Hộ Giáo
Bài của MARIO DERKSEN

 
Trên một trang mạng (website) của Hội Thánh Tin Lành đã đăng một bài có tựa đề “10 lý do hàng đầu tại sao Phêrô không phải là Đá mà trên đó Chúa Giêsu Kitô đã xây nên Hội Thánh của Người”, bài viết này đang thách đố người Công Giáo giải thích 10 vấn nạn này. Thay mặt cho Giáo Hội Công Giáo tôi xin đưa ra 10 câu trả lời. Các câu trả lời của tôi như sau (xin vui lòng đọc hết tất cả các câu trả lời, vì các câu trả lời sau có thể làm sáng tỏ cho các câu trả lời trước) 
 
Vấn nạn 1 : 
 
“Danh xưng Phêrô theo tiếng Hy Lạp là Petros, đó là tên người theo giống nam. Trong khi đó, cũng theo tiếng Hy Lạp, petra hay là đá thuộc về giống cái, tức là, thật hợp lý hơn khi cho rằng Chúa Giêsu đang đề cập đến điều gì khác chứ không phải là đề cập đến ông Phêrô.” 
 
Trả lời : 
 
Không phải vậy. Rõ ràng đây là điều vô lý vì một vài lý do. Chúng ta hãy xem xét lại bản văn  trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 16, từ câu 13 đến câu 19 
 
Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Đức Giêsu nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên Trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì trên Trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 
 
Xin lưu ý là : đây là đoạn văn trong đó cái tên Simon được đổi thành Petros (theo tiếng Hy Lạp) hay Cephas (theo tiếng A-ram; xin tham khảo Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 1, câu 42.) Cephas có nghĩa là tảng đá, chẳng có gì mà phải lý sự về chuyện đó. Theo lẽ thường thì chỉ có một vấn đề là : Petros cũng có nghĩa là đá, cho dù trong ngôn ngữ viết ghi là Petra, là một danh từ thuộc về giống cái, mà cũng chẳng thực sự quá khó khăn để hình dung ra tại sao Chúa Kitô lại không muốn cho ông Si-môn một tên tuổi thuộc về đàn bà con gái ! 
 
Điều thứ hai là : nếu Quý Vị nhìn vào đoạn văn trên, giả như câu nói “trên đá này” không đề cập đến Thánh Phêrô, vậy tại sao Đức Kitô lại đổi tên ông Si-môn ngay lúc bấy giờ và ngay ở chỗ đó ? Đức Kitô có ý gì khi nói thêm “anh là đá” ? Chẳng lẽ Đức Kitô không thể đổi cái tên ấy vào một dịp khác hay sao ? Làm sao mà Chúa lại nói một cách chắc nịch : “Này anh Si-môn, anh thật có phúc. Giờ đây anh được gọi là Phêrô (nghĩa là Đá), và trên [thứ khác] Thầy xây dựng Hội Thánh của Thầy. Đây là chìa khóa Nước Trời” như vậy được ??? 
 
Điều thứ ba là : trong câu văn này, việc chơi chữ làm cho ý nghĩa trở nên mơ hồ trong Anh Ngữ, nhưng lại làm cho rõ nghĩa trong một số ngôn ngữ khác trên thế giới (theo tôi, chúng ta cần tự mình nhớ lại ngay bây giờ và sau này là Anh Ngữ không phải là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới). Vì thế, đây là một câu đố nhỏ dành cho các đọc giả : hãy đọc câu văn này (Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 16, câu 18) theo các thứ tiếng khác nhau xem Quý Vị có thể nhặt ra hai chữ tương tự như nhau trong từng văn mẫu ( hay rất gần như là giống nhau) 
 
Tiếng Hy Lạp : kago de soi lego hoti su ei Petros, kai epi taute te petra oikodomeso mou ten ekklesian, kai pulai hadou ou katischusousin autes. 
 
Tiếng Pháp : Et moi, je te déclare : Tu es Pierre, et sur cette pierre j'édifierai mon Église, contre laquelle la mort elle-même ne pourra rien. 
 
Tiếng Ý : E io ti dico: Tu sei Pietro e su questa pietra edificherò la mia chiesa e le porte degli inferi non prevarranno contro di essa. 
 
Tiếng La Tinh : et ego dico tibi quia tu es Petrus et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam et portae inferi non praevalebunt adversum eam. 
 
Tiếng Tây Ban Nha : Yo te digo que tú eres Pedro, y sobre esta piedra edificaré mi iglesia, y las puertas del reino de la muerte no prevalecerán contra ella 
 
Theo ngôn ngữ học, Quý Vị có thể thấy các cặp từ như trên đều có liên hệ lẫn nhau, tham chiếu lẫn nhau trong câu văn này. Chỉ cần nhìn vào các ngôn ngữ khác, mới thấy thật là rõ ràng trên mặt chữ, nhất là trong tiếng Pháp ! Trong khi đó tác giả bài viết lại nói : “thật hợp lý hơn khi cho rằng Chúa Giêsu đang đề cập đến điều gì khác chứ không phải là đề cập đến ông Phêrô” thì điều hiển nhiên đối với tác giả là chỉ nhìn vào chính những từ rất không giống như từ “Petra” để đi đến việc loại trừ “Petros” 
 
Vấn nạn 2 : 
 
 “Chúa Giêsu đã dùng một nhân xưng đại danh từ để nói đến Petros (Phêrô) – [ANH là Phêrô] – nhưng không đề cập đến petra (Đá), Chúa Giêsu đã dùng một đại danh từ chỉ định – [TRÊN đá này] theo ngôi thứ ba.” 
 
Trả lời : 
 
Vậy thì sao ? Làm sao mà điều ấy bác bỏ được lời tuyên bố thành lập Hội Thánh ? Đức Kitô nói thẳng với ông Si-môn, Người nói : “[từ nay trở đi] anh là Phêrô.” Sau đó Người sử dụng đại danh từ chỉ định “này” để nhấn mạnh rằng Người xây dựng Hội Thánh của Người trên chính tảng đá này là ông Phêrô, chứ không trên bất kỳ người môn đệ nào khác (tham khảo Mt 16,13). Nói cách khác, Người phán : “anh là Đá, và trên đá này chính là anh, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Điều này còn trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta dùng chữ “đá” thay vì dùng chữ “Phêrô” : “Anh là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Có điều gì lạ về việc ấy ? Đức Kitô dùng đại danh từ chỉ định “này” bởi vì Người sử dụng từ ngữ ẩn dụ “đá” để áp dụng cho ông Phêrô. Hãy nhìn đi, Đức Kitô không đơn thuần cho ông Si-môn một cái tên mới, mà đồng thời Người còn làm sáng tỏ cái lý do tại sao ông Si-môn nhận cái tên mới Petros (Phêrô) ấy. Và đó là nguyên nhân mà ông Si-môn giờ đây trở thành “Tảng đá này [mà trên đó] Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” ! 
 
Vấn nạn 3 : 
 
 “Nếu Chúa Giêsu muốn nói Petros (Phêrô) có nghĩa là petra (Đá), chẳng có lý gì mà Người lại không nói “TRÊN ANH, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” nhưng Người đã không làm như thế ”. 
 
Trả lời : 
 
Người có thể nói như thế chứ, nhưng hiệu quả thì lại không được như vậy. Nào ! Toàn bộ luận điểm nằm ở chỗ đổi tên Si-môn thành Phêrô và bằng lời nói “trên đá này” (ngược lại với lời “trên anh”) Đức Kitô đã làm sáng tỏ lý do Người đổi tên : vì Phêrô giờ đây là “tảng đá này” mà trên đó Hội Thánh được xây nên ! Ngay chính sự việc Đức Kitô nói “trên đá này” chứ không nói “trên anh” thực sự làm cho sự khẳng định của người Công Giáo có khả năng đang tin tưởng hơn nữa ! Đáng thú vị là tác giả người Tin Lành này vừa mới bác bỏ “Vấn nạn 5” của mình (xem ở phần dưới) , trong đó ông nói : “Thực sự hợp lý hơn khi căn cứ trên bản văn, Đức Kitô nói rằng : ‘Trên đá này,’ là Người đang nói về chính mình.” Không phải vậy đâu, đừng có theo cái lập luận riêng của tác giả. Nếu Chúa Giêsu đề cập đến chính Người là đá, “chắc hẳn” Người sẽ dùng một nhân xưng đại danh từ, và “chắc hẳn” Người nói : “trên Thầy”. Người có nói như vậy không ? 
 
Vấn nạn 4 : 
 
 “Chúa Giêsu được viện dẫn như một tảng đá [petra] trong Tân Ước bởi một nhân vật không ai khác hơn là chính Thánh Phêrô [Petros] (x. 1 Pr 2,8) và cũng bởi Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại (Dt 9,33 và 1 Cr 10,4) 
 
Trả lời : 
 
Lấy gì mà chứng minh… chứng minh cái gì ? Đức Kitô đôi khi được nhắc đến như là một “viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” như tất cả mọi người chúng ta đều biết. Thì đã sao nào ? Tại sao lại trưng ra một cách giả thiết là Thánh Phêrô không thể là tảng đá mà trên đó Đức Kitô xây Hội Thánh của Người ? Bên cạnh đó, có một từ ngữ Hy Lạp không thể nhầm lẫn được là “viên đá” – lithos. Nếu Thánh Mát-thêu đã có ý muốn truyền đạt đến các người đọc Phúc Âm của Ngài là Thánh Phêrô chỉ là một viên đá, ngược lại với chữ “tảng đá”, thì chắc chắn là Ngài đã có một lời lẽ không thể nhầm lẫn được khả dĩ đối với Ngài. Nếu chúng ta nhấn mạnh ngôn ngữ Hy Lạp được dịch từ ngôn ngữ A-ram (cầu kỳ đối với tôi; xin xem thêm ở vấn nạn 6) thì chúng ta hãy làm đi, nhưng chúng ta hãy làm như thế hết mọi cách nhé ! Bấy giờ Đức Kitô sẽ nói là : “Anh là Lithos [“viên đá”] và trên petra [“tảng đá”] này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Tại sao Người không nói như thế ? 
 
Vấn nạn 5 :

 “Dựa trên bản văn, thật sự có vẻ hợp lý hơn, là khi Đức Giêsu nói : “Trên đá này” tức là Người đang đặc biệt chỉ rõ bản thân mình mà trên đó Người sẽ đặt nền móng cho việc thiết lập Hội Thánh sau này, theo Tông Đồ Công Vụ, đoạn 2, có nghĩa là : qua việc hy sinh cho đến chết của Người, là sự phục sinh đáng kính sợ và sự lên Trời trong vinh hiển.” 
 
Trả lời : 
 

Chẳng phải vậy, điều đó chẳng hợp lý hơn chút nào. Nhất là bản văn cho thấy vị thế của Giáo Hội Công Giáo đã hoàn chỉnh. Nếu Đức Kitô đã nói đến chính Người, thế thì tại sao Người lại nói “và trên đá này” chứ không nói “nhưng trên đá này [hay còn trên đá kia]” ? Nếu Đức Kitô muốn biểu thị một điều ngược lại, bấy giờ liên từ được dùng sẽ là chữ “nhưng” chứ không phải chữ “và” ! Trong thực tế, tại sao Người lại đổi tên ông Si-môn, và tại sao Phêrô [Petros] lại được dịch sang tiếng A-ram là “đá” ([Cephas], xem Ga 1,42) ? 
 
Vấn nạn 6 : 
 

 “Trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 16, câu 18, đã diễn ra cuộc nói chuyện, mà người dân ở miền Ga-li-lê đều nói tiếng Hy Lạp, chính vì thế mà có thể cuộc nói chuyện giữa các Ngài đã diễn ra bằng tiếng Hy Lạp.” 
 
Trả lời : 
 

Tôi cho đó có thể là các Ngài nói tiếng Hy Lạp, nhưng Thánh Kinh lại cho biết theo cách khác hơn : “Người cầm lấy tay đứa bé và nói ‘Talitha cumi’, nghĩa là [được dịch là] ‘Này bé, Thầy truyền cho con : trỗi dậy đi !’ (Mc 5,41). “Talitha cumi” là tiếng A-ram chứ không phải là tiếng Hy Lạp. Lúc bấy giờ, phần khá thú vị là lúc đó Chúa Giêsu nói với một gia đình đang sống ở miền Ga-li-lê (x. Mc 5,20-21), vậy thì tại sao Người lại không nói tiếng Hy Lạp, nếu tác giả Tin Lành nói đúng ? 
 
Dầu sao đi nữa, trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 1, câu 42, chúng ta đã có một cái tên mới của ông Si-môn được dịch sang tiếng A-ram, tên đó đọc là Kê-pha (Cephas), có nghĩa là “Đá”. Nếu tác giả Tin Lành nói đúng và Phêrô chỉ là một “viên đá” [một petros], thì tiếng A-ram được sử dụng sẽ là “evna” chứ không phải là “cephas”. Chúng ta hãy nhớ lại ở chỗ này trong Kinh Thánh, việc đổi tên luôn xảy ra khi diễn ra một sự việc gì đó hết sức quan trọng, thí dụ như : khi vai trò của một người nào đó thay đổi. Đức Kitô sẽ không đổi tên của ông Si-môn một cách ngẫu hứng, đặc biệt là không phải sang tên Petros, một cái tên trước đây chưa từng được đặt ! 
 
Vấn nạn 7 : 
 

Thánh Mát-thêu vẫn thường dịch và giải thích những thuật ngữ không phải là thuật ngữ Hy Lạp quan trọng trong Phúc Âm của Ngài, nếu Chúa Giêsu có ý muốn nói Petros là đá tảng (làm nền móng) thì chắc hẳn Thánh Mát-thêu đã phải dịch và giải thích như Ngài đã dịch và giải thích trong Mt 1,23; 37,33 và 27,46. 
 
Trả lời : 
 

Tại sao ? Chẳng cần phải làm điều ấy ! Chẳng có người Tin Lành nào còn có phản đối nào cả ! Thật rõ ràng là ông Si-môn là tảng đá, là petra, nhưng vì là đàn ông, người ngư phủ trở thành Giáo Chủ, nên khi viết phải là Petros ! Cephas ! Phêrô ! Tảng Đá ! 
 
(Có lẽ người phản biện muốn chơi chữ nhắm vào tác giả Tin Lành khi sử dụng từ “Protestants” đi cùng với từ “protesting” trong cùng một câu trả lời này.)

Vấn nạn 8 : 
 
“Chúa Thánh Thần đã đặc biệt chọn ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại để truyền đạt một cách xác thực đúng đắn chân lý của Thiên Chúa, như thế, chúng ta phải xem xét chứng cứ theo tiếng Hy Lạp hơn là từ Cephas của Giáo Hội Công Giáo La Mã – chứng cứ Cephas trong tiếng A-ram là một chữ được dịch trong sách Phúc Âm mà Thánh Mát-thêu viết bằng tiếng Hy Lạp cổ đại.” 
 
Trả lời : 
 
Chúa Thánh Linh cũng đã đặc biệt chọn ngôn ngữ A-ram để nhấn mạnh cho cái tên mới của ông Si-môn : “Đức Giêsu nhìn ông Si-môn và nói : Anh là Si-môn, con ông Gio-na. Anh sẽ được gọi là Kê-pha [Cephas] tức là Phêrô. (Ga 1, 42). Nhưng thừa nhận là Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu đã nguyên thủy được viết bằng ngôn ngữ Hy Lạp, chúng ta không cần thiết phải thừa nhận là tên này được viết bằng tiếng A-ram nữa làm gì. Chúng ta có mọi chứng cứ cần thiết. Đức Kitô khởi gợi cho ông Si-môn thú nhận về đức tin của mình, từ đức tin đó, Người đã đáp lại bằng việc chúc phúc cho ông Si-môn, vì sự việc ấy không bởi một người nào khác tỏ lộ ra cho ông mà là do chính Đức Chúa Cha tỏ lộ ra. Theo đó, Người chọn riêng ông Si-môn và cho ông biết rằng giờ đây ông đã có một cái tên mới, một danh xưng được căn cứ vào chữ “Tảng Đá”, nhưng với một chữ cuối cùng thuộc về giống đực vì ông là người đàn ông, và trên tảng đá này (xem phần : sẽ trở thành tảng đá nào ???), Người sẽ xây Hội Thánh của Người, đồng thời cũng để cho ông (Si-môn Phêrô) từ đây sẽ nhận lấy Chìa Khóa Nước Trời ! Thôi mà, điều này hết sức dễ hiểu (hoàn toàn trong suốt), hết sức trôi chảy tự nhiên, thế mà Bạn lại còn muốn nó trở thành sai lạc để tranh luận ngược lại. Mà ở điều này Bạn lại không đề cập đến một vấn đề khác : phải chăng người Tin Lành khi thừa nhận rằng Thánh Pêrô là Đá, thì ngôi vị Giáo Hoàng là sự thật ? Giờ đây sự việc ấy đang giải thích được nhiều điều, phải không nào…? Tuy vậy, vấn đề của sự việc vẫn còn tồn tại. 
 
Vấn nạn 9 : 
 
 “Nếu Chúa Giêsu có ý muốn nói ngôi vị Giáo Hoàng là một khía cạnh quan trọng của người Kitô Hữu, thì chắn hẳn Người đã nói thẳng ra điều đó như Người nói hết sức thẳng thắn về sự quang lâm của Người chứ.” 
 
Trả lời : 
 
Cho tôi được hỏi lại lần nữa : tại sao thế ? Sự thể chưa đủ rõ ràng hay sao ? Các Thánh Tông Đồ và các Thánh Giáo Phụ đã truyền dạy như thế ! Không những điều ấy đã trải qua mà còn được thử thách nghiêm trọng cho đến thế kỷ thứ chín (thời Photius), dù sao, ngôi vị Giáo Hoàng này chẳng những không bị nghi ngờ mà còn là ngôi vị Giáo Hoàng tiên khởi. Nhưng người Tin Lành lại từ chối hết thảy hệ thống phẩm trật của Giáo Hội Công Giáo (được thôi, hãy cứ dựa vào những điều mà người Tin Lành các bạn đang nói đến !). Bên cạnh đó, phải chăng người Tin Lành thực sự muốn đi trên con đường này ? Chúng ta có thể dễ dàng sử dụng luận cứ này và chuyển sang chống lại ông ta về cái học thuyết ngang bướng “chỉ nhờ đức tin mà thôi” của ông ta. Có ai còn nhớ đến lời của Thánh Gia-cô-bê nói trong thư của Ngài, đoạn 2, câu 24 hay không ? 
 
Vấn nạn 10 : 
 
 “Những người theo Giáo Hội Công Giáo La Mã sử dụng câu 18 trong đoạn 16 Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, nói rằng : Giáo Hoàng là đầu của Giáo Hội Hoàn Vũ, điều này nghịch lại với Thánh Kinh nói rằng : Chúa Giêsu là đầu của thân thể (cũng là đầu của Giáo Hội Hoàn Vũ) như trong thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Cô-lô-sê, đoạn 1, câu 18.” 
 
Trả lời : 
 
Bạn đã bắt đầu trở thành trẻ con rồi đấy ! Ở đây, có thể tác giả Tin Lành đã đơn giản nhặt ra được trong Giáo Lý của Công Đồng Trento để tìm ra câu trả lời cho vấn nạn này : 
 
Hội Thánh chỉ có một người cai quản và làm thủ lãnh, là Đấng vô hình, chính là Đức Kitô, mà Chúa Cha Hằng Hữu đã đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh chính là Thân Mình Người; còn người hữu hình là Đức Giáo Hoàng, là người kế vị chính thức Thánh Phêrô, là Hoàng Tử giữa các Thánh Tông Đồ, được bổ nhiệm giữ Tông Tòa. 
 
Chính các Thánh Giáo Phụ nhất trí dạy rằng cái đầu hữu hình này cần thiết phải có, nhằm thiết lập và duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Thánh Giê-rôm đã lĩnh hội tỏ tường và Ngài đã minh thị một cách rõ ràng, khi Ngài đứng ra chống lại bè lũ Jovie, Ngài viết rằng : Bằng việc bổ nhiệm một thủ lãnh, một người được bầu ra để mọi nguyên cớ gây phân ly sẽ được loại bỏ. Trong thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Damaso, cũng là một Tiến Sĩ Hội Thánh, Ngài viết : Vứt bỏ đi niềm ganh tỵ, mong sao cho tham vọng uy quyền của Giáo Hội La Mã ngừng lại ! Con xin thưa với vị kế tục sự nghiệp người ngư phủ và là với người môn đệ của Thập Giá. Con không theo một thủ lãnh nào ngoài Đức Kitô, mà xin được hiệp nhất trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, nghĩa là, với Ngai Tòa của Thánh Phêrô. Con biết rằng trên tảng đá này Hội Thánh được xây nên. Bất cứ ai ăn thịt Con Chiên Thiên Chúa bên ngoài Tòa này đều là người báng bổ; bất cứ ai không ở trong con tàu Nô-e sẽ phải bỏ mạng sống trong cơn hồng thủy. 
 
Thánh I-rê-nê và Cyprianô cũng đã thiết lập học thuyết tương tự trước đó. Người hậu thế nói về sự hiệp nhất của Giáo Hội với nhận xét là : Chúa nói với ông Phêrô : Này anh Phêrô, Thầy nói cho anh biết anh là đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Người xây dựng Hội Thánh của Người trên một tảng đá. Tuy vậy, sau khi Phục Sinh, Người ban lại cho các Tông Đồ cái uy quyền tương đương như thế với lời : Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng lại sai các anh em, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; tuy vậy, để sự hiệp nhất được hiển nhiên hơn nữa, bằng thẩm quyền, Người đã quyết định là sự hiệp nhất phải được bắt nguồn từ một người mà thôi, v.v… 
 
Lại nữa, Thánh Optatus thành Milevi nói rằng : Các bạn không thể bào chữa về lý do không hiểu biết, mà hãy biết rằng khi các bạn làm như thế tại Thành Rôma là nơi mà ngai giám quản đầu tiên được ban cho Thánh Phêrô, người nắm chức vụ hàng đầu nơi các Thánh Tông Đồ; tức là tại một ngai tòa đó mà sự hiệp nhất của Giáo Hội sẽ mọi người được duy trì, và để các Thánh Tông Đồ khác sẽ không thể tuyên bố từng ngai tòa cho chính mình; ngõ hầu giờ đây người nào dựng thêm người khác vào vị trí ngai tòa duy nhất này đều là người ly giáo và là một kẻ lập lờ. 
 
Sau này, Thánh Ba-si-lô viết rằng : Thánh Phêrô được tạo thành nền móng, vì Ngài thưa với Chúa : Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống; và đã được đáp lại rằng Ngài là một tảng đá. Nhưng cho dù Ngài là một tảng đá, Ngài vẫn chẳng phải là một tảng đá như Đức Kitô; vì Đức Kitô mới thật sự là một tảng đá không thể lay chuyển, còn Thánh Phêrô thì chỉ bởi tảng đá không thể lay chuyển ấy. Vì Đức Giêsu ban tặng các tước hiệu cao quý cho người khác, nên Người là thượng tế thì Người làm nên các Linh Mục; Người là Đá Tảng thì Người làm nên một tảng đá; những gì thuộc về chính bản thân Người thì Người sẽ ban cho các tôi tớ của Người. 
 
Sau cùng, Thánh Am-brốt-si-ô nói rằng : Vì chỉ duy nhất có Ngài (Phêrô) được tuyên xưng (bởi Đức Kitô) trong tất cả mọi người, nên Ngài được đặt trên tất cả mọi người. 
 
Nếu có ai phản kháng việc Giáo Hội bằng lòng với chỉ một Đầu và là một Đấng Lang Quân, là Chúa Giêsu Kitô mà chẳng đòi hỏi người khác, thì câu trả lời thật là hiển nhiên. Bởi vì khi chúng ta cho rằng Đức Kitô chẳng những là tác giả duy nhất của tất cả mọi Bí Tích Thánh, mà còn cho rằng người thừa tác vô hình của các Bí Tích Thánh ấy chính là Người, Đấng làm phép rửa, chính là Người Đấng xóa tội trần gian, nhưng những nhân vật được Người bổ nhiệm các thừa tác vụ ngoại hình cho các Bí Tích Thánh mà Người đã đặt để khắp Hội Thánh của Người mà Người đang trị vì bằng Thần Khí vô hình của Người, người ấy sẽ trở nên vị phụ tá của Người và là thừa tác viên cho uy quyền của Người. Giáo Hội hữu hình đòi hỏi phải có một cái đầu hữu hình; vì thế, Đấng Cứu Độ Thế Gian đã bổ nhiệm Thánh Phêrô làm đầu và làm mục tử cho tất cả mọi tín hữu, khi Người trao phó việc quan tâm chăm sóc tất cả mọi con chiên của Người, Người đã di chúc chính cái quyền năng tương tự và việc cai trị toàn thể Hội Thánh lại cho những người kế vị Thánh Phêrô trong các nhiệm kỳ phong phú. 
 
 (Tham khảo trong Giáo Lý của Công Đồng Trentô, bản dịch của Mc Hugh/Callan, TAN Thư Quán, xuất bản năm 1982, trang 102-104). 
 
Đức Giáo Hoàng là cái đầu hữu hình của Giáo Hội, là người ngự trên Ngai Tòa Thánh Phêrô cho đến lúc Chúa Kitô quang lâm. So sánh đoạn 22 Sách Ngôn Sứ I-sai-a với chức vụ thừa tác chính thức đầu tiên (trong sự thiếu vắng Chúa Thượng) thật là đáng chú ý ! Việc Đức Kitô đó đã mở ra một Hội Thánh hữu hình như thế rõ ràng là từ việc Người đã thành lập ra Tông Đồ Đoàn, và từ việc đặc chọn Thánh Phêrô (xem Mt 18,15-18). 
 
Sự việc cứ nhất định cho rằng Thánh Phêrô không thể trở thành tảng đá (vì bấy giờ ngôi vị Giáo Hoàng chưa được thiết lập) tác giả người Tin Lành đang đòi hỏi chúng ta chấp nhận các kịch bản lố bịch và sai lầm về lời chúc phúc đầu tiên của Đức Kitô, cùng với việc Đức Kitô đặc chọn ông Si-môn, thác lời Chúa Cha mà tỏ lộ ra “cương vị Đấng Thiên Sai” của Người ra cho Phêrô, sau đó đổi tên ông từ Si-môn thành ra “viên đá” và sau đó trao cho Phêrô Chìa Khóa Nước Trời !!! 
 
Phạm Bảo dịch

Còn tiếp