Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II

1) Các hình ảnh về tự do trong Thánh Kinh

Trong cuốn sách “Các con đường tự do”, tôi đã giới thiệu  giáo huấn Kinh Thánh về chủ đề này. Tôi muốn ngừng ở ba đoạn trong các sách cuối cùng của Tân Ước để nối tiếp dòng suy nghĩ của thánh Jean Chrysostome, đây là những đoạn có cùng suy nghĩ với phái khắc kỷ và triết lý Hy Lạp, đều có cùng mục đích là chuyển đạt sứ điệp kitô cuối thế kỷ thứ I vào  thế giới Hy Lạp. Nhiều nhà chú giải và thần học nhận định tiêu cực về lý thuyết của các thư mục vụ và hai thư của thánh Phê-rô. Ông H. Koster cho rằng các thư mục vụ là “Bán hạ giá thần học Phao-lô với giá phát mãi để bán cho hết” (Oberlinner XLVIII). Tuy nhiên, đối với tôi, các bài viết về sau này của Tân Ước là những bằng chứng quan trọng về chiều kích thần bí của con đường kitô. Chúng có một ý nghĩa cao cả, nhất là ở vào thời buổi này, thời mà chúng ta cần tái khám phá thần bí kitô, hiểu nó hơn để có thể đối thoại với ấn giáo, phật giáo.

Qua sự kiện các lá thư mục vụ và hai thư của thánh Phê-rô nhắm đưa sứ điệp kitô vào trong bối cảnh văn hóa Hy Lạp đủ để minh chứng cho tôi thấy cần phải đối thoại với các bản văn nhất là về khía cạnh thần bí. Đúng vậy, văn minh Hy Lạp thấm nhuần nét thiêng liêng huyền bí, trong đó là cả một di sản thiêng liêng của Ai-cập, Hy Lạp, Do-thái và đông phương. Thấm nhuần các thờ phượng có tính cách thần bí mà ngày xưa Đông phương đã dồn dập đổ tràn qua Tây phương. Vì thế những bản văn sau này của Tân Ước có thể giúp chúng ta hình thành một cách mới hơn chiều kích thần bí của sứ điệp kitô trong đối thoại với các truyền thống tôn giáo và thiêng liêng khác. Làm như vậy, cũng giúp chúng ta đáp ứng được nhu cầu của những người muốn sống kinh nghiệm mật thiết với Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta sẽ thấy rõ ràng con đường thần bí luôn luôn là con đường dẫn chúng ta có được tự do nội tại; nó vén mở cho chúng ta thấy nếu chúng ta dùng con đường thiêng liêng này, chúng ta sẽ tìm được cái Tôi thật của mình, hóa giải được những tổn thương do người khác gây ra và những tổn thương do cái Tôi ích kỷ bệnh hoạn của chúng ta gây ra.

Chỉ khi đọc các thư mục vụ và hai thư thánh Phê-rô dưới ánh sáng của khoa tâm lý chuyển bản vị thì tôi mới rút được lợi ích từ đó. Nối tiếp Ken Wilber, là vị đại diện đáng kể nhất, tôi chọn ba bản văn sau đây như những lời chứng cho ba lộ trình thần bí.

Lộ trình thứ nhất là lộ trình tình yêu, được thánh Tê-rê-xa Đa-vi-la mô tả một cách tài tình. Chúng ta kết hiệp các nhân nhân với Chúa Kitô. Kết hiệp với Chúa làm biến đổi con người. Thánh Tê-rê-xa giải thích qua hình ảnh con tằm nhã tơ. Qua kết hiệp với Chúa, cái kén biến thành con bướm: “Cái tôi chết và tâm hồn bật ra.” Đối với tôi, bức Thư Đầu Tiên của thánh Phê-rô là chứng tá đầu tiên của sự biến đổi của con người qua kinh nghiệm tình yêu của Chúa Kitô và kết hiệp với Người. Đời sống trong Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi lo lắng tạo ra do những tổn thương của người khác gây ra và do những dạng thức vô thức làm chúng ta tự hại mình.

Lộ trình thứ nhì là lộ trình kết hiệp, vị đại diện là Thầy Eckhart. Cái tôi lớn lên và khám phá sự giống nhau giữa nó và Thiên Chúa. Thầy Eckhart nói đến sự cắt đứt cái hữu hạn để gặp “nguồn gốc vô tận và không được tạo dựng ra”. Ông không ngần ngại nói: “Qua việc cắt đứt này, tôi khám phá Thiên Chúa và tôi là một”. Đây không phải là cuộc gặp gỡ yêu thương với Thiên Chúa nhưng là thể nghiệm chúng ta có một tương hợp nguyên thủy với Chúa. Nếu chúng ta vào tận đáy lòng mình, chúng ta sẽ khám phá Chúa với cái tôi thật của chúng ta ở đó. Dưới ánh sáng của lộ trình thần bí kết hiệp này tôi muốn chú giải Thư thánh Phao-lô gởi ông Ti-mô-tê 2: 11-14. Đương nhiên là tôi không nghĩ đoạn này chứa đựng toàn bộ thần học nhưng với phông nền là thần bí của kết hiệp, đối với tôi nó mang một ý nghĩa mới.

Lộ trình thứ ba là lộ trình thần bí của đơn thuần là sự có mặt. Đối với Ken Wilber, thần bí ở mức độ này là “đơn giản cảm nhận về con người mình, ý thức mở ra trước khoảng trống không nơi có một kẽ hở, một ánh sáng”. Con người thấy bản chất thần thánh nơi tất cả mọi sự. Thầy Eckhart diễn tả điều này theo cách: “Đón nhận Thiên Chúa nơi tất cả mọi sự... bởi vì Thiên Chúa là tất cả mọi sự... vì Thiên Chúa là Một... Tất cả mọi sự đối với bạn như một thể hiện của Thiên Chúa”. Đoạn Thư Thứ Hai của thánh Phê-rô (2 Pr 1: 3-8) diễn tả hình thức thần bí nhận thấy Chúa trong tất cả mọi sự như nền tảng thiết yếu và khám phá thiên tính trong nhân loại và trong tạo dựng. Chúng ta đụng ở đây một hình thức đặc biệt đã làm rất nhiều nhà chú giải bối rối, là qua Chúa Kitô chúng ta trở nên những người tham dự vào thiên tính của Ngài.

Tôi muốn giới thiệu ba đoạn văn này một phần như những con đường thần bí, một phần tôi muốn tìm sự đóng góp của nó vào vấn đề tự tùng xẻo và kinh nghiệm của một tự do nội tại. Đối với tôi, con đường thần bí luôn luôn là con đường trị liệu. Tuy nhiên con đường thần bí này còn có một chiều kích khác ngoài chiều kích tâm lý bình thường, chiều kích đặt chúng ta đối diện với những vết thương trong thời thơ ấu để chúng ta tri ngộ chúng và đi đến tiến trình chữa lành. Con đường thần bí không chữa lành các vết thương nhưng nó đưa chúng ta vượt qua lãnh vực thương tổn đến khoảng không gian nội tâm ý thức, nơi đó chúng ta không thể nào bị thương tổn. Bởi vì trên con đường này, chúng ta khám phá cái tôi của chúng ta không phải là cái tôi mỏng giòn, từ đó chúng ta sẽ có được tự do. Tôi càng đi từ bên ngoài để vào bên trong, tôi càng cảm thấy mình được tự do với thế giới bên ngoài. Không phải là đơn thuần thu mình lại nhưng là con đường để có một quan hệ mới mẻ với thế giới bên ngoài, để giữ được tự do nội tại trong mọi giao tiếp với người với việc; đó cũng là một con đường dấn thân say sưa phục vụ tha nhân do đã có được tự do nội tại.

Tự do nội tại là hoa quả đầu mùa cần thiết để chúng ta không còn tự làm khổ mình. Nó giải thoát chúng ta khỏi các dạng thức xưa cũ đã làm thương tổn chúng ta, những nhận thức sai trái về thực tế. Nó làm nổi bật các xác quyết của Thánh Kinh và triết lý khắc kỷ rằng các thương tổn chúng ta do cách chúng ta nhìn sự việc. Con đường thần bí có mục đích kết hiệp với Chúa và với tự do của con người, đưa con người lên tầm mức cao. Khi con người khám phá sự hiện diện của Chúa nơi mình và trở nên một với Chúa, thì lúc đó con người sẽ nắm bắt được hình ảnh nguyên thủy mà Thiên Chúa đã tạo ra nó trong chính Thiên Chúa. Nếu con người trở nên giống với hình ảnh ban đầu này thì lúc đó nó sẽ có được tự do và lúc đó thực tế bên ngoài không còn có thể làm thương tổn nó được nữa.

--- o0o ---