BÀ LÀ AI ?
CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.
[BBT] Mạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.
Chương 22
HÃY HOÀN TẤT NHỮNG GÌ CON ĐÃ BẮT ĐẦU
Lịch công tác của tôi đã nhanh chóng bị phủ kín với những buổi nói chuyện trong và ngoài vùng Myrtle Beach, và những bài xã luận về Mễ Du ngày càng được đặt mua nhiều hơn. Jim và Rosie Stoffel đã trở thành hai người bạn tuyệt vời, và họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong bước đường thiêng liêng của tôi. Nhiều lần, tôi đã có thể giúp Jim chiếu phim vidéo của Trung Tâm Hòa Bình, còn Rosie là một nguồn cảm hứng đặc biệt. Cô đã nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư cổ họng, nhưng vẫn luôn tỏ ra hăng say và lạc quan. Vợ chồng anh chị Stoffel đã vài lần tham dự các Thánh Lễ cầu nguyện chữa lành, nhưng như vẫn thường thấy, sự chữa lành thật là sự chữa lành về mặt thiêng liêng - cho cả hai người. Và nhờ vậy họ đã sống được một cuộc sống như bình thường.
Nhưng đâu phải tất cả đều là một thảm hoa hồng? Tôi bắt đầu thấy việc viết một quyển sách có thể khó khăn như thế nào. Nó đòi hỏi bao nhiêu ngày giờ để sắp đặt tư liệu và phác họa đại cương của đề án, rồi mới đến lúc ngồi xuống, đặt bút viết tư tưởng ra giấy.
Thực sự, tôi muốn viết quyển sách này. Nhiều sách đã được viết rồi, nhưng hầu hết các tác giả là các linh mục Công giáo, và chỉ kể lại sự kiện của những ngày đầu tiên và cố gắng giải thích ý nghĩa theo quan điểm thần học; cho đến nay, chưa có một ai viết về những điều xảy ra cho một người đã đến Mễ Du, được trông thấy, được cảm nghiệm và được trở lại với Thiên Chúa một cách toàn diện. Đó chính là điều tôi muốn viết ra.
Nhưng khi nhiều ngày đã trôi qua mà tôi chỉ biết ngồi nhìn sững vào trang giấy trắng trên máy chữ, sự hoài nghi bắt đầu tấn công tôi, từng đợt như sóng. Làm sao mà một người Tin Lành Lutêrô - dù giờ đây đã dấn thân một cách sâu xa và đầy xúc động - lại có thể viết một cách khách quan về một hiện tượng tôn giáo vượt trên tự nhiên, vốn rất ăn sâu vào lịch sử và truyền thống Công giáo? Tại sao giới truyền thông trong cả nước lại cố tình phớt lờ trước một chuyện quan trọng như vậy? Và quan trọng nhất là ai sẽ thật sự tin rằng chính cá nhân tôi đã nhận được một sứ điệp từ Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc?
Đột nhiên, toàn bộ sự việc của tôi xem ra quá khó tin đối với ai xem xét cách nghiêm túc. Tôi cố phục hồi lại sự nồng nhiệt mà tôi từng cảm thấy một lần, nhưng trạng thái hớn hở, chất ngất của toàn bộ kinh nghiệm nay đã giảm đi, và chỉ còn lại sự ngờ vực và thiếu tự tin. Những ngày tôi dành để bắt đầu viết sách biến thành những tuần lễ chẳng làm được gì, khi tôi cứ càng lúc càng viện lý do không có giờ viết, vì những lời mời diễn thuyết đang tới dồn dập.
Tôi không phủ nhận bất cứ những gì đã xảy đến cho tôi: tâm tình hối cải và đổi mới vẫn còn đó. Nhưng khi số lượng bản sao các bài xã luận được in lại ngày càng nhiều và bắt đầu lan đến nhiều tiểu bang khác, thì tôi cũng bắt đầu tin rằng có lẽ chúng mới chính là “quyển sách” mà tôi đã cảm thấy hết sức thôi thúc phải viết ra.
Vào khoảng cuối tháng mười, sự tê liệt của tôi trước máy đánh chữ đã đến mức tuyệt vọng. Rồi một buổi sáng, khi tôi ngồi trong văn phòng, cố động viên mình, tôi cầm lấy quyển Kinh Thánh tôi vẫn để trong văn phòng. Tôi nhìn quyển sách một hồi rồi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết phải làm gì.” - và mở ra hú họa một trang. Mắt tôi nhìn nhằm câu 10, đoạn 8, thư thứ hai gởi giáo đoàn Corintô:
“Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái. Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó...”
Tôi ngồi đó lâu - lâu lắm, cơ thể tôi run lẩy bẩy. Cái cách đơn giản và trực tiếp mà Chúa dùng để nói với chúng ta làm tôi vừa sợ hãi vừa tôn kính. Sự hăng say và tin tưởng đã trở lại, chúng che lấp mọi nghi ngờ. Tôi thầm thì: “Con tạ ơn Chúa!” rồi lo chuẩn bị trở lại Mễ Du vào tháng 11, và bắt tay vào công việc viết sách với tất cả sự nghiêm túc.
Cho đến lúc bước lên máy bay ở New York, tôi đã khá chắc chắn về những gì cần phải làm. Trước hết, tôi sẽ phỏng vấn càng nhiều thị nhân càng tốt, và việc này tôi cần nhờ cha Svet hỗ trợ. Tôi đã có lần xin ông giới thiệu tôi với các em và giúp làm thông ngôn. Dù hoàn cảnh thế nào, tôi vẫn sẽ tiếp tục giúp biên tập quyển sách của ông.
Chuyến đi này nữa, tôi cũng mướn một chiếc xe hơi ở Dubrovnik, và lần này, tôi dễ dàng tìm ra đường đến Mễ Du. Qua trung gian chị Rose Finnegan của Trung Tâm Hòa Bình, tôi đã biên thư cho Grgo Vasilj, xin được trọ lần nữa tại gia đình ông ấy.
Ông Grgo, ba của Jelena, ngồi đầu bàn.
Bên phải hình, người cuối cùng là Jelena. |
Đây là gia đình đã cho tôi trọ trong chuyến đi lần trước, và đã coi tôi như một người bạn.
Trầm tĩnh và suy tư, Grgo là một người cha cần mẫn của sáu người con. Có lòng đạo rất sâu sắc, ông đã xây một phòng cầu nguyện cho gia đình ông, trong đó có cả cha mẹ ông, và mỗi sáng, vào lúc 6 giờ 30, họ thường quây quần ở đó đọc kinh với nhau trước bữa ăn sáng. Trong chuyến đi lần trước, tôi đã coi là một đặc ân lớn khi tôi được mời cầu nguyện chung với họ.
Là một viên đốc công xây dựng, Grgo được ơn soi sáng xây căn phòng cầu nguyện đó cho con gái ông là Jelena Vasilj. Trầm tĩnh và có đôi mắt đẹp nổi bật, Jelena đã nhận một quà tặng đặc biệt từ trời vào tháng 12 năm 1982. Một chiều nọ, tại trường học, em nghe tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria - một hiện tượng quen gọi là “tiếng nói bên trong”.(7) Quà tặng đó cũng được ban cho bạn thân thường chơi chung với em là Marijana Vasilj (không bà con), cả hai cô bé năm ấy đều lên mười. Cũng giống như các thị nhân, ơn đặc biệt này đã xảy ra cho các em đều đặn từ đó đến nay.
Jelena và Marijana (1983). Năm
ngoái, lúc hai em lên 10 tuổi, hai em đều cùng nhận được những tiếng nói dạy dỗ của Đức Maria ở trong lòng. |
Jelena và Marijana không thấy Đức Trinh Nữ như các thị nhân được thấy, mà chỉ thấy Người “bằng con tim”. Tuy vậy, lời thụ khải (được nghe thấy trong lòng) nơi hai em này giống với những sứ điệp mà các thị nhân nhận đến nỗi Jelena, cởi mở hơn, thường được người ta biết đến như là “thị nhân thứ bảy”.
Theo lời Jelena, Đức Trinh Nữ Hồng Phúc thường dạy bảo các em về đường lối sống thiêng liêng. Tháng 5 năm 1983, Người nói với Jelena báo cho một linh mục là Người muốn một nhóm cầu nguyện của giới trẻ được thành lập trong giáo xứ. Người sẽ dẫn dắt họ và dạy cho họ đường lối sống thánh thiện. Các thành viên sẽ phải từ bỏ mọi sự, tự đặt mình hoàn toàn cho Thiên Chúa tùy ý sử dụng. Đã có khoảng 56 thanh niên nam nữ tiến đến đáp lại lời kêu gọi ấy.
Một lý do khiến tôi nghiên cứu say mê ân sủng của Jelena: nó hết sức giống với điều mà tôi đã cảm nghiệm trước đây, và hiện nay trong một vài lần. Tôi cảm thấy không phải do tình cờ mà tôi được trọ tại nhà ông Grgo Vasilj và được cầu nguyện chung với ái nữ của ông.
Vô cùng nhút nhát, Jelena lúc đầu ngay cả nhìn tôi cũng rất hiếm khi. Nhưng dần dần, khi đã quen với sự có mặt của tôi, em tỏ ra tinh nghịch và thích chọc ghẹo chị em của mình. Sau vài ngày, em bắt đầu đáp lại mấy câu hỏi của tôi. Khi tôi hỏi về các sứ điệp em đã nhận cho riêng mình, em cho biết hầu hết là lời dạy bảo về con đường thánh thiện. Một trong những lời dạy bảo đầu tiên cho Jelena là em nên bắt đầu mỗi ngày bằng một lời nguyện với Chúa Thánh Thần, và như đã kể trên, em đã được yêu cầu lập một nhóm cầu nguyện và em đã làm.
Sự thánh thiện không đến với em một cách dễ dàng (mà nó đã đến dễ dàng với ai chưa?). Bố em thường phải hối thúc em đi vào phòng cầu nguyện để đọc kinh sáng đúng giờ. Lắm lúc, ông cũng phải la rầy om sòm khi có những nhóm người hành hương đến nhà mà em từ chối nói chuyện với họ.
Jelena, năm 1987, 15 tuổi.
Có lẽ vào thời gian này W.Weible gặp em. |
Jelena, nay đã 14-15 tuổi, và trong nhiều phương diện, đúng là típ thiếu nữ mới lớn của thời đại chúng ta, cũng giống như sáu thị nhân kia: em không tốt mà cũng không xấu. Tuy vậy, em vẫn được Đức Maria chọn, cho dù em thích ngủ nướng hơn là dậy sớm để đọc kinh, mê xem Tivi, và rất khoái kẹo sôcôla M&M (mà tôi thường cố nhớ đem theo mỗi lần đến Mễ Du).
Trong chuyến đi này, tôi đã gặp phải một nỗi thất vọng và một vết thương cắt sâu vào niềm vui được trở lại Mễ Du lần nữa: Tanya đã đi mất rồi. Tôi nghe nói em về Ý hai tháng trước đây và đã trở lại với ma túy. Đó là một bài học cay đắng: bao nhiêu lời cầu nguyện, bao nhiêu người đề nghị trợ giúp em cũng vẫn không đi đến đâu, nếu đương sự không đón nhận sự giúp đỡ. Sự đón nhận xuất phát tự lòng tin và sự chọn lựa tự do. Điều này nhắc tôi nhớ đến Chúa Giêsu khi ở quê hương Nazaret của Ngài, đã không thể làm được phép lạ đáng kể nào, vì sự thiếu lòng tin nơi những người đã cùng lớn lên với Ngài.
Tuy thế, tôi sẽ không đầu hàng về vụ Tanya. Những lời cầu nguyện của tôi cho em sẽ chỉ có thể tăng thêm thôi. Tôi biết rằng trong lòng cô bé người Úc này, một cuộc chiến giữa thiện và ác đang sôi sục, và tôi quyết tâm dâng hết mọi lời cầu nguyện với hi vọng cái thiện được toàn thắng. Đối với tôi, Tanya tiêu biểu cho cuộc chiến đấu không ngừng mà tất cả chúng ta đều trải qua, khi muốn sống trong ơn nghĩa của Chúa. Chúng ta có thể chấp nhận ơn nghĩa ấy và được che chở, hoặc chúng ta có thể chối bỏ, sự chọn lựa là ở nơi chúng ta.
Tôi nhớ lần Tanya đi chung với tôi và Kathleen đến phỏng vấn Jelena. Vì đã thấy em phiên dịch rất xuất sắc trong lần tôi phỏng vấn cha Slavko, lần này, tôi cũng muốn em giúp tôi làm việc với Jelena. Hai em này chưa biết nhau trước buổi gặp gỡ hôm ấy; thật ra, Tanya chưa hề nghe nói về đặc sủng “tiếng nói bên trong” của Jelena.
Phỏng vấn được nửa chừng, sau khi nghe Jelena kể Đức Maria đã khởi sự “nói bên trong” với em như thế nào, Tanya thình lình quay sang tôi và la lên: “Xạo tổ mẹ!...”
- “Tanya, không được nói vậy! Em bị cái gì đó?”
- “Ông nghe đây, em đã từng nhiều lần ngồi chung với các thị nhân, em biết mấy người đó không nói dối. Còn ở đây, em không tin nhỏ này!”
Tôi liếc nhìn Jelena, tuy không hiểu Tanya nói gì, nhưng em cũng cảm thấy đang có điều gì không ổn; rồi tôi nhìn qua Kathleen, cô chỉ nhún vai và chẳng đề nghị giúp đỡ gì. Cuối cùng, sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi yêu cầu Tanya báo cho Jelena biết là cuộc phỏng vấn đã kết thúc. Rồi bằng một giọng kiên quyết, tôi nói thêm: “Và bây giờ, tôi muốn em nói với Jelena là em không tin em ấy.”
Tanya mỉm cười: “Bộ ông tưởng em sợ không dám nói với nó à?” Em quay sang Jelena, bắt đầu hoa tay múa chân nói ào ào bằng tiếng Croát.
Tôi không sao tin nổi sự thay đổi nét biểu cảm nơi Jelena. Cử chỉ vốn nhút nhát, yên lặng của em bây giờ được thay thế bằng một vẻ bình thản và một nụ cười nửa miệng. Em tỏ ra không chút bối rối trước những lời tấn công của Tanya.
Tôi hỏi Tanya là Jelena trả lời thế nào. Tanya nói: “Nó nói là hai đứa chúng em phải gặp lại nhau, để trao đổi với nhau về chuyện đó, chỉ có thế thôi.”
Bực mình, tôi đứng dậy ra về. Nhưng khi chúng tôi chào cám ơn Jelena, thì em nói gì đó với Tanya, rồi em cầm tay Tanya. Tanya rên rỉ: “Ồ không, Jelena muốn nói chuyện với em ngay bây giờ!”
Tôi nói: “Tốt! Chúng tôi đợi em ở ngoài.”
Bốn mươi lăm phút sau, Tanya và Jelena bước ra khỏi nhà, tươi cười. Một lần nữa, bản chất thiên thần nơi Tanya lại xuất hiện. Em nhỏ nhẹ nói: “Bây giờ em tin Jelena rồi.”
- “Tại sao?”
- “Vì nó thành thật và rất cởi mở. Với lại, sau khi nghe Jelena kể lại những điều mà Đức Mẹ nói với nó, em thấy cũng giống với những điều mà các bạn thị nhân nói với em.”
Tôi rất vui, vì một hoàn cảnh rối rắm như vậy đã biến thành một bài học quý giá cho cô gái đang phấn đấu khổ sở này; nhưng tôi lại càng thấy thú vị trước sự thay đổi nơi Jelena.
Mặc dù sự tháo lui sau đó của Tanya đã là một nỗi thất vọng đau đớn cho tôi, nhưng tôi lại mừng vì được ở trong mái ấm thứ hai của mình, được trèo lên đồi Hiện Ra (Podbrdo) để nguyện ngắm, được chen chân vào Nhà thờ Thánh Giacôbê dự Thánh Lễ. Lần này, hình như có thêm nhiều người Mỹ đến đây: có hai nhóm đến từ Hoa Kỳ. Sơ Margaret Sims đang hướng dẫn nhóm của Trung Tâm Hòa Bình, và Terry Colafrancesco hướng dẫn nhóm của Caritas. Tiếng đồn đang lan rộng.
Thêm một chuyện khác nữa: người ta bắt đầu nhận ra tôi do các bài xã luận. Nhiều người nói với tôi là họ có mặt ở đây vì những bài báo đó. Điều này làm tôi tràn ngập xúc động.
Terry xin tôi nói chuyện với nhóm của anh - và tôi đồng ý ngay, mừng quýnh vì được nói chuyện ngay trên đất Mễ Du. Chúng tôi kéo nhau ra lùm cây bách hương khoảng giữa Nhà thờ và núi Krizevac. Ở đấy, trong cái ốc đảo thanh bình đáng yêu này, giữa những ngôi mộ đã có hằng trăm năm, và với cây Thập giá vĩ đại trước mặt tạo thành một cái phông tĩnh lặng, tôi nói với họ về Mễ Du: những gì đã đưa tôi đến đây, những gì tôi đã thấy và những gì Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục cho tôi thấy - cũng như sẽ cho họ thấy nữa.
Một buổi tối sau Thánh Lễ, vài người trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình biết được tôi đã nói chuyện với nhóm Caritas, nên cũng đến xin tôi nói với nhóm của họ. Họ liền vội vàng sắp xếp cho chúng tôi họp mặt ở tầng hầm Nhà xứ vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Họ cho tôi biết sẽ chỉ có 20 hoặc 30 người thôi, nhưng lời đồn loan nhanh: đã có đến hơn 50 hay 60 người khi tôi đến đó. Một lần nữa, tôi thầm cầu nguyện tạ ơn và xin cho họ được nghe Chúa Thánh Linh, chứ không phải nghe Wayne Weible.
Khi đã xong, sơ Margaret đến ôm hôn tôi và nói: “Tuyệt quá, cứ thế nhé!”
Tôi vào Nhà thờ dự Lễ, tạ ơn Chúa không ngớt, và lòng tôi cảm động sâu xa bởi Phụng vụ Thánh Lễ. Sau phần Thánh Thể, tôi vẫn quỳ đó, hai mắt nhắm nghiền, chìm đắm trong cầu nguyện sốt sắng hơn bình thường. Bỗng nhiên, tôi bắt đầu thấy nhiều khuôn mặt. Những khuôn mặt trông rất rõ, rất sống động và có vẻ như đang bồng bềnh trong màn sương mù màu xám nâu. Thế rồi khuôn mặt của từng người đó bắt đầu mờ dần và được thay thế bằng đoàn đoàn lũ lũ dân chúng.
Thình lình, xuất hiện phía trên họ một luồng ánh sáng chói chang hơn bất cứ ánh sáng nào tôi đã từng thấy, nhưng tôi vẫn có thể nhìn thẳng vào ánh sáng đó. Đang lúc chăm chú nhìn, thì ở đó, ngay chính giữa, Chúa Giêsu hiện ra trong áo choàng trắng. Ngài từ từ mở cánh tay và giang ra trên tất cả đám dân chúng ở dưới.
Thị kiến cực kỳ rõ ràng và kéo dài khá lâu. Tôi bị cuốn hút đến nỗi khi nó mờ dần rồi chấm dứt, tôi mới mở mắt ra và giật mình nhận thấy Thánh Lễ đã xong từ lâu, chỉ còn một mình tôi trong Nhà thờ.
Tôi đứng dậy, run rẩy và kinh ngạc về điều tôi đã thấy - chưa bao giờ có một điều tương tự xảy đến cho tôi. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi Nhà thờ và gặp Shannon Brenan, một phụ nữ trẻ trong nhóm Trung Tâm Hòa Bình. Chị đã ngồi cạnh tôi trong Thánh Lễ.
- “Tôi xin lỗi, Shannon, tôi không thể...”
Shannon ngăn tôi lại: “Anh không cần giải thích gì hết; rõ ràng là một điều gì đặc biệt đã xảy đến cho anh.”
Tôi kể cho chị nghe về thị kiến; tôi cần phải kể lại cho ai đó. Chúng tôi bắt đầu đi về phía thôn xóm nhỏ (xóm Bijacovici), nơi các thị nhân ở, và gặp một người bạn của chị. Họ chưa lên “Đồi Hiện Ra”, tên thường gọi của đồi Podbrdo, và họ năn nỉ tôi cùng đi với họ. Sau thị kiến tuyệt diệu ấy, tôi chỉ muốn mỗi một điều là cầu nguyện, đồi kia xem ra là nơi lý tưởng nhất, cho nên tôi đồng ý.
Vừa đến chân đồi, Shannon để ý thấy một nhóm người Mỹ đứng bên ngoài nhà Marija, nhà này nằm xuôi theo con đường lên đồi. Chị la lên: “Ồ, chúng ta hãy đến gặp Marija trước đã, rồi lên đồi sau.”
Tôi đồng ý ngay. Marija có lẽ là thị nhân có ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng điều quan trọng hơn là tôi muốn gặp Milka, em của Marija. Tôi đã có cuộc phỏng vấn cả hai chị em, nhưng Milka nhiều giờ hơn.
Thị nhân Marija, (đứng hơi cao
ở giữa hình) đang nói với khách hành hương về sứ điệp của Đức Maria. |
Marija đương đứng ở khoảng giữa những bậc thang dẫn lên cửa trước của nhà cô, điềm tĩnh trả lời qua người thông dịch các câu hỏi của một đám khách hành hương người Mỹ đang vây quanh cô. Có một lúc, cô bắt gặp cái nhìn của tôi. Tôi nghĩ cô đã mỉm cười. Tôi thầm nhủ: Thật là tức cười, với tất cả những cuộc phỏng vấn hằng ngày như thế, cô làm sao nhớ nổi một cuộc (cuộc phỏng vấn của tôi với cô) đã diễn ra cách đó năm tháng ?
Sau độ mười lăm phút, nhóm người Mỹ ra về. Shannon và cô bạn cũng đi, dặn tôi gặp họ trên đồi sau khi đã nói chuyện với Maria. Tôi đang định bước tới gặp cô, thì một nhóm vài người Ý trước đó đã lảng vảng bên ngoài, bây giờ nhảy vào, dành trọn thời gian của cô. Cô kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của họ bằng tiếng Ý rất lưu loát, và cuối cùng, khi họ đi rồi, cô quay sang tôi. Tôi nói: “Marija, tên tôi là...”
Maria nói to: “Là Wayne!” rồi bước tới chào tôi bằng cái hôn mỗi bên má. “Nào, ông có khoẻ không? Gặp lại ông, tôi mừng quá!” Tiếng Anh của cô không thạo, nhưng sự nồng nhiệt bột phát ấy không cần đến phiên dịch.
Miệng tôi há hốc: “Cô còn nhớ tôi?”
- “Vâng, dĩ nhiên. Ông đã phỏng vấn em với Milka. Milka rất - nói làm sao nhỉ? - rất kính phục ông.”
Tôi sững sờ: “Milka có ở đây không?”
- “Dạ không. Milka đang ở bên Đức để chăm sóc chị dâu mới sinh cháu bé.”
Tôi mỉm cười: “Thôi được, tôi sẽ trở lại gặp cô sau. Cha Svetozar sẽ đến cùng với tôi.” Rồi tôi quay gót ra về.
- “Không, không.” cô cười: “Bây giờ ông lên đây!”
Vừa nói, cô vừa nắm tay tôi dắt lên bậc cấp đi vào nhà bếp. Trong khoảng hai mươi phút sau đó, chúng tôi nói chuyện về những gì đang xảy ra tại Mễ Du, và về cuộc sống của cô (“Rất bận, rất ít khi được như thế này. Nhưng thế là tốt.”) Tôi ngạc nhiên thấy cô có vẻ hiểu được nhiều và có thể trao đổi rất tốt, mặc dù tiếng Anh còn bập bẹ. Chúng tôi thực sự đang nói chuyện với nhau - không phải là phỏng vấn, nhưng là một cuộc tán gẫu thân mật. Nhưng tôi sợ lỡ miệng nói ra điều gì ngớ ngẩn để mất dịp may sắp tới, tôi liền đứng dậy: “Tôi sẽ trở lại với cha Svet.”
Marija nói: “Ông hãy đến bất cứ lúc nào!” rồi tiễn tôi ra cửa, “Mong ông trở lại.”
Tôi gật đầu, vẫy tay và bước xuống bậc cấp. Sau đó, khi Marija đã đi vào trong nhà, tôi không nén được niềm vui lâu hơn nữa, liền chạy lên Đồi Hiện Ra, nóng lòng kể cho Shannon về cuộc nói chuyện của tôi với Marija, bởi vì đã có một cái gì rất đặc biệt trong buổi gặp gỡ ấy: cô không phải là Marija thị nhân, nhưng là Marija - bạn tôi. Đây là bước khởi đầu dẫn đến tình liên đới chặt chẽ của tôi với mỗi thị nhân sau này.
Đúng là một ngày cực kỳ hạnh phúc từ đầu đến cuối. Vào buổi chiều, cha Svet lái xe từ xứ đạo của ông đến đây để giảng dạy hằng tuần tại Nhà thờ, và khi ông đã xong việc, chúng tôi ôm nhau thắm thiết thay cho lời chào. Khi chúng tôi rảo bước bên lề cái sân bọc quanh Nhà thờ, cha nói: “Tôi có tin vui, tôi đã thu xếp cho anh đến Konjic và ở lại trong tu viện bốn ngày.”
- “Hết ý!” tôi nói, quá mừng vì cuối cùng cũng có dịp ở với ông lâu hơn là chỉ vài giờ. Tôi hỏi: “Khi nào cha?”
- “Tôi phải trở về tối nay, nhưng anh đến ngày mai. Chúng ta sẽ nói về quyển sách của anh, không phải sách của tôi - tuy tôi cũng có một số ý tưởng muốn viết ra với sự giúp đỡ của anh.”
Con đường ngược bờ sông Neretva đến Konjic thật là ngoạn mục. Lại một lần nữa, tôi không có bản đồ chỉ đường, nhưng cha Svet bảo đảm với tôi là chỉ cần đi theo con đường đến Sarajevo, đường này sẽ ngang qua Konjic. Khoảng sau hai tiếng, tôi tới nơi.
Cứ đinh ninh đây là một ngôi làng không lớn hơn Mễ Du bao nhiêu, tôi bật ngửa ra khi thấy Konjic là một thị trấn sầm uất. Tôi tìm ra được Nhà thờ của cha Svet, một kiến trúc tráng lệ, nguy nga với tu viện sát bên. Cha đã ở đấy để đón tôi và đưa tôi tới văn phòng, nơi tôi sẽ ở trong bốn ngày. Tôi co ro; Konjic cao hơn Mễ Du nhiều, nghĩa là khí hậu ở đây cũng lạnh hơn nhiều, và trong truyền thống khổ tu đích thực, không được có lò sưởi. Nhưng cha Svet, như đọc được ý tôi, đã mỉm cười và trao cho tôi cái máy sưởi điện nhỏ của phòng ngài.
Tối hôm đó, chúng tôi dùng bữa trong phòng ăn với các linh mục khác. Đây là một dịp vui hiếm có, cho tôi một kinh nghiệm thú vị khi ở chung với các tu sĩ Phan Sinh hơn là chỉ gặp gỡ các ngài tại Mễ Du. Ngoài ra, tôi còn được biết về cách sống của họ. Sau đó, chúng tôi đến phòng cha Svet bắt đầu làm việc. Cha nói: “Tôi có viết lại một số ý nhờ anh sửa giúp. Mấy đoạn này không dùng cho quyển sách của tôi, đó chỉ là vài ý tưởng tôi có thể dùng tới sau này - hoặc anh dùng cho quyển sách của anh cũng được.”
Thế là chúng tôi bắt đầu - cha Svet vừa đọc vừa ghi thêm vào bản thảo, còn tôi vừa đánh máy, vừa cho ý kiến. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng lại để bàn cãi về một điểm nào đó. Tôi đề nghị vài thay đổi nhỏ, còn ông muốn để nguyên như thế.
Sau một lúc, cha vỗ đầu gối tôi và mỉm cười: “Hay đấy!”
- “Cha muốn nói gì?”
- “Tức là chúng ta có thể ngồi đây và bàn cãi về dăm ba điểm vớ vẩn kia, rồi bây giờ anh còn có thể thoải mái bất đồng ý kiến với tôi.” Ông lại mỉm cười khi thấy sự đồng tình của tôi hiện lên nét mặt: cha Svetozar Kraljevic, người hùng thiêng liêng của tôi, đã không còn ở tít trên bệ để được nể sợ; trong khi ngài vẫn là một khuôn mặt lẫy lừng. Nhưng bây giờ, ngài còn là một người bạn thân thiết và người anh yêu quý của riêng tôi trong Đức Kitô.
Chúng tôi dành ba giờ tối hôm đó và nguyên ngày hôm sau cũng bận rộn như vậy. Đến giờ nghỉ trưa, chúng tôi dạo qua chợ trời họp phía bên kia Nhà thờ. Ở đây có bán đủ thứ, từ thực phẩm cho đến cối xay cà phê, và cha Svet mua một cái cối xay nhỏ, ngài nói: “Cái này dành cho Terri”, rồi trao nó cho tôi.
Tôi phá lên cười: “Giá mà cha biết được vợ tôi đâu có vào bếp nhiều đâu nào! Nhưng nàng sẽ quý nó lắm, vì do cha tặng.”
Terri, vợ củ̉a W.Weible,
và cha Svetozar: Một lần gặp gỡ đã thành người thân… |
Trong chuyến đi hồi tháng 9 vừa qua, Terri đã gặp cha Svet, và đã lập tức có cùng một cảm tưởng như tôi về ngài. Nàng sẽ cảm động vì được ngài nhớ đến, nhưng ngài là như vậy đó. Dù cho số “anh em”, “chị em” mới của ngài cứ tăng lên theo mỗi đoàn hành hương, ngài vẫn luôn có một lời nhắc nhớ đặc biệt, hoặc đôi phút lắng nghe dành cho mỗi một người trong họ.
Chiều hôm ấy, cha Svet phải dâng Thánh lễ lúc 17 giờ. Khi ngài đi sửa soạn, tôi đến ngồi dưới bóng râm sau lưng Nhà thờ, khoảng 20 phút trước giờ Lễ.
Không khí trong Nhà thờ lạnh lẽo, khiến tôi không ngừng run rẩy, dù tôi đã mặc đủ áo chống lạnh. Từng người, các cư dân thành phố tới dự Lễ, khoảng 15 hay 16 người. Tôi tự khích lệ mình nghĩ họ cũng cảm thấy lạnh như tôi. Để quên cái lạnh, tôi quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.
Bỗng nhiên, tôi hết run, quả thực tôi cảm thấy như rơi vào khoảng trống. Rồi tôi nghe thấy trong tôi một sứ điệp giống như tôi đã từng nghe mấy lần trước. Không phải là tiếng nói ở bên ngoài nghe được và cũng không có thị kiến kèm theo. Tuy nhiên, đó là một tiếng nói, nói lớn! “Hãy đưa Milka sang Hoa Kỳ!”
Tôi kinh ngạc. Vào chính lúc ấy, Milka ở xa tâm trí tôi như thể ở tận bên Trung Quốc. Tôi do dự, rồi thì thầm hỏi: “Tại sao?”
Không có tiếng trả lời, chỉ có một tâm tình sâu đậm thúc giục tôi phải làm điều đã được yêu cầu.
Tôi mới quyết định phải nói chuyện này cho cha Svet. Trong tôi bấy giờ có sự bình thản chấp nhận được làm kẻ thụ lãnh những sứ điệp nội tâm. Sau những kinh nghiệm tôi đã trải qua và thời gian quen biết Jelena, tôi bắt đầu hiểu ra rằng bất cứ ai cũng có thể là dụng cụ của Chúa Thánh Linh.
Cơ hội để nói với cha Svet đã đến ngay sáng hôm sau, đang khi ngài lái xe dẫn tôi đến chỗ ngài dự định xây cất một Nhà thờ mới cho giáo xứ. Tất cả tiền nong thu lợi từ sách vở ngài viết đều đổ vào công trình xây dựng này, mà ngài tin chắc nó sắp thành hiện thực.
Chuyến đi này, cha Svet mặc thường phục. Không có chiếc áo dòng nâu Phan Sinh, ngài bớt vẻ oai vệ. Nhưng tác phong cha vẫn tao nhã và đôi mắt vẫn luôn đượm nét thánh thiện.
Ngài không tỏ vẻ ngạc nhiên khi tôi trình bày cho ngài sứ điệp liên can tới Milka. “Vậy thì – ngài nói với vẻ đăm chiêu – ngày mai khi ta gặp Marija, anh hãy kể lại cho cô ấy xem cô ấy nghĩ làm sao.” Cha chấp nhận trở lại Mễ Du với tôi và làm thông dịch viên cho tôi.
Trên đường trở về tu viện ở Konjic, khi chúng tôi đến trung tâm thành phố, bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng còi xe hơi inh ỏi. Rồi khi đến gần một ngã tư thì thấy như thể tất cả cư dân thành phố tụ tập tới đấy cùng một lúc, và chẳng ai nhường ai một bước. Không bao giờ tôi nghĩ lại có thể xảy ra một cảnh ùn tắc cỡ đó trong một thành phố nhỏ miền núi ở Nam Tư. Nhưng thực tế là chúng tôi đang kẹt ở đó, ngay chính giữa.
Cha Svet nghiêng đầu rồi nhún vai và xuống xe, tiến vào giữa chỗ kẹt cứng, và bắt đầu điều khiển lưu thông, bảo tài xế này lùi một chút, tài xế kia tiến lên. Tôi không biết người ta có nhận ra ngài là ai không, chỉ biết rằng mọi người đều hể hả vì có người đứng ra dàn xếp tình hình. Không còn còi xe inh ỏi. Con đường đã thông thoáng và mọi người tiếp tục cuộc hành trình.
- “Đôi khi – cha Svet vừa cười vừa nói khi ngồi vào lại trong xe – ta phải ra tay hành động khiến cho tình hình phải thay đổi”.
Tôi cười to và gật đầu biểu đồng tình. Tôi vừa chứng kiến một hành vi của ông bạn Phan sinh, minh chứng sống động cho một lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh Tổ phụ ông, đại khái như thế này: “Lạy Chúa, xin cho con can đảm để thay đổi cái còn có thể thay đổi; kiên nhẫn để chấp nhận cái không thể đổi thay; và khôn ngoan để nhận ra sự khác biệt giữa hai cái ấy…”
Đầu buổi chiều hôm ấy, khi cha Svet chạy đi lo công việc trong thành phố trước khi chúng tôi rời nơi này, và tôi, sau khi đã thu xếp đồ đạc vào vali, tôi ngồi trên giường suy đi nghĩ lại về tất cả những gì đã xảy đến cho tôi, kể từ cái tối đáng ghi nhớ mà Thân Mẫu Chúa Giêsu nói trong lòng tôi. Mọi sự giờ đây được sáng rõ như pha lê. Tôi đã có thể thấy Mễ Du và tất cả ý nghĩa và những chuyện liên hệ như chưa từng bao giờ thấy rõ như thế trước đây. Và vai trò của tôi trong các biến cố này cũng hiện ra rõ ràng. Giờ đây, tôi hiểu tại sao tôi được gọi trở lại chốn này tới lần thứ ba trong vòng 6 tháng.
Đó là một thời kỳ tập sự. Vai trò của cha Svet ở trong vụ này là sức ảnh hưởng và sự hướng dẫn. Tôi bắt đầu lần chuỗi Mân côi trong lặng lẽ bằng cỗ tràng hạt ngài đã cho tôi.
Có ai gây tiếng động khẽ ở bực cửa mà tôi để hé. Ngước mắt lên, tôi thấy cha Svet đang đứng đó trong khung cửa, nhìn tôi với một nụ cười rạng rỡ. “Tôi sẽ nhớ mãi cuộc viếng thăm của anh ở đây qua cảnh này: Anh, ngồi trong phòng này, đang lần chuỗi.”
Tôi không thốt lên được lời nào. Mắt tôi đẫm lệ.
- “Nếu đồ đạc đã xếp xong, chúng ta sẽ đi”, ngài nói để kéo tôi về lại thực tại của cuộc hành trình. Tôi xách vali, theo ngài xuống chỗ đậu xe. Ngài lái xe đi trước, tôi lái xe theo sau trên đường về Mễ Du chẳng gặp khó khăn gì.
Khi chúng tôi đến gần ngoại ô Mostar, ngài ra hiệu cho tôi ngừng, rồi ra khỏi xe, ngài bảo: “Ta đi nhâm nhi tách cà phê nhé!”
- “Cha thật muốn ngừng lại đây sao? Chúng ta chỉ còn cách Mễ Du độ 40 phút nữa thôi.” Nhưng ngài cho biết ngài muốn ngừng.
Đang lúc nhấm nháp tách cà phê đặc sánh mà tôi bắt đầu ghiền, ngài bảo: “Này Wayne, tôi có quyết định này: chúng ta sẽ không làm việc cho quyển sách của tôi một thời gian. Để dành thời gian giúp anh hoàn thành cuốn sách của anh.”
Tôi đang định gạt đi, nhưng ngài giơ tay cản lại, và tôi nhận thấy ngài đã suy nghĩ và đã cầu nguyện nhiều lúc đi trên đường. “Anh phải viết cuốn sách của anh ngay và đừng để chuyện gì cản trở việc ấy. Hãy dành lấy thời gian cho việc ấy, và cầm chắc là thật đúng lúc. Nhưng anh phải làm.”
Tôi chỉ còn biết gật đầu.