Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 19 : Người đàn bà của Phúc Âm
Mc 14:3-9

Lúc đó, Đức Giêsu đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: "Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo." Rồi họ gắt gỏng với cô. Nhưng Đức Giêsu bảo họ: "Cứ để cho cô làm. Sao lại cứ muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng. Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô."

Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ mở rộng phạm vi hoạt động với đàn ông và cho đàn ông. Lần duy nhất ông gặp một người đàn bà vàø, ông bị mất đầu, theo nghĩa đen của chữ này: chặt đầu (Mc 6:17-29).

Sách Talmud viết rằng, tốt hơn: "lời của Luật thánh thà bị lửa đốt còn hơn đem dạy cho đàn bà" (Sota TB 19a) và trong ngôn ngữ Hê-brơ, không có một chữ nào thuộc giống cái để nói về một "nữ đồ đệ", chữ đồ đệ chỉ có giống đực mà thôi. Trong một thế giới mà người ta khẳng định "điều tốt nhất cho các bà là để các bà thờ thần tượng" (Qid TJ 66cd) và cha mẹ bất hạnh mới sinh ra con gái (Qid. TB 82ab), cộng đoàn kitô đầu tiên thật khó mà hiểu và chấp nhận thái độ ứng xử của Đức Giêsu đối với các bà. Sự bất lực phản ảnh trong các ngụy thư, các bản văn này không mấy quan tâm nhiều đến khía cạnh chính truyền, có thể phù hợp hơn với thực tế lịch sử này. Trong đó, người ta nhận thấy ngay lập tức sự căng thẳng giữa đàn ông và đàn bà, phía đàn ông do thánh Phêrô điều khiển, phía đàn bà do bà Maria Ma-đa-lê-na đại diện. Nhân danh các đồ đệ, Phêrô quay về Đức Giêsu và than phiền: "Chúng tôi không thể chịu đựng được bà này - Maria Mađalêna -, bởi vì bà thường xuyên lấn chúng tôi; bà không để ai trong chúng tôi được nói, lúc nào bà củng dành phần nói." (Pistis Sophia, 36). Về phía bà Maria Mác-đa-la, bà vừa trả lời vừa tố cáo Phêrô "không ngừng đe dọa và ghét bỏ giới tính của bà." (Pistis Sophia 2,72) Đối với các môn đệ, sự hiện diện của các bà trong cộng đoàn kitô trở thành một chuyện không thể chịu đựng được, bởi vì theo phúc âm thánh Tôma (một bản không chính thức của hậu bán thế kỷ thứ nhì), Phêrô dứt khoát đòi phải đuổi các bà ra khỏi cộng đoàn: "Simon Phê-rôâ nói: "Maria phải đi ra khỏi tập đoàn chúng tôi, bởi vì các bà không xứng đáng sống!" Đức Giêsu tiếp thu lời yêu cầu của Phêrô bằng cách biến đổi "bà Ma-đa-lê-na" thành một "ông Mácđalênô": Đức Giêsu trả lời: "Đây, ta sẽ hướng dẫn bà để bà trở thành một người đàn ông", để tiếp đó suy diễn theo kiểu thần học-thiêng liêng rằng chỉ khi nào " đàn bà thành đàn ông mới vào được nước trời" (Phúc âm thánh Tôma, 114).

Có thể do được bình đẳng trong nhân cách, được tự do phát biểu, và gắn liền với sứ mệnh của Đức Giêsu, nên các bà đã đi quá một vài điều, lại thêm khát khao hiểu biết, cuối cùng đã làm cho các bà lên tiếng sau mấy ngàn năm bị bắt buộc câm lặng. Tính lắm lời trong các buổi họp, hình như được sách Talmud xác nhận "mười điều nói ở thế gian này: thì các bà đã lấy hết chín, chỉ còn lại một cho các ông" (Qid. B. 49b), đã đẩy ông Phêrô kêu lên: "Thưa Thầy, hãy làm cho các bà này đừng hỏi Thầy nữa, để chúng tôi còn có thể hỏi!" Thêm một lần nữa, Đức Giêsu nhượng bộ trước các lời than vản của Phê-rô và "nói với Maria và các bà: "Hãy nhường lời cho các anh để họ có dịp đặt câu hỏi." (Pistis Sophia 2,146)

Các ngụy thư này phản ảnh hệ quả của những giới hạn và kỳ thị lồng vào trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô bởi một người chêm bài của mình vào sách. Người này, tìm cách không cho các bà lên tiếng mà thánh Phaolô đã cho phép (1Cr 11:5), và họ không thể nào dựa vào lời Đức Giêsu giảng dạy, nên phải cậy vào Cựu Ước: "Như thói quen trong các cộng đoàn các thánh, phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì." (1Cr 14:34-35; St 3:16)

Trong thư đầu tiên gởi Ti-mô-tê, người ta cũng tìm ra những câu như vậy: "Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy hay thống trị đàn ông; trái lại họ phải thinh lặng." (1Tm 2;11-12) Để minh chứng cho thái độ ghét đàn bà này, tác giả tìm đủ mọi phương tiện, làm phiền đến tận ông A-đam bà E-và, bởi vì "không phải A-đam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ." (1Tm 2:14). Đối với những người đàn bà khốn khổ, con đường cứu thoát duy nhất là bắt chước con thỏ, đẻ liên tu bất tận: "người đàn bà sẽ được cứu, nhờ sinh con đẻ cái" (1Tm 2;15), để cho những người độc thân và các trinh nữ bàn tán các vấn đề với nhau.

Kình địch giữa đàn ông-đàn bà cũng hiện rõ lên trong các hướng thần học khác nhau giữa các thánh sử: ai là người đầu tiên Đức Giêsu hiện ra lúc người sống lại? Bà Maria Mađalêna và các bà khác (Ga 20:11-18; Mt 28:1-9) hay các ông (Lc 24:13-43; 1Co 15;3-8)? Trong không khí đầy nam tính (người nào bao trùm đầu óc thiêng liêng là người khắc nghiệt nhất), đoạn phúc âm thánh Mác-cô nêu lên một điểm ngạc nhiên nhất. Biến cố duy nhất mà Đức Giêsu nói đến một cách dứt khoát để làm cho cả thế giới nhận biết là hành động đích thực được làm xong bởi một người đàn bà: "Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô." (Mc 14:9; Mt 26;13)

Ngôi nhà của người phong cùi

 

Hành động diễn tiến "ở Bêtani, trong ngôi nhà của Simon Cùi", trong thời gian "hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giêsu và giết đi" (Mc 14:1). Đối diện với Giê-ru-sa-lem và Bê-ta-ni là ngôi làng mà ở đó Đức Giêsu đến để lên đền thờ đuổi "những người mua bán" (Mc 11:12-15). Trong lúc ở Giê-ru-sa-lem, tại Hội Đồng Công Tọa, người ta quyết định ám sát Đức Giêsu, thì ở Bê-ta-ni, trong nhà người cùi, người cùi là người bị Thiên Chúa nguyền rủa, Thiên Chúa đến với con người tìm được nơi trú ngụ (tác dụng thật rõ ràng, theo nghĩa thông thường chữ Bê-ta-ni có nghĩa là "nhà của người nghèo").

Quyết định của nhà cầm quyền muốn bắt Đức Giêsu để giết, ở Bê-ta-ni, sự việc này được mô tả qua ba phản ứng khác nhau: hành động của người đàn bà đại diện cho những người nào chọn đi theo Đức Giêsu đến cùng và đối diện cái chết với Đức Giêsu; phản ứng bất xứng của các môn đồ thể hiện sự không hiểu biết trước cái chết của Đức Giêsu, xem đó như một "mất mát"; và sự phản bội của Giu-đa ám chỉ những người bỏ rơi Đức Giêsu vì họ chỉ muốn đi theo lợi lộc riêng của mình.

"Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến." Người đàn bà này, mà người ta sẽ nhận biết hành vi của bà trong "khắp thiên hạ", là người đàn bà không tên (chỉ trong phúc âm thánh Gio-an, người đàn bà này mới được định danh là Maria, em của La-da-rô, Ga 12;3): vượt quá thực tế lịch sử, thánh sử mô tả nhân vật này một kiểu mẩu bám dính vào Đức Giêsu mà mỗi độc giả có thể nhận diện mình trong đó. Người đàn bà, đem theo "một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất, thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người."

Trong các phúc âm, dù cho mỗi chi tiết có vẻ như không làm sáng tỏ bản văn một cách quan trọng (như dầu thơm là dầu cam tùng hay dầu hoa lài, thì có gì làm thay đổi không?), sự thật, nó luôn luôn mang ý nghĩa dựa trên thần học. Trong câu chuyện này, câu chuyện duy nhất Đức Giêsu đòi phải rao truyền khắp thiên hạ, thánh sử săn sóc từng chi tiết để làm ý nghĩa thêm phong phú. Dầu thơm tượng trưng cho sự sống, ngược lại với mùi hôi của sự chết (khi La-da-rô còn ở trong mồ, "ông toát ra một mùi hôi thối", nhưng sau đó, khi ông sống lại, trong bữa tiệc "cả nhà sực nức mùi thơm", Ga 11:39; 12:2-3). Nhưng đầu thơm cũng tượng trưng cho tình yêu, và để nhấn mạnh ý nghĩa này, thánh sử tả rõ đây là dầu thơm cam tùng. Loại dầu thơm này rất quý, trích từ rễ của một loại cây tiêu biểu ở Ấn Độ, rất đắt tiền mà người ta thường hay làm giả mạo (Pline, Hist. Nat. 12:72), trong tất cả Thánh Kinh, chỉ thấy trong Diễn ca để diễn tả tình yêu của người vợ đối với người chồng: "Trong khi vua ở cung cấm, cam tùng của tôi tỏa mùi thơm nức. (Dc 1;12; 4:13-14)

Thánh Mác-cô đã phóng khoáng nhận thấy sự hiện diện vai trò người chồng nơi Đức Giêsu (Mc 2:19), ông thấy trong người đàn bà vô danh này là cộng đoàn-người vợ, và để diễn tả quan hệ yêu thương giữa Đức Giêsu và những người đi theo người, ông dùng lại hình ảnh quen thuộc của các tiên tri về quan hệ hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân người (Hs 2). Để xác định dầu thơm cam túc này "nguyên chất", thánh sử dùng chữ "đích thực" khi người muốn nói đến vật, và chữ "trung tín" khi người muốn nói đến người. Cách viết văn này cho phép thánh Mác-cô diễn tả qua hình ảnh dầu thơm nguyên chất tình yêu trung thành của người đàn bà. Người còn nhấn mạnh dầu thơm này "đắt tiền", được các người dự tiệc công phẫn định giá "trên ba trăm quan tiền". Trong khi lương công nhật trung bình một quan một ngày (Mt 20:2), trị giá chai dầu thơm tương đương lương một năm của một người thợ. Dầu "đắt tiền", thành ngữ chỉ một tình yêu đích thực, là một ám dụ khác của Diễn ca "ai thí cả sản nghiệp để đổi lấy tình yêu, người ta chỉ khinh nó thôi." (Dc 8:7) Trong khi Giu-đa nghĩ có thể có được một cái gì đó khi ông ta phản bội tình yêu, thì người đàn bà này biểu lộ với Đức Giêsu một tình yêu không có giá, bởi vì tình yêu đích thực thì không tính toán, "không tìm lợi lộc cho mình." (1Cr 13:5)

Sự kiện đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Đức Giêsu mang nhiều ý nghĩa có tính cách tượng trưng. Tình yêu không thể nào chân chính, nếu nó không trở thành ân huệ, và trong hành vi đập vỡ bình đựng dầu thơm, người đàn bà muốn diễn tả của dâng là chính đời sống của bà, như Đức Giêsu cũng sẽ làm điều này (Mc 10:45). Ngoài ra, thánh Mác-cô còn nói rõ ràng người đàn bà đổ dầu thơm trên đầu Đức Giêsu. Thánh sử hòa nhập hành vi của người đàn bà với hành vi của các tiên tri có nhiệm vụ xức dầu thánh cho các vua Do Thái: "Rồi ngươi lấy dầu và đổ trên đầu ông và nói: Yavê phán thế này: ta xức dầu ngươi làm vua Ít-ra-en." (2V9:1-3; 1S 10:1) Qua hành vi của bà, người đàn bà nhận biết Đức Giêsu là vua thật và nói rõ ý định sẵn sàng tận hiến đời sống của mình cho đấng, mà trong vài ngày nữa, sẽ bị đóng đinh như là "Vua của những người Do Thái" (Mc 15:26). Dươi mắt Đức Giêsu, nhờ hành vi này của người đàn bà mà bà trở thành "hương thơm do sự nhận biết Đức Giêsu tỏa lan khắp nơi." (2Cr 2: 14) Khi đổ dầu thơm, người đàn bà cho thấy mình sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, trong khi những người khác, những người "tháp tùng" Đức Giêsu nhưng không "theo" người, lại thấy cái chết của Đấng Thiên Sai là vô ích, và họ phản ứng bất xứng: "Phí dầu thơm như thế để làm gì?"

Đức Giêsu đã nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." (Mc 8: 35) Người đàn bà chấp nhận kiểu "mất" mạng sống này, thể hiện qua việc làm "mất chai dầu thơm", để chính bà trở thành "hương thơm của Đức Giêsu..., hương sự sống đưa đến sự sống." (2Cr 2:15-16). Qua phản ứng bất xứng của nhóm xem việc đổ dầu thơm là phí phạm, thánh sử cho thấy rõ ai là người không chấp nhận lời mời gọi tận hiến con người họ như một ân huệ trọn vẹn. Những người muốn "cứu mạng sống mình", những người xem cái chết của Đức Giêsu như một thất bại, họ không chuẩn bị tinh thần để theo con đường thập giá của Đức Giêsu. Như thế, theo thánh sử Mác-cô, sẽ không có một người đàn ông nào trên Núi Gôn-gô-ta, mà chỉ có những người đàn bà "đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Ga-li-lê, và cũng có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem." (Mc 15:40)