BÀ LÀ AI ?
CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.
[BBT] Mạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.
Chương 26
HOÀN TOÀN ĐẦU PHỤC
Tôi cứ tủm tỉm cười đang khi chuẩn bị trở lại Mễ Du lần thứ tư trong thời gian chưa đầy một năm. Ngôi làng đó có cách hấp dẫn người ta, khi đã đến một lần, thế nào bạn cũng khao khát được trở lại lần nữa. Thế gian này không có một nơi nào mà lại an bình đến thế.
Nhưng lần này, nhu cầu trở lại của tôi không chỉ đơn thuần thiêng liêng, mà tôi còn muốn nghỉ ngơi. Sáu tháng vừa qua, miệt mài với những chuyến đi, những buổi nói chuyện và những cuộc phỏng vấn liên tiếp đã lấy đi hết sức lực. Tôi như một bình điện rỗng, nên thấy mình cần phải khẩn cấp đem đi sạc lại.
Lần này sẽ hơi khác: tôi sẽ đi với nhóm Du lịch Toàn Cầu, cơ quan đã tổ chức các chuyến đi du hành cho Trường Đại học Steubenville.Trước biến cố Mễ Du, tôi chưa bao giờ nghe nói đến một trường thuộc dòng Phan Sinh, trong cái thị trấn mỏ than mờ mịt ấy bên dòng sông Ohio. Bây giờ, tôi mới biết đó là một nhà máy điện thiêng liêng, nơi các sinh viên - hiểu theo nghĩa đen - đặt Thiên Chúa lên trên hết, và là nơi sự đổi mới liên lỉ như đang tiến triển. Những nhóm cầu nguyện sinh viên họp nhau cầu nguyện vào mọi giờ, suốt ngày đêm, và ơn gọi tu trì được coi như một sự lựa chọn nghề nghiệp có thể thành tựu được. Nhưng điều quan trọng đối với tôi là Trường Đại học đã dấn thân loan truyền sứ điệp Mễ Du, kể cả tổ chức hành hương đến ngôi làng ấy.
Người đứng đầu tổ chức Du lịch Toàn Cầu tên Dale Krieger. Tôi biết ông lần đầu tiên qua điện thoại, và sau đó, gặp đích thân ông tại New Orleans. Gầy và cao lêu khêu, Dale là một người miền Nam rất thoải mái. Tác phong và hành động của ông bình thản như thể không gì khiến ông thật sự bối rối, lo lắng, mặc dù những bất trắc của ngành kinh doanh du lịch. Khi được biết rõ về ông hơn, tôi nhận ra sự bình thản phi thường ấy bắt rễ từ một niềm tin tưởng không thể lay chuyển: dù đời có thế nào, Thiên Chúa vẫn nắm quyền kiểm soát.
Đức tin của ông đã được tôi luyện qua cái chết thảm khốc của cô con gái 18 tuổi của ông sau một tai nạn xe hơi. Khi đợi ở bệnh viện và cầu nguyện cho con, ông phải vật lộn với chính lòng tin của mình. Cho đến lúc đó, đức tin Công giáo của ông không gì khác hơn là lễ lạy, kinh sách ngoài môi miệng. Trong thời gian bình phục về tâm lý sau khủng hoảng do cái chết của con ông gây nên, ông mới khám phá lại tình yêu ông dành cho Chúa Giêsu - mà về sau, điều này đã dẫn đến hoạt động tích cực trong việc đưa người hành hương đến Mễ Du.
Từ ngày mới gặp nhau, chúng tôi đã thấy tâm đầu ý hợp, và việc tôi đi chuyến sắp tới với nhóm của ông xem ra cũng hợp lý. Chương trình của tôi là đi cùng với họ vào cuối tháng bảy, rồi ở lại đó thêm một tuần, trước khi trở về nhà với một nhóm khác cũng của ông. Tôi sẽ được ở một mình trong suốt thời gian đó - hoặc ít ra tôi tưởng như vậy.
Khi chúng tôi đến Dubrovnik, tôi lại đến mấy hãng cho mướn xe hơi - và thấy rằng trong tám tháng giá thuê đã tăng lên gấp đôi! Rõ ràng là những hãng cho mướn xe biết những người hành hương đến Mễ Du nếu thích được độc lập, sẽ không chùn bước trước giá đắt cắt cổ, nên đã thẳng tay chặt đẹp. Nhưng đó chỉ là một điềm báo cho những thay đổi sau này.
Khi chiếc xe buýt của hãng Du lịch Toàn Cầu (có tôi trên đó) đi ngang qua cầu dẫn vào Mễ Du, tôi khó mà nhận ra được nơi này. Dọc hai bên đường bây giờ là những văn phòng du lịch, quán cà phê, những sạp đồ vật̀ lưu niệm bán rong đủ thứ từ tượng Đức Bà bằng thạch cao cho đến món pizza, nhiều thứ chẳng dính dáng gì đến Mễ Du.
Sững sờ, tôi hỏi Dale tại sao lại như vậy. Dale giải thích rằng đa số người buôn bán là dân du cư bohêmiêng (gypsies), vốn không quan tâm đặc biệt gì đến Mễ Du - nhưng đến đồng tiền của người hành hương. Những người lang thang này xâm nhập từ từ vào làng, và lấn đất dựng sạp cho đến khi chỉ còn cách nhà thờ khoảng 50 mét. Các linh mục đã kịch liệt phản đối và làm hết sức để họ dời đi, nhưng cho đến nay chính quyền vẫn tảng lờ.
Khi chiếc xe buýt của chúng tôi nhích đi từng chút trong một thứ đang diễn ra ngày càng tăng là những vụ kẹt xe, tôi chợt nhìn ra cửa sổ, khi một phụ nữ bôhêmiêng bước xuống khỏi một chiếc Mercedes (!) tay ôm một búp bê và một cái chăn mà bà ta vừa rút ra từ băng sau. Khi tôi tròn mắt nhìn bà ta, vì thấy không tin nổi, bà ta cuộn con búp bê vào trong chăn để che bớt các chi tiết. Rồi nhìn quanh, bà ta lấy điệu bộ thảm thương và ngửa tay ra xin. Thoáng chốc, nó đã đầy đô la do nhóm người hành hương đầu tiên mới đi ngang qua.
Buồn nôn quá, tôi kể lại cho Dale điều tôi vừa chứng kiến. Ông nhún vai, nói rằng các linh mục đã lưu ý khách hành hương đừng cho tiền hành khất. Còn ngoài ra, các ông ấy không thể làm gì hơn. Người ta cứ tưởng như vậy là thực hành theo sứ điệp của Đức Trinh Nữ Maria, cho nên họ tiếp tục bố thí cho những người nghèo khó giả dạng ấy.
Tôi lắc đầu. Điều gì đang xảy ra cho ngôi làng mà tôi quý mến và coi như gia đình thiêng liêng của mình? Một bọn trộm cướp từ xa đến đây đang biến ngôi làng thành một nơi buôn bán hỗn loạn. Tôi phân vân không biết những người hành hương mới sẽ có thể tìm thấy sự thánh thiện - vốn đã dẫn đến việc cải hối của hằng triệu người trong sáu năm qua - nữa hay không.
Nhưng vẫn chưa hết những ngạc nhiên đáng lo ngại. Sau khi đã ổn định chỗ ở tại nhà ông Grgo Vasilj, tôi tiến về nhà thờ Thánh Giacôbê. Ngôi nhà thờ vẫn luôn là một ốc đảo yên tĩnh cho tôi, bất luận những gì có thể diễn ra bên ngoài. Như thông lệ, người ta hay tụ họp dưới mấy lùm cây trước nhà thờ. Thình lình, một người chỉ về phía tôi, và họ liền ùa đến từ tứ phía, đặt câu hỏi và chụp hình lia lịa.
Tôi kinh ngạc và bối rối. Terri đã báo động với tôi rằng với ba triệu bản sao bài báo đã phát hành, cái thời không bị ai chú ý khi ở trong đám đông có thể đã qua, nhưng tôi vẫn hoàn toàn không được chuẩn bị cho chuyện này.
Cuối cùng, tôi cũng thoát được và leo lên bậc cấp dẫn vào nhà thờ. Một số người khác bắt đầu chạy về phía tôi, nhưng tôi làm như không thấy họ, vội vàng bước vào nhà thờ lúc ấy còn vắng người, vì chưa đến giờ hành lễ kế tiếp. Đi lên hàng ghế bên phải đối diện với tượng Đức Trinh Nữ Maria, tôi quỳ xuống cúi đầu tạ ơn Chúa đã đưa tôi trở lại đây. Chưa đầy một phút, tôi cảm thấy có bàn tay vỗ lên vai tôi. Quay lại, tôi thấy một phụ nữ tuổi trung niên, vai quàng một túi xách, trên đó có tên hãng du lịch đưa bà đến đây mà tôi không hề biết. Bà ấy cúi xuống hớn hở nhìn tôi, trong khi ông chồng đứng ngay phía sau.
Bà ấy bắt chuyện: “Xin lỗi ông, ông chính là Wayne Weible, phải không? Là người Tin Lành đã viết các bài báo về Mễ Du phải không?”
Tôi gật đầu, cố gắng mỉm cười.
- “Tôi xin lỗi đã quấy rầy ông, nhưng tôi phải cám ơn ông vì đã thay đổi cuộc đời chúng tôi. Nhờ ông mà chúng tôi có mặt ở đây. Một người bạn đã tặng các bài báo của ông cho tôi. Và mọi sự lạ bắt đầu từ đó. Lần đầu tiên trong đời, lòng tin là một cái gì có ý nghĩa đối với tôi. Chúng tôi phải đến thôi.”
Pho tượng Đức Mẹ Lộ Đức
tuyệt mỹ này được đặt bên cạnh bàn thờ chính trong Đền thờ Thánh Giacôbê Mễ Du. |
Tôi gật đầu và cám ơn bà, đoạn quay lại cầu nguyện, đôi mắt khẩn khoản nhìn lên bức tượng Đức Maria tuyệt mỹ, thầm thì bày tỏ nỗi lòng: “Lạy Đức Maria Hồng Phúc, con không muốn được người ta chú ý quá xá như thế này!” Tôi mong đến đây để nghỉ ngơi, để chạy trốn. Cảnh an bình ở đây nay đâu rồi? Tôi nhìn lên mặt bức tượng gần như muốn xin được một dấu chỉ qua một nụ cười, một cử chỉ...
Câu đáp hoàn toàn không phải điều tôi mong đợi. Đột nhiên, tôi lại cảm thấy Đức Trinh Nữ Hồng Phúc nói với tôi: “Tại sao con tìm Ta trong các dấu chỉ? Ta ở với con bất cứ nơi nào con đang có mặt. Hãy đi ra ngoài với dân chúng và hãy làm những gì con đã nói con sẽ làm...”
Tôi đứng dậy và ra khỏi nhà thờ, cảm thấy nhỏ bé như chỉ cao có năm phân thôi, vì quá xấu hổ. Tôi hiểu ra rằng: làm một sứ giả của Thiên Chúa là một ơn gọi mà một ngày phải làm việc 24 giờ và một năm làm việc 365 ngày, chứ không phải chỉ khi ở trước đám đông vỗ tay hoặc khi ở trước đèn quay phim truyền hình. Phải làm việc bất cứ khi nào và nơi nào sứ điệp cần được loan báo - đang vào mùa hay đang hết mùa, lúc thuận hay lúc nghịch. Cuộc đời nhiều người đang thay đổi, và bất cứ một sự khuyến khích nào có thể làm cho người ta, đều là chuyện cần thiết để củng cố những đổi mới đó. Một cách ngoan ngoãn, tôi thề nguyền sẽ học để biết khoan dung, rộng lượng, kiên nhẫn và biết lắng nghe, dù tôi có mệt nhọc đến đâu, hoặc các câu hỏi của người ta có ngớ ngẩn thế nào.
Bên ngoài nhà thờ, dân chúng lại bắt đầu tụ tập, và lần này tự tôi tiến đến hỏi han họ. Có những nhóm đến từ California, Alabama, Phoenix... và mỗi nhóm đều nóng lòng cho tôi biết mấy bài xã luận của tôi đã khiến họ có quyết định đi đến đây. Bây giờ thì tôi mừng quá, mừng cho họ - và cũng mừng cho ơn gọi của mình nữa.
Một người hỏi tôi: “Nếu chúng tôi sắp xếp được thời giờ với người hướng dẫn, ông có vui lòng nói chuyện cho nhóm chúng tôi không?”
- “Vâng, được, được, nhưng vì tôi vừa mới đến, nên xin quí vị liên lạc lại với tôi.”
- “Ngày, giờ nào thì tiện cho ông?”
- “Lúc nào cũng được, trừ giờ Thánh Lễ tiếng Anh buổi sáng và lễ tiếng Croát ban chiều.”
- “Ông thích nói chuyện ở đâu?”
Tôi nhớ nhóm Caritas, mà tôi có dịp nói chuyện với họ trong chuyến đi trước, đã rất thích lùm cây phía sau nhà thờ. Tôi bèn hỏi: “Các bạn có biết cái nghĩa địa nhỏ trong trảng cây bách hương, trên đường mòn dẫn lên núi Krizevac không? Chúng ta sẽ nói chuyện ở đó lúc 16 giờ nhé!”
Nghĩa trang cổ xưa với từng làn gió nhẹ thở dài qua những ngọn cây ngàn năm xanh ngắt, đã gây nơi mọi người cảm giác sâu đậm về sự bình an và hiện diện của Thiên Chúa. Chiều hôm ấy, khi nói chuyện với họ, tôi chỉ cần trút hết mọi tâm tư cho họ nghe.
Sau đó, tin đồn tôi đang có mặt tại Mễ Du lan ra nhanh như chớp. Tôi đã được yêu cầu nói thêm sáu lần nữa trong tuần đầu tiên, và cuối cùng, khi có quá nhiều yêu cầu mà tôi không thể đáp ứng hết, có người khuyên tôi đến gặp cha Philip Pavic, một linh mục người Mỹ, gốc Croát, hiện thường trú ở Mễ Du, để xin ngài cho phép thuyết trình trong nhà thờ Thánh Giacôbê.
Cha Philip, một nhà thần học cao lớn, có bộ râu xám với đôi mắt nâu ấm áp, trái ngược với vóc dáng oai phong của ngài, đã từng nghiên cứu nhiều năm tại nhà thờ Đức Bà Paris, sau 12 năm phục vụ tại Đất Thánh; chính khi đó, Đức Mẹ gọi ngài về Mễ Du. Ngài phụ trách các vấn đề liên quan đến người hành hương nói tiếng Anh. Khi tôi đã thắng được sự ngượng ngập lúng túng, và trình bày xong những khó khăn của tôi, cha sắp đặt cho tôi nói chuyện tại nhà thờ Thánh Giacôbê vào sau trưa thứ năm. Cha Svet thường từ Konjic xuống Mễ Du để giảng thuyết vào các ngày thứ năm, nhưng tuần này, ngài lại đến vào thứ sáu, cho nên mọi sự được sắp xếp êm xuôi.
Tôi vui sướng rộn ràng - nhưng không khỏi khiếp đảm. Ngay cả trong những giấc mơ điên cuồng rồ dại nhất của mình, tôi cũng không thể tưởng tượng tôi được một đặc ân như thế.
Trong khi chờ đợi, vẫn còn những buổi nói chuyện đã sắp đặt trước đó mà tôi chưa thực hiện: một buổi cho nhóm Trung Tâm Hòa Bình, cũng do sơ Margaret hướng dẫn, với Bernie và Ellen Hanley trợ tá. Tôi thích thú khám phá ra Rita Klaus và gia đình cũng đến đây như khách mời đến nói chuyện của nhóm “Trung Tâm Hòa Bình”. Chỉ mới hơn một năm sau khi được phép lạ chữa lành bệnh đa xơ cứng, Rita cuối cùng đã có thể đến được ngôi làng của những Cuộc Hiện Ra này.
Bernie đã yêu cầu hai chúng tôi nói chuyện với nhóm họ vào một bữa tiệc trưa đặc biệt. Rita nói trước và kết thúc trong nước mắt - thật ra thì cả nhóm đều khóc. Đến khi tôi bắt đầu, tôi nhận ra đây là lần nói chuyện khó khăn nhất mà tôi phải đương đầu. Đó là vì tôi bị choáng ngợp bởi cảm xúc đến từ những lời kể của Rita, cũng như bởi vai trò của Trung Tâm Hòa Bình đã giúp tôi dấn thân vào việc Mễ Du. Và rồi, ngay giữa cuộc nói chuyện, tôi gục xuống trong nước mắt. Điều này chưa bao giờ xảy ra, và tôi mắc cỡ quá - cho đến khi nhận ra mọi người khác cũng đang khóc như tôi. Đó đã là một bữa tiệc trưa thấm đẫm tình cảm - một bữa ăn ghi dấu ân tình Thiên Chúa, biểu hiện qua những giọt nước mắt hạnh phúc ấy.
Sau đó, Rita bằng lòng ngồi lại và cung cấp thêm một số tư liệu cho quyển sách của tôi. Cô xuất thân từ “một gia đình Công giáo gốc”, và cô đã nghiệm được ơn gọi của Chúa từ thời thơ ấu lúc 8 tuổi. Lên 16, cô vào một dòng tu ở Omaha, bang Nebraska, ở nhà tập 5 năm trước khi khấn hứa. Trong suốt thời gian này, cô bị một chứng bệnh ngày càng phát triển, và cuối cùng được xác định là bệnh đa xơ cứng.
- “Khổ nhất”, cô nói tiếp, “là bà Mẹ Bề Trên không tin tôi. Tôi trông khoẻ mạnh, nhưng có nhiều ngày tôi choáng váng và có khi không sao bước lên cầu thang được. Bà mẹ cứ tưởng tôi muốn được người khác quan tâm đặc biệt.”
Sau đó, Rita phải rời nhà dòng, và bị khủng hoảng nặng nề. Cô không hiểu tại sao điều này xảy đến với cô, trong khi cô hết sức mong muốn làm nữ tu để phụng sự Chúa. Các vấn đề khác bắt đầu nổi lên nữa. Cô không kiếm được việc làm, vì tình trạng sức khoẻ. Rốt cuộc, bác sĩ của cô khuyên cô đừng nói với những người có thể sẽ thuê cô làm việc rằng cô mắc bệnh đa xơ cứng. Ông ấy đoán bệnh trạng của cô sẽ còn ổn định ít nhất trong vòng năm hoặc sáu năm nữa, và tốt nhất cô nên đến sống ở miền duyên hải phía Đông hoặc phía Tây. Cô nói: “Tôi đã dạy học một thời gian ở tu viện, nên tôi quyết định đi Pennsylvania để tiếp tục học và thi lấy bằng. Tôi kiếm được một chỗ dạy học ban ngày, còn ban đêm thì tôi đi học.”
Rồi Rita gặp Ray, chồng cô, sau một thời gian dài tìm hiểu, hai người đã kết hôn. Cuộc sống xem ra phát triển êm đềm, nhưng cô cảm thấy rất đau đớn, cay đắng đối với Giáo Hội. Cô vẫn đi lễ, nhưng vì thói quen hơn là vì mộ mến. Sau này, khi cơn bệnh vượt quá mọi nỗ lực chống chọi của cô, cô đâm ra thất vọng và tự cô lập. “Tôi chạy đủ thầy đủ thuốc, trừ việc cầu nguyện. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi vẫn ổn định, và Ray, chồng tôi, thì tuyệt vời. Chúng tôi có ba đứa con, nhưng tôi vẫn cay cú khủng khiếp, vì cho rằng đời đã chơi tôi một vố quá đau.”
Tôi gật đầu đồng ý - và tự hỏi có bao nhiêu tâm hồn bị tổn thương muốn giải bày những nỗi đau như hoàn cảnh nói trên?
- “Như anh biết đấy, sự đổi đời đã đến với tôi vào năm 1981, khi một cô bạn đến mời tôi đi dự một buổi cầu nguyện chữa lành với cô ấy. Anh Ray bảo là tôi đã chạy chữa đủ cách, tại sao cách này lại không thử?” Cô lắc đầu nhận rõ mình đã cẩu thả, thờ ơ như thế nào.
- “Thế là tôi đi. Khi đã tới đó rồi, tôi lại hối hận vì đã đến. Tôi chỉ biết rằng người ta đang chằm chằm nhìn tôi, làm tôi chỉ muốn độn thổ. Đã thế, khi các linh mục tiến lên từ lối đi, một vị bỗng nắm lấy vai tôi từ phía sau và đặt tay trên tôi cầu nguyện liên tục. Tôi cảm thấy nhục nhã và cứ tự hỏi cái gì đang diễn ra ở đây. Nhưng một cảm giác bình an rất sâu đậm như bao bọc tôi - và tôi bắt đầu cầu nguyện với linh mục ấy. Đó là lần đầu tiên trong một thời gian rất lâu dài, tôi mới có cái cảm giác như vậy. Tôi nhận ra đó là sự chữa lành về mặt tâm linh. Tôi không quan tâm đến bệnh tật nữa: bất cứ điều gì Chúa muốn, tôi sẽ chấp nhận và sẽ hạnh phúc.”
Tôi ngồi đó như bị thôi miên bởi sự đầu phục hoàn toàn của Rita trước Thánh Ý Thiên Chúa. Một lần nữa, đó là điều cốt lõi của sứ điệp xuất đi từ Mễ Du. Sự tùng phục của Rita đã đi đến chỗ trở thành một chứng từ chói lọi về tình yêu luôn hiến ban của Thiên Chúa bằng chứng là ơn chữa lành phần thể xác của cô.
Nhưng điều càng hiển nhiên hơn nữa là vẻ đẹp của sự chữa lành về phần tâm linh. Cô và cả gia đình giờ đây hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
“Như anh đã biết phần cuối của câu chuyện: vào đêm 18 tháng 6 năm 1986 đó, tôi xin Thiên Chúa chữa tôi khỏi những gì cần được chữa, và ngày hôm sau, tôi không còn là nạn nhân của bệnh đa xơ cứng nữa.”
Tôi mở to mắt ngạc nhiên nhìn cô ấy. Tôi tắt máy ghi âm, đứng dậy bước ra xa vài bước. Cô ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện gì vậy?” Tôi chỉ biết huơ tay, không nói nên lời. Hóa ra là cái ngày 18-6-1986 ấy! Ngày tháng ấy đã được ghi phía sau tấm ảnh!
Tôi kể lại câu chuyện tấm ảnh Chúa Giêsu mà Maureen Thompson và tôi đã nhặt được trên đỉnh núi Krizevac, nó hoàn toàn khô ráo trong khi mọi thứ khác ướt đẫm sương, và ngày 18 tháng 6 năm 1986 được ghi đơn độc ở mặt sau, còn chúng tôi thì nhặt được tấm ảnh vào ngày 7 tháng 5 năm 1986, sáu tuần lễ sớm hơn, (xem lại chuyện này ở chương 13).
Rita và tôi ngồi đó khá lâu, không nói được một lời. Cả hai chúng tôi đều không nghi ngờ chuyện đó liên quan đến ơn lành bệnh của Rita. Nhưng, tôi biết rõ, điều bí ẩn của ngày tháng ấy không quan trọng - nếu so với sự đầu phục hoàn toàn Thánh Ý Chúa của Rita. Đầu phục - đó là chìa khóa đích thực để mở cánh cửa cuộc sống mới của chúng tôi như những người truyền bá sứ điệp Mễ Du.
Bao giờ cũng vậy, thời gian ở Mễ Du đều rất hữu ích cho tôi. Trong chuyến đi với chủ ý nghỉ ngơi ấy, tôi đã giải quyết công việc bằng mười lăm buổi nói chuyện, kể cả buổi quan trọng nhất tôi sẽ̃ nói trong nhà thờ Thánh Giacôbê vào xế chiều một ngày thứ năm oi ả.
Khoảng một tiếng đồng hồ trước giờ thuyết trình, tôi ngồi trên khoảng sân bên ngoài, dựa lưng vào tường đá mát rượi của nhà thờ. Tôi không sao bình thản được, khi nhìn thấy mấy sạp hàng của người Gypsy dựng san sát nhau dọc con đường dẫn tới nhà thờ.
Đang khi tôi cố gắng tập trung và cầu nguyện, xin Chúa Thánh Linh ban cho tôi lời lẽ tôi sẽ cần đến, thì một người đàn bà hành khất tiến lại phía tôi, ba đứa trẻ rách rưới, bẩn thỉu lẽo đẽo theo sau. Bà ấy chìa tay ra, và khi thấy tôi không để ý đến bà, bà dùng một ngón tay của bàn tay kia gõ gõ vào lòng bàn tay bà đang chìa ra một cách đòi hỏi.
À, tôi biết là các linh mục không khuyến khích bố thí cho những người hành khất Gypsy, nhưng nếu đây là một thiên thần giả trang thì sao?
Tôi thò tay vào túi và lôi ra tất cả những gì có trong đó - khoảng bốn ngàn dinari (tương đương bảy đôla).
Bà ta cầm lấy rồi lắc đầu, nói: “Không, không! Đô la!” rồi bà lại ngửa tay ra.
Tôi chưng hửng vì bà còn xin thêm, trả lời: “Tôi chỉ có bấy nhiêu thôi!”
Bà ta đốp lại: “Không! Cho tôi đô la!” Tôi nhìn bà ấy, không tin vào tai mình, và bấy giờ bà trở bàn tay lại để cho tôi xem bà muốn cái gì. Trong bàn tay đó là một cuộn lớn tiền giấy đô la dày cỡ bảy phân. Chỉ tay vào đó, bà ấy xin: “Cho tôi đô la!”
Tôi chỉ biết lắc đầu xua tay cho bà ấy đi chỗ khác. Nhưng nhìn thấy cây Thánh giá nhỏ bằng vàng đeo ở cổ tôi, bà liền giơ tay ra lấy, rồi nói: “Ông cho tôi cái này!”
Bây giờ tôi đã điên tiết lên. Tôi đứng dậy xua bà ấy đi, nhưng mấy đứa trẻ níu tay tôi, xoa bụng và rên khóc. Rõ ràng chúng đã được mẹ huấn luyện cho làm như vậy, nếu quả thật bà là mẹ chúng. Tôi vội bỏ chỗ đó, vòng ra đằng sau nhà thờ để tránh bà, lúc ấy đang lộ vẻ thất vọng rất thiểu não. Bà ta có thể là một cái gì đó trá hình, nhưng chắc chắn không phải một thiên thần giả trang.
Bấy giờ, tôi bắt đầu cầu nguyện sốt sắng và từ từ lấy lại được sự bình an. Thậm chí còn tạ ơn Chúa vì sự cố bẩn thỉu này, và đặc biệt vì nó xảy ra đúng lúc. Nó đã chỉ cho tôi thấy: bất chấp mọi thứ thương mại phàm tục của thế gian chộn rộn đang xâm phạm đến Mễ Du, nhưng cốt lõi sự thánh thiêng tuyệt đẹp – tức tác động siêu phàm của Đức Giêsu – vẫn không bị chạm tới. Đó là dòng hải lưu sâu thẳm tận đáy đại dương, cái còn lại chỉ lao xao trên mặt nước.
Tôi đi vào nhà thờ bằng cửa sau, rồi sau mấy lời giới thiệu vắn tắt của cha Philip Pavic, tôi bước lên bục giảng. (Xem hình, chỗ khoanh tròn).
Tôi cảm thấy đông cứng lại vì sợ. Tôi quen làm người tham dự cùng cộng đoàn trong nhà thờ chật cứng như nêm. Thế mà giờ đây, tôi đứng từ trên nhìn ngược xuống cộng đoàn ̀ ở phía dưới, điều đó tôi đâu có quen. Nơi thánh này... tôi làm sao lại dám...
Tôi liền nhớ lại: không phải tôi, nhưng chính Thiên Chúa đã đưa tôi đến đây. Chính Người đã mở cửa và đưa người ta vào đầy nhà thờ. Bây giờ, bởi Thánh Linh của Người, Người sẽ đặt nơi miệng tôi những lời mà Người muốn họ được nghe. Tôi chỉ có việc mở miệng ra mà nói những lời ấy.
Đó là một trong những bài thuyết trình về Mễ Du trọn vẹn nhất mà tôi đã làm. Nó đã được mọi người tiếp nhận, và sau đó, cha Philip trao cho tôi một cuộn băng thu lại toàn bài để tặng cho Terri. Tôi cám ơn cha, mà không ngờ rằng về sau, cũng giống những bài xã luận, con số những bản sao của cuộn băng ấy đã dần dần tăng lên đến hàng trăm ngàn, phân phát trên khắp thế giới.
Tôi không phải là người duy nhất có cuộn đó ngày hôm ấy. Trong cử tọa có Mary O’Sullivan, người Ai-len. Cô cũng xin cha Philip một cuộn – và đem về Ai-len. Ở đó, cô đã nhân bản lên và tung ra thị trường vài ngày sau, và dùng tiền lời để đưa các linh mục đến Mễ Du. Vào lúc tôi đến Ai-len lần thứ nhất, đã có hơn 15.000 cuộn băng được bán ra.
Cho đến lúc ấy, chuyến đi này không thể gọi được là chuyến đi nghỉ ngơi. Nhưng không sao, vì đó là thời gian tôi được học hỏi về sự đầu phục hoàn toàn.