Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 2 : Người Được Chúa Giêsu Thương Mến

Ga 13: 23 "Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su."

 

Chúa Giêsu tuyên bố sứ mệnh của Người là thể hiện tình yêu của Chúa nơi tất cả mọi người bằng cách nhúng (“rửa tội”) mỗi người trong Chúa Thánh Thần, đấng có súc mạnh sáng tạo của Chúa Cha (Ga 1: 33). Hành vi này của Chúa Giêsu nhắm đến tất cả mọi người. Như Chúa Cha, Chúa Giêsu không yêu nhân loại vì nhân loại xứng đáng được hưởng tình yêu này nhưng do nhân loại “tốt”, vì có khả năng trở nên tốt nên nhân loại là cùng đích của một tình yêu không điều kiện. Tình yêu của Người cũng dành cho cả “phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6: 35), Chúa Giêsu mâu thuẫn với hình ảnh của một Thiên Chúa công chính. Chúa Cha không giao cho Chúa Giêsu nhiệm vụ tiêu hủy nhân loại nhưng giao nhiệm vụ mang sự sống đến cho nhân loại; “ Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian, nhờ Con của người, mà được cứu độ.” (Ga 3: 17) Công việc của Chúa Giêsu không phải là “chặt và quăng vào lửa tất cả cây nào không sinh quả tốt” (Lc 3: 9) nhưng là “vun xới chng quanh và bón phân cho nó” (Lc 13: 8), làm thuận lợi các điều kiện cần thiết để sinh hoa kết trái.

Khi Chúa Giêsu gặp người nào, các thánh sử viết Chúa Giêsu “thấy” (Mc 1: 16), một động từ được dùng bảy lần trong câu chuyện tạo dựng của sách Sáng Thế: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp (St 4-31). Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa, khi Chúa gặp ai, Chúa “nhìn” họ với ánh nhìn của Đấng Tạo Dựng, một ánh nhìn cho người kia thấy được tình thương của Người (“Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” Mc 10: 21). Đấng Tạo Dựng nhìn “đất còn trống rỗng và chưa có hình dạng” và đã thấy đẹp (St 1: 2-10); ánh nhìn của người biến đổi quả đất, trao truyền sự sống và làm nó sinh động: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” (Tv 104: 30) Với ánh nhìn của đấng tạo dựng, Chúa Giêsu nhìn tâm trạng xáo động của con người để tái dựng họ, để làm mới bằng tình thương của Người như lời tiên tri Xô-hô-ni-a ca tụng: “Người lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” (Xp 3: 12) Khi con người gặp Chúa Giêsu, nó không bao giờ bị sỉ nhục và ngao ngán cho thân phận khốn khổ của mình nhưng nó say sưa về tình yêu vô bờ của Chúa dành cho nó (Lc 15).

Cùng đồng thuận với Chúa, đấng không “xét theo hình dáng mà nhìn tận đáy lòng” (1 Sm: 16: 7), các thánh sử dạy chúng ta phải gặp Chúa Giêsu để học cách nhìn người, nhìn việc, nhìn sự kiện với ánh nhìn của Đấng Tạo Dựng. Cũng một ánh nhìn này, Chúa nhìn các kẻ sát nhân mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23: 24)” Chúa Giêsu sửa lại ánh nhìn của người Pha-ri-sêu mộ đạo - ông khủng khiếp thấy căn nhà mình bị ô uế vì sự hiện diện của người đàn bà tội lỗi (Lc 7: 36-50) – và Chúa làm cho ông nhìn n phụ nữ này như một con người: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?”. Cũng vậy, trong khi cặp mắt của người Pha-ri-sêu nhìn người tội lỗi và người thu thuế thì Chúa Giêsu “thấy một người” đang ngồi ở trạm, thay vì tránh nhân vật này vì xã hội xem ông ta như người phạm tội, thì Chúa Giêsu mời ông đi theo Người (Mt 9: 9). Tình yêu chan hòa mở rộng ra cho những người không xứng đáng lúc nào cũng làm cho những người tuân giữ Lề Luật bất bình. Trả lời cho các chống đối của họ, Chúa Giêsu phản công: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20: 15)

Để có được ánh nhìn của Chúa Giêsu, dứt khoát là phải thay cặp mắt xấu bằng cặp mắt tốt (Mt 6: 22-23), thành ngữ mang nghĩa bóng ám chỉ tính hà tiện và lòng quảng đại (Đnl 15: 9-11), và điều chính cặp mắt mình để nó có khả năng yêu thương với một tình thương như tình thương quảng đại của Chúa “để thương xót mọi người.” (Rm 11: 32). Cặp mắt mới này là hoa quả đức tin của những người mà chỉ có thể dùng “thuốc để xức mắt mới nhìn thấy được” (Kh 3: 18). Chúa Giêsu sờ vào mắt của người mù nhưng mắt họ mở ra thấy được là nhờ đức tin: “Các anh tin thế nào thì được như vậy” (Mt 9: 29) và cũng như thế đối với thánh Phao-lô, người pha-ri-sêu sốt sắng nhiệt tình, “mắt thì mở, nhưng không thấy gì”, phải làm cho “vảy bong bóng ra khỏi mắt” để ông thấy lại được và nhận biết Chúa (Cv 9: 5-18).

Người số một

 

Khi giới thiệu các nhânvật được Chúa Giêsu nhìn, các thánh sử tỏ ra ưu ái đối với các nhân vật này. Họ được nêu lên một cách vô danh, sự kiện thực tế của họ vượt chiều kích lịch sử, mang tính thời sự cho mọi thời. Theo cách viết loại bỏ các chi tiết cá nhân, người đọc nhận diện mình trong mỗi nhân vật như khi mình đứng trước gương và thấy mình. Tuy nhiên có các loại ngụy thư – đi song song với các phúc âm – đã đặt tên cho các nhân vật này, gây hoang mang lẫn lộn trong việc tìm hiểu phúc âm.

Vì thế người phụ nữ tội lỗi, nhân vật vô danh trong phúc âm thánh Lu-ca (Lc 7: 36-50) trở thành Maria-Mác-đa-la; đồ đệ được Chúa Giêsu yêu mến có tên là Gio-an. Dù đồ đệ này được giới thiệu nhiều lần, sử gia cẩn thận tránh nêu danh ngoài danh đây là người được Chúa Giêsu yêu mến. Ngụ ý của thánh sử không phải là làm cho mọi người biết đến các hành vi cao cả của “người số một”, nhân vật mà khi nhắc đến được mọi người mến thương nhớ tiếc nhưng là để chứng minh cho thấy, đối với Chúa Giêsu, lối ứng xử của người đồ đệ là lý tưởng, tất cả mọi người có thể bắt chước. Để làm nổi bật điểm này, ngay từ đầu phúc âm, tác giả giới thiệu một đồ đệ – mà không khi nào ông tỏ lộ danh tánh – luôn luôn hiện diện trong những giây phút chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu: lúc kêu gọi các đồ đệ, lúc bữa ăn cuối cùng, lúc hấp hối chết và lúc sống lại. Khi Chúa Giêsu xuất hiện, người đồ đệ này từng đi theo thánh Gio-an Tẩy Giả và đã bỏ thánh Gio-an Tẩy Giả để đi theo Chúa Giêsu. Từ đó ông không bao giờ xa Người, ông nghe lời thánh Gio-an Tẩy Giả loan báo và đi theo Chúa Giêsu liền (Ga 1: 26-39)

Ngoài việc đặt tên cho đồ đệ này là “Gio-an”, truyền thống luôn luôn xem ông như con cưng của Chúa Giêsu và cho ông biệt danh “người yêu dấu.” Bức tranh bữa ăn cuối cùng lại diễn giải thêm chi tiết này khi họa sĩ vẻ ông lờ đờ ngã mình vào ngực Chúa Giêsu. Đương nhiên thánh sử không chịu trách nhiệm về bức tranh màu mè này. Trong Phúc Âm, không có đồ đệ “yêu dấu”, chỉ có Chúa Giêsu là người “yêu dấu” duy nhất của Chúa Cha (Mt 3: 17). Người đồ đệ vô danh được mô tả như người được “Chúa Giêsu thương” (Ga 13: 23; 20: 2). Đó là chữ dùng không nói lên một tình thương hay tình bạn đặc biệt nhưng là quan hệ bình thường của Chúa Giêsu đối với tất cả những người đón tiếp và đi theo Người. Cũng trong phúc âm này, thánh sử cũng dùng các chữ này để nói đến La-da-rô, hai chị em Ma-ri-a và Mác-ta: “Đức Giêsu quý mến cô Mác-ta cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.” (Ga 11: 5) Được Chúa Giêsu thương mến và là bạn của Người không phải là ưu tiên cho một nhân vật đặc biệt nhưng là đặc tính của từng người trong cộng đoàn: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15:14), Chúa Giêsu đã đảm bảo như thế và tình bạn này được xây dựng trong tình yêu của Chúa Cha.

Trong bữa ăn cuối cùng, khi mô tả đồ đệ “đầu tựa vào lòng Đức Giêsu” (Ga 13: 23), thánh sử không muốn nhấn mạnh đến địa vị ưu tiên của đồ đệ được Chúa Giêsu thương mến này nhưng nêu lên một sự thật thần học sâu xa có giá trị cho tất cả những ai muốn đi theo Chúa Giêsu. Khi mở đầu phúc âm, để chứng minh Chúa Giêsu hoàn toàn hòa nhịp với Chúa Cha, thánh Gio-an dùng nghĩa bóng: Chúa Giêsu ở “trong cung lòng Chúa Cha” (Ga 1: 18). Ở trong lòng ai có nghĩa là hiệp thông sâu đậm, mật thiết với người đó (khi La-da-rô chết, được ở trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham (Lc 16: 22). Trong phúc âm thánh Gio-an, thánh sử chỉ dùng hai lần chữ “lòng”: phần mở đầu liên hệ đến Chúa Giêsu và trong bữa ăn cuối cùng khi nói đến người đồ đệ vô danh, như thế hai chủ đề này liên hệ chặt chẽ với nhau. cũng như Chúa Giêsu mật thiết với Thiên Chúa, các tông đồ của Người và tất cả các tín hữu cũng được mời gọi vào tình mật thiết này với Chúa Giêsu và Chúa Cha. (Ga 17: 21)

Sự hiệp thông tỏ lộ trong bữa ăn chuẩn bị và làm nền tảng cho cảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh khi người đồ đệ ẩn danh có mặt thêm một lần nữa. Phúc âm thứ tư là phúc âm duy nhất không nói đến lời mời gọi vác thập giá như điều kiện để theo Chúa Giêsu mà là phúc âm duy nhất nhắc đến sự hiện diện của một vài nhân vật bên cạnh thập giá (Ga 19: 25-27). Đừng “kề” thập giá Chúa Giêsu không những là dấu hiệu của tình đoàn kết, lòng thương xót đối với người bị đóng đinh mà còn có nghĩa là sẵn sàng tận hiến đời mình. Người đồ đệ ẩn danh đứng kề thập giá chứng tỏ ông hiểu ý nghĩa bữa ăn cuối cùng và cho thấy, ông cũng có khả năng như Chúa Giêsu, hy sinh đời mình vì bạn hữu (Ga 15: 13). Trong chuỗi sự kiện diễn tiến tiếp theo cái chết của Chúa Giêsu, người đồ đệ ẩn danh cũng là người đầu tiên đến nấm mồ của Chúa Giêsu và là người duy nhất nhận ra Chúa đang ở với họ (Ga 20: 2-8; Ga 21: 4-7). Xuất hiện ngay từ đầu phúc âm như người đồ đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, người đồ đệ vẫn giữ ẩn danh, ông kết thúc phúc âm bằng cách làm chứng về những điều đã xảy ra và lời chứng của ông là xác thực được truyền cho người khác (Ga 21: 24).

Tuy mô tả người đồ đệ ẩn danh như mẫu lý tưởng của người đi theo Chúa Giêsu nhưng thánh sử nhấn mạnh không phải ông là gương mẫu để đi theo. Thánh Phê-rô, người đồ đệ lúc nào cũng làm ngược, thậm chí còn chối Chúa, muốn có một người hướng dẫn vững chắc để không bị lầm, ông còn đòi đi theo vết chân của người đồ đệ hoàn hảo. Nhưng Chúa Giêsu không cho phép (“ Phần anh, hãy theo Thầy”, Ga 21: 22): con đường duy nhất ông phải theo là chính Chúa Giêsu, là tấm gương duy nhất phải theo để anh em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13: 14).