Sáng ngày 29-1-2008, ĐHY Paul Cordes, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, đã họp báo giới thiệu Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân dịp Mùa Chay, bắt đầu từ ngày 6-2 đến 23-3-2008:
“Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì anh chị em ” (2 Cr 8,9).
Anh chị em thân mến!
1. Mỗi năm, Mùa Chay mang lại cho chúng ta một cơ hội theo ý Chúa Quan Phòng để đào sâu ý nghĩa và giá trị cuộc sống Kitô của chúng ta và khích lệ chúng ta khám phá lòng từ bi của Thiên Chúa, để đến lượt chúng ta trở nên từ bi hơn đối với anh chị em mình. Trong Mùa Chay, Giáo Hội quan tâm đề nghị một số công tác đặc biệt tháp tùng các tín hữu một cách cụ thể trong tiến trình canh tân nội tâm, đó là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí. Năm nay, qua Sứ điệp Mùa Chay như thói quen, tôi muốn dừng lại để suy tư về việc làm phúc như một phương thức cụ thể để giúp đỡ những người đang gặp cảnh túng quẫn và đồng thời, đó cũng là một việc thực hành khổ chế để giải thoát chúng ta khỏi sự quyến luyến của cải trần thế. Hễ những quyến rũ của của cải vật chất càng mạnh, thì quyết tâm của chúng ta càng phải rõ ràng để không coi chúng là thần tượng: Chúa Giêsu đã minh bạch quả quyết: ”Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Lc 16,13). Làm phúc bố thí giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ liên lỷ ấy, dạy chúng ta đáp ứng những nhu cầu của tha nhân và chia sẻ với họ những gì chúng ta có được nhờ lòng nhân từ của Chúa. Những cuộc lạc quyên đặc biệt để giúp đỡ người nghèo tại nhiều nơi trên thế giới trong Mùa Chay nhắm đến mục đích ấy. Như thế, cùng với sự thanh tẩy nội tâm, chúng ta có thêm một sự chỉ hiệp thông Giáo Hội, như đã xảy ra trong Giáo Hội sơ khai. Thánh Phaolô đã nói về điều ấy trong các Thư của ngài liên quan tới cuộc lạc quyên để giúp đỡ cộng đoàn Jerusalem (Xc 2 Cr 8-9; Rm 15,25-27).
2. Theo giáo huấn của Tin Mừng, chúng ta không phải là sở hữu chủ nhưng là những người quản lý các tài sản chúng ta có; vì thế, không được coi những của cải vật chất chúng ta sở hữu như tài sản hoàn toàn thuộc về ta, nhưng như những phương tiện qua đó Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ của sự quan phòng của Ngài đối với tha nhân. Như Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở, của cải vật chất có một giá trị xã hội, theo nguyên tắc các của cải ấy là để mưu ích cho tất cả mọi người (Xc. số 2404).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã minh bạch cảnh giác những người có của cải vật chất nhưng chỉ sử dụng cho mình. Đứng trước bao nhiêu người thiếu thốn mọi sự và đang chịu đói, những lời của thánh Gioan sau đây như một lời khiển trách nặng nề: ”Nếu một người có của cải trần thế này thấy người anh em mình ở trong tình cảnh túng quẫn mà khép kín tâm hồn mình lại, thì làm sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong kẻ ấy được?” (1 Ga 3,17). Những lời mời gọi chia sẻ ấy càng vang dội hùng hồn tại những nước có đa số dân là tín hữu Kitô, vì trách nhiệm của họ càng nặng nề đứng trước đông đảo những người đang chịu cảnh nghèo đói và bị bỏ rơi. Cứu giúp những người ấy là một nghĩa vụ thuộc về đức công bằng trước khi là một hành vi bác ái.
3. Tin Mừng làm nổi bật một đặc tính tiêu biểu của việc làm phúc bố thí theo tinh thần Kitô giáo: hành động này phải kín đáo. Chúa Giêsu nói, ”Đừng để tay trái của ngươi biết việc tay phải của người làm, để việc làm phúc của ngươi được bí mật” (Mt 6,3-4). Trước đó Chúa đã nói rằng không được vênh vang vì các việc lành của mình, để khỏi bị nguy cơ mất phần thưởng trên trời (Xc Mt 6,1-2). Mối quan tâm của người môn đệ là làm sao để tất cả được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cảnh giác: ”Như thế ánh sáng của các con chiếu tỏa rạng người trước mặt người đời, để họ thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha các Con ở trên trời” (Mt 5,16). Vì thế, tất cả phải được thực hiện vì vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để làm vinh danh chúng ta. Anh chị em thân mến, ý thức này phải tháp tùng mọi hành vi trợ giúp tha nhân, tránh không để cho nó biến thành một phương thế để làm cho mình được nổi bật. Nếu khi thực hiện một hành vi tốt đẹp, chúng ta không nhắm mục tiêu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích đích thực cho anh chị em, nhưng chỉ nhắm cho mình được tư lợi hoặc được hoan hô, thì chúng ta đặt mình ra khỏi nhãn giới của Tin Mừng. Trong xã hội tân tiến với những hình ảnh, cần phải quan tâm canh chừng vì cám dỗ vừa nói thường xảy ra. Làm phúc bố thí theo tinh thần Tin Mừng không phải chỉ là yêu người: đúng hơn đó là một sự diễn tả đức bác ái một cách cụ thể, đây là một nhân đức đối thần đòi phải có sự hoán cải nội tâm, trở về với tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, noi gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến thân mình vì chúng ta khi chịu chết trên thập giá. Làm sao không cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu người đang quảng đại nâng đỡ tha nhân trong cảnh khó khăn với tinh thần vừa nói, trong âm thầm, xa cách mọi ngọn đèn pha của xã hội truyền thông? Trao tặng của cải của mình cho tha nhân chẳng ích lợi bao nhiêu, nếu tâm hồn trở nên kiêu hãnh vì hành động ấy: Đó là lý do tại sao người biết Thiên Chúa nhìn trong bí mật và tưởng thưởng trong âm thầm, nên không nên tìm kiếm sự nhìn nhận của loài người đối với những công việc từ bi họ thực hiện.
4. Khi mời chúng ta cứu xét việc làm phúc bố thí với một cái nhìn sâu xa hơn, vượt lên trên chiều kích hoàn toàn vật chất, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh (Xc TĐCV 20,35). Khi chúng ta hành động với tình yêu, chúng ta diễn tả sự thật của con người chúng ta: thực vậy chúng ta được dựng nên không phải cho chính chúng ta, nhưng là cho Thiên Chúa và anh chị em (Xc 2 Cr 5,15). Mỗi lần chúng ta chia sẻ của cải với tha nhân túng thiếu, vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta cảm nghiệm rằng sự sống sung mãn đến từ tình yêu, và tất cả trở về cùng chúng ta như phúc lành, dưới hình thức an bình, mãn nguyện nội tâm và vui mừng. Chúa Cha trên trời tưởng thưởng những việc làm phúc bố thí của chúng ta bằng niềm vui của Ngài. Và hơn nữa, thánh Phêrô liệt kê sự tha thứ tội lỗi vào số những hoa trái thiêng liêng của việc làm phúc bố thí. Ngài viết: ”Đức bác ái che phủ được nhiều tội lỗi” (1 Pr 4,8). Như phụng vụ Mùa Chay thường lập lại, Thiên Chúa ban những cơ hội tha thứ cho chúng ta là những người tội lỗi. Sự kiện chia sẻ với người nghèo điều chúng ta sở hữu làm cho chúng ta sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ ấy. Trong lúc này, tôi nghĩ đến bao nhiêu người cảm thấy gánh nặng sự ác họ đã làm, và chính vì thế, họ cảm thấy xa lìa Thiên Chúa, sợ hãi và hầu như không có khả năng chạy đến cùng Chúa. Việc làm phúc bố thí, khi giúp chúng ta đến gần tha nhân, nó cũng đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và có thể trở thành phương thế đích thực để có sự hoán cải chân chính và hòa giải với Chúa và anh chị em.
5. Việc làm phúc bố thí giáo dục về sự quảng đại của tình yêu. Thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo thường nhắn nhủ: ”Anh chị em đừng bao giờ đếm những đồng tiền mà anh chị em cho đi, vì tôi luôn nói thế này: nếu khi làm phúc, tay trái không được biết việc tay phải làm, thì cả tay phải cũng không được biết điều mà chính nó làm” (Detti e pensieri, Edilibri, n.201). Về vấn đề này, một điều ý nghĩa hơn bao giờ hết là giai thoại Tin Mừng về bà góa, trong tình cảnh lầm than, đã bỏ vào hòm tiền của Đền thờ ”tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,44). Đồng tiền bé nhỏ và không đáng kể của bà trở thành một biểu tượng hùng hồn: bà góa ấy dâng cho Thiên Chúa không phải những của dư thừa của bà, không phải điều mà bà có, nhưng chính bản thân của bà.
Giai thoại cảm động này được lồng trong trình thuật những ngày liền trước cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô đã nhận xét, Chúa đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” Xc 2 Cr 8,9); Ngài đã hiến trọn thân mình vì chúng ta. Mùa Chay, qua việc làm phúc bố thí, cũng thúc đẩy chúng ta noi gương Chúa. Nơi trường của Ngài chúng ta có thể học cách biến cuộc sống chúng ta thành một sự tận hiến hoàn toàn; noi gương Chúa, chúng ta sẽ làm cho mình được sẵn sàng, không phải để cho đi những gì chúng ta sở hữu, nhưng cho đi chính bản thân chúng ta. Toàn thể Tin Mừng chẳng được tóm gọn thành giới răn yêu thương duy nhất đó sao? Vì thế, việc làm phúc bố thí trong Mùa Chay trở thành một phương thế để đào sâu ơn gọi Kitô của chúng ta. Khi hiến thân một cách nhưng không, Kitô hữu làm chứng rằng không phải của cải vật chất đề ra những luật lệ của cuộc sống, nhưng là tình yêu. Vì thế, điều mang lại giá trị cho việc làm phúc bố thí chính là tình yêu, tình yêu gợi lên những hình thức khác nhau trong việc trao tặng, theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.
6. Anh chị em thân mến, Mùa Chay mời gọi chúng ta ”rèn luyện tinh thần”, kể cả việc làm phúc bố thí, để tăng trưởng trong tình bác ái và nhìn nhận chính Chúa Kitô ở nơi người nghèo. Trong sách Tông Đồ Công Vụ có thuật lại Tông Đồ Phêrô đã trả lời người què, khi anh ta xin ngài làm phúc ở cửa Đền thờ, rằng: ”Vàng bạc thì tôi không có, nhưng điều mà tôi có, tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô, thành Nazareth, anh hãy bước đi” (TĐCV 3,6). Khi làm phúc bố thí chúng ta trao tặng một cái gì vật chất, dấu chỉ một món quà cao cả hơn mà chúng ta có thể trao tặng tha nhân với việc rao giảng và chứng tá của Chúa Kitô, nơi danh Ngài có sự sống chân thật. Vì thế mùa này có đặc tính là một cố gắng bản thân và cộng đoàn gắn bó với Chúa Kitô để trở thành chứng nhân của tình yêu Chúa. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là Nữ Tỳ trung tín của Chúa, giúp các tín hữu thực hiện cuộc ”chiến đấu tinh thần” trong Mùa Chay, được võ trang bằng lời cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí, để tiến đến lễ Phục Sinh, được canh tân tinh thần. Với ước nguyện đó, tôi vui lòng ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.
Vatican ngày 30 tháng 10 năm 2007
Biển Đức 16, Giáo Hoàng
LM. Trần Đức Anh, OP. Chuyển dịch
Trích VietCatholic News (Thứ Tư 30/01/2008 10:06)