Chinh Phục Tự Do Nội Tại
Tác giả Anselm Grün
Phần II
3) Giải thoát khỏi các phức hệ của quá khứ
Đoạn Thư Đầu Tiên của thánh Phê-rô: “Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3: 13-16) nói lên điều nghịch lý, có nghĩa là phải hối cải cuộc sống mình trong Chúa Kitô. Bức thư nói lên sự khác biệt giữa “lối sống phù phiếm do cha ông truyền lại” và lối sống được Chúa Kitô giải thoát. Dạo gần đây, các lời này đã buộc tôi phải đặt câu hỏi lại trong công việc tháp tùng thiêng liêng, tôi ghi chép lại tất cả sức mạnh của lời này: “Anh em phải biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên Vẹn Toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô.”
Được Chúa Kitô cứu chuộc là được giải thoát khỏi đời sống phù phiếm mà do truyền thống cha ông đã để lại. Giải thoát khỏi một đời sống vô nghĩa, trống không. Một đời sống bị xem là đời sống không mục đích, vô ích, không giá trị. Đó không phải là một đời sống mong muốn. Không phải là một đời sống năng động mà một đời sống cổ hũ, một đời sống phi lý, một đời sống bề ngoài, không mục đích, không ý nghĩa vì đầy cả ảo tưởng.
Chúng ta có rất nhiều ý nghĩ sai về cuộc đời mình. Ấn giáo gọi la maya, bề mặt, ảo tưởng. Đức tin giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng mà chúng ta đã tôi rèn trong đó, chẳng hạn ảo tưởng chúng ta có thể có được tất cả những gì chúng ta muốn, rằng tất cả đều có thể thực hiện được, rằng may mắn và khoái lạc là các mặt hàng chúng ta có thể mua được.
Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô giải thoát chúng ta, giúp chúng ta sống trong thực tế. Chúng ta thoát khỏi cảnh đời mê muội (1 Pr 1: 14), ra khỏi con đường lạc lối, con đường tăm tối. Heinrich Schlier, nhà thần học người Đức, dừng lại ở đời sống hàng ngày của người thời cổ đại bị nhục dục và quỷ thần chi phối làm cho nền tảng đời sống đi đến chỗ tàn rụi như miếng giẻ rách. Ông thấy ở đó “cuối cùng là bằng chứng cho người kitô thấy, đời sống buông thả, sa đọa không nền tảng và đi ngoài sự thật”. Những đời sống chạy theo bề ngoài, những cuộc đua ngựa, những cuộc đi săn, những buổi hát kịch. Đời sống ngày xưa là đời sống bên ngoài; chỉ thích hào nhoáng với bộ vó bên ngoài nhưng bên trong là kịch cỡm và giả dối. Thế giới đó, đối với người kitô, là thế giới trống rỗng, không ý nghĩa. Họ cảm nhận được Chúa Kitô giải thoát khỏi bề ngoài giả tạo này.
Thay vì sống phù theo thế gian, người kitô phải sống trong Chúa Kitô. Họ là những người khách lạ của thế gian này vì thế họ được dẫn đi ra khỏi thế gian để rồi bước vào lại thế gian này qua việc tái sinh bằng phép rửa tội, được sống trong thế giới của Chúa. Họ trở nên những vị vua, những người tự do mà thế giới này không nắm bắt họ được. “Họ sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được” (1 Pr 4: 7). Sống với lời cầu nguyện và trong ân sủng, một đặc tính do “không còn ảo tưởng và mơ mộng, bởi một “tính “thực tế” chắc chắn không bị xem như một thỏa hiệp cơ hội, đây là ý nghĩa tầm nhìn tận căn của sự việc, không cúi mình theo thành kiến và không đi xa con đường ngay thẳng” (Schlier). Sự hy sinh của Chúa Kitô chết đi và sống lại là nền tảng xây dựng tự do nội tại, người kitô sống trong thế giới này không bị khống chế bởi nó nhưng lại được tự do đối với lối sống giả tạo và các ảo tưởng mà những người đương thời với họ tự nguyện làm nô lệ. Bửu huyết của Chúa Giêsu chứng tỏ cho thấy tình yêu Chúa Kitô đã yêu thương đến cùng và đã làm cho Người tự nguyện hy sinh cho chúng ta.
Qua bức Thư Thứ Nhất của thánh Phê-rô, chúng ta có thể khám phá được ngôn ngữ thần bí của tình yêu. Bởi vì Chúa Kitô đã yêu chúng ta đến độ đó, đời chúng ta trở nên mới, chúng ta được tái sinh, được tự do, được giải thoát khỏi “đời sống phù phiếm của cha ông”. Tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi chúng ta một cách rõ ràng nhất qua sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá, đã biến đổi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sức nặng của quá khứ. Chúng ta không còn là sản phẩm thuần túy của chính mình. Chúng ta không còn bị buộc phải lập lại tất cả những gì chúng ta nhận từ cha mẹ. Nếu chúng ta giữ được ánh nhìn gắn chặt vào Chúa Kitô thì chúng ta sẽ giải thoát được các phức hệ của quá khứ. Rõ rệt, các tín hữu kitô đầu tiên là những người sống trong tình yêu của Chúa Kitô, máu trên thập giá của Chúa đã giải thoát họ khỏi cuộc sống bề ngoài mà trước đó họ cũng đã sống như mọi người. Tình yêu này đã mở ra cho họ những khả năng mới. Họ không còn dính với lối sống cũ của cha ông họ.
Thánh Tê-rê-xa Đa-vi-la cũng có kinh nghiệm tình yêu này, tình yêu của Chúa Kitô đã giải thoát bà khỏi nỗi sợ và xao xuyến. Vì lý do đó, bà không còn lo lắng những việc bà làm có đúng hay không. Bà không còn lo người khác sẽ nghĩ gì về bà. Sống trong Chúa Kitô mang đến cho bà bình an và tự do nội tại sâu xa. Trong một buổi lễ, khi đang đắm mình trong cầu nguyện, bà thấy Chúa Kitô đứng gần bà và nghe bà nói: “Ngay khi con nghe một lời của Chúa, lòng con dịu xuống, như thường lệ, con ở trong một tình trạng bình thản và tin tưởng sâu xa, không còn một chút lo sợ. Giống như Chúa Giêsu luôn đứng bên cạnh tôi... Tôi không thấy rõ mặt Ngài nhưng tôi ý thức Ngài vừa đi bên phải tôi và thấy hành động và các điều sơ sót của tôi. Ngay khi tôi dịu lòng xuống để cầu nguyện hoặc khi tôi không bị đảng trí, tôi tin chắc Chúa đang ở bên cạnh tôi”. Kinh nghiệm sống cận kề với Chúa Kitô có thể giải thoát chúng ta khỏi phức hệ của quá khứ mà thường thường chúng ta bị ràng buộc trong đó. Chúa Kitô giải thoát và làm cho chúng ta sống trong sự thật. Khi Chúa ở trong lòng chúng ta, chúng ta thấy được thực tế với đúng giá trị của nó và chúng ta ngừng không còn nhuộm tăm tối cuộc đời xưa cũ của mình.
Rất nhiều người bị ràng buộc vào phức hệ họ đã nhận từ cha mẹ tổ tiên. Họ nghĩ họ sống tự do nhưng thực sự, một cách vô thức, họ đi theo lối sống của cha mẹ. Khoa tâm lý giúp chúng ta nhận diện những lối sống này. Khoa tâm lý chuyển bản vị của Fadiman định nghĩa các thảm kịch này như “những khuôn mẫu lặp lại một cách máy móc và từ sự kiện này có thể tiên đoán được”. Ông nghĩ công việc trị liệu là “giữ một khoảng cách đối với các thảm kịch của mình”. Theo thư thánh Phê-rô, sống trong tình yêu Chúa Kitô có thể giải thoát chúng ta khỏi những cách ứng xử di truyền từ cha ông và từ đó là những thảm kịch cá nhân.
Có nhiều ví dụ cho thấy sứ điệp này vẫn còn tính thời sự của ngày hôm nay. Tôi biết có một bà luôn luôn có mặc cảm tội lỗi. Khi có một chuyện gì không hay xảy ra, bà không tìm nguyên do mà lúc nào cũng nghĩ mình là người có trách nhiệm: lúc nào cũng vậy bởi vì lúc nào bà cũng làm ngược lại. Cứ như thế mà xảy ra ở công việc cũng như trong quan hệ. Nếu có cô bạn trách bà không dành thì giờ cho cô, thế là bà chấp nhận lời trách, xin lỗi ngay lập tức với lý do mình nhiều việc quá. Bà không bao giờ nghĩ lời trách cứ đó có thể là một cách cô bạn nói để lợi dụng bà. Bà không dám có một tình cảm hung dữ nào với bạn. Hung dữ là không được phép. Khi nói chuyện với bà, tôi thấy rõ ràng bà sống rập khuôn theo bà mẹ. Bà mẹ luôn luôn quyết định giùm cho con cái gì tốt, cái gì xấu. Bà luôn luôn có lý. Lỗi lầm lúc nào cũng bị gán vì tính hung hăng hay lười biếng của con. Lối sống tiếp tục đi theo một cách vô thức và đã hình thành lối ứng xử của người đàn bà đã lớn tuổi này. Bà rất mộ đạo và muốn sống một cách có ý thức theo khuôn mẫu của Chúa Kitô.
Đầu tiên hết, thật kỳ lạ khi gặp Chúa Kitô lại có thể giải thoát những lối sống giả tạo này. Tuy nhiên, khi đọc bức Thư Thứ Nhất của thánh Phê-rô, chúng ta thấy sống theo Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết cái phi lý của những đời sống di truyền từ cha ông. Ánh nhìn gắn chặt vào Chúa Kitô đã hy sinh cho tôi, chết cho tôi trên thập giá bởi vì tôi rất quan trọng dưới mắt Ngài đã giải thoát tôi khỏi những lối sống phi lý của cha ông đã làm cho tôi bị bệnh.
Trong công việc tháp tùng thiêng liêng cá nhân, tôi đưa đoạn thư này để cho người được tôi hướng dẫn suy gẫm, rất nhiều người khám phá được những gì đã ảnh hưởng trên cuộc đời họ cho đến bây giờ. “Anh em hãy nhớ rằng không phải của chóng hư nát như vàng bạc mà anh em được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.” Họ thường chiến đấu chống các lỗi lầm của họ nhưng không đi đến cùng được. Họ không ngừng rơi vào cùng một loại bẫy. Suy gẫm đoạn này giúp họ khám phá nguyên do lối sống của họ, biết loại bẫy nào họ hay rơi vào, ý thức “đời sống phù phiếm của cha ông’.
Tôi nhớ lại một nữ tu, từ nhỏ bà không bao giờ có một chỗ đứng trong gia đình bởi vì bà mẹ lúc nào cũng sửa sai hạnh kiểm con cái. Như thế bắt buộc phải chú ý từng chút để mẹ khỏi để ý. Bà không thể sống theo cảm tính của mình, lúc nào cũng cố gắng hết mình để làm mẹ vui lòng, để mẹ không còn lo hoặc không nổi cơn giận. Trong cộng đoàn, bà tìm được một một nơi chốn bình an. Bà cống hiến hết sức lực vào đó nhưng đến khi có một nữ tu trẻ nào tạo vấn đề, bà phản ứng một cách cuồng hoảng. Bà nghiêm khắc trách cứ. Bà tự nhủ mình phải cầm lòng lại.
Bây giờ bà hiểu bà bắt chước thái độ đó của mẹ. Trong thời thơ ấu, bà lúc nào cũng sống đàng hoàng để chận lại tính hung hăng của bà mẹ. Bây giờ, sau những cố gắng, nữ tu đó đã được cả cộng đoàn tôn trọng. Cộng đoàn là cả một quê hương của bà, bà cống hiến sức lực nhưng bà cũng cần cộng đoàn để nén nỗi sợ phải cô đơn một mình trên đời. Khi một nữ tu nào muốn tạo một khoảng không gian tự do, nỗi sợ đến từ vô thức làm cho bà cuồng hoảng. Chỉ khi nào chúng ta nghiên cứu kỹ các cơ chế này thì chúng ta mới tạo được một khoảng cách đối với chúng và dần dần học phản ứng một cách khác đứng trước các lời chỉ trích nhắm vào mình. Một vài người nghĩ đây là vấn đề thuần túy tâm lý nhưng đối với tôi, điều đáng lưu tâm để ghi nhận có nhiều người dựa trên Thánh Kinh để gạt đi các cơ chế tâm lý này. Ánh nhìn hướng về Chúa Kitô hy sinh cho tôi và Đấng, qua sự hy sinh của Ngài đã giải thoát tôi khỏi “đời sống phù phiếm của cha ông” bằng tình thương của Người, đã khuyến khích tôi khám phá những khuôn mẫu đã ngăn không cho tôi sống.
Suy gẫm những đoạn này chắc chắn sẽ có tác động trị liệu. Nhưng thiết yếu là khám phá mối liên hệ giữa những đoạn này và đời sống cụ thể. Nếu tôi chú giải một cách đạo đức, nó sẽ đòi hỏi tôi quá, tôi sẽ đóng mình trong ý tưởng tôi phải thay đổi toàn diện. Lý luận như vậy, dứt khoát tôi sẽ không thấy, lại thêm một lần nữa, tôi đi theo khuôn mẫu của cha ông, khuôn mẫu mà tôi muốn làm ngược lại. Thế là tôi cứ tiếp tục nghĩ tôi phải cải thiện để có thể đúng là người kitô.
Trong một buổi gặp gỡ với các người trẻ, tôi đọc đoạn này và nói về lối sống di truyền của cha mẹ. Rất nhiều người cảm thấy mình cũng có kinh nghiệm như vậy. Họ kể họ bị khổ sở như thế nào. Và câu hỏi của họ là: Làm sao có thể thoát ra khỏi tình trạng này? Rất nhiều người thấy được khuôn mẫu của họ nhưng họ có cảm tưởng họ cứ rơi vào khuôn mẫu này liên tục.
Một người đàn bà vì sợ cha mẹ đánh, đã không có tự tin và nghĩ mình không thể làm một cái gì tốt được. Bà tránh bị đánh nhưng với phương pháp này, bà tự làm bà khổ: bà phải phạt bà để tránh một hình phạt mà bà lo ngại. Đó là mẫu mà trong thời thơ ấu, bà dùng để sống còn. Bây giờ lớn lên, bà vẫn còn đau khổ và bà ý thức được nó đã làm hại bà.
Một người đàn ông lúc nào cũng bị người cha cho là không ra gì. Khi lập gia đình, ông chiều vợ tất cả mọi chuyện, ông sợ bị sai lầm; ông không còn tự tin vào chính nhận định của mình. Thỉnh thoảng ông giữ vững ý kiến và đương đầu với vợ khi bà chế nhạo và đối xử với ông như cha ông đã đối xử với ông.
Một người đàn bà trẻ bắt chước lối sống suy thoái tinh thần của bà mẹ. Biết mình đang có quan hệ căng thẳng với bạn trai, bà nghĩ bà có trách nhiệm và là gánh nặng cho người kia. Bà bắt chước quan điểm của bà mẹ, biết là mình không có lý do gì để suy thoái nhưng đơn giản bà không đủ sức để chạm trán với cuộc đời. Thay vì đi tìm nguyên do làm cho mình buồn bã, càng ngày bà càng rơi vào trạng thái mệt mỏi.
Một bà khác, khi còn nhỏ, bà không bao giờ biết bà phải làm gì. Bà không theo được gót chân của bà chị. Nổi bất an sâu xa đã làm cho bà làm bất cứ một chuyện gì cũng tự hỏi làm như thế có đúng không. Lo âu đã làm bà tê cứng. Trong lúc bà muốn làm tốt mọi chuyện thì bà lại làm ngược lại. Bà muốn sống theo ý Chúa nhưng bà luôn luôn phản ứng theo khuôn mẫu bà đã sống từ thời còn nhỏ, bà lúc nào cũng sống trong “thảm kịch cá nhân”.
Vấn đề là làm sao để biết mà giải phóng khỏi các phức hệ hủy hoại vô nghĩa này.
Bước đầu là phải nhận biết nó hiện hữu. Bi thảm là có người xem sự say sưa làm việc của mình như một đức tính, họ kéo theo người khác làm như họ cho đến kiệt sức, có thì giờ cho công việc mà không có thì giờ cho mình. Trên thực tế, thái độ này đáp ứng nhu cầu chứng tỏ mình giá trị: phải chứng tỏ cho mẹ biết mình thật sự là cần thiết, phải chứng tỏ cho người khác biết mình hy sinh tất cả cho gia đình. Lại cũng có rất nhiều người lấy khuôn mẫu của mình là ý Chúa. Trên thực tế, không phải là ý Chúa nhưng họ sao y bản chánh khuôn mẫu của người cha. Biết điều đó làm mình đau khổ nhưng điều đó không có nghĩa là họ được giải thoát. Nhưng ít nhất nó cũng có lợi điểm là làm mình giữ một khoảng cách đối với khuôn mẫu đó. Nếu tôi không nhận ra thì tôi sẽ đau khổ mãi mà tôi không biết. Tôi sẽ cảm thấy hụt hẫng cách này cách khác nhưng sẽ đến một lúc quá trễ tôi không còn giải thoát ra được.
Bước thứ nhì là phải hòa giải với khuôn mẫu này. Nó làm tôi ngộp thở và tôi không thể giải thoát được ngay; không những nó chỉ có khía cạnh tiêu cực: có một lúc, nó có một ý nghĩa và giúp tôi sống còn nhưng bây giờ, nó là trở ngại của tôi. Vì thế tôi cần phải có đầu óc hài hước. Tôi chào khuôn mẫu của tôi, tôi nói: “A! Bạn đây rồi. Tôi biết bạn rõ lắm. Bạn chịu khó ngồi yên nhé. Nhưng bạn biết là bây giờ tôi sẽ không để ý đến bạn. Tôi không còn cần bạn vào việc gì hết nữa.” Các khuôn mẫu của chúng ta sẽ tiếp tục ghi nhận sự có mặt của chúng. Rất nhiều người bứt rứt và muốn dùng sức mạnh để thoát ra. Nhưng càng trực diện chống thì lại càng làm nó nổi bật. Tôi phải chấp nhận phức hệ của tôi. Chính lúc đó tôi mới có thể giữ một khoảng cách với nó và tương đối hóa vấn đề. Ngày này hay ngày kia, tôi sẽ nhận ra nó không còn ảnh hưởng trên tôi. Đúng là nó vẫn tiếp tục hiện diện trước tôi nhưng tôi không còn làm nô lệ cho nó. Đây là chuyển động vòng xoắn. Chúng ta không ngừng đi trở lại điểm khởi đầu của sự phát triển nhưng mỗi lần chúng ta khởi đầu ở một điểm cao hơn.
Với những khuôn mẫu thừa hưởng của cha mẹ, chúng ta tự làm khổ mình. Chúng ta không sống theo một cách tốt cho mình mà sống với một quan niệm đời vô nghĩa và phi lý. Rất nhiều khuôn mẫu đúng là khuôn mẫu tự hủy. Chúng làm chúng ta cự lại, lấy mất tự do nội tại của chúng ta, biến chúng ta thành những người nô lệ. Chúng ta cứ đường cũ mà đi bởi vì chúng ta không thấy các tiêu chuẩn của mình không có nền tảng, không có ý nghĩa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô có thể hướng dẫn chúng ta gặp một cách ứng xử hợp với con người chúng ta. Cuộc gặp gỡ sẽ giải thoát chúng ta khỏi khuôn mẫu cũ và cái tôi ràng buộc. Những ai hóa giải được mã số các khuôn mẫu này có thể hiểu được những gì thánh Chrysostome luôn luôn nhấn mạnh trong bài giảng: Ai không làm thương tổn chính mình thì sẽ không bị một ai làm thương tổn. Chúng ta làm mình khổ, chúng ta kéo theo đàng sau mình cả một thời thơ ấu nếu chúng ta không tự thoát ra “đời sống phú phiếm do cha ông để lại.”
--- o0o ---