Đây là bài trích từ bài thuyết trình của ông Howard Dee trong dịp Hành hương Quốc gia lần IV tới Lipa ngày 12-9-2007. Ông Dee là nguyên Đại sứ tại Vatican, có lòng tôn sùng Đức Mẹ, và là tác giả 2 cuốn sách về Đức Mẹ: Tặng phẩm Quý giá nhất của Thiên Chúa dành cho Nhân loại Ngày nay (God’s Greatest Gift to Mankind Today) và Số phận Cuối cùng của Nhân loại (Mankind’s Final Destiny).
Chúng ta hãy bắt đầu bằng định nghĩa của sự tận hiến. Theo Webster, tận hiến là hiến dâng cho một mục đích thánh (sacred purpose).
Chẳng hạn, khi một giám mục thánh hiến một nhà thờ, đó là dâng hiến cho mục đích thánh là thờ phượng Thiên Chúa. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta, những người tin theo Chúa Giêsu, được tận hiến cho Đức Mẹ?
Để trả lời, tôi dùng định nghĩa uy tín (authoritative definition) của thánh Louis Marie Grignon de Montfort (gọi tắt là Louis Montfort), vị thánh rất yêu mến Đức Mẹ mà Chân phước Gioan Phaolô II đã dâng trọn đời mình cho Đức Maria, và đã chọn khẩu hiệu giáo hoàng của ngài là Totus Tuus, Maria! (Tất cả nhờ Mẹ Maria!).
Thánh Louis de Montfort nói rằng tận hiến cho Đức Mẹ là dâng trọn đời mình cho Đức Trinh Nữ, để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Tận hiến cho Đức Mẹ nghĩa là chúng ta dâng hiến cuộc đời mình, công việc, trái tim và khối óc, thân xác và linh hồn, vì mục đích thánh: để Thiên Chúa được tôn vinh nơi chúng ta, nhờ chúng ta và qua chúng ta, theo gương Mẹ Maria. Theo công thức tận hiến của thánh Montfort (Montfortian formula of Consecration), ngay cả những gì sở hữu, bên trong và bên ngoài, cả những nhu cầu tốt lành của chúng ta, cả quá khứ, hiện tại và tương lài, đều được phó thác cho Mẹ Maria qua việc tận hiến cho Mẹ Maria, để Mẹ sắp xếp như Mẹ muốn, vì vinh danh Thiên Chúa.
Do đó, tận hiến cho Đức Mẹ là một động thái theo Phúc âm là chết cho chính mình, hy sinh và tự nguyện phục tùng, theo tinh thần Totus Tuus, hiến dâng mọi thứ vì mục đích thánh, mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, để chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài. Nhờ sự tận hiến của chúng ta, Mẹ Maria trở nên Đấng bầu cử riêng (personal intercessor) và là Đấng trung gian (Mediatrix) giữa chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta tới sự sống dồi dào (abundant life) mà Chúa Giêsu đã hứa ban khi Ngài nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Sự sống dồi dào này là sự sống trong Chúa Thánh Thần, sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua động thái hoàn toàn tận hiến cho Mẹ Maria, Chúa Giêsu hoàn tất lời hứa của Ngài đối với chúng ta về sự sống dồi dào khi Đức Mẹ đưa chúng ta vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thật của mỗi Kitô hữu.
Điều gì xảy ra khi chúng ta tận hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ? Cũng như Mẹ nói lời “xin vâng” (fiat) khi được sứ thần truyền tin, Chúa Thánh Thần dùng chính lời xin vâng của chúng ta, kết hợp với lời xin vâng của Mẹ Maria, để hành động trong chúng ta, Chúa Giêsu được tái sinh trong chúng ta và chúng ta được tái sinh trong Ngài. Chúng ta trở nên Kitô khác (alter-Christ), con cái đích thực của Mẹ Maria, các Kitô hữu và môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Qua bí tích Thánh Thể, Bửu huyết của Chúa Giêsu ngấm vào chúng ta, đó là Máu mà Chúa Giêsu lấy từ Đức Mẹ, làm cho chúng ta thực sự là con ruột (blood children) của Đức Maria. Có Đức Maria là Mẹ ruột của chúng ta, và Chúa Giêsu là Anh Cả, chúng ta khả dĩ “yêu cầu” phần thừa kế trọn vẹn từ Chúa Cha (we can claim our full inheritance from the Father).
Tại sao chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ? Vì như Chúa Giêsu đã dạy, trái tim chúng ta là kho tàng. Trái Tim Mẹ là vị trí của yêu thương và and trái tim đó chỉ có thể yêu một chủ. Hoặc là yêu Chúa, hoặc là yêu thế gian. Chúng ta không thể yêu cả hai chủ. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta sẽ yêu chủ này và ghét chủ kia. Với Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ cũng vậy. Trái Tim Mẹ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa. Kho tàng quý nhất của Mẹ là Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn ở trong Trái Tim Mẹ. Khi chúng ta tận hiến cho Trái Tim Mẹ, chúng ta trở nên phần kho báu của Mẹ và được hưởng huê lợi trực tiếp (direct beneficiaries) bằng đường vào ân sủng qua Mẹ Maria là Đấng Trung chuyển mọi Ân sủng (Mediatrix of All Grace). Khi hiện ra với tôn danh Đức Mẹ Hoa Kỳ (Our Lady of America), Đức Mẹ nói rằng “Trái Tim Mẹ là Trái Tim Vô Nhiễm, là kênh hồng ân của Thánh Tâm Chúa, được trao ban cho nhân loại”.
Tận hiến cho Trái Tim Mẹ không chỉ là động thái phó thác. Theo thánh Montfort, đó là đường sự sống, là hoàn tất lời hứa Thánh Tẩy (baptismal vows). Thánh nhân giải thích:
Tất cả sự hoàn thiện của chúng ta được làm cho thích nghi, được kết hợp và tận hiến cho Chúa Kitô, do đó trở nên lòng tôn sùng hoàn hảo nhất, không chút nghi ngờ, đó là sự thích nghi hoàn hảo nhất, kết hợp và tận hiến cho Chúa Giêsu. Mẹ Maria là người thích nghi nhất với Chúa Giêsu, sự tận hiến làm cho linh hồn thích nghi với Chúa là tận hiến cho Đức Mẹ, và càng tận hiến cho Đức Mẹ thì càng tận hiến cho Chúa Giêsu.
Bằng cách lý luận của thánh Montfort, chúng ta càng tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ thì chúng ta càng được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Con của Đức Mẹ. Chân phước Gioan Phaolô II đã từng dạy chúng ta rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu được hình thành dưới Trái Tim Đức Mẹ và Bửu huyết chảy qua Thánh Tâm Chúa được lấy từ Máu của Đức Maria.
Khi hiện ra với tôn danh Đức Mẹ Hoa Kỳ, Mẹ nói rằng ân sủng từ Thánh Tâm Chúa Giêsu được phân phát qua Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria được Chân phước Gioan Phaolô II giải thích là được đóng ấn dưới chân Thánh giá khi viên quan chỉ huy (centurion) đâm vào Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ, hoàn tất lời hứa với thánh Simeon khi Chúa Giêsu được dâng hiến trong đền thờ.
Theo thánh Alphongsô Ligôri, vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist Order), cô gái Maria được chọn làm Mẹ Thiên Chúa bằng sự Đồng công Cứu chuộc (Co-redemptrix) và Trung gian (Mediatrix); một “chiếu chỉ” (divine decree) được tiền định cho Đức Mẹ đối với sứ vụ gấp đôi này.
Thánh Alphongsô cân nhắc thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa theo ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Nghiên cứu về lý do nhập thể, ngài theo luận điểm (thesis) của thánh Thomas Aquinas: “Nếu loài người không phạm tội, Thiên Chúa sẽ không nhập thể”. Do đó, lý do tối hậu của sự nhập thể là cứu độ nhân loại. Đức Maria trở nên Mẹ của Đấng Làm Người để trở nên Đấng Cứu Độ và để đền tội cho thế gian; không có tội nhân thì Thiên Chúa không nhập thể, và Đức Maria cũng không là Mẹ Thiên Chúa.
Do đó, sứ vụ của Mẹ được kết hợp với sứ vụ của Chúa Kitô. Các sứ vụ này đã được tiền định để bảo đảm Ơn Cứu độ cho nhân loại sa ngã, qua đó mà Ơn Cứu độ mang dấu ấn của Lòng Thương Xót và Đặc ân Tha thứ. Điều này đã được Chúa Cha ra “chiếu chỉ” tại Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) khi Ngài nói với Luxiphe rằng “đầu nó sẽ bị đạp nát dưới gót chân của một phụ nữ”.
Với đặc ân là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria hợp tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ nhân loại, trở thành Đấng Đồng công Cứu chuộc, và hiện nay Mẹ là Đấng Trung chuyển Ân sủng từ Thiên quốc. Thánh Alphongsô dạy:
Như các Giáo phụ đã nói với chúng ta, Đức Maria trở nên Người Mẹ tâm linh của chúng ta hai lần. Lần một, khi Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa, bằng lòng tận hiến vì công cuộc cứu độ, do đó mà Mẹ cũng mang thai chúng ta trong lòng Mẹ. Lần hai, khi Mẹ sinh chúng ta trong ân sủng trên Núi Sọ, Mẹ dâng chúng ta cho Chúa Cha Hằng Hữu, trong nỗi buồn sâu thẳm của tâm hồn, sự sống của Con Mẹ để cứu độ chúng ta.
Theo ĐHY Luis Aponte Martinez ở Puerto Rico, khi sứ thần truyền tin, Đức Maria đã xin vâng với Chúa Cha, để Chúa Thánh Thần dùng linh quyền cho Mẹ thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Một Dấu Yêu của Chúa Cha, rồi Chúa Cha ban lệnh từ lúc đó, mọi ân sủng được trao ban cho nhân loại sẽ qua Mẹ Maria là Đấng Trung chuyển Ân sủng. Các Kitô hữu đều muốn sản sinh Đức Kitô trong cuộcsống của họ, điều này chỉ khả thi nhờ hành động kết hợp của Chúa Thánh Thần nơi họ qua Mẹ Maria, Đấng vừa Đồng công Cứu chuộc vừa Trung chuyển Ân sủng.
Tôi còn nhớ rõ, từ khóa Maria học (Mariology classes), tôi được may mắn tham dự với Đức cố Hồng y Jaime Sin, ngài nói với chúng tôi rằng không có thánh nhân trên trời nào lại không tôn sùng Đức Mẹ. Đó là lý do Mẹ là Nữ vương và Khuôn mẫu của các Thánh (Queen and Molder of All Saints).
Chúa Cha đã tạo nên Trái Tim Đức Mẹ để thay thế tình yêu hoàn hảo của Ngài. Mặt khác, Đức Mẹ còn đáp lại Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu hoàn hảo đối với tình yêu hoàn hảo. Theo thánh Thomas Tiến sĩ Thiên thần (Thomas Aquinas), cuộc trao đổi tình yêu này được biểu hiện bằng sự trao đổi các tặng phẩm. Đức Mẹ trao cho Thiên Chúa, Đấng Trường sinh, một cơ thể con người và khả năng chết (power to die). Khi trao đổi, Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ khả năng không chết (power not to die) và Đức Mẹ được chấp nhận vào Nước Trời, cả thể xác và linh hồn.
Nếu chúng ta sống tận hiến cho Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa chúng ta và trao cho chúng ta khả năng chết cho chính mình và khả năng sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Vậy bạn phải làm gì sau khi tận hiến cho Đức Mẹ? Thánh Alphongsô nói rằng tận hiến không chỉ là một nghi thức mà còn liên quan cách sống. Năm 1957, Đức Mẹ hiện ra tại Hoa Kỳ và được nói lại vào ngày 22-8-2007:
Hỡi con của Mẹ, Mẹ phải làm gì khi con cái quay lưng với Mẹ? Hòa bình giả tạo của thế gian này quyến rũ họ và cuối cùng sẽ hủy diệt họ. Họ tưởng họ đã tận hiến đủ cho Thánh Tâm Vô Nhiễm của Mẹ. Không đủ đâu. Đó là điều Mẹ muốn và quan trọng nhất, nhiều người đã không tận hiến cho Mẹ. Điều Mẹ muốn thì Mẹ đã xin, và sẽ tiếp tục xin là sửa đổi đời sống. Phải có sự thánh hóa trong đó. Mẹ sẽ tác động phép lạ hồng ân của Mẹ nơi những người cầu xin và thanh tẩy linh hồn họ sạch những dấu vết tội lỗi đã làm mất lòng Con của Mẹ. Những linh hồn tội lỗi không thể đón nhận kho tàng ân sủng mà Mẹ trao cho họ.
…Hỡi con yêu dấu, Mẹ muốn quy tụ về bên Mẹ những chiến binh dũng cảm cầm đuốc sáng, một đội quân can đảm yêu thương, những người cầm đuốc sáng sẽ thắp lên ngọn lửa Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn con người. Chỉ những người mạnh mẽ trong yêu thương mới có thể trở nên binh sĩ của Mẹ mà giương cao ngọn đuốc, không phải lưỡi kiếm hủy diệt mà là lưỡi kiếm lửa, ngọn đuốc thắp sáng Lòng Từ Ái của Thiên Chúa.
Đức Mẹ hướng dẫn rằng ước muốn của Trái Tim Mẹ được chuyển tới giám mục địa phương. Đức Mẹ nói: “Hãy đi gặp Đức giám mục, nói với ngài về những ước muốn của Trái Tim Mẹ. Chúng ta sẽ giúp đỡ con”.
Thật may mắn khi chúng ta ở Philippines, chúng ta không phải thuyết phục các giám mục về các ước muốn của Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Rather, chúng ta có những giám mục yêu mến Đức Mẹ như Đức TGM Ramon Arguelles luôn kêu gọi các tín hữu vâng theo sự thôi thúc của Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Tại sao việc tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ lại quan trọng đối với thế giới ngày nay như vậy? Chúng ta lại theo ĐHY Aponte Martinez. ĐGH đã kêu gọi tại Hội nghị Hồng y ở Rôma:
Với mối quan tâm đặc biệt về mệnh lệnh đại kết ngày nay, đây không là một trong các nhu cầu cấp bách nhất của Kitô giáo và sự cầu bầu của Đức Mẹ về sự đoàn kết hay sao? Bây giờ không là thời gian kêu xin Đức Mẹ dùng cả sức mạnh tâm linh của Trái Tim Mẹ để liên kết con cái của Chúa thành một hay sao? Đây là cơ hội trở về với Đức Mẹ để cầu khẩn hồng ân cần thiết làm viên mãn lời cầu chưa trọn vẹn của Chúa Giêsu: “Xin cho mọi người nên một” (x. Ga 17:21).
Thánh Montfort đã nói tiên tri với những người theo ngài là sẽ được hoàn tất trong thế giới ngày nay. Ngài nói rằng Chúa Giêsu, trong lần thứ nhất, đã đến thế gian qua Mẹ Maria, lần thứ nhì Ngài cũng sẽ đến qua Mẹ Maria. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lần đến thứ nhì của Chúa Giêsu không còn xa nữa, chúng ta cần hành động như những cô trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị đủ dầu để thắp sáng đèn và tỉnh thức chờ Tân Lang.
Không còn cách nào tốt hơn là tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ, đó là thắp sáng “đèn tâm hồn” để cùng Đức Mẹ chờ Chúa Con đến. Tân Lang sẽ đến hỏi Tân Nương, tức là Giáo hội, về các tín hữu là Dân yêu dấu của Thiên Chúa.
Nhờ tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ, chúng ta sẽ được tái sinh trong Chúa Giêsu, và trái tim chúng ta được thắp sáng ngọn lửa sùng kính sẽ là những ngọn đèn thắp sáng đường đi cho Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ nhì. Chúng ta sẽ là những người cầm đuốc sáng của Mẹ Maria để thắp sáng Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn con người, cả nam phụ lão ấu, làm ngay ngắn con đường cho Đức Vua tái lâm.