Đức Hạnh Người Xưa

Đức hạnh người xưa

Tuyển tập các đức hạnh người xưa trích từ

quyển sách Lời người xưa, Jean-Claude Guy

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Dẫn nhập

 Vào thế kỷ thứ tư, có một số người bỏ đô thị vào các sa mạc Ai Cập, Pa-lét-ti-na, Ả Rập, Ba-tư để sống. Họ là những vị ẩn tu kitô đầu tiên chọn đời sống thinh lặng trong sa mạc. Có rất nhiều lý do để họ chọn lựa cuộc sống này, nhưng tựu chung họ muốn được cứu rỗi. Họ là những người ý thức sâu xa đặc tính nghiêm ngặt của cứu rỗi là việc của mỗi cá nhân phải làm. Họ xem xã hội trần thế có những giới hạn do nhãn quan hạn hẹp của đời sống hữu hình, họ ví đời sống này như con tàu bị đắm, mỗi người phải tự thoát ra khỏi con tàu để cứu đời mình.

Đó là những người đi tìm bản chất thật của mình trong Đức Kitô. Và để theo Chúa, họ phải từ bỏ cái tôi của mình, sống khiêm tốn, vâng lời, lao động tay chân. Họï có một nguyên tắc chính yếu, xem Thiên Chúa là Thầy duy nhất của mình, ngoài thuận theo ý Chúa, họ không có hay có rất ít nguyên tắc khác: “Tất cả những gì tâm hồn con khát khao là làm theo ý Chúa, và con sẽ được cứu rỗi.”

Mới nhìn, cách tu tập của các tu sĩ đời xưa này có vẽ như lạ lùng, thiếu thực tế nhưng khi đọc kỹ châm ngôn của họ thì chúng ta mới thấy nét hiện đại trong đó. Họ nói về bản chất con người qua kinh nghiệm chứ không theo lý thuyết, họ thể nghiệm trong chính cơ thể họ cảm nhận của một con người, vẻ một con đường đến với Chúa, con đường nào dẫn đến đích và con đường nào nào dẫn đến vực thẳm. Vì thế, rất nhiều người thời buổi đó đi tìm họ để xin họ hướng dẫn, những người này từ các nước Ý, Hy Lạp đi tìm các “viện phụ,” các Cha, họ mau mắn đặt tên cho các tu sĩ này như vậy.

Một con đường như vậy, chỉ những ai chú tâm và rất nhạy cảm mới có thể đi được. Ẩn sĩ phải có một đức tin chín chắn, tuyệt đối từ bỏ mình. Họ sống một đời sống cô đơn, lao động, nghèo khó, vâng lời, đơn sơ, ăn chay, bác ái và cầu nguyện, xóa cái tôi và sống chân thật với con người mình, trong đời sống này tín hữu và Đức Giêsu họp thành một “Thần Khí” duy nhất.

Qua những câu hỏi đáp giữa viện phụ - đồ đệ, thầy trả lời cho trò đơn giản, cụ thể với kinh nghiệm của người có lương thức mà kinh nghiệm sống thinh lặng cô tịch đã hình thành con người họ.

Trước hết các câu trả lời của các tu sĩ được truyền miệng, sau đó được gom lại trong một tập gọi là “Các châm ngôn của các viện phụ.” Ngày hôm nay, lời của các viện phụ trong sa mạc vẫn còn đánh động tâm hồn con người, vẫn còn mang tính thời sự. Khó mà tranh luận được với họ. Phải có một chiều sâu tâm hồn, được chạm tận đáy lòng mới thấy các câu châm ngôn này đúng cho mọi thời.

Các lời của các viện phụ trong sa mạc là những lời khôn ngoan và thánh thiện, không dạy đạo đức, không ra lệnh. Các tu sĩ ý thức các hiểm nguy, các xáo trộn do hoàn cảnh sống, do quá khứ đè nặng trên mỗi người nhưng họ lạc quan, họ tin vào một khả năng hoán cải, một sức bật và không thể nào mang tổn thương suốt đời.

Đặc điểm của các danh ngôn này không phải do “thái độ ứng xử” lạ lùng của tổ phụ, mà do nơi kinh nghiệm sống của họ, họ đã sống với thái độ ứng xử lạ lùng này.

Qua kinh nghiệm sống của họ, chúng ta không thể không kính phục và không thích thú trước các phản ứng của họ. Tôi chỉ xin nêu ra đây một ít đặc tính của họ, và để dành thích thú này cho quý vị khi đọc tập sách nhỏ bé này, tự khám phá những nét thích thú khác nơi tổ phụ chúng ta.

Họ là những người sống:

Đơn sơ, giản dị, cụ thể:

Môn đệ viện phụ Xi-xô-ê thường nói với ngài: “Thưa cha, xin hãy chỗi dậy và chúng ta dùng bữa.” Ngài nói: “Mình chưa ăn sao con?” Môn đệ thưa: “Thưa cha, chưa.” Cha nói: “Nếu chưa ăn thì mình ăn.”

Viện phụ Giê-nông nói: “Đừng ở nơi nổi tiếng, không ở với người có chức trọng và không đặt nền móng để một ngày nào đó xây cho mình một căn phòng.”

Khiêm tốn:

Viện phụ A-xê-nơ bị bệnh nên cần mua bánh mì, vì không có tiền để mua, ngài đã nhận của bố thí của một người và nói: “Con tạ ơn Chúa đã cho con đáng được hưởng lòng bác ái nhân danh Chúa.”

Viện phụ A-xê-nơ hỏi một nông dân Ai-cập về các suy nghĩ của cha. Thấy vậy, một thầy khác hỏi: “Thưa cha A-xê-nơ, vì sao cha được hấp thụ nền giáo dục La Mã và Hy Lạp uyên thâm như thế mà lại đi tham vấn người nông dân này?” Cha trả lời: “Cha vẫn chưa hiểu được những kiến thức cơ bản của người nông dân này dù cha đã được hấp thụ các nền giáo dục uyên thâm đó.”

Có thầy cao niên kia có một người đồ đệ. Vì coi khinh, thầy đưa cho đồ đệ mình cái áo choàng và đuổi đi. Nhưng người đồ đệ cứ ngồi ở cửa. Khi mở cửa ra và thấy đồ đệ vẫn còn ngồi đó, thầy cao niên quỳ xuống và nói: “Ôi, con của ta, lòng khiêm nhường nhẫn nhục của con đã đánh bại sự khinh miệt của cha. Con vào nhà đi, từ giờ trở đi, con sẽ là thầy và là cha của ta, còn ta chỉ là môn đệ và là con của con.”

Thành thật:

Viện phụ I-sa-ác nói: “Cha biết có một thầy, đang khi cắt lúa ngoài đồng, muốn ăn bông lúa liền nói với người phụ trách nông vụ: anh cho phép tôi ăn bông lúa mì nhé?” Người phụ trách nông vụ ngạc nhiên nói: “Cánh đồng này là của cha mà sao cha lại xin phép con?”

Viện phụ A-ga-tôn và các thầy đang đi dạo. Một thầy trông thấy hạt đậu xanh nhỏ bên đường liền nói với ngài: “Thưa cha, cha cho phép con lượm nhé?” Cha ngạc nhiên nhìn thầy và nói: “Có phải con đánh rớt nó không?” Thầy trả lời không. “Thế tại sao con lại muốn nhặt?”

Thinh lặng:

Viện phụ A-ga-tôn đã giữ một hòn sỏi trong miệng ba năm liền để học giữ im lặng.

Không phán xét:

Một thầy phạm tội và bị linh mục đuổi ra khỏi nhà thờ. Viện phụ Bê-xa-ri-ôn đứng dậy, đi theo anh và nói: “Cha cũng vậy, cha là người tội lỗi.”

Viện phụ Pô-ê-men hỏi viện phụ Giu-se: “Xin cha cho con biết làm thế nào để thành một đan sĩ.” Ngài đáp: “Nếu con muốn bình an ở đời này và đời sau, trong mọi hoàn cảnh, con tự vấn mình là ai và tôi không xét đoán ai.”

Viện phụ Pô-ê-men nói: “Có lời chép, hãy làm chứng những gì mắt con thấy; còn cha, cha bảo các con: Ngay cả khi thấy sự việc rành rành, cũng đừng làm chứng. Quả thật, một thầy đã có ảo giác trong việc này như sau: thầy tin là mình thấy người anh em đang phạm tội với một phụ nữ, quá hăng tiết, thầy đến đá họ tới tấp (vì thầy nghĩ đó là hai người) và nói: Ngừng ngay; chúng mày còn làm cho đến khi nào? Vậy mà đó chỉ là những cây lúa mì. Chính vì thế mà cha nói với các con: Dù bắt tại trận cũng đứng trách móc nhiều lời.”

Ẩn danh:

Một phụ nữ mắc bệnh ung thư, nghe nói về viện phụ Lô-gin, liền đến tìm gặp. Thế mà vị này sống ở cây số thứ chín tính từ Alexandrie. Khi cô đến tìm, thánh nhân đang lượm củi gần bờ biển. Trông thấy cha, cô hỏi nhưng không biết đó là viện phụ Lô-gin: “Thưa cha, viện phụ Lô-gin tôi tớ của Thiên Chúa cư ngụ ở đâu?” Ngài bảo: “Tại sao cô đi tìm tên bịp bợm ấy? Cô không nên đến đó vì ông là một tên lừa gạt. Mà cô tìm hắn có việc gì vậy?” Cô liền chỉ cho ngài thấy căn bệnh của mình. Cha vừa làm dấu thánh giá trên vết thương vừa bảo: “Cô đi về đi, Chúa sẽ chữa lành cho cô, Lô-gin cũng chẳng giúp được gì cho cô.” Cô tin tưởng quay về và ngay lập tức lành bệnh. Sau đó, đang khi kể cho các người khác hay về chuyện này và tả hình dạng của người đó, cô được biết đó là viện phụ Lô-gin.

Oan ức không biện bạch:

Viện phụ Ma-ke-rơ kể về mình thế này: “Khi còn trẻ, tôi sống trong một cái cốc ở Ai cập. Người ta đến bắt tôi làm linh mục coi xứ đạo. Vì không muốn nhận trọng trách nầy, tôi trốn đi nơi khác. Vậy rồi, có một người giáo dân đạo đức đến để làm việc và phục vụ cha. Thế là xảy ra chuyện, một trinh nữ trong làng sa chước cám dỗ và mang thai. Người ta hỏi cô ai là cha đứa bé. Cô bảo: “Vị ẩn sĩ.” Vì vậy, dân làng kéo đến bắt tôi. Họ đeo chảo mỡ đen vào cổ tôi và đủ thứ vật dụng khác rồi dẫn tôi đi khắp các khu phố trong làng. Họ vừa đánh tôi vừa nói: “Người này đã phạm tội với cô gái làng ta, hãy bắt lấy nó, hãy bắt lấy nó.” Và họ đánh tôi gần chết. Một thầy cao niên đến hỏi: “Các anh định đánh thầy lạ này cho đến khi nào?” Và người phục vụ tôi đi theo sau cũng bị nhục vì các lời lăng mạ: “Hãy nhìn việc ông thầy của anh làm kìa, có anh làm chứng.” Và cha mẹ cô gái bảo: “Chúng tôi sẽ không để ông đi nếu ông không hứa nuôi con tôi.” Và tôi nói với người phục vụ, anh làm chứng cho tôi. Khi trở về nhà, tôi đưa cho anh tất cả các rổ và nói: “Con đi bán hết để nuôi vợ cha.” Và tôi nhủ thầm: “Ma-ke-rơ, này đây bây giờ mày có vợ; mày phải làm việc nhiều hơn để nuôi vợ.” Và tôi làm việc ngày đêm để nuôi vợ. Nhưng đến ngày sinh, cô chuyển bụng rất lâu mà không sinh được. Người ta hỏi cô: “Vì sao vậy?” Cô trả lời: “Tôi biết mình đã vu oan cho thầy ẩn sĩ; cha đứa bé không phải là thầy nhưng là một thanh niên trong làng.” Nghe vậy, người phục vụ vui mừng đến gặp tôi và nói: “Cô gái này không thể sinh con cho đến khi cô thú nhận là đã vu oan cho cha. Và xem kìa, dân làng đang kéo đến để xin lỗi cha.” Nghe vậy, vì sợ họ làm phiền tôi, tôi đi trốn đến Xê-tê này. Đó là lý do vì sao tôi đến ở đây.”

Bác ái:

Viện phụ Pô-ê-men nói: “Con người chỉ thực sự bác ái khi dám hy sinh mạng sống cho người anh em. Quả thực, khi nghe một lời nói xấu, lời đó làm cho mình buồn, mình có thể nói trả đủa lại, nhưng nên kìm hãm để đừng nói ra lời nào cả. Vì khi kìm nén và có thể im lặng chịu đựng thì đó là lúc mình hy sinh cuộc sống mình cho người anh em.”

Có thầy hỏi viện phụ Xê-pa-ri-ôn: “Xin cho con một lời khuyên.” Ngài bảo: “Cha phải nói gì với con đây? Con đã lấy phần tốt của nhiều bà góa và các trẻ mồ côi rồi bỏ nó vào trong cái tủ này.” Bởi vì ngài thấy trong tủ có rất nhiều sách.

Không chiếm giữ của cải:

Viện phụ A-ga-tôn thường hay yêu cầu đồ đệ của người như sau: Con đừng chiếm giữ bất cứ cái gì mà khi người anh em xin con, con sẽ ngần ngại không muốn cho, bởi vì con sẽ vi phạm điều luật của Chúa. Ai xin con cái gì, con cứ cho, ai mượn con cái gì, đừng từ chối với họ.

Có một thái độ cao thượng về tiền bạc:

Nếu có người anh em mượn con một ít tiền, con có đòi họ không?

Có, nhưng chỉ đòi một lần, và trong khiêm tốn.

Giả dụ con đòi nhưng họ không trả, con sẽ làm gì?

Con đừng nói gì với họ nữa.

Nhưng nếu con không yên tâm khi chưa đòi lại được, con phải làm gì?

Con quên điều đó đi. Điều quan trọng là con không được làm người anh em buồn, bởi vì con là một tu sĩ.

Tiếp đón niềm nở:

Sau một thời gian ở với một viện phụ sống đơn độc, khi từ giã, một thầy nói với ngài: “Xin cha tha thứ cho con, vì con đã làm gián đoạn việc tu tập của cha.” “Việc tu tập của cha, đó là tiếp đón con niềm nở và để con ra đi bình an.”

Vâng lời:

Viện phụ Gio-an Colobos khi không còn ở trong nhà một vị thầy cao niên người Tê-ben ở Xê-tê, ngài vẫn ở trong sa mạc. Cha bề trên của ngài lấy một cây gỗ khô trồng xuống và nói: “Mỗi ngày, con tưới cho nó một gàu nước cho đến lúc nó có quả.” Đi lấy nước thì quá xa, tối đi sáng hôm sau mới về. Khoảng được ba năm, cây gỗ sống lại và cho quả. Vậy là cha bề trên hái trái đem đến nhà thờ và nói với các thầy: “Các con hãy cầm và ăn hoa trái của đức vâng lời.”

Phục thiện:

Có một vị viện phụ mà khi có ai nói điều gì xấu về ngài, nếu ngài ở gần họ, ngài sẽ đích thân mang quà đến tặng. Nếu họ ở xa, ngài nhờ người đem quà đến.

... Còn rất nhiều đức tính khác nữa. Chúng ta không thể nào bắt chước y hệt cách ứng xử của các tổ phụ, nhưng tối thiểu chúng ta lấy hết can đảm bỏ thói quen cũ, thấy điều nào có thể thực hiện được, bắt tay vào thực hiện chỉ một điều thôi, như viện phụ A-ga-tôn giữ hòn sỏi trong miệng ba năm để học giữ im lặng, hay như viện phụ Am-mô-na cầu nguyện liên tục mười bốn năm xin Chúa đừng cho mình lên cơn nóng giận dễ dàng.

Xin mời quý độc giả tiếp tục khám phá điều hay chuyện lạ trong quyên sách nhỏ bé này.

 Nguyễn Tùng Lâm