Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 1 : Thiên Chúa - Đấng Cứu Tinh Quyền Thế

Các thánh sử viết phúc âm thích minh họa Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng hình ảnh hơn là bằng các bài viết thần học. Vì thế khi đọc Phúc Âm, phải phân biệt giữa những gì tác giả muốn nói và chất liệu tác giả dùng. Sứ điệp mà thánh sử muốn truyền đạt là Lời Chúa, Lời có giá trị muôn thuở. Cách để trình bày Lời thì tùy môi trường văn hóa.

Một vài ví dụ lấy từ ngôn ngữ phổ thông sẽ giúp chúng ta phân biệt giữa sứ điệp và cách chuyển tải sứ điệp. “Một người ở trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn” là một câu nói bình thường nhưng nó sẽ gây ấn tượng nếu được diễn tả qua hình ảnh “Người đó bị đốn ngã.” Ngạc nhiên trước một sự kiện thì không mạnh bằng “từ trên trời rơi xuống.” “Trơ trẽn” thì không mạnh bằng “táo tợn.” Người hơi kỳ cục thì nói họ “bối rối” cho nhẹ hơn. Người cực kỳ lo lắng thì nói họ bị “quỷ ám” cho ấn tượng. Diễn giả nói dỡ là người nói “nhàm tai”, người trúng số thì nói người được “trời thương.” Trong văn hóa chúng ta, ai cũng hiểu đó là một cách nói chứ không nhất thiết phải tin có những người đầu óc đầy sâu bọ hay bị quỷ lậm vô người. Nhưng những thành ngữ này khi được đọc sau hai ngàn năm, ở các văn hóa khác nhau thì có thể sẽ được hiểu theo nghĩa đen.

Không phải lúc nào các hình ảnh trong văn hóa đông phương cũng phù với các hình ảnh trong văn hóa tây phương, thường thường lại ngược nhau: con ngỗng, một hình ảnh tượng trưng cho khôn ngoan trong văn hóa do thái lại được xem là hình ảnh ngu ngốc trong văn hóa tây phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói “con cáo này...” để ám chỉ Hê-rô-đê (Lc 13: 32). Đối với văn hóa tây phương, con cáo tượng trưng cho tính xảo quyệt, nhưng trong văn hóa Sêmita thì nó được xem như một con vật không đáng kể, sách Talmud nói: “Thà làm đuôi con sư tử còn hơn làm đầu con cáo.” Như thế Chúa Giêsu không xem Hê-rô-đê là người quỷ quyệt mà cho ông ta là người không đáng kể.

Ngôn ngữ bình dân đôi khi tô đậm các hình ảnh bằng con số: cái ly vở ra ngàn mảnh; sự việc được lập lại cả trăm lần; chờ thì chờ một giờ nhưng thấy thì cả thế kỷ rồi chưa thấy lại; bước thì bước hai bước; thế giới thì thế giới thứ ba và rao giảng thì rao giảng tứ phương bốn hướng. Như thế, trong Kinh Thánh, các con số không có giá trị toán học mà gần như lúc nào cũng mang một nghĩa bóng. Ngay từ những trang đầu tiên, người ta đã thấy những con số có tính cách biểu tượng, từ bảy ngày tạo dựng đến tuổi của các tổ phụ: Ma-thu-sa-lem sống lâu nhất đến 969 tuổi; A-dong 930 tuổi, ông Nô-ê làm cha lúc 500 tuổi và sống đến 950 tuổi. Sau đó, Đấng Tạo Dựng tức giận loài người, ấn định cho tất cả mọi người chỉ sống đến 120 tuổi là cùng! (St 6:3)

Trong phúc âm cũng vậy, các con số cũng có tính cách tượng hình. Số ba có nghĩa là trọn vẹn. Phê-rô chối Chúa ba lần. Khi Chúa Giêsu loan báo ngày thứ ba sẽ sống lại không có nghĩa là Chúa cho một chỉ dẫn về tuần tam nhật phục sinh nhưng để xác nhận Chúa sẽ trở lại một cách vĩnh viễn và chiến thắng cái chết một cách hoàn toàn. Số bảy là số toàn thể; số mười hai dùng để ám chỉ Ít-ra-en; bốn mươi là một thế hệ; năm mươi là con số của Thần Khí; bảy mươi là các quốc gia lương dân.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, người cứng đầu là người “điếc” không muốn nghe; người lạnh lùng là người “câm” như hến. Người lập lờ là người đi “khập khểnh.” Người cứng đầu là người “không thấy.” Trong Thánh Kinh, mù và điếc là dấu hiệu của cứng đầu (Is 42: 18-19), trong Phúc Âm, người mù không phải là người mù mắt mà người không muốn hay không thể thấy hình ảnh một nhân loại lý tưởng mà Chúa Giêsu mang đến. Vì thế Chúa Giêsu gọi những người Pha-ri-sêu là “người mù dắt người mù” (Mt 15:14). Hai người mù thành Giê-ri-cô là hình ảnh thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an khi họ ham muốn địa vị cao sang (Mt 20: 20). Bị mù quáng vì theo truyền thống chỉ muốn thấy hình ảnh Đấng Thiên Sai qua hình ảnh dữ dằn của vua Đa-vít, họ không thấy hình ảnh một Chúa Kitô “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28).

Sứ mệnh của Chúa Giêsu là đem thị kiến đến cho người mù (Lc 4: 18) và chữa lành các khuyết tật khác không những về mặt thể lý mà còn về mặt nội tâm. Công việc này, cộng đồng tín hữu có thể tiếp tục làm qua lời và qua hành vi để nhân loại có thể có sung mãn trong thân phận làm người, tương hợp với chương trình hoạch định của Chúa cho từng người. Khi mô tả Chúa Giêsu chữa lành các bệnh, các thánh sử không muốn mô tả Chúa Giêsu như nhân viên cấp cứu. Họ muốn chứng minh cho thấy hành vi sâu xa của Chúa khi Người muốn loại bỏ các cản trở ngăn không cho con người đón nhận Lời Chúa. Vì thế các thánh sử tránh dùng chữ phép lạ, thay vào đó họ thích dùng chữ dấu hiệu hơn. Trong Phúc Âm, không có phép lạ nhưng những dấu hiệu Chúa Giêsu làm và cộng đồng tín hữu phải tiếp tục làm như vậy.

Cái sừng của ông U-ri-gia

Thánh Kinh đầy những thành ngữ diễn tả mà nếu hiểu theo nghĩa đen thì nó không có một ý nghĩa gì cả. “Rưới dầu trên đầu” (Tv 23:5) có nghĩa là “xức dầu thơm”, và “liệng giày” có nghĩa là “chiến thắng” (Tv 60: 10). “Chất than hồng lên đầu” không có nghĩa là nướng chín mà có nghĩa làlàm cho xấu hổ (Rm 12: 20). Tiên tri Da-ca-ri-a loan báo Người Giải Phóng toàn dân mong chờ qua hình ảnh “cái sừng cứu rỗi” – trong Phúc Âm Lc 1: 69 bản tiếng Việt dịch là Đấng Cứu Tinh quyền thế – nhưng cái sừng là biểu tượng cho sức mạnh “Đấng Cứu Độ quyền năng” (Tv 18: 3). Khi không hiểu rõ các tiêu chuẩn này thì bản văn trở nên khó hiểu.

Người đọc bình thường, không am hiểu văn hóa do-thái sẽ không hiểu lời vua Đa-vít mời ông U-ri-gia, một người lính của ông: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân.” (2 Sm: 11: 8) “Rửa chân” là lối nói trại ám chỉ “về ngủ với vợ” (2 Sm 11: 11). Vua Đa-vít thay vì đi ra trận như các vua khác thời đó lại thích ở lại Giê-ru-sa-lem để hoan lạc, ông quyến rũ vợ của U-ri-gia trong lúc ông này đi ra trận. Khi vua Đa-vít gọi ông U-ri-gia về, cốt để ông này nhận đứa con trong bụng của bà Bát-sê-va làm cha. Nhưng vì ông U-ri-gia – bị lừa nhưng không ngu – từ chối không chịu rửa chân, vua Đa-vít không còn lựa chọn nào khác hơn là phải giết ông này (2 Sm 11: 14-17).

Phép rửa tội của Chúa Giêsu là một ví dụ tiêu biểu để hiểu sự kiện trong bối cảnh văn hóa của nó. Thánh Gio-an tuyên bố Chúa Giêsu sắp xuất hiện và Chúa là người ông không xứng đáng cởi giày. Trong văn hóa tây phương, thành ngữ này nói lên lòng thành kính khiêm tốn của thánh Gio-an nhưng trên thực tế, câu này mang một ý nghĩa phong phú hơn. Hình thức “Cởi giây giày” là theo lề luật pháp lý nhằm giải quyết vấn đề hôn nhân của người do-thái dựa theo luật Lévirat (tiếng la-tinh chữ levir có nghĩa là “anh em rể") trong mục đích muốn duy trì dòng dõi gia đình (Đnl 25: 5-10). Khi người đàn bà góa không có con trai thì người anh rể có nhiệm vụ làm cho người đàn bà góa mang thai (St 38). Khi sinh ra, đứa con trai được mang họ người quá cố. Trong trường hợp người anh rể từ chối, người nào được pháp lý cho phép thì người đó sẽ làm cho người đàn bà góa mang thai. Trong một buổi lễ mang tên là “cởi dép” thì người này cởi dép trao cho người kia (R 4: 7-8). Như thế khi chúng ta hiểu bối cảnh văn hóa này thì thành ngữ thánh Gio-an Tẩy Giả dùng trong biểu tượng do-thái liên hệ đến quan hệ hôn nhân giữa Thiên Chúa-người chồng và Ít-ra-en-người vợ (Hs 2). Được dân do-thái xem mình là Đấng Thiên Sai họ mong đợi, thánh Gio-an khẳng định ông không có quyền thai nghén Ít-ra-en; không phải ông là người chồng mà chính Chúa Giêsu mới là người chồng (Ga 3: 29-).

Phúc Âm cho người mù chữ

Một câu hỏi đến trong đầu: phúc âm có khó diễn giải không? Có được viết với ngôn ngữ bình dân không? Khổ thay là không. Phúc âm không được viết để đọc mà để nghe, bởi vì phần lớn các tín hữu đầu tiên là những người mù chữ (Cv 4: 13). Các thánh sử, là những bậc cao siêu trong cộng đồng kitô, giao bài viết của họ cho những cộng đồng khác, nơi có Người Đọc, một người có học chuyên làm công việc này (Kh 1: 3), không những đọc mà còn diễn giải và giải thích cho dân chúng. Trong một đoạn đặc biệt khó của phúc âm thánh Mác-cô, thánh sử có lời nhắn: “Người đọc hãy lo mà hiểu!” (Mc 13: 14).

Đương nhiên, để sống trọn vẹn sứ điệp của Chúa Giêsu, dù không đọc sâu xa phúc âm cũng không sao. Các câu như: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6: 27) thì không cần giải thích mà chỉ cần đem ra áp dụng. Nhưng để thấu hiểu mọi “kích thước dài rộng cao sâu” (Ep 3: 18) tình yêu của Chúa Cha chứa đựng trong Sách Thánh thì phải cần nghiên cứu. Các thánh sử không trình bày theo thứ tự thời gian những gì Chúa Giêsu làm nhưng trình bày một nền thần học những gì cộng đồng phải làm: không phải “cuộc đời” Chúa Giêsu nhưng ý nghĩa cuộc đời Chúa Giêsu trên đời sống cộng đồng. Không phải những sự kiện phi thường để gây ấn tượng nơi người đọc mà các lời mời gọi tiếp tục công trình của Chúa Giêsu ( Ga 14: 12).