LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN
Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.
Chương 16 : Nhờ Chúa mà được vạ tuyệt thông
Ga: 9
“Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11: 14), Đấng tự nói mình là người “dựng nên tai họa” (Is 45: 7) và khẳng định “tai họa xảy ra trong thành lẽ nào lại không do Đức Chúa” (Am 3: 6). Trong Cựu Ước, người ta tin rằng Chúa là tác giả các tai ương giáng xuống trên nhân loại, mà con người chỉ phải cúi đầu chấp nhận với hy vọng Người sẽ nhẹ tay bớt. “Nếu chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?”, ông Gióp đã trả lời với vợ như thế khi ông cám ơn Chúa về những khốn khổ mình phải chịu: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi”: (G 1: 21; G 2: 10)
Xác quyết rằng bệnh tật, chuyện không may là hình phạt Chúa gởi xuống vì lỗi của con người là thói quen đã ăn sâu vào thời Chúa Giêsu. Khi người người Do-thái gặp một người bị bệnh nặng, họ ca tụng Chúa đã giáng hình phạt đích đáng cho người đó: “Ai thấy người tàn tật, người mù, người què, người phung phải nói: “Tạ ơn người phán xét công minh.” (Sách Berakot) Nhưng nếu bệnh tật luôn luôn bị gán cho là tội lỗi của người lớn thì làm sao giải thích được đau khổ của trẻ con, thường được cho là người vô tội? Đối với các giáo sĩ, câu trả lời rất đơn giản: trẻ con được dùng làm dê tế thần cho tội lỗi của người lớn, như sách Talmud và lời giảng dạy Thánh Kinh đã giới thiệu “Thiên Chúa của ngươi, một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20: 5); “Khi trong một dòng họ có những người công chính, những người công chính sẽ bị phạt vì tội lỗi của dòng họ. Nếu không có những người công chính, thì con cháu thời buổi đó sẽ bị khổ.” (Sách Shabbat)
Ánh nhìn thấu đến
Các đồ đệ hỏi Chúa Giêsu về người mù từ thuở mới sinh “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” là câu hỏi phát sinh ra từ những suy nghĩ này? Trong xã hội thời đó, mù không phải là khuyết tật như các khuyết tật khác. Vì mú thì không học được Lề Luật nên người mù bị xem là người bị thần thánh nguyền rủa, lại còn nặng hơn vì vua Đa-vít ghét người mù đến độ cấm không cho họ vào đền Giê-ru-sa-lem: “Người mù người què sẽ không được vào Đền.” (2 Sm 5: 8) Câu trả lời của Chúa Giêsu chính thức loại bỏ quan hệ giữa tội và bệnh “Không phải anh ta cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội” và Người loan báo cho các đồ đệ là chính nơi người này, người bị tôn giáo xem là tội lỗi, bị xã hội để bên lề vì anh đi ăn xin, sẽ là người thể hiện một cách rõ rệt nhất công việc của Chúa.
Thánh sử mở đầu câu chuyện bằng cách nhấn mạnh đến việc ánh mắt Chúa Giêsu nhìn một người sống trong bóng tối để nơi người này, Chúa thực hiện công việc mang ánh sáng của Chúa đến: “Đi ngang qua, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mói sinh.” Và Chúa Giêsu lặp lại hành vi tạo dựng của Đấng Tạo Hóa “lấy bụi tù đất nặn ra con người” (St 2: 7): “nước miếng trộn với bùn và xức vào mắt người mù.” Rồi Chúa Giêsu nói anh đến hồ Si-lô-ác mà rửa, anh ta đến rửa ở hồ, khi về thì nhìn thấy được. Thay vì vui mừng với người khỏi bệnh, dân chúng không thấy được sự kiện này với cặp mắt đức tin, họ dẫn anh ta đến các người Pha-ri-sêu để xin ý kiến, họ bối rối nhận ra “đây là ngày sa-bát, Chúa Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra”, như thế là vi phạm vào điều luật quan trọng nhất.
Việc chữa lành người mù đã làm cho các người Pha-ri-sêu ở trong tình trạng báo động. Chỉ nghiêng về cái chết, họ không chấp nhận bất cứ một thể hiện nào của sự sống, quen kiểm soát lề luật, họ không vui với người khỏi bệnh; họ lo lắng với hình thức chữa bệnh (trộn bùn là một trong 39 công việc bị cấm làm vào ngày sa-bát) và chỉ muốn biết người bệnh được chữa lành như thế nào. Để trả lời cho người khỏi bệnh, người Pha-ri-sêu kết luận: “Ông ta không thể nào là người của Thiên Chúa được, vì ông ta không giữ ngày sa-bát”. Vì Thiên Chúa không thể nào vi phạm chính Luật của mình nên đương nhiên tác giả của việc vi phạm này đã hành động chống lại Thiên Chúa, Đấng sẽ xử tử những ai đưa dân chúng đi lạc đường (Đnl 13: 1-6). Những người trước đây bị Chúa Giêsu xem là những người làm nô lệ cho tội (Ga 8: 34) thì bây giờ họ gán cho Chúa Giêsu là người phạm tội.
Dù vậy, nơi một số người Pha-ri-sêu đã có nghi ngờ “một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” và họ quay lại hỏi người được chữa lành thêm một lần nữa, lần này họ hỏi chi tiết về người đã chữa cho người mù. Câu trả lời không chút nghi ngờ, đây là người được Chúa gởi xuống “Người là một vị ngôn sứ!” đã lay động các nhà cầm quyền tôn giáo – những người Do-thái. Người Do-thái không chấp nhận bất cứ một người nào vi phạm ngày sa-bát mà lại làm được một điều gì tốt vì chính Chúa còn phải giữ luật ngày sa-bát. Không thể chấp nhận nghịch lý trong giáo điều của họ, họ tìm cách chối sự thật và nói bóng nói gió đây là chuyện không đúng. Họ kêu cha mẹ anh ta đến đối chất và cáo buộc ông bà là nguyên do của chuyện lừa bịp này: “Ông này có phải là con ông bà không, ông bà nói là bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” Con được lành bệnh mà bị xem như một tội ác, hạch hỏi bắt cha mẹ phải trả lời. Bị hăm dọa và quá hải sợ, cha mẹ đổ cho con tất cả trách nhiệm: “Nó đã khôn lớn rồi, xin ông cứ hỏi nó.” Thánh sử giải thích sự hèn nhát của cha mẹ: “Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” Việc trục xuất này không những kéo theo các hình phạt về mặt tôn giáo mà còn có những hậu quả rất nặng về mặt xã hội: người bị trục xuất bị đối xử như người bị bệnh dịch, không ai được đến ăn uống cùng và họ phải ở cách xa người khác hai mét.
Dù vậy nhưng tôi thấy
Đây là lần thứ ba, người mù bị các nhà cầm quyền tra vấn bắt anh thú nhận nhờ hành vi của người tội lỗi mà anh được thấy. Từ người nhận phép lạ, nhanh như chớp anh bị đẩy qua vai người đi buộc tội, anh tránh được cái bẫy họ giương ra và không giẫm vào địa hạt thần học. Giữa sự thật của học thuyết và kinh nghiệm sống thực của anh, chính kinh nghiệm sống thực này mới quan trọng: “Ông ấy có phải người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được.” Nhưng niềm vui của người từ cõi tối về cõi sáng không được các người cầm quyền xem trọng bởi vì đối với họ, ai vi phạm Luật thì không làm điều gì tốt được. Đã quen tìm trong các sách thiêng liêng – viết từ bao nhiêu thế kỷ trước – một câu trả lời có giá trị cho tất cả các hoàn cảnh của người đương thời, các nhá cầm quyền tôn giáo nghĩ rằng chẳng có gì để học hỏi cũng chẳng cần phải thay đổi, họ xem bất cứ cái gì mới là vi phạm đến Chúa để chống Chúa, Chúa đã ấn định Lề Luật vĩnh viễn, con người chỉ có việc tuân theo dù bất cứ ai, ở bất cứ thời nào. Các nhà cầm quyền tôn giáo, dù họ phải chối một sự kiện đương nhiên, họ không thể nào chấp nhận việc chữa lành này, bởi vì làm như thế là vi phạm đến uy quyền giáo huấn của họ. Nếu, sau đó có ai bị khổ vìchuyện này, kiên nhẫn, Chúa sẽ đền bù!
Người mù vẫn kiên định, từ chối không tuân theo quyền của họ, còn chấp nhận thà mù còn tốt hơn nên đã làm cho các nhà cầm quyền tức giận thêm, họ hỏi: “Ông ấy làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh như thế nào?” “Mở mắt cho người mù” là hình ảnh tiên tri I-sa-i-a dùng để nói đến sự giải phóng khỏi khỏi bạo lực (Is 35: 5; 42: 7). Lặp lui lặp tới bảy lần câu này là nhấn mạnh đến việc nhà cầm quyền lo sợ dân chúng mở mắt ra. Nhà cầm quyền tôn giáo có thể làm thầy, áp đặt sự thật của họ lên dân chúng nếu dân chúng không thấy nhưng khi có ai mở mắt ra là họ hết quyền. Mệt vì bị cật vấn bất tận, người được chữa lành không trả lời nữa mà hỏi ngược lại họ có muốn làm môn đệ Chúa Giêsu không. Không bao giờ: họ là đồ đệ của ông Mô-sê. Họ không muốn đi theo một người đang sống, họ muốn theo người chết. Họ là những người bảo vệ cho một Chúa Lập Pháp, họ không muốn hiểu hành vi của Đấng Tạo Dựng, Đấng làm những việc đem lại sự sống. Rõ rệt họ chỉ lo làm sáng danh Chúa, trên thực tế họ chỉ nghĩ đến việc giữ quyền lực và dùng danh Chúa để trấn áp dân chúng.
Thánh sử nhấn mạnh đến tầm mức nghiêm trọng trong thái độ của nhà cầm quyền, không những không muốn cho dân thấy mà còn ngăn họ thấy, để họ không mất mặt “bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt” (Is 5: 20), rơi vào trong cái mà các thánh sử khác gọi là tội không tha thứ được “tội phạm đến Thánh Kinh” (Mt 12: 31). Không còn một biện luận thần học nào để chống lại sự kiện hiển nhiên, các nhà cầm quyền ngắn gọn sỉ mắng: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?”. Và họ cầu cứu đến bạo lực của nhà cầm quyền, họ trục xuất anh ra khỏi hội đường.
Những nhà cầm quyền tôn giáo nhân danh Chúa ra lệnh tuyệt thông thì chính họ mới là những người bị tuyệt thông. Họ dửng dưng trước chuyện tốt của người khác, chỉ dựa vào quyền của mình để hướng dẫn người khác đã làm cho chính họ bị mù “những người dẫn đường mù quáng” (Mt 23: 16), làm cho dân tộc bị hủy hoại: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn.” Ngay khi nghe tin người được chữa lành bị đuổi ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu đi tìm anh. Bị đuổi ra khỏi hội đường tôn giáo không làm cho anh đi lạc đường nhưng lại là dịp quan phòng để anh gặp gỡ Chúa Giêsu: bị đuổi khỏi tôn giáo, anh tìm được đức tin.