Đức Mẹ

Phép Lạ

Bác sĩ Patrick THEILLIER - Phụ trách Văn phòng y khoa Lộ Đức 
NHÀ XUẤT BẢN RENAISSANCE 
Chuyển ngữ : Bảo Tịnh và các bạn

 
[BBT] Ban biên tập xin chân thành cám ơn anh Bảo Tịnh và các bạn đã cho phép khoi-nguon.com đăng tải bài về các phép lạ Lộ Đức. 
 
    Mục Lục 
 
        * Lời giới thiệu của Đức cha Jacques Perrier, Giám mục giáo phận Tarbes & Lộ Đức 
        * Lời nói đầu 
 
        * Chương 1: Bạn đã nói "Phép lạ" sao ? 
              o "Sự sống phát triển trong tất cả con người tôi" 
 
        * Chương 2: Có còn Phép lạ nữa hay không ? 
              o "Một hiện tượng trái với những dự kiến của y khoa" 
 
        * Chương 3: Có gì đàng sau các phép lạ không ? 
              o "ôi đã mở cánh cửa hư vô" 
 
        * Chương 4: Có thề dung hòa khoa học và đức tin ? 
              o "Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải chia sẻ …" 
 
        * Chương 5: Thiên Chúa nào ? 
              o "Ngươi hãy làm các công việc của Ta …" 
 
        * Chương 6: Phép lạ, những dấu hiệu của Chúa 
              o "Ước gì Ngài sai một người nào đó đến cứu tôi" 
 
        * Chương 7: Một Thiên Chúa gần gũi và yêu thương 
              o "Cho rằng câu chuyện này không thể giải thích" 
 
        * Chương 8: Các phép lạ trong Thánh Kinh 
              o "Và đó là “ Năm Thánh Mẫu" 
 
        * Chương 9: Các phép lạ của Chúa Giêsu 
              o "Chị có cầu xin được lành bệnh không ?" 
 
        * Chương 10: Việc chữa lành ngày nay 
              o "Nhiều người đọc kinh cho tôi được lành bệnh" 
 
        * Chương 11: Việc chữa lành cho mọi người 
              o "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa" 
 
        * Kết luận: Bạn có muốn chữa lành không ? 
 

    Lời Giới Thiệu

    Bác sĩ Patrick Theillier một cách nào đó là “bác sĩ phép lạ” của Lộ Đức. Ông không làm phép lạ, nhưng ông tiếp đón tất cả những người mà sự khỏi bệnh bất ngờ của họ có liên quan đến Lộ Đức. Trong một vài trường hợp, cuộc điều tra có thể mang lại những kết quả không đủ chính xác để Giáo hội nhìn nhận việc khỏi bệnh này là “phép lạ”. 
 
    Nhưng bác sĩ Theillier xem xét tất cả các loại khỏi bệnh, và không chỉ những loại phải trải qua một tiến trình dài điều tra để được nhìn nhận. Không chỉ những cuộc khỏi bệnh về thể lý, mà còn về tinh thần hoặc quan hệ. Việc hòa giải của một cặp vợ chồng chẳng phải là một phép lạ cũng hiếm và khó khăn như bao cuộc khỏi bệnh mà ngày nay chúng ta có những loại thuốc hiệu nghiệm hay chăng? 
 
    Giống như những người tiền nhiệm của ông, tác giả không ngừng được hỏi về những phép lạ: các phương tiện truyền thông, các thầy thuốc, cả các nhóm người trẻ (rất thường xuyên) ngày càng nhiều tại Lộ Đức, bị kích thích vởi những hiện tượng bất thường này, nhưng ít nghi ngờ hơn những đàn anh của họ. 
 
    Bác sĩ Theillier chấp nhận việc chất vấn của những người đối thoại với ông, nhưng không đóng kín ở trong đó. Sự hấp dẫn của cuốn sách nằm ở chỗ: Làm sao các kỳ công, khác với ý nghĩa thông thường của từ “phép lạ”, nói một điều gì đó về đức tin Kitô bình thường, của Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người. 
 
    Một điều lý thú khác của cuốn sách là mở ra viễn cảnh về những nơi khác với Lộ Đức. Đoàn sủng chữa lành, từ lâu bị quên lãng trong Giáo hội, đã được các phong trào Canh tân đưa vào lại. Tại Lộ Đức, từ hơn một thế kỷ qua, người ta không bằng lòng với việc thống kê các phép lạ: người ta suy tư về ý nghĩa của chúng đối với Giáo hội, và trong việc loan báo Phúc âm. Các gia đình tinh thần khác có thể lợi dụng suy tư này, cũng như Lộ Đức có thể lợi dụng các kinh nghiệm đã trải qua ở nơi khác: vì Thiên Chúa tự do hành động ở nơi nào ngài muốn.   
 
    Đức cha Jacques Perrier 
    Giám mục Tarbes và Lộ Đức  
 

    Lời Nói Đầu

    Phép lạ, chính là cuộc sống!  
 
          “Ai không tin phép lạ 
           thì người đó không phải là người thực tế”.
 
          David BEN GOURION  
 
     Có phép lạ thật sự hay không? Làm thế nào chứng minh đó là một phép lạ? Nếu có phép lạ, chúng có thể được sử dụng cho cái gì? Phép lạ có phải là những luật trừ của các qui luật tự nhiên hoặc là những vận may hay không? Có còn những cuộc khỏi bệnh ở Lộ Đức nữa hay không? Nếu có, tại sao tất cả các bệnh nhân lại không lành bệnh? … 
 
    Giống như ở Lộ Đức, đức nữ trinh truyền cho một cô bé 14 tuổi loan báo sứ điệp của ngừơi cho thế giới, tác phẩm này cũng nói với những người trẻ, bắt đầu từ tất cả các câu hỏi trên đây có thể được đặt ra cách hợp pháp. Điều đó không ngăn cản những người trẻ hơn tìm thấy trong đó những sự thật tốt lành cho tất cả… Với điều kiện chấp nhận thực hiện một cuộc hành hương, một cuộc hành hương với cả lòng trí: từ trí óc chúng ta, được hình thành tốt đẹp biết bao để suy lý, từ con tim chúng ta, nơi người ta có thể nghe một tiếng nói về những điều không bác bỏ lý tính, nhưng vượt lên trên lý tính! 
 
    Tôi thật sự muốn giúp khám phá ra rằng các phép lạ là những dấu hiệu của Chúa dành cho chúng ta ngày hôm nay và các cuộc khỏi bệnh mà tất cả chúng ta đều cần đến không dành riêng cho một số người được ưu tiên mà thôi. 
 
    Các chứng tá đã được trải qua mà các bạn sắp khám phá được nói đến ở đây nhằm làm cho chúng ta ý thức rằng Chúa hiện diện trong mọi cuộc sống, không phải để buộc chúng ta làm bất cứ điều gì, mà là như một người bạn, một người bạn chắc chắn hay đòi hỏi, nhưng là đấng chúng ta có thể tin cậy trong tất cả các hoàn cảnh. 
 
    Cuộc hành hương này phải được thực hiện suốt cả đời. Là những người qua đường và là những kẻ hành hương trên trái đất này, chúng ta không thể không đặt ra những câu hỏi cơ bản này: “Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi đâu?” Được hiểu cho kỹ, các phép lạ có thể soi sáng các câu hỏi này. Bởi vì, trong khi đồng hành với cuộc sống dương thế này của chúng ta, Chúa sẽ dùng tất cả mọi phương thế để tự tỏ mình ra với chúng ta, hé mở cho chúng ta nguồn gốc và đích đến thực sự của chúng ta, soi sáng con đường của chúng ta. Ngài ban những dấu hiệu cho những ai tìm kiếm ngài. Do đó, dù muốn hay không, các phép lạ cũng thuộc về cuộc sống của chúng ta. Tình yêu của Chúa đối với con người là bí mật và là mầu nhiệm của tất cả mọi cuộc đời. 
 
    Không có ai là người dư thừa trên thế giới này cả. Chúng ta không phải là kết quả của sự tình cờ cũng không phải là sản phẩm từ những sức mạnh đen tối của vật chất. Không. Mọi cuộc đời đều là một câu chuyện thánh thiêng. Mỗi người trong chúng ta đều duy nhất. Mỗi người đều được Chúa muốn hiện diện. Con người đã được ngài tạo dựng, yêu thương, cứu độ. Tất cả mọi cuộc đời đều là phép lạ: chúng ta được yêu thương như là chúng ta hiện tại, dù tin điều này hay không! 
 
    Đó là Tin mừng của Phúc âm, tin mừng đó không phải là một bài giảng hó chịu, nhưng là lời Chúa nói với tôi. Tôi phải làm cho lời đó trở thành của tôi, thích nghi lời đó vào cả con người tôi và, chấp nhận tôi và yêu thương tôi như tôi hiện tại, với các phẩm chất, các khiếm khuyết, và quá khứ của tôi… dù quá khứ đó có vinh dự hay không! 
 
    Từ những kinh nghiệm cụ thể, tôi muốn cuốn sách này đưa ra những lý do để tin: tái khám phá rằng đức tin không phải là một ý thức hệ, có tính cách sống còn, giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta. Chẳng hạn không phải nhân danh ngài mà trong thời đại hiện nay diễn ra những cuộc tụ tập những người trẻ đông đảo nhất trong lịch sử , những Ngày quốc tế giới trẻ, đó sao? 
 
     Chắc hẳn, tôi không có ý định, trong một ít trang sách, xét đến tất cả mọi mặt của đức tin cũng như của các phép lạ. Tôi không nói đến Giáo hội, biết rằng nhiều người chấp nhận đức Kitô, chứ không phải Giáo hội. Tùy mỗi người nhận xét! Tất cả những điều tôi biết, đó là nếu có một định chế đặc biệt chuyên môn về nhân loại, thì đó chính là Giáo hội. Và hơn thế nữa, bạn hãy tìm một định chế của con người tồn tại từ hai nghìn năm nay, mặc dù những sai lầm và những tội lỗi của những con người thành viên của nó. Đó cũng chính là một phép lạ thực sự! 
 
    Tôi cũng không đề cập đến đạo đức, một vấn đề thật bao la! Đàng khác từ này không gây ấn tượng tốt, đến độ người ta đã thay thế nó bằng từ “luân lý”… Đó là việc chơi chữ, vì một từ phát xuất từ tiếng Latinh và một từ phát xuất từ tiếng Hi Lạp, để nói đến cùng một vấn đề! Tôi sẽ nói dơn giản rằng: đạo đức cjỏ cp1 tjể ;à tomj tjầml bám rễ sâu trong tình yêu, tình yêu đích thực phù hợp với tinh thần của Đấng đã nói:”Cho thì có phúc hơn là nhận”, trái với xã hội hiện nay muốn cho người ta tin rằng chính việc thỏa mãn phóng túng tất cả các ham muốn của mình mới có thể làm cho hạnh phúc. Đạo đức, chính là thực hành tình yêu! 
 
    Trong khi dựa vào lời của cô bé Bernadette ở Lộ Đức, “Tôi có nhiệm vụ nói với các bạn điều đó, chứ tôi không có nhiệm vụ làm cho các bạn tin điều đó”, tôi sẽ không cố gắng áp đặt ý nghĩ của tôi. Tôi không có tham vọng nào khác ngoài việc mang lại lòng mong muốn tìm kiếm xa hơn, tự mình suy tư, và cùng với những người khác, khởi đi gừ các trao đổi này và một vài chứng tá trong các cuộc khỏi bệnh khác nhau. 
 
    Đến phiên mỗi người chịu khó đọc cuốn sách nhỏ này từ đầu đến cuối với một tinh thần cởi mở. Tôi chắc chắn họ sẽ nhận được một điều gì đó: ai tìm thì sẽ thấy, ai xin thì sẽ được. Chúa tin tưởng và để cho tự do: đó là chiến lược của Chúa. Nếu ngài muốn thuyết phục mọi người, chỉ cần ngài hiện ra và nói là đủ! 
 
    Giờ đây chúng ta bắt đầu tìm hiểu tại sao có phép lạ…

 
    1.  Bạn đã nói “phép lạ” sao? 

    “Việc khỏi bệnh siêu nhiên không gì khác hơn là một hiện tượng tự nhiên trong đó sự nhanh chóng và tầm mức vượt ra ngoài các qui luật thông thường. Phép lạ tăng cường, biến đổi hoặc chữa lành: phép lạ không sáng tạo. Nó vượt lên trên các lực của thiên nhiên, nhưng không vi phạm các luật lệ của thiên nhiên. Các thuyết quyết định vẫn còn tồn tại: dường như các thuyết này được một sự Tự do cao siêu sử dụng, và chính trong khi chế ngự các thuyết này mà Tự do này bộc lộ một cách bí ẩn”.  Henry BOUILLARD  
 
     - Bác sĩ có thể nói cho chúng tôi biết phép lạ là gì không? 
 
     - Tôi muốn trước tiên anh nói cho tôi biết anh nghĩ gì về phép lạ. Thực ra, có nhiều định nghĩa về phép lạ. Đây là một từ gài bẫy mà ngày nay người ta có xu hướng thêm mắm thêm muối vào… Anh hãy tìm những thí dụ đi. 
 
    - Vâng, chẳng hạn khi đội tuyển Pháp ghi một bàn thắng ở cuối trận chung kết cúp bóng đá Euro 2000, người ta nói đó là một phép lạ. 
 
    - Thật vậy! Ngày nào cũng có những “phép lạ” trên các báo thể thao! Rồi sao nữa? 
 
    - Ngày nay người ta nói đến loại “hormon phép lạ” giúp trẻ mãi không già, loại “viên thuốc phép lạ” dành cho những người bất lực… 
 
    - Tôi hiểu rồi… 
 
    - Thậm chí còn có một loại nước hoa được đặt tên là Phép lạ (Miracle)! 
 
    - Điều này chứng tỏ rằng “phép lạ” rất thời thượng! Cho tới thời điểm này, điều đó rất đúng! 
 
    - Phép lạ, đó là làm bài thi mà không hề mệt mỏi gì… 
 
    - Ít nhất anh cũng sáng suốt đó! Anh có tin rằng đây sẽ là một phép lạ hay không? Tôi đang nói đến “giải pháp phép lạ”… Đúng rồi, tất cả chúng ta đều tìm kiếm một giải pháp phép lạ cho các vấn đề của chúng ta, chúng ta muốn điều không thể được, hoặc ít có thể được, xảy ra: “Ước gì tôi giỏi toán nhỉ!… Ước gì tôi có thể tìm được một người thừa kế trẻ, đẹp, giàu có có thể bảo dưỡng tôi!… Ước gì mình đậu tú tài mà không cần phải học gì cả!… Ước gì tôi biết được tương lai!… Ước gì mình trúng số nhỉ!… Ước gì, gước gì, ước gì… : Có đúng không nào? 
 
    - Ông đang nói … 
 
    - Muốn điều không thể xảy ra là lẽ thường tình của con người! Đó có phải là những phép lạ hay không? 
 
    - Không chắc lắm… 
 
    - Không, không phải thế đâu! Anh có thực sự tin rằng anh có thể là người đẹp nhất, giàu nhất và thông minh nhất mà không cần phải cố gắng hay không? Anh có tin rằng anh có thể sống mà không lo lắng gì, không buồn phiền gì, luôn luôn dễ chịu, khỏe mạnh, và trẻ mãi hay không? Có thể được hay không? 
 
    - Không, chắc chắn rồi. 
 
    - Và có một nguy cơ anh để mình bị lạm dụng bởi những kẻ ma lanh nhỏ hoặc lớn cố gắng làm cho anh tin điều đó. Phép lạ không đồng nghĩa với sự kỳ diệu. Đó là lý do chúng ta phải đào sâu vấn đề. Thế thì, khi nào người ta có thể nói rằng có phép lạ thực sự? 
 
    - Đối với tôi, phép lạ là một người nào đó rơi từ tầng năm xuống mà không hề hấn gì… Vâng, phép lạ là một điều gì đó không thể được, hoàn toàn bất ngờ, xảy đến. Thí dụ, trong một vụ động đất, người ta nói đến phép lạ nếu họ tìm thấy một người nào đó sống sót “một cách lạ lùng” ở dưới đống đổ nát từ nhiều ngày qua và được cứu thoát. 
 
    - Không tồi lắm, Jean-Baptiste, nhưng ai nói cho anh biết đó là những phép lạ? 
 
    - Đó không phải là những phép lạ sao? 
 
    - Không hẳn như thế… Chúng ta hãy suy nghĩ bắt đầu từ những thí dụ của anh: điều rõ ràng trước hết là sự may mắn, ngôi sao tốt. Phép lạ có phải chỉ là sự tình cờ, điều may mắn, điều không thể tin được, điều bất ngờ, điều kỳ diệu…? Như thế đã đủ chưa? Anh biết là không. Chắc chắn, khi điều không thể được đã xảy ra, người ta nói đó là phép lạ. Nhưng ai có thể nói rằng có phép lạ? Ban đầu, người – và chỉ người đó mà thôi – mới được hửơng lợi từ phép lạ. Cũng có thể cho rằng sự kiện này tuyệt nhiên không phát xuất từ phép lạ. Nó được dựa trên tiêu chuẩn nào? Trên điều người đó tin, ngay trong thẳm sâu của chính người đó. Tất cả tuỳ thuộc vào sự kiện người được hưởng lợi và vào điều người đó gặp – hoặc người mà người đó gặp – ngay trong chính “máu huyết” của họ. Khi một biến cố bất ngờ xảy ra, câu hỏi mà người ta không thể không đặt ra là: có cái gì ở phía sau biến cố đó? Đâu là nguồn gốc của điều đã xảy ra? … Bất kỳ hiện tượng nào cũng có nguyên nhân của nó. 
 
    - Đúng vậy. 
 
    - Có gì ở đàng sau điều ngẫu nhiên hay không? Người ta buộc lòng phải đặt câu hỏi, và mỗi người đều có thể có câu trả lời của mình. Lúc nào cũng vậy, trong các hiện tượng bất thường, người ta đều thấy những sức mạnh vượt lên trên các hiện tượng đó, những sức mạnh của đất hoặc của trời. Cho nên, họ đã đặt các thần, hoặc Thiên chúa, vào trong các hiện tượng đó. Và rồi khoa học muốn tìm hiểu phần lớn các hiện tượng bí ẩn. Người ta đã chuyển từ ý tưởng thần bí đến ý tưởng tôn giáo, và đến ý tưởng khoa học điên rồ là giải thích tất cảm giải quyết tất cả các câu đố. Anh có nghe tôi nói không? 
 
    - Nếu khoa học có thể giải thích tất cả, thì không còn có các phép lạ nữa. 
 
    - Đồng ý. Nhưng khoa học có thể giải thích tất cả hay không? Anh có biết tại sao anh đã tránh được một tai nạn “một cách kỳ lạ” ngày hôm đó hay không? Do may mắn, anh có thể nói như vậy… Thật sự điều đó đã đủ cho anh chưa? 
 
    - Không, điều đó không đủ cho tôi. Tại sao? Bởi vì tôi nghĩ rằng còn có một điều gì khác nữa. Sao ? 
 
    - Tôi không thể nói cho ông biết… Tôi có cảm tưởng như đã được … bảo vệ. 
 
    - Anh hãy nói hết tư tưởng của anh đi. 
 
    - Vâng… đã được bảo vệ bởi một sức mạnh siêu nhiên mà tôi muốn đặt cho một cái tên… Một sự hiện diện… 
 
    - Anh thấy đó, chúng ta đang ở trong lãnh vực tôn giáo rồi đó. Thậm chí trong định nghĩa về phép lạ. Đây không phải điều kỳ diệu, phép thuật, điều hữu hạn về mặt khoa học. Phép lạ, trong chính định nghĩa của nó, không phải là điều không thể được đã xảy ra, nhưng là việc nhìn nhận rằng biến cố này có liên quan đến Chúa trời là đấng muốn điều tốt cho con người. Dù muốn hay không, các phép lạ đích thực thuộc về lãnh vực tôn gíao, có liên quan đến Thiên Chúa. 
 
    - Ông có thể chứng minh điều đó không? 
 
    - Chúng ta sẽ thấy… nếu anh lắng nghe tôi đến cùng! 
 
    Trở Lên Trên 
 
    “Sự sống phát triển trong tất cả các phần của con người tôi” 
 
     Jean-Pierre Bély 
 
    “Sinh ngày 24/8/1936, đã lập gia đình, cha của hai con, tôi là y tá tại bệnh viện Angoulême. Từ năm 1972, tôi bắt đầu gặp những rối loạn về thần kinh. Năm 1984, tôi được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng từng mảng, bệnh nặng, tiến triển, không thể chữa được. Có quyết định ngưng việc hoàn toàn. Kể từ tháng 2/1985 tôi đã phải sử dụng xe lăn. Năm 1987 tôi đạt đến độ liệt giường rất trầm trọng dẫn đến việc được trợ cấp tàn tật 100% với một người để giúp đỡ tôi trong các sinh hoạt hằng ngày. 
 
    Đầu tháng 10/1987, được bạn bè thúc đẩy, tôi đi hành hương Lộ Đức, để nhận ơn tha thứ của Chúa. Lần nào tôi cũng đến đây với lòng e ngại, nhưng lần này, tôi đã phát hiện một bí tích tình yêu giải phóng tôi. 
 
    Buổi sáng ngày cuối cùng, tôi nhận bí tích xức dầu bệnh nhân, bí tích của sự sống. Lúc vị linh mục xức dầu trên trán và hai bàn tay tôi, tôi có cảm tưởng tất cả đều chao đảo chung quanh tôi. Trong một tích tắc, tôi mất khái niệm về thời gian và không gian. Chúa vừa chữa lành con tim của tôi. Tôi bị xâm chiếm bởi một cảm giác rất mạnh về sự giải thóat và bình an trong tâm hồn mà tôi chưa bao giờ cảm nghiệm trước đây. 
 
    Lúc tôi trở về phòng, một cảm giác lạnh lẽo ở bên trong ngày càng gia tăng, hầu như làm cho đau đớn, bằt đầu len vào trong tôi. Tôi có cảm tưởng bị rơi vào trong một giấc ngủ lịm... Thế là cái lạnh này dần dần nhường chỗ cho một cảm giác ấm áp lan ra bắt đầu từ các ngón chân cái, cái ấm áp đó ngày càng gia tăng và lan dần lên khắp cả thân thể tôi, trở nên như một ngọn lửa. Tôi cảm thấy sự sống phát triển trong tất cả các phần của thân thể bị bại liệt của tôi! Đột nhiên, tôi cũng chẳng biết như thế nào nữa, tôi thấy mình ngồi ở mép giường, hai chân thõng xuống, kinh ngạc vì có thể động đậy hai cánh tay, ngạc nhiên vì tìm lại được cảm giác và sự mềm mại của làn da cũng như của các ngón tay của tôi. 
 
    Trong đêm hôm ấy, mặc dù ngủ rất say, tôi cũng đã thức dậy lúc ba giờ sáng. Một ý tưởng tôi không chờ đợi đã len vào trong tâm hồn tôi, như một lời mời gọi:”Anh hãy đứng dậy và bước đí!” Lời kêu gọi này ngày càng mạnh hơn. Cuối cùng, cô ý tá trực, cảm thấy tôi khó ở, đã đến xem tôi như thế nào, và tôi đã nói với cô rằng tôi phải dậy. Không tin vào mắt mình, cô kinh ngạc nhìn tôi bước đi. Những bước chân đầu tiên của tôi hơi ngập ngừng, nhưng tôi cảm thấy nhanh chóng vững vàng trên đôi chân của mình, mặc dù đôi chân này đã không hoạt động kể từ năm 1984… 
 
    Ngày hôm sau, tôi rời Lộ Đức, tự mình lên xe lửa và ngồi đàng hoàng. 
 
    Kể từ đó, tôi giống như tất cả mọi người, với một cuộc sống bình thường, tìm lại được sự hoà nhập các khả năng thể lý của mình, nhưng… luôn luôn ở trong tình trạng tàn phế (trên nguyên tắc)! Tôi phải cảm tạ Chúa suốt cả cuộc đời của tôi”. 
 
    Được kiểm tra và được giám định bởi nhiều bác sĩ trong 12 năm, cuối cùng Jean-Pierre Bély đã được chính thức nhìn nhận là người nhận được ơn lạ thứ 66 tại Lộ Đức, ngày 11/2/1999.

    2.  Có còn phép lạ nữa hay không?  
 
    “Trong phép lạ, có đủ ánh sáng cho những người muốn tin, và có đủ bóng tối cho những người không muốn tin!” 
Blaise PASCAL  
 
    - Trước tiên xin ông đưa ra cho chúng tôi những thí dụ về phép lạ. 
 
    - Đồng ý. Tôi sẽ nói đến những phép lạ mà tôi biết rõ nhất, những phép lạ ở Lộ Đức. 
 
    - Vẫn còn có những phép lạ ở Lộ Đức sao? 
 
    - Chắc chắn rồi, lúc nào cũng có. 
 
    - Thực ra, đây có phải là những câu chuyện huyền diệu hay không? 
 
    - Tùy anh. Có thể đây là những câu chuyện huyền diệu nhất. 
 
    - Giống như trong các câu chuyện chăng? 
 
    - Không, không giống như trong các câu chuyện, bởi vì đây là những câu chuyện thật, các sự kiện mà các câu chuyện này kể lại đều thực tế. Người ta không thường nghe những điều huyền diệu của lịch sử con người. Nói chung, trên báo chí, phát thanh hoặc truyền hình, người ta nói nhiều nhất đến những điều trong cuộc sống vốn không có gì là huyền diệu… Bởi vì cái đẹp, cái tốt, cái thiện không xảy ra cách ầm ĩ. Bạn biết không, như trong Vị Hoàng tử Bé: “Điều quan trọng thì con mắt không thấy được”. Như thế đấy. Thông thường người ta chỉ nắm bắt được điều gì gây ồn ào, chiếu sáng, nổi bật mà thôi. “Một khu rừng đang mọc lên tạo ra ít tiếng động hơn một cái cây đang ngã xuống”. Cho nên, theo định nghĩa, phép lạ là những câu chuyện kỳ lạ”. Để thấy được những phép lạ, cần phải biết cảm phục nữa! 
 
    - Nếu điều đó là đúng, một lần nữa, xin ông hãy trưng dẫn những thí dụ… 
 
    - Tôi sẽ đi ngược lại thời gian. Tôi lấy trường hợp thứ nhất xảy ra cho Jeanne Frétel, người mà tôi biết rõ vì tôi đã cùng với chị mừng 50 năm khỏi bệnh. 
 
    “Một lần nọ…” Như thế được chưa? Đó là vào năm 1948: Jeanne, một cô gái trẻ 18 tuổi, mắc một chứng bệnh không thể chữa được. Bệnh này ngày nay hiếm thấy ở Tây phương, nhưng lúc đó bệnh này thật sự gây chết người, trước khi khám phá những loại kháng sinh hiệu quả: bệnh lao. Người ta đã phải gỉai phẫu cho cô ba lần vì các biến chứng xảy ra, và bệnh nhân tội nghiệp này đau đớn kinh khủng. Cô rất gầy vì không ăn uống không còn ngon miệng nữa, ói ra gần như tất cả những thứ cô cố gắng ăn vào, phải nằm lì trên giường và bị sốt cao cũng như được chích nhiều mũi mocfin trong ngày để làm dịu những cơn đau. Anh thấy toàn cảnh như thế đấy! 
 
    - Cô ấy bị lên án bởi y khoa thời đó. 
 
    - Vâng. Phải tự đặt mình vào bối cảnh của thời đại, giống như mọi nghiên cứu lịch sử xứng với danh hiệu của mình. Sau đó cô được đưa đến Lộ Đức hành hương, trong tình trạng đáng buồn này, dở sống dở chết. 
 
    Hai ngày đầu tiên rất cực nhọc. Ngày thứ ba, ngày 8/10, trong khi cô nằm trên băng ca tham dự thánh lễ dành cho các bệnh nhân, vị linh mục ngần ngại cho cô rước lễ trong tình trạng cô không có ý thức này. Cuối cùng, ngài đưa một mảnh bánh thánh vào miệng cô. Và ngay lúc đó, Jeanne tìm lại được sự sống! Vẫn nằm trên băng ca, người ta đưa chị đến hang động nơi Bernadette đã nhìn thấy Đức nữ trinh Maria. Tại đây, chị tìm lại được sự tỉnh táo hoàn toàn, tuyên bố mình không còn cảm thấy đau nữa, không còn buồn nôn, nhưng trái lại, cảm thấy rất đói! Người ta đưa cô về lại bệnh viện tại đây, trước sự kinh ngạc của mọi người, cô đứng dậy khỏi giường, bước đi, xin thức ăn và… bắt đầu ăn ngấu nghiến. 
 
    Ngày hôm sau, cô được dẫn đến Văn phòng y khoa để được khám nghiệm. Cô tỏ ra ở trong tình trạng khỏe mạnh, các dấu hiệu bệnh tật biến mất. Trở về nhà, cô không còn sốt nữa, không còn cần những mũi chích mocfin mà người ta ngưng đột ngột khi cô không còn cảm thấy khó chịu, một điều chưa từng thấy. Và cô tăng trọng đến 14 ký trong vòng vài tuần lễ ăn bù! Cô đã sống thêm được hơn 50 năm rồi, không ít chứ, phải không? 
 
    - Ông có thể kể cho chúng tôi những cuộc khỏi bệnh khác không? 
 
    - Chọn cuộc khỏi bệnh nào đây? Tất cả các cuộc khỏi bệnh đều tuyệt vời cả! Nào, tôi sẽ kể cho anh cuộc khỏi bệnh đầu tiên ở Lộ đức được nhìn nhận là phép lạ. Vụ này rất âm thầm. 
 
    Đó là một phụ nữ trẻ 38 tuổi, Catherine Latapie, mẹ của bốn người con (trong đó hai đã chết khi còn trẻ, như thường xảy ra vào thời kỳ này), đang mang thai đứa con thứ năm. Hai năm trước, chị Catherine tội nghiệp bị té xuống từ một cây sồi sau khi leo lên hái trái sồi cho heo, làm sai khớp vai phải. Không được chữa trị, điều này dẫn đến – rất thông thường – đau nhức dây thần kinh trụ đi qua gần khớp xương, làm tê liệt mãi mãi cánh tay, bàn tay và các ngón tay, nhất là làm bất lợi cho một phụ nữ nông thôn, vào thời kỳ chưa có máy móc cơ giới. 
 
    Thế rồi trong đêm chủ nhật 28/2 rạng ngày 1/3/1858, Catherine thức dậy và cảm thấy mạnh mẽ cần phải tới ngay hang động Massabielle, cách làng từ sáu đến bảy cây số. Chị không do dự gì cả, đánh thức hai con dậy, và lên đường đi Lộ Đức ngay trong đêm, anh nên nhớ là họ đi bộ. 
 
    Vào sáng sớm ngày 1/3 đó, lúc trời còn tối, Catherine đã đến hang động. Chị được thúc đẩy đến gần nguồn nước do Bernadette khám phá ba ngày trước đó, lúc bấy giờ chỉ là một tia nước nhỏ đục ngầu. Chị ngâm bàn tay bệnh tật vào trong nước, và ngay lập tức, trước sự kinh ngạc của chị, chị có thể sử dụng lại được toàn bộ cánh tay của mình! Đồng thời, những cơn đau đầu tiên của việc sinh nở bắt đầu được chị cảm nhận, và chị còn đủ thời gian vội vàng trở về nhà trong ngày, kịp cho ra đời một cậu bé được đặt tên là Jean-Baptiste. 
 
    Người ta hiểu rằng chị có nhiều bận bịu lo lắng khác hơn là kể lại ngay câu chuyện của chị, nhưng người ta không thể lầm về ngày tháng chính xác của biến cố này, được ghi chép trong sổ sách dân sự. 
 
    - Ông có những câu chuyện khác giống như câu chuyện này hay không? 
 
    - Anh có biết trong tàng thư của Văn phòng y khoa, nơi đã có mặt từ 120 năm nay, có từ sáu đến bảy ngàn cuộc khỏi bệnh đã được đăng ký hay không? Những cuộc khỏi bệnh các bệnh nhân muốn công bố, chắc chắn rồi. Điều này muốn nói rằng còn có nhiều cuộc khỏi bệnh khác nữa. 
 
    - Tất cả đều là phép lạ sao? 
 
    - Chắc chắn là không: trong số đó, cho tới nay chỉ có 66 cuộc khỏi bệnh được nhìn nhận là phép lạ, tức chưa tới 1%. Tôi sẽ giải thích cho anh tại sao. Trước hết, điều tôi muốn, chính là làm cho anh đi vào bên trong phép lạ để anh không chỉ đứng ở ngoài như là một khán giả. 

    “Một hiện tượng trái với những dự kiến của kinh nghiệm y khoa”      Bs P.Theillier  
 
    Tháng 3/1976, trong một làng nhỏ ở phía đông đảo Sicile, dưới chân núi Etna, cô bé Delizia Cirolli, 11 tuổi rưỡi, bắt đầu than đau ở đầu gối phải hiện đang sưng lên. Ban đầu, người ta không chú ý gì cả, nhưng cuối cùng, đứng trước tình trạng viêm ngày càng gia tăng và sau nhiều lần chụp X-quang, Delizia được nhập viện ở Catane từ ngày 30/4 đến 17/5, khi chẩn đoán nghi ngờ khối u ác tính được đặt ra nhờ sinh thiết phẫu thuật đầu xương chày chân phải. 
 
    Đứng trước tình trạng viêm nặng và tiên lượng hết sức trầm trọng, các bác sĩ khuyên cưa chân của Delizia. Cha mẹ em từ chối và muốn đưa em về nhà trong môi trường thân quen của em, được những người thân bao quanh. 
 
    Các cư dân trong làng, vốn biết em rất rõ, không thể không làm gì cả. Rất sùng đạo, họ quyết định góp tiền để mẹ của Delizia dẫn em đến Lộ Đức. Họ đi hành hương từ ngày 5-13/8. Tại đây, Delizia tỏ ra rất hi vọng, cảm thấy cần phải đến hang động Lộ Đức đều đặn, tham dự tất cả các lễ nghi, tắm trong các hồ bơi. Thoạt tiên, dường như không có gì xảy ra cả, nếu không nói là em trở về Sicile trong tình trạng kiệt sức… 
 
    Trở về nhà, những cơn đau đầu gối gia tăng đến độ làm cho Delizia bước đi ngày càng khó khăn, rồi không thể đi lại được nữa. Cuối tháng 11, tình trạng sức khỏe của em trở nên tồi tệ, đến độ mẹ em nghĩ đến việc chuẩn bị hậu sự. Không có cách chữa nào lại không được dùng thử, nhưng cư dân trong làng không thất vọng, tiếp tục cầu nguyện cho em được lành bệnh, và mẹ em đều đặn cho em uống nước mang về từ nguồn nước ở hang động Lộ Đức. 
 
    Gần đến Noel, dường như những ngày cuối đời của Delizia đang đến gần, thì một buổi sáng nọ, khi thức giấc, cô bé bất ngờ nói với mẹ rằng em muốn bước xuống giường và … đi ra ngoài. Cả nhà hết sức kinh ngạc khi thấy em đứng dậy, bước ra đường mà không cảm thấy đau đớn gì. Trong một sáng một chiều, chỗ sưng nơi đầu gối giảm bớt và dần dần biến mất, trong khi Delizia tìm lại được khẩu vị và lên cân, từ 22-34 ký trong một thời gian ngắn. Thậm chí em nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, và đi học lại ngay dịp tựu trường tháng giêng đó. 
 
    Những lần chụp X-quang mới được thực hiện ngày 10/5/1977 cho thấy lưới xương đã hồi phục, và sau đó tiếp tục hồi phục đến mức bình thường. 
 
    Tháng 7/1977, Delizia cùng mẹ trở lại Lộ Đức để tạ ơn, và mẹ em quyết định thông báo việc lành bệnh này cho các bác sĩ thuộc Văn phòng y khoa. Về phương diện lâm sàng, việc khám nghiệm cho thấy Delizia đã bình thường. Chỉ có một biến dạng dư căn nhỏ nơi trục của chi dưới; những khám nghiệm X-quang trước và sau khi lành bệnh cho thấy có sự cải thiện hoàn toàn bất ngờ của tổn thương xương trước đó. 
 
    Được khám nghiệm một lần nữa ngày 28/7/1980, Delizia luôn luôn ở trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn, với một sự tăng trưởng và phát triển bình thường và hài hòa đối với lứa tuổi của cô. Sau nhiều lần kiểm tra khác nhau, biết rằng chẩn đoán và tiên lượng bệnh không thể nghi ngờ gì và không có liệu pháp đặc biệt nào được nói đến để tạo thuận lợi cho việc trở lại trạng thái sức khỏe bình thường này, người ta quyết định đặt cuộc khỏi bệnh này “trong những điều kiện nó đã xảy ra và tồn tại, như một hiện tượng trái ngược với những quan sát và những tiên lượng của kinh nghiệm y khoa, và không thể giải thích được về mặt khoa học”. 
 
    Trong khoá họp ngày 26/11/1982, Uỷ ban y khoa quốc tế Lộ Đức, cuộc kiểm tra thứ hai các cuộc khỏi bệnh ở Lộ Đức, bao gồm các chuyên gia, đánh giá cuộc khỏi bệnh này là chắc chắn và không giải thích được, và chuyển hồ sơ đến đức tổng giám mục giáo phận quê sinh của em Delizia, thẩm quyền duy nhất có thể tuyên bố theo giáo luật chính thức. 
 
    Cuối cùng, một cuộc điều tra theo giáo luật, tỉ mỉ và nhẫn nại, bắt đầu ngày 28/6/1989, nhằm tuyên bố long trọng tính chất lạ lùng của cuộc khỏi bệnh này và giá trị dấu chỉ của nó. 
 
    Trong khi đó, như Delizia hi vọng, cô đã được phẫu thuật, năm 1988, dư căn đầu gối quay ra ngoài. Cô đã lập gia đình hai năm trước đó, sau khi đã đậu bằng y tá quốc gia năm 1985. Rất sùng đạo kể từ thời gian đó, Delizia tháp tùng các xe lửa chở bệnh nhân đến Lộ Đức, và luôn luôn âm thầm làm chứng cho ơn huệ mà cô đã nhận được. 
 
    Delizia Cirolli là người được ơn lạ thứ 65 ở Lộ Đức.

 
    3. Có gì đàng sau các phép lạ hay không?  
 
    “Thiên Chúa khao khát tình yêu của chúng ta đến độ Ngài phải làm cho chúng ta lưu ý bằng cách làm các phép lạ”.   JEAN-EUDES  
 
    - Đi sâu vào phép lạ, chính là đi tìm cái gì ở đàng sau phép lạ, nguồn gốc của một sự kiện gây kinh ngạc, lạ lùng, bí ẩn. Ở đây tôi không nói đến những phép lạ chữa lành, đặc biệt được nghiên cứu ở Lộ Đức. Việc chữa lành thân xác là một sự kiện, một hiện tượng. Hiện tượng là một cái gì đó có thể thấy được, sờ mó được, như một việc chữa lành ngay lập tức. Một hiện tượng bất kỳ đều được định nghĩa như là một sự gặp gỡ giữa một sự kiện, một nhận thức nhạy cảm (việc chữa lành), với ý nghĩa người ta gán cho nó. Do đó người ta phải hình dung mối quan hệ giữa một sự kiện và một ý nghĩa. Người ta không thể tách rời hai từ này. Anh có nghe tôi không? 
 
    - Có, xin ông tiếp tục! 
 
    - Trong trường hợp một cuộc lành bệnh bất ngờ, gây ngạc nhiên, tuyệt diệu, chúng ta đúng là đứng trước vấn đề nan giải này. Cần thiết phải lưu ý đến chính sự kiện, tức là việc lành bệnh, mà việc người được chữa lành giải thích. Điều này rất quan trọng: một người được chữa lành bất ngờ có thể giữ kín việc mình được chữa lành. Chấm hết. Người ấy cũng có thể nghĩ rằng phải nói ra điều đó: người ấy là người duy nhất quyết định nói ra hay không. Tại Lộ Đức, Văn phòng y khoa chỉ phụ trách những cuộc lành bệnh do những người được chữa lành hoặc những người chung quanh họ tự ý tuyên bố. Người ta bắt đầu từ những lời của bệnh nhân là người tin rằng mình đã được hưởng ơn lạ lành bệnh. Bệnh nhân là người duy nhất – hoặc những người ở chung quanh nếu bệnh nhân không có ý thức, bị hôn mê hoặc quá trẻ – mới có thể nói ra điều đó. 
 
    - Bắt đầu từ đây, điều gì sẽ xảy ra? 
 
    - Người ta bắt đầu một cuộc điều tra kết hợp dựa trên hai bình diện: bình diện y khoa, nhắm đánh giá thực tại cuộc lành bệnh này và việc không giải thích được về mặt khoa học – đây không phải là điều chủ yếu của câu chuyện của chúng ta ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến điều này sau này - , và một bình diện khác, khác hẳn, sẽ trả lời cho câu hỏi này: có cái gì đàng sau hiện tượng này hay không? Chính người được hưởng lợi là người trước tiên mang lại ý nghĩa cho biến cố này. 
 
    Thực vậy, điều gây ngạc nhiêu phát xuất từ điều người này biết và cảm thấy rằng mình đã được chữa lành vào một giây lát chính xác, trái với những người có thể hưởng lợi điều mà người ta gọi trong y khoa là một sự “thuyên giảm tự nhiên” và không được cảm thấy gì hết. Trong các cuộc lành bệnh ở Lộ đức, luôn luôn chính đương sự biết mình được chữa lành vào một thời điểm đã cho; người ấy cảm nhận điều đó rất rõ và có thể làm chứng cho điều đó. Cho nên, đương sự đặt ra vấn đề muốn biết đâu là nguyên nhân việc mình được chữa lành. 
 
    - Phải, chắc chắn rồi, vì đương sự là tín đồ, vì đương sự đã đến Lộ Đức, cho nên người ấy tin có một nguyên nhân siêu nhiên, có sự can thiệp đặc biệt của Chúa đối với người ấy. 
 
    - Tại sao không? Và vì anh rất khôn khoan, Damien ạ, anh hãy giải thích cho tôi biết điều gì có thể là nguyên nhân của phép lạ hay không? 
 
    - Ai nói với ông là những cuộc lành bệnh kỳ diệu không phải do một sức mạnh thần kỳ? 
 
    - Đây là một câu hỏi quan trọng. Chúng ta hãy xem xét câu hỏi này. Anh nói đến “sự thần kỳ”. Đây không phải là những phù thủy, những nhà ảo thuật làm những màn trình diễn, anh đang nói đến những sức mạnh thần kỳ siêu nhiên. 
 
    - Chắc chắn rồi. 
 
    - Những niềm tin vào những cuộc lành bệnh xảy ra do sự can thiệp của một sức mạnh thần kỳ, huyền bí, lúc nào cũng có. Ngay từ thời các vua pharaon (anh còn nhớ các nhà phép thuật trong quyển Ông hoàng xứ Ai Cập). Và ngày nay, các quyền lực huyền bí vẫn còn được cầu khẩn, hơn bao giờ hết. Thậm chí người ta có thể nói rằng người ta đang chứng kiến sự trở lại của sức mạnh ma thuật, kỳ bí, mê tín. Chẳng phải nhờ thời đại chúng ta, trong đó mọi thứ thuộc lãnh vực vô hình và không giải thích được đã bị xã hội siêu duy lý, siêu duy vật quét sạch chăng? Cho nên, chúng ta bị xâm chiếm bởi mọi thứ tôn giáo biến đổi được đặt tên là: duy linh, chiêm tinh, đông phương học, thuật bói bài, phép thuật v.v…, những môn đó, anh hãy chắc chắn là có một vài môn, có thể rất nguy hại! 
 
    - Đó không phải là thiền sao? 
 
    - Không hẳn như vậy… Trước tiên có một nguy cơ lớn đó là vô tư để cho cái mớ bòng bong bí hiểm này lôi cuốn: người ta đặt một ngón tay vào đó, kết quả là cả bàn chân và bàn tay đều bị trói buộc! Hơn nữa, các sức mạnh làm chủ các môn này đều mơ hồ, bí mật, cắt đứt với những người sử dụng chúng về thực tại và những thứ khác, và có nguy cơ dẫn chúng đến những lầm lạc, tha hóa và hành xác. Phải luôn luôn xét đoán cây qua trái của nó! Bạn thấy các giáo phái dựa trên các sức mạnh huyền bí này… 
 
    - Còn những ơn huệ tự nhiên thì sao… 
 
    - Có ơn huệ tự nhiên. Còn phải phân biệt giữa các ơn huệ tự nhiên được sử dụng một cách nhưng không nhờ lòng thương xót đơn thuần này với các ơn huệ mà những người chữa trị tự cho mình là có thế lực và tự phụ và là những người nhanh chóng cho mình là những vị thầy tinh thần! 
 
    - Ông nghĩ sao về sức mạnh tâm thần? 
 
    - Tôi không quên sức mạnh này. Phải xem xét sức mạnh này cách khách quan. Chính tâm thần hành động khá mạnh trên thể xác: có thể là hiện tượng, chắc chắn rồi, nhưng thường xảy ra một cách tiêu cực, trong chiều hướng nó tạo ra những chứng bệnh thường không đẫn đến việc chữa lành thân thể. Tuy nhiên, cần phải xem xét lý luận này cách nghiêm túc. Đàng khác lý luận này không phải là mới, bởi vì một trong những người gièm pha phép lạ gay gắt nhất, giáo sư Charcot nổi tiếng của bệnh viện Salpêtrière ở Paris, đã ủng hộ lý luận này hồi cuối thế kỷ thứ XIX. Ngày nay, các tín đồ của giáo phái Thời Đại Mới có nói đến việc chữa lành nhờ tâm thần. Hai khái niệm này, được duy trì ở hai đầu thế kỷ và có cùng bản chất, phải được hình dung trong tương quan với bối cảnh trong đó việc lành bệnh xảy ra. 
 
    - Điều này muốn nói gì? 
 
    - Đó là một lần nữa phải luôn luôn liên hệ sự kiện lành bệnh với ý nghĩa được gán cho nó; bởi vì, tôi tự mình nhìn nhận điều này, không dễ nhận biết các giới hạn khả năng của tư tưởng, của việc gợi ý, của sự thôi miên, của từ tính và của tất cả các sức mạnh chữa lành có ảnh hưởng xấu là những thứ nở rộ hiện nay. Do đó việc phân biệt vừa y khoa vừa tinh thần là điều hết sức cần thiết. 

 
    “Tôi đã mở cánh cửa của hư vô”     Jean-Luc 
 
    “Tôi đã gặp khoa chiêm tinh khi tôi được 14 hoặc 15 tuổi. Lúc đó tôi đang hoàn toàn ở trong cuộc khủng hoảng thời thiếu niên. Một ngày kia, tôi tìm thấy một cuốn sách về khoa chiêm tinh tại nhà một người bạn: Không phải tôi đọc nhưng đúng hơn là ngốn ngấu cuốn sách đó! Càng lật các trang sách, tôi càng tin rằng tôi đã tìm thấy trong đó câu trả lời cho các câu hỏi của mình. Bản văn dường như hoàn toàn phù hợp với trường hợp của tôi! 
 
    Thực ra, khám phá đầu tiên này chỉ làm gia tăng lòng mong muốn đi xa hơn nữa của tôi. Trong khi đọc những mô tả về tính cách theo ký hiệu của hoàng đới, tôi biết rõ mình cũng như những người chung quanh tôi hơn. Dần dần, việc đối chiếu với khoa chiêm tinh trở thành như một phản xạ. 
 
    Khi dấn sâu vào việc thực hành này, người ta dường như phát triển những khả năng bói toán. Thật là vui: người ta có thể làm kinh ngạc những người khác. Người ta có cảm tưởng mình có một ơn lạ nào đó. Sau vài tháng, tôi đoán ký hiệu hoàng đới cho những người tôi gặp. Dần dần, tôi đạt đến những kết quả ngày càng chính xác hơn. Dù vậy, song song với điều đó, người ta ngày càng ít để ý đến tôi: khi bói ký hiệu của họ, tôi nghĩ mình biết rõ họ là ai! Điều này làm cho tôi ngày càng buồn hơn. 
 
    Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu khoa chiêm tinh Trung Quốc. Tôi thử tìm hiểu tương lai của mình nhờ trò chơi bói toán. Trong một tháng ròng rã thực hành khoa này mỗi ngày, tôi vẫn có cùng một câu trả lời: tôi sắp gặp một người chị em. Thực tế tôi đã làm quen một cô gái trẻ sau đó một thời gian ngắn! 
 
    Cuộc gặp gỡ của chúng tôi tiến triển nhanh như chớp: chúng tôi tiến rất nhanh, rất xa. Vài tuần sau, chúng tôi đã sống với nhau. Nhưng tôi không luôn luôn hạnh phúc. Càng đi sâu vào trong mối quan hệ này, tôi càng ít có an bình trong tâm hồn. Tôi cảm thấy mình không thực sự yêu cô gái, cảm thấy mình đóng vai để không mất cô ấy, để không rơi lại vào trong sự cô đơn. Cho nên tôi đã hoàn toàn dấn sâu vào khoa chiêm tinh. Đó là con đường duy nhất dường như mở ra trước mắt tôi. Tôi mua nhiều sách, nhiều phần mềm vi tính. Ngân khoản dành cho việc học của tôi tan biến như bơ trước ánh nắng mặt trời…Tôi thiết lập những đề tài về chiêm tinh, tôi nghiên cứu chúng rất kỹ, đối chiếu các kết quả. Tất cả đều khớp nhau: chúng tôi thực sự được tạo ra cho nhau! Tôi tin điều đó. Chiêm tinh học không phải là một khoa học hay sao? 
 
    Sau sáu hoặc tám tuần miệt mài nghiên cứu, tôi quyết định theo những gì các đề tài chiêm tinh chỉ ra cho tôi: mặc dù mối quan hệ của chúng tôi ngày càng khó sống, nhưng nó đã là một phần của số phận của chúng tôi rồi. Cùng lúc đó những nỗi buồn, những sự sợ hãi, thậm chí những mối khiếp sợ ngày càng lớn lên trong tôi. Khi tôi dự kiến mối quan hệ của chúng tôi trong tương lai, tôi lo sợ thật sự. 
 
    Dần dần, tôi bắt đầu cầu nguyện. Đối với tôi, thực tế không có gì mâu thuẫn giữa đức tin và việc thực hành khoa chiêm tinh. Tôi lý luận: Chúa đã tạo ra các ngôi sao; các ngôi sao là những bức xạ; các bức xạ điện từ tác động trên tính cách của chúng ta. Bởi vì tôi sinh ra vào một ngày nọ, nên Chúa đã muốn tôi phải chịu những ảnh hưởng đó. Trong vòng vài tuần, tôi đã đến nhà thờ cầu nguyện suốt những buổi chiều để xin Chúa hợp thức hóa chọn lựa của tôi. Và càng cầu nguyện, tôi lại càng ít bình an hơn. Tôi như bị giằng co ở bên trong. 
 
    Càng nhiều ray rứt bên trong, tôi càng ghét cô gái trẻ ấy, hầu như xem nàng là một con quỷ! Tôi nghĩ cô lôi kéo tôi đi đến chỗ thất bại. Nàng cũng thực hành chiêm tinh và, nhờ đó, hiểu rõ những tư tưởng của tôi. Điều này làm tôi không thể chịu đựng nổi, tôi cảm thấy như mình bị mắc bẫy, bị bủa vây. Dù sao thì mối quan hệ của chúng tôi cũng kéo dài được năm năm. Đó là một hỏa ngục thực sự. 
 
    Tôi cảm thấy hoàn toàn bị xâu xé. Điều này lại càng nhấn chìm tôi trong nỗi tuyệt vọng. Trong khi mở lòng ra cho khoa chiêm tinh, tôi đã mở cửa vào thế giới hư vô mà không biết. Và hư vô có lẽ là thứ đáng sợ nhất. Càng “tự làm cho mình đầy hư vô”, người ta càng tìm kiếm một lối thoát, bởi vì họ đau khổ kinh khủng. Khoa chiêm tinh dẫn đến nhiều “niềm tin” khác: Thời đại Mới, sự hóa kiếp … Người ta không còn ngạc nhiên gì cả và tự xây dụng cho mình một thuyết hỗn hợp thông thái. Sau đó người ta bắt đầu cảm thấy sợ hãi: họ tin vào những sức mạnh không thể kiểm soát được của Vũ trụ và cuối cùng họ sống trong sự chờ đợi một thảm họa không thể tránh được. 
 
    Khi hoàn tất việc học, tôi tìm được ngay lập tức một công việc để làm. Trong một trạng thái suy sụp bên trong như thế, tôi không thể hòa mình vào thế giới công việc và tôi trở lại thất nghiệp sau sáu tháng. 
 
    Không có phương tiện để sinh sống, tôi không còn có thể cáng đáng cuộc sống của một tổ ấm nữa. Do đó chúng tôi chia tay nhau. Ít lâu sau, cô gái trẻ đó đã gặp một người đàn ông khác. Tất cả những gì tôi đã muốn xây dựng nay sụp đổ trước mắt tôi như một thứ gì rất mong manh. 
 
    Tôi quyết định đi gặp một đạo sĩ để yểm cô bạn cũ: tôi muốn tác động tất cả các sức mạnh mà tôi cảm thấy đang ở trong tình trạng tiềm tàng trong khoa chiêm tinh! Tôi cũng đó có xu hướng rất mạnh muốn tự tử. 
 
    Khi trở về nhà cha mẹ, tôi gọi điện thoại cho anh tôi. Anh là một tín đồ Kitô có niềm tin vững chắc, nhưng tôi đã xem anh như là một tín đồ cực đoan. Dù sao, ngày hôm đó, tôi đã bị thôi thúc gọi điện cho anh. Anh đã đón tiếp tôi tại nhà anh. Trong bốn tiếng đồng hồ, tôi kể lại cho anh nghe cuộc sống và những bất hạnh của tôi. Khi tôi kể xong, anh chỉ nói với tôi một câu:”Em thử đến với Chúa Giêsu xem sao”. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy trong lòng tất cả tình yêu thương của Chúa đối với tôi và song song đó là tất cả những gì xấu tôi đã làm. Cảm giác đó vừa rất dịu dàng vừa rất mạnh. Tôi đã khóc nhiều tiếng đồng hồ và cảm thấy hết sức cần phải đi xưng tội. Tội lỗi của tôi đối với tôi là không thể chịu đựng nổi. Ngay sau đó, tôi đã đốt tất cả các sách về chiêm tinh của tôi. Nhìn lại quá khứ, tôi hết sức sợ hãi: tôi hiểu mình đã đặt chân vào đâu. 
 
    Đức trinh nữ Maria đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Trong một cuộc tĩnh tâm, Người làm cho tôi hiểu tôi đã là nạn nhân của “nhà đại ảo thuật”đến độ nào. Tôi cảm thấy tất cả sự dại dột và tất cả sự hão huyền của những thực hành này: thực vậy, hão huyền biết bao khi cho rằng có thể tự mình điều khiểu cuộc đời của mình mà không có Chúa! Do đó, ý chí và tinh thần của tôi phải được điều chỉnh lại hoàn toàn. Điều này cần phải có thời gian. 
 
    Tôi cũng đã được chữa lành không còn những nỗi sợ hãi nữa: khi chúng ta hiến mình cho Chúa Giêsu, quỷ Satan không có quyền lực gì trên chúng ta. Mỗi lần nỗi sợ hãi xâm chiếm tôi, tôi thầm nói:”Đây không phải là cuộc chiến đấu của tôi”. Kể từ giây phút đó, tôi tìm lại được an bình. 
 
    Trong thời gian đó, tôi hiểu rằng gia đình tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho tôi. Anh tôi, mặc dù có một cuộc sống nghề nghiệp rất bó buộc, nhưng ngày nào anh cũng lần một tràng hat, thậm chí một chuỗi môi khôi cho tôi. Và vào thời kỳ tôi đau khổ nhất, bà tôi đã nói với các anh em bà con: “Chúng ta sẽ làm cho Jean-Luc hồi sinh nhờ kinh nguyện của chúng ta”. Đó đúng là điều đã xảy ra!”  

 
    4. Có thể dung hòa khoa học và đức tin hay không? 
 
    “Phép lạ (đích thực) không phải không hòa hợp với những “định luật” của thiên nhiên, thứ bộc lộ cách đơn giản những gì đã được quyết định (có tính cách thống kê) của các hiện tượng đã được tự động hóa. Trái lại, phép lạ thực hiện, có sự gián đoạn, ơn gọi cơ bản nhất của vũ trụ đó là diễn tả Thiên Chúa, bằng cách để lộ ra “ánh sáng của khuôn mặt của ngài” và qua đó gợi ra một trật tự của vũ trụ là nơi người ta chuyển một thứ gì đó sang một người nào đó”. 
    Maurice ZUNDEL 
 
    - Đứng trước một cuộc lành bệnh gây kinh ngạc, người ta tìm hiểu nguyên nhân, có thể nói như thế, bằng cách xem xét đồng thời hai khía cạnh của cùng một thực tế: sự kiện bất thường và ý nghĩa. Sự kiện bất thừơng, chính là hiện tượng chữa lành, điều được xác định là một cái gì đó hoàn toàn bất ngờ đối với các tiên liệu y khoa; ý nghĩa là thứ trước tiên được nhận ra bởi người được hưởng việc lành bệnh này, làm cho người đó tin có sự can thiệp của một sức mạnh tinh thần cao siêu. 
 
    Ở Lộ Đức, với tư cách là bác sĩ thường trực, nhiệm vụ đầu tiên của tôi là đánh giá thực tại độc đáo này, không thể tách biệt được, vừa về mặt y khoa vừa về mặt tinh thần. 
 
    - Tôi không hiểu làm sao ông có thể hòa hợp hai… 
 
    - Dù sao, tôi có thể làm điều đó, và đó là điều rất hấp dẫn, với điều kiện không hòa lẫn tất cả. Phương pháp khoa học tuân thủ các định luật chính xác; trước tiên là tinh thần, thứ thuộc về một lãnh vực khác, phải được tôn trọng và việc xem xét về mặt khoa học không thể sáp nhập hoặc che giấu. Như thường lệ, cần phải phân biệt để kết hợp cách tốt hơn, nhưng chắc chắn không đối kháng chúng. 
 
    Với tư cách là bác sĩ và là nhà khoa học, tôi khẳng định với Giáo hội: không có gì có thể tạo thuận lợi hơn cho tôn giáo bằng việc tìm kiếm sự thật mà khoa học đang theo đuổi. Càng đi sâu vào tạo vật và các định luật của nó, chúng ta càng hiểu Đấng Sáng tạo và những mầu nhiệm của ngài. Tôi luôn luôn rụng rời nhận thấy rằng trong tâm hồn rất nhiều người đức tin và khoa học là hai kẻ thù không thể hòa giải được. Không: tôn giáo không biến mất khi khoa học thực hiện dần dần các khám phá. Trái lại, các sự vật càng được giải thích về mặt khoa học, chúng càng kêu gọi có sự chiêm ngưỡng về mặt tôn giáo. “Một ít hiểu biết làm xa rời Thiên Chúa, nhiều hiểu biết làm đến gần Thiên Chúa”, Pasteur vĩ đại đã nói. Anh biết không, tinh thần và vật chất hợp nhất với nhau nhiều hơn là người ta tưởng! 
 
    Tôi cũng phải nói rằng tôi không bị ảnh hưởng bởi xu hướng này là thực tâm tin rằng tất cả những gì được cho là “khoa học” đều có liên quan đến một sự thật không thể sai lầm và nhất thiết các khám phá y khoa đều tốt! Chúng ta đừng ngây thơ: khoa học – nhất là y khoa – tùy thuộc nhiều vào các ứng dụng kỹ thuật phát xuất từ đó và các thực tế kinh tế ở bên dưới nó! 
 
    - Thực tế, ông đánh giá như thế nào? 
 
    - Tôi xem xét cả hai lãnh vực khác nhau về kiến thức với các qui luật riêng: một bên là kiến thức khoa học, và bên kia là kiến thức đức tin. Thí dụ, đối với vấn đề tạo dựng thế giới, 
 
    Thánh kinh bắt đầu bằng câu nào? 
 
    - Đầu tiên, Thiên Chúa đã tạo ra trời và đất… 
 
    - Hoan hô, Aurélie! Còn khoa học, khoa học nói gì? 
 
    - Tất cả đều phát xuất từ một vụ nổ lớn đầu tiên làm cho vũ trụ giãn nở ra. 
 
    - Đó là khoa học nói. Có gì mâu thuẫn hay không? Tôi không tin có mâu thuẫn. Thánh kinh không phải là một tạp chí khoa học. Thánh kinh là một cuốn sách được linh ứng và là cuốn không tìm cách đưa ra giải thích duy lý về các sự vật, nhưng đặt ra nền tảng và ý nghĩa. Còn khoa học giải đáp câu hỏi sự vật là như thế nào và câu hỏi này dựa trên cái có thể kiểm chứng được. Chẳng hạn, nó tìm cách giải thích giây phút đầu tiên của thế giới, cách thức thế giới có thể đã xuất hiện. Về vấn đề này, nó chỉ sử dụng một phương pháp quan sát vi mô và vĩ mô, bằng cách sử dụng các lý luận theo lý trí nhờ một chuỗi kinh nghiệm và phân tích một “dữ kiện” có thể đổi mới về mặt thực nghiệm. 
 
    Nhưng điều này không ngăn cản đức tin tìm kiếm cái tại sao của chính các sự vật, bằng cách trước tiên dựa trên chính Lời Chúa, dựa trên Mạc khải. Sự phân biệt lớn, ngày nay được mọi người nhìn nhận, sự phân biệt chứ không phải là sự tách biệt. 
 
    - Dù sao đây cũng là hai điều khác nhau. 
 
    - Phải, nhưng chúng không đối kháng nhau. Trái lại: phát biểu khoa học là phát biểu về quan hệ nhân quả (một hiện tượng được một qui luật giải thích), và phát biểu đức tin là phát biểu về tính mục đích (mọi hiện tượng đều có một ý nghĩa). Chắc chắn, khoa học và đức tin không hòa hợp nhau trong lịch sử. Tôi rất hi vọng rằng các bạn sẽ chứng kiến, trong thế kỷ đã bắt đầu này, sự hòa hợp giữa khoa học và đức tin. Việc không phân biệt rạch ròi có nguy cơ làm chúng ta rơi vào trong một khoa học sai lạc và một tôn giáo sai lạc do lẫn lộn các loại. Việc tách biệt hai thứ đó gây ra quá nhiều câu hỏi mà khoa học cố gắng trả lời trong khi các câu hỏi đó là sức bật cho niềm tin tôn giáo. Trên nguyên tắc không có xung khắc nào giữa lãnh vực thế nào và lãnh vực tại sao. Đồng ý không? 
 
    - Cuối cùng, khoa học và đức tin là hai con đường rõ rệt tiến đến chân lý. 
 
    - Chính xác, Benjamin. Chân lý vượt lên trên thực tại đơn giản. Chính đức cố giáo hoàng Gioan Phaolo II đã có câu nói rất hay này, trong tông thư Fides et ratio của ngài: "Khoa học và đức tin là hai cái cánh cho phép linh hồn con người bay lên chiêm ngưỡng Chân lý". Khoa học hiện diện khắp mọi nơi đến độ dường như đức tin dựa trên đó là điều bình thường! Đó là điều hoàn toàn không tưởng. Có thể có sự lộn xộn, lẫn lộn, là điều không giúp ích gì cho khoa học lẫn đức tin. Cần phải nói ngay, điều này không có nghĩa là việc nghiên cứu tôn giáo loại bỏ mọi suy lý kiểu khoa học, trái lại là đàng khác! Cũng chính với lý trí mà con người tin, và đức tin cũng dựa vào các qui luật rất sắc bén. 
 
    Đàng khác, không hiếm khi thấy các nhà khoa học rất phi lý về lãnh vực tôn giáo đôi khi tự cho phép xét đoán về đức tin trong khi họ không biết gì về tôn giáo, hoặc những người khác nữa nghĩ rằng đức tin trước tiên là một sự gắn bó với các tín điều ở bên ngoài, thứ không đụng chạm gì đến trí khôn và càng ít đụng chạm hơn đối với sự hiện hữu của chúng ta. 
 
    - Nhưng khoa học là bất biến! 
 
    - Không hẳn thế. Anh có thể thấy nhiều môn khoa học đang tiến triển không ngừng: thái độ khoa học tiến bộ nhất không còn đưa ra các ”kết luận” và nói đó là tuyệt đối, phổ quát và dứt khoát nữa, nhưng có tính cách tương đối, tạm thời và có thể thay đổi. 
 
    - Ngay cả trong trong y khoa sao? 
 
    - Nhất là trong y khoa! Một đàng, đây không phải là một khoa học chính xác, và đàng khác, nó luôn luôn nói với mỗi người họ là gì, với tất cả nhân tính của họ.

 
    “Chúng tôi tin rằng chúng tôi phải chia sẻ việc lành bệnh này”      Bs P. Theillier 
 
    Tôi vừa nhận việc tại Văn phòng y khoa thì một nhà báo Canada hỏi tôi đã có những cuộc lành bệnh nơi những người Canada hay chưa. Tôi tìm kiếm trong các tài liệu lưu trữ bằng cách ngược dòng thời gian, và dừng lại ở một tuyên bố năm 1993 đến từ một người Canada làm chứng cho cuộc lành bệnh của cô con gái Roxanne của ông, hiện ở Canada. Sau đây là tóm tắt biến cố này: 
 
    Roxanne sinh tại Vancouver, trên bờ biển Thái Bình Dương của Canada, ngày 20/5/1989. 
 
    Lúc được bốn tháng tuổi, bé được một bác sĩ nhi khoa khám và phát hiện bé mắc bệnh điếc bẩm sinh, hoàn toàn. Do đó bé được theo dõi trong một trung tâm đặc biệt. 
    Năm 1993, ông bà của bé ở cách Vancouver 700 km về phía bắc, quyết định đi hành hương Lộ Đức để xin Đức mẹ chữa lành cho bé. Cuộc hành trình rất gian nan, cần đáp bảy chuyến máy bay khác nhau. 
 
    Trong lúc họ ở tại Đền thánh, cầu nguyện cho Roxanne được lành bệnh, thì mẹ của bé ở cách đó 6.000 km nhận thấy bé giật mình khi có tiếng động! Buổi tối, bà điện thoại cho bố và ông nói biến cố này xảy ra đúng lúc ông đi vào trong bể tắm ở Lộ Đức. Ngày hôm sau, bà dẫn Roxanne đến trung tâm điếc: các chuyên gia xác nhận thính giác của bé rất tốt! 
 
    Để làm rõ sự việc, tôi viết thư ngay lập tức cho mẹ của Roxanne để hỏi bà về các tin tức liên quan, năm năm sau cuộc lành bệnh. Bà trả lời tôi bằng bức thư ngày 19/8/1998: 
 
    “Bác sĩ Theillier thân mến, 
 
    và tôi rất vui cho phép ông phổ biến câu chuyện lành bệnh điếc của bé. 
 
    Roxanne nay được chín tuổi. Đó là một cô bé vui tính. Cháu rất thích âm nhạc và thổi tiêu ở trường. Cháu hát ở khắp mọi nơi: ở nhà thờ, ngay cả khi chơi một mình trong phòng. Roxanne rất đạo hạnh, cũng như các anh của bé là Patrick, Jean-Louis và Alexandre. Các con tôi rất sẵn lòng và rất vui khi nói với tất cả những ai muốn nghe (thậm chí những người không tin câu chuyện) rằng Roxanne là một cô bé được ơn lạ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải chia sẻ việc lành bệnh này, với những người tin lẫn những người không tin. 
 
    Chúng tôi cám ơn bác sĩ về cơ hội chia sẻ phép lạ này”. 
 
    Cuộc khỏi bệnh này chưa trở thành đối tượng cho một cuộc nghiên cứu sâu xa. Do đó nó không được xếp vào loại “phép lạ Lộ Đức”. Cũng thế đối với tất cả những cuộc lành bệnh khác được đề cập đến kể từ bây giờ trong cuốn sách này, để các bạn sẽ không chỉ dừng lại ở các phép lạ chính thức mà thôi, nghĩa là các phép lạ có liên quan đến việc chữa lành thể lý. Như chúng ta sẽ thấy, các cuộc lành bệnh này chỉ dùng để và trước tiên là nhắc nhớ, khám phá hoặc xác nhận tất cả các “phép lạ thông thường” không được ghi vào danh mục.

 
    5. Thiên Chúa nào? 
 

    “Tất cả các tôn giáo đều là những con đường qua đó con người tìm kiếm Thiên Chúa. Có nhiều con đường. Mạc khải Kitô giáo là duy nhất, bởi vì chính thiên Chúa là đấng tìm kiếm con người”. 
    Paul EVDOKIMOV 
 
    - Sau khi đã lược qua những gì ở đàng sau phép lạ, đây là một định nghĩa cổ điển về phép lạ, điều không thể nghi ngờ theo thành kiến, định nghĩa của Petit Robert: đó là một “sự kiện lạ thường trong đó người ta tin là đã nhận ra sự can thiệp đầy nhân từ của Chúa và gán cho nó một ý nghĩa tinh thần”. Bạn thấy là phép lạ không chỉ được hình dung bằng những từ ngữ tôn giáo mà thôi. Chúng ta cùng đào sâu khái niệm này nhé. 
 
    - Bạn đã biết rằng có nhiều tôn giáo, bởi vì một cách nào đó con người là một “động vật có tôn giáo”, nghĩa là con người ý thức mình có tính hay chết, sẽ phải chết đi một ngày nào đó; cũng vậy con người cần tìm kiếm một ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình trên trái đất, đặt câu hỏi về một thế giới bên kia cái chết, một thế giới bên kia những gì con người có thể nhận biết với các giới hạn của mình. Do đó, điều đặc trưng của con người là luôn luôn muốn vượt qua các giới hạn tự nhiên này: trước tiên là trong thời gian (từ đó phát xuất việc thờ người chết, những mộ phần đánh dấu sự sống con người, việc tìm kiếm nguồn gốc của con người); và, gần đây hơn, trong không gian, có cái gì trong thế giới vô tận, đầy thiên thể, mà người ta biết là đang giãn nở này?) Và rồi, con người cũng luôn luôn muốn tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Tại sao người ta chỉ sống trên trái đất này một số năm mà thôi? Không có gì sau đó hay sao? Và, ở bên trên chúng ta, có một hoặc nhiều thần linh vượt lên trên không gian và thời gian hay không? Bạn chẳng bao giờ đặt ra các câu hỏi này hay sao? 
 
    - có chứ! 
 
    - là điều bình thường: chúng ta không thể thấy cái vô hình, nhưng dĩ nhiên, chúng ta tìm kiếm phía bên kia những giác quan hạn hẹp của chúng ta. Không cần phải già rồi mới đặt ra những câu hỏi như thế! Tôi cho rằng ngay cả những người trẻ nhất, các em bé, cũng cảm thấy nhờ trực giác rằng có một thế giới khác vượt lên trên chúng ta, bởi vì chúng chưa bị trí óc chế ngự như chúng ta. 
 
    Do đó, con người không luôn luôn tự cho mình một tôn giáo mà thôi. Bạn biết rằng người La Mã có các thần của họ (Neptune, Venus…), người Pháp cổ cũng thế (“Par Toutatis!”), người Hi Lạp (Aphrodite, Orphée…) v.v…. Bạn đã nghe nói về điều đó rồi. Bạn cũng biết rằng có nhiều tôn giáo, như Aán giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Tôi nhắc bạn nhớ ba tôn giáo lớn tin một Thiên Chúa duy nhất mà người ta gọi là các tôn giáo độc thần (tiếng Hi Lạp mono, một, và theos, thần): Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, đều đặt nền tảng trên Abraham, tổ phụ của các tín đồ. 
 
    Từ đó, điều có vẻ quan trọng, đó là trước tiên bạn hiểu và nắm những cách tiếp cận khác nhau hiện tượng lạ lùng để dần dần xác định phép lạ là gì, bởi vì thực tế phép lạ trước hết tuỳ thuộc vào quan niệm chúng ta có đối với hành động của Thiên Chúa trong vũ trụ. 
 
    Thứ nhất, có những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có nhiều người như thế, nhất là trong xã hội giàu có dư thừa của chúng ta. Người ta phân biệt những người vô thần, tức những kẻ chối bỏ tất cả thần linh, với những người bất khả tri, ngày nay cũng nhiều hơn, là những kẻ không đặt vấn đề về Thiên Chúa hoặc nghĩ rằng vấn đề đó không có câu trả lời. Đối với họ, rõ ràng thôi, phép lạ là điều không thể có. Điều này rất hợp lý, và trái lại, trong tinh thần phổ biến của phàm nhân, điều này chứng tỏ phép lạ chỉ được hình dung trong tương quan với Thiên Chúa, như chúng ta đã nhấn mạnh trước đây. Anh có theo kịp không? 
 
    - Vâng, vâng. 
 
    - Thứ hai, người ta có thể tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa hoàn toàn ở bên ngoài vũ trụ của chúng ta: tại sao ma quỷ đến can thiệp vào cuộc sống của con người, hoàn toàn độc lập, bằng những điều được cho là phép lạ? Quan niệm này chắc chắn rất thường xảy ra nơi các tín hữu hiện nay trong nền văn minh bị tục hóa của chúng ta. 
 
    - “Tục hoá” có nghĩa là gì? 
 
    - Tôi muốn nói về những tín hữu bị chìm đắm biết bao trong các sự vật thế giới, của trần tục (từ đó có tĩnh từ “tục hoá”) mà họ chỉ giữ lại một đức tin về mặt xã hội mà thôi (nhận được khi sinh ra) và cuối cùng không còn tin vào những điều siêu nhiên nữa, tức những điều liên quan đến các thực tại vô hình. Chính như thế mà người ta đánh mất ý nghĩa của cái thánh thiêng, trái với người Đông phương hoặc người Phi châu, chẳng hạn. Và chúng ta hãy nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều ít nhiều bị ảnh hưởng của nó, bị điều kiện hóa cách kinh khủng như chúng ta hiện tại: chúng ta tin nhất vào sức mạnh của chúng ra, vào những bảo hiểm, vào tài khoản ngân hàng, vào tất cả những gì đến từ trần tục, từ thế giới, những thứ có thể sờ mó được! Cuối cùng, nhiều người trong chúng ta hi vọng rằng có một Thiên Chúa là “người thợ đồng hồ vĩ đại” ở trên cao, đấng sáng tạo Trời và Đất, nhưng ngài hoàn toàn không quan tâm đến những gì có thể xảy đến với chúng ta, ngoại trừ để – một ngày kia – phán xét từ tòa án của ngài trên trời cao… Anh có thích hình dung Thiên Chúa như thế này không? 
 
    - Ồ không, không tí nào! 
 
    - Tôi không bắt anh nói lên điều đó đâu, Julien! Thật không may, một lần nữa, đó là ý tưởng mà người ta thường gán cho Thiên Chúa nhất, và thật đáng tiếc! Chúng ta hãy nhìn nhận rằng có một sự thiếu sót nếu duy trì quan niệm này về Thiên Chúa. Điều này có liên quan đến việc giải thích rất tệ theo đó Thiên Chúa chỉ hiện hữu để bắt nạt, làm tội chúng ta mà thôi. Đó là một sự sai lạc (người ta gọi đó là thuyết khắc khổ – jansénisme) là thuyết truyền qua không ít thế hệ và gây ra nhiều tổn hại. Từ đó đặc biệt phát xuất việc loại trừ Kitô giáo, tự nó có thể hiểu được, nhưng cuối cùng không hợp lý và rất đáng bàn cãi. Dù sao, tôi nói rõ: tôn giáo đó, thần học sai lạc đó, có lý do để bị loại bỏ. 
 
    - Và trong các tôn giáo khác thì sao? 
 
    - Phần lớn các tôn giáo may mắn giữ được ý nghĩa của cái thiêng liêng. Cho nên Hồi giáo: toàn thể thế giới, trong đó có con người, trực tiếp và ngay lập tức được đặt dưới hành động của Allah (Thiên Chúa của Hồi giáo), đấng điều khiển theo điều tốt và theo điều xấu kẻ nào ngài muốn và theo ý của ngài. Người Hồi giáo có nhiều thứ để dạy chúng ta, những người tây phương vốn tin rằng mình là những người mạnh nhất, về ý nghĩa của Thiên Chúa “siêu việt”: đấng Tạo hóa, đấng Tuyệt đối, đấng Khác, đấng Khác biệt, đấng Vĩnh cửu. Nhưng nếu một Thiên Chúa như thế có thể làm bất cứ hành động nào trong vũ trụ và trong cuộc sống của con người thì ngài hoàn toàn, triệt để xa cách con người. 
 
    - Đối với người Kitô hữu, điều đó không giống vậy sao? 
 
    - Không: trong Kitô giáo, Thiên Chúa không hoàn toàn ở bên ngoài vũ trụ, như người ta thường muốn như thế. Thiên Chúa không phải là cụ già râu tóc bạc phơ ở trên trời quan sát chúng ta như ngài quan sát những con kiến nối đuôi nhau trên mặt đất. Ngài cũng không phải là một Thiên Chúa toàn năng mà quyền lực tuyệt đối của ngài tùy thuộc vào các định luật của thiên nhiên. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa tình yêu, đấng có sáng kiến yêu thương chúng ta. Con người được Thiên Chúa yêu thương: đó là điều thay đổi viễn cảnh của chúng ta. Và vị Thiên Chúa này sẽ làm tất cả để bộc lộ cho chúng ta tình yêu của ngài đối với chúng ta, đặc biệt nhờ các dấu hiệu.

    “Ngươi hãy làm những công việc của ta, ta sẽ làm những công việc của con”      Bs P. Theillier 
 
    Các cuộc lành bệnh nhờ phép lạ nhiều hơn là người ta tưởng! Cho nên, để phong thánh một người nào đó, Giáo hội xin Thiên Chúa một dấu hiệu, một phép lạ xảy ra để xác nhận ý định của ngài. Và giáo hoàng Gioan Phaolo II đã phong nhiều thánh nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài so với thời gian trước đó của giáo hội. Một thí dụ: việc phong thánh Edith Stein. 
 
    Xuất thân từ một gia đình Do thái, con út trong số 11 người con, Edith Stein ra đời tại Đức ngày 12/10/1891, ngày lễ Yom Kippour, tức ngày ăn chay đền tội của Israel. Sau một thời kỳ nghi ngờ, lúc 30 tuổi, chị xin được rửa tội và trở thành nữ tu dòng kín ở Cologne với tên là xơ Têrêxa-Bênêđictô Thánh giá. 
 
    Bị Đức quốc xã bắt, chị bị đưa đến trại tập trung và chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9/8/1942. 
 
    Cuộc lành bệnh lạ lùng cần cho việc phong thánh chị xảy ra ngày 20/3/1987. Hôm đó, cha Emmanuel Charles McCarthy, linh mục Công giáo nghi thức Byzantin, và vợ là Mary trở về nhà ở Brockton, bang Massachusetts, Mỹ. Họ vừa tham dự một cuộc tĩnh tâm, lần vắng nhà đầu tiên kể từ khi sinh đứa con thứ 11, Benedicta, hai tuổi rưỡi. Họ giao phó các con nhỏ nhất cho các anh chị lớn hơn trông nom (con đầu 19 tuổi). Nhưng khi họ trở về, những nguời con lớn báo cho biết em gái đã bị lên cơn co giật và đã được đưa gấp vào bệnh viện. Không ai còn biết tin gì thêm… 
 
    Người ta có thể tưởng tượng hai ông bà lo lắng như thế nào. Họ cấp tốc đến bệnh viện trong lúc bệnh viện mới tìm ra nguyên nhân chứng bệnh: cô bé đã vớ được một vỉ thuốc giảm đau và nuốt một lượng thuốc gấp 16 lần liều có thể gây chết người. Do đó Benedicta được cấp tốc chuyển đển bệnh viện Boston cách đó 50 km, nơi một chuyên gia vể dạ dày-ruột trẻ em, bác sĩ Ronald Kleinman, cố gắng cứu sống em. Tiên liệu bệnh rất dè dặt: hai quả thận không còn hoặt động nữa và đứa bé mắc chứng gan to gấp năm lần kích thước bình thường. Việc ghép gan là cần thiết, nhưng trước mắt không có người hiến gan nào cả! 
 
    Đó là ngày chủ nhật. Trên nguyên tắc, cha McCarthy phải đi máy bay đến Bắc Dakota để thuyết giảng. Và nếu ông về quá trễ thì sao? Cách đây một năm, Mary đã chứng kiến đứa con thứ 13 chết khi sinh ra. Oâng có thể để vợ ở một mình bên giường của Benedicta được không? Trở về từ bệnh viện, trong khi khẩn cầu Chúa giúp phân biệt thánh ý của ngài, McCarthy lật đúng đoạn văn trong sách của thánh Têrêxa Avila, Con đường trọn lành, trong đó Chúa Giêsu nói với nữ tu: “Con hãy lo những việc của ta, còn ta sẽ lo những việc của con”. Gánh nặng liền vơi đi. Lúc 11g30, máy bay cất cánh từ Boston. Trong khi đều đặn nắm tin tức về cô con gái, ông biết rằng tiên lượng bệnh rất xấu, thậm chí trường hợp ghép gan vẫn được mong đợi. 
 
    Cùng ngày hôm đó, người mẹ điện thoại cho chị là Terêxa ở bang Wisconsin để thông báo sự cố kinh khủng bà mới gặp. “Phải cầu xin Edith Stein cứu con bé !”, dì của Benedicta nói ngay như thế. Cô bé sinh ngày 9/8/1984, trùng vào ngày giỗ của người nữ tu dòng kín. Cha McCarthy chỉ mới khám phá ra điều này cách đây một năm mà thôi. Rất phấn khởi, ông đã kể lại điều đó với những người ông gặp. 
 
    “Ý tưởng cầu khấn Edith Stein đến với tôi cách tự phát, giống như một bước đi rõ ràng vậy”, dì của Benedicta thú nhận sau này. Trong khi nắm lấy lời khuyên của chị như một sự linh hứng của Chúa Thánh thần, Mary gọi hàng chục cuộc điện thoại đi khắp nơi. Cha mẹ, bạn bè, những người tham dự những cuộc tĩnh tâm trước đây với chồng chị đều được gọi đến. “Hãy xin Edith Stein cầu khẩn Chúa Giêsu chữa lành cho con gái tôi”, Mary nài van họ. Một đường dây cầu nguyện hình thành. 
 
    Chiều thứ ba, cha của Benedicta, sau khi đã giảng tĩnh tâm, lấy máy bay về nhà. Cùng lúc đó, tại Boston, các bác sĩ nhận thấy có sự thuyên giảm bất ngờ không thể hiểu được đối với tình trạng của cô bé đang hấp hối. Em đã tỉnh lại sau một cơn hôn mê. Không có di chứng nào cả! Người ta giữ cô bé lại mấy ngày để theo dõi, nhưng chức năng thận và gan đã trở lại bình thường, phải giải quyết cho bé về nhà . Ngày nay, sức khỏe của em rất tốt. 
 
    “Phép lạ sẽ không phải là đối tượng cho một cuộc phỏng vấn nào”, cha McCarthy nói như thế. Nhưng vợ ông thuyết phục ông rằng sự can thiệp của Edith Stein đáng được tất cả mọi người biết đến. 
 
    Bác sĩ Ronald Kleinman, người theo dõi cô bé Benedicta ở bệnh viện Boston đã chấp nhận, mặc dù là người Do thái, tham gia cuộc điều tra phong thánh, trường hợp của cô bé “làm ông hết sức kinh ngạc”. Thậm chí ông còn đến Roma hồi tháng 6/1996 để giải thích các sự kiện cho các bác sĩ tại Văn phòng y khoa Vatican nữa. 
    Nhờ phép lạ này, Edith Stein đã được đức giáo hoàng Gioan Phaolo II phong thánh tại Roma năm 1998.  

    6. Phép lạ: những dấu hiệu của Chúa 
 

    “Phép lạ chỉ thực sự lạ lùng với cái nhìn của những người đã chín chắn để nhận biết hành động của Chúa trong các biến cố thường ngày nhất!” 
    Maurice BLONDEL 
 
    - Ông nói về những dấu hiệu. Đó là những dấu hiệu nào? 
 
    - Tất cả những loại dấu hiệu. Có nhiều dấu hiệu Chúa làm cho chúng ta. Chúng ta phải tìm cách để nhìn thấy chúng. Có ai có thể đưa ra cho tôi một vài thí dụ hay không” 
 
    - Irène, khi cháu ôm hôn tôi, đó là dấu hiệu… 
 
    - … cháu yêu thương ông. 
 
    - Chính xác. Đó là một dấu hiệu tình cảm. Nếu cháu trề môi ra… 
 
    - Đó là dấu hiệu cháu không bằng lòng. 
 
    - Cháu đã hiểu. Và khi cháu thấy tôi tròn mắt lên thì cháu làm gì? 
 
    - Cháu tập trung chú ý. 
 
    - Cháu có lý! 
 
    - Cũng có thể có nghĩa là coi thường! 
 
    - Thêm một điểm tốt cho cả hai, bởi vì, thực ra một dấu hiệu chỉ ra điều nói đến tự do của chúng ta: người ta có thể coi trọng hoặc trái lại từ chối, không quan tâm. Đó là cái riêng của dấu hiệu đó là để chúng ta tự do trả lời theo ý mình. Cho nên Chúa cũng vậy, chưa ai từng thấy ngài. Chính Chúa là vô hình. Tất cả các bạn đều đồng ý điều đó. Không giống như chúng ta, ngài không bộc lộ mình ra! Ngài ẩn giấu để làm những điều to tát hơn. Và điều đầu tiên ngài làm, chính là công cuộc sáng tạo. Chỉ mình ngài là đấng Sáng tạo đích thực. Còn chúng ta, chúng ta chỉ tạo ra từ một thứ gì đó đã có. Ngài, ngài sáng tạo từ hư không, một cách bí mật. 
 
    - Một cách bí mật sao? 
 
    - Phải, không được biết đến. Thiên Chúa không tạo ra thế gới một lần một trước khi rút lui vào bầu trời của ngài. Không! Ngài luôn luôn sáng tạo. Thiên Chúa là đấng Sáng tạo-Đang sáng tạo. Ngài duy trì thế giới. Ngài nắm thế giới trong tay, ngài giữ vững chúng ta mỗi giây phút. Không ngài, chúng ta sẽ không tồn tại. Đó là phép lạ trong các phép lạ, phép lạ mà người ta không thấy! Sự hiện diện của Chúa trong tạo vật là một phép lạ thường xuyên. Thực tế, cái siêu nhiên không chứa đựng trong cái tự nhiên như một khả năng có thể được đấng Sáng tạo dự kiến hay không? Tôi nghĩ rằng đừng nên nhanh chóng đối kháng cái tự nhiên và cái siêu nhiên: Chẳng phải Đấng hoạt động trong các phép lạ và trong những điều kỳ diệu của sự Sáng tạo là một Đống mà thôi hay sao? 
 
    - Thí dụ? 
 
    - Được. Mặt trời lên vào mỗi ngày theo giờ đã định, cháu không thấy đó như là một phép lạ, mặc dù thiên văn có thể giải thích điều đó một cách khoa học, hay sao? Giống như tất cả các điều kỳ diệu mà cuối cùng người ta không còn thấy là kỳ diệu nữa do đã quen, bắt đầu bằng sự kỳ diệu của cơ thể khỏe mạnh của chúng ta, có thể tự chữa lành một vết thương. Làm sao người ta có thể gọi đây là một phép lạ thường xuyên được? 
 
    - Phép lạ của sự sống! Hoan hô, Clotilde! Đó là một thảm kịch lớn khi không còn xem sự sống như là không thể đụng chạm đến được, thánh thiêng. Phép lạ của sự sống là một phép lạ mà chúng ta khó thấy đến độ nó rất tự nhiên, nhưng chúng ta phải, qua dòng thời gian, nhìn thẳng vào nó và đánh giá lại đúng giá trị của nó. Trước tiên phải có một sự cạnh tranh các cơ hội nóng bỏng, lạ lùng, để sự sống xuất hiện cách đây hàng triệu năm. Đàng khác người ta phân tích một cách khoa học sự sống đến thành phần vô cùng nhỏ, những thứ một ngày kia sẽ có thể nói chính sự sống là gì hay không? Bạn không tin rằng viêc mang thai là phép lạ sao? Người phụ nữ mang một đứa bé trong người không phải làm vì cả… Thai phụ chỉ có việc tập trung sao cho đứa con của mình tự phát triển… Trong thánh kinh, phép lạ đầu tiên, đó là sự đều đặn. Đồng ý không? Chúng ta đừng tìm điều kỳ diệu nơi nó không có, nhưng trước tiên chúng ta hãy nhận ra nó trong đời sống hằng ngày, trong tất cả những dấu hiệu của sự chú ý đều đặn của Chúa đối với chúng ta. Và sau đó, có trong đời sống chúng ta một phép lạ thường xuyên khác phép lạ sự sống… Không ai thấy sao? Sự Quan phòng, điều này có nói với các bạn chuyện gì không? 
 
    - Không nhiều lắm… 
 
    - Được. Quan phòng có nghĩa là “chăm lo”. Thiên Chúa chăm lo mỗi giây phút những người chấp nhận sống một sự thân mật con thảo với Ngài, tin tưởng vào Ngài. Nhưng sự Quan phòng của Chúa tùy theo mức độ sự tin tưởng phó thác của chúng ta. Nếu đối với tôi Thiên Chúa là một đấng xa xôi, nếu tôi chỉ cậy vào – hoặc trước hết là vào tôi mà thôi – vào sức riêng của tôi, thì Ngài sẽ không can thiệp vào cuộc đời của tôi, bởi vì Ngài luôn luôn tôn trọng tự do của tôi. Tôi đã nói với các bạn rằng: một người Kitô đã rửa tội chỉ gắn bó với kinh Tin kính chắc chắn có đức tin, nhưng là một đức tin-sự tin tưởng nằm ở ngoài cuộc đời, trong đó các phép lạ không được ưa thích, không thể xảy ra. 
 
    - Ông thực sự tin tưởng Thiên Chúa lúc nào cũng quan tâm đến chúng ta hay sao? 
 
    - Tin tuyệt đối. Tất cả chúng ta đều muốn được hưởng các phép lạ, phải không nào? Francois, anh có chờ đợi, anh có hi vọng Thiên Chúa làm phép lạ cho anh hay không? Thật sự, ngài đang làm phép lạ đấy! Liên tục. Nhiều phép lạ xảy ra mà anh không biết, vượt ra khỏi ý thức của anh, bởi vì Thiên Chúa gìn giữ chúng ta, trong khi chúng ta thức hoặc ngủ. Vấn đề là chúng ta biết nhận ra các phép lạ đó! Phải tìm lại sự khâm phục (trong “admirer” (khâm phục) có “miracle” (phép lạ), phát xuất từ động từ Latinh miror, kinh ngạc), giống như các bậc đàn anh trong đức tin, những người Do thái, vốn duy trì thiên hướng tạ ơn vào mỗi giây phút, một thái độ tồn tại trong sự hiện diện của Thiên Chúa. 
 
    Việc nhận biết hành động thường xuyên của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta được diễn tả trong sự ca ngợi, cá nhân và cộng đoàn, thái độ hướng về và đổi lấy tất cả, bằng chứng của niềm tín thác, làm cho Thiên Chúa ra tay hành động. Sự ngợi khen biết ơn của chúng ta giúp ngài hành động mà không ép buộc tự do của chúng ta gì hết. Ngài có thể can thiệp cách cụ thể trong dòng đời của mỗi người chúng ta. 
 
    - Tóm lại, ông nói rằng nếu chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa, thì ngài sẽ chăm lo cho chúng ta mỗi giây phút, một cách hoàn toàn, tốt hơn bất cứ người cha nào hay sao? 
 
    - Đúng vậy. Những ai hoàn toàn tự đặt mình vào vòng tay của Cha họ, đặt niềm hi vọng về mọi sự nơi ngài, sẽ nhận được những món quà tuyệt vời. Kinh thánh gọi họ là những anawim, những người nghèo của Chúa. Họ nhận được các “ân huệ”, các “điều kỳ diệu”, các “che chở”, được nhìn nhận như là đến từ Chúa-Trời. Đó là cái siêu nhiên đối với cái thường ngày. 
 
    - Thế là người ta không nói còn đến phép lạ sao? 
 
    - Không, nhưng khi người ta ở trong tình trạng tinh thần này, Thiên Chúa, nhờ Thần Khí, Thánh Linh, có thể, nếu đối với ngài là tốt, vượt lên trên diễn tiến bình thường của tự nhiên bằng một sự can thiệp siêu nhiên ở cấp độ phép lạ. Cuối cùng, đối với những người muốn thấy rõ điều đó, phép lạ xảy ra hằng ngày, trong mức độ, một cách chắc chắn, phép lạ là dấu hiệu về Tình Yêu của Thiên Chúa, dấu hiệu Thiên Chúa là bạn của con người, bằng chứng về một mối quan hệ yêu thương, riêng tư, của Thiên Chúa đối với con người. Tôi nhấn mạnh rằng việc nếu là người Kitô chỉ bao gồm việc tôn trọng luân lý và hoàn tất các nghi thức mà thôi – như đi lễ chẳng hạn – mà điều này không thay đổi gì cách sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta không nhận được tất cả những món qùa mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta, thì đức tin của chúng ta là vô ích.

 
    “Ước gì Ngài sai một người nào đó đến cứu tôi”      Ségolène 
 
    “Trong một chuyến du lịch đến Israel và tắm trong hồ Tibériade, mặc dù có những khuyến cáo, tôi vẫn một mình vừa bơi nhanh vừa hát, được bảo đảm do mặt hồ nước lặng, ra rất xa… quá xa. 
 
    Sau một hồi lâu, mặt nước bắt đầu nổi sóng, tôi bơi trở lại và ý thức về sự cô độc và không có khả năng phân biệt đâu là bờ, cảm thấy ngày càng bị một dòng nước đưa đi… Thế rồi tôi cảm nhận bằng chứng về tính dễ bị tổn thương của mình, sự mất ý thức và sự kiệt sức. 
 
    Tôi không thể làm gì hơn để cứu thoát mình được, và sự bám víu duy nhất và cuối cùng là … cầu nguyện. Do đó tôi bắt đầu chờ đợi bằng cách cầu nguyện trong khi nhìn đồng hồ đều đặn để không mất đi khái niệm thời gian và như thế không hoảng sợ, bởi vì người ta có thể mau chết vì hoảng sợ. Tôi nói với Chúa trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh và đưa ra một “hiệp ước” với ngài: nếu đó là ý ngài, tôi có thể chết bây giờ, lúc 23 tuổi, nhưng nếu tôi thực sự có một “vai trò” để đóng trên trái đất này, thì Ngài phái một người nào đó đến cứu tôi. 
 
    Sau đó khoảng 10 phút (tôi đảm bảo với bạn rằng trong những điều kiện này, 10 phút trôi qua rất lâu!), tôi nhận thấy hai người ở đàng xa và tôi gọi họ, nhưng vô ích. Lúc đó, tôi bắt đầu cầu nguyện để chuẩn bị chết! Tôi cảm thấy thực sự sắp phải ra đi. Chừng 5 phút sau, hai người kia đã đến và đã thấy, tôi không biết làm sao, dấu hiệu bàn tay vẫy vẫy của tôi. Đó là hai nguời bản địa, sau đó đã thú nhận với tôi rằng họ hiếm khi mạo hiểm xa đến thế vào giờ này, trong khi nói rõ nguy hiểm của mặt hồ có vẻ yên lặng đến thế. 
 
    Sau đó tôi nghĩ rằng mình đã ngấp nghé cái chết và tôi run lên vì sợ hãi, trong khi đó, ở trong nước, tôi gần như rất thanh thản, sẵn sáng chết và thậm chí “đồng ý” chết. Sự thanh thản đến từ Chúa, đấng tôi đã nói chuyện qua lời cầu nguỵên. Cũng vậy, từ đó nảy ra một sự ý thức về sức mạnh và tầm quan trọng của cầu nguyện trong cuộc sống của tôi. 
 
    Cần phải tin tưởng vào Chúa và đặt toàn bộ cuộc đời của chúng ta vào trong tay Ngài, bởi vì Ngài gần gũi chúng ta mỗi giây phút, Ngài là người hướng dẫn chúng ta: chính sự tin tưởng mù quáng này làm cho chúng ta thanh thản.Tôi cũng biết rằng bây giờ cuộc đời của tôi có một ý nghĩa nào đó; tất cả chúng ta đều có một vai trò để nắm, chúng ta phải sống một cách đầy đủ, và không còn sống lay lắt nữa. Cuộc sống này đã được trao ban, không phải chúng ta có mặt ở đây một cách ngẫu nhiên như tôi đã nghĩ, chúng ta có mặt ở đây vì chính chúng ta, nhưng để trao ban mình vì những người khác, để hiến thân mình và gắn bó với cuộc sống. 
 
    Hôm nay, tôi thực sự muốn sống và cảm thấy ở vào ngày hôm sau của cuộc phiêu lưu này, có thể nói là bị hoãn lại: mỗi ngày hoàn tất một điều gì đó cho cho thật tốt, với tình yêu; gặp gỡ mọi người cách đích thực. 
 
    Viễn cảnh này cũng đã giúp tôi không còn nhìn tương lai ”một cách cứng nhắc” và lo lắng nữa, như nhiều người trẻ, nhưng sống hiện tại cho tốt nhất theo khả năng của mình. 
    Tôi tin rằng Chúa đặt trên con đường của chúng ta những người mà chúng ta có thể giúp đỡ hoặc trái lại đến làm phong phú chúng ta, nhưng, dù sao, mỗi cuôc gặp gỡ đều đến từ Ngài và sẽ sinh hoa trái nếu chúng ta để cho mình được linh hứng, hướng dẫn. Hôm nay, tôi sẽ làm tất cả theo ý ngài; chỉ mình Thiên Chúa hướng dẫn cuộc dời của tôi, tôi hiến cho Ngài tất cả những gì tôi có và sẵn sàng phục vụ Ngài để Ngài có thể tỏa sáng qua tôi đến những người khác. 
 
    Thế thì, bạn đừng chờ đến lúc chết chìm mới tỉnh thức! Bạn hãy sống hết mình với Chúa Giêsu!” 

 
    7. Một Thiên Chúa gần gũi và yêu thương 
 

    “Phép lạ là những lỗ hổng, những cửa sổ mở ra, những dấu hiệu đi trước của sự hiện hữu tròn đầy mà Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta, một sự dự báo cuộc phục sinh của ngài”. 
    Jacques PERRIER 
 
    - Đức tin Kitô giáo, tôi đã nói điều này rồi, không chỉ là tin Thiên Chúa hiện hữu mà thôi, cũng không phải tin một Thiên Chúa ở ngoài cuộc sống của chúng ta. Thiên Chúa tự làm cho mình gần gũi: Ngài làm người. Ngài làm một em bé, được sinh ra trong máng cỏ: Thiên Chúa để cho mình được sinh ra bởi một người nữ! Bạn có lưu ý điều đó không? Tất cả thay đổi kể từ Phép lạ này với một chữ P viết hoa. Phép lạ làm chúng ta mừng trong suốt năm 2000, kỷ niệm sinh nhật của Đấng cứu thế, kỷ niệm sự nhập thể của ngài. Việc đức Kitô đến trong lịch sử của chúng ta cắt đứt với những tôn giáo phân biệt cái thánh thiêng với cái trần tục. Trong Kitô giáo, tất cả đều có tính cách tinh thần. Tất cả thế giới trần tục của chúng ta đều liên quan đến cái thánh thiêng. 
 
    Đối với chúng ta, bởi vì Thiên Chúa làm người, cho nên niềm tin vào Thiên Chúa có liên quan sâu xa đến niềm tin vào con người. Nếu các tôn giáo lớn có ý thức mạnh mẽ về Thiên Chúa, thì các tôn giáo đó lại thiếu ý thức về con người được Chúa Giêsu mang lại, đấng đánh dấu toàn bộ nền văn minh của chúng ta: mọi người đều được thánh hóa bởi vì Thiên chúa hiện diện nơi mọi người qua Chúa Giêsu: “Điều gì các con làm cho người nhỏ nhất trong số những người của thầy, đó là các con đã làm cho thầy”, ngài đã nói như thế. Hơn nữa, trong tất cả các tôn giáo, những điều kỳ diệu hoặc những cuộc lành bệnh bất ngờ có thể làm chứng cho sự thăng hoa của cái không thể nhận biết này. Chắc chắn rồi. Nhưng, trong niềm tin Kitô, Thiên Chúa sẽ thể hiện lòng yêu thương đối với mỗi một người trong chúng ta. 
 
    - Nhờ các phép lạ sao? 
 
    - Điều đó còn tùy… Tôi đã nói với các bạn: Người nào lắng nghe thì người đó mở lòng ra với các phép lạ. Sự toàn năng của Thiên Chúa chúng ta là sự toàn năng của tình yêu. Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta rằng Thiên Chúa của Kitô giáo cũng là Cha. Một người Cha yêu thương chúng ta thực sự và hành động một cách cụ thể trong lúc cuộc sống của chúng ta diễn ra. 
 
    - Đồng ý, nhưng thế thì, xin ông giải thích cho tôi tại sao một người Cha như thế lại không can thiệp bằng cách loại bỏ tất cả những điều khủng khiếp của thế giới… 
 
    - Câu hỏi hóc búa đấy, và tôi hiểu điều bạn đặt ra, Julien ạ. 
 
    - Tất cả những điều ông kể lại đều rất hay, nhưng luôn luôn tồn tại điều này là thế giới được làm ra khá tồi: có các cuộc chiến tranh, những người bất hạnh, những trẻ em bị bệnh, tàn phế, khuyết tật, và những người nàyvẫn còn tồn tại… Chúa Giêsu đã không chữa lành tất cả các bệnh nhân, và không phải tất cả các bệnh nhân đến Lộ Đức đều được chữa lành! 
 
    - Hoàn toàn đồng ý. Sự dữ là một điều tai tiếng to lớn, không thể dò thấu được, nổi loạn, người ta cảm thấy nhỏ bé trước nó! Để đề cập đến vấn đề sự dữ, thứ dường như luôn luôn nói lời cuối cùng, điều nghịch lý là chúng ta phải đào sâu Kitô giáo. Ồ! Tôi không nói với bạn rằng tôi có câu trả lời cho câu hỏi to lớn này. Không. Tôi chỉ có thể, trong khi ở trong khuôn khổ các phép lạ mà chúng ta đang bàn tới, mang lại cho bạn những con đường suy tư, mà đây là những con đường sẽ không giải quyết được tất cả, tôi ý thức điều đó. Tất cả chúng ta đều lúng túng trước sự dữ. Bạn nói Thiên chúa là người lúng túng đầu tiên chăng. Ngài là Tình yêu hoàn hảo, làm sao ngài là người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự dữ trong thế giới cơ chứ? 
 
    - Phải, nhưng ngài chỉ có việc ngăn cản nó mà thôi. 
 
    - Đúng ra vấn đề là Thiên Chúa không phải là một nhà độc tài ! 
 
    - Ngài là đấng toàn năng, đúng không? 
 
    - Sự toàn năng của ngài là một sự toàn năng về tình yêu. Và tình yêu luôn luôn tự do. Tình yêu luôn luôn thúc đẩy phải tha thứ người khác. Chắc chắn, thiên Chúa muốn có một thế giới hoàn hảo, không có sự dữ, không có tội lỗi, nhưng con người chỉ làm theo cái đầu của họ mà hôi…Thậm chí Thiên Chúa đi đến chỗ để cho chúng ta có vinh dự làm cho Ngài bị tổn thương, xúc phạm Ngài: đó là điều người ta gọi là tội lỗi. 
 
    - Thế thì Thiên Chúa làm gì? 
 
    - Ngài luôn luôn hi vọng – bởi vì Ngài là tình yêu, và tình yêu vô điều kiện – trái tim con người sẽ thay đổi, sẽ hoán cải. Và để thay đổi con người từ bên trong, và không phải từ bên ngoài (bằng một cái đũa thần…), Ngài đã sai phái xuống trên trái đất này, vào một thời điểm đã cho của lịch sử con người, Con trai của ngài sinh ra từ một người nữ. Ngài đã đến để điều tốt nơi mọi người có thể phát triển. Con người đã đóng cửa lòng lại đối với Đấng đã làm cho mình có tự do, nhờ tình yêu đơn thuần, và tự giam hãm ở bên trong sự từ chối và tội lỗi của mình. Thiên Chúa đã nhận cho mình tội lỗi của con người, tội lỗi của tất cả chúng ta, bằng cách chấp nhận chết trên thập giá một cách tự do vì chúng ta. Để cứu độ chúng ta. Trên thập giá, Thiên Chúa hoàn toàn bị tước vũ khí, bất lực, thua cuộc… Một cái nhìn duy nhất yêu thương nhìn lên thập giá có thể tạo ra sự hoán cải, chữa lành, an ủi. Thập giá là một phép lạ khác, phép lạ của Cha, sức mạnh lớn lao của Tình yêu ngài đối với chúng ta, dấu hiệu được dựng nên giữa Trời và Đất làm đảo lộn trật tự thế giới. 
 
    - Vâng, nhưng sau 20 thế kỷ, sự dữ vẫn còn tồn tại… 
 
    - Có lẽ thế, nhưng mọi sự không còn như trước: niềm ước muốn thoát ra khỏi sự dữ chuyển thành niềm hi vọng. Thập giá lạ lùng bộc lộ ra cho kẻ nào muốn biết rằng trật tự sâu xa và nguyên thủy của mọi sự không phải là trật tự hời hợt bên ngoài, rằng luật của kẻ mạnh không phải lúc nào cũng tốt nhất. Chính luật tình yêu là luật đích thực của thế giới. Và các phép lạ là biết bao dấu hiệu bộc lộ ra rằng thế giới con người chúng ta không bị đóng kín trong số phận của mình, trong sự dữ, trong sự chết. Các phép lạ chứng tỏ rằng những người bệnh, những nạn nhân, những người nghèo đã được quyết định thuộc về Nứơc Trời gắn liền với thập giá rồi. 

 
    “… cho rằng câu chuyện này là không thể giải thích được!”      Bs Michel Salefran 
 
    “Kể từ khi gặp nhau, tôi và vợ là Bénédicte lúc nào cũng tin tưởng vào Thánh Nữ Đồng trinh, một sự tin tưởng ngày càng gia tăng theo năm tháng, trong khi Chúa cũng đã ban cho chúng tôi những dấu hiệu kỳ lạ làm cho sự tín thác này ngày càng phát triển. 
 
    Sau đám cưới, chúng tôi đã đi du lịch ở Fatima. Không nói cho nhau biết, nhưng chúng tôi đã giao phó những đứa con tương lai của chúng tôi cho Mẹ Maria. Chúng tôi hi vọng có một gia đình đông người. Fatima đối với chúng tôi như là một nơi lý tưởng để thực hiện điều này vì đức Trinh nữ đã hiện ra với các trẻ em. Chính trong khi đi ra khỏi vương cung thánh đường, sau khi đã cầu nguyện trên mộ của những người đã chứng kiến đức Mẹ hiện ra, chúng tôi mới nói với nhau điều chúng tôi đã làm. 
 
    Cũng vậy, sau đó hai năm, khi Christophe, con trai đầu của chúng tôi, về với người mẹ trên trời vào ngày lễ đức Mẹ Fatima, 13/10, chúng tôi nhận thấy sự trùng hợp ngày tháng này như là một dấu chỉ giúp chúng tôi chấp nhận và dâng hiến. 
 
    Khá lâu sau khi đứa con thứ bảy chào đời, Francois-Régis, cháu mắc một chứng bệnh hiếm gặp, bệnh Sturge-Weber-Krabbe, có đặc tính là xuất hiện nhiều u mạch, nhất là trên mặt và trong hộp sọ. Nó cũng xuất hiện trên võng mạc (do đó cháu bị tăng nhãn áp bẩm sinh), trong tai trong nữa (do đó cháu bị chóng mặt), v.v… 
 
    Một buổi chiều tháng sáu, trong khi các con lớn ăn cơm, vợ tôi có điện thoại, và cuộc trò chuyện kéo dài rất lâu. Ngay khi vợ tôi đặt ống nghe xuống, tiếng chuông điện thoại lại reo lên. Đó là một người hàng xóm báo cho biết “có ai đó ở trong bồn tắm” vì có những đứa trẻ đang ở trong vườn nhà tôi. Bể tắm này bằng kim loại hình tròn cao gần một mét và có một cái thang nhỏ để leo vào. Buổi chiều, chúng tôi phủ một tấm vải bạt lên. 
 
    Do đó tôi chạy bổ ra và thấy con trai tôi đang nổi lơ lửng trong nước, cách mặt nước khoảng 50 cm, nằm dài, bât động, mặt hướng lên trên, hai cánh tay giang ra, hai mắt mở to, miệng cũng mở ra. Tôi chụp lấy cháu, vừa đưa cháu ra khỏi nước vừa la lên. Cháu lạnh ngắt, hai mắt giãn ra, không vòn thở nữa và tim cũng không còn đập nữa. (Đó là điều đầu tiên tôi kiểm tra, do tôi đã được đào tạo thành nhân viên cấp cứu). Rõ ràng là quá trễ để làm cho cháu hồi sinh. 
 
    Rồi, sau khi gọi vợ và các con lại qui tụ quanh tôi, tôi đặt Francois-Régis lên trên một cái bàn và nhìn cháu, bất lực, bât động do đau đớn. Người hàng xóm, một lính cứu hỏa, người đã hiểu tất cả khi gọi điện thoại, do không thể trực tiếp vào vườn chúng tôi được, cũng đã đến. 
 
    Lúc đó, con gái đầu của chúng tôi là Marie, 10 tuổi, nói:”Đức Mẹ đồng trinh đã cất Christophe rồi, Mẹ chưa thể lấy Francois của chúng ta nữa. Chúng ta phải cầu xin Mẹ”. Lời của cháu làm chúng tôi sáng mắt ra, đột nhiên mang lại niềm tin tưởng cho chúng tôi. Vợ tôi bảo các con cầu nguyện, với lòng tin chắc chắn rằng lời cầu xin của trẻ em có nhiều sức nặng hơn đối với Chúa. Còn tôi, lúc đó, bắt đầu làm những thao tác cấp cứu, miệng áp miệng và xoa bóp tim, với sự giúp đỡ của người hàng xóm. Thời gian trôi qua bao lâu? Thật khó mà đánh giá trong những giây phút đó… Nhưng theo người hàng xóm, đã một lát trôi qua khi ông thử gọi điện thoại và con gái ông đã thấy thảm cảnh còn sớm hơn (qua hàng dậu chung). Hơn nữa, tôi chỉ bắt đầu thao thác “hồi sinh” khá lâu sau khi đã đưa Francois ra khỏi nước… và cơ thể cháu đã lạnh rồi! Tôi nghĩ thời gian trôi qua ít nhất là mười phút… 
 
    Ngay từ những làn hơi đầu tiên được thổi vào phổi cháu, chúng tôi nhận thấy ngón út nơi bàn tay phải của cháu động đậy. Sau đó cháu ói ra những trái anh đào cháu đã lấy trong tủ lạnh ra để ăn… Điều này củng cố thêm niềm tin của chúng tôi và chúng tôi tiếp tục việc hồi sinh. Khi những người cấp cứu đến, do được gọi điện trước đó, Francois đã có thể tự thở một mình. Tuy nhiên, cháu giống như mọt cái cây không có mắt: cặp mắt của cháu cố định và vô hồn. Cháu không phản ứng lại tiếng nói và dường như vô cảm. 
 
    Do đó chúng tôi quyết định chuyển Francois đến dịch vụ hồi sinh của bệnh viện nhi đồng. Tôi lên cùng với cháu trên xe của lính cứu hỏa. Trong suốt chặng đường, cháu không còn hi vọng gì về mặt y khoa nữa. Trái lại, vợ tôi, lúc đó đi theo bằng xe nhà, sau đó nói rằng có một điều rất đặc biệt đến với bà: bà có cảm tưởng có Thánh nữ Đồng trinh ở bên cạnh bà. Người bắt đầu nói lớn tiếng với bà, rằng chính Người đã gìn giữ Con trai Người đến 33 tuổi, rằng Người không thể cho phép nỗi đau khổ này xảy ra cho một người mẹ v.v…, sau đó bà đọc kinh “Hãy nhớ” mà bà hầu như không bao giờ đọc trước đây. Kể từ lúc đó, mọi chuyện xảy ra nhanh chóng, đến độ khi tới bệnh viện, Francois đã đỡ hơn nhiều và các chức năng phần trên thân thể đã hoạt động trở lại. 
 
    Không hiểu điều gì thực sự đã xảy ra, các bác sĩ quyết định giữ cháu lại trong phòng hồi sinh suốt đêm. Các khám nghiệm đầu tiên không chứng minh gì cả: không có nước trong phổi, các loại khí trong máu bình thường, sinh học bình thừong… Sáng hôm sau, con trai chúng tôi đựơc chuyển sang dịch vụ y tế, tại đây các khám nghiệm bổ sung được thực hiện (EEG, chụp X-quang và các chẩn đoán khác): tất cả đều bình thường! Điều này càng nghịch lý hơn nữa đối với căn bệnh của cháu, cháu lẽ ra phải nhạy cảm hơn với chứng mô thiếu ôxy (thiếu ôxy trong máu). Ngày hôm sau chúng tôi nhâïn được một bức thư của giám đốc bệnh viện… cho rằng câu chuyện này không thể giải thích được! 
 
    Làm thế nào để cảm tạ Mẹ Maria vì sự kiện hết sức kỳ lạ này, nếu không phải là đi đến Lộ Đức? Đó là điều chúng tôi đã làm cùng với tất cả các con vào ngày chủ nhật sau đó… 
    Francois-Régis nay đã 18 tuổi và rất khỏe mạnh, thậm chí còn to cao nữa. Cháu không còn bị chóng mặt như trước. Chỉ có di chứng của bệnh tăng nhãn áp mà thôi”. 
 

 
    8. Các phép lạ trong Thánh kinh 
 

    “Có phép lạ khi một biến cố có giá trị cứu độ, khi đó là biến cố gặp gỡ, biến cố này chuyển sang ơn sủng…” 
    Henri DUMÉRY 
 
    - Tôi đã nói với bạn về hai loại” phép lạ thông thường”, người ta có thể nói trong quan đểm đức tin: những phép lạ của sự Sáng tạo và các phép lạ của sự Quan phòng; cũng có những phép lạ được Chúa làm trong lịch sử của dân thánh, dân Ngài đã chọn. Trong Cựu ước, chúng ta đã phát hiện nhiều can thiệp của Chúa là đấng mạc khải dần dần Ngài là ai. Ai có thể đưa ra cho tôi những thí dụ nào? 
 
    - Trình thuật vể Biển Đỏ… 
 
    - Chẳng hạn như thế. Có lẽ biến có này đã xảy ra như người ta trình bày trong điện ảnh, với biển rẽ ra làm hai; đó đúng hơn là một cơn thủy triều lạ lùng cho phép người Do thái băng qua biển, trái với quân đội của Pharaon: nhưng làm thế nào có thể đánh giá sự trùng hợp không chắc chắn này, nếu không như là một phép lạ? Cũng thế đối với ngôi sao Bêlem dẫn đường cho các đạo sĩ. Đây cũng cùng một ghi nhận rằng Chúa là chủ lịch sử. Sự trùng hợp là cách mà Chúa làm các phép lạ để chúng ta không biết! 
 
    - Hay lắm! 
 
    - Và bạn biết đó, Thánh kinh rất thực tế, chứng tỏ rõ ràng rằng không phải lúc nào cũng dễ để cho Chúa làm. Bạn hãy nhớ lại trong sách Sáng thế, cuốn sách đầu tiên của Thánh kinh, rằng điều mà người ta có thể xem như là phép lạ đầu tiên được đón tiếp bằng một cái cười đáng nhớ, nụ cười duy nhất trong Thánh kinh! Đó là nụ cười của bà Sara, cao tuổi đến độ bà bối rối khi nghe Chúa nói với chồng là Abraham, tổ phụ của các tín hữu, dưới cây sồi ở Mambré, rằng trong vòng một năm nữa bà sẽ có một đứa con trai… Điều đó thật lý thú, và rất đúng, đến nỗi trần thuật này đáng để được đọc lại (trong Sáng thế 18, 10-15): “10Người nói: "Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai." Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau.11 Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà.12 Bà Xa-ra cười thầm tự bảo: "Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão! "13 ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ra-ham: "Tại sao Xa-ra lại cười và nói: "Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?14 Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai."15 Bà Xa-ra chối và nói: "Con đâu có cười! " Vì bà sợ. Nhưng Người bảo: "Có, ngươi đã cười! "? […]” (Chúa không bằng lòng việc Sara chế nhạo, điều rất hợp lý, một lời loan báo như thế). “Với Thiên Chúa, nào có chi khó chăng? Theo đúng hạn, sang năm cũng dạo này ta trở lại đây Sara sẽ có con trai”. Sara chối và nói:”Tôi không cười”, bởi vì bà sợ khiếp đi được. Nhưng Ngài trả lời: “Đúng mà, ngươi cười đó“”. Bạn không thấy cuộc trao đổi này thú vị, như giữa một người cha và cô con gái của ông, hai nghìn năm trước Chúa Giêsu Kitô hay sao? 
 
    Hai mươi thế kỷ sau, Maria, không quen biết người đàn ông nào, thay vì chế nhạo, không ngần ngại hỏi sứ gỉa của Thiên Chúa, thiên thần Gabriel, vào ngày lễ Truyền tin, và tiếng xin vâng đẹp đẽ cho phép khai mở Giao ước Mới. Bạn thấy đó, chính Chúa có sáng kiến dẫn dắt nhân loại đến việc mạc khải Ngài là Thiên Chúa hay thương xót, bạn của con người, bởi vì con người ở xa, rất xa với ý tưởng này. Con người cần phải có thời gian, thời gian của toàn bộ Cựu ước cho đến Chúa Giêsu Kitô, và, đối với mỗi người trong chúng ta, thường thì thời gian của toàn bộ cuộc đời! Đây là điều người ta gọi là … 
 
    - … Sự trở lại. 
 
    - Chính xác. Và đó là một sự thường xuyên. Bởi vì vấn đề của chúng ta là vấn đề cho tất cả mọi người: Tấm lòng chúng ta đã ra chai đá. Thực tế, tất cả chúng ta đều trải qua thời gian nghi ngờ: Thiên Chúa vô hình! Chưa có ai thấy Thiên Chúa! Nếu Ngài hiện hữu, tại sao ngài trốn biệt? Và rồi, chúng ta xin Ngài những “phép lạ”, các phép lạ cho chúng ta, và chúng ta không nhất thiết nhận được điều chúng ta mong muốn. 
 
    - Mặc dù chúng ta đã cầu xin để…. 
 
    - Phải! Tất cả chúng ta đều mong muốn Chúa làm phép lạ cho chúng ta. Thế mà, thực tế… Ngài đang làm phép lạ. Ngài làm phép lạ liên tục! 
 
    - Không phải những phép lạ mà người ta muốn! 
 
    - Không phải những phép lạ mà chúng ta thấy! Bởi vì Chúa biết rõ hơn chúng ta điều gì tốt cho chúng ta! Ngài, trước tiên Ngài muốn thay đổi toàn bộ con tim chúng ta. Ngài biết rằng đó là điều quan trọng nhất. Điều đó làm sao có thể đùa được, không bao giờ cần thiết được? Bạn hãy đặt mình vào Chỗ của ngài… Thật không dễ dàng chút nào! 
 
    - Nhờ những dấu hiệu sao? 
 
    - Rất đúng. Một cách nào đó Ngài không thể bộc lộ chỉ bằng những dấu hiệu mà ngài làm để kêu gọi chúng ta. Ngài chỉ thiết tha đến việc chúng ta thấy hoặc không thấy các dấu hiệu đó. Chúng ta đã nói điều này: phép lạ là thứ có khả năng khơi gợi sự chiêm ngưỡng, chứ không phải sự giật gân. Chúa trốn chạy sự hoành tráng! Một trong những mục tiêu đầu tiên của phép lạ là gợi ra sự thán phục của linh hồn. Chỉ những trái tim ở gần Chúa, những trái tim thuần khiết, tràn đầy Chúa Thánh thần, mới biết thán phục những điều nhỏ nhặt nhất, những biến cố đơn sơ nhất. Giống như các trẻ nhỏ hoặc những người có trái tim của trẻ thơ. Dù người đó là mục đồng hoặc bác học (tôi nghĩ đến Giáng sinh trong đó các mục đồng và các đạo sĩ lên đường đầu tiên…). Và cũng các linh hồn này không ngần ngại cầu xin Chúa điều không thể xảy ra. 
 
    Đó là trường hợp của Trinh nữ Maria. Ngay khi biết mình mang thai, Mẹ liền đi đến nhà chị họ Elidabet, và ở đây vang lên bài ca chúc tụng của Mẹ: ”Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Và, Mẹ là người đầu tiên xin Chúa Giêsu làm phép lạ, yêu cầu ngài thay đổi trật tự của thế giới – biến nước thành rượu – nhằm biểu lộ tình yêu của mình. Mẹ có muốn có phép lạ khi Người nói một cách ngây thơ với con trai của Người ở Cana:”Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3)? Không, chắc chắn không. Nhưng người thường cầu xin Chúa những điều nhỏ nhặt của cuộc sống thường nhật với cái tự nhiên của trẻ con này mà đối với chúng tất cả đều bình thường và không ai có thể từ chối chúng điều gì cả. 

    “…Và đó là năm Thánh Mẫu!” 
 
    Một bà nội 
 
    “Ngày 23/11/1987, một trong các cháu gái của chúng tôi, Marie, mười một tháng tuổi, bị bệnh rất nặng. Bé đau đớn và khóc không ngớt. Các bác sĩ phát hiện bé có một khối u ung thư lớn chiếm hết khung xương chậu của bé. 
 
    Ngày 8/12, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, cháu bé đang ở trong giai đoạn 3 của ung thư (giai đoạn 4 chắc chắn dẫn đến cái chết). Bé được chữa trị bằng hóa liệu pháp. Đức Nữ Trinh đang chăm chú theo dõi. Việc chữa trị bắt đầu vào ngày lễ này làm cho chúng tôi hi vọng biết bao. Mọi người đều cầu nguyện. 
 
    Marie khó lòng chịu đựng nổi việc chữa trị. Tôi trẩy đi Lộ Đức. Tại đây, ngay từ lúc mở mắt cho đến lúc thiếp đi, tôi không ngừng cầu nguyện. Trong khi rửa mặt, trong khi ăn, trong khi bước đi… Trời mưa đá nặng hạt, nước đóng băng, nhưng tôi tắm hai lần/ngày trong bể bơi vì bé Marie của chúng tôi. Hơn nữa, tôi xin các linh mục, các nữ tu mà tôi gặp cầu nguyện cho bé. Tình trạng của Marie được cải thiện hơn. 
 
    Ngày 25/3/1988 : kết thúc đợt chữa trị cuối cùng bằng hóa liệu pháp trước cuộc phẫu thuật đầu tiên của Marie. Đó là một ngày đầy nhẹ nhõm. Năm ngày sau, dị ứng rất nặng đối với một loại kháng sinh. Cháu bé ngấp nghé cái chết rồi ổn định trở lại. Ba ngày trước cuộc giải phẫu, chúng tôi tập trung tại nhà cha mẹ của Marie để đọc kinh cầu nguyện. Phẫu thuật chỉ kéo dài ba tiếng đồng hồ so với sáu hoặc bảy tiếng như đã được thông báo. Việc cắt khối u được thực hiện nhờ một thiết bị mới vừa nhận được trước đó ba ngày! Nó đã hút khối u, không để lại di chứng cho cháu bé. 
 
    Ngày 11/6 (lễ Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ): ngày cuối cùng của những đợt hóa liệu pháp sau cuộc giải phẫu thứ nhất. Chứng ung thư không hoàn toàn biến mất, một cuộc giải phẫu thứ hai cần được thực hiện để các bác sĩ tiến hành các đợt xạ trị. 
 
    Ngày 8/9 (lễ Sinh nhật Đức Mẹ): các đợt xạ trị hoàn tất. Chúng tôi tin rằng, mỗi lần một biến cố tích cực xảy ra trong tiến trình chữa trị cho bé, biến cố đó đều trùng hợp với một ngày lễ của Đức Trinh nữ. 
 
    Ngày 21/11 (lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh): các bác sĩ của Trung tâm chống ung thư nghĩ rằng bảng tổng kết chữa trị rất tốt, nhưng họ muốn cùng nhau thảo luận lại một số hình ảnh chụp nhấp nháy khó giải thích. 
 
    Ngày 8/12/1988, với một sự chậm trễ không được giải thích, một lá thư gửi từ Trung tâm chống ung thư chính thức thông báo bảng tổng kết bệnh trạng rất tốt. Lần này, đây là điều chắc chắn: Marie đã được lành bệnh! 
 
    Ngày 8/12/1989: ngày cuối cùng của một lần kiểm tra định kỳ. Aûnh chụp nhấp nháy cho thấy tình trạng hoàn hảo… 
 
    Ngày nay, Marie hoàn toàn khỏe mạnh. Tuyệt vời làm sao sự linh hứng mà cha mẹ của cháu đã có để cho cháu một “thánh bổn mạng” như thế: một Nữ vương! Người có tên là Marie… Và đó là năm Thánh Mẫu! 
 
    Một trong các con trai của tôi là kỹ sư đã làm một phép tính xác suất để xem có bao nhiêu cơ may những sự việc xảy ra theo cách đó: kết qủa là cứ năm triệu trường hợp thì mới có một trường hợp tương tự!” 

 
    9. Các phép lạ của Chúa Giêsu 
 

    “Khi chúng ta loan báo Lời Chúa với những dấu hiệu, các đám đông qui tụ không những để nghe, mà còn xem lời của Chúa Giêsu được thực hiện”. 
    Emiliano TARDIF 
 
    - Ông có thể nói với chúng tôi một vài phép lạ của Chúa Giêsu hay không? 
 
    - Được, tôi sắp nói đây. Bạn biết rằng thực tế, Chúa Giêsu, trong cuộc sống công khai của mình, đã làm nhiều phép lạ, nhất là những phép lạ chữa lành. Một điều chắc chắn đó là ngài không bao giờ làm phép lạ vì chính ngài. Đàng khác, Phúc âm thánh Matthêu (ở chương 4) bắt đầu bằng cách tuyên bố những gì không phải là phép lạ trong khi liên hệ với những “phi-phép lạ” (hoặc những “phản phép lạ”! Đi vào sa mạc trước khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu từ chối những gợi ý của Satan làm phép lạ vì ngài, để tiến thân hoặc để có được quyền lực. 
 
    - Chúa Giêsu không bao giờ mắc bẫy trở thành người phi thường chứ? 
 
    - Không bao giờ. Ngài chữa lành bởi vì ngài mủi lòng do người bất hạnh đến van nài ngài vì nỗi đau khổ hoặc bệnh tật của người đó, vì đức tin vững vàng của người đó hoặc vì lòng thương xót đơn thuần. Không bao giờ Chúa Giêsu xuất hiện như một người đảm bảo sự thống trị thế giới bằng những phép lạ không thể bác bỏ được và bắt buộc. Ngài cũng từ chối đưa ra những dấu hiệu theo yêu cầu, khi, chẳng hạn, “những người biệt phái, nhằm giăng bẫy ngài, đã yêu cầu ngài làm một dấu hiệu đến từ trời” (Mc 8,11). Cuối cùng, đức tin là một điều kiện cần thiết để phép lạ được thực hiện: “Và ngài không làm nhiều phép lạ tại đây, bởi vì họ cứng lòng” (Mt 13,58). Chính trong một bối cảnh tuyên xưng đức tin hoặc kêu gọi hoán cải thì mới có phép lạ. Như chúng ta đã đề cập đến điều này vào đầu những cuộc nói chuyện của chúng ta, Thiên Chúa không có mặt ở đó để tạm chữa những lơ là, những lười biếng, những thiếu sót của chúng ta! Và Chúa Giêsu không bao giờ ứng xử như một ông thầy tinh thần. 
 
    - Cả thế giời đều theo ngài… 
 
    - Bạn có chắc chắn như thế không? Đàng khác, đó có phải là mục tiêu của ngài hay không? Chắc chắn không, Chúa Giêsu đến để làm cho tình yêu của Chúa Cha được tỏ rõ, chứ không chỉ qua lời chúng ta nghe mà thôi, nhưng còn qua các hành động chúng ta thấy và bộc lộ đấng Cứu độ linh hồn và thể xác chúng ta nữa. Sự cứu độ này bao gồm việc mang lại sức khỏe. Khi thiên Chúa nói, Lời của ngài được thực hiện, Lời của ngài bộc lộ qua các hành động: những người què đi được, những người bại liệt đứng dậy được, những người mù thấy được. Không có lời của Chúa dừng lại ở giai đoạn lời mà thôi: lời đó luôn luôn là sự thực hành sớm hơn hoặc trễ hơn. 
 
    - Sức khỏe nào, thưa ông? 
 
    - Sức khỏe thể xác, chắc chắn rồi, đó là sự biểu lộ quyền năng của ngài, nhưng quan trọng hơn, biểu lộ tình yêu của ngài đối với mọi người. Chúa Cha, cảm động vì nỗi bất hạnh của con người, đã phái Con trai của ngài đến chữa lành như là dấu hiệu có thể thấy được, có thể sờ mó được, của điều Ngài làm nơi các con tim. Qua đó, Ngài cũng mang lại sức khỏe tinh thần nữa. Toàn bộ Kinh thánh là một tiếng nói tình yêu của Chúa đối với tạo vật của ngài: con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng rất được ngài yêu thương. Người nào khám phá mình là con trai yêu dấu của Chúa Cha đều cảm thấy sức khỏe tinh thần hoàn toàn được đổi mới. Cuối cùng, người nào làm cho mình được Thiên Chúa yêu thương có thể cũng tìm thấy sức khỏe tâm lý đích thực, điều thường gỉa thiết một tiến trình thú nhận tội lỗi và hòa giải:”Tội lỗi của con đã được tha” (Mt 9,2). 
 
    - Có cần phải có tất cả các phép lạ này hay không? 
 
    - Có chứ. Bạn hiểu rằng tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu đều có ý nghĩa: chúng được làm vì lợi ích tinh thần của những người ngài gặp. Ngài biết rằng khi đám đông kinh ngạc, đám đông có xu hướng giữ lại cái gì có thể thấy được, kỳ diệu, của phép lạ: “Chúng tôi chưa từng thấy điều như vậy!” Chúa Kitô tìm cách làm cho dân chúng nhìn xa hơn, hướng dẫn dần các con tim tiếân đến mầu nhiệm cứu độ, đến nước trời. 
 
    - Nhưng chúng ta không thể thoát được cái chết! 
 
    - Và sau khi chết, Elizabeth ạ, không còn gì nữa hay sao? Đó là hư vô hoàn toàn sao? 
 
    - Ừm… cháu nghĩ là không. Nhưng ai mà biết được? Không có ai trở về từ cõi chết cả… 
 
    - Có chứ, đúng ra là có một người đã trở về từ đó để làm chứng: Chúa Giêsu. Phép lạ tột đỉnh, phép lạ thâu tóm tất cả các phép lạ, đó là Đức Kitô đã sống lại. Điều này muốn nói rằng ngài đang sống thực sự. Và do đó người ta có thể gặp ngài. Chúa Giêsu đến loan báo chiến thắng của sự sống. Là tín đồ Kitô, trước tiên và trên hết đó là tin rằng cái chết không có lời nói cuối cùng. Chúa Kitô cứu chúng ta khỏi sự chết. Nhờ cái chết của ngài, ngài đã chiến thắng cái chết. Và nếu ngài đã sống lại, một ngày kia chúng ta cũng sẽ sống lại như ngài! 
 
    - Vâng, nhưng tất cả những điều đó đều có thể bịa đặt … 
 
    - Bạn hãy lắng nghe thánh Tôma… Bạn biết rằng những người loan báo sự sống lại của Chúa đã giữ lời của họ cho đến chết, cho đến tử vì đạo! Điều này không phải là chuyện bình thường! 
 
    - Và ông thực sự tin rằng chúng ta có thể sống lại với thân xác của chúng ta hay sao? 
 
    - Phải, tôi thực sự tin như thế. Nhưng thật là điên rồ! Oâng không thể giải thích được điều đó! 
 
    - Không, chắc chắn không. Nhưng một lần nữa, có phải vì người ta không thể giải thích được thì điều đó là sai hay sao? Đó là một phép lạ, chắc chắn rồi, phép lạ vượt lên lý trí của chúng ta hiện tại, nhưng không phải vì thế mà sai! Phép lạ là dấu hiện ơn huệ của cuộc sống mới trong đức Kitô, đấng là sự sống thần linh. Chắc hẳn “toàn bộ Tạo vật còn đang rên siết trong đau đớn của sự sinh nở” (như thánh Phaolo đã nói): cuộc sống của chúng ta trên trái đất không chỉ là bước đầu của thế giới vô hình, vượt lên trên không gian và thời gian, trong đó chúng ta sẽ là tất cả trong mọi sự để chuẩn bị sống với thân xác của chúng ta, tuy khác, nhưng vẫn là thân xác đó (không phải thân xác khác, không phải hóa kiếp…), không hư nát, phi vật chất, vinh quang, sống lại, được chữa lành hoàn toàn và mãi mãi. 

    “Chị có cầu xin được lành bệnh hay không?” 
 
    Phỏng vấn Suzy Lionel do Nathalie Cardon thực hiện, trên đài phát thanh Radio-Présence 
 
    N. – Suzy, chị đã lập gia đình, là mẹ của ba người con, y tá chuyên nghiệp. Hai tháng ngay sau đám cưới của chị, một kẻ thù xâm nhập vào cuộc đời của chị. Chị có phát hiện nó không? 
 
    S.- Lúc 23 tuổi, tôi mắc một chứng bệnh nặng mà người ta gọi là viêm đa khớp mạn tính tiến triển, chứng viêm phá hủy dần dần các khớp xương. Trường hợp của tôi, chứng này chủ yếu nhiễm hai háng và phát triển cực nhanh tàn phá sức khoẻ thể lý của tôi trong sáu tháng thay vì 10 năm, một hiện tượng y khoa không giải thích được. Điều này dẫn đến việc tôi phải đột ngột ngưng công việc, một công việc tôi rất ham thích; cuộc sống hôn nhân chao đảo… Những điều người ta khó có thể làm chủ khi mới 23 tuổi… 
 
    N.- Chị phản ứng thế nào đứng trước kẻ thù dữ dội này trong cơ thể chị? 
 
    S. Là y tá, tôi biết rằng đây không phải là một kẻ thù tầm thường. Tôi phải đương đầu với một chứng bệnh nan y, không thể chữa được, với sự thoái hoá dần dần và không tránh được đối với các khớp xương của tôi, gây ra một sự đau nhức thường xuyên ngày cũng như đêm, dù ở tư thế nào. Hơn nữa, nơi tôi, chứng bệnh này tỏ ra tiến triển một cách đặc biệt và hoàn toàn trơ lì với tất cả các liệu pháp, với nhiều tác dụng phụ hết sức khó chịu. Tôi đã trải qua những giai đoạn thật khó khăn! Đàng khác tôi biết việc có thai là điều hoàn toàn không thể được. 
 
    N.- Chồng chị có bị suy sụp hay không? 
 
    S. – Cả hai chúng tôi đều sống nỗi đau này. Bạn tưởng tượng rằng sự đau đớn thường xuyên này gây khó khăn cho việc giao hợp ! Đồng thời, nó cũng là một điều gì đó làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn. Thật là nghịch lý, thử thách này đã củng cố tình yêu và sự hợp nhất của chúng tôi. Có câu nói rằng người ta cưới nhau vì cái tốt nhất cũng như vì cái xấu nhất. Chúng tôi đã sống cái xấu nhất. Vậy là còn cái tốt nhất để sống! 
 
    N. – Chị đã thử tất cả các phương pháp khác để làm dịu chứng bệnh của chị chứ? 
 
    S. – Vâng. Khi bạn bị cái đau thường xuyên quật ngã, luôn luôn có những người tốt nói với bạn: Tại sao bạn không đi gặp thầy này thầy nọ? Thực tế, tôi đã đi gặp những nhà thôi miên v.v…, nhưng điều đó vẫn làm cho tôi rất khó chịu! Theo trực giác, tôi cảm thấy điều đó không lành mạnh. Tôi không thể để cho mình bị lôi kéo xuống dưới thấp. Càng nhìn nhận chứng bệnh này rất tàn khốc, với những thời kỳ bộc phát, tôi càng không bị buộc để cho trái tim của tôi bị giam hãm. 
 
    N.- Thế rồi người ta nói với chị về văn phòng y khoa của Kitô giáo chăng? 
 
    S. – Thực vậy. Tôi có một câu hỏi để đặt ra cho vị bác sĩ này về chứng bệnh đang gặm nhắm tôi. Có thái độ nào đây khi đứng trước tất cả các liệu pháp song song mà người ta đề nghị với tôi và là những liệu pháp không làm cho tôi tin tưởng đây? Giáo hội nói gì về những điều như thế? Người ta không bao giờ nghe nói đến. Chính xác là Giáo hội đã nói rằng “nguy hiểm”, “phải phân biệt”, “phải ngưng lại”. Những điều đó đến từ một bác sĩ, đối với tôi như thế là rất quan trọng. Khi chồng tôi đến, tôi đã nói:”Chúng ta phải sắp xếp thôi… Đối với em mọi chuyện đã rõ ràng. Có lẽ chúng ta sẽ không có con, nhưng mặc kệ! Điều chắc chắn là em không còn muốn những thầy lang mơ hồ này chữa trị nữa: họ làm lòng em ra đen tối. Dù sao, nếu em phải được chữa lành, thì đó sẽ là do Thiên Chúa nhân từ, hoặc là không do ai hết”. 
 
    N. – Năm 1987, một biến cố xảy ra: chị đi hành hương Lộ Đức phải không? 
 
    S. – Tôi đã thực hiện cuộc hành hương này khi được mẹ tôi khuyến khích, nhưng hơi nhút nhát. Tôi có mặt tại Nhà tiếp đón với nhiều bệnh nhân khác. Người ta đề nghị tôi dùng một cái xe đẩy, điều tôi rất khó chấp nhận: lòng kiêu hãnh của tôi nổi dậy! Nhưng cuối cùng tôi hiểu rằng phải để cho những người khác hướng dẫn mình… 
 
    N.- Đó có phải là cuộc gặp gỡ kỳ diệu hay không? 
 
    S. – Ban đầu, tôi có vẻ bàng quan: tôi làm gì ở đây? Và rồi tôi thấy những người mắc bệnh rất nặng nhưng gương mặt của họ lại rất rạng rỡ… Do vâng lời, tôi nhận bí tích xức dầu bệnh nhân. Tôi đã không lường được tầm quan trọng của bí tích ấy, tôi cảm thấy bị ô uế! 
 
    Trong đại vương cung thánh đường ngầm dưới đất, có ai đó đến gần tôi và hỏi:”Chị có thật sự tin tưởng vào bí tích xức dầu bệnh nhân hay không? Toàn thể Giáo hội đều nâng đỡ các bệnh nhân. Thực sự Giáo hội có sức mạnh này. Tất cả mọi người trong vương cung thánh đường này đều cầu nguyện cho các bệnh nhân. Qua dầu thánh này, có tất cả lòng thương xót của Thiên Chúa nhân hậu. Chị có cầu xin được lành bệnh hay không?” Tôi nói:”Ờ… không!” (Tôi thật là ngốc, phải không?) “Chị có tin là Chúa muốn chạm vào chị hay không?” Ba lần, phải đến ba lần người ấy lặp lại câu hỏi đó… “Có, tôi tín”, cuối cùng tôi đã nói như thế. 
 
    Để tiến bước trên con đường đi đến việc lành bệnh, người ta không cô đơn một mình. Họ cần được mang đi, được nâng đỡ. Những người khác trở thành những cái nạng cho bạn thay vì những cái gậy! Tôi đã đột nhiên nghĩ như thế trong đại vương cung thánh đường có nhiều người cầu nguyện này! 
 
    Lúc đó tôi cảm thấy – cách nói mà một bác sĩ vụng về sử dụng và cách nói đó làm tôi nhớ mãi – rằng Thiên Chúa nhân lành dừng lại trước “đống đổ nát” là tôi đây bởi vì tôi cảm thấy mình dơ bẩn, ô uế. Ước gì ngài dừng lại trước đống đổ nát này và bắt đầu tiến trình chữa lành. 
 
    N. – Chị nói đến việc đại tu bên trong cái đống đổ nát này… 
 
    S.- Đúng như vậy. 
 
    N. – Chị đã trải qua bước đầu lành bệnh. Ngày nay, chị đã được chữa lành hẳn chưa? 
 
    S. – Tôi tiếp tục được chữa lành. Điều này diễn ra trong nhiều năm. Trong những năm đầu tiên, cho đến lúc đứa con gái đầu của tôi chào đời, 7 năm sau đó, có một sự sửa sang cơ thể của tôi vốn hoàn toàn bị biến dạng, quắt lại, xơ cứng vì những cuộc chữa bệnh tầm phào. Tôi đã góp phần vào công việc chữa lành này. Tôi đã phải kéo giãn các cơ để sửa lại trục xương sống của tôi, làm cho nó có vị thế ban đầu. 
 
    N. – Nhưng điều đó không đủ. 
 
    S. – Thực ra, tôi đã thực sự hồi phục nhiều chỗ, nhưng các khớp háng của tôi bị hủy hoại đến độ tôi cần có bộ phận ghép. Người ta thúc giục tôi, nhưng tôi không muốn có sự can thiệp lớn này. Tôi tự bảo:”Nếu Thiên Chúa nhân lành không quyết định điều đó cho tôi, tôi sẽ không thực hiện!” Và Ngài đã quyết định điều đó! 
 
    N. – Như thế nào? 
 
    S. – Tôi bị ngã từ độ cao bằng chiều cao của tôi trong khi giúp con gái nhỏ một người bạn tập đi. Tôi có cảm tưởng như ngã xuống một sự êm ái dễ chịu! Tôi không thể đứng dậy được, tôi bị gãy cổ xương đùi. Thế mà vết gãy nằm ngay ở đầu xương đùi để người ta có thể ghép bộ phận giả cho tôi. Cần phải có dấu hiệu nào hơn nữa đây? Tôi rất vui: tôi không phải tự mình quyết định nữa, Ngài đã làm điều đó! 
 
    Cuộc giải phẫu nặng nề này (hai bộ phận giả được ghép cách nhau ba tuần), tôi sống trong niềm tín thác, và tôi hồi phục rất nhanh, bởi vì tôi biết Thiên Chúa nhân lành đã đặt tay trên tôi. Tôi phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa và con người có thể cùng nhau hành động! Chúa cũng sử dụng y khoa để chữa lành. 
 
    N. – Điều gì kỳ lạ nhất đối với chị? 
 
    S. – Đó là sống như một người bình thường, trong cuộc sống hằng ngày. Hiện tại, tôi sinh hoạt bình thường, như mọi người mẹ trong gia đình, như mọi người tín hữu Kitô! Người ta thường lo sợ: họ tự hỏi rằng Chúa sẽ yêu cầu chúng ta làm những điều không thể thực hiện được. Với chừng ấy năm đã trôi qua, tôi ý thức rằng Ngài không bao giờ yêu cầu chúng ta làm những điều chúng ta không đủ sức để làm. 
 
    N. – Nếu phải tóm tắt những điều chị đã nhận được cho đời sống Kitô của chị, chị sẽ nói gì? 
 
    S. – Tôi khám phá ra rằng mình phải sống cuộc sống của mình mà không thỏa hiệp với tất cả những lo lắng của xã hội chúng ta, và cố gắng sống thực sự… Và điều đó mới làm cho tôi hạnh phúc và tự do. 
 

 
    10. Việc chữa lành ngày nay 
 

    “Chúng con cảm tạ Chúa, lạy Chúa, vì những dấu hiệu của sự hiện diện của ngài, từ những cuộc chữa lành kỳ diệu của ngài cho đến những cuộc hồi sinh sâu xa nhất của chúng con… Xin ánh sáng của ngài đến biến đổi toàn bộ con người của chúng con nơi linh hồn, trái tim và thân xác chúng con, bởi vì tình yêu của ngài, lạy Chúa, mạnh hơn sự chết”. 
    Bernard DE CLAIRVAUX 
 
    - Như vậy, sau hai nghìn năm Kitô giáo, Thiên Chúa vẫn còn thực sự chữa lành chứ? 
 
    - Thánh kinh không nói rằng những cuộc chữa lành kỳ lạ được dành cho những thời kỳ nào đó của lịch sử, Antoine ạ! Malraux đã nói rằng thế kỷ thứ XXI sẽ là thế kỷ của tôn giáo, hoặc tinh thần. Còn tôi, tôi nói đúng ra đó là thế kỷ của phép lạ! 
 
    - Ông nói nghiêm túc đấy chứ? 
 
    - Đúng vậy. 
 
    - Tại sao? 
 
    - Chúng ta chán chường lắm rồi! Tất cả chúng ta, dù chúng ta như thế nào đi nữa. Trong thế kỷ vừa qua, chúng ta đã thấy tất cả. Tất cả các “phép lạ”. Người ta có thể nói chuyện với bất cứ ai từ bất cứ nơi nào. Người ta có ngay tất cả các thông tin về tất cả các vấn đề. Nhưng có phải điều đó làm cho thế giới tốt hơn lên hay không? Chúng ta có nguy cơ trước tiên là quan tâm đến người ở xa và quên đi người ở gần hay không? Hơn bao giờ hết Thiên Chúa bị buộc phải làm các phép lạ. Những thứ tạo ra sự kinh ngạc thán phục đích thực. Bạn nói cho tôi biết đi: điều gì làm bạn kinh ngạc thán phục? 
 
    - Người ta có thể kinh ngạc thán phục vì nhiều thứ. 
 
    - Hay quá! Nhưng bạn biết rõ rằng có nhiều thứ lấp lánh, thu hút con người bên ngoài của chúng ta là thứ cần được thỏa thuê, tỏa sáng; và những thứ mà con người bên trong của chúng ta thích tìm kiếm cái đẹp, cái thật, cái tốt đẹp hơn. Thực chất, điều gì làm cho hạnh phúc? 
 
    - Điều mang lại an bình. 
 
    - Rất đúng: sự an bình nội tâm, suối nguồn của niềm vui đích thực là thứ tồn tại mãi. Tôi trở lại điều đã nói: điều quan trọng là lắng nghe trái tim của mình. Trái tim, nơi hòa nhập cái tôi của chúng ta, từ đó phát xuất các cách ứng xử của chúng ta; trái tim mà Thiên Chúa luôn luôn hiện diện. Giống như chúng ta, rất thường hiện diện nơi “những kẻ vắng mặt quen thuộc”, những dấu hiệu của Thiên Chúa trước tiên nói với trái tim của chúng ta, để thiết lập hoặc tái lập sự tiếp xúc, nhằm làm chúng ta đi vào trong sự an bình. 
 
    - Ngài có luôn luôn hành động cách trực tiếp hay không? 
 
    - Câu hỏi rất hay! Tôi trả lời bạn đây: chắc chắn là không. Các hành động thông thường của ngài là tin tưởng vào con người. Thiên Chúa cần đến con người, tất cả mọi người, để một triều đại an bình được thành lập trên thế giới. Cho nên, trong cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu sai phái các môn đệ ngài :”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho tất cả mọi tạo vật […] Và đây là những dấu hiệu xuất hiện cho những ai tin: […] họ đặt tay lên các bệnh nhân thì các bệnh nhân đều lành sạch” . Sau khi Chúa biến mất trước con mắt xác thịt của họ vào lễ Thăng thiên, các môn đệ sợ hãi; và chính khi họ nhận lấy Chúa Thánh thần vào lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, họ có sức mạnh để đi rao giảng Lời sự sống trong khi chữa lành thể xác và trái tim nhân danh Chúa Giêsu. 
 
    Giáo hội, được sức mạnh của Thánh Thần trú ngụ, luôn luôn buộc phải thi hành nhiệm vụ chữa lành này. Qua các công việc bác ái đối với những người đang đau khổ nhất, qua việc phát triển các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, và cũng qua trung gian các bí tích, dấu hiệu của sự cứu độ: bí tích Thánh thể và hậu quả của bí tích này, việc tôn sùng bí tích Thánh Thể, nơi chữa lành bên trong; sự hòa giải, bí tích tha thứ; việc xức dầu bệnh nhân mắc bệnh trầm trọng. Nếu chúng ta có đức tin, các bí tích là những phép lạ: các bí tích này đổi mới cuộc sống chúng ta và những gì chung quanh chúng ta. Đàng khác, lịch sử không thiếu các thánh có khả năng chữa bệnh, những người đã thực hiện những cuộc chữa lành kỳ lạ đủ mọi loại bệnh. 
 
    - Còn chúng ta thì sao? 
 
    - Nhưng tất cả chúng ta – tất cả các bạn, đặc biệt các bạn trẻ – là các môn đệ của thời kỳ sau hết. Điều này có nghĩa là tất cả các bạn được mời gọi trở thành những dấu hiệu của Chúa Kitô nhân lành, mỗi người theo địa vị của mình, mỗi người theo tài năng và đoàn sủng của mình. 
 
    - Đoàn sủng là gì? 
 
    - Đoàn sủng (tiếng Hi Lạp charisma) là một ơn sủng, một ơn huệ nhưng không nhận được từ Chúa Thánh thần để xây dựng cộng đồng các tín hữu. Đó không phải là một kỹ thuật, một phương pháp. Đoàn sủng chữa bệnh có thể được ban cho một người nhất định, được nhiều người biết, để thực hành sứ vụ chữa bệnh thường xuyên. Nhưng việc chữa lành có thể được thực hiện khắp nơi, “nơi nào hai hoặc ba người họp lại vì danh thầy”. Một cuộc sống huynh đệ trong đó Chúa Giêsu hiện diện qua tình yêu thương-bác ái (hoặc agapè, từ ngữ thuộc về Thiên Chúa!) là điều kiện đủ để các công cuộc chữa lành được thực hiện. Một cộng đồng Kitô hiệp nhất, cầu nguyện và yêu thương, tự nó đã có tính cách chữa lành rồi. Chúng ta có đủ đức tin để cùng nhau cầu nguyện cho một người đang đau khổ nhân danh Chúa Giêsu hay không? 
 
    - Không hẳn như thế… Và rồi, nếu người đó không lành bệnh thì sao? 
 
    - Nếu người ấy không lành bệnh về mặt thể lý, bạn muốn nói thế phải không? Chúng ta phải cầu nguyện, đơn giản là như vậy. Đó là điều Chúa yêu cầu chúng ta. Chính Ngài hành động, chính ngài làm những điều còn lại, điều Ngài biết là tốt nhất cho người đó. Và, đúng vậy, việc chữa lành không nhất thiết xảy ra nơi người ta chờ đợi! Cũng thế cần phải hiểu rõ cách nói chữa lành này. 
 

    “Có nhiều người đọc kinh cầu nguyện cho tôi được lành bệnh”      Annick 
 
    “Điều này đã xảy ra cách đây 40 năm. Lúc đó tôi được khoảng bốn tuổi. Năm 1960, vào dịp lễ Giáng sinh, sau khi tôi bị đau suốt đêm, bác sĩ phát hiện tôi bị một chứng ung thư thận trái. Dĩ nhiên tôi phải nhập viện ngay lập tức. 
 
    Mùa hè vừa qua, dì tôi đã đi hành hương Lộ Đức. Dì đã mang nước lấy ở Lộ Đức về và một tượng Đức mẹ đồng trinh dạ quang. Tượng này làm tôi rất thích và không bao giờ rời xa tượng. 
 
    Tôi chỉ mang theo tượng “Mẹ Đồng trinh” của tôi mà thôi khi nhập viện. Tôi không đi đâu mà lại không có tượng này. Khi việc chữa trị cho phép, tôi có thể đi chơi với các trẻ em khác, nhưng lúc nào Mẹ Maria cũng cùng đi với tôi. Các nữ y tá nói với nhau:”Xem cô bé này kìa, nó mang niềm tin của mình đến với bất kỳ ai”. Tôi không bao giờ khóc, trừ khi tôi không có Mẹ Đồng trinh của tôi một bên. 
 
    Trong khi đó, nhiều người đọc kinh cầu nguyện cho tôi được lành bệnh. Cha mẹ tôi là những người thành tín và những người quen biết gia đình tôi đều làm tuần cửu nhật, ngay cả các học sinh cũng thế – các học sinh tin Chúa lẫn các học sinh ngoại đạo. Các em mang ống tiền xin khấn để người ta đọc kinh ở nhà thờ cầu xin Mẹ Maria cho tôi được khỏi bệnh. 
    Có một chuỗi kinh kỳ lạ cầu xin Mẹ Maria chung quanh một cô bé là tôi. Các nữ tu dòng kín cũng cầu nguyện cho tôi, không kể các cha dòng Trắng mà cha mẹ tôi quen biết. Khi các cha biết tôi bị bệnh, các ngài xin cha mẹ tôi đọc kinh cầu nguyện vào một giờ nhất định mỗi ngày để dù ở xa các ngài cũng có thể hiệp nhất với cha mẹ tôi trong lời kinh nguyện. 
    Người ta tặng tôi những ảnh Mẹ Maria và tôi mang hết các ảnh đó trên người. Như vậy Mẹ Maria thật sự có mặt bên tôi, qua các lời kinh nguyện của tất cả những người dù có niềm tin hay không đều hướng về Mẹ. Các bác sĩ, nhất là những người theo Do thái giáo không thực hành đạo, đều hết sức ngạc nhiên. Họ không chỉ cảm thấy sức mạnh của kinh nguyện chung quanh tôi mà còn thấy tôi là đứa trẻ duy nhất phải chịu tất cả các liệu pháp chưa từng có, nhưng không tỏ ra mệt mỏi, không khóc lóc, không có bất cứ phản ứng tiêu cực nào xảy ra do liệu pháp nặng nề này. Tình trạng đó kéo dài nhiều tháng. Sau ba năm, các bác sĩ tuyên bố tôi khỏi bệnh hoàn toàn. 
 
    Trong suốt những năm đó, tôi cùng với mẹ đi hành hương Lộ Đức mỗi năm một lần. Tại đây, tôi uống nước Lộ Đức, tôi ca hát ngợi khen Mẹ Maria như những người lớn, tôi tham dự các cuộc rước kiệu, các thánh lễ, các buổi đọc kinh, không khóc lóc, không mệt mỏi, trong niềm vui được hát Ave Maria”. 
 


    11. Việc chữa lành mọi người 
 

    “Khi cứu chuộc, Chúa Giêsu đặt con người đứng lên trên tất cả các chiều kích hữu thể của họ: ngài mang lại cho con người phẩm giá thực sự đó là trở thành con yếu dấu của Chúa Cha bất kể tình trạng hiện tại của họ như thế nào đi nữa”. 
    Êtienne GARIN 
 
    - Tại Lộ Đức, ngày nay việc chữa lành xảy ra như thế nào? 
 
    - Dường như có ít các cuộc chữa lành thể lý hơn so với cách đây 100 năm, nhưng… chắc chắn có nhiều cuộc chữa lành hơn bao giờ hết. 
 
    - Xin ông giải thích cho… 
 
    - Tôi nói có ít các cuộc chữa lành thể lý hơn, một điều bình thường, vì ngày nay khi bị bệnh, trước tiên người ta dựa vào y khoa, và đây là điều rất vui! Thiên Chúa cũng hành động và trước hết qua y khoa: các bác sĩ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, và giới y tế chăm sóc và chữa trị các bệnh nhân. Năm 2000, tôi nhận được 30 bản tuyên bố chữa lành thể lý, trong đó ba bản qua thư điện tử, đến từ Mỹ. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là chính thức hoá các tuyên bố đó, nghĩa là đảm bảo việc lành bệnh là có thực, với tất cả các bằng chứng được các tài liệu y khoa thu thập, trước và sau biến cố lành bệnh. Đồng thời, tất cả các bác sĩ và chính tôi đều mong muốn tìm kiếm nguyên nhân tự nhiên hoặc y khoa có thể có đối với các cuộc lành bệnh này. Một cuộc điều tra lâu dài bắt đầu, kéo dài trong thời gian có kết luận y khoa: “việc lành bệnh không thể giải thích được”. Khoa học không thể đi xa hơn nữa. 
 
    - Và để có phép lạ? 
 
    - Việc công nhận phép lạ thuộc về giáo hội, dựa trên điều tra y khoa lẫn bối cảnh cầu nguyện và niềm tin là những điều mang lại ý nghĩa cho việc lành bệnh khác thường. 
 
    - Ông có thể chứng minh một cuộc lành bệnh là không thể giải thích được hay không? 
 
    - Chứng minh: không.Y khoa không phải là một khoa học chính xác và chỉ áp dụng cho những cá nhân đặc biệt mà thôi. Người ta chỉ có thể đạt đến một sự xác tín sâu xa được đa số nhìn nhận mà thôi. Một sự nhất trí, như người ta nói hiện nay, của Uỷ ban y khoa quốc tế (CMIL), gồm có khoảng 20 chuyên gia y khoa đến từ các nước Aâu châu. Nhưng người ta cần phải làm tất cả để tiến đến càng gần thực tế của sự kiện càng tốt. 
 
    - Người ta có thể chứng minh phép lạ hay không? 
 
    - Sáng kiến của Chúa không thể được chứng minh về mặt khoa học. Trước một hiện tượng như thế có một phần sự bí ẩn, có một bước tiến về đức tin, mà người ta làm hay không làm. Không ai buộc phải tin các phép lạ Lộ Đức! Mỗi người tự xác định mình theo ý thức của họ. Có hai nguy hiểm cần phải tránh. Trước tiên là thuyết duy lý thâm căn cố đế: tôi không hiểu, cho nên có một sai lầm ở đâu đó. Chúng ta tìm kiếm sai lầm đó đi! Người ta có thể tìm kiếm và luẩn quẩn trong một thời gian lâu dài. Vào một lúc nào đó, người ta vấp phải điều bí ẩn. Nếu tôi từ chối bí ẩn đó, đó là quyền của tôi, nhưng tôi vẫn dẫm chân tại chỗ. Trái lại, tôi có thể nghĩ rằng không cần đến lý trí, và chấp nhận tất cả các cuộc lành bệnh đã được viện dẫn. Một nguy hiểm còn lớn hơn nữa là: rơi vào trong thuyết thiên cảm, nghĩa là cho tất cả mọi thứ đều là tuyệt diệu. Cho nên các cuộc lành bệnh có thể là rất nhiều nếu chúng không được xác minh. Đồng ý không? 
 
    - Thực tế, người ta không bao giờ nhìn nhận có 66 cuộc lành bệnh tại Lộ Đức… 
 
    - Chính xác: 66 cuộc lành bệnh thể lý trên hơn 6.000 trường hợp được tuyên bố, không kể tất cả các cuộc lành bệnh không được tuyên bố, theo tôi còn nhiều hơn thế nữa. 
 
    - Do đó việc lành bệnh được dành cho một số người nào đó, khi mà có hàng triệu người đến Lộ Đức! Nếu như thế thì không công bằng! Giống như trò Lôtô: chỉ có một hoặc hai người may mắn trúng giải, trong khi nhiều người khác không trúng… 
 
    - Không hẳn như thế! 
 
    - Tại sao cơ chứ? 
 
    - Bởi vì những cuộc lành bệnh thể lý được Văn phòng y khoa tuyên bố, chỉ những cuộc lành bệnh có thể thấy được, có thể được phân tích cách khách quan, mới thực sự tiết lộ, nhắc lại hoặc xác nhận tất cả các cuộc khỏi bệnh khác không thể thấy được, có tính cách bên trong và tinh thần, mà nhiều người nhìn nhận họ trải qua khi đến hành hương Lộ Đức. Biết bao nhiêu bệnh nhân trở về trong trạng thái thể lý bên trong trước đây, chắc hẳn như thế, nhưng tỏa ra niềm vui biến đổi hoàn toàn tình trạng của họ và làm cho chúng ta kinh ngạc, chứng tỏ một sự biến đổi đời sống bên trong của họ làm họ mạnh mẽ hơn để trải qua sự đau khổ, bệnh tật hoặc sự tật nguyền của họ! Điều này tự nó chẳng đại diện cho một cuộc lành bệnh hoàn toàn vượt lên trên phân tích y khoa hay sao? Không kể những cuộc lành bệnh về tinh thần – vô số - xảy ra trong sự kín đáo của bí tích hòa giải. 
 
    - Có thật những điều đó nữa sao? 
 
    - Các cuộc lành bệnh đó cũng thật như việc chữa lành các cơ quan nội tạng! Việc lành bệnh thể lý chỉ là phần nổi có thể thấy được của núi băng mà thôi! Nó đưa chúng ta đến một việc chữa lành sâu xa hơn, việc chữa lành con tim, mà tất cả chúng ta đều cần đến. 
 
    - Đó là điều mà ông gọi là “việc chữa lành bên trong” có phải không? 
 
    - Phải. Tất cả chúng ta đều có những bế tắc, những giam hãm, những ngôi mộ. Ai dám nói mình không bao giờ đau khổ vào một lúc nào đó trong cuộc sống về việc thiếu tình thương, thiếu những lời chúc tốt lành, thiếu một chử chỉ đúng chỗ, ai mà biết được? Một cú đánh, một cú sốc, một nỗi thất vọng, một điều bất công chăng? Ai có thể nói mình không cần việc chữa lành, chữa lành những vết thương của cuộc sống? Không phải để được thoải mái, mà là để sống một sự hòa giải trong lãnh vực tình yêu, hòa giải với chính mình, với những người khác và với Thiên Chúa. Chính vì thế, tôi lặp lại, việc chữa lành lạ lùng trước tiên là việc chữa lành trái tim, điều mà trong một số trường hợp có thể xảy ra việc chữa lành tâm thần-thân thể trong cơ thể sinh học. Chúa Giêsu không chỉ muốn chữa lành tất cả mọi người, mà là ngài muốn chữa lành toàn bộ con người. 
 
    - Ông nói với chúng tôi rằng người ta có thể chữa lành tất cả mọi người, nhưng phải có đức tin cơ mà ! 
 
    - Không phải như thế. Đức tin là hậu quả, chứ không phải điều kiện. Chẳng hạn tại Lộ Đức, người ta đã thấy những người vô thần được lành bệnh, những người Hồi giáo được chữa lành: bất cứ ai cũng có thể được chữa lành. Điều quan trọng không phải là đức tin cũng không phải là mức độ thánh thiện của cá nhân. Chính đức tin của dân Chúa qui tụ tại địa điểm duy nhất, thánh thiêng này, mới là điều quan trọng; đức tin, cũng như kinh nguyện và lòng bác ái thể hiện thành hành động mà người ta có thể quan sát được ở đây, những hành động của tất cả các người tình nguyện đến phục vụ những người anh em bệnh tật của họ. Dưới cái nhìn của Maria, Mẹ Thiên Chúa, đấng đã yêu cầu người ta đến đây thành những đám đông, dân “thánh” tạo nên một thân thể, thân thể của Chúa Kitô, đấng chữa lành. Đây là điều người ta cũng gọi là “sự hiệp thông các thánh” mà tất cả những người được rửa tội tham dự vào và lan ra trên toàn thể nhân loại. Thật sự, đối với Chúa, đây không phải là trò chơi Lôtô! Chúa Kitô là thầy thuốc của tất cả mọi người. Các cuộc lành bệnh thể lý là ơn huệ cho tất cả mọi người, không trừ ai hoặc không chỉ là điều ưu tiên cho một số người may mắn mà thôi. Tất cả chúng ta đều có thể được hưởng việc chữa lành của Chúa. 

    “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”      Marie-Amélie, 20 tuổi 
 
    “Bắt đầu từ cuộc sống mới thay đổi của tôi, tôi có thể nói rằng tôi trở về từ xa! Tôi đã sống một thời trẻ rất khó khăn trong đó tôi đã gặp đau khổ, thất vọng và huỷ hoại thân thể và nhất là trái tim của tôi. Tôi đã quyết định sống theo cách của mình, chỉ làm theo các ham muốn của tôi mà thôi… 
 
    Trong phần lớn các kỳ nghỉ lớp mười và mười một, tôi “tìm vui” trong những trò chơi làm hỏng mình hoàn toàn và là những trò chơi làm tổn thương gia đình và bạn bè tôi rất nhiều. Tôi đã tiêu pha thì giờ trong những buổi tối có thể gọi là những “buổi dạ hội hỏa ngục”: ma tuý, “bạn trai”và rượu là những từ phải có. Không giới hạn vào những buổi dạ hội này, cuối cùng tôi không màng đến cuộc sống của mình nữa! Không còn gì là quan trọng nữa. Tôi để cho cuộc sống trôi đi mà không chú ý đến điều gì là tốt hặc xấu nữa, tôi không còn những cấm đoán, tôi bất cần những người ở chung quanh tôi, trừ những người muốn sống như tôi mà thôi. Tôi bắt đầu trượt dài xuống hỏa ngục! Tôi đã làm cơ thể và trái tim mình bị thương. Tôi không còn nhân tính nữa, chỉ làm những gì tất cả những người trẻ trong nhóm của tôi làm. Cuộc sống của tôi không còn là cuộc sống của tôi nữa. 
 
    Cha mẹ tôi bắt tôi phải đi lễ mọi buổi tối thứ bảy: đây thực là một công việc lao dịch. Đến độ tôi phả khóc lên để khỏi phải đi đến nơi tôi cảm thấy khó chịu này. Mặc dù tôi không thích nhà thờ, nhưng tôi lại gắn bó với một người ở đây, tại nơi tôi cảm thấy rất khó chịu: cha xứ. Ngài là một người đặc biệt không muốn tôi đi lễ trái với ý muốn của mình. Cha đã thấy tôi khóc, không nói gì hết, nhưng sự im lặng của ngài đầy lo âu và cầu nguyện. Một ngày kia cha nói với tôi rằng ngài luôn luôn có mặt ở đây để giúp đỡ tôi, nhưng tôi không có thì giờ nói với ngài tất cả những đau khổ của tôi bởi vì Chúa đã gọi ngài về với Chúa vài tuần sau đó. 
 
    Cho nên tôi lại cảm thấy cô đơn hơn nữa. Mùa hè đến và tôi cảm thấy những kỳ nghỉ này càng hủy hoại tôi, giống như mùa hè trước đó. Thế là vài ngày sau khi kỳ nghỉ bắt đầu, một linh mục tôi mới biết đến đề nghị tôi đi hành hương Lộ Đức năm ngày cùng với những bạn trẻ mà tôi chưa bao giờ gặp. Phản ứng đầu tiên của tôi là nói đùa: chưa có ai đề nghị với tôi một điều điên rồ như thế! Muốn cho vị linh mục để tôi yên, tôi trả lời là điều đó không thể được, bởi vì tôi sắp tìm được việc làm và tôi cần tìên, nhưng nếu việc này không ổn thỏa, tôi sẽ đi hành hương… Vài ngày sau, dự định kiếm việc làm của tôi tan thành mây khói, ông chủ đã tìm được một người khác. Tôi không còn biết phải làm gì nữa: tôi đã hứa với vị linh mục đi hành hương, nhưng tôi lại hoàn toàn không muốn điều này chút nào! Hôm trước ngày lên đường, tôi đến gặp vị linh mục để nói rằng tôi sẽ không đi. Khi đứng trước mặt ngài, tôi chỉ nói được một điều:”Con sẽ đi Lộ Đức với cha”! Sau khi thốt lên những lời này, tôi cảm thấy trong tôi có một điều gì kỳ lạ: tôi đến để nói không với ngài trong khi lòng tôi lại nói có! 
 
    Sáng hôm sau, tôi lên đường đi Lộ Đức cùng với khoảng 20 bạn trẻ mà tôi không quen biết, bốn ngườiø hướng dẫn và vị linh mục này. Những giờ đầu tiên đi xe lửa rất khó chịu: tôi hối tiếc là đã có mặt ở đây, hơn nữa, đây là một xe lửa đặc biệt với một ông đọc kinh trên máy vi âm… Tôi chẳng thích tí nào! 
 
    Sau một cuộc tranh luận với một chị hướng dẫn về phép thêm sức, giải thích cho chị rằng tôi không hề thích chịu phép này, tôi hơi tách ra để suy nghĩ. Chị ở không xa tôi lắm và tôi nhìn chị. Chị cầm một chuỗi hạt trong tay và lần hạt cùng với ông đọc kinh trên máy vi âm. Tôi tự hỏi không biết có ích lợi gì khi đọc thứ kinh này và tôi kín đáo đến gần chị. Thế là tôi bắt đầu đọc một kinh “Kính mừng”, sau đó kinh thứ hai rồi kinh thứ ba… Tôi cảm thấy yên ổn và bình thản, trạng thái mà tôi đã không còn có từ lâu… 
 
    Đến Lộ Đức, chúng tôi đi xem băng hình về Bernadette và, buổi chiều, đi đến hang đá nơi cô bé Bernadette đã gặp Mẹ Maria. Thực sự tôi không hiểu có gì quan trọng để xem trong cái hang động này, một nơi trước kia những con heo thường trú ngụ và là nơi cả thế giới đến đọc kinh trước một tảng đá và một bức tượng biểu thị một bà mà Bernadette đã nhìn thấy. Khi tôi đến phía trước, cái nhìn của tôi hướng về một phụ nữ đã có mặt ở đó, quỳ gối trong một vũng nước. Chị đi chân đất, mặc một chíêc áo poncho dài và nhìn về hướng hang đá. Điều này đột nhiên làm tôi sợ, cảm thấy thật kỳ lạ. Tôi không biết chị nhìn thấy gì, nhưng điều này làm cho chị trở nên đẹp… Sau đó, khi nghĩ lại giây phút này, tôi hiểu rằng trong hang đá này không có gì để nhìn cả, nhưng là để cho đi tất cả, nhất là tình yêu và mọi đau khổ có trong tôi! 
 
    Ngày hôm sau, tôi không muốn trở lại hang đá nữa vì đã xảy ra một điều gì đó trong tôi, vào tối hôm trước, một điều mà tôi không hiểu và làm cho tôi sợ hãi. Nhưng một người mà tôi bắt đầu khám phá một tình bạn mãnh liệt đã nắm tay tôi và giúp tôi đi bước thứ hai đến hang đá này. Càng tiến bước, tôi càng cảm thấy sự sợ hãi tan biến đi nhường chỗ cho lời cầu nguyện. 
    Những ngày qua đi, tôi khám phá ra rằng có một người nào đó yêu thương tôi và van xin tôi mở lòng mình ra. Tôi dã trải qua sự gặp gỡ tình yêu đẹp đẽ nhất với Người trong một buổi hát kinh tán tạ, một dạng kinh nguyện mà trước đây tôi chưa biết đến. Buổi hát kinh này diễn ra trong một nhà nguyện. Có mặt tất cả những người trong nhóm của tôi, và vị linh mục quỳ gối trước bàn thờ trên đó đặt một vật bằng vàng, bên trong có Thánh Thể là đấng mà người ta đã nói trước đây với chúng tôi, đó là Chúa. Chúng tôi bắt đầu giữ im lặng, và vị linh mục cầu nguyện lớn tiếng. Sau đó linh mục ngưng nói và, ngay vào cuối buổi tán tạ, ngài chỉ nói một câu này mà thôi:”Con yêu mến Chúa”. 
 
    Câu này đã mở lòng tôi, câu này không phải là một câu nói nữa mà là một tiếng kêu của tình yêu. Khi tôi nghe câu tuyên xưng này với Chúa, nước mắt bắt đầu dâng lên trên mắt tôi. Tôi nài xin Chúa hãy lấy đi, lấy hết tất cả những gì tôi có trong lòng, bởi vì những điều đó làm tôi đau đớn lắm. Tôi muốn Ngài lấy hết tất cả trong lòng tôi để Ngài có thể đến cư ngụ trong đó. Tôi bắt đầu được biến đổi mà không hiểu điều gì đang xảy ra trong tôi. Chúa đã dần dần chiếm một chỗ quan trọng trong cuộc đời của tôi. Cuối cùng tôi nhận thấy rằng Ngài có mặt ở đó, và Ngài chờ đợi tôi! 
 
    Ngày hôm sau, một người nói với chúng tôi về việc giải tội. Nhờ sự giúp đỡ của người này, tôi đi xưng tội lần đầu tiên trong đời. Tôi tự giới thiệu với vị linh mục như là một người hoàn toàn nhút nhát, đầy dẫy tội lỗi và không biết làm gì cả. Tôi sợ hãi và xấu hổ vô cùng… Ngài đề nghị tôi cầu xin Chúa Thánh thần và nói với Chúa những điều xấu xa tôi đã làm và là những thứ làm tôi xa Ngài. Thật là gay go vì tôi có nhiều điều để xưng thú với Ngài nhưng không biết phải nói với Ngài như thế nào… Sau khi nói chuyện thật lâu, nỗi xấu hổ biến mất, và cuối cùng tôi đã cho Chúa tất cả. Khi vị linh mục ban phép giải tội cho tôi nhân danh Chúa Giêsu, tôi cảm thấy như có một sự giải thoát: một điều gì đó nơi tôi từng làm tôi dau khổ từ lâu, nay vừa mới rời xa. Chúa đã giải thoát cho tôi tất cả những điều từng gặm nhắm tôi. Lần đầu tiên tôi mỉm cười với lòng mình… 
 
    Việc trở về của tôi chẳng dễ dàng chút nào, bởi vì nếu tôi đã thay đổi, thì những bạn bè chung quanh tôi lại vẫn như thế… Thế rồi, nhờ sự giúp sức của Chúa, tôi quyết định thanh tẩy chung quanh tôi. Tôi cắt đứt một số mối quan hệ, tôi đã học nói không với những điều tôi biết là xấu. Tôi chứng tỏ cho những người khác rằng tôi đã thay đổi và giờ đây tôi muốn tiến bước và lớn lên với Chúa. Nhiều người không hiểu điều gì đã xảy ra trong tôi, và phần lớn cho rằng tôi là một con điên! Đôi khi tôi đau khổ vì hoàn cảnh tế nhị này, nhưng tôi biết rằng tôi không chiến đấu một mình. Đây mới chỉ là bước đầu của một con đường khó khăn, nhưng tôi biết rằng con đường này là tốt! 
 
    Tôi phải mất 16 năm mới hiểu được rằng hạnh phúc không chỉ đi qua Ngài mà thôi, và khi tôi hiểu điều này, đến lượt tôi, tôi muốn nói như vị linh mục trước Thánh Thể:”Lạy Chúa, con yêu mến Chúa””. 

 

 
    Kết luận: Bạn có muốn chữa lành hay không? 
 

    “Chúng ta nghĩ Thiên Chúa (và nhân loại vẫn nghĩ như thế) đã tạo ra một thế giới như nó hiện có… Nhưng Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta đến gặp một thế giới chưa có”. 
    Maurice ZUNDEL 
 
    - Chữa lành như thế nào, thưa ông? 
 
    - Điểm cơ bản đầu tiên: nhìn nhận mình bị tổn thương, trước hết là tôi đã. Không tìm kiếm ở bên cạnh: chính tôi cần được chữa lành, chính tôi có thể được chữa lành. Điều này không hiển nhiên bởi vì tất cả các vết thương của chúng ta, giống như các vết thương thể lý, gây đau đớn, dù đó là những vết thương tâm thần, cảm xúc, trí óc, tinh thần, và thường là một sự pha trộn tất cả các thứ đó. Và vì đau đớn, người ta không muốn bộc lộ ra và đối diện với chúng. Và dù sao, vào một lúc nào đó trong cuộc đời chúng ta, chúng ta phải có can đảm làm điều đó, không tự cho mình là có tội và không tìm cách tìm kiếm các thủ phạm có thể có. Bắt đầu bằng chấp nhận mình bị tổn thương, và thậm chí, yêu thương mình bị tổn thương như thế! 
 
    - Ông có nghĩ rằng tất cả mọi người đều bị tổn thương hay không? 
 
    - Tất cả, không trừ ai, già trẻ lớn bé đều bị tổn thương. Nhưng khi bị đau, người ta không muốn biết đến nỗi đau đó, một phản xạ tự nhiên. Thế nhưng, không được chữa lành, người ta không chỉ tự làm cho mình đau mà còn làm cho những người khác đau nữa: các vết thương của chúng ta đầu độc cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người gần gũi nữa. 
 
    - Những vết thương nào, thưa ông? 
 
    - Tất cả! Những tổn thương trí tuệ: sự ương bướng không tin tưởng, chê bai tất cả…; không thể không ăn cắp vặt, gian lận, sao chép…; tôn thờ thần tượng: tiền bạc, dáng vẻ bề ngoài, thời trang, vẻ đẹp, điểm số. Nếu có điều làm tôi rung động thì đó là khi tôi được thỏa thuê, khi tôi chế giễu, khi tôi ở ngoài bãi biển, trong rạp chiếu phim, trước máy truyền hình hoặc máy vi tính, đó chẳng phải là mình bị nô lệ một cách nào đó hay chăng? Chẳng lẽ tôi không cần đườc chữa lành hay sao? Tôi cũng nghĩ đến bói toán và sự mê tín: muốn biết tương lai, làm đảo lộn mọi sự v.v…, luôn luôn để lại các di chứng. Những tổn thương tình cảm: thiếu ý chí, lười biếng, ham muốn quyền lực, nhu cầu cai trị, nhu cầu làm dáng, làm vui lòng, có sức hấp dẫn, nhu cầu che giấu… Những tổn thương thân thể: để mặc ra sao thì ra, điều dẫn đến tất cả các loại lạm dụng làm hại đến thân thể, sức khỏe của mình: trong thức ăn, thức uống, thuốc lá, tính dục, ma tuý… 
 
    - Nhưng chúng ta thường là nạn nhân của các tập tính này, có phải vậy không? 
 
    - Đúng: các tổn thương thật ra là các hậu quả của tội lỗi. Không phải lúc nào cũng là tội của những người khác, cũng như tội của chúng ta, thứ duy trì các tổn thương này. Dù sao đi nữa, việc chữa lành các vết thương đó vượt lên trên khả năng của chính chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ tự chúng ta chữa lành hoặc một mình chữa lành trong xó xỉnh của chúng ta! Cần phải nhờ sự giúp đỡ. 
 
    - Như thế nào được? 
 
    - Trước hết, một ngày nào đó - và càng sớm càng tốt! – phải quyết định sử dụng các phương cách chữa lành, một cách tự nguyện. Quyết định, chính là quyết định dứt khoát, cắt đứt, tránh xa. Giữa cái có và cái không. Giữa cái tốt và cái xấu là những thứ trước tiên ở trong chính chúng ta. Có một bước đầu tiên cần phải làm. Các chuyên gia ngày nay nhìn nhận điều đó: Tâm thần và tinh thần có liên quan chồng chéo với nhau, việc chữa lành thuộc về lãnh vực tâm lý-tinh thần. Chắc chắn, trong trường hợp rối loạn bệnh lý, liệu pháp tâm lý có thể rất cần thiết. Nhưng liệu pháp tinh thần cũng có thể được hình dung đến. Thông thường, liệu pháp này trước tiên cần phải đi qua bí tích hòa giải, điều cho phép đi vào tiến trình tha thứ. Bạn không tin rằng việc hết lòng xin lỗi một người nào đó chúng ta muốn “giết chết” là một phép lạ thực sự hay sao? Theo nghĩa đầy đủ của từ này: sự tha thứ nói chung vượt lên trên sức mạnh tội nghiệp của con người, đòi hỏi phải có một sức mạnh cao vời, thuộc về tinh thần; và nó dẫn đến việc chữa lành thực sự hai thứ chủ chốt là tâm thần và tinh thần. Sự tha thứ là phép lạ chữa lành. 
 
    - Và các kinh nguyện chữa lành thì sao? 
 
    - Các kinh nguyện này thuộc về các phương tiện tinh thần mà giáo hội cung cấp cho chúng ta. Trong các cuộc tụ họp đọc kinh trong đó người ta phó thác vào Chúa Thánh thần, đọc kinh với và cho những người đau khổ, khẩn cầu Chúa an ủi, xoa dịu và thậm chí chữa lành. Một số người được ơn đoàn sủng hiểu biết, nghĩa là họ có thể nói lớn tiếng những lời an ủi, giải thoát hoặc chữa lành. Những khả năng này đột nhiên xảy đến với người này hoặc người kia đang tham dự các buổi đọc kinh cầu nguyện. Những người này được nhận biết bởi các tiêu chuẩn xác định chính xác, cảm động tận đáy lòng và nhận được các ơn sủng tương ứng. 
 
    - Có thể như thế sao? 
 
    - Phải, nhưng luôn luôn chính Chúa chữa lành nhờ Thần khí của ngài. Đây không phải là ma thuật! Bạn hãy nhớ rằng việc chữa lành bên trong không chỉ hoàn thành một lần, như điều này có thể xảy ra trong việc chữa lành thể lý: đây là một con đường cần phải đi, một cuộc hành hương mà người ta sống ngày này sang ngày khác, trong niềm tin tưởng, bằng cách tự cho mình các phương tiện để thực hiện cuộc hành hương đó. 
 
    - Và Đức trinh nữ Maria làm gì trong việc chữa lành? 
 
    - Ngài can thiệp cho chúng ta, để chúng ta được chữa lành. Do đó chúng ta có thể cầu xin ngài ở khắp mọi nơi và vào mọi lúc, như những người con: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này…” 
 
    - Còn ở Lộ Đức? 
 
    - Lộ Đức, nhờ sáng kiến của Chúa và sự trung gian của Mẹ Maria tại nơi thánh này, là một nơi cao cả thường xuyên có sự chữa lành. Cộng đồng tín hữu Kitô qui tụ lại này, bao gồm những người đến từ các nước, các dân tộc, các chủng tộc, các ngôn ngữ, khỏe mạnh cũng như bệnh tật (được nhìn nhận như là những người hoàn hảo một phần), hiệp thông trong đức tin, kinh nguyện, lòng bác ái, lễ vật, tại nơi mà Trời mở ra. “Các con hãy làm ơn đến đây”, Nữ trinh van xin Bernadette. Ở đây, các gánh nặng của chúng ta có thể được trút bỏ, các thương tổn được bộc lộ và các cử chỉ tin tưởng được đưa ra, một cách nhưng không, một cách rất cụ thể, đầy ý nghĩa. Và mỗi người đều tự do đi và đến nơi nào họ muốn: hang đá, các hồ tắm, chặng đường thánh giá, làm việc tôn sùng, trong nhà nguyện này hoặc nhà nguyện khác, nhất là nhà nguyện Hòa giải. Các bạn hãy đến, và trải nghiệm rằng ở đây ngày nay trời vẫn còn mở ra cho mỗi người! 
 
    - Kết luận của ông là gì? 
 
    - Tốt lắm, nếu bạn muốn có kết luận, tôi sẽ nói rằng sau thế kỷ thứ XX này là thế kỷ đã gây ra biết bao đau khổ, thế giới cần các bạn hơn bao giờ hết, những người trẻ, để loan báo trong suốt cuộc đời của các bạn rằng cái tốt mạnh mẽ và sâu xa hơn cái xấu. Nếu cá nhân bạn khám phá đức Kitô ở bên trong chính bạn, và nếu bạn bước vào một tiến trình cho đi và từ bỏ, thì đó là bạn đưa Chúa đến cho thế giới: Ngài sẽ có thể hiện hữu trong tất cả các giá trị của nhân loại chúng ta và lịch sử chúng ta cũng như ngài sẽ lại đến trong vinh quang. 
 
    - Đó là phép lạ cuối cùng! 
 
    - Tôi có cảm tưởng như thế…