Tài Liệu Khác

Chân Dung Simeon, Nhà Thần Học Mới: Hãy Thực Hành Điều Gì Lương Tâm Nói Với Anh

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

(Thính phòng Phaolồ VI, buổi yết kiến ngày thứ tư, 16.09.2009 )


 Anh Chị Em thân mến, 
hôm nay tôi muốn được dừng lại suy nghĩ về chân dung một tu sĩ Đông Phương, Simeon Nhà Thần Học Mới, mà các tác phẩm của ngài đã tạo được ảnh hưởng khá lớn lao ở Đông Phương về thần học và về đời sống thiêng liêng, nhứt là đối với những gì liên quan đến kinh nghiệm cuộc sống thông hiệp với Chúa.
 
Simeon Nhà Thần Học Mới, sinh ra năm 949 ở Galatai, miền Paflagonia ( Tiểu Á ), trong một gia đình qúy tộc miền quê. 
  
Lúc còn trẻ, anh đã di tản đến Constantinopoli để bắt đầu học hỏi và vào ngành nghề nhằm phục vụ hoàng đế. 
  
Nhưng anh cảm thấy không mấy thích thú gì đến sự nghiệp dân sự mà mình đang nhằm đến và bởi đó, dưới ảnh hưởng được soi sáng từ nội tâm mà anh đang thu thập được kinh nghiệm, anh bắt đầu đi tìm một người có thể giúp mình định hướng được trong thời điểm đầy nghi vấn và áy náy đang trải qua, để có thể giúp mình tiến lên trên bước đường thông hiệp với Chúa. 
  
Anh tìm được sự hướng dẫn đó nơi Simeon Người Nhân Đức ( Eulabes ), một tu sĩ đơn sơ của đan viện Studios, ở Constantinopoli, là người cho anh đọc quyển khảo luận về  Lề Luật Thiêng Liêngcủa Marco Vị Tu sĩ ( Marco il Monaco). Trong bản văn đó, Simeon Nhà Thần Học Mới tìm gặp được một lời huấn dạy ảnh hưởng sâu đậm đến anh: 
-         " Nếu anh tìm cách chữa trị thiêng liêng - anh Simeon đọc được trong quyển đó - anh hãy chú ý đến lương tâm của mình. Những gì lương tâm nói với anh, anh hãy thực hiện và anh sẽ thấy điều đó lợi ích cho anh".
 
Từ lúc đó trở đi - chính Simeon tuật lại - không bao giờ anh ngủ thiếp đi mà không tự hỏi lương tâm có nói gì để khiển trách mình không. 
  
1 - Thầy Simeon vào tu viện các tu sĩ Studiti, nhưng ở đó, các kinh nghiệm siêu nhiên của thầy và lòng ngưỡng mộ đặc biệt về Thiên Chúa là Cha thiêng thánh làm cho thầy gặp phải những khó khăn. 
Thầy Simeon dời đến một tu viện nhỏ của Thánh Mamas, cũng vẫn ở Constantinopoli, là tu viện mà ba năm sau thầy trở thành tu viện trưởng, " igumeno ". Ở đó thầy chuyên cần nổ lực tìm kiếm sự hiệp thông với Chúa Ki Tô, điều đó đã làm cho thầy có nhiều uy tín. 

Điều đáng lưu ý là dân chúng gán cho thầy tên gọi " Nhà Thần Học Mới ", mặc dầu truyền thống chỉ dành tước hiệu " Nhà Thần Học " cho hai nhân vật: đó là cho Thánh Gioan tác giả Phúc Âm Gregorio ở Naziano
  
Thầy Simeon đau khổ nhiều vì những điều thiếu hiểu biết của người khác và bị đi đày, nhưng sau đó được Đức Giáo Chủ Constantinopoli , Sergio II, hồi phục vị thế.  
  
Thầy Simeon Nhà Thần Học Mới trải qua giai đoạn cuối cùng của đời mình trong tu viện Thánh Marina, nơi mà thầy đã viết phần lớn các tác phẩm của mình, càng ngày càng trở nên danh tiếng nhờ các lời huấn dạy của thầy và nhờ vào các phép lạ thầy thực hiện. 
  
Thầy mất đi ngày 12 tháng 3 năm 1022. 
  
Người đệ tử được biết nhiều nhứt của thầy là thầy Niceta Stetatos, người đã thu góp và chép lại nhiều bản văn của thầy Simeon, cho ấn hành sau khi Simeon chết, và sau đó viết lại tiểu sử. 
  
Sáng tác của thầy Simeon gồm 
   - chín quyển sách, được chia thành các Chương về thần học, kiến thức và thực hành, 
   - ba quyển Giáo Lý dành cho các tu sĩ, 
   - hai quyển khảo luận về Thần Học và Luân Lý 
   - và một quyền về Thánh Ca
  
Chúng ta cũng đừng quyên nhiều Thư của thầy. 
  
Tất cả các tác phẩm đó đều có một vị thế quan trọng trong truyền thống tu viện Đông Phương cho đến thời đại chúng ta. 
  
Simeon chú tâm vào việc suy niệm đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi những ai được nhận Phép Rửa và về việc họ phải nhận thức được mình có thực tại thiêng liêng đó hiện hữu nơi mình. 
  
Đời sống Ki Tô hữu - thầy nhấn mạnh - là đời sống thông hiệp thân tình và cá nhân với Thiên Chúa, ân sủng Thiên Chúa soi sáng tâm hồn người tín hữu và hướng dẫn người tín hữu đến diện kiến thiêng liêng với Chúa. 
  
Trong chiều hướng đó, Simeon Nhà Thần Học Mới, nhấn mạnh đến sự hiểu biết Thiên Chúa thật sự không phải là sự hiểu biết do sách vở, mà là do kinh nghiệm thiêng liêng, đời sống thiêng liêng. Hiểu biết được Thiên Chúa phát sinh từ 
   - con đường thanh tẩy nội tâm, 
   - được khởi đầu bằng cách hoán cải con tim, nhờ vào sức mạnh của đức tin và tình thương; 
   - ngang qua lòng hối cải sâu đậm và đau khổ thành thật về tội lỗi của mình, 
   - để đạt đến sự hiệp nhứt với Chúa Ki Tô, nguồn mạch hân hoan và an bình, được ánh sáng sự hiện diện của Người tràn ngập trong chúng ta. 
  
Đối với Simeon kinh nghiệm vừa kể của ân sủng Thiên Chúa không phải chỉ là ơn đặc biệt được ban cho một vài người sống chiêm niệm, mà là kết quả của Phép Rửa trong cuộc sống của mỗi tín hữu, chuyên cần dấn thân ( sống cuộc đời tín hữu của mình ). 
  
2 - Đó là một điểm mà chúng ta cần phải suy nghĩ, Anh Chị Em thân mến ! 
  
Vị Thánh tu sĩ Đông Phương nầy nhắc nhở tất cả chúng ta cần 
   - chú tâm đến đời sống thiêng liêng, 
   - đến sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa trong chúng ta, 
   - đến lòng thành thật của đối với lương tâm 
   - và đến sự thanh tẩy, sám hối của con tim, 
như vậy Chúa Thánh Thần trở nên hiện diện trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta. 
  
Bởi vậy, nếu chúng ta chăm lo cho việc triển nở thể xác, nhân tính và trí thức chúng ta, còn quan trọng hơn nữa, chúng ta đừng chểnh mảng sự trưởng thành nội tâm. Đó là sự hiểu biết về Thiên Chúa, hiểu biết đích thực, không phải do học hỏi từ sách vở, mà là sự hiểu biết nội tâm, và thông hiệp với Chúa, để kinh nghiệm cảm nhận được sự giúp đỡ của Người trong mọi giây phút và mọi hoàn cảnh.  
  
Thật ra đó cũng là điều mà Simeon diễn tả ra khi thuật lại kinh nghiệm cuộc sống siêu nhiên của mình. 
  
Ngay từ lúc còn trẻ, trước khi nhập vào tu viện, một đêm đang ở nhà, trong lúc anh đang cầu nguyện lâu dài, cầu xin Chúa giúp mình lướt thắng những cơn cám dỗ, anh nhận ra được phòng anh tràn ngập ánh sáng. 
  
Sau đó khi thầy Simeon vào tu viện, thầy được cung cấp cho các sách thiêng liêng để học hỏi, nhưng đọc các sách đó không đem lại cho thầy niềm an bình mà mình tìm kiếm. Thầy cảm thấy mình - chính thầy kể lại - như một con chim đáng thương không có cánh. 

Với lòng khiêm nhường, thầy chấp nhận hiện trạng đó, không phản kháng, và từ đó thầy bắt được đầu trở lại nhiều lần khác thấy được ánh sáng. Muốn bảo đảm cho mình đó là những lần thị kiến đích thực, thầy Simeon trực tiếp hỏi Chúa Ki Tô. 
  
   - " Lạy Chúa, có thật chính Chúa đang hiện diện ở đây phải không? ".  
Thầy cảm nhận trong tâm hồn của mình có tiếng trả lời xác nhận và cảm thấy mình được an ủi tuyệt vời. 
  
- " Lạy Chúa, thầy Simeon viết tiếp theo, đó là lần đầu tiên mà Chúa xét đoán con, đứa con hoang đàng, xứng đáng được nghe tiếng Chúa ". 
 
Tuy vậy, ngay cả lần mạc khải đó có thể làm cho thầy hoàn toàn yên tâm. Thầy tự hỏi biết đâu kinh nghiệm đó lại  không phải được coi  là ảo tưởng. 
  
Sau cùng, một ngày kia, xảy ra một sụ kiện căn bản cho kinh nghiệm siêu nhiên của thầy. Thầy bắt đầu cảm thấy mình như " một người nghèo khổ thương yêu anh em " ( ptochós philádelphos)
  
Tuy nhiên thầy cảm thấy chung quang mình có bao nhiêu kẻ thù đang tìm cách giăng bẩy để bắt mình và làm hại mình, tuy với tất cả những gì vừa kể, thầy vẫn cảm thấy nơi mình chứa đựng lòng yêu thương đậm đà đối với họ. 
  
Làm sao có thể giải thích được? 
  
Dĩ nhiên tình yêu thương đó không thể phát xuất từ chính mình thầy, mà phải thoát xuất từ một nguồn mạch nào khác. 
  
Simeon hiểu được rằng nguồn yêu thương đó phát xuất từ chính Chúa Ki Tô đang ở trong thầy và từ đó mọi chuyện đều trở nên sáng sủa, dễ hiểu: điều đó cho thấy chắc chắn rằng nguồn mạch tình yêu thương nơi thầy chính là sự hiện diện của Chúa Ki Tô và thầy hiểu được rằng có được tình yêu thương nơi tôi, vượt khỏi hẳn các ý định tôi, điều đó cho thấy nguồn mạch tình yêu thương đang ở trong tôi. 
Như vậy, một phần chúng ta có thể nói rằng tấm lòng không có một trương độ mở rộng nào đó cho tình yêu, Chúa Ki Tô không vào trong chúng ta, nhưng đàng khác, chính Chúa Ki Tô là nguồn mạch tình yêu và biến đổi chúng ta. 
  
Các bạn thân mến, kinh nghiệm vừa kể vẫn còn rất quan trọng đối với chúng ta hôm nay, để cho chúng ta có được tiêu chuẩn để hướng dẫn chúng ta chuẩn định thật sự chúng ta đang ở gần bên Chúa hay không, Thiên Chúa đang hiện diện và đang sống trong chúng ta hay không. 
  
Tình yêu Thiên Chúa tăng trưởng lên trong chúng ta, nếu chúng ta hiệp nhứt với Người bằng lời cầu nguyện và bằng việc lắng nghe lời Người, bằng tâm hồn mở rộng. 
  
Chỉ có tình yêu Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu được con tim của người khác và làm cho chúng ta cảm nhận được các nhu cầu của họ, khiến cho chúng ta xem tất cả là anh em và chị em, mời gọi chúng ta trả lời bằng tình yêu đối với lòng ghen ghét đố kỵ và lòng tha thứ đối với những gì xúc phạm. 
  
3 - Suy nghĩ về chân dung của Simeon Nhà Thần Học Mới nầy, chúng ta có thêm được một yếu tố nữa về cuộc sống thiêng liêng của ngài. 
  
Trong con đường của cuộc sống chiêm niệm khắc khổ mà ngài đã đưa ra và trải qua trong cuộc sống, đặc tâm chú ý và quy hướng cao độ của vị tu sĩ vào kinh nghiệm nội tâm đặt vị cha linh hướng của tu viện ở vào một vị thế quan trọng chính yếu. 
  
Chính anh thanh niên Simeon, như ngài nói về mình lúc đó, đã tìm được cho mình một cha linh hướng, là vị đã giúp anh rất nhiều và đối với ngài anh vẫn còn gìn giữ được niềm mến phục thật lớn lao, đến nỗi anh vẫn còn dành cho ngài, sau khi ngài mất đi, một lòng kính phục cả trước công chúng. 
  
Và như vậy tôi muốn được nói rằng điều đó vẫn có giá trị đối với tất cả chúng ta - linh mục, những người được khấn tế và giáo dân, và nhứt là đối với giới trẻ - tôi muốn nói lên lời mời gọi hãy cậy nhờ vào những lời khuyên bảo của một cha linh hướng tốt, có khả năng trợ lực cho mỗi người, để  hiểu biết sâu đậm về chính mình, và dẫn dắt mỗi người đến hiệp nhứt với Chúa, để cho cuộc sống của mỗi người được thích hợp đồng dạng hoá theo Phúc Âm. 
  
Để đi đến Chúa, chúng ta luôn luôn cần có được một sự hướng dẫn, một cuộc đối thoại. 
  
Chúng ta không thể thực hiện được điều đó chỉ bằng các suy luận trí óc của mình. 
  
Đó cũng là ý nghĩa cộng đồng Giáo Hội của đức tin chúng ta, có được sự hướng dẫn nầy. 
  
Để kết luận, chúng ta có thể đúc kết như thế nầy lời giảng dạy và kinh nghiệm siêu nhiên của Simeon Nhà Thần Học Mới: trong bước đường không ngừng tìm kiếm Chúa, mặc cho những khó khăn gặp phải và những lời chỉ trích mà ngài là đối tượng, dầu sao đi nữa, ngài vẫn để cho tình yêu hướng dẫn mình. 
  
Chính ngài biết sống và dạy cho các tu sĩ của mình điều chính yếu của mỗi môn đệ Chúa Giêsu là lớn lên trong tình yêu và như vậy chúng ta đều lớn lên trong hiểu biết được chính Chúa Ki Tô, để có thể xác quyết như Thánh Phaolồ:


   - " Không còn phải là tôi sống, mà là Chúa Ki Tô sống trong tôi " ( Gal 2, 20). 
 
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ. Nguyễn Học Tập.