Công Giáo Khắp Nơi

Tại các Giáo Phận bên Pháp, từ vài năm nay, vào Đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh, có khoảng hơn 3 ngàn người lớn lãnh bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Sự kiện này khiến nhiều người cho rằng đây chỉ là một khuynh hướng xã hội khi muốn trở thành tín hữu Công Giáo. Nhưng sự thật không phải như thế.

 

bocauSau biến cố tôn phong chân phước cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1920-2005) tại thủ đô Roma, vào Chúa Nhật 12-6-2011, lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Cha Jacques Benoit-Gonnin, Giám Mục Giáo Phận Beauvais, Noyon và Senlis ở miền Bắc nước Pháp, đã ban bí tích Thêm Sức cho một số đông tín hữu tân tòng, trong đó có bà Sylvie và bà Patricia, hai bà mẹ trẻ ở lứa tuổi tứ tuần. Xin nhường lời cho hai bà trình bày thế nào là tín hữu Công Giáo đúng nghĩa.

 

Bà Patricia. Trong xã hội tục hóa hiện đại, chú trọng nhiều đến tiêu thụ, hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, muốn có tất cả tức khắc, các tín hữu Công Giáo thường bị nhạo báng, bị kỳ thị, ngay cả trong các trường tư lập. Trong bối cảnh ấy việc trở thành tín hữu Công Giáo có nghĩa là đi ngược chiều, là có nhãn quan khác, là dám vượt lên trên mọi khuynh hướng và đặc biệt là thấm đậm ghi dấu bởi Tình Yêu THIÊN CHÚA! Chính THIÊN CHÚA lôi cuốn quyến dũ chúng tôi. Các lý do khác chỉ là phụ thuộc. Thật vậy, đối với chúng tôi là người trưởng thành, chúng tôi không bị giao động bởi thế giới bên ngoài nhưng chỉ ước ao làm sao có lối sống thật hòa hợp thật an bình với chính chúng tôi mà thôi!

 

Chúng tôi may mắn sống tại thành phố Senlis nằm trong huyện Oise vùng Piccardia là nơi có đông đảo tín hữu Công Giáo thuộc đủ mọi lứa tuổi và đến từ nhiều góc biển chân trời khác nhau. Không ai có cảm tưởng bị cô đơn nhưng hạnh phúc vì cảm thấy thuộc về một đại gia đình cùng chia sẻ một Đức Tin Công Giáo. Tại đây chúng tôi hít thở bầu khí cởi mở, có tinh thần đại kết và các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tươi vui.

Khi thành lập Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ”phủi bụi” cho Giáo Hội Công Giáo và mở rộng chân trời liên văn hóa thật sống động. Qua ơn đoàn sủng với không biết bao nhiêu sinh hoạt, các bài giảng, các thông điệp, các tông huấn tông thư, Đức Gioan Phaolô II đã lay động, đã thức tỉnh chúng tôi khi khẳng định một cách hùng hồn Sứ Điệp của Hội Thánh, ngay cả khi phải đi ngược với trào lưu tư tưởng hiện đại.

 

Riêng tôi vẫn còn ghi đậm ấn tượng. Tôi vẫn còn căn cứ trên hai câu nói thời danh của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Câu thứ nhất: ”Anh Chị Em Đừng Sợ!”, lúc ấy tôi mới chỉ là thiếu nữ 15 tuổi. Nhưng câu nói đã lay động mạnh nơi tôi. Câu thứ hai: ”Hỡi nước Pháp, trưởng nữ của Giáo Hội, con đã làm gì về phép Rửa Tội của con?” Câu hỏi đúng thật là luồng điện chạm thẳng vào người tôi và tháp tùng tôi suốt hành trình tiến về với Đức Tin Công Giáo. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho tôi, cho tất cả chúng ta, niềm can đảm dám khẳng định Đức Tin và niềm hãnh diện vì thuộc về Giáo Hội Công Giáo duy nhất thánh thiện và tông truyền! Chúng ta dám ra khỏi thái độ e-dè - nếu không muốn nói là hổ thẹn - để tuyên xưng mình là tín hữu Công Giáo. Chúng ta dám công khai sống đạo, siêng năng đi nhà thờ, tôn kính ảnh thánh, đeo ảnh thánh và tham dự các buổi Đi Đàng Thánh Giá trọng thể vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

 

Rồi chúng ta cũng phải thừa nhận kết quả sáng chói của Các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ngày này đã thành công trong việc quy tụ các bạn trẻ sống trong một bầu không khí vui tươi, cầu nguyện, sốt sắng và nhiệt thành.

 

Bà Sylvie. Các giáo huấn của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn giữ nguyên tính chất thời sự trong xã hội hiện đại với các tranh cãi liên quan đến các vấn đề chính trị, luân lý đạo đức, hôn nhân và gia đình, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ sự sống thánh thiêng từ khi bắt đầu thành hình trong dạ mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Trên bình diện quốc tế, tôi ngạc nhiên nhận ra nét tương đồng giữa cái sụp đổ của bức tường Bá-linh với mùa xuân Ả-rập. Tất cả đều khơi nguồn từ ước muốn được giải phóng khỏi gông cùm độc tài và từ ước nguyện thâm sâu là phẩm giá con người và các quyền lợi căn bản nhất của con người phải được tôn trọng. Đó là các giá trị thánh thiêng luôn luôn được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cổ động và bảo vệ.

 

Bà Patricia. Trong cuộc sống thường nhật tôi có thể làm chứng rằng được sống với tư cách là tín hữu Công Giáo ban sức mạnh cho chúng tôi rất nhiều. Thêm vào đó, khi chứng kiến cảnh nhiều người trưởng thành lãnh bí tích Rửa Tội hay bí tích Thánh Thể, tôi được khích lệ tiến bước trên hành trình Đức Tin. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng:


- Sống theo các giáo huấn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ sẽ giúp chúng tôi rạng rỡ và làm cho chúng tôi thoáng nhận ra như là các tia sáng hay như là các lính canh hừng đông nếu nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 

Có lẽ không phải là một khuynh hướng khi trở thành tín hữu Công Giáo cho bằng đó là một đòi buộc và có giá trị vô cùng! Kitô Giáo là Tình Yêu. Và tôi rất thích công thức của Cha Guy Gilbert - vị Linh Mục của Giới Trẻ bụi đời - thường lập đi lập lại: ”Phải sống như thế nào để qua cách thức chúng ta sống, người ta bắt buộc phải nghĩ rằng: Không thể nào mà THIÊN CHÚA không hiện hữu!” Nói cách khác, người ta bắt buộc phải tin rằng: THIÊN CHÚA hiện hữu thật sự. Vâng, đúng thế, đối với chúng tôi thì gương sống lành thánh là phương thế hữu hiệu nhất để khẳng định Đức Tin. Nói mà không làm thì thật vô ích! Lời nói phải đi đôi với việc làm!

 

Bà Sylvie và bà Patricia. Sở dĩ chúng tôi quyết định xin lãnh bí tích Thêm Sức vào giữa cuộc đời chúng tôi, chính vì lòng chúng tôi cảm nhận một nỗi khao khát thiêng liêng. Chúng tôi ước ao nhận lãnh cái viên mãn ơn thánh của Chúa Thánh Linh. Chúng tôi cần được sự trợ giúp tràn đầy của Chúa Thánh Linh để có sức mạnh tiến xa hơn trong cuộc sống của tín hữu Công Giáo.

 

... Đức Chúa GIÊSU nói với mọi người: ”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì Thầy và vì những lời của Thầy, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Luca 9,23-26).

 

(”Église de Beauvais”, La vie des catholiques dans l'Oise, No 7-8, Juillet-Aout 2011, trang 14-15)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt