Chinh Phục Tự Do Nội Tại
Tác giả Anselm Grün
Phần II:
13) Tự làm thương tổn và kết hiệp với Chúa
Đâu là mối liên hệ giữa nội dung bức thư của thánh Phê-rô và chủ đề tự mình làm khổ mình và tự do nội tâm? Ai cứ thường xuyên chú tâm vào những vấn đề của mình thì tự làm khổ mình. Ai cứ nghĩ mình phải thoát ra khỏi các lo lắng này thì lại càng dính vào nó. Ai cứ thích kiểm soát đời mình thì rồi sẽ không kiểm soát được đời mình. Ai cứ muốn lúc nào mình cũng làm đúng rồi thì có ngày sẽ thấy mình làm ngược lại. Đó là những nguyên tắc căn bản của cuộc sống chúng ta nhưng thường thường chúng ta không để ý đến. Chúng ta quá quen quay về với các phức hệ của quá khứ để theo chúng một cách mù quáng, làm thế chúng ta chỉ làm hại mình.
Mục đích mà chúng ta muốn đến thì quá gần. Chúng ta chỉ muốn dịu nỗi lo lắng mà không hướng về Chúa để cùng với Chúa xây dựng một nền tảng đích thực của cuộc đời. Trong khi chúng ta vừa giải quyết một vấn đề thì một vấn đề khác lại nảy sinh, bởi vì nguyên do nỗi lo lắng nằm trong quan điểm sai lầm của chúng ta có về cuộc đời. Các phật tử cho rằng bám dính vào thế gian là nguồn của tất cả mọi đau khổ. Bức thư của thánh Phao-lô cũng giải thích đau khổ là do hư đốn dục vọng gây ra. (2 Pr 1: 4)
Cho đến lúc nào chúng ta còn muốn thỏa mãn hết tất cả các mong muốn của mình và muốn thay đổi hoàn cảnh bất hạnh của mình thì chúng ta chỉ tự mình làm khổ mình. Cần phải thấy rõ nguyên do các khó khăn của mình, giải thoát khỏi phức hệ của quá khứ, khám phá được đức tin là con đường duy nhất dẫn đến sự sống. Có đức tin như thư thánh Phê-rô nói là nhận biết chúng ta thông dự vào thiên tính qua Đức Giêsu Kitô, là nhận biết Thiên Chúa là nền tảng duy nhất cho cuộc sống chúng ta, là toàn con người chúng ta tràn ngập bởi Chúa. Nếu chúng ta xem trọng việc này, nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta thực hiện được cuộc sống như vậy thì chúng ta sẽ được tự do, chúng ta không còn tiếp tục làm khổ mình, không còn khóc như một đứa con nít khi người lớn không cho nó những gì nó muốn. Và đó là kinh nghiệm của một đời sống sống trong Chúa qua Đức Giêsu Kitô, đó là hoa quả đầu mùa của một cuộc sống tự do thật sự, một cuộc sống không tự hủy mình. Thiên tính vạch cho chúng ta một đoạn đường để chúng ta sống hợp với điều thiết yếu đích thực của chúng ta.
Triết gia Pascal Bruckner đã mô tả vì sao con người thời nay đánh mất quan hệ với Thiên Chúa nên đã đi tìm một thế phẩm, vì sao họ thay thế cái trống không và cái dửng dưng của chủ thuyết duy lý bằng một lôi cuốn hấp dẫn mới của thế giới. Vì thế họ tự phủ đầy thừa mứa của cải để họ có cảm tưởng mình được sung mãn tuyệt đối. Ông nói: “Tiêu thụ là một thứ phẩm của tôn giáo, tin vào một sự sống lại của các sự vật đến vô tận, mà nhà thờ là siêu thị và phúc âm là quảng cáo.” Lời hứa hẹn tất cả ước muốn của mình sẽ được thỏa mãn thay thế các khát nguyện sâu xa hướng về Chúa. Ai trở nên người thông dự vào thiên tính thì không cần một loại thế phẩm của tôn giáo tiêu thụ, ở trong thế giới đó chúng ta tự làm khổ mình liên tục, bởi vì chúng ta lăng xăng một cách vô ích.
Một lý do khác để chúng ta tự làm khổ là chúng ta nghĩ mình có những chuyện xấu, hủ hóa, không trong sáng làm trở ngại cho chúng ta trên cuộc đời. Nếu chúng ta giải thích theo nghĩa thần bí về thiên tính, cũng như các Giáo Phụ Hy Lạp đã hiểu, thì thực chất tất cả mọi sự đều tốt. Thế giới chính tự nó không xấu; chỉ xấu khi nào bị dâm dục chế ngự, nếu khởi đầu chúng ta nhìn từ cái tính ích kỷ của mình. Trên nguyên tắc, tất cả đều tốt vì tất cả đều đến từ Chúa và tỏa lan ánh sáng của Chúa. Mỗi cuộc đời đều thông dự vào Chúa. Chúng ta không thể nào tìm Chúa ở ngoài thế gian này nhưng chỉ trong thế gian và qua thế gian. Vì thế Thầy Eckhart luôn luôn nhấn mạnh: “Ai mà đời sống nội tâm trôi chảy tự nhiên thì người đó sẽ thoải mái ở bất cứ đâu, với tất cả mọi người. Ngược lại, ai không được thoải mái trong lòng, thì họ thấy ở đâu, với ai cũng không tốt. ai thoải mái trong lòng là người có Chúa ở cùng: họ gặp Chúa mọi nơi, trên mọi nẻo đường, nơi những người họ gặp trong nhà thờ, trong sa mạc cũng như trong căn phòng nhỏ họ ở và tất cả những gì họ làm không phải là công trình của họ nhưng công trình của Chúa trong họ.”
Qua Chúa Giêsu Kitô, thông dự vào thiên tính, tất cả những gì trong con người chúng ta đều được thấm nhuần ơn Chúa. Như thế chúng ta không được để một bên những gì chúng ta cho là xấu như dục tính hay tính hung hăng. Bởi vì người kitô xem những chướng ngại là tuyệt đối không tương hợp với Chúa; bản chất loài người khác thiên tính nên họ thường làm khổ họ khi tu tập khổ hạnh vô lý, làm cho họ cảm thấy tổn thương sâu xa.
Trong quá trình tháp tùng thiêng liêng, tôi thường xuyên tiếp xúc với các tu sĩ nam nữ, tôi thấy họ tự làm khổ họ, từ hai nguồn gốc sức mạnh của con người: dục tính và hung hăng tính, họ cho chúng là những con quỷ cần pha dập tắt. Bức Thư Thứ Nhì của thánh Phê-rô nói cho chúng ta: “Đức Ki-tô đã lấy thần lực (sức mạnh, năng lực, sức sống, năng động) của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. (2 Pr 1: 3). Sức mạnh của Chúa cũng cho chúng ta ơn của năng động: hung hăng và dục tính như những sức mạnh cho đời sống và cho lòng sùng kính của chúng ta được tốt đẹp hoặc cần thiết. Như thế không phải để cắt bỏ nó nhưng dùng một cách có nhân bản, thấm nhập nó trong quan điểm về cuộc sống của chúng ta. Lấy ví dụ một linh mục có tính hung hăng vì ông có một người cha rất hung hăng, ngày xưa đã đánh ông rất nhiều, ông sọ để lộ tính hung hăng của mình ra. Ông quen sống như thế vì ông không muốn tiếp tục bị đánh và bị ruồng bỏ. Nhưng dập tắt tính hung hăng làm ông rơi vào tình trạng suy thoái tinh thần. Đúng là không nên để tính hung hăng của mình đổ trên đầu người khác nhưng phải tự kiểm nó, phải để ý đến nó và dùng một cách khác để diễn tả thích ứng hơn.
Sau thời gian trị liệu, vị linh mục này hiểu ra và nhìn tính hung hăng của mình với cặp mắt tích cực hơn, dần dần ông diễn tả nó một cách thích ứng hơn, tình trạng suy thoái tinh thần của ông được giảm nhẹ và ông có được một năng lực sáng tạo thể hiện ra bên ngoài. Bỗng ông khám phá ông thích vẻ, thích sáng tạo một cái gì, dám làm và dám thực hiện một chương trình mới. Ông bắt đầu ý thức lâu nay ông đã tự làm khổ mình chỉ vì ông đi tìm Chúa ở ngoài tính hung hăng và ông xem đây không phải là sức mạnh thiêng liêng nhưng là sức mạnh có hại của ma quỷ cần phải đè nén.
Dục tính cũng vậy. Bao nhiêu linh mục, bao nhiêu tu sĩ tận hiến tự làm khổ vì họ xem dục tính là chuyện phải loại bỏ ra khỏi cuộc đời và có một cái gì tự nó rất xấu. Họ dùng tất cả mọi sức lực để đè nén nó. Tuy nhiên đó không phải là một vấn đề chỉ xảy ra với các linh mục và các tu sĩ tận hiến mà đó là vấn đề của rất nhiều người kitô và không kitô. Đúng là có một nỗi sợ rất lớn khi đứng trước dục tính, dẫn đến việc phải đè nén nó. Ở đây không phải là khuyến khích sống không kềm chế. Nếu “hư đốn do dục vọng gây ra” thì không dẫn đến sự sống mà chỉ dẫn đến hỗn loạn. Và từ đó kéo theo không biết bao nhiêu thảm trạng, tạo không biết bao nhiêu tổn thương do lợi dụng và hung bạo. Bổn phận của người kitô là khám phá thiên tính trong dục tính. Nó phải có một cái nhìn tích cực và phải ở trong một quan hệ có ý thức và thích ứng.
Ai dùng tất cả sức lực để đè nén và chối bỏ nó thì sẽ tự làm khổ mình. Thường thường kinh nghiệm cho thấy người ta không thể nào đè nén nó hoàn toàn được. Nó sẽ tấn công kịch liệt trong những lúc mình căng thẳng hay những lúc mình bị xuống tinh thần và xảy ra dưới dạng tự khích dục hoặc đôi khi có hành vi mất kiểm soát đối với trẻ em. Những người này lại còn đau khổ hơn. Họ liên tục sa lầy trong đời sống sinh dục mà họ muốn đè nén nó. Ngược lại, ai cáng đáng được một cách nhẹ nhàng dục tính của mình, tìm ở đó niềm vui sống, cảm nhận được vui vẻ trong thể xác của mình thì người đó có khả năng hiểu – trong mọi nghĩa - thế nào là chữ vui hưởng tự nhiên, nếm hương vị của Chúa và nếm được một đời sống thiêng liêng đầy sáng tạo và sống động.
Đương nhiên con đường này gieo rắc rất nhiều trở ngại. Dục tính là một sức mạnh không để cho chúng ta hướng nó đi một cách dễ dàng như chúng ta muốn. Nhưng quan trọng là chúng ta phải xem nó như một năng lực mà Chúa cho như món quà tặng, một sức mạnh tốt và cần thiết cho đời sống chúng ta (sức mạnh: năng động, sung mãn của cuộc sống 2 Pr 1: 3) và cho đời sống thiêng liêng của chúng ta (thiêng liêng: là kết hiệp với Chúa). Như thế chúng ta sẽ tìm ở đây những con đường đưa chúng ta thấm nhập vào cuộc sống. Người độc thân sẽ có một con đường khác với con đường của người lập gia đình. Nhưng điều quyết định là phải xem dục tính như một sức mạnh đến từ Chúa và cũng có thể dẫn mình đến với Chúa.
Tôi lúc nào cũng hãi sợ khi thấy tất cả nỗi khổ do dục tính bị đè nén và chế ngự, thấy tất cả những cái xấu do con người làm bởi vì họ hiểu sai sứ điệp Thánh Kinh, không hiểu trong nghĩa thần bí mà hiểu như lời huấn dụ luân lý. Chỉ vì họ tách hoàn toàn ra khỏi Chúa và thế gian; họ muốn đến với Chúa nhưng lại tránh thế gian; họ không xem con đường thiêng liêng của họ là con đường sự sống nhưng là một chiến thuật để họ đi vòng, tránh các khó khăn liên hệ đến đời sống con người.
--- o0o ---