Lời Chứng

(Holy Eucharist by Bob Rice) 

CHƯƠNG 1: LẠY CHÚA CON ĐÂY, XIN HÃY DÙNG CON
Phó tế Trần Văn Nhật lược dịch


Vào đầu tháng Sáu năm 1967, tôi sáng lập sáu giáo đoàn Tin Lành. Tôi đến một khu vực, khởi sự một giáo đoàn và coi sóc giáo đoàn ấy cho đến khi họ có thể hỗ trợ cho một mục sư mới. Sau đó tôi lại ra đi và khởi sự một giáo đoàn ở nơi khác. Vì Thiên Chúa ban cho tôi ơn cầu nguyện chữa lành cho bệnh nhân, nhiều người coi tôi như một "Tông Đồ Chữa Lành". Sau những lần tổ chức chữa lành trong bẩy quốc gia khác nhau, tôi thấy Thiên Chúa chữa lành hàng trăm người nếu không muốn nói là hàng ngàn người với đủ loại đau yếu và bệnh tật. Tuy vậy, cuộc đời tôi lại khởi sự từ một nông trại nhỏ gọi là Warrenville, Illinois, nằm về phía tây nam của thành phố Chicago khoảng ba mươi lăm dặm. Khi lên tám, trong lớp học kinh thánh mùa hè ở Giáo Hội Baptist Warrenville, tôi biết đến Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và tôi được rửa tội. Tôi sống một cuộc đời Kitô Hữu rất bình thường. Nói cách khác, tôi không bao giờ đọc Kinh Thánh, tôi cũng không cầu nguyện. Tôi chỉ đến giáo đường khi mẹ tôi bắt buộc.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1959, tôi gia nhập Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong thời gian bốn năm. Trong thời gian này, tôi lập gia đình với Verma và chúng tôi có đứa con gái, tên là Ellen. Sau này chúng tôi có thêm hai đứa con trai, Mark và Timothy. Sau khi giải ngũ, gia đình tôi định cư tại thành phố nhỏ Vista, California. Tôi bắt đầu theo đuổi ước mơ từ lâu là theo nghề của cha tôi làm tài xế xe tải hạng nặng. Verma được lớn lên trong Giáo Hội Assembly of God, và vì tôi thực sự không thuộc giáo hội nào nên chúng tôi tham dự Giáo Hội Assembly of God ở Vista. Tôi vẫn không đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện, bởi đó tôi không thăng tiến về tinh thần. Tuy nhiên, vào tháng Sáu 1967, một biến cố xảy ra trong đời đã làm đảo lộn tất cả. Một tiếng nói đã đánh thức tôi dậy vào khoảng hai giờ sáng Chúa Nhật. Tiếng nói ấy bảo tôi hãy đến trung tâm truyền giáo "Full Gospel Rescue Mission" ở San Diego. Chưa bao giờ có điều gì giống như vậy xảy ra với tôi. Sau khi suy nghĩ vài phút, tôi gạt bỏ ý tưởng ấy và ngủ tiếp.


Vào buổi sáng hôm đó sau khi đến nhà thờ, gia đình tôi đi ăn trưa với một số bạn hữu. Khi chúng tôi đang ngồi ăn, tôi lại nghe tiếng nói ấy một lần nữa, "Bob, Ta muốn con đến trung tâm 'Full Gospel Rescue Mission' ở San Diego." Vào hai giờ sáng thì có lẽ tôi còn mơ ngủ. Nhưng đàng này, ngay bây giờ vào lúc 1g30 trưa và tôi thật tỉnh táo. Tôi biết đó không phải là giấc mơ. Tôi kể cho Verma và các bạn nghe về những gì xảy ra vào sáng hôm ấy cũng như vừa mới đây. Verma nói, "Vậy, anh sẽ làm gì về điều đó?" Tôi cho biết rằng tôi cảm thấy đó là Chúa muốn nói với tôi, và tôi cần phải đi San Diego. Vợ tôi bảo là cô ta không muốn đi, nhưng nếu muốn tôi có thể đi một mình. Tôi hỏi bạn tôi là Pat có muốn đi với tôi không để biết đó là chuyện gì. Pat trả lời là hắn cũng muốn mạo hiểm một chút. Thế là hắn và tôi đi San Diego để tìm xem trung tâm truyền giáo ấy có thật hay không.


Chúng tôi đến một phần của San Diego mà chúng tôi nghĩ sẽ tìm thấy một trung tâm truyền giáo và hỏi thăm một người đang đi đường là ông ta có biết trung tâm nào không. Ông cho biết chúng tôi cách đó khoảng ba dẫy phố và chỉ đường cho chúng tôi. Khi đến nơi, chúng tôi chỉ thấy có người làm bếp, đang chuẩn bị bữa ăn tối. Tôi kể cho ông nghe về những gì xảy ra cho tôi. Ông cho biết tôi phải gặp Chị Smith, là nữ mục sư của trung tâm này (chị không phải là nữ tu Công Giáo), và ông gọi điện thoại cho chị. Qua điện thoại, chị nói chuyện với tôi. Chị bảo, "Này Anh Rice, tôi không biết tại sao Chúa lại gửi anh xuống đây vào chiều hôm nay. Chúng tôi không có sinh hoạt. Tuy nhiên, tối nay chúng tôi có buổi cầu nguyện. Anh thử cầu nguyện xem có nên ở lại sinh hoạt đêm nay không." Tôi đồng ý với chị rằng chúng ta nên cầu nguyện về điều đó. Khoảng bốn mươi lăm phút sau, chị gọi điện thoại lại và hỏi ông làm bếp là chúng tôi có còn đó hay không. Ông cho biết là còn và đưa điện thoại cho tôi. Chị nói, "Anh Rice, tôi không rõ lý do, nhưng tôi tin là Chúa muốn anh ở lại đêm nay. Vậy anh sẽ ở lại nhé?" Tôi cho chị biết là chúng tôi cũng cảm thấy như vậy và sẽ ở lại tham dự.


Đó là một nghi thức bình thường của trung tâm với các bài hát và lời nhân chứng. Sau đó là đến phần của diễn giả chính và Chị Smith bắt đầu giới thiệu về người ấy. Tôi nhớ là mình nhìn quanh quất và tự hỏi, "chị đang nói đến ai vậy?" Sau đó, thật ngạc nhiên, chị nhắc đến tên tôi. Chị giới thiệu tôi. Sợ cứng người, tôi tự nhủ, "Mình không phải là người giảng thuyết. Sao chị ấy lại giới thiệu mình? Mình không biết Kinh Thánh. Mình không biết cách cầu nguyện. Ngay cả cũng không biết tại sao mình lại ở đây. Mình chưa bao giờ giảng thuyết trong đời! Sao cái bà này lại giới thiệu mình là diễn giả tối nay?"


Tôi không biết phải làm gì. Bởi thế, tôi chỉ ngồi đó. Mọi người trong giáo đoàn tiếp tục nhìn đến tôi. Tôi biết chắc là họ phân vân không biết khi nào thì tôi rời khỏi ghế và lên bục giảng. Sau cùng, với đầu gối run cầm cập, tôi bước lên bục mà không biết sẽ phải nói gì.


Tôi mở Kinh Thánh (không chỗ nào nhất định, nên nhớ rằng tôi không biết Kinh Thánh) và đặt sách trên bục. Không biết làm thế nào mà tôi lại mở đầu với lời cầu nguyện. Tôi nói, "Lậy Chúa, đây là những người của Chúa. Nếu Ngài muốn dùng con cách nào, lậy Chúa, con đây. Xin hãy dùng con." Sau khi cầu nguyện, một tư tưởng lướt qua trong đầu tôi. Tôi không rõ đó có trong sách thánh không, tôi đã từng nghe ở đâu đó, hay tôi đã từng đọc ở đâu đó. Tôi nhìn xuống Kinh Thánh và tôi không thể tin ở mắt mình. Tôi đang đọc chính những lời có trong đầu của tôi. Đoạn sách thánh ấy là, "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ" (Máccô 16:17-18). Tôi bắt đầu giảng bài đầu tiên.


Tôi chú ý đến chữ "sẽ." Tôi nói, "Kinh Thánh nói, 'những dấu lạ này sẽ đi theo những ai có lòng tin… và họ sẽ đặt tay trên người bệnh, và những người này sẽ được mạnh khỏe." Tôi nhớ có nói, "chữ 'sẽ' là một chữ kiên quyết và không còn chỗ cho sự hồ nghi và thiếu niềm tin." Tôi không hiểu sự táo bạo này ở đâu đến. Tuy nhiên, tôi đưa mình vào thế quyết liệt. Tôi nói với họ, "Tôi không cần biết nhu cầu của quý vị là gì, nhưng Thiên Chúa ở đây tối nay. Người muốn đáp ứng nhu cầu của qúy vị. Đối với tôi, Thiên Chúa đã nói điều đó, tôi tin như vậy, và không cần phải nói thêm. Chúng ta hãy cầu xin." Đó không phải là một bài giảng dài, có lẽ chỉ kéo dài năm phút. Tuy nhiên, tôi cảm thấy như thể một tiếng rưỡi đồng hồ. Tiếng nói mà tôi nghe trước đây lại nói với tôi. Đến bây giờ tôi biết đó là Chúa. Người nói, "Tối nay, dưới đó có một bà bị mù và Ta muốn phục hồi thị giác của bà." Hít một hơi dài tôi nói tiếp, "Tôi tin là Chúa vừa cho tôi biết có một bà bị mù ở đây tối nay, và Chúa muốn chữa lành cho bà. Có ai bị mù ở đây tối nay không?" Tận ở góc nhà thờ có một bà già nhỏ bé giơ tay lên. Tôi nhớ mình tự nhủ, "lậy Chúa tôi, thực sự có bà bị mù. Bây giờ mình phải làm gì?"


Bà ta được dắt đứng trước giáo đoàn. Tôi hỏi bà mù, "Bà có thực sự tin rằng nếu tôi cầu nguyện cho bà, bà sẽ được sáng mắt không?" Tôi thật ngạc nhiên khi nghe bà trả lời, "Có, tôi tin." Một lần nữa, tôi không biết phải làm gì, tôi đưa tay chạm đến trán bà ta và nói, "Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nhận lấy thị lực." Điều kế tiếp xảy ra là bà ta ngã xuống đất. Tôi thầm nghĩ, "Lậy Chúa tôi, mình đã làm gì vậy?" Tôi không hiểu điều gì vừa mới xảy ra. (Trong Giáo Hội Baptist nơi tôi lớn lên, không có điều gì xảy ra giống như vậy). Một vài giây sau, bà già mù này bắt đầu kêu lên, "Tôi có thể nhìn thấy! Tôi có thể nhìn thấy! Tôi có thể nhìn thấy!" Thiên Chúa đã phục hồi thị lực cho bà, đúng như lời Người nói. Sau đó Chúa lại nói với tôi, "có một ông bị điếc tai bên trái, Ta muốn phục hồi thính giác của họ."


Tôi vừa mới thấy Chúa phục hồi thị lực cho bà già mù. Hơn thế nữa, tôi biết là mình không làm gì cả. Bởi thế, lần này tôi can đảm hơn một chút và nói, "Chúa vừa cho tôi biết có một ông bị điếc bên tai trái. Vậy người anh em hãy xuống đây, Thiên Chúa muốn ban thính giác cho bạn." Ông này đứng lên và đến đứng trước giáo đoàn. Tôi hỏi ông, "Ông có tin rằng nếu tôi cầu nguyện cho ông, ông sẽ khỏi điếc không?" Ông trả lời, "Có, tôi tin." Tôi chạm đến trán ông và nói, "Nhân danh Chúa Giêsu, hãy nhận lấy thính giác." Ông cũng ngã xuống đất. (Tôi nhớ có tự nhủ, tại sao những người này lại ngã xuống đất. Tôi không đẩy họ. Cái gì xảy ra vậy? Sau này tôi biết đây là một cảm nghiệm mà người Tin Lành gọi là "chết trong Đức Thánh Linh," tuy nhiên, người Công Giáo gọi cảm nghiệm này là "nghỉ ngơi trong Thánh Thần.") Một vài giây sau, ông ta đứng lên và khi làm như vậy, ông nhận được thính giác. Sau đó một bà khác bước đến trước giáo đoàn và giang đôi tay về phía tôi rồi nói, "Chúa có thể làm gì với đôi tay này?" Bệnh thấp khớp đã làm méo mó đôi tay của bà và các khớp sưng to. Chúa bảo tôi hãy để bà đứng đó với đôi tay giơ lên để mọi người thấy và bà ca tụng Chúa. Và đó là điều tôi nói với bà. Khi bà đứng đó ca tụng Chúa với đôi tay giương cao, chúng tôi thấy bàn tay bà mở ra và các khớp sưng biến mất trước mắt mọi người.


Sau buổi cầu nguyện tối đó, Pat bạn tôi, ông làm bếp, Chị Smith và tôi đứng quanh bàn thờ để ca ngợi và cảm tạ Chúa vì những gì Người đã thi hành ngay giữa chúng tôi. Chị Smith đến đặt tay lên người tôi và nói tiên tri. Trong lời tiên đoán này, chị nói, "Tôi đừng lo lắng, Thiên Chúa sẽ cung cấp cho mọi nhu cầu của tôi vì đứa bé mới sinh này." Tôi không hiểu điều đó có nghĩa gì. Tôi nhủ thầm, "có lẽ Verma mang thai, hay gì đây?"


Ba tuần sau tôi tham dự bữa tiệc giữa những người cha và con trai ở nhà thờ chúng tôi. Một mục sư và con trai ông ta từ Giáo Hội "Four Square Gospel" ở Vista ngồi đối diện với tôi và Mark, con cả của tôi. Mục sư này cho biết ông sắp sửa đóng cửa nhà thờ của ông. Ông rất nản chí. Nhà thờ đã có trên hai mươi năm mà chỉ có ba người. Trong cuộc đối thoại, tôi nói với ông là tôi không muốn thấy bất cứ nhà thờ nào bị đóng cửa. Ông nói, "Vậy thì ông lấy nhà thờ ấy đi và xem ông có thể làm được gì." Tôi không hiểu tại sao nhưng tôi trả lời, "OK, tôi sẽ." Ông hỏi là tôi có đùa không. "Không," tôi trả lời, "tôi không đùa đâu." Ông nói nếu tôi thực sự có ý định ấy thì ông sẽ nói chuyện với Giám Quản và xem họ nghĩ gì. Một vài ngày sau, ông gọi điện thoại cho tôi và nói Giám Quản muốn nói chuyện với tôi. Do đó, khoảng một tuần sau, ông mục sư và tôi đến Santa Ana, California để nói chuyện với Tiến Sĩ Jefferies, vị Giám Quản. Ông nói tôi có thể thử. Hơn nữa, điều đó đâu có hại gì? Dầu gì họ cũng muốn đóng cửa. Khoảng năm hay sáu tuần sau khi tôi giảng bài đầu tiên ở trung tâm "Full Gospel Rescue Mission", tôi trở thành mục sư của Giáo Hội "Four Square Gospel".


Khoảng ba tuần sau khi tôi trở thành mục sư của nhà thờ này, tôi nghe về một sự phục hồi đức tin đang xảy ra ở Fallbrook, một thành phố nhỏ cách Vista khoảng 15 dặm. Tôi quyết định đến đó xem sao. Tôi không biết một ai ở đây và cũng không ai biết tôi. Sau khi vị mục sư giảng thuyết xong, ông bắt đầu cầu nguyện cho giáo đoàn. Sau khoảng hai mươi phút cầu nguyện, ông nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, "Có một người ở đây và Thiên Chúa muốn nói với bạn. Xin ông vui lòng lên đây!" Tôi biết là ông muốn nói về tôi. Tuy nhiên, tôi chỉ ngồi ở đó. Sau đó ông nói, "Bạn đang ngồi ở phía bên này nhà thờ và bạn mặc bộ đồ đen." Vừa chỉ tay vào tôi, ông vừa nói, "này bạn, làm ơn lên đây. Tôi có lời từ Chúa nói với bạn." Tôi vẫn ngồi lì ở đấy. Vị mục sư này lại yêu cầu, "Bạn là một mục sư mới. Bạn mới chỉ làm mục sư trong thời gian rất ngắn. Vậy mục sư làm ơn lên đây. Tôi có lời từ Chúa nói với bạn." Tôi tiếp tục ngồi đó và không động đậy. (Nên nhớ rằng có thể một ai đó là mục sư mới, trẻ, mặc đồ đen ngồi trong nhà thờ này. Có thể họ đang nói với người ấy chứ? Có phải không).


Và rồi vị mục sư yêu cầu lần cuối cùng. Ông nói, "Này mục sư, đây là lần chót tôi gọi bạn lên đây. Bạn biết là tôi đang nói về bạn và tim bạn đập mạnh như muốn lọt ra khỏi lồng ngực. Này mục sư, làm ơn lên đây. Tôi có lời từ Chúa nói với bạn." Ông nói đúng. Tim tôi đập thình thịch đến độ muốn tung ra khỏi lồng ngực. Sau cùng, tôi đứng lên và bước về phía ông rồi hỏi, "Có phải tôi là người ông muốn nói đến?" Ông trả lời, "Phải, Anh Rice, sao anh lâu quá vậy?" Không ai trong nhà thờ biết tôi là ai. Ông này gọi tên tôi và không cách chi ông biết được tên tôi nếu không có Chúa giúp. Sau đó ông nói, "Này mục sư, Chúa nhờ tôi đưa đoạn sách thánh này cho bạn. Đoạn sách thánh là Thư I gửi cho tín hữu Côrintô 2:4-5, đoạn ấy viết, 'Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa'".


Chúa muốn nói với tôi rằng tôi không giảng những gì tôi học được từ người khác. Đúng hơn, Chúa muốn tôi giảng bằng "bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng." Ông cho tôi thấy rằng nhà thờ của tôi là "em bé sơ sinh" mà Chị Smith đã đề cập đến trong lời tiên tri. Hơn thế nữa, Chúa còn ban cho tôi những gì cần để cai quản nhà thờ này. Người giúp tôi đi trước những người mà tôi dẫn dắt. Tôi không biết cai quản thế nào, tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy Chúa thi hành vào tối ở San Diego. Do đó tôi khởi sự tìm kiếm mọi sự trong Kinh Thánh nói về sự chữa lành. Bất cứ gì tôi giảng là về sự chữa lành, và đoán thử xem. Mỗi lần tôi giảng là có người được chữa lành và nhà thờ bắt đầu gia tăng nhờ Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa. Chúng tôi thấy người ta được chữa lành khỏi mọi bệnh tật. Để tôi kể cho bạn nghe một số chữa lành và phép lạ mà Thiên Chúa đã làm cho nhà thờ này.


Một buổi tối Chúa Nhật nọ sau khi tôi giảng xong, Chúa cho tôi thấy qua sự hiểu biết của một ông đó và nói cho tôi biết về khó khăn của họ. Tôi đưa ông ta ra khỏi giáo đoàn, tôi cho ông biết là Chúa đã nói với tôi về ông và tôi hỏi điều đó có đúng không. Chúa cho tôi thấy ông này bị ung thư phổi giai đoạn cuối và bác sĩ cho biết chỉ còn ba tuần lễ để sống. Ông cho biết điều đó đúng. Ông nói vợ ông xin phép bác sĩ để đưa ông đến nghi thức chữa lành này. Khi xong nghi thức, vợ ông sẽ đưa lại bệnh viện. Tôi xức dầu cho ông và cầu xin Chúa chữa ông khỏi bệnh ung thư. Sau nghi thức, vợ ông đưa ông trở lại bệnh viện theo như lệnh của bác sĩ.


Khoảng ba tuần sau, ông và vợ trở lại nhà thờ của tôi. Họ cho biết vào hôm sau khi tham dự nghi thức chữa lành, ông được khám nghiệm và người ta không tìm thấy một dấu vết nào của bệnh ung thư. Một lần nữa Chúa lại cho tôi biết là ông này bị thiếu một xương sườn. Do đó, tôi hỏi ông, "Tại sao ông lại thiếu một xương sườn?" Ông cho biết khi giải phẫu, các bác sĩ phải lấy đi một xương sườn và rồi không ráp lại được trong lồng ngực. Tôi xức dầu cho ông và cầu xin Chúa đặt xương sườn trở lại cho ông. Khi tôi đang cầu nguyện, ông cho biết ông cảm thấy nóng ran chung quanh lồng ngực. Một vài tuần sau, ông và vợ trở loại với một mớ phim quang tuyến X chụp trước và sau. Chúa đã đặt một xương sườn mới vào lồng ngực của ông.


Một đêm kia Chúa cho tôi biết có một bà bị bệnh tim. Bà đến bác sĩ và được bảo tim của bà tiếp tục hư hại như trước, và có lẽ bà cần thay tim. Khi tôi cầu nguyện cho bà, bà cho biết bà cảm thấy râm ran chung quanh quả tim. Khi bà trở lại bác sĩ, ông không hiểu điều gì đã xảy ra vì bây giờ con tim của bà như của thiếu nữ. Không chỉ vậy, Chúa còn thay đổi loại máu cho bà. Trong một nghi thức khác, một bà xin tôi cầu nguyện, bà muốn có thai nhưng vì lý do nào đó bà không thể. Tôi xức dầu cho bà và cầu xin cho bà được mang thai. Tôi nói với bà rằng bà sẽ có con trai. Chín tháng sau, bà có một đứa con trai nặng 6.4 cân Anh. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chứng cớ thật đáng kinh ngạc nữa.


Một ngày kia tôi được gọi vào bệnh viện để ở với một gia đình thuộc về giáo đoàn của tôi. Họ có một đứa cháu đang sống với họ, tuy nhiên, nó không phải là Kitô Hữu và không tham dự một giáo hội nào cả. Khi sắp đến bệnh viện, tôi được cho biết là nó đã bị chết trong một tai nạn xe hơi. Nó say rượu và lái xe quá nhanh, khi quẹo đã đụng phải cái cây. Cổ nó bị gẫy làm hai khúc. Cảnh sát California cho biết hắn đã chết, tài xế xe cứu thương cũng nói nó đã chết và nhà thương tuyên bố hắn đã chết trên đường đến bệnh viện. Chúa nói với tôi là nếu tôi đến bên xác chết và khiển trách sự chết và ra lệnh sự sống trở lại với nó thì Chúa sẽ cho nó sống lại. Tôi từng thấy Chúa làm nhiều điều như vậy. Khi Chúa bảo tôi thi hành điều gì, dù nghe có điên rồ cách mấy, tôi cũng thi hành. Do đó, tôi hỏi thi hài nó ở đâu và đến nơi người ta đang đặt. Tôi yêu cầu họ cho tôi vài phút để ở một mình với nó. Nhân viên bệnh viện tưởng tôi là bạn nên cho tôi ở với nó vài phút. Thực sự chưa bao giờ tôi cầu nguyện cho người chết. Nếu điều này không có hiệu quả, tôi không muốn nhân viên bệnh viện nghĩ tôi là người điên. Khi ở một mình với nó, tôi chỉ thi hành những gì Chúa bảo tôi làm. Tôi đặt tay trên xác chết và khiển trách sự chết và ra lệnh sự sống trở lại với nó. Điều kế tiếp là tôi thấy nó la hét vang dội vì sự đau đớn cũng sống lại. Nhân viên bệnh viện chạy đến và một người trong bọn nói, "Tháo cái thẻ buộc ở ngón chân nó ra." Họ đưa tôi ra khỏi phòng và vội vã đẩy nó vào phòng cấp cứu.


CHƯƠNG 2: ĐỨC TIN TRÔNG ĐỢI


Trong ba mươi ba năm thi hành sứ vụ, tôi tìm thấy có ba kẻ thù cản trở việc Chúa nhận lời cầu xin. Thứ nhất là hồ nghi và không tin, thứ hai là thiếu tha thứ cho người khác và thứ ba là không nhận biết Mình Thánh Đức Kitô cách xứng hợp. Trong chương này tôi sẽ nói về sự hồ nghi và thiếu đức tin. Khi chúng ta đến với Chúa trong sự cầu nguyện, Người muốn chúng ta đến với đức tin của một đứa trẻ mong sẽ nhận được những gì mình xin. Tôi gọi loại đức tin này là "đức tin trông mong". Để tôi kể một vài câu chuyện cho thấy Chúa đã dậy tôi phải tin vào Người với "đức tin trông mong."


Khi mới là một mục sư, tôi không có sự hỗ trợ tài chánh nào cả. Tôi cũng không đủ tiền để hỗ trợ nhu cầu của gia đình, và tôi còn phải trả tiền thuê mướn cơ sở nơi dùng làm nhà thờ. Để trang trải cho các nhu cầu này, tôi tiếp tục lái xe tải như một nghề kiếm cơm. Trong khi coi sóc nhà thờ của tôi ở Vista, California, tôi lái xe tải gọi là xe chuyển tiếp, căn bản là xe đổ cát. Một buổi sáng lạnh và mưa, trước khi mọi người đến nơi, tôi đã phải đổ đống cát đầu tiên trong bóng đêm. Một số cát đá kẹt vào đường rãnh khiến thùng cát không lăn xuống được. Tôi đóng cánh cửa sau thật mạnh với hy vọng số cát đá sẽ lỏng ra. Khi đóng cánh cửa như vậy, tay áo tôi vướng phải cạnh xe và cánh cửa sắt nặng 300 cân Anh đã dập xuống tay tôi. Khỏi phải nói, tôi đã bị gẫy tay.


Vì không thể kêu ai giúp đỡ, tôi quyết định tiếp tục đổ đống cát thứ hai. Khi lái xe với cánh tay bị gẫy, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi nhớ có nói, "Chúa ơi, con xin cá thì Ngài lại cho con rắn." Tôi cầu nguyện với "đức tin trông mong." Tôi nói với Chúa là tôi muốn có thể tin vào Chúa vì bất cứ gì. Chúa nói với tôi, "Bob, con thấy dễ để cầu xin cho người khác phải không? Vậy, giờ đây con là người bị đau. Đức tin của con thế nào? Với tất cả những đau đớn bây giờ, con có còn tin là Ta sẽ chữa cánh tay gẫy cho con không?" Tôi thưa, "Có, lậy Chúa, con tin." Tôi dùng bàn tay gẫy nắm lấy tay lái và đặt bàn tay khác lên trên rồi nói, "Hỡi cánh tay, nhân danh Chúa Giêsu, hãy lành lặn." Ngay lập tức, tôi cảm thấy Chúa chữa cánh tay ấy và mọi sự đau đớn vì xương gẫy cũng tan biến. Khi bạn đau ốm, bạn sẽ thấy rằng một trong những điều khó khăn nhất để thi hành là tin vì nhu cầu của chính mình. Tuy vậy, điều đó vẫn có thể xảy ra. Chỉ cần đến với Chúa với "đức tin trông mong."


Vào năm 1973, Chúa dậy tôi một bài học quý báu khác về "đức tin trông mong." Một buổi sáng tháng Tư khoảng mười giờ, tôi đang cầu nguyện trong văn phòng, và tôi nghe Chúa nói với tôi, "Bob, Ta sẽ sai con đến Nam Dương." Tôi thưa, "Lậy Chúa, sao Chúa lại gửi con đến Nam Dương?" Chúa nói, "Bob, Ta muốn cho con thấy một vài điều ở đó. Ta muốn dậy con một vài điều và con sẽ không bao giờ giống như trước." Tôi thưa, "lậy Chúa, thưa được. Nếu Ngài muốn con đến Nam Dương thì con sẽ đi, nhưng làm thế nào con đến đó được. Ngài biết là con không có tiền cũng như nhà thờ của con. Con sẽ lấy tiền đâu ra?" Khi những lời ấy chưa dứt thì tôi đã nghe có tiếng chuông điện thoại. "Chào Mục Sư Rice. Đây là Emily K. Ông có ở văn phòng trong giây lát không? Tôi sẽ xuống đó và gặp ông trong vài phút." Tôi trả lời bà là tôi sẽ ở đây cả buổi sáng.


Khoảng bốn mươi lăm phút sau, bà gõ cửa văn phòng tôi. Tôi mời bà vào. Sau một vài phút thăm hỏi thường lệ, bà đưa tôi một chi phiếu và nói, "Chúa bảo tôi đưa cho ông số tiền này. Nó không phải cho nhà thờ, nhưng cho cá nhân ông. Chúa bảo ông thi hành điều gì đó và đây là số tiền cho mục đích đó." Tôi chết lặng khi thấy số tiền của tấm chi phiếu. Tuy nhiên, tôi cố bình tĩnh và đặt tấm chi phiếu lên bàn rồi cảm ơn bà. Sau đó tôi cho bà biết những gì Chúa bảo tôi vào sáng hôm ấy. Bà nói, "Đúng, đúng rồi. Ngợi khen Chúa! Đúng vậy!" Tôi kinh ngạc đến muốn chết. Khi bà bước ra khỏi cửa, tôi cầm lấy tấm chi phiếu và nhìn xem. Đó là tấm chi phiếu năm trăm đôla.


Chiều hôm ấy tôi nói với một bạn thân, là thành viên của giáo đoàn, về những gì Chúa đã bảo tôi, và làm thế nào bà K. đã đem cho tôi tấm chi phiếu trị giá năm trăm đô la. Ông hỏi tôi có biết gì về Mel Tori và cuốn sách "Like a Mighty Wind" (Như Cơn Gió Cả) của ông ta không. Tôi cho biết là không. Ông nói đó là một sự phục hồi đức tin cả thể đang xảy ra ở Nam Dương, và cuốn sách của ông Mel là nói về vấn đề đó. Sau đó ông cho biết vào tối hôm ấy, ông Mel sẽ giảng tại nhà thờ North Hollywood Baptist. Ông hỏi tôi có muốn đến North Hollywood và nghe lời chứng của ông Mel về những gì đang xảy ra ở Nam Dương không. Tôi đồng ý đó là một ý kiến hay. Do đó ông và tôi cũng như một số bạn hữu đã đến nghe ông Mel vào tối hôm ấy.


Sau khi diễn giảng, ông Mel đứng bắt tay mọi người và tôi bước đến ông, ngỏ ý là tôi rất thích lời chứng của ông. Khi nắm tay ông, tôi nói, "Chào ông Mel, tôi là Bob Rice." Ông trả lời, "Phải Anh Rice, khi nào anh đến quê hương của tôi?" Nghe vậy tôi muốn độn thổ. Tôi hỏi làm sao ông biết là tôi sẽ đến quê hương ông. Mel nói Chúa đã cho biết tên của tôi và đã cho thấy khuôn mặt của tôi trong máy truyền hình của Chúa (nói cách khác là qua một thị kiến) và Người sẽ gửi tôi đến với họ. Tôi trả lời là có lẽ tôi sẽ bay sang đó vào tháng Sáu. "Ồ, vậy thì tốt" ông nói, "anh phải viết thư cho các anh em ở nhà vì họ trông đợi anh đến đó tháng Năm. Nếu anh không đến tháng Năm, họ sẽ lo lắng về anh."  Tôi nói, "Vậy thì có lẽ tốt hơn tôi sẽ đi tháng Năm." Ông hỏi có thể nào ông gặp tôi vào thứ Năm không. Lý do là vì ông muốn trao cho tôi ba lá thư. Chúa chưa nói cho tôi biết là tôi sẽ đi đâu. Người chỉ nói là Nam Dương. Mel là người cho biết nơi tôi sẽ đến. Tôi được mong đợi sẽ đến làng Soe, Nam Dương.


Hôm sau, tôi đến gặp nhân viên hãng du lịch để biết phí tổn vé máy bay đi và về KuPang, Nam Dương, là phi trường gần làng Soe nhất. Bà này cho biết vé khứ hồi sẽ tốn một ngàn ba trăm đô la. Vào lúc đó, tôi chỉ có năm trăm đô la mà bà K. đã cho tôi. Nhân viên này hỏi là tôi có muốn giữ chỗ trước hay không, tôi trả lời là chưa có đủ tiền. Bà nói không sao. Tôi không cần phải có đủ tiền cho đến khi thực sự bay. Tôi nói, "Nếu tôi không có đủ tiền vào lúc đó thì sao?" Bà nói không phải lo gì cả. Tôi chỉ cần hủy bỏ chuyến đi. Tôi nói, "Vậy, nếu tôi không tốn kém một xu thì có mất mát gì đâu? Cứ giữ cho tôi một chỗ." Trong đầu tôi vẫn đinh ninh là mười bẩy tháng Năm. Khi bà nhân viên hỏi là khi nào tôi muốn ra đi, tôi nói với bà, "Thực sự tôi không biết là vì tôi không có tiền." Do đó, tôi bảo bà cứ chọn cho tôi một ngày vì tôi có thể thay đổi hoặc hủy bỏ nếu cần. Nghe vậy, bà nói, "Ông thấy ngày mười bẩy tháng Năm thế nào?" Đó chính là ngày tôi có trong đầu. Do đó, bà giữ chỗ cho tôi vào ngày mười bẩy tháng Năm 1973. Sau đó bà cũng đưa tôi giấy tờ để xin thị thực và hộ chiếu. Bà nói có thể phải mất vài tuần mới xong, bởi thế chúng tôi phải làm ngay. Nếu tôi không đi, cũng chẳng mất mát gì. Tôi chỉ có giấy hộ chiếu. Ba ngày sau, bà gọi cho biết hộ chiếu và thị thực của tôi đã xong. Bà chưa bao giờ thấy hộ chiếu được cấp phát trong ba ngày.


Một vài ngày sau, một mục sư từ vùng Los Angeles gọi tôi và hỏi tôi có muốn tổ chức nghi thức chữa lành tại nhà thờ của ông không. Ông đã sắp xếp cho tôi đến đó vào tối thứ Tư tuần tới. Sau khi chấm dứt đêm đó, mục sư đưa tôi một phong bì hậu tạ. Tôi cầm lấy bỏ vào túi mà không đếm, rồi cảm ơn ông. Về nhà đêm đó, tôi để ý thấy số tiền hậu tạ thật nhiều. Tôi quá mệt mỏi, nhưng cũng dành thời giờ để xem Chúa đã chúc phúc cho tôi như thế nào. Tôi không tin vào mắt mình. Tôi nhận được tám trăm đô la. Số tiền này cộng với số tiền của bà K. là những gì tôi cần cho vé máy bay. Chúc tụng Chúa!


Ngày mười bẩy tháng Năm đã đến và tôi sẵn sàng đến Nam Dương. Tuy nhiên, tôi chỉ có tám mươi đô la cho chuyến đi. Verma, vợ tôi, hỏi, "anh nghĩ thế nào mà dám đi xa hơn nửa vòng trái đất trong ba tuần lễ với tám mươi đô la thôi?" Tôi trả lời rằng chuyến đi này là ý Chúa chứ không phải tôi và Người sẽ lo liệu cho tôi. Một người bạn đưa tôi ra phi trường và cho tôi hai mươi đô la nữa. Tôi sẽ lên phi cơ với đúng một trăm đô la. Ở phi trường, tôi được cho biết là chuyến bay sẽ đi qua Anchorage, Alaska chứ không phải Honolulu, Hawaii. Điều này làm tôi hoang mang vì Chúa nói tôi sẽ rao giảng ở Hawaii trên đường trở về, và tôi đã có ý định gọi điện thoại cho một mục sư bạn và sắp xếp để giảng tại nhà thờ của ông, trong khi chúng tôi ở Honolulu.


Trong khi đợi phi cơ cất cánh, tôi làm quen với một hành khách khác cũng đợi cùng chuyến bay. Tôi cho bà biết lý do tôi đi. Bà nhận xét rằng lần này thực sự Chúa đã nhầm lẫn vì chuyến bay đặc biệt này thường đi qua Anchorage, Alaska. Bà cho biết bà thường lấy chuyến bay này vì tiết kiệm được bốn giờ bay thay vì đi đường ngang qua Honolulu. Bà còn đang nói thì máy phóng thanh ở phi trường đã lên tiếng, "Ai có chuyến bay này nọ, vui lòng đến quầy vé. Chuyến bay này vừa mới thay đổi. Bây giờ qúy vị sẽ bay ngang Honolulu." Tôi nhìn bà và cười lớn.


Khi đến Dempasa, tôi đưa cho người tài xế taxi thấy địa chỉ trên phong bì lá thư của ông Mel mà tôi muốn đến. Lá thư này đề địa chỉ của người bạn ông Mel, là người sẽ giúp tôi đến nơi mong muốn. Tài xế taxi đưa tôi đến nơi và tôi trao lá thư của ông Mel cho người chủ nhà ở Dempasa. Họ để tôi nghỉ qua đêm và sáng hôm sau họ giúp tôi lên chuyến bay đến KuPang. Khi đến phi trường KuPang tôi đưa cho một tài xế taxi khác lá thư thứ hai của ông Mel để chở tôi đến nhà người bạn ông Mel. Tôi ở đây hai ngày trong khi họ tìm người lái xe jeep chở tôi đến làng Soe, Nam Dương. Sau cùng tôi đến quê ông Mel, làng Soe, vào lúc 11g đêm và đưa cho chủ nhà lá thư cuối cùng của ông Mel. Sau khi đọc thư xong, ông mời tôi vào nhà và dọn chỗ cho tôi nghỉ trong thời gian ở Soe. Chúng tôi chuyện trò vài phút và tôi đi ngủ. Đó là một ngày thật dài.


Vào tám giờ sáng hôm sau, một bà gõ cửa và nói với chủ nhà, "Ông có một người ngoại quốc đến từ Hoa Kỳ, và tôi được Chúa chuyển lời cho ông ấy." Tôi được cho biết bà này đã phải đi bộ mười lăm dặm băng qua khu rừng vào ban đêm để đến căn nhà tôi đang ở. Họ gọi các trưởng lão của nhà thờ lại và chúng tôi cầu nguyện khoảng bốn mươi lăm phút. Bà này bắt đầu lên tiếng và họ thông dịch sang Anh Ngữ để tôi hiểu. Đó là một thông điệp riêng tư về vài điều mà Chúa muốn thương lượng với tôi về sứ vụ của tôi. Đó là một vấn đề mà tôi không muốn chấp nhận. Tuy nhiên, Chúa đã có được sự lưu ý của tôi bằng cách đưa tôi đi xa nửa vòng trái đất, và một bà phải đi bộ mười lăm dặm qua khu rừng vào ban đêm để đem cho tôi thông điệp ấy. Tôi ở lang Soe khoảng một tuần và sau đó trở về KuPang.


Khi đến KuPang tôi giảng ở một nhà thờ địa phương vào tối Chúa Nhật. Trong nghi thức đêm ấy chúng tôi chứng kiến vài việc chữa lành. Sáng hôm sau, những tiếng động ở nhà bếp đã thức giấc tôi. Tôi dậy làm vệ sinh và đi qua nhà bếp. Một vài người đang ngồi trong bếp, mà tôi cho là thật lạ vì lúc ấy mới 5g sáng. Những người này không có mặt trong nghi thức tối hôm qua, nhưng họ nghe là một người của Chúa đã cầu nguyện cho bệnh nhân và nhiều người đã được khỏi. Họ muốn biết là có quá trễ để người của Chúa cầu nguyện cho họ không. Bạn có thấy đức tin trông đợi của những người này không? Tôi nghĩ điều lạ lùng nhất tôi được nhìn thấy khi ở Nam Dương đã xảy ra vào 5g sáng thứ Hai hôm ấy. Một phụ nữ bị lở loét khắp thân thể. Tôi không biết đó là bệnh gì, nhưng thật ghê tởm. Bà muốn biết là tôi có cầu nguyện cho bà và Chúa có thể chữa lành cho bà không. Tôi nói dĩ nhiên tôi sẽ cầu nguyện cho bà. Đây là lý do Chúa muốn gửi tôi đến chỗ này. Người muốn tôi nhìn thấy đức tin như trẻ nhỏ ở đây. Khi tôi cầu nguyện cho bà, điều lạ lùng nhất bắt đầu xảy ra. Tôi không biết diễn tả nó như thế nào hơn là nói rằng, da của bà bắt đầu như sôi lên. Giống như ai đó đổ thuốc "Peroxide" lên các vết lở loét. Trong vòng khoảng năm phút, chúng tôi không còn thấy dấu vết lở loét ghê tởm nữa. Tôi không thể diễn tả được khi thấy những điều như vậy xảy ra ngay trước mắt, đức tin bạn sẽ như thế nào. Tôi ở KuPang một vài ngày nữa và sau đó trở về nhà.


Tôi dừng ở Honolulu và giảng trong một đêm Chúa Nhật cho người bạn làm mục sư ở Aiea, Hawaii. Anh tôi là Arnold đóng quân ở đó trong căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Tôi ở đêm với Arnold và gia đình anh. Sáng hôm sau, tôi lên phi cơ về San Diego, California. Trong khi đợi xe buýt để đi Oceanside, California, tôi uống một ly cà phê. Tôi kiểm soát xem một trăm đô la còn lại bao nhiêu sau khi về từ Nam Dương. Thật ngạc nhiên, tôi có một trăm và sáu đô la! Tôi có nhiều tiền hơn trước khi đi! Ở Nam Dương không ai cho tôi một đồng nào. Không có phong bì hậu tạ cho chuyến đi này. Vậy sáu đô la thặng dư này là ở đâu? Bạn cho tôi biết. Bạn có nhớ đến câu chuyện "năm cái bánh và hai con cá" không? Chúa thật đúng khi nói, "Ta muốn cho con thấy một vài điều ở đó, một vài điều Ta muốn dậy con. Con sẽ không bao giờ giống như trước." Tôi thấy rằng đức tin như trẻ nhỏ hay đức tin trông đợi là điều Chúa muốn tất cả chúng ta đều có.


Chúa không muốn chúng ta hai lòng. Đoạn sách thánh Giacôbê 1:6-8 viết, "Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm." Thư thứ nhất của Thánh Gioan 5:14-15 viết, "Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người." Luca 18:27 nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu nói, "Điều không thể đối với loài người thì có thể đối với Thiên Chúa." Máccô 11:22-24 có chép lời Chúa nói, "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển', mà trong lòng chẳng hoài nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý." Do đó, "Hãy tin tưởng vào Chúa" và "biết rằng Người nhận lời chúng ta về bất cứ gì chúng ta xin." Đừng đến với Người mà hồ nghi, nhưng hãy đến với Người với đức tin trông đợi và "biết rằng những gì chúng ta xin Người thì sẽ được." 


CHƯƠNG 3: SỰ THA THỨ


Ngay từ khi mới khởi sự thừa tác vụ, Chúa đã dậy tôi rằng sự thiếu tha thứ có thể cản trở chúng ta không được chữa lành và lời cầu xin không được đáp trả. Một phụ nữ trong nhà thờ của tôi tên Betty có thị lực rất kém. Trong một nghi thức tối Chúa Nhật, Betty đến với tôi để xin cầu nguyện chữa lành cho mắt của bà. Khi tôi bắt đầu cầu nguyện, Chúa bảo tôi ngưng lại. Chúa cho tôi biết bà Betty không thật lòng tha thứ cho người em dâu và vì vậy Chúa sẽ không chữa lành cho bà, cho đến khi bà gặp cô em dâu. Bà phải tha thứ cho cô em dâu và xin lỗi về tất cả những vấn đề giữa hai người từ bao nhiêu năm. Tôi cho bà Betty biết những gì Chúa cho tôi thấy. Bà nói với tôi là bà hiểu những gì Chúa muốn nói. Vào thứ Tư sau đó, bà đến với cô em dâu. Bà tha thứ cho cô và xin cô tha thứ cho bà như Chúa đã ra lệnh. Bạn đoán thử xem điều gì xảy ra? Khi bà thi hành những gì Chúa bảo, ngay lập tức mắt bà được chữa khỏi. Tuy nhiên, Chúa vẫn có điều phải làm với bà Betty về vấn đề tha thứ.


Trong một cuộc tĩnh tâm ở vùng núi, Chúa cho bà Betty thấy bà phải xin sự tha thứ của một người anh em, tên Bill. Thật vậy, cả nhà thờ chúng tôi đi tĩnh tâm. Chúng tôi về tối thứ Sáu và trở lại tối Chúa Nhật. Trong cuối tuần ấy, tôi tổ chức một vài khóa học khác nhau. Tuy nhiên, chiều Chúa Nhật tôi không có dự tính gì đặc biệt. Đó là thời gian để nghỉ ngơi và ngắm cảnh hùng vĩ của núi đồi. Hầu hết các trẻ em chơi banh. Khoảng 2g trưa, tất cả người lớn đi vào nhà nguyện. Chúng tôi ngồi chung quanh và nói về đủ thứ chuyện. Bà Betty đi vào bếp và trở ra với một chậu nước và cái khăn. Bà quỳ gối trước mặt ông Bill và bắt đầu khóc. Bà nói với ông là thật khó để bà yêu mến ông như một người anh em trong Chúa Kitô. (Bill là loại người hay đả kích người khác mỗi khi ông mở miệng). Trong khi bà Betty xưng thú ác cảm của mình đối với ông Bill, bà cởi giầy và vớ của ông. Khi bà rửa chân cho ông Bill, cả nhà nguyện như ngập tràn sự hiện diện của Chúa.


Một người khác cầm lấy chậu nước và cái khăn rồi đến với ai đó mà họ cần hòa giải. Khi hành động hòa giải đang lan tràn trong giáo đoàn, không có ai đến với tôi. Tôi tự nhủ, "Không ai có vấn đề với mục sư sao? Tôi không tin nổi." Bill, người đầu tiên được rửa chân, nói với tôi, "Mục Sư Bob, ông vui lòng đến ngồi trên ghế này." Khi tôi ngồi vào ghế, tôi thầm nghĩ, "sau cùng thì cũng có ai đó có vấn đề với mục sư." Ông Bill nói, "Mục Sư Bob, chúng tôi không có vấn đề gì đối với ông và tôi không biết có ai trong giáo đoàn này chống đối ông. Tôi chỉ muốn thay mặt cho giáo đoàn để cho thấy rằng tất cả chúng tôi yêu mến ông biết chừng nào." Vợ tôi đến đứng bên cạnh tôi. Tất cả các bà đứng thành một vòng tròn và các ông chồng thì đứng ở sau lưng. Sau khi ông Bill và vợ, bà Sue, cởi giầy và vớ của tôi, họ đặt chân tôi trong chậu nước. Khi chân tôi chạm vào nước, toàn thể giáo đoàn đều "chết trong Đức Thánh Linh" cùng một lúc. Nói cách khác, tất cả đều ngã ngửa ra đàng sau. Họ có khoảng ba mươi lăm cặp, tức là bẩy mươi người tất cả cùng chết trong Đức Thánh Linh vào ngay lúc đó. Không cay đắng hay không ác cảm trong giáo đoàn, họ cùng một lòng một ý như trong sách Công Vụ Tông Đồ có nói.


Cảm nghiệm này đã thay đổi giáo đoàn của tôi. Chúa bắt đầu chứng thực Lời Chúa với các dấu chỉ như có nói trong Máccô 16:20, "Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng." Một thiếu niên khoảng mười lăm tuổi tên Chris bị ngựa đạp lên cánh tay. Tay của em bị làm độc và hư thối. Bác sĩ nói họ phải cắt cánh tay của em để ngăn chặn sự làm độc. Bạn gái của em xin tôi đến bệnh viện để cầu nguyện cho em, và tôi đã thi hành. Thiên Chúa đã chữa lành cho em và bệnh viện đã cho em về nhà sau hai ngày.


Một người khác trạc bốn mươi tuổi bị sưng tĩnh mạch ở trên đầu. Chỉ cần ông hắt xì hơi là một tĩnh mạch vỡ ra trong đầu. Một vài tĩnh mạch đã vỡ khiến ông trong tình trạng giống như thực vật trong thời gian hơn tám năm. Ông trả lời "có" và "không" bằng chớp mắt một lần (có) hay hai lần (không). Sau một lần khác bị vỡ tĩnh mạch, bác sĩ cho gia đình biết ông không còn hy vọng gì. Một bác sĩ nói có lẽ ông chỉ sống thêm được vài ngày. Vì không còn hy vọng, gia đình đưa ông về nhà để chăm sóc. Đây là một gia đình Công Giáo, nhưng em của ông đi nhà thờ của tôi. Cô xin tôi đến nhà và cầu nguyện cho ông, dĩ nhiên tôi đã thi hành. Tôi xức dầu và cầu nguyện cho ông. Ba ngày sau tôi trở lại để xem ông như thế nào. Khi tôi bước vào phòng ngủ của ông, tôi thấy ông ngồi ở trên giường mà trong tám năm ông không thể cử động. Là người Công Giáo, ông nói với tôi, "Cha Rice, hãy đứng đó." Ông ra khỏi giường, đi đến ôm tôi, hôn lên má tôi và cảm ơn tôi. Sau đó ông quay về giường và ngồi xuống. Em trai của ông, một người nghiện rượu, chứng kiến những gì đang xảy ra, đã quỳ xuống khóc lóc xin Thiên Chúa cứu chữa và ông đã thoát khỏi bệnh nghiện rượu.


Sự thiếu tha thứ có thể và sẽ làm hao mòn bạn như một bệnh ung thư, và như bệnh nghiện rượu có thể làm bạn bệnh hoạn. Như tôi đã nói, thiếu sự tha thứ có thể cản trở chúng ta không được chữa lành và lời cầu xin không được đáp trả. Trái lại, sự tha thứ có thể mở ra cho bạn nhiều cửa ngõ và đem cho bạn sức khỏe. Tôi rất cảm ơn người bạn tôi, Cha Robert DeGrandis, S.S.J, là người đã viết "kinh Tha Thứ". Tôi đã lấy kinh này và viết lại thành "kinh Tha Thứ" của chính tôi. Do đó, lời kinh mà bạn sẽ đọc, với tâm tình cầu nguyện, được viết một phần bởi Cha DeGrandis và một phần là của tôi.


KINH THA THỨ


"Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em
" (Mt 6:14-15)


Và vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện:


Lậy Cha và lậy Chúa Giêsu Kitô, con đến trước mặt Chúa với con người chân thật. Con hối hận vì những tội đã phạm. Con sám hối tội lỗi của con, xin Chúa tha thứ cho con. Nhân danh Chúa con cũng tha thứ cho tất cả những ai đã lỗi phạm đến con.


Lậy Chúa Giêsu Kitô, con muốn đến trước mặt Chúa hôm nay để tha thứ cho MỌI NGƯỜI trong đời con, và con biết Chúa sẽ ban cho con sức mạnh cần thiết để tha thứ cho họ.


Trước hết, con muốn tha thứ cho CHA MẸ con vì ý định phá thai khi họ mang thai con hay anh chị em của con. Vì những lúc họ làm con đau lòng, tức giận con và những lúc họ trừng phạt con cách vô lý. Con tha thứ cho họ những lúc họ bất công yêu thương anh chị em hơn con. Con tha thứ cho họ vì thiếu giúp đỡ, thiếu tình thương, thiếu chú ý, và thường vắng nhà. Con tha thứ cho họ vì hay cãi vã, đánh nhau, đối xử giả dối và ly dị. 
Lậy Chúa, con tha thứ cho Mẹ và Cha của con.


Lậy Chúa, con tha thứ cho ANH CHỊ EM con vì đã tẩy chay con, nói dối về con, ghét con, bực tức con, tranh giành tình thương của cha mẹ với con.


Lậy Chúa, con tha thứ cho VỢ/CHỒNG con vì thiếu tình yêu, cảm xúc, để ý, hỗ trợ, đối thoại. Vì những lỗi lầm, sa ngã, yếu đuối của họ, kể cả sự bất trung đối với con và vì những lời nói và hành động làm con đau lòng và lo âu. Lậy Chúa, con tha thứ cho VỢ/CHỒNG của con, trong quá khứ cũng như hiện nay.


Lậy Chúa Giêsu, con tha thứ cho CON CÁI của con vì chúng thiếu tôn trọng, vâng lời, kính mến, lưu tâm, hỗ trợ, thân thiện, hiểu biết; vì thói quen xấu của chúng và những hành động làm con lo âu. Con tha thứ cho chúng.


Lậy Chúa, con tha thứ cho BÀ CON HỌ HÀNG NỘI NGOẠI đã đối xử tệ hại với gia đình con vì thiếu tình thương và tôn trọng. Vì những lời nói, tư tưởng và hành động của họ gây thương tích và đau khổ cho con và gia đình con. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho CHỦ NHÂN của con vì không trả lương xứng đáng, không biết qúy trọng công việc con làm, không tử tế và công bằng với con, hay tức giận và thiếu thân thiện, không tăng lương khi con xứng đáng, không biết khen ngợi khi con làm việc tốt. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Con tha thứ cho NHỮNG NGƯỜI CÙNG SỞ vì họ hay gắt gỏng hoặc tạo bầu khí làm việc nặng nề. Vì những người hay dồn việc cho con, đồn nhảm về con, không cộng tác với con, vì những người nói xấu con để họ được tiếng tốt trước mặt chủ nhân, và muốn cướp công của con. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Con tha thứ cho HÀNG XÓM của con. Vì những ồn ào, không giữ gìn nhà cửa, không canh giữ súc vật để chạy sang nhà con và làm dơ dáy, vì họ có thành kiến và làm cho khu xóm trở nên tệ hại. Lạy Chúa, con tha thứ cho họ.


Con tha thứ cho HÀNG GIÁO SĨ, cha sở và các linh mục, và tất cả các nhà lãnh đạo trong giáo hội, các phần tử trong hội đồng mục vụ, điều hành GIÁO XỨ vì thiếu sự hỗ trợ, thiếu cương quyết, giảng dở, nhỏ nhen, thiếu thân thiện, không cung cấp cho con và gia đình sự phấn khởi cần thiết, vì bất cứ sự đau khổ nào họ gây ra cho con và gia đình, ngay cả trong quá khứ xa xưa, con tha thứ cho họ.

Con tha thứ cho các GIÁO PHÁI KHÁC ĐỨC TIN là những người đã quấy rầy, tấn công, đấu khẩu với con, những người tìm cách áp đặt quan điểm của họ lên con và gia đình. Lậy Chúa con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho những NGƯỜI KHÁC BIỆT VỚI CON về quan điểm chính trị, họ tấn công, nhạo cười, kỳ thị, và làm con thiệt hại về kinh tế. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho những người gây thiệt hại cho con VỀ PHƯƠNG DIỆN DÂN TỘC, họ đã kỳ thị, chế nhạo con, giễu cợt về dòng giống hay dân tộc của con, làm thiệt hại con và gia đình về phương diện thể xác, cảm xúc hay kinh tế. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho NHỮNG NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP đã xúc phạm con bất cứ cách nào. Con tha thứ cho tất cả những người phục dịch, nhất là thợ sửa chữa đã lợi dụng con khi họ làm việc. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho THẦY CÔ VÀ BẠN HỌC trong quá khứ cũng như hiện tại. Những người đã trừng phạt, xỉ nhục, đối xử bất công, chế giễu con, gọi con là ngu đần. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho BẠN HỮU là những người bỏ rơi con, không liên lạc, không giúp đỡ khi con có nhu cầu, vay tiền của con mà không trả, đồn nhảm về con. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho những NGƯỜI LÁI XE BẤT CẨN làm nguy hiểm tính mạng của con và gia đình. Lậy Chúa, con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa Giêsu, con đặc biệt xin ơn tha thứ cho NGƯỜI LÀM CON ĐAU KHỔ NHẤT trong đời. Con tha thứ cho người mà con coi là kẻ thù ghê tởm nhất, người mà con khó tha thứ, người mà con tuyên bố không bao giờ tha thứ cho họ. Con tha thứ cho những ai lạm dụng con về phương diện tình dục, thể xác, tình cảm, hay tinh thần. Lậy Chúa, hôm nay con tha thứ cho họ.


Lậy Chúa, con tha thứ cho những người này, và con cũng xin Chúa tha thứ cho họ. Con xin Chúa chúc lành cho họ. Những ai biết đến Chúa là Đấng Cứu Thế, xin Chúa chúc lành cho tất cả với ơn sủng tinh thần. Những ai chưa biết Chúa là Đấng Cứu Thế, xin Chúa chúc lành cho họ với ơn cứu độ, để họ có thể biết đến Ngài, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian.


Lậy Chúa, con xin lỗi tất cả những người này và bất cứ ai con quên sót, vì những tổn thương mà con đã gây nên cho họ, nhất là cha mẹ con, và người phối ngẫu của con. Con thực sự xin lỗi về những thương tích con đã gây ra cho họ.


Và giờ đây, lậy Chúa, khi con tha thứ cho người khác, con cũng tha thứ cho chính con và sẽ không để Satan buộc tội con cách sai lầm. Xin hãy canh tân thần khí chính trực trong con và đừng để Thần Khí Chúa xa lìa con. Xin hãy che chở con với Máu châu báu của Ngài, xin đổ đầy Thần Khí trên con, xin hãy khuấy động ơn tinh thần của Chúa trong con và ban dư đầy ơn đức tin trông đợi để con có thể phục vụ người khác cách hữu hiệu. Con xin từ bỏ Satan, các thần dữ và tất cả công việc của chúng. Lậy Chúa Giêsu, con xin dâng Chúa toàn thể con người con ngay bây giờ và mãi mãi. Lậy Chúa Giêsu, con xin Chúa đến trong cuộc đời con. Con nhìn nhận Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của con, là Đấng Cứu Độ con. Xin hãy chữa lành con, thay đổi con, lấp đầy con và củng cố con về phần xác, linh hồn và thần khí. Lậy Chúa, con yêu mến Chúa. Lậy Chúa, con ca tụng Chúa. Lậy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa, con sẽ theo Chúa hàng ngày trong đời sống. Amen.


Khi bạn cầu nguyện những lời này, hãy xin Chúa cho thấy có còn ai cần được bạn tha thứ. Hãy đọc kinh này hàng ngày ít nhất ba mươi ngày. Hãy đọc cho đến khi bạn thực sự muốn nói như vậy, và sẽ có điều gì đó thật lạ lùng xảy đến với bạn. Bạn sẽ cảm thấy sự bình an của Thiên Chúa như chưa bao giờ có trong đời. Trong khi được bình an, hãy xin Chúa cho biết có điều gì bạn cần được tha thứ. Sau đó hãy đến gặp linh mục và xin hòa giải với Chúa. (GLCG # 986).


CHƯƠNG 4: SỰ HIỆN DIỆN THỰC SỰ


Nhiều năm trước đây trong khi cầu nguyện, Chúa nói là sẽ sai tôi đi đánh thức "Người Khổng Lồ Mê Ngủ". Tôi không rõ "Người Khổng Lồ Mê Ngủ" ấy là gì và vì điều Chúa muốn nói thì chưa đến. Tuy nhiên, giờ đây tôi tin rằng điều đó đang xảy ra. Tôi tin rằng "Người Khổng Lồ Mê Ngủ" là Giáo Hội Công Giáo. Vì sau khi trở thành một tín hữu tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô, một điều tôi nhận thấy đó là thiếu sự sùng kính Thánh Thể. Hy vọng rằng, thông điệp của tôi về sự hiện diện thật sự sẽ giúp thức tỉnh "Người Khổng Lồ Mê Ngủ" đối với sự hiện diện của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Trở ngại thứ ba trong việc được chữa lành là không phân định Mình và Máu Chúa cách thích hợp. Chúa Giêsu Kitô có hiện diện trong Thánh Thể không? Nếu bạn hồ nghi sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể như trước đây tôi từng nghi ngờ thì câu trả lời dứt khoát là ! Trước đây tôi không muốn tin rằng Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Là một mục sư Tin Lành, tôi tin rằng bánh và rượu chỉ là dấu hiệu tượng trưng cho Mình và Máu Chúa Kitô. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo tin rằng khi linh mục thánh hiến bánh và rượu, bánh và rượu đó trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Để tôi kể cho bạn nghe điều gì đã xảy ra trong đời khiến tôi tin rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể.


Người vợ đầu của tôi là Verma từ trần ngày 18 tháng Sáu, 1994. Chúng tôi kết hôn với nhau trong ba mươi ba năm. Làm sao tôi có thể sống mà không có nàng? Tim, con trai út của tôi, sắp sửa giải ngũ Hải Quân. Nó nói với tôi, "Bố ơi, bố ở trên Hoa Thịnh Đốn để làm gì? Sao bố không di chuyển xuống Arizona đây sống với vợ chồng con cho đỡ buồn?" Tôi thực sự cô đơn và thấy Tim nói đúng. Do đó, tôi thôi việc nhà thờ, dọn đồ đạc chở đầy chiếc xe của tôi và trực chỉ Arizona, bỏ lại tất cả những gì không chở nổi. Ít lâu sau khi đến Show Low, Arizona, tôi gặp một phụ nữ dễ thương tên là Anita Radler, bà là một người Công Giáo. Bà từng cầu xin để gặp một người chồng Kitô Giáo tốt lành và tôi cũng cầu xin cho gặp được một người vợ Kitô Giáo tốt lành. Tôi thích đời sống gia đình và có ai đó để bầu bạn. Không bao lâu chúng tôi cảm thấy Chúa đang trả lời cầu xin của chúng tôi và Người đang đưa chúng tôi lại với nhau. (Thực sự tôi muốn say đắm bà trước khi bà có cơ hội để thấy thực sự con người của tôi!) Bây giờ, chúng tôi đã kết hôn được sáu năm và đó là sáu năm tuyệt vời. Thiên Chúa biết rõ điều Người thực hiện khi Người đưa chúng tôi lại với nhau.


Một vài tháng sau khi tôi lấy Anita, một số người tôi gặp họ muốn tôi khởi sự một giáo đoàn mới và họ sẽ giúp tôi. Tôi thực sự không muốn khởi sự một giáo đoàn mới. Tuy nhiên, họ nài nỉ. Tôi nhượng bộ và khởi sự Nhà Thờ Lakeside Community. Tôi chỉ cai quản nhà thờ này trong thời gian ngắn. Chúa cho tôi thấy một người khác sẽ làm mục sư. Chúa để tôi khởi sự một giáo đoàn để tôi có thể trao lại cho người mà Chúa mời gọi. Sau đó tôi bắt đầu tham dự Giáo Hội Công Giáo với Anita. Không bao lâu tôi cảm thấy mình như một đứa con hoang đàng không được đón nhận. Vấn đề ở chỗ, tuy tôi là một Kitô Hữu trên năm mươi năm và là mục sư trên ba mươi năm, những người Công Giáo này không cho tôi rước lễ. Tôi hỏi vị linh mục là tôi phải làm gì để gia nhập Giáo Hội Công Giáo và có thể rước lễ. Người bảo tôi phải theo học các lớp RCIA và tôi đã tuân theo. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận là trong lớp học về sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, tôi thầm nghĩ, "đúng vậy, mình phải làm như thực sự tin tưởng điều đó."


Vào Chúa Nhật Phục Sinh 1999, tôi được nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Năm đầu tiên sau khi là người Công Giáo, khi tôi xếp hàng lên rước lễ, tôi thường nói chuyện với Chúa: "Chúa ơi, giờ đây Chúa và con biết là bánh và rượu không thực sự trở nên Mình và Máu Chúa. Đó chỉ là dấu hiệu tượng trưng cho Mình Máu Chúa, nhưng thưa Chúa, con làm điều này chỉ để tưởng nhớ những gì Chúa đã làm cho con." Hơn thế nữa, vào lúc này tôi nghĩ là những ngày phục vụ đã qua, vì tôi không phải là một linh mục, tôi cũng không thể trở thành linh mục vì đã lập gia đình. Tôi cũng không nghĩ là chức phó tế hợp với mình và giờ đây khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo, người Tin Lành cũng chẳng muốn có tôi. Tuy nhiên, vào tháng Ba năm 2000 một người truyền giáo của "Catholic-Lay Evangelist" (Giáo Dân Rao Giảng Tin Mừng) tên là Brendan Case đến thành phố.


Tôi hỏi Anita, "Catholic-Lay Evangelist là cái quái gì?" Nàng cho biết những thừa tác viên chức thánh trong Giáo Hội Công Giáo chỉ có các giám mục, linh mục và phó tế. Với trường hợp của Brendan Case, tôi tự nhủ, "tên này gan thật, vào đêm cuối cùng của chương trình năm này, hắn sẽ cầu nguyện cho bệnh nhân. Thôi đi, hãy về đi, người Công Giáo không cầu nguyện cho bệnh nhân." Đêm đầu tiên, Anita đến tham dự một mình còn tôi ở nhà. Cô ấy nói với Brendan rằng tôi đã từng phục vụ người bệnh trên hơn ba mươi năm. Lúc đầu, ông ấy nói, "Tốt quá", tuy nhiên, một vài phút sau, ông trở lại gặp Anita và nói ông muốn gặp tôi. Ngày hôm sau, trời đổ tuyết nhiều quá nên tôi không thể đi làm. Tôi gọi ông Brendan và hỏi ông có muốn đến nhà uống cà phê và nói chuyện không, và ông đồng ý. Chúng tôi nói chuyện về thừa tác vụ và về tôi trong một vài giờ đồng hồ. Trong câu chuyện, ông hỏi tôi có muốn tham gia nhóm cầu nguyện của ông vào tối chữa lành không. Dĩ nhiên, tôi vui sướng để tham gia nhóm của ông. Cầu nguyện cho bệnh nhân trong Giáo Hội Công Giáo, ông không đùa chứ? Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra. Brendan thích kiểu cầu nguyện cho bệnh nhân của tôi và hỏi tôi có muốn cộng tác với ông trong một vài tuần nữa ở Globe, Arizona không. Tôi nhận lời. Để chuẩn bị chính tôi cho việc chữa lành, tôi quyết định ăn chay để biết ý Chúa Kitô.


Trong khi giữ chay, Chúa bắt đầu dậy tôi về sự hiện diện thật của Người trong Thánh Thể tôi nói với Chúa, "Chúa biết con yêu mến Chúa và con muốn biết sự thật. Khi vị linh mục thánh hóa bánh và rượu, những thứ ấy có thật sự trở nên Mình và Máu Chúa không?" Để trả lời câu hỏi đó, Chúa đưa tôi đến Phúc Âm Gioan, "Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: 'Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?'. Đức Giê-su nói với họ: 'Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời'" (Gioan 6:47-58).


Sau đó Người dẫn tôi đến thư I Côrintô, "Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: 'Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.' Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: 'Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.' Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết" (1 Cor. 11:23-30). Sau đó Chúa nói với tôi, "Bob, nếu Ta muốn nói rằng bánh và rượu chỉ là tượng trưng cho Mình và Máu Ta, thì Ta đã nói với các môn đệ, này các con, bánh và rượu này chỉ tượng trưng cho Mình và Máu Ta. Nhưng đó không phải là điều Ta muốn nói. Ta nói đây là Mình Ta… đây là Máu Ta." Đây là điều không dễ cho tôi chấp nhận.


Tôi luôn tin tưởng và dậy rằng bánh và rượu chỉ là dấu chỉ của Mình và Máu Chúa. Tôi đã không giảng dậy sai lầm vì với cộng đồng Tin Lành, đó chỉ là dấu chỉ. Mục sư Tin Lành không làm và cũng không thể thánh hóa bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Người duy nhất có thể thánh hóa bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô là một linh mục Công Giáo. Tôi thực sự ghen tức với linh mục Công Giáo. Tôi có thể cầu xin cho người đau ốm được chữa lành, người chết được sống lại. Nhưng tôi không thể thánh hóa bánh và rượu và biến chúng thành Mình và Máu của Chúa. Đặc ân đó chỉ dành cho các linh mục Công Giáo. Thật là một niềm vui và đặc ân mà họ được chia sẻ. Chắc chắn phải là một cảm giác bàng hoàng. Đã đến lúc chúng tôi phải đi Globe, Arizona để cầu nguyện chữa lành. Trước buổi tối hôm đó tôi chưa bao giờ thấy Mình Thánh được trưng bầy để thờ lậy. Được đặt trên bàn thờ là một mặt nhật và trong đó là Mình Thánh. Khi Brendan giảng tối hôm ấy, tôi ngồi ngay phía trước và nhìn vào Mình Thánh. Bỗng dưng khuôn mặt của Chúa Kitô hiện ra ngay giữa Mình Thánh. Như thể Chúa nói với tôi, "thấy không Bob. Ta thực sự hiện diện trong Thánh Thể." Tôi thưa, "Lậy Chúa, con hiểu rồi."


Chúa bắt đầu dậy tôi thấu hiểu về sức mạnh của Người. Nếu Người thực sự hiện diện trong Thánh Thể thì quyền năng của Chúa cũng vậy, bởi vì Người không thể tách biệt với quyền năng của Người. Quyền năng chữa người đau ốm, rửa sạch bệnh cùi, cho kẻ chết sống lại và khử trừ ma qủy cũng hiện diện trong Thánh Thể. Tôi hỏi Chúa, "Lậy Chúa, nếu tất cả những điều này là sự thật, có cách nào Chúa dùng con trong Giáo Hội Công Giáo không?" Chúa nói với tôi, "Có, Tác Vụ Trong Sự Hiện Diện Chúa." Tôi thưa, "Dạ, lậy Chúa, đây là những người nào? Làm sao con liên lạc với họ? Họ ở đâu?" Chúa nói, "Không, con không hiểu. Đó là tác vụ mới của con. Con hỏi Ta là có thể nào dùng con trong Giáo Hội Công Giáo không, và câu trả lời là có. Danh xưng tác vụ mới của con là 'Trong Sự Hiện Diện Chúa.'"


Sau đó tôi hỏi Chúa, "Vậy thì lậy Chúa, Chúa muốn con làm gì trong tác vụ này?" Chúa dẫn tôi đến với Mátthêu 10:7-8, "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ…" Chúa nói, "Này Bob, nếu con đi rao giảng Nước Trời đã đến, Ta sẽ chữa lành bệnh tật, tẩy sạch cùi hủi, cho kẻ chết sống lại và trừ qủy." Tôi thưa với Chúa là tôi sẽ thi hành điều đó và nói cho Chúa biết về ý tưởng của tôi về ý nghĩa của đoạn sách thánh này. Chúa bảo tôi, "Tuy căn bản là như vậy, nhưng đó không phải là ý nghĩa thực." Tôi thưa, "Vậy lậy Chúa, đoạn kinh thánh đó có nghĩa gì?" Và Người nói, "Này Bob, lý do mà nước trời đã đến là vì Ta thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Nếu con đi và rao giảng, hãy nói với dân chúng rằng Ta hiện diện trong Thánh Thể, Ta sẽ chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, tẩy sạch cùi hủi và xua trừ ma qủy."


Sau khi chia sẻ điều này với Anita, cô hỏi tôi, "Anh có nghĩ là anh sẽ trở về với Tin Lành không?" Câu trả lời của tôi cho Anita là, "anh phải đến với ai nữa?" Thánh Phêrô đã trả lời như vậy với Chúa trong Gioan 6:66-68: "Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: 'Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?' Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: 'Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.'" Tôi không biết là có hội thánh Tin Lành nào tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô không! Bây giờ tôi tin rằng khi vị linh mục Công Giáo thánh hóa bánh và rượu, chúng thực sự trở nên Mình và Máu của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Một khi điều này là sự thật thì quyền năng của Chúa Kitô để chữa lành bệnh tật cũng hiện diện trong Thánh Thể. Giờ đây Chúa trao cho tôi và Anita "Tác Vụ Trong Sự Hiện Diện Chúa," qua đó tôi rao giảng tin mừng rằng "Nước Trời đã đến" vì Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể.


Tại sao quá nhiều người Công Giáo lên rước Mình Thánh nhưng lại thiếu sự tôn kính? Đối với tôi, dường như nhiều người Công Giáo trở nên lạnh nhạt, chai lì, thờ ơ với sự hiện diện thật của Chúa Kitô. Ngay cả một số người không tin vào sự hiện diện thật của Chúa Kitô. Có thể họ tin điều đó trong đầu nhưng không trong tâm hồn. Có lẽ họ trong giáo hội quá lâu và điều đó không còn quan trọng nữa. Và đó là điều đáng buồn. Tôi thực sự tin rằng hầu hết người Công Giáo "đạo dòng" không hiểu về món qùa đáng kinh ngạc mà họ có trong Thánh Thể. Khi còn nhỏ, có lẽ họ đã học hỏi về sự hiện diện thật của Chúa Kitô, nhưng bây giờ họ không còn coi trọng nữa. Tôi không muốn nói là họ không biết về điều ấy. Điều tôi muốn nói là họ có kiến thức trong đầu nhưng họ cần phải tin điều đó trong tâm hồn! Hãy suy nghĩ về điều ấy. Bạn nghĩ gì khi đến rước Mình và Máu Thánh Chúa Kitô? Chúng ta hãy đọc lại thư I Côrintô: Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết" (I Cor. 11:28-30). Bạn có cho rằng lý do mà nhiều người đau yếu và bệnh hoạn và ngay cả một số người phải chết vì họ không phân định Mình Chúa một cách xứng hợp không? Bạn có hiểu ý nghĩa của sự phân định không? Phân định điều gì đó là: "Lĩnh hội, với thị giác và trí hiểu; là thấu hiểu; là nhận rõ bằng trí óc; là nhận biết sự khác biệt tinh tế; hoặc thấu suốt." Sự nhận biết ai là người mà bạn đang lãnh nhận có thấu suốt tâm hồn bạn không? Không phải bằng cái đầu, nhưng trong tâm hồn bạn! Tôi không thể phán đoán điều đó, chỉ có bạn mới trả lời được!


Cũng như vậy, tại sao nhiều người Công Giáo vội vàng ra về trước khi chấm dứt Thánh Lễ? Cha sở luôn nhắc nhở rằng Thánh Thể là tâm điểm đức tin và là phần quan trọng nhất của Thánh Lễ. Nếu đúng vậy thì tại sao lại vội vàng lướt qua phần rước lễ? Vội vàng lướt qua phần quan trọng nhất của Thánh Lễ là điều không có ý nghĩa đối với tôi. Tôi hiểu tại sao cha sở lại vội vàng, là vì ai ai cũng muốn ra khỏi nhà thờ. Nếu tôi là một linh mục Công Giáo và biết về sự hiện diện thật của Chúa Kitô, tôi sẽ dành nhiều thời giờ về phần rước lễ hơn bất cứ phần nào khác. Tôi không biết bạn nghĩ thế nào, hay có lẽ chỉ một mình tôi như vậy, có lẽ tôi là một người cuồng tín. Nếu một người thực sự tin rằng Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện trong Thánh Thể, họ sẽ kính sợ. Họ sẽ qùy xuống thờ lậy trước mặt Thiên Chúa! Họ sẽ muốn ở với Chúa càng lâu nếu có thể. Họ sẽ không vội vã ra khỏi nhà thờ về nhà để xem đấu banh trên truyền hình hoặc bất cứ lý do gì khác mà sẽ dành chút thời giờ cho Chúa và Đấng Cứu Độ chúng ta!


Khi tôi bắt đầu ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Kitô, hai điều đã xảy ra. Thứ nhất, tôi cảm thấy tràn ngập tình yêu Chúa Giêsu. Thứ hai, Thánh Lễ bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi. Mỗi phần của Thánh Lễ đều quan trọng theo phương cách riêng. Các bài đọc và bài giảng thì quan trọng vì nhiều lý do, kể cả sự kiện là Chúa xác nhận Lời Người với các dấu chỉ sau. "Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" (Máccô 16:20). Có thể bạn không nghĩ như vậy, nhưng ngay cả phần dâng của lễ cũng quan trọng. Thứ III của Thánh Gioan (c. 2) viết, "Anh thân mến, tôi cầu chúc anh được thịnh đạt mọi thứ và thể xác mạnh khoẻ cũng như tinh thần phấn chấn." Làm thế nào Thiên Chúa làm chúng ta thịnh đạt nếu chúng ta không trao cho Người bất cứ gì để Người tác động?

Sách Malaki 3:8-12 viết, "Người phàm có được phép lường gạt Thiên Chúa không? Vậy mà các ngươi đã lường gạt Ta! Các ngươi nói: 'Chúng tôi lường gạt Ngài ở chỗ nào?' Về thuế thập phân và phần trích dâng. Chính các ngươi đang mắc tai hoạ, thế mà các ngươi lại lường gạt Ta, các ngươi và toàn dân. Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không? - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Vì các ngươi, Ta đã ngăn cản không cho cào cào phá hoại hoa màu ruộng đất của các ngươi, không để cho nho ngoài đồng không sinh trái, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Mọi dân tộc sẽ khen các ngươi có phúc, vì các ngươi sẽ là mảnh đất xinh đẹp, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán." Thiên Chúa muốn chúc lành và làm cho bạn thịnh đạt. Tuy nhiên, nếu chỉ bỏ vào rổ tiền một hai đồng thì đó không phải là thuế thập phân. Đó là lường gạt Chúa. Trong bài đọc trên, Thiên Chúa nói chúng ta hãy thử thách Chúa. "Hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không?" Còn khi linh mục thánh hóa bánh và rượu thì thế nào, điều đó có quan trọng không?


Trong lớp RCIA, tôi được dậy rằng đây là tâm điểm của đức tin Công Giáo! Tuy nhiên, hầu hết người ta nghĩ gì về giây phút quý báu này? Người ta nói với tôi, "Ông Bob ơi, ông thật may mắn là vì ông đã thấy nhiều phép lạ. Tôi chưa từng thấy phép lạ nào." Nếu bạn bảo tôi là chưa bao giờ thấy phép lạ, có lẽ bạn chưa bao giờ quan sát vị linh mục thánh hóa bánh và rượu. Mỗi lần linh mục thánh hóa bánh và rượu, một phép lạ xảy ra. Bánh và rượu bình thường trở nên bất thường, là Mình và Máu của Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô! Bạn có nhận biết Mình Thánh Chúa một cách thấu đáo vào lúc đó không? Trước khi tôi nhận biết sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể, có Chúa biết tôi nghĩ gì vào phần quan trọng nhất của Thánh Lễ. Nhưng, giờ đây tôi thực sự khích động vào giây phút quan trọng của Chúa và tôi theo dõi từng cử chỉ của linh mục. Khi người đọc lời thánh hiến để biến đổi bánh trở nên Thân Thể Chúa Kitô, tôi thấy mình cúi đầu trước Thân Thể của Chúa Kitô và nói, "Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa của con." Khi người nâng chén và cầu nguyện, tôi thấy mình thì thầm, "Đây, Máu của Con Chiên đã xóa sạch mọi tội lỗi, bệnh tật."


Khi bạn đến nhận Mình Thánh, điều gì trong đầu bạn? Bạn có nghĩ về phép lạ vừa mới xảy ra trước mắt bạn, hay bạn nghĩ về điều gì khác? Bạn sắp sửa lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô và đây phải là giây phút vô cùng đặc biệt của Thánh Lễ. Còn sau khi rước Mình và Máu Thánh Chúa thì sao? Bạn có ý thức về điều vừa mới thi hành không? Bạn có nhận biết đó là Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô hiện đang trong người bạn, hay bạn là người đầu tiên ra bãi đậu xe chỉ để vội vã về nhà xem trận đấu banh trên truyền hình, hay chỉ vì muốn chỗ đầu tiên trong hàng dài những người đứng đợi ở nhà hàng ăn bạn ưa thích? Đức TGM Michael J. Sheehan của Santa Fe, New Mexico, viết lá thư mục vụ về Thánh Thể năm 1995. Trong thư này, người nhận xét rằng một cuộc thăm dò người Công Giáo cho thấy chỉ có 30% tin vào sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô theo như Giáo Hội Công Giáo dậy bảo. Bạn ơi, đó là một nhận xét thật buồn về đức tin người Công Giáo chúng ta. Hãy nghĩ xem, thật khác biệt biết bao nếu con số thống kê ấy bị đảo ngược, và 70% người Công Giáo tin vào sự hiện diện thật của Chúa Kitô thay vì 30%. Điều gì sẽ xảy ra khi 70% người Công Giáo nhận biết đó là Mình Chúa Kitô? Bẩy mươi phần trăm tin rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe và nhận lời họ cầu xin. Bẩy mươi phần trăm tin vào quyền năng của Thiên Chúa và Người muốn chữa lành dân Người khỏi mọi bệnh tật. Ôi chao, tôi thật phấn khởi khi nghĩ đến điều đó.


Còn bạn thì sao? Bạn có tin thật rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể không? Bạn có kính sợ nhận biết Mình và Máu Chúa không? Bạn có tin rằng chính quyền năng của Chúa Giêsu 2000 năm trước cũng đang hiện diện trong Thánh Thể không? Bạn có cần Chúa chạm đến bạn hôm nay không? Bạn có tin rằng Chúa muốn chữa lành bạn hôm nay không? Trong thư I của Thánh Gioan, 5:14-15, nói rằng: "… hãy tin tưởng vào Ngườiđó là nếu chúng ta xin điều gì hợp ý Người, Người sẽ nhận lời chúng ta. Nếu chúng ta biết rằng Người nhận lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người." Có phải Chúa muốn bạn được chữa lành? Tôi dứt khoát tin tưởng rằng ý Chúa muốn bạn được chữa lành và được thoát khỏi mọi bệnh tật. Thư III của Gioan viết, "Anh thân mến, tôi cầu chúc anh được mọi bề thịnh đạt: thể xác mạnh khoẻ và tinh thần phấn chấn" (2). Isaia 53:5 viết: "Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành."


Trên thập giá cách đây 2,000 năm, Chúa Giêsu đã trả giá cho bạn để bạn được lành lặn. Tất cả những gì phải làm là bạn TIN VÀO NGƯỜI. Đừng hồ nghi điều đó. Nếu nói rằng, "Tôi không biết chắc, hay tôi hy vọng sẽ được chữa lành" thì không phải là tin, đó là hy vọng. Thánh Giacôbê viết, "Người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm" (Gia 1:6-8). Trong Máccô 11:22-24 Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển!', mà trong lòng chẳng hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý". Bởi thế hãy có lòng tin và tin tưởng vào Thiên Chúa. Hãy biết rằng Chúa muốn bạn được chữa lành và hãy tin vào Người để được lành lặn. Trong thư I Gioan 5:14-15 nói rằng: "… hãy tin tưởng vào Ngườiđó là nếu chúng ta xin điều gì hợp ý Người, Người sẽ nhận lời chúng ta. Nếu chúng ta biết rằng Người nhận lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người."


Bạn có cơ hội để được chữa lành trong mọi Thánh Lễ. Mọi Thánh Lễ có thể là, và phải là Thánh Lễ Chữa Lành. Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể cũng như quyền năng chữa lành của Người. Bởi đó, nếu bạn cần được chữa lành, đầu tiên hãy đọc "Kinh Tha Thứ". Thánh Mátthêu nói với chúng ta: "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em." Hãy xin Chúa cho biết những ai cần bạn tha thứ, và hãy tha thứ cho họ để Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn. Những người ấy có thể làm bạn rất đau lòng và có lẽ vết thương ấy vẫn còn đó, nhưng bạn phải tha thứ cho họ, dù bạn thích hay không. Hãy thành thật mở lòng cho Chúa. Trong khi đọc Kinh Tha Thứ, hãy xin Chúa cho thấy trong đời bạn còn có tội nào mà bạn chưa xưng thú, và hãy đi xưng tội để làm hòa với Thiên Chúa. Bấy giờ bạn mới sẵn sàng để tham dự Thánh Lễ, hãy kính sợ nhận biết Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Hãy đọc lời cầu nguyện sau để được chữa lành qua Thánh Thể.


"Lậy Chúa, con đến với Chúa trong sự tan nát, bệnh hoạn, khổ sở và cần được chữa lành khỏi bệnh (kể ra bệnh của bạn). Con biết và tin rằng Chúa thực sự hiện diện trong Thánh Thể và quyền năng chữa lành của Chúa cũng hiện diện trong Thánh Thể. Lậy Chúa, xin ban cho con điều con mong ước. Xin Chúa hãy chữa con khỏi bệnh (kể ra bệnh của bạn). Và giờ đây, lậy Chúa, khi con sắp sửa rước Chúa trong Thánh Thể, con đến với Chúa trong một niềm tin trông đợi được Chúa chữa lành. Con cảm tạ Chúa, lậy Chúa. Con chúc tụng Chúa, lậy Chúa, và con yêu mến Chúa. Amen."


Tôi muốn bạn tin rằng bạn sẽ được khỏi ngay tức thì. Tuy nhiên, nhiều khi sự chữa lành xảy ra sau một thời gian. Sự chữa lành có thể khởi sự ngay khi bạn cầu nguyện, nhưng phải mất một thời gian trước khi bạn thấy kết quả trọn vẹn. Một thí dụ điển hình cho điều này là khi bạn bị bệnh nào đó và đến gặp bác sĩ, và sau khi chẩn đoán căn bệnh ông ta cho thuốc uống, ba lần một ngày trong ba mươi ngày. Bạn không khỏi bệnh ngay lập tức khi uống viên thuốc đầu tiên. Bạn phải uống hết số thuốc ấy trước khi cơ thể bạn hoàn toàn bình phục. Được chữa lành qua sự cầu nguyện nhiều khi cũng giống như vậy. Sự chữa lành có thể khởi sự ngay khi bạn cầu nguyện, tuy nhiên, cần phải một thời gian trước khi bạn thấy kết quả trọn vẹn. Bởi thế, nếu bạn không được lành lặn ngay tức thì, đừng nản chí nhưng hãy tiếp tục trở lại với Thánh Thể và tiếp tục cầu xin cho đến khi hoàn toàn lành lặn. Để tôi kể cho bạn nghe một thí dụ về điều tôi muốn nói. Mới đây tôi cầu nguyện cho một ông bị ung thư da ở mũi. Theo lời ông diễn tả, ông trông giống như con Rudolph (con nai mũi đỏ). Tuy nhiên, sau một vài ngày, bệnh ung thư bắt đầu tan biến. Cho đến lúc tôi viết sách này, bệnh của ông hoàn toàn biến dạng, chỉ còn một vết nâu nhỏ ở đỉnh mũi. Sự chữa lành của ông không ngay lập tức. Sự chữa lành của ông xảy ra sau một thời gian, bởi thế đừng nản chí nếu bạn không được chữa lành ngay lập tức. Hãy xin được chữa lành ngay lập tức, nhưng nếu không được, hãy tiếp tục rước Mình Thánh với đức tin trông đợi.


CHƯƠNG 5: TÁC VỤ "TRONG SỰ HIỆN DIỆN TOÀN NĂNG CỦA CHÚA"


Khi Chúa trao cho tôi và Anita thừa tác vụ này, chúng tôi cầu nguyện để biết Người muốn chúng tôi chu toàn tác vụ này ở đâu và như thế nào. Một đêm kia, khi chúng tôi cầu nguyện, Anita bảo tôi là nàng cảm thấy chúng tôi phải di chuyển xuống Santa Fe, New Mexico. Tôi há hốc miệng! Chúa cũng bảo tôi đúng như vậy. Không một ai trong chúng tôi đã ở Santa Fe. Hơn nữa, Anita từng tích cực tham dự giáo xứ hiện thời trên mười tám năm. Tất cả bạn hữu của cô đều ở giáo xứ này. Cô cũng làm cùng một công việc ở đây trên mười lăm năm, và chúng tôi mới mua một căn nhà ở Lakeside, Arizona. Ai ai cũng nghĩ là chúng tôi điên khùng khi thu dọn đồ đạc và bỏ lại mọi sự sau lưng, nhưng Chúa bảo chúng tôi phải đến Santa Fe, New Mexico. Khi đến Santa Fe, chúng tôi mới nhìn thấy bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa đang làm cho chúng tôi.


Chúng tôi đến đây vào cuối tuần dịp lễ Lao Động, 31 tháng Tám, 2000. Tôi biết là mình sẽ phải đổi bằng lái xe để tìm việc lái xe tải ở New Mexico. Buổi sáng sau khi đến đây, tôi lái xe đi tìm văn phòng cấp bằng lái DMV. Khi mới cách nhà chừng một dặm, bất thình lình chiếc xe trộn xi măng lù lù đâm ra trước mặt khiến tôi phải dừng xe lại. Chính lúc đó tôi nhìn thấy tấm bảng của hãng xi măng "Santa Fe Concrete". Tôi tự hỏi, "Không biết họ có cần tài xế hay không?" Bởi vậy, tôi quay đầu xe và lái vào văn phòng. Tôi xin một tờ đơn và nói sẽ trở lại vào buổi trưa. Sau đó tôi đến văn phòng DMV để đổi bằng lái xe. Khi trở lại văn phòng hãng xi măng, tôi nộp đơn cho họ. Trong câu chuyện thăm hỏi, bà vợ của ông chủ hãng hỏi lý do mà tôi và Anita đến Santa Fe. Khi tôi nói cho bà nghe về thừa tác vụ Giáo Dân Truyền Đạo, bà đứng bật dậy, hay tay giang lên trời, "Chúc tụng Chúa." Thì ra bà là một người trong phong trào Thánh Linh Công Giáo (Charismatic). Tôi nhận được việc liền ngay lúc đó! Tôi thực sự cảm ơn Chúa vì Người đã hỗ trợ tác vụ của chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho họ.


Chúa dẫn chúng tôi đến giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Santa Fe. Cha sở là Cha Mike Shea và người rất yêu mến giáo dân. Trên ba năm qua, giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe từng dành riêng một ngày để Thờ Phượng Thánh Thể. Cha Mike yêu cầu chúng tôi khởi sự nghi thức chữa lành hàng tháng, đặt trọng tâm vào Thánh Thể. Từ tháng Mười 2000, chúng tôi bắt đầu tổ chức các buổi cầu nguyện chữa lành vào thứ Bẩy đầu tháng. Sau đó không lâu, Cha Mike yêu cầu chúng tôi làm Thừa Tác Viên Thánh Thể. Sau đó tôi được huấn luyện để cử hành Nghi Thức Rước Lễ và thỉnh thoảng tôi thế chỗ Cha Mike cử hành Nghi Thức Rước Lễ khi cha có ngày nghỉ. Vào tháng Giêng 2001, người yêu cầu tôi dậy một lớp về ơn đoàn sủng Kinh Thánh mà tôi đã thi hành vào mỗi tối Chúa Nhật. Tuy nhiên, bây giờ tôi không còn dậy lớp này nữa vì ít khi chúng tôi ở nhà. Buổi cầu nguyện chữa lành vẫn tiếp tục, bây giờ dưới sự lãnh đạo của một sư huynh tên là Joe Cieszinski.


Vào tháng Mười Một 2001, Anita và tôi hoạt động toàn thời gian cho tác vụ này và trong tháng Mười Hai 2002, Chúa ban cho chúng tôi một chiếc xe pick-up với "trailer" 5 bánh xe để du hành. Cho đến khi viết lại cuốn sách này, chúng tôi đã đến 36 giáo xứ trong Tổng Giáo Phận của chúng tôi và nhiều nhà thờ khác trong 30 Giáo Phận khác từ đông sang tây. Vào tháng Hai 2003, tác vụ của chúng tôi trở thành một tổ chức vô vị lợi, được miễn trừ thuế, và chúng tôi phải đổi tên tác vụ vì tên nguyên thủy "In His Presence Ministries" đã có người dùng. Bởi thế chúng tôi thêm vào một chữ để thành tên mới. Chữ đó là "Omnipotent," có nghĩa "toàn năng." Tên mới của tác vụ là "In His Omnipotent Presence Ministries". Viết tắt là I.H.O.P. Ministries. Bạn đừng lầm chúng tôi với nhà hàng ăn chuyên về pancake nhé (International House of Pancake).


Nhiều người đã được chúc lành và được chữa khỏi trong tác vụ của chúng tôi. Tôi giảng về ý nghĩa của Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Sau đó, Thánh Thể được trưng bầy và dân chúng được mời đến trước Thánh Thể để nói lên nhu cầu của mình với Chúa. Và rồi họ đến với chúng tôi để được cầu nguyện và được đặt tay. Sau đó, linh mục hoặc phó tế kết thúc nghi thức với phần Chầu Thánh Thể.


Chúng tôi thành khẩn cầu xin rằng, khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ được đổi mới đức tin trong sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể. Nếu trong đời sống bạn có nhu cầu, hãy nhớ điều này: "Chúa nói, 'điều bất khả đối với loài người thì lại có thể đối với Thiên Chúa'" (Luca 1:27). Vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, quyền năng chữa lành của Người cũng hiện diện trong Thánh Thể.


Hãy thi hành năm điều sau:


1.      Đọc Kinh Tha Thứ cho đến khi đáy lòng bạn bạn thực sự tin tưởng từng chữ.


2.      Đi xưng tội và làm hòa với Thiên Chúa.


3.      Tham dự Thánh Lễ, hãy chú ý đến vị linh mục khi thánh hiến bánh và rượu. Hãy để ý phép lạ xảy ra ngay trước mắt bạn. Bánh và rượu giờ đây trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Bây giờ, Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể và quyền năng chữa lành của Chúa cũng ở đó.


4.      Nói với Chúa về bệnh tật của bạn và tin rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời bạn xin. Sau đó, với đức tin trông đợi và với thái độ thờ phượng, chúc tụng và cảm tạ, hãy lên rước Mình Thánh Chúa.


5.      Hãy được lành lặn nhân danh Chúa Giêsu. Amen!


Sau khi bạn thi hành điều này và được Chúa chạm đến, hãy vui lòng giúp tôi một điều. Hãy viết thư cho tôi biết là Thiên Chúa đã làm gì cho bạn. Được nghe các chứng từ về những gì Thiên Chúa đã làm cho dân của Người qua sứ vụ của chúng tôi, đó là điều thật khích lệ cho tôi và Anita.


Cảm ơn bạn và xin Chúa chúc lành cho bạn.


Xin gửi chứng từ của bạn về:

I.H.O.P. Ministries
c/o Our Lady of Guadalupe
417 Agua Fria St.
Santa Fe, NM 87501

Nguồn: nguoitinhuu.com