọi nỗ lực của tôi để nàng chịu đến đó trở thành xứng đáng: “Khi em ở đó rồi, em quên mất anh, quên cả con cái, quên luôn cả đường về, địa chỉ. Đây là lần đầu tiên trong đời em, lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự đã nên như mục tiêu duy nhất cuộc đời, đã trở thành thực tại.”
Khi Terri hết mệt mỏi vì chuyến bay và đến văn phòng, Denease đưa nàng xem một bản sao những bài xã luận in dưới dạng báo khổ nhỏ, hai người liền đi vào văn phòng tôi, Terri dẫn đầu.
Terri la lên, với một cái cười trêu chọc: “Anh in 3.000 cái này đó hả? Để làm gì vậy?”
- “Em không thích sao?”
- “À, báo này làm có vẻ đẹp đó, nhưng anh chỉ cần in 500 tờ thôi cũng đủ để phát hành hai năm mới hết, và chúng sẽ được người ta dùng để lót lồng chim hoặc thùng rác cho khắp vùng này!”
Nàng cười vang, cả Denease đứng phía sau cũng thế: “Em không ngờ anh lại in nhiều như vậy!”
Tôi nói: “Được, trước khi để cho hai người cười bể bụng, tôi xin báo là người ta đã đặt tôi in 10.000 bản rồi!” Thế là họ hết cười.
Terri hỏi: “Ai đặt 10.000 bản?” Và tôi đã nói đầu đuôi cho họ nghe. Trong một lúc, họ chỉ biết đứng đó, không nói được lời nào. Rồi Terri thừa nhận như vậy tốt quá và nói thêm: “Nhưng không cách nào anh in được với giá 25 đô cho 1.000 bản.”
Tôi thở dài, điều này thì nàng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đó là con số tôi đã hứa với họ, nên chúng tôi quyết định cứ giữ cái giá đó, để xem sao.
Chúng tôi in 10.000 bản, và thêm một tờ phụ trương thông báo giá báo: 25 đô cho 1.000 bản, 15 đô cho 500, v.v... rồi gởi đi. Chẳng bao lâu, chúng tôi bắt đầu nhận đơn đặt mua hằng chục, hằng năm chục rồi hàng trăm... Rồi Peter Crary gọi tôi: “Anh có thể gởi cho tôi thêm 5.000 bản nữa không? Tôi đã chuyển tiền cho anh rồi.”
- “Peter, anh có mất trí không? Anh làm gì với ngần ấy tờ?”
- “Ở ngoài này, người ta từ khắp nơi cứ hỏi xin tôi, mà tôi hầu như chẳng còn tờ nào!”
Tôi không tin nổi. Ít lâu sau, Terry Colafrancesco gọi điện và đặt mua thêm 10.000 bản nữa. Giá bán vẫn giữ nguyên 25 đô/1.000 bản, và khi Terri thấy tôi tái bản đợt thứ hai mà không tăng giá, nàng bắt đầu lo: “Với giá đó thì chúng ta sẽ bán hết quần áo đi để trang trải!” Nàng nói đúng: chúng tôi đã lỗ hằng ngàn đô. Nhưng tôi cóc cần, cả Terri cũng thế, thật vậy. Như nàng nói, đó là một cách đền đáp lại bao nhiêu điều tốt đẹp đã xảy đến cho chúng tôi suốt 11 tháng qua. Chúng tôi đã bán được báo, còn việc kinh doanh nhà in vẫn đem lại lợi nhuận. Quả là chúng tôi chẳng có gì nhiều để than phiền.
Nhưng chúng tôi biết mình không thể tiếp tục mãi như thế: nếu thư đặt mua báo cứ tăng đều, chúng tôi buộc lòng phải tăng giá. Cuối cùng, đến khi tái bản lần thứ ba, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi tăng giá đến cái mức mà nếu số lượng in đủ lớn và đều đặn, chúng tôi có thể hòa vốn. Terri nói: “Thế này, nếu chúng ta phát hành báo này như một loại phi lợi nhuận, thì ta cũng có thể điều hành nó như một tổ chức phi lợi nhuận.” Thế là Công Ty Những Bài Xã Luận Của Weible (Weible Columns, Inc.) nộp đơn xin chứng nhận tư cách doanh nghiệp phi lợi nhuận.
Thế rồi, chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra: người ta bắt đầu gởi tiền đến hơn giá ấn định. Một số người đặt mua 1.000 bản, nhưng gởi đến cho chúng tôi 100 đô và yêu cầu dùng tiền còn dư cho những gì cần thiết nhất. Tôi lại nhận được thư của một người trông coi một trạm bảo dưỡng thực vật tại Spokane, kèm theo một ngân phiếu 500 đô. Ông muốn đặt mua chỉ 7.000 bản; phần tiền còn dư ông có ý đóng góp vào việc in ấn, để có thể tặng báo cho những người không có điều kiện mua. Sững sờ, tôi viết thư bày tỏ lòng biết ơn của tôi về món quà này.
Tuần sau, ông điện thoại cho tôi: “Ông đã gởi cho tôi 7.000 cái tờ đó!”
- “Vâng, tôi biết.”
- “Nhưng tôi chỉ đặt mua có 700 thôi!”
- “Xin ông đợi một lát!” tôi nói và rút lá thư của ông ấy từ ngăn kéo ra. “Thưa ông, tôi xin lỗi, nhưng ông thực sự đã đặt 7.000 bản.”
- “Thật hả? Lạy trời, tôi sẽ làm gì với 7.000 bản đó?”
Tôi cười đáp: “Bây giờ, tôi tin đến độ tôi cho là không có gì ngạc nhiên hay tình cờ xảy đến nữa. Rõ ràng là Chúa định cho ông có số báo nhiều gấp mười lần số mà ông tưởng mình cần. Ông đừng lo, Chúa sẽ chỉ cho ông cách sử dụng.” Và Chúa đã làm như thế thật.
Rồi tôi lại nhận thư của một bà ở California đặt mua 500 bản và trả 1.000 đô. Tôi biên thư hồi âm: “Thưa bà, tôi muốn cho bà biết rõ bà đang làm gì. Nếu đó là một quà tặng, tôi xin hết lòng cám ơn bà, nhưng tôi vẫn muốn được biết chắc chắn.” Đó là một quà tặng. Khi tôi biết ra thì tất cả số tiền chúng tôi bị lỗ đều đã được đền bù.
Trong thời gian đó, thư đặt mua báo cứ đến tới tấp, kèm thêm nhiều lá thư riêng tư tâm sự với chúng tôi. Hiển nhiên là Chúa Thánh Linh đang sử dụng những bài xã luận như một dụng cụ, để lay động nhiều con tim và thay đổi nhiều cuộc đời. Tôi bị xúc động sâu xa bởi những lá thư bắt đầu bằng:
“Chính khi tôi đọc câu ‘Con là con Mẹ’ mà hồn tôi đã bị lay động. Và tôi hiểu ngay là tôi sẽ̃ phải đọc các bài xã luận của ông - và nó đã thay đổi đời tôi biết bao!”
Đọc xong những lá thư ấy, tôi chỉ còn biết lắc đầu: thế mà tôi đã từng ngần ngại đề cập đến sứ điệp của Người, chỉ vì sợ người ta cho mình là thằng điên.
Người ta gửi thư tới cho biết các bài xã luận là một cách tốt nhất để thông tin cho người ta về Mễ Du - dễ đọc và dễ thấm hơn một cuốn sách, mà lại dễ hiểu, đủ để có thể kể lại câu chuyện cho người khác. Cho tới lúc tôi chuẩn bị trở lại Mễ Du vào tháng 11, chúng tôi đã gởi đi 40.000 bản, một con số khó tin!
Terri nói chúng tôi có thể đạt đến con số 150.000 bản, nhưng trong thâm tâm tôi lạc quan hơn nhiều: tôi dám mơ đến con số một triệu.
---o0o---