Phỏng vấn ông Salvatore Martinez, tân Chủ tịch phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh Italia về đại hội lần thứ 30 của phong trào.
Trong các ngày đầu tháng 2 vừa qua Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia đã phê chuẩn Quy Chế mới của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh Italia. Quy Chế cũ đã được phê chuẩn cách đây 12 năm. Trong thư gửi cho phong trào, Đức Cha Giuseppe Betori, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Italia khuyến khích phong trào "chu toàn vai trò gương mẫu của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh Công Giáo với các kinh nghiệm đa diện đã có kể từ khi bắt đầu cách đây 40 năm".
Ông Salvatore Martinez, cho tới nay là phối hợp viên, đã được bầu làm Chủ tịch phong trào. Ông đã thay mặt phong trào cám ơn các Giám Mục vì tình phụ tử, sự lưu tâm và đồng hành dành cho phong trào.
Trong các ngày từ 28 tháng 4 đến mùng 1 tháng 5 tới đây phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh Italia sẽ nhóm đại hội mừng 40 năm thành lập. Đại hội có đề tài là "Không có gì mà Thiên Chúa không làm được". Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông về phong trào và quy chế mới được Hội Đồng Giám Mục Italia phê chuẩn.
Hỏi: Thưa ông Martinez, phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh đã do ai thành lập và thành lập khi nào?
Đáp: Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh không có người sáng lập. Lý do là vì bản chất của phong trào đề nghị đặc biệt dành chỗ cho việc lắng nghe tiếng nói và sự sống của Chúa Thánh Thần trong thế giới này. Đề tài đại hội tới của chúng tôi là "Không có gì mà Thiên Chúa không làm được", nó quy chiếu về thái độ sống của Mẹ Maria là hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đây sẽ là dịp giúp chúng tôi tái khám phá ra chính mình, đồng thời cũng là cơ may cho Giáo Hội, và niềm hy vọng cho thế giới, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh.
Hỏi: Phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh bao gồm các thành phần nào thưa ông?
Đáp: Nó là một phong trào rất rộng lớn, bao gồm Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội khác nhau, với nhiều kiểu diễn tả khác nhau. Liên quan tới phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh Công Giáo, điểm khởi đầu được coi như là vào tháng 2 năm 1967.
Hồi đó có một số sinh viên, thuộc đại học Duquesne tại thành phố Pittsburg bên Hoa Kỳ, tham dự một cuộc tĩnh tâm. Họ tự động họp nhau cầu nguyện và khẩn nài Chúa Thánh Thần. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tiếng vang của kinh nghiệm mới mẻ đó lan xa ra khắp nơi trên trái đất, và đã lôi cuốn các người trẻ, các gia đình và các linh mục. Hiện nay phong trào có tất cả 100 triệu thành viên sống tại 205 nước trên thế giới. Các thành viên dấn thân trong các nhóm, các cộng đoàn và nhiều sinh hoạt khác nhau, trong các trường học, các tổ chức và các dự án tông đồ gắn liền với phong trào. Tại Italia có 200 ngàn thành viên chia làm 1.900 nhóm và cộng đoàn canh tân.
Trong số các người đầu tiên xác tín ủng hộ phong trào có Đức Hồng Y Leo Suenens. Trong số những vị soạn thảo các tài liệu thần học mục vụ của phong trào có nhiều thần học gia, các Hồng Y như Joseph Ratzinger, Ives Congar, Walter Kasper, Linh Mục René Laurentin. Thế rồi, còn có các giáo huấn của các Giáo Hoàng nữa. Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đề cao tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống Giáo Hội với Thông điệp về Chúa Thánh Thần công bố năm 1897. Theo lời xin của nữ tu Elena Guerra, người sáng lập dòng Chúa Thánh Thần, Đức Leo XIII cũng thánh hiến thế kỷ XIX cho Chúa Thánh Thần. Thế rồi Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã tiếp kiến hàng lãnh đạo của phong trào lần đầu tiên hồi năm 1975 và người khuyến khích phong trào canh tân thế giới.
Dọc dài suốt triều đại của người Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần khích lệ phong trào trong biết bao nhiêu lần tiếp kiến riêng và chung.
Hỏi: Quy chế mới của phong trào vừa được Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Italia phê chuẩn có các điểm mới mẻ nào thưa ông?
Đáp: Trước hết phải nhấn mạnh nó không phải là bản Quy chế hoàn toàn mới mẻ, mà là tài liệu tái duyệt và mở rộng Quy Chế có trước. Nó cũng giống như cuộc sống lòng tin Kitô, được kêu mời liên tục đáp trả lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Quy Chế vừa được Hội Đồng Giám Mục Italia phê chuẩn những ngày qua diễn tả một quan điểm rộng rãi hơn về Giáo Hội và ý muốn luôn là thành phần hoạt động bên trong cuộc sống của Giáo Hội, mà không quên các đặc thái của một phong trào đặc sủng thánh linh.
Hỏi: Sự lựa chọn này được diễn tả như thế nào thưa ông?
Đáp: Trước hết trong việc xác định rõ ràng rằng việc gia nhập phong trào không phải là một kinh nghiệm tinh thần chung chung, nhưng là một sự lựa chọn rõ ràng một con đường lòng tin. Quy Chế cũng đặc biệt nhấn mạnh trên sự hiện diện và sinh hoạt của phong trào giữa lòng cuộc sống của một giáo phận. Sau cùng, là việc lựa chọn tái phân phối các cơ quan quốc gia của phong trào để đáp ứng các đòi hỏi của tinh thần đồng trách nhiệm lớn hơn.
Hỏi: Làm thế nào mà phong trào đã đi tới các kết qủa này thưa ông?
Đáp: Đó là kết qủa của sự trưởng thành bên trong lộ trình dài 40 năm qua của phong trào tại Italia. Đặc biệt là ý thức sâu đậm chín mùi từ từ qua các sinh hoạt của phong trào. Nòng cốt là ý muốn rộng mở phong trào cho cuộc sống Giáo Hội và mở rộng với bên ngoài cũng như với thế giới.
Hỏi: Trong qúa khứ, tương quan giữa các phong trào với hàng giáo phẩm đã không luôn luôn dễ dàng. Hiện nay tương quan giữa nột phong trào đặc sủng với hàng giáo phẩm được phối hợp như thế nào?
Đáp: Nó được phối hợp bằng cách liên tục suy tư và sống trở lại tương quan hai chiều giữa đặc sủng và các cơ cấu trong ý niệm "dân Chúa", là tổng hợp tuyệt diệu nhất. Đây là ý niệm đã được Công Đồng Chung Vaticăng II và khoa giáo hội học tái đề nghị một cách rộng rãi đối với mọi thành phần dân Chúa. Ngày nay phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh không được coi như là thực thể bên ngoài Giáo Hội, trái lại nó nằm trong trung tâm cộng đoàn Kitô, và từ đó nó phản đối thế giới thường sống qúa xa cái luận lý của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và cuộc sống được các ơn của Chúa Thánh Thần tác động. Điều này không thêm gì vào những gì Giáo Hội đã sống, nhưng nhấn mạnh trên một chiều kích nền tảng của Giáo Hội.
Hỏi: Đâu là các thời điểm đặc thù nhất trong cuộc sống của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh thưa ông?
Đáp: Trước hết cần nói rằng việc gia nhập phong trào không xảy ra qua việc có thẻ là thành viên của phong trào. Kinh nghiệm làm nảy sinh ra việc gia nhập phong trào là lời cầu nguyện xin Thánh Thần Chúa xuống tràn đầy trên một người. Nó không phải là một lúc cử hành nghi thức, cho bằng việc liên tục dấn thân chứng minh bằng cách thế tích cực, bằng cuộc sống của mình sự thức tỉnh, nảy sinh từ các ơn của Chúa Thánh Thần. Thế rồi hoạt động của phong trào được đặc biệt diễn tả ra qua việc phổ biến nền văn hóa của lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây đã là sứ mệnh mà Đức Gioan Phaolô II giao cho phong trào. Thật vậy, vì sinh hoạt của phong trào Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh không chỉ dừng lại nơi việc cầu nguyện, nhưng liên tục cố gắng khiến cho Chúa Thánh Thần được hiểu biết và tìm kiếm các dấu chỉ của Người giữa lòng văn hóa, trong xã hội, và trên thế giới bao quanh ta, nghĩa là trong mọi môi trường của cuộc sống thường ngày, nơi công xưởng, bàn giấy, trong công ăn việc làm và sinh hoạt mọi ngày theo nhiệm vụ và trạng huống của từng người. Một sinh hoạt theo sự chỉ dẫn của đại hội công giáo toàn quốc Verona, được thực hiện qua sự hiểu biết và lắng nghe tiếng nói của các chứng nhân lòng tin. Nghĩa là chú ý tới các chứng tá lòng tin cụ thể của toàn cộng đoàn dân Chúa.
(Avvenire 7-2-2007)
Linh Tiến Khải