"Theo diễn biến của sự công bằng, không ai trong chúng ta được xem thấy ơn cứu độ." --William Shakespeare, The Merchant of Venice
Cho đến đây cuốn sách này đã khảo sát Kitô Giáo phần lớn từ quan điểm thế tục. Tôi đã cho thấy làm thế nào Kitô Giáo đã khuôn đúc văn hóa và thế giới chúng ta. Tôi cũng tìm cách giải thích các tiền đề của thuyết hữu thần nói chung, và đặc biệt là Kitô Giáo, được hỗ trợ đầy đủ bởi khoa học hiện đại và tư tưởng hiện đại. Trong phần chót của sách này, tôi sẽ phác họa những gì làm cho Kitô Giáo khác với các tôn giáo khác. Sau cùng tôi sẽ cho thấy cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi như thế nào khi trở nên Kitô Hữu.
Có hai loại dân chúng là những người cho rằng mọi tôn giáo đều giống nhau. Nhóm thứ nhất gồm những người có lòng tin, tuy không phải là loại rất nhiệt thành. Những người này cả quyết rằng mọi tôn giáo đều giống nhau trên con đường đến thiên đàng—một lập trường mà chỉ có một tôn giáo lớn, Ấn Giáo, thực sự tán thành. Nhưng ở Tây Phương có một cảm nghĩ rộng rãi cho rằng tôn giáo thì giống nhau ở điểm: tất cả đều là con đường của loài người đến với thượng đế. Qua tiêu chuẩn này, sự gia nhập tôn giáo không còn là vấn đề quan trọng, và khi tìm cách dẫn dụ người khác chấp nhận tôn giáo của bạn, đó là một dấu hiệu của sự thiếu lịch sự, nếu không muốn nói là cuồng tín.
Nhóm thứ hai coi mọi tôn giáo đều giống nhau là nhóm người vô thần. Nhóm này coi mọi tôn giáo đều lầm lạc như nhau, và một số người không có đức tin còn cho rằng các tôn giáo thì nguy hại. Khi tôi viết về Kitô Giáo, tôi thường nghe những câu trả lời khinh miệt đối với ảnh hưởng này: "Sao ông lại quá đả kích thuyết vô thần? Ông cũng là một người vô thần một khi đề cập đến Ala." Chính Richard Dawkins nói lên điểm này trong cuốn A Devil's Chaplain (Tuyên Úy của Qủy): "Khi nói đến thần Baal và Bò Vàng, thần Thor và Wotan, Poseidon và Apollo, Mithras và Ammon Ra," tất cả những người hữu thần hiện nay "thực sự là vô thần… Một số trong chúng ta chỉ đi xa hơn một thần." Các lập luận chối bỏ tôn giáo mà Dawkins chủ trương thì áp dụng đồng đều cho các tôn giáo khác. Sự mặc khải, theo quan điểm này, là một mớ vô nghĩa, bởi đó nó trở thành vấn đề tỉ mỉ là có phải chúng ta đang đương đầu với Kitô Hữu vô nghĩa, Do Thái vô nghĩa, hay Bái Hỏa Giáo vô nghĩa hay không.
Nhưng trái với điều những người này nói, mọi tôn giáo không giống nhau. Ở mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hầu hết các tôn giáo thừa nhận một cách độc đáo và kiên quyết về Thượng Đế và tình trạng con người. Vì các thừa nhận này thường xung khắc nhau, không cách chi mọi tôn giáo đều là chân lý. Chắc chắn có thể là một số tôn giáo có các yếu tố chân lý. Tuy nhiên, nếu một tôn giáo hoàn toàn đúng, điều tiếp theo là các tôn giáo còn lại thì sai lạc.
Ngay cả vậy, người có thiện chí thường tránh sự xung đột chung khi nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo thì khác biệt ở kiểu cách hiểu biết về cùng một chân lý. Đây là một quan điểm sai lầm, tuy nó chứa đựng một yếu tố chân lý. Như chúng ta từng thấy, có một luân lý chung mà các tôn giáo lớn trên thế giới đều chia sẻ. Cũng thế, các tôn giáo độc thần cố gắng thờ một Thượng Đế và bởi đó cùng chung một Thượng Đế. Tuy nhiên các tôn giáo này khác nhau trong sự hiểu biết lý do tại sao con người cần đến Thượng Đế và làm thế nào con người có thể tìm ra Thượng Đế.
Chúng ta có thể thấy tôn giáo không giống nhau khi nhìn đến phương cách khác nhau để giải thích các ý niệm căn bản. Chữ tử đạo là một danh từ phổ thông đối với Kitô Giáo và Hồi Giáo, nhưng lại xa lạ với Do Thái Giáo, Ấn Giáo và Phật Giáo. Chữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa "chứng nhân." Trong Kitô Giáo, vị tử đạo tự nguyện hy sinh mạng sống thay vì chối bỏ Thiên Chúa. Kitô Hữu tử đạo là người bị lính La Mã đẩy vào chuồng sư tử để bị xâu xé vì không chịu từ bỏ đức tin. Trong Hồi Giáo, vị tử đạo tranh đấu cho một chính nghĩa và mất mạng sống vì Ala. Đây là ý nghĩa mà trong đó Khomeini và bin Laden kêu gọi người Hồi Giáo hãy trở nên "chứng nhân" Hồi Giáo đích thật. Một chữ, nhưng hai ý nghĩa.
Trong bảng so sánh các tôn giáo lớn, Huston Smith kể ra các khác biệt quan trọng giữa các tôn giáo. Phật Giáo không có ý niệm về đời sau hoặc Thượng Đế. Chỉ có một tôn giáo khác mà Kitô Giáo hoàn toàn chấp nhận như sự mặc khải của Thiên Chúa: Do Thái Giáo. Kitô Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo, Hồi Giáo tự coi mình là thay thế cho Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Hồi Giáo coi ông Môsê và Đức Giêsu là ngôn sứ, nhưng ngay cả người Hồi Giáo cũng tán thành sự sinh hạ đồng trinh của Đức Kitô, nhưng họ không xem Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, và họ không tin là Người đã chịu đóng đinh và đã sống lại lên trời.
Trong chương này, tôi không cố gắng chứng minh Kitô Giáo là tôn giáo tốt nhất, nhưng tôi cố gắng cho thấy Kitô Giáo khác với các tôn giáo khác về phương diện nào và, theo ý nghĩa này, nó độc đáo. Mọi tôn giáo đều toan tính giải quyết nan đề mà Pascal đã vạch ra trong cuốn Pensées. Pascal nhận xét rằng đã bao lâu con người dùng rất nhiều tri thức và nỗ lực để giải quyết một vài khó khăn căn bản. Chúng ta muốn thế giới có hòa bình. Chúng ta muốn sống hài hòa với người khác. Chúng ta muốn chăm sóc con cái tốt đẹp. Chúng ta muốn đời sống không có vấn đề. Pascal nói rằng chúng ta ở tình trạng này đã lâu, vậy tại sao chúng ta chưa giải quyết được gì cả? Tại sao sự theo đuổi hạnh phúc vẫn còn là một theo đuổi? Với các nhà vô thần nổi tiếng như Dawkins và Harris, câu trả lời đơn giản là vì con người ngu dốt, và khoa học là phương cách để xóa tan sự ngu dốt đó. Người có tôn giáo biết rằng đây mới chỉ là nửa sự thật. Sự ngu dốt chỉ là một nửa vấn đề; nửa kia là vấn đề sự thiện và sự dữ. Hơn thế nữa, khoa học là phương cách duy nhất để có kiến thức, và đó chỉ là một loại kiến thức. Khoa học không đem lại câu trả lời cho các câu hỏi nêu trên. Nếu thu gọn mọi kiến thức chỉ còn là kiến thức khoa học, đó là kết án con người ngu dốt về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
Vậy, chúng ta có thể hiểu thế nào về vấn đề thiện và ác mà nó từng cản trở hạnh phúc của chúng ta? Pascal nhận xét rằng con người thì vừa anh hùng và vừa độc ác. Nó có thể suy nghĩa và hành động cao thượng cũng như tuyệt diệu, tuy nhiên nó cũng mưu tính và thi hành các hành động khủng khiếp không xứng đáng với ngay cả con vật thấp hèn nhất. Thật vậy, một phần vĩ đại của con người là nó có thể dùng khả năng lý lẽ của mình để nhận biết sự thấp hèn của nó.
Tình trạng này có thể diễn tả theo cách khác. Con người có tiêu chuẩn rất cao, nhưng nó thường không đạt được. Nó biết điều gì tốt, nhưng nó không làm. Nó bị trói buộc trong sự ích kỷ và đam mê xấu xa, và nó chịu thua các đam mê đó vì ý chí yếu ớt. Tất cả mọi tôn giáo dường như đồng ý với sự chẩn đoán vấn đề theo phương cách này. Và hầu như mọi tôn giáo đều đồng ý rằng giải pháp là ban cho con người các quy luật, điều răn, và hướng dẫn để làm sao nâng mình lên trên các xu hướng để có thể đến với Thượng Đế. Nói chung tôn giáo là cẩm nang chiến thuật của con người về kiểu cách đến với Thượng Đế.
Nhưng Kitô Giáo không phải là tôn giáo trong ý nghĩa này. Kitô Giáo cho rằng con người không thể nào đến với Thiên Chúa, dù cố gắng thế nào đi nữa. Con người không thể lên đến mức độ Thiên Chúa bởi vì mức độ Thiên Chúa thì quá cao. Do đó chỉ có một giải pháp: Thiên Chúa phải hạ xuống mức con người. Tuy có vẻ khiếm nhã, thật vậy, Thiên Chúa phải trở nên con người để gánh lấy tội lỗi của loài người. Kitô Hữu tin rằng đây là sự hy sinh lớn lao của Đức Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận sự hy sinh của Đức Kitô trên căn bản đức tin, chúng ta sẽ thừa hưởng món quà cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có vậy. Đó là cốt yếu của Kitô Giáo. Với một số người, nó có vẻ nực cười. Tuy nhiên, trong sự đơn giản này có một chiều kích đáng kể và phong phú. Chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của tất cả các điều này nếu từ từ và tỉ mỉ khảo sát từng khía cạnh của nó.
Giả thuyết thứ nhất là xu hướng phạm tội thì có trong bản tính con người. Nói cách khác, ích kỷ, tham lam, dâm ô, và hám lợi là một phần của con người chúng ta. Tôi nghĩ Darwin cũng sẽ đồng ý với điều này. Thật vậy chân dung con người theo Darwin là một chứng thực quan trọng cho học thuyết Kitô Giáo về tội nguyên tổ. Quan điểm không bợ đỡ của Darwin về con người thì thực tế và chính xác hơn quan điểm ngây thơ của Russeau cho rằng con người thì tốt tự bản chất và xã hội phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề của con người. Darwin hiểu rằng con người thì gần với con vật hơn với thiên thần. Trong một số phương cách, con người thì tệ hơn thú vật bởi vì chúng chỉ thi hành những gì xảy đến tự nhiên, trong khi con người phạm tội một cách cốt ý và tự do.
Bởi đó con người phải trả giá cho tội lỗi, và giá của tội lỗi là sự chết. Đây là giả thuyết thứ hai của Kitô Giáo. Kinh Thánh coi sự chết trong lãnh vực sinh vật học thì cũng ngang bằng với tội lỗi trong lãnh vực luân lý. Một số người sẽ thấy điều này thì quá khắc nghiệt, nhưng hãy để tôi cho thấy tại sao nó là sự khắc nghiệt chính đáng. Tội lỗi làm nên cá tính chúng ta và xác định tư tưởng cũng như lối đối xử của chúng ta. Tội lỗi có trong thói quen chúng ta đến độ sự phạm tội trở nên thông thường, hầu như không suy nghĩ. Tội lỗi thì không ở ngoài phạm vi con người, là điều thỉnh thoảng chúng ta làm, nhưng nó ở bên trong căn tính của chúng ta. Như vậy tội lỗi đáng được phần thưởng thiên đàng sao? Thiên Chúa, đấng công bằng và thánh thiện đời đời, phải tương nhượng sự công bằng và thánh thiện để ban cho chúng ta ơn cứu độ bất kể chúng ta có ghét bỏ Người và phàm tục hóa lề luật của Người sao? Dường như điều công bằng là chúng ta phải trả một giá cho tội lỗi đối với Thiên Chúa và đối với con người. Điều này có nghĩa người tội lỗi không thể vào vương quốc Thiên Chúa.
Vậy làm thế nào để chúng ta có ơn cứu độ? Với hầu hết tôn giáo, con người phải đóng vai trò tích cực. Ấn Giáo và Phật Giáo đưa ra giải pháp rất giống nhau: Qua sự thiền định chúng ta đối diện với những đam mê ích kỷ và nhận biết rằng "cái tôi" là cốt lõi của vấn đề. Do đó chúng ta cố gắng, trong nhiều phương cách, để loại trừ cái tôi này và đạt được sự hủy diệt của nó. Kết quả là chúng ta tìm cách trở nên hư không. Chúng ta có thể tiến đến mục tiêu này không chỉ qua sự thiền định nhưng còn qua sự từ bỏ mình: từ bỏ của cải, từ bỏ thú vui nhục dục, và vân vân. Đây là chương trình vô cùng khó khăn. Trong những người Phật Tử, chỉ có các nhà sư cho rằng họ đạt đến niết bàn. Tôi tin rằng chính ý thức về sự cách biệt lớn lao giữa sự thánh thiện và sự yếu đuối con người đã tạo nên thuyết định mệnh đặc biệt trong các văn hóa Ấn Giáo và Phật Giáo. Nhiều người Ấn Giáo tin rằng định mệnh sẽ qui định là họ sẽ tái xuất hiện như một hoàng tử, một con chó, hay một con bọ chét trong kiếp tới hay không.
Do Thái Giáo và Hồi Giáo đưa ra một công thức khác biệt, tuy cả hai dẫn các tín đồ đến cùng một con đường. Do Thái Giáo và Hồi Giáo là tôn giáo của lề luật. Cả hai đều tỉ mỉ về những nghi thức và lề luật: Cầu nguyện năm lần trong một ngày. Khăn gói lên đường đến Mecca. Hiến tế một con chiên hay một con dê. Mang râu dài. Giữ chay. Luật gia vĩ đại của Do Thái Giáo là Maimonides còn lập luận rằng việc cắt bì là yếu tố cần thiết để được cứu độ: "Bất cứ ai quên đi giao ước của tổ phụ Abraham và vẫn giữ da quy đầu… sẽ không có phần trong thế giới sẽ đến." Sự khắc nghiệt của các quy luật này khiến nhiều người Do Thái và Hồi Giáo bỏ qua nhiều luật lệ và chỉ tuân theo một số quy định được chọn lựa để họ có thể sống. Đây là những người Do Thái và Hồi giáo "cải cách", dường như họ không cố gắng sống trọn vẹn sự khắc nghiệt của luật lệ. Một cách căn bản, họ sống với hy vọng rằng Thiên Chúa thì không phải là một người quá khắt khe về chi tiết.
Nhưng Thiên Chúa không phải là một chủ nhân khoan dung sẵn sàng chấp nhận 30 phần trăm tiền nộp; sự công bằng của Người đòi phải hoàn trả đầy đủ. Mặc dù vậy, không thể không thông cảm với người chểnh mảng. Họ nói đúng, quả thật rất khó khăn để đền bù tội lỗi đầy đủ cho Thiên Chúa. Tôi cũng thông cảm với Christopher Hitchens, ông than phiền rằng nếu Thiên Chúa muốn con người sống đúng với các tiêu chuẩn cao vời này, "Người phải thận trọng hơn khi sáng chế ra một loài khác." Kitô Giáo đồng ý với Hitchens rằng các tiêu chuẩn này thật khó khăn. Thật vậy, Kitô Giáo nói rằng các tiêu chuẩn này không chỉ có khó khăn; chúng không thể thực hiện được. Không chỉ không thể chấm dứt phạm tội—ngay cả tín hữu Kitô đạo đức nhất cũng không thể ngưng phạm tội—nhưng còn không thể đền bù tội lỗi trong quá khứ của một người. Làm thế nào để bạn đền bù tội lỗi của mình? Có thể nào bạn biết chỗ của từng người mà bạn đã lỗi phạm và xin lỗi họ? Phải, bạn có thể quyết tâm sống một cuộc đời tốt lành sau đó, nhưng điều này thì không đền bù tội lỗi; dẫu sao bạn sẽ phải thi hành điều ấy.
Kitô Giáo nâng cao tiêu chuẩn hơn các tôn giáo khác khi nhấn mạnh rằng để vào vương quốc Thiên Chúa thì chúng ta phải toàn hảo. Không chỉ tốt, nhưng toàn hảo. Tốt lành là chưa tốt đủ. Vì không ai toàn hảo, Kitô Hữu có lời nói rằng, "mặt đất thì ngang bằng ở dưới chân thập giá." Anh tôi có thể là người tốt hơn tôi, và bạn có thể là người tốt hơn anh tôi, nhưng nói cho cùng không có gì đáng kể bởi vì không ai trong chúng ta thực hiện được điều đó với chính sức lực của mình. Giải pháp duy nhất là chúng ta phải "chết đi chính mình" và trở nên một người hoàn toàn khác biệt, tinh tuyền luân lý trong ánh mắt Thiên Chúa: "vì nếu hạt lúa không chết đi, nó sẽ không sinh kết quả." Bởi đó Kitô Giáo đồng ý với Ấn Giáo và Phật Giáo về nhu cầu phải hủy diệt cái tôi cũ kỹ của mình. Nhưng nó khác biệt ở điểm nói trước rằng chương trình này thì không thể thực hiện được.
Bởi thế làm thế nào ơn cứu độ phù hợp được với sự thánh thiện và công bằng của Thiên Chúa? Điều này đặt ra câu hỏi theo phương cách xứng hợp. Câu trả lời của Kitô Hữu là Thiên Chúa quyết định rằng chính Người trả giá này cho tội lỗi của con người. Không chỉ tội này hay tội kia, nhưng tất cả mọi tội. Thiên Chúa thi hành điều này bằng cách trở nên một con người và chết trên thập tự. Tôi muốn chia sẻ đôi chút về sự hy sinh không thể tưởng của Thiên Chúa. Tôi không muốn nói đến cái chết trên thập giá của Đức Kitô. Tôi muốn nói đến quyết định của Thiên Chúa khi trở nên một con người. Không tôn giáo nào có thể hiểu được điều này. Các thần của người Hy Lạp và La Mã thời xưa thường giả dạng như con người, nhưng họ không thực sự trở nên con người. Tác giả Carlos Fuentes người Mễ viết rằng khi các nhà truyền giáo Kitô lần đầu tiên trình bầy giáo lý cho người Aztec, người Aztec hoàn toàn không thể hiểu được. Fuentes viết, "Trong một thế giới quen với việc hiến tế con người cho thần thánh, không có gì làm người thổ dân bàng hoàng hơn là một thần thánh đã hy sinh chính mình cho con người." Tuy nhiên điều mà các tôn giáo khác cho là ngu xuẩn và khiếm nhã, Kitô Giáo lại cho là sự thật.
Richard Dawkins viết "sự đền tội, học thuyết chính của Kitô Giáo, thì độc ác, có tính cách khoái khổ, và ghê tởm." Sự chỉ trích này chỉ có ý nghĩa nếu bạn cho rằng Kitô Hữu bịa đặt toàn thể câu chuyện, mà nó sẽ là điều xấu xa cho họ thi hành đối với Thiên Chúa. Kitô Hữu coi việc đền tội của Chúa Kitô là một sự hy sinh mỹ miều. Bằng cách nào đó, Thiên Chúa không chỉ trở nên một con người nhưng còn gánh lấy mọi tội lỗi và gánh nặng để giúp loài người có thể đi vào vương quốc thiên đàng. Như một mục sư ở San Diego nói, "Đức Kitô trả món nợ mà Người không nợ chỉ vì chúng ta có món nợ mà không thể trả." Thật vậy, Đức Kitô trên thập giá đã gánh lấy mọi tăm tối, cô đơn, và tội lỗi của thế gian. Vì vậy, qua sự cùng cực trên Gôngôtha, Đức Kitô đã hóa giải sự công bằng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa và ban cho loài người giấy thông hành lên thiên đàng. Cây cầu mà loài người không thể xây để đi lên Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã xây cho loài người.
C. S. Lewis viết, "Đức Kitô cung cấp cho chúng ta điều gì đó một cách nhưng không. Ngay cả Người ban phát cho chúng ta tất cả mọi thứ mà không vì lý do gì cả. Trong một ý nghĩa, toàn thể cuộc đời Kitô Hữu hệ tại ở việc chấp nhận sự ban phát vô cùng đặc biệt đó." Như vậy đâu là sự khó khăn? Sự khó khăn là nhận biết rằng chúng ta có tội và chúng ta không thể làm gì để giải quyết sự khó khăn này. Một trở ngại có liên hệ là chấp nhận quyền bính của Thiên Chúa và chương trình của Người cho cuộc đời chúng ta. Nói các khác, những trở ngại là sự kiêu ngạo của con người. Một trong những con quỷ của Milton ngỗ ngược xác nhận, sự khó khăn để có được tự do thì vẫn tốt hơn "gánh nhẹ nhàng của sự phù hoa nô lệ." Sự cám dỗ của con rắn trong Vườn Địa Đàng cũng hướng đến sự kiêu ngạo: Sao các ngươi phải phục vụ? Sao không tự chọn tương lai cho mình, mà có lẽ nó tốt hơn tương lai của Thiên Chúa dành cho ngươi? Sao phải vâng lời Thiên Chúa khi các ngươi có thể là thần thánh, đặt luật lệ cho chính ngươi?
Sự kháng cự xấc xược của nhiều người đối với thẩm quyền của Thiên Chúa được diễn đạt một cách hùng hồn bởi Hitchens: "Sẽ là điều kinh tởm nếu đó là sự thật rằng chúng ta được hoạch định và sau đó được tạo dựng và sau đó được kiểm soát liên tục trong suốt cuộc đời khi đi đứng, ăn ngủ và rồi lại tiếp tục kiểm soát sau khi chết—nếu đó là sự thật, sẽ là điều kinh tởm… Nó giống như sống ở thiên đàng Bắc Hàn. Bạn không thể đào tẩu ra khỏi Bắc Hàn cho tới khi chết. Với thuyết độc thần họ không để bạn chết và thoát khỏi họ. Ai muốn điều đó là sự thật?" Hitchens giúp chúng ta hiểu tâm lý của thuyết vô thần, nó thường không dựa trên sự thiếu khả năng tin tưởng nhưng vì họ không sẵn lòng tin tưởng. Đó là lý do người vô thần ôm lấy khoa học như phương cách hiểu biết duy nhất, không phải vì đây là sự cần thiết để điều khiển máy điện thoại cầm tay hay iPod, nhưng vì đây là phương cách để họ có thể từ chối siêu nhiên, trên nền tảng là nó không xuất hiện trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.
Căn bản, người vô thần muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, và điều này giúp chúng ta hiểu tại sao thiên đàng không khép kín đối với người vô thần. Hỏa ngục cũng không phải là lò lửa mà trong đó người vô thần bị treo lên vì các hành động sai lầm. Thiên đàng là lĩnh vực của Thiên Chúa, là nơi Người hiện diện mãi mãi. Hỏa ngục là nơi Thiên Chúa vĩnh viễn không có mặt. Thiên Chúa không muốn hắt hủi người vô thần; người vô thần hắt hủi Thiên Chúa. Thiên Chúa không gửi người vô thần xuống hỏa ngục; người vô thần muốn đóng con tim và đôi mắt đối với Thiên Chúa và Người do dự ban cho họ điều họ mong ước. Trong một ý nghĩa, cửa hỏa ngục bị đóng ở bên trong.
Kinh Thánh nói rằng ơn cứu độ là một món quà của Thiên Chúa. Nhiều người—ngay cả Kitô Hữu—hiểu điều này có nghĩa Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cứu độ như một món quà. Nhưng Kinh Thánh không nói ơn cứu độ là một quà tặng từ Thiên Chúa. Đúng hơn, Kinh Thánh nói ơn cứu độ là món quà Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là món quà ấy. Tốt nhất đừng hiểu thiên đàng là một nơi chốn nhưng là một diễn tả sự kiện khi được ở với Thiên Chúa. Được ở với Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải muốn ở với Người, chúng ta đón nhận sự hiện diện của Người. Trong một cuốn sách về đức tin, J. Gresham Machen viết rằng trở nên Kitô Hữu không bởi chấp nhận rằng Đức Kitô đã chết để cứu người khác hoặc Người chết để cứu nhân loại nhưng Người đã chết để cứu chính tôi.15 Đây là ý nghĩa của điều Kitô Hữu "tái sinh."
Với một số người, quan niệm của Kitô Giáo về "cánh buồm thứ hai" hoặc "đời sống mới" sẽ tiếp tục có vẻ vô lý và sỉ nhục. Bất cứ phần thưởng hứa hẹn nào của Kitô Giáo, đó là sự sỉ nhục khi phải thú nhận rằng chúng ta là kẻ tội lỗi và bất lực để giải quyết vấn đề của con người bằng chính nỗ lực của chúng ta. Aristotle sẽ thấy đó là điều không thể hiểu là một con người hoàn toàn suy đồi có thể biến đổi cuộc đời. Tuy vậy, Kitô Giáo không chỉ nói là điều này có thể xảy ra, nhưng nó phải xảy ra cho mỗi một người trong chúng ta, nếu chúng ta muốn ở với Thiên Chúa. Nhà truyền giáo D. James Kennedy nói điều quan trọng là Đức Kitô nói rõ điều kiện để được tái sinh cho ông Nicôđêmô, là một người có học và chính trực chứ không phải tên trộm cướp hay đĩ điếm. Điểm Kennedy muốn nói là ngay cả sự chính trực vẫn chưa đủ. Người duy nhất mà chúng ta biết đã được lên thiên đàng là tên trộm sám hối khi treo trên thập giá bên cạnh Đức Kitô. Ông ta nói, "Lậy Chúa xin giúp tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi." Và Đức Kitô trả lời, "Hôm nay bạn sẽ ở với tôi trên thiên đàng."
Điều khích lệ này là cho chúng ta, bởi vì một khi chúng ta đối chiếu với sự kiêu ngạo của mình, chúng ta nhận thức rằng chúng ta không phải làm gì cả để giành được phần thưởng thiên đàng. Thật vậy, không có gì mà chúng ta thực hiện để có thể giành được điều đó. Điều chúng ta bị từ chối qua nỗ lực thì được ban cho chúng ta qua ơn sủng. Bởi thế khi chúng ta thấy sự suy đồi của đời sống ở chung quanh, khi mọi hy vọng cứu độ ở trần gian đã thất bại, khi những người thân yêu của chúng ta không thể giúp đỡ gì được, khi chúng ta thử mọi cách và không còn gì khác để cố gắng, khi chúng ta ném thanh củi cuối cùng vào đống lửa và mọi đám than đang dần tàn, chính vào thời điểm ấy là cánh tay Thiên Chúa vươn ra cho chúng ta, một cách vững chắc. Tất cả những gì chúng ta thi hành là hãy nắm lấy. Đây là yếu tố độc đáo của sứ điệp Kitô Giáo.
Dinesh D'Souza
(trích trong cuốn What's So Great About Christianity – Pt Giuse TV Nhật chuyển dịch)
Trích www.nguoitinhuu.com