LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN
Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.
Chương 4 : Lò Thịt Thần Linh
Mt 8: 1- 4
Đức Giê-su chữa người bị phong hủi
Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Đức Giê-su bảo anh: "Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."
Cũng khá kỳ lạ cho một sự kiện trầm trọng như sự kiện vua Hê-rô-đê ra lệnh giết “tất cả con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ dưới hai tuổi trở xuống” (Mt 2: 16) lại chỉ được phúc âm thánh Mát-thêu kể còn ba thánh khác không nhắc đến. Chỉ có thánh Lu-ca và thánh Mát-thêu là hai thánh kể đến chuyện Chúa Giêsu sinh ra đời, người ta ngạc nhiên trước sự im lặng này của thánh Lu-ca vì thánh Lu-ca là thánh “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự” (Lc 1:13).
Có những sự kiện rất quan trọng dưới mắt người này nhưng lại không được người kia nhắc đến, tùy thuộc vào quan điểm thần học của từng tác giả và như thế thuộc quyền thẩm định của riêng họ. Người ta chỉ có thể hiểu được bối cảnh trình bày trong phúc âm nếu biết được dự án làm việc của họ khi họ viết đoạn đó. Thánh Mát-thêu là thánh sử duy nhất kể câu chuyện “giết các trẻ em vô tội” bởi vì dự án thần học của ông nhắm đến việc nhắc lại đời sống của ông Mô-sê, để chứng tỏ Chúa Giêsu cao hơn ông Mô-sê: “Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê.” (Đnl 34” 10)
Để làm cho độc giả hiểu sự so sánh giữa ông Mô-sê và Chúa Giêsu, thánh sử chia tác phẩm làm năm phần, giống như Ngũ Thư, năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh, sách này được xem như tác phẩm của ông Mô-sê mà thánh Mát-thêu muốn nhân đó xem lại cuộc đời và việc giảng dạy của ông Mô-sê.
Ông Mô-sê cũng đã từng thoát cuộc tàn sát trẻ con Do-Thái của vua Pha-ra-ô, Chúa Giêsu cũng thoát cuộc tàn sát trẻ con của vua Hê-rô-đê. Đỉnh cao cuộc đời ông Mô-sê là lúc ông lên núi Si-Nai nhận Mười Điều Răn Thiên Chúa, đó là dấu chỉ giao ước của Chúa với dân chúng. Giống như ông Mô-sê, Chúa Giêsu lên núi nhưng lên núi để rao giảng Tám Mối phước thật, một giao ước mới. Thánh Mát-Thêu là thánh sử duy nhất để bối cảnh phúc âm của mình ở trên núi, bởi vì chính trên núi Nê-bo mà cuộc đời ông Mô-sê chấm dứt. Trong lúc cái chết của Mô-sê kết thúc sách Ngũ Thư thì thánh sử Mát-thêu kết thúc phúc âm bằng cảnh Chúa sống lại, thể hiện sự sống vượt qua cái chết. Và nếu trước khi chết, ông Mô-sê cần người kế vị thì Chúa Giêsu không cần người kế vị, Chúa trấn an các đồ đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 20)
Các tai ương của Ai Cập?
Ông Mô-sê và Chúa Giêsu đều là những người giải phóng dân tộc Do-thái nhưng hai người dùng phương pháp khác nhau, Mô-sê nổi tiếng là người gây “kinh hoàng lớn lao” qua sức mạnh bàn tay của ông (Đnl 34: 12), giết kẻ thù và những người Ít-ra-en nhân danh Đức Chúa, trong khi Chúa Giêsu lại hiến sự sống mình và chết cho Đức Chúa. Đức Chúa của Mô-sê.
Để làm cho người Do-Thái tin vào Đức Chúa, ông Mô-sê không ngần ngại gây cảnh huynh đệ tương tàn (“Hãy đi đi lại lại trong khắp trại mà giết: kẻ thì giết anh em, người thì giết bạn hữu, kẻ thì giết người thân cận mình”), trong ngày hôm ấy, có ba ngàn người trong dân đã ngã gục (Xh 32: 27-28); để giải phóng dân mình khỏi cảnh nô lệ, ông không ngần ngại gieo tai ương lên kẻ thù, ông gieo cho đối phương một loạt các tai ương mà theo truyền thống người ta gọi đó là “mười tai ương của Ai Cập”, dù trong câu chuyện chữ “tai ương” chỉ được dùng cho tai ương cuối cùng: cuộc tàn sát “mọi con đầu lòng trong dân Ai-Cập sẽ phải chết, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngôi báu, đến con đầu lòng của đứa đầy tớ gái ngồi sau cối xay, đến mọi con đầu lòng của loài vật” (Xh 11: 5). Trước khi có cuộc tàn sát thần thánh này, Đức Chúa và ông Mô-sê điều khiển cuộc chiến chống người Ai-Cập với một cường độ hung dữ tăng dần. Bắt đầu là nước sông Nil nhuộm đỏ, tai ương này không làm cho người Ai-Cập sợ, bởi vì “các phù thủy Ai-Cập cũng dùng phù phép của mình mà làm như vậy” (Xh 7: 22), cũng vậy với cuộc tấn công ồ ạt của ếch nhái. Tuy nhiên đến tai ương thứ ba thì các phù thủy không thể nào đuổi muỗi đi (Xh 8: 14). Sau muỗi là đến ruồi nhặng, tiếp đó là súc vật “tất cả các súc vật của người Ai - cập đều chết, còn trong đàn súc vật của con cái Ít-ra-en thì không con nào chết cả” (Xh 9: 6) và các phù thủy cũng bị “ung nhọt mưng mủ”, đặt họ ngoài vòng chiến đấu (Xh 9: 8-11). Rồi thì tai họa thứ bảy tiếp đến, sấm vang lên và mưa đá rơi xuống, sau đó thì châu chấu và bóng tối bao trùm đất Ai cập (Xh 9: 13; 10: 23).
Ngược với mười “tai ương” này, thánh Mát-thêu là thánh sử duy nhất kể lại mười hành động của Chúa Giêsu để giải phóng dân Người, thay vì gieo kinh hoàng, Người gieo sự sống, ngay cả cho “kẻ thù” (Mt 8: 9). Trong các “tai ương” ngày xưa, nếu các yếu tố như thiên nhiên hay súc vật là những phương cách dùng để phạt loài người thì trong các hành vi của Chúa Giêsu, súc vật (heo Mt 8: 28-34) và các yếu tố tự nhiên nhưng kinh khủng đối với nhân loại như (biển, gió Mt 8: 23-27) lại được Chúa Giêsu chế ngự. Đỉnh cao của mười tai ương là cái chết của con trai vua Pha-ra-ô.
Để có thể nêu bật giữa một bên là cái chết - đứa con đầu lòng vua Pha-ra-ô - một bên đem là sự sống, trong mười hành động của Chúa Giêsu, có việc Chúa Giêsu làm cho người con gái của ông trưởng hội đường sống lại mà thánh Mác-cô không nêu tên (Mc 5: 22), cũng có thể người này tên là Gia-ia theo phúc âm thánh Lu-ca.
Sức khỏe và hối lộ
Bài giảng trên núi đã làm cho đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư của họ (Mt 7: 28-29). Mọi người nhận thấy lời giảng dạy của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, còn học thuyết của các kinh sư không đến từ Thiên Chúa mà những người này muốn cho dân chúng tin. Sau khi giảng lý thuyết về tình yêu Thiên Chúa, Chúa Giêsu thực hành những gì Người rao giảng, qua mười hành vi mang sự sống để chứng tỏ tình yêu của Chúa Cha “Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng người người tốt” (Mt 5: 45).
Hành động đầu tiên là đưa người phung hủi lên làm nhân vật chủ chốt (Mt 8: 1-4). Ngày xưa, bệnh phung hủi bị xem là bệnh do Chúa gởi xuống để phạt người có tội. Người mắc bệnh phung là người khi “vừa lọt lòng mẹ đã bị ăn mòn mất một nửa phần thịt mình rồi” (Ds 12: 12). Những người này rất dễ bị nhận diện vì họ phải mặc áo quần như giẻ rách và miệng phải kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” (Lv 13: 45), các người phung hủi phải sống biệt lập xã hội và không được đến gần ai hết. Bị xem là xác chết, việc họ được chữa lành, cũng như việc người chết sống lại là những việc xem như không thể nào xảy ra được. (2 V 5: 7). Trong tất cả Thánh Kinh, người ta chỉ thấy có hai người được chữa lành: bà Maria, chị ông Mô-sê, được xem là Chúa chữa lành (Lv 12: 9-15) và cô gái giúp việc cho vợ ông Na-a-man được chữa lành nhờ tiên trii Ê-li-sa (2 V 5: 1-14). Tình trạng của những người bị phung hủi thật là tuyệt vọng, bởi vì chỉ có Chúa mới chữa được họ mà Luật chỉ cho phép họ hướng về Chúa một khi được thanh tẩy. Và muốn cầu nguyện, họ phải đến đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi họ sẽ bị đánh bốn mưới cú nếu họ dám bước vào đền thờ.
Nếu bị cấm đến với Chúa trong đền thờ, thì đến với Chúa nơi Chúa Giêsu lúc nào cũng được. Và có một người phung đã dám phá Luật cấm tiếp xúc với người khác, Ông đến gần Chúa Giêsu và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người phung không xin chữa lành mà xin được sạch, có nghĩa là xin khỏi ô uế để có thể hướng về Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa căn bệnh quái ác này (Chữa lành bệnh phung không có nghĩa là làm cho người đàn ông này được “sạch”). Thánh sử nhấn mạnh đến ước nguyện này nên không nói đến “chữa lành” hay “săn sóc”, làm nổi bật đặc tính tôn giáo khi xin được thanh tẩy.
Khi tiên tri I-sai-a, “người của Chúa” chữa bệnh phung cho cô giúp việc vợ ông Na-a-man, vì tôn trọng Luật, ông từ chối không tiếp xúc với người bệnh, ngay cả ông không muốn nhìn, chỉ chữa từ đàng xa ( 2 V: 5: 10). Trong Thánh Kinh, đó là trường hợp duy nhất một người – không phải là Chúa – chữa lành cho một người. Ngược lại, đã vi phạm luật, đã không trốn người bệnh mà còn”giơ tay đụng vào anh”. “Giơ tay” là thành ngữ diễn tả hành vi giải phóng của Đức Chúa và ông Mô-sê khi giáng mười “tai ương”: “Ta sẽ ra tay và đánh dân Ai-cập” (Xh 3: 20); “hãy giơ tay lên trên đất Ai-cập cho châu chấu kéo đến...” (Xh 10: 12) Nếu những hành vi này đã hủy diệt và gây cái chết thì hành vi của Chúa Giêsu mang lại sự sống: “Tôi muốn anh sạch đi.” Người phung xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể...”, Chúa Giêsu không trả lời “tôi có thể” mà “tôi muốn”: đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu chứng tỏ cho thấy ý Thiên Chúa, ý đã được tuyên xưng trong kinh Lạy Cha (Mt 6: 10) là loại bỏ tất cả hàng rào ngăn cản không cho tình yêu của Người đến với từng người để cho họ khả năng làm con của Chúa. Chúa Giêsu, Đấng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1: 23), vén mở cho thấy cái sai của một Luật tự cho rằng Luật này đến từ Chúa mà muốn đến với Chúa phải trong sạch. Chúa Giêsu chứng minh cho thấy đón nhận tình yêu của Chúa sẽ làm mình trong sạch: “Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” Bệnh phong hủi biến mất, lời giảng dạy kỳ thị của các kinh sư cũng biến mất: Chúa Giêsu hướng tình yêu của Người “Tôi muốn anh sạch” đến với cả những người mà người ta cho rằng bị Thiên Chúa phạt.
Chúa Giêsu không phục hồi người bệnh vì anh xứng đáng được phục hồi nhưng Chúa Giêsu trao tặng tình yêu của Người một cách nhưng không. Không phải như các vị tư tế trong đền thờ buôn bán các đau khổ của loài người để nhờ đó bòn rút tiền hối lộ. Đúng vậy, các vị tư tế có quyền tuyên bố người bệnh phung đã lành hay chưa lành để họ được về sống với xã hội (Lv 14: 1-32). Tấm giấy chứng minh lành bệnh bị bắt phải mua bằng “hai con chiên đực toàn vẹn, một con chiên cái một tuổi toàn vẹn” mà các tư tế gọi là “lễ vật” (Lv 14: 10). Đánh thuế trên sức khỏe, đó là chuyện ông Giê-kha-di muốn bỏ tiền vào túi. Ông này là người giúp việc cho tiên tri Ê-li-sa, nghĩ rằng mình có thể mình kiếm chác chút gì nhờ tài chữa bệnh của chủ. Ông đi theo người được chữa lành, xoắn của họ cho được “sáu mươi ký bạc với hai bộ áo quần” (2 V: 5: 23). Lòng tham của người giúp việc bị trừng phạt nặng nề: “bệnh phung hủi của ông Na-a-man sẽ mãi mãi ám lấy mày và dòng dõi mày” (2 V 5: 27).
Giống như tiên tri Ê-li-sa, Chúa Giêsu chữa lành người bị phung một cách nhưng không và Người nói anh: “hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. Đối với Chúa Giêsu, đó không phải là tôn trọng lề luật (mà Người đã vi phạm), nhưng là lời mời gọi nhằm khêu gợi ý thức nơi người phung và nơi các thầy tư tế về điều mới lạ tin mừng của Thiên Chúa. “Bằng chứng” Chúa Giêsu muốn gởi cho các vị tư tế là Thiên Chúa hành động ngược với những gì họ “làm vì tiền” (Mk 3: 11) và để cho thấy sự khác biệt giữa quà tặng nhưng không của Thiên Chúa của Chúa Giêsu và lòng tham tiền của một Thiên Chúa ham tiền vô độ của các vị tư tế.