Nguồn từ Trang web Người Tín Hữu
Phần 1 : Sơ Lược Tiểu Sử Thánh Gioan Vianney
Chương 1 :
Từ Thời Thơ Ấu Cho Đến Khi Làm Linh Mục Xứ Vianney
Cách thành phố Lyon giàu có và sùng đạo khoảng một giờ đi bộ, có một ngôi làng tên là Dardilly. Làng không lớn nhưng trù phú vì đất đai rất phì nhiêu, có nhiều vườn cây ăn trái và nhất là trồng nhiều nho để ép rượu. Vì thế, dân làng tuy có đến một ngàn năm trăm người, nhưng nhiều gia đình dư ăn dư mặc chẳng mấy ai thiếu thốn. Trong làng Dardilly có hai vợ chồng thuộc giới trung lưu khá giả, ông chồng tên là Mátthêu, bà vợ là Maria. Nếu ông Mátthêu là người tằn tiện thì nay đã giàu to, nhưng ông có lòng bác ái hay thương kẻ khốn cùng, điều này từng là truyền thống của gia đình nên ông theo gương cha ông ngày xưa. Vì hay thương người như thế nên nhà ông lúc nào cũng có những người nghèo đói. Tiếng tốt đồn xa nên người nghèo càng đến nhà ông đông hơn nữa. Ban ngày họ xin ăn, ban đêm họ xin ngủ trọ, có ngày lên đến mười lăm hay hai mươi người.
Vợ chồng ông Mátthêu luộc khoai cho người nghèo ăn bữa tối và bữa sáng, mùa đông đốt lửa để họ sưởi cho bớt giá rét và trải rơm làm đệm cho họ nằm. Bà Maria thường hay vá quần áo cũ rách của những người nghèo đến ở trọ, và nhiều khi còn tặng cho họ quần áo mới nữa.
Hai vợ chồng hiền lành, thật thà, đạo đức, tuân giữ giới răn Chúa với tâm hồn nhiệt thành như ông Giacaria và bà Isave, bố mẹ của Thánh Gioan Baotixita khi xưa. Ông bà được năm người con, một người chết khi còn bé, còn bốn người kia sống cho đến tuổi già. Còn Gioan Maria Vianney thì đi tu làm linh mục, nổi tiếng về nhân đức và rất nhiều người từ các nơi các xứ tuôn đến gặp ngài để xưng tội, và nhiều người đã được hoán cải.
Khi bà Maria mang thai Gioan Vianney, bà thường dâng con cho Đức Mẹ và nguyện dâng cậu cho Chúa để giúp việc Hội thánh. Ngày 8 tháng 4 năm 1786, bà hạ sinh con trai, ngày hôm sau linh mục rửa tội và đặt tên cho con trẻ là Gioan Maria. Bà Maria không thuê vú nuôi, chẳng những chính bà chăm sóc nuôi nấng Gioan phần xác, bà cũng dạy dỗ cho Gioan phần hồn. Khi Gioan vừa bập bẹ nói được một hai tiếng, bà đã tập cho con lập lại hai tên cực trọng là Giêsu và Maria trước nhất, bà còn tập cho con trẻ làm dấu thánh giá.
Ngày nay, có nhiều cha mẹ không dạy cho con mình điều nào về Thiên Chúa khi con còn bé, vì nghĩ rằng con trẻ còn dại, chưa có trí khôn, dù có dạy cũng mất công phí sức. Những bậc cha mẹ ấy thật lầm lẫn, vì khi trẻ con lên bốn năm tuổi thì trí khôn của chúng đã đủ sức để biết những điều mà cha mẹ dạy, và những điều ấy sẽ in vào tâm trí con trẻ mà nó sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
Khi đọc hạnh các thánh, chúng ta thấy Thánh Rosa de Lima, Thánh Antôn khi mới lên năm tuổi đã thề giữ mình trinh khiết suốt đời. Thánh Mađalêna De Pazi khi lên năm tuổi đã dạy những trẻ khác làm dấu thánh giá và đọc kinh Kính Mừng. Những khi mẹ của thánh nữ rước lễ, thánh nữ ngồi dựa đầu vào lòng mẹ để được ở gần Chúa Giêsu, có ý thờ phượng Chúa Giêsu đang ngự trong lòng mẹ mình. Những sự kiện ấy chứng tỏ rằng những trẻ lên bốn, năm tuổi đã có trí khôn, hiểu biết được ít nhiều những vấn đề thiêng liêng.
Bà Maria biết điều ấy nên dạy con ngay từ thuở còn bé, chẳng bỏ qua dịp nào. Khi đọc kinh chung trong nhà vào lúc chiều tối, hoặc lúc sáng sớm, hay khi nghe nhà thờ đánh chuông nguyện kinh Truyền Tin, bà bắt con quỳ gối chắp tay ở bên cạnh, khi đi nhà thờ bà cũng ẵm con theo để giúp con trẻ mến mộ việc đạo đức. Khi cha Gioan về già, có người khen ngài có phúc vì mến mộ việc đọc kinh, thờ phượng Chúa suốt ngày không ngại mệt nhọc, thánh nhân trả lời:
- Mẹ tôi đã dạy tôi điều ấy từ khi còn bé. Mẹ tôi bắt phải cầu nguyện luôn và xa lánh tội lỗi. Một lần kia mẹ tôi bảo:
- Giả như mẹ thấy anh chị em con phạm tội lỗi gì mẹ sẽ buồn lắm, nhưng nếu mẹ thấy con cũng phạm một tội ấy thì mẹ còn buồn hơn nữa. Bà Maria nói với Gioan như thế vì biết Gioan ngoan ngoãn, dễ dạy và sốt sắng hơn những đứa con khác, bởi đó bà yêu cậu cách đặc biệt. Sau này, khi Gioan làm linh mục, cha khuyên bảo giáo dân của cha:
- Hễ cha mẹ đạo đức sốt sắng thì con cũng đạo đức sốt sắng theo. Vì khi con cái thấy cha mẹ làm việc lành chúng cũng bắt chước mà làm việc lành. Khi Gioan lên bốn tuổi, bà mẹ cho cậu một tượng Đức Mẹ nhỏ bằng gỗ. Gioan vui mừng thích thú lắm. Cậu luôn cầm trong tay, mang theo bên mình, nếu có bỏ quên ở chỗ nào thì cậu khóc lóc, nhưng khi tìm lại được cậu vui mừng hớn hở. Mỗi một ngày, chẳng biết mấy lần, Gioan để tượng trên cao rồi quỳ xuống, chắp tay nhìn chăm chú lên tượng và đọc kinh Kính Mừng.
Sáu mươi năm sau, có linh mục giúp xứ Ars hỏi cha rằng:
- Thưa cha, cha yêu mến Đức Mẹ từ bao giờ?
Cha đáp:
- Tôi không nhớ rõ mà chỉ nhớ là tôi kính mến Đức Mẹ từ khi mới có trí khôn, và tôi kính mến Đức Mẹ trên hết các thánh khác. Khi tôi còn bé, mới độ bốn năm tuổi, mẹ tôi cho một tượng Đức Mẹ. Tôi yêu thích tượng đó lắm, tôi luôn mang theo bên mình không bao giờ rời. Ban đêm tôi cũng phải mang tượng ấy trong người mới ngủ yên được. Dạo ấy có người cho tôi một cỗ tràng hạt đẹp lắm, chị tôi thích nên cứ gạ gẫm tôi mãi. Tôi bực mình, không muốn cho nên đi nói với mẹ, nhưng mẹ tôi bảo phải cho chị ấy cỗ tràng hạt vì lòng yêu mến Chúa. Tôi vâng lời nhưng lòng tiếc cỗ tràng hạt ấy lắm.
Năm Gioan lên sáu tuổi, một hôm bà mẹ thấy vắng cậu Gioan thì chạy đi tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy cậu đâu. Sau đó, bà thấy Gioan đang quì đọc kinh trong góc chuồng bò. Bà vừa cười vừa bảo Gioan:
- Sao con trốn ở đây để mẹ phải lo lắng tìm? Sao con lại đọc kinh nơi chuồng bò mà không đọc kinh trong nhà?
Gioan vòng tay thưa:
- Mẹ ơi! Xin mẹ tha lỗi cho con. Con vào đây đọc kinh vì ở đây vắng vẻ kín đáo, không ai xem thấy, nhưng từ nay con sẽ không vào đây nữa.
Trong Kinh Thánh nói về Tobia như sau: "Khi còn bé, Tobia không hay chơi với những đứa trẻ khác mà hay ở một mình nơi vắng vẻ cô tịch, cậu chẳng biết đường nào ngoài con đường dẫn đến đền thờ".
Gioan khi còn bé cũng giống như ông Tobia, không hề ra ngoài đường phố chơi với các trẻ khác, mà hay ở nhà với mẹ cũng như thường theo mẹ đi lễ và chầu Mình Thánh. Khi Gioan nghe tiếng chuông nhà thờ đổ liên tục như réo gọi những tâm hồn mến yêu, Gioan liền giục mẹ và các anh chị em mau đến nhà thờ. Vào trong nhà thờ, thái độ và cử chỉ của Gioan rất nghiêm trang, cậu không bao giờ liếc ngang liếc dọc, cười cợt, nói chuyện như các trẻ khác. Những người xem thấy thái độ và cử chỉ cung kính của Gioan khi thờ phượng Chúa như thế thì bảo với ông Mátthêu:
- Đứa trẻ này thế nào cũng đi tu dòng hoặc làm linh mục chứ chẳng ở ngoài thế gian.
Sở dĩ, Gioan có lòng sốt sắng yêu mến Chúa thiết tha, và ngoan ngoãn tuân giữ các phép tắc cách nết na như vậy là nhờ cha mẹ đạo đức, họ vừa lấy lời lành dạy dỗ vừa làm gương sáng cho con cái. Gia đình ông Mátthêu là hình ảnh gia đình Thánh Gia xưa ở Nazareth. Hai vợ chồng hiền lành rất yêu thương nhau, không hề cãi nhau hay mở miệng chửi rủa, mắng mỏ con cái như các gia đình khác. Phần con cái thì luôn vâng lời, thảo kính cha mẹ, chẳng bao giờ cãi lại. Rồi anh em trong nhà lại hòa thuận, rất thương yêu nhau.
Trong gia đình ấy chỉ nghe thấy những lời nói dịu dàng hòa nhã, những lời khuyên bảo tốt đẹp, chỉ nhìn thấy những gương tốt, gương sáng. Không bao giờ nghe thấy tiếng cãi cọ hay những lời phê bình, chỉ trích nói về người khác trong gia đình Gioan.
--- o0o ---