Mãnh Lực Của Satan
Chúa Nói: “Simon, Simon ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22, 31- 32).
Không kẻ thù nào nguy hiểm hơn kẻ thù giấu mặt, kẻ thù làm cho ta mất cảnh giác và quên nó. Sa-tan là kẻ thù như thế. “Ba thù” của người Kitô hữu- thế gian, xác thịt, và ma quỷ- kẻ thù sau cùng là nguy hiểm nhất. Quỷ không chỉ có thể trao vào tay người ta sức mạnh của nó, mà nó còn ẩn diện, và do đó làm cho người ta ít quan tâm và e sợ. Quỷ nắm giữ quyền lực bóng tối. Nó che khuất tầm mắt chúng ta để chúng ta không trông thấy nó. Nó còn náu mình trong bóng tối để không bị phát hiện. Nó còn có cả năng lực hiện hình như một thiên thần sáng láng (x. Mt 4, 6; 2 Cr 4, 4; 11, 14).
Kinh Thánh mặc khải sự hiện hữu của các vật vô hình. Nhìn vào những hoạt động trừ quỷ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng và với đức tin, chúng ta nhận biết có Satan.
Công việc lớn lao trọng đại của Chúa tại trần gian là để chiến thắng Satan. Khi đã được đầy Thần Khí qua phép Thánh Tẩy, Chúa Giêsu được dẫn vào sa mạc để đối diện với Satan là thủ lãnh các ác thần và Người đã chiến thắng chúng (Mt 4, 1, 10). Sau thời gian đó Chúa luôn theo dõi hoạt động và sức mạnh khống chế của Satan. Trong tất cả các thứ tội và sự khốn cùng của con người, Chúa nhận ra hình thù của một thế giới sự ác hoạt động mạnh mẽ dưới sự điều hướng của Satan. Chúa nhận ra bóng dáng kẻ thù của Thiên Chúa và con người không chỉ trong những kẻ bị qủy ám mà còn trong những người đau yếu nữa (x. Mt 12, 28; Mc 4, 15; Lc 13, 16; Cv 10, 38). Chúa thấu rõ hoạt động của Satan trong lời của Phêrô khuyên can ngài tránh thoát thập giá, cũng như trong việc ông chối Chúa. Tuy nhiên đôi khi chúng ta vẫn thường coi những chuyện này là tự nhiên như một cách thế tỏ lộ tính khí của Phêrô (x. Mt 16, 23; Lc 22, 31- 32). Trong cuộc thương khó của Người- nơi nhiều người coi đó là tội ác của con người được Thiên Chúa cho phép- thì Chúa Giêsu nhìn nhận đó là quyền lực của bóng tối. Toàn bộ công việc của Người khi sống và cả lúc lâm chung là triệt phá việc làm của Satan và chiến thắng chúng. Và Người sẽ hoàn toàn tiêu diệt Satan vào ngày Người quang lâm (Lc 10, 18; 22, 3; Ga 12, 31; 14, 30; Rm 16, 20; Cl 2, 15; 2 Tx 2, 8- 9; 1 Ga 3,8).
Lời Chúa nói với Phêrô, được coi như một kinh nghiệm cá nhân, giúp ta biết sợ hãi khi nhìn vào hoạt động của kẻ thù Satan: “Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22, 31). Sau này chính thánh Phêrô cũng nhắc lại: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5, 8). Quỷ không có quyền năng vô biên, nhưng nó biết nắm bắt các điểm yếu và luôn biết lợi dụng mọi lúc sơ hở, mất cảnh giác “để sàng anh như sàng gạo” (Lc 22, 31).
Thật là một hình ảnh nhắc nhở sống động! Thế gian này là cái sàn rê lúa lớn của Satan. Thóc mẩy thuộc về Thiên Chúa còn trấu thuộc về Satan. Nó không ngừng sàng sảy, và tất cả những gì là trấu bổi văng ra ngoài nó vội vã thu gom vào. Chúng ta là những phàm nhân yếu đuối, làm sao có thể đứng vững trước các cuộc thải trừ dồn dập đó? Nếu không cầu xin ơn Chúa trợ giúp để chiến đấu và chiến thắng, nhiều người sẽ đời đời tiêu vong (x. 1 Cr 5, 5; 1 Tm 1, 20).
Satan không chỉ có sàng sảy. Trước hết nó còn gieo rắc tinh thần thế tục, nghĩa là lòng yêu thích thế gian. Nhiều người rất tốt lành đạo đức lúc nghèo túng, nhưng khi giàu có lên, hoặc có địa vị họ hoàn toàn sống theo tinh thần thế tục, từ bỏ mọi chuẩn mực đạo đức. Nhiều người rất sốt sắng, thánh thiện lúc gặp gian nan, thử thách, hoạn nạn, nhưng khi tai qua nạn khỏi, lại sống phóng đãng sa đoạ.
Cái sàng khác của Satan là tính tự ái và lòng tự mãn. Không biết cảm thương, không sẵn sàng hi sinh để phục Chúa và anh chị em mình, chúng ta không còn phải là muối, là men, những đặc tính căn cốt của người môn đệ Chúa Kitô. Dù có thực hành việc đạo đức bao nhiêu mà thiếu lòng mến thì coi như thiếu tất cả, chỉ còn là vỏ trấu (x. Ga 8, 44; 1 Ga 3, 10- 15; 4, 20).
Một cái sàng khác nữa là thái độ ngộ tín. Ngộ tín là một xác tín sai lạc, không dựa vào biện phân Thần Khí. Nó là một dạng khác của tính kiêu căng, tự mãn, một kiểu mẫu Pharisêu, rất nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng, bị Chúa khiển trách nặng lời. Ngộ tín làm cho ta nghĩ rằng mình đang theo hướng dẫn của Thần Khí, nhưng kì thực chỉ làm theo ý riêng. Ngộ tín là một sự trói buộc thiêng liêng, rất khó thay đổi. Người tự tín tưởng mình đang chiến thắng Satan, nhưng ngược lại họ đang bị nó chế ngự (x. Gl 3, 3; 5, 13).
Đời sống là một cuộc chiếu đấu liên lỉ để đương đầu với hoạt động sàng sảy của Satan đã được chúa cho phép. Để có thể đứng vững, chúng ta phải hết mực khiêm tốn, phải luôn biết kính sợ Chúa, và cậy trông nơi Người. “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giỡi tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”, nên chúng ta “hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Ngừơi. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma qủy” (Ep 6, 10- 16). Nhưng với Chúa chúng ta không còn phải sợ hãi. Không người nào, không vật nào có thể làm hại chúng ta nếu chính chúng ta không cho phép nó. Bởi vì, như lời một Giáo phụ đã nói, từ khi Chúa bước vào trần gian thì Satan như một con chó bị xích lại vào một góc sân, nó chỉ có thể tru sủa và chạy lòng vòng; nếu chúng ta không lại gần, nó chẳng thể làm hại chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt con để con nhìn rõ diện mạo của kẻ thù ma qủy và những mưu chước của chúng. Xin cho con nhận rõ vương quốc của quỷ để biết sợ hãi và xa tránh tất cả những gì thuộc về chúng. Xin cho con tin tưởng cậy trông nơi Chúa là Đấng đã chiến thắng quỷ dữ và xác tín rằng chỉ khi chúng con cậy dựa vào sức mạnh của Chúa chúng con mới có thể chiến thắng được quỷ. Xin cho con luôn biết hãm dẹp các tính mê nết xấu và tính xác thịt ươn hèn để tìm được sức mạnh trong Chúa. Xin cho con biết luôn luôn cầu nguyện, vì cầu nguyện là khí giới hữu hiệu, là thành trì bảo vệ con chống lại các cuộc tấn công của quỷ.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung