Tài Liệu Khác

Nguyễn Huệ Nhật Trả Lời Các Câu Hỏi

Liên Quan Đến Phật Giáo và Kitô Giáo

CÂU I

Hải Văn Hoàng thắc mắc câu thứ nhất: 
 
"Huệ Nhật so sánh luật "cấm sát sanh" của Phật Giáo với câu nói của Thiên Chúa "ngươi chớ giết người" và cho rằng luật cấm sát sanh không thực tế như của bên Thiên Chúa Giáo." 
 
Trước hết, tôi xin hỏi HN một câu như thế nầy: Nếu câu nói "ngươi chớ giết người " là của Thiên Chúa, vậy HN làm đúng như vậy chưa? Sự dễ dàng trong một câu nói như trên còn chưa làm được thì làm sao mà có thể theo dõi những luật lệ khác. Tôi nhận thấy rằng việc "cấm sát sanh" trong Phật Giáo là một sự giới hạn cho con người của chúng ta tránh được những QUÁ ÐỘ giữa con người với con người. Nếu chữ "người" ở trong câu nói của Thiên Chúa cũng có nghĩa là những vật nhỏ khác (vì nên nhớ Ðức Chúa Trời đã tạo ra muôn loài. Trong đó loài vật nhỏ như vi trùng... cũng là một sinh vật như người) ta cũng không được giết. Vậy nếu Thiên Chúa ám chỉ chữ "người" là cho muôn loài, dù đó là một sinh vật nhỏ đến đâu, ta cũng "chớ giết". Vậy câu nói của Thiên Chúa có giống với luật "cấm sát sanh" của Phật giáo hay không? Như vậy, luật "cấm sát sanh" kia có nói chung chung, mơ hồ như lời "phân tích" của bạn hay không?


Huệ Nhật trả lời: 
 
Giới cấm sát sanh là một giới cấm hoàn toàn không thực tế, vì không một ai thực hiện được, kể cả đức Phật; mặc dầu giới cấm sát sanh nầy là giới đầu tiên và quan trọng nhất trong tất cả các giới cấm của luật tạng. Khi đưa ra giới cấm nầy, Ðức Phật không hiểu rằng đây là một giới cấm mà không ai giữ được. Ngay cả bản thân Ngài đã không giữ được nhưng có lẽ Ngài cũng không biết. Tôi xin lặp lại, không có một người nào giữ được giới cấm nầy, kể cả thai nhi trong bụng mẹ cũng không giữ được giới cấm nầy. Vì trong hệ thống sinh lý của bà mẹ và em bé đều được dựng nên một hệ thống miễn nhiễm chống lại tất cả những vi trùng gây hại đến sức khỏe của bà mẹ và em bé. Ðức Phật cho rằng mỗi khi người ta uống một ly nước là giết chết 84000 con sanh vật, nhưng mọi người vẫn uống nước. Còn một sự sát sanh tệ hại hơn cả uống nước nữa, là trước khi uống nước, người ta đã nấu nước, nấu cơm, luộc rau...khiến hàng triệu sinh vật trong nước đã chết, tại sao Phật không ra giới cấm nấu nước, cấm nấu cơm, cấm luộc rau? Ðức Phật cho rằng đi bộ giết chết côn trùng dưới chân, nhưng Ðức Phật không có giới cấm đi bộ. Ngày nay các tu sỹ Phật Giáo lái xe hơi, các bánh xe cán chết biết bao nhiêu sinh vật? Ðạo Phật dạy ăn chay để tránh sát sanh nhưng chính Ðức phật ăn cá ăn thịt, vì ai cho gì Ngài cũng ăn. Nếu sát sanh là một tội trọng như giáo lý đạo Phật quan niệm thì chắc chắn không có một người tu sỹ Phật Giáo nào thành phật được chứ đừng nói đến phật tử tại gia. Ðó là những lý do khiến tôi cho rằng giới cấm nầy không thực tế. 
 
Tôi tự hỏi: tại sao Ðức Phật ra giới cấm đầu tiên và cũng là giới quan trọng nhất, nhưng hoàn toàn không thực tế, nghĩa là không một ai giữ được? 
 
Theo tôi nghĩ Ðức Phật vẫn là một con người bình thường được sinh ra giữa thế gian nầy. Ngài đã cố gắng học tập để tìm hiểu chân lý, Ngài tự cho rằng mình đã thành Phật, nhưng Ngài chưa hiểu hết mọi căn nguyên của sự sống và sự chết. Ngài chỉ biết đến sự sống vật lý trong con người và loài vật, nhưng Ngài chưa thấu triệt sự sống vĩnh cửu trong con người mà loài vật không bao giờ có, mặc dầu Ngài có lòng tin một cách mơ hồ là có sự sống vĩnh cửu, nên ngài đã từ bỏ gia đình, quyền lợi để đi tìm chân lý ấy, nhưng vì sự cố gắng của Ngài chỉ có giới hạn; Ngài không tìm nổi chân lý hằng hữu mà chỉ thành Phật cho riêng mình và sau đó Ngài không nói đến chân lý vĩnh cửu nữa. Từ đây giáo lý Ðạo Phật có những điểm mâu thuẫn quan trọng. Khi thì nói vạn pháp không có khởi đầu và không có kết thúc, khi thì nói vì nguyên nhân đưa đến hậu quả để lập luận lý duyên khởi (hiện tượng luận), khi thì nói không gian vô biên thời gian vô tận, khi thì nói không có gì trường tồn mãi mãi. Khi thì lấy khoa học ra để ngụy trang cho niềm tin, khi thì đọc thần chú. Khi thì nói vô ngã, khi thì nói duy ngã độc tôn. Cuối cùng suốt những ngàn năm không có một người nào tu thành phật như Ngài. Tuy nhiên Ðức Phật vốn có lòng từ bi đối với mọi loài, dù Ngài chưa hiểu giá trị của sự sống khác nhau giữa loài người và loài vật, Ngài cũng chưa hiểu giá trị sự sống vĩnh cửu trong tâm linh con người khác với sự sống vật lý và bản băng được ban cho một cách bất di dịch trong loài vật, vì thế Ðức Phật tôn trọng mạng sống con người và sinh mạng con vật ngang nhau. 
 
Sở dĩ Ðức Phật không hiểu rõ sự sống như thế bởi Ngài cũng chỉ là một chúng sinh như chúng ta. Nghĩa là Ngài cũng là một tạo vật của Ðức Chúa Trời như mỗi một cá nhân chúng ta. Ngài vẫn được sinh ra trong máu cha thịt mẹ theo quy luật của Ðức Chúa Trời. Hồi đó Ðức Phật chưa đọc Kinh Thánh Cựu Ước, vì thế Ngài không có khái niệm sáng tạo của Ðức Chúa Trời và đặc biệt là Ngài không biết rằng loài người là loài duy nhất được mặc lấy ảnh tượng của Ðức Chúa Trời. Hầu hết những gì Thái Tử Tất Ðạt Ða học được là từ nền văn hóa Ấn-Ðộ giáo và Bà-La-Môn giáo pha trộn. Giáo lý Ðạo Phật chỉ là biến thể của hai tôn giáo nầy vốn đã lưu hành trước thời đại Ðức Phật rất lâu. 
 
Bạn Hoàng Hải cho rằng: "Vậy nếu Thiên Chúa ám chỉ chữ "người" là cho muôn loài, dù đó là một sinh vật nhỏ đến đâu, ta cũng "chớ giết". Ðây là căn bịnh lấy bụng ta suy ra bụng người của Phật Giáo mà bạn Hoàng Hải đã bị ảnh hưởng nặng. Loài người là loài thọ tạo, sự hiểu biết của loài người rất ít ỏi so với sự vật mênh mông vô tận mà loài người chưa biết hết, nhưng tối thiểu chúng ta cũng phải công nhận rằng loài người và loài vật khác nhau rất xa. Nếu ngày nay bạn Hoàng Hải và Phật Giáo còn nhầm lẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa loài người và loài vật thì quý vị còn ở trong trình độ sơ khai trước thời tiền sử tối tăm. Nên nhớ rằng sự hiểu biết của loài người trong thời đại Ðức Phật và sự hiểu biết của loài người hôm nay đã khác xa nhau rất nhiều. Ngày xưa Ðức Phật không biết gì về computer, nhưng ngày nay đứa con nít cũng biết computer. Mặc dù computer không do con người sáng tạo ra mà do con người lấy kinh nghiệm tri thức khoa học cả ngàn năm để tìm ra nguyên tắc computer. Khoa học là khả năng của con người (được Ðức Chúa Trời ban cho) để tìm hiểu, để thực nghiệm những gì mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên. Khả năng khoa học cũng chỉ có giới hạn nhất định. Loài người không làm ra bộ não của mình, và loài người cũng không chế tạo cho mình sự khôn ngoan, nhưng loài người có tự do để làm cho sự khôn ngoan của mình tiến bộ nhanh hay chậm chứ không bao giờ đứng một chỗ. Giống như người nông dân rút kinh nghiệm để làm cho đất có thêm mầu mỡ. Nhưng thực tế đất đai, mầu mỡ, thời tiết bốn mùa và sự xúc tác vật lý để tạo ra sự sống trong đó là do Ðức Chúa Trời dựng sẵn nên rồi. Tất cả sắt thép, hóa chất, điện, và các nguyên tắc cơ khí, nguyên tắc vật lý đều đã được Ðức Chúa Trời sáng tạo. Loài người mò theo đó để nghiên cứu tìm tòi và ứng dụng cho đời sống của mình. Loài người chưa sáng tạo ra một cái gì mà Ðức Chúa Trời chưa dựng nên. Tuy nhiên, nếu gom tất cả sự hiểu biết của loài người từ cổ chí kim thì cũng chưa đáng chi so với điều mà loài người chưa biết. Ðức Chúa Trời biết tất cả. Ngài dựng nên loài người và ban cho loài người một bộ óc tốt nhất so với muôn loài, nhưng nếu đem bộ óc của chúng ta ra để hiểu biết về Ðức Chúa Trời thì hoàn toàn thiếu tốn. Vì thế Ðức Chúa Trời ban cho loài người Ðức Tin để tương giao với Ngài. (Tôi sẽ nói thêm phần nầy trong câu trả lời phần hai). 
 
Ðức Chúa Trời ban điều răn "ngươi chớ giết người" vì Ngài đã dựng nên con người và hà hơi sinh linh vào con người để con người được mang ảnh tượng giống như Ngài, để con người được tương giao với Ngài một cách thiêng liêng. (xin đọc Sáng Thế Ký đoạn 1 và đoạn 2). Tuy loài người đã phạm tội, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn yêu loài người. Ngài vạch kế hoạch cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi trong Con Một của Ngài là Cứu Chúa Jesus Christ. Vì sự sống của con người là sự sống thiêng liêng, và khi họ còn sống là còn cơ hội để trở về với Ðức Chúa Trời, vì thế Ðức Chúa Trời không cho phép con người giết con người. Thân thể vật lý của con người cũng là một thân thể thiêng liêng khác với loài vật hoàn toàn. Trong thân thể vật lý của con người, con người có trí tuệ, có tình yêu rất phong phú, có ý chí, có tự do, có lương tâm và biết tội lỗi cũng như phước lành để hướng đến sự sống thiêng liêng vĩnh cửu. Chỉ có Kinh Thánh mới nói đến giá trị tuyệt đối của con người trên hết mọi loài và con người được tương giao với Ðức Chúa Trời. 
 
Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên vũ trụ và mọi loài, vì thế Ngài biết rõ từng loài một và Ngài ban cho con người quyền quản trị mọi loài trên đất và dưới nước để làm ích lợi cho loài người. Ðức Chúa trời là Ðấng toàn năng, toàn tri, và toàn tại. Những bổn tính của ngài đã được Ngài phán cho các tiên tri chép ra trong Kinh Thánh. Một người bình thường, khi quan sát sự hiện hữu và sự vận hành của vũ trụ vạn vật trong không gian vô biên thời gian vô tận với quy luật tinh vi tuyệt đối chính xác từng giây, từng năm, từng niên đại để phát triển và duy trì sự sống thì phải tin rằng có một bàn tay mầu nhiệm toàn năng. Dù khả năng loài người chưa hiểu hết, nhưng lương tâm và lòng tin con người có đủ để tin. Vì thế Ðức Chúa Trời đã ban Lời Ngài được mặc khải thành văn tự, đó là Kinh Thánh để hướng dẫn đức tin của con người. Kinh Thánh chưa phải là tất cả, nhưng Kinh Thánh có đầy đủ sự hướng dẫn để loài người sống với đức tin và sự thông biết thiêng liêng thích hợp với bổn tánh của Cha mình tức là Ðức Chúa Trời. Một đời người chưa đủ để hiểu hết Kinh Thánh nhưng đủ để đi theo Kinh Thánh và tin Ðức Chúa Trời là Chân Thần và thực hữu đầy quyền năng tuyệt đối. Khi một người ăn năn tội trở về trong Chúa Chúa Cứu Thế Jesus Christ, người ấy nhận được sự sống của Ðức Thánh Linh để có kinh nghiệm siêu nhiên và xác tín hơn để đức tin càng ngày càng vững chắc, và đời sống người đó không thể phạm tội dễ dàng như một người vô tín. Trên thực tế, lịch sử loài người cho thấy loài người vẫn quản trị thiên nhiên để làm ích cho mình giống như Kinh Thánh đã nói tự ngàn xưa. Vậy chúng ta giết hại sinh vật một cách vô ích và tàn phá thiên nhiên một cách vô ích thì chúng ta có tội với Ðức Chúa Trời và với nhân loại, nhưng chúng ta làm thịt súc vật để ăn thì điều nầy không có tội với ai cả. Phật Giáo đã hiểu sai vì họ không có Kinh Thánh. Nếu người phật tử trở về với Kinh Thánh thì họ sẽ được hưởng phước và nhận biết thế nào là từ bi, thế nào là ân điển; nhất là họ nhận được ơn tha tội trong Chúa Jesus Christ theo kế hoạch cứu rỗi của đức Chúa Trời. 
 
Tuần tự tôi sẽ trả lời các câu kế tiếp 
 
Thân mến chào anh Hải Văn Hoàng 
 
Berlin lập đông 2003. 
 
Huệ Nhật 
  

CÂU II

 
Hải Văn Hoàng thắc mắc. 
 
"Chuyện đọc thần chú có khác gì với cử chỉ làm dấu trước khi ăn hay không?


TRẢ LỜI 
 
Cám ơn bạn Hải Văn Hoàng một lần nữa về những thắc mắc của bạn đặt ra cho tôi. Theo tôi nghĩ bạn là một phật tử có đọc thần chú nên mới nêu lên thắc mắc có tính cách so sánh sự kiện đọc thần chú với cử chỉ làm dấu Thánh Giá của người Công Giáo. Tôi là một người Tin Lành. Các giáo phái Tin Lành hầu như không mấy ai làm dấu thánh giá. Tôi chưa làm dấu thánh giá bao giờ cả. Nhưng tôi trước đây tôi đã đọc thần chú quá nhiều suốt 15 năm tu học trong chùa! 
 
Theo tôi hiểu, làm dấu thánh giá là một cử chỉ tuyên xưng đức tin với tấm lòng thờ kính Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Người ta đặt tay lên trán và nói nhân danh Đức Chúa Cha, rồi đặt tay xuống một bên vai nói nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, và đặt tay qua bên vai khác để nhân danh Đức Chúa Thánh Linh. Nghĩa là nhân danh Đức Chúa Trời Ba Ngôi một cách thành kính mỗi khi ăn cơm, khi cầu nguyện, hoặc thực hiện một nghi lễ trong đức tin của Chúa. 
 
Đây là cử chỉ bày tỏ đức tin trong Chúa với tâm trạng tỉnh táo, tin tưởng, nhận biết mình hành động với sự hiện diện của Chúa trong lòng mình. Mình là con của Chúa nên được quyền nhân danh Chúa để hành động cho đẹp lòng Ngài. Dĩ nhiên cũng có người làm dấu thánh giá theo thói quen lấy lệ trong khi tâm hồn họ không hướng về Chúa một cách chân thành. Tôi thấy một số người dùng tay làm dấu thánh giá một cách chiếu lệ khi ăn cơm nhưng miệng họ vẫn nói chuyện với người khác. Vì thế tôi chỉ tôn trọng những người làm dấu thánh giá một cách chân thành. 
 
Nhưng cách gì đi nữa thì cử chỉ làm dấu thánh giá hoàn toàn khác với hành động đọc thần chú. Khác cả hình thức lẫn nội dung. Người đọc thần chú hoàn toàn không biết ý nghĩa của các câu thần chú. Nhưng tâm trạng của họ dường như có một niềm tin vào thần lực của thần chú. Đã đọc thần chú thì phải tin có thần lực, tức là quyền năng vô hình. Nhưng trong Phật Giáo lại không tin một quyền năng vô hình nào ngoài con người. Vì thế thái độ đọc thần chú trở nên mâu thuẫn với giáo lý Đạo Phật. Cũng như anh Hải nói. "Phật dạy chỉ tin cái gì mình cho là đúng mà thôi". Vậy thì thần chú có ý nghĩa gì đâu, và làm sao bạn có thể biết nó đúng hay sai để mà tin? Thần chú có thần lực vô hình hay không có thần lực vô hình? Chẳng ai biết chắc. 
 
Nếu thần chú có thần lực vô hình thì Phật Giáo sai, vì Phật Giáo không tin có thần lực vô hình bên ngoài con người. Nhưng nếu thần chú mà không có thần lực vô hình thì Phật Giáo đã đánh lừa người mê tín, vì biết không có thần lực vô hình mà cũng dạy cho người ta đọc thần chú. Dù có quyền lực hay không có quyền lực vô hình, khi nói đến thần chú, người ta không thể phủ nhận tính thần lực hay quyền năng vô hình của nó. Cho nên đây là một đống bòng bong mâu thuẫn của nhà Phật. Đã là mâu thuẫn rồi thì giải thích cách nào cũng khó nghe. Nhưng những người không tôn trọng sự thật sẵn sàng giải thích tuốt luốt, miễn là êm tai (theo họ) thì thôi. 
 
Tôi đã ở trong Chùa lâu năm, tôi chứng kiến một số tu sỹ kể cả cao tăng cũng đùa dỡn ngay trong khi đang tụng niệm, dù họ tụng niệm thần chú hay tụng lời kinh có ý nghĩa. Họ thường giữ cốt cách trang nghiêm trong khi có mặt các phật tử bên ngoài, vì Phật tử bên ngoài là nguồn kinh tế và là thiện nam tín nữ của họ; còn riêng người tu sỹ với nhau thì họ có thể đùa cợt ngay trước chánh điện. Ví dụ các chú tiểu dám đùa với các bức tượng Phật mỗi khi lau quét bụi bám trên tượng, nhưng sau đó họ lạy cái tượng ấy một cách nghiêm chỉnh. Hoặc có vị đọc câu thần chú "Nam mô tô rô bà gia" thành ngữ điệu "Nam mô ông vô bà ra" và nhiều câu khác tương tự như thế. 
 
Vào thời kỳ chùa chiền bị phong tỏa năm 1963, ngày nào tăng sinh Phật Học Viện Nha Trang chúng tôi cũng thay phiên nhau tụng kinh Phổ Môn Cứu Nạn Cứu Khổ. Từ trên núi Phước Hải, chúng tôi đặt loa hướng xuống khu làng dân cư kề cận để tụng lớn tiếng cho đồng bào nghe kinh. Vì đọc hoài đến mức thuộc lòng và nhàm chán, một chú sa-di tên H.D.M.T (cùng lớp với tôi) đã điều chỉnh hai câu kệ sau đây từ âm hán ra âm nôm: 
 
Vân lôi cổ xiết điện 
Giáng bạc chú đại võ. 
 
Chú H.D.M.T đọc lớn bằng âm nôm là: 
 
Vô lôi cổ mấy điệu 
Giáng mỗi đứa một đạp 
 
Hiện nay H.D.M.T là một vị thượng toạ nổi tiếng tên là Th.Ph.Tú, có vợ hai con và làm toạ chủ một ngôi chùa rất lớn tại Biên Hoà. Ngôi chùa nầy tên là chùa Thiên Tôn, một thắng cảnh du lịch tại Biên Hòa. Tiền xây cất ngôi chùa nầy là tiền tỷ do Việt Kiều hải ngoại cung cấp. Thượng Toạ Th. Ph.Tú là một vị tu sỹ công khai đòi phật tử đứng ra cưới vợ cho mình. (Một hành động can đảm đáng phục!) Đây là chuyện thật còn nguyên xi ở Biên Hòa, Tân Mai, Việt Nam. 
 
Và câu thần chú sau đây được đọc để cúng cơm cho quỷ La-sát trước khi các nhà sư độ ngọ theo nghi lễ mùa an cư kiết hạ: 
 
"Đại bàng kim súy điểu 
Khoáng dạ quỷ thần chúng 
La-sát quỷ tử mẫu 
Cam lồ tất sung mãn 
Ân mục đế luật ni toá ha." (3 lần) 
 
Từ âm hán của những câu kệ và thần chú nói trên, chú Đ.T đã lanh trí đọc thành âm nôm một cách tỉnh bơ trước buổi lễ như sau, làm cho toàn bộ tăng chúng bên trong ôm bụng nín cười đến bùng hơi tại Phật học Viện Nha Trang vào mùa an cư kiết hạ năm 1964. 
 
"Đại bàng chim se sẻ 
Khó dạy quỷ mới đẻ

Ai tát quỷ tử mẫu 
Can thì can, không cản! 
Đá một đá là mi té ra." (3 lần) 
 
Lúc đó Đ.T là một chú tiểu rất nghịch ngợm, nhưng cũng rất dễ thương. Anh ta đùa như thế khiến cả đại chúng sư sãi ôm bụng nín cười và... huề cả làng. Hiện nay Đ.Tù là thượng toạ T. H. Trí, đứng đầu Uy Ban Pháp Chế Trung Ương của Phật Giáo quốc doanh. Ủy Ban nầy hoàn toàn do Bộ Công An và Mặt Trận Tổ Quốc điều khiển để lãnh đạo giáo hội. Giống như Đảng lãnh đạo chính phủ vậy. 
 
Tuy thượng tọa TH. H. Trí là con nhà cộng sản, được đào tạo chính ngạch công an, là một trong những người bạn cũ theo dõi tôi rất sâu sắc, nhưng tôi thấy ông là một người bộc trực, tuy có vẻ chán đời. Đặc biệt tôi chưa thấy ông ở ác với ai bao giờ. Mặc dù ông là một người công an chìm, nhưng ai cũng biết cái tánh khề khà của ông. Khi theo dõi tôi, thượng tọa Th. H.Trí vẫn đối xử với tôi như một người đàn anh. Chính bà vợ phản gián của tôi cũng đã từng tiếp xúc với thượng toạ Th. H. Trí tại nhà tôi. 
 
Năm 1996-1997 là thời gian tôi viết tập thơ Ẩn Ngữ Thiền Công, tôi thường đến thăm thượng toạ Th. H.Trí. Trước của phòng ông tại 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), luôn luôn có hai câu thơ sau đây: 
 
"Trượng phu thất chí về đâu nhỉ? 
Lặng lẽ già đi giữa bụi mờ." 
 
Dĩ nhiên bất cứ phật tử hay tu sỹ nào ở đó cũng thuộc hai câu thơ trên của ông. 
 
Những người đùa cợt như thế hiện nay vẫn là thượng toạ hòa thượng cả rồi. Họ là bạn thân của tôi ngày xưa. Có lẽ vì thế mà thế gian có câu 
 
"Gần chùa kêu Phật bằng anh, 
Gần sư sãi vói quả cành lung lay!" 
 
Các trí thức Phật Giáo luôn luôn đề cao tinh thần khoa học, và cái gì không hiểu thì họ không tin (giống như lời Phật dạy), nhưng thực chất họ đọc thần chú hà rầm và cứ cho đó cũng là "khoa học". Tôi sẽ đề cập đến câu nói của đức Phật mà bạn đã nêu trên, nhưng bây giờ tôi trả lời ngắn các câu tiếp theo đây kẻo làm mất sự liên tục các thắc mắc của bạn Hải Văn Hoàng. 
 
Hải Văn Hoàng viết: 
 
"Tôi không biết bạn Huệ Nhật nghĩ như thế nào về đạo của bạn đang theo. Nhưng tôi thấy rằng đạo của bạn đang đi vào ngõ cụt rồi." 
 
Bạn chưa hề theo tôn giáo của tôi thì làm sao bạn biết nó "đang đi vào ngõ cụt"? Bạn phỏng đoán liều mạng quá! Riêng tôi không theo một tôn giáo hay một tổ chức tôn giáo nào như bạn nghĩ đâu. Tôi đã được gặp sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời sau khi đọc Kinh Thánh. Tôi đã tập làm thử theo lời Chúa Jesus Christ dạy trong Kinh Thánh và được kết quả. Từ đó dần dần tôi tự thân "thí nghiệm" lòng tin khờ khạo của mình với lời dạy của Chúa. 
 
Sau khi kết quả nội tâm và ngoại cảnh xẩy đến cho tôi đúng như lời Chúa dạy, tôi bắt đầu xét lại mình và chú ý đến các lời dạy khác của Chúa Jesus Christ. Tôi đối chiếu các lời dạy của Chúa Jesus Christ với lời dạy của Đức Thích Ca. Tôi thấy sự cầu nguyện với Chúa Jesus Christ trút được biết bao thắc mắc, biết bao gánh nặng, biết bao ưu tư của mình. Và tôi cảm nhận rằng chẳng những Chúa đã nghe thấu nội tâm sâu thẳm của tôi, Ngài còn soi tỏ cho tôi hiểu về chính mình hơn, cũng như Ngài đáp lại lời cầu nguyện của tôi y như Ngài đã hứa. Thế là từng bước một tôi kinh nghiệm được quyền năng và sự thực hữu của Chúa Jesus Christ. 
 
Tôi tiếp tục làm theo lời Ngài dạy như ăn năn tội để được Đức Chúa Trời tha thứ và được tái sinh, được đắc thắng tội lỗi và đắc thắng những thói hư tật xấu mà tôi che dấu lâu ngày. Sở dĩ tôi âm thầm "thí nghiệm" đức tin một mình tôi với Chúa cũng nhờ điều tôi nhận thấy là suốt 15 năm tu học bên Phật Giáo tôi không thấy ai giữ được một điều gì trong ngàn ngàn điều mà Phật đã dạy. 
 
Tôi thấy người ta có thể học thuộc bài như vẹt nhưng thực chất lại vẫn muốn sống theo ý muốn riêng trái ngược lại những điều mình đã học được. Con người giữ được hình thức tôn giáo bề ngoài, nhưng trong lòng vẫn đầy dẫy tham dục, sân-si, thù-hận không biên giới. Càng kềm hãm xác thịt, xác thịt càng thèm muốn một cách điên cuồng vô độ. Càng che dấu sự thèm khát càng làm cho thèm khát được nung nấu một cách chín muồi cho đến khi vỡ tung ra và đành phải "thông cảm" để "xấu che tốt khoe" mà thôi. 
 
Chính 15 năm tu học đã giúp tôi "giác ngộ" sự thất bại ấy. Nghĩa là ai thành thật tu hành thì người đó đạt được một kết quả rằng "mình không thể nào tu được". Ai không thành thật tu hành thì chỉ lợi dụng chiếc áo thầy tu để kiếm lời trên niềm tin của bá tánh. Họ không bao giờ thắc mắc như tôi đã thắc mắc. Đôi lúc người lợi dụng tôn giáo để kiếm lợi lại có thể tin rằng "chắc có lẽ cũng có bậc chân tu đắc đạo." Vì sao? Vì họ không tu nên họ tin rằng "chắc có lẽ có người khác là bậc tu hành đắc đạo". Nhưng ai thật sự đi tu mới có thể chứng nghiệm rằng con người có thể sửa chữa hành vi bên ngoài, nhưng không làm sao thay đổi bản chất bên trong được. 
 
Điều tôi nhận thấy đúng là bản chất tội lỗi trong chúng ta chính là bản chất di truyền từ thân phận tội nhân của tổ phụ mình. Bản chất nầy phải được đóng đinh chết với Chúa Jesus trên thập tự giá bằng đức tin và lòng ăn năn của mình để được mặc lại bổn tính vinh quang trong sức sống phục sinh của Chúa Jesus Christ. Bản chất tội lỗi của chúng ta phải chết đi thì bổn tính nhân từ của Chúa được tái tạo vào con người bề trong của chúng ta; khi ấy chúng ta bắt đầu làm điều lành đúng nghĩa. 
 
Nếu bản chất tội lỗi của chúng ta chưa chết thì dẫu tu cách gì, chúng ta cũng chỉ thể hiện đạo đức bề ngoài mà thôi. Chính các kinh nghiệm ấy đã giúp tôi có một cái nhìn phản chiếu qua các câu Kinh Thánh sau đây như mình nhìn mặt mình trong gương: 
 
"vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Roma 3,22). 
 
"...bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy" (Roma 7,19-20). 
 
"Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước chân mình". (Giê-rê-mi 10:23). 
 
"Thật dân ta là ngu muội, chúng nó chẳng nhìn biết ta. Ấy là những con cái khờ dại, không có trí khôn, khéo làm điều ác, mà không biết làm điều thiện." (Giê-rê-mi 4:22). 
 
"Chim hạc giữa khoảng không tự biết các mùa nhất định cho nó; chim cu, chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân ta chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va." (Giê-rê-mi 8:7). 
 
"Người Ê-thi-ô-pi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được." (Giê-rê-mi 13:23). 
 
"Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lại lòng dục của xác thịt." (Cô-lô-se 2:23). 
 
Vì kinh nghiệm thất bại của bản thân trong lãnh vực tu hành theo Phật, tôi âm thầm liều mình "thí nghiệm" cầu nguyện thử với Chúa và không ngờ lời cầu nguyện của tôi được Chúa đáp lại. Thêm vào đó, những câu Kinh Thánh trên soi sáng cho tôi thấy rằng Đức Chúa Trời hiểu bản chất con người cụ thể hơn đức Phật. Thế là tôi bắt đầu bước đi theo Chúa bằng Đức Tin mới mẻ trong tôi. 
 
Khi tin Chúa, tôi được nhẹ nhàng khoan khoái, được thoát khỏi buồn phiền chán nản, thoát khỏi tham lam ích kỷ, chiến thắng tư dục; thấy rõ rằng mình có một năng lực tự do để yêu thương, lạc quan, tha thứ, bao dung, không phạm tội, không dối trá, không sợ hãi, không mặc cảm, không phách tấu, không nhậu nhẹt hút xách như xưa. Những dấu hiệu đó được Kinh Thánh cho biết là sự tái sinh, sự nên thánh do quyền năng tái tạo của Đức Chúa Thánh Linh. Thế là lòng tôi tin Chúa càng thêm chắc chắn. 
 
Tôi cảm thấy Chúa dắt tôi đi trên đường đời đầy gập ghềnh chông gai khúc khuỷu mà lòng tôi an bình, tự tại, nghỉ ngơi. Sự dắt dẫn nội tâm nầy rất kỳ diệu nhưng cũng rất thực tế trong ý nghĩ, trong giấc mơ, trong niềm mong ước, trong miếng ăn thức uống, trong hơi thở, trong nỗi lòng biết ơn Chúa, biết ơn cha mẹ, ơn chùa qua từng chặng đường tai ương và phước hạnh trong hàng ngũ những người cùng tin Chúa như tôi. 
 
Và tôi đã vứt cái câu kiêu ngạo:"tự mình thắp đưốc lên mà đi" để bước đi theo sự hướng-dẫn của Chúa. Tôi nhận thấy con đường về thiên đàng là một con đường của Chúa, nếu ai muốn đi, thì người ấy cần được Ngài dắt dẫn theo ý định và đường lối của Ngài. 
 
Giống như ngày nay, người Việt Nam khi đi qua sống tại nước Mỹ cũng phải đi theo tiêu chuẩn và luật pháp của Mỹ dù trên tay họ cầm bao nhiêu ngọn đuốc "bốn ngàn năm văn hiến". 
 
Ở đây, ngọn đuốc tâm linh là một ngọn đuốc mà không ai tự chế tạo ra cho mình được, và con đường đi về thế giới hằng hữu là con đường không do kẻ phàm nhân hoạch định, nhưng do Đức Chúa Trời. 
 
Tôi nhận ra rằng Đức Phật đã dạy tôi "tự thắp đuốc lên mà đi, tự lấy tâm tôi để làm con đường đến niết bàn, vì niết bàn hay địa ngục cũng do tôi tạo ra cả".... Lý thuyết nầy mới nghe thì tưởng là hay lắm, nhưng thực hiện thì thấy đức Phật sai. Chắc có lẽ Ngài sai một đôi chút nhưng mấy ngàn năm sau các đệ tử của Ngài cũng là người nên họ bày vẽ thêm quá nhiều, nên sự sai lạc càng to.
 
Sự sai lạc mà đã thành hệ thống tôn giáo, hệ thống triết lý, có giáo phẩm, giáo nghi, giáo chế quá sâu sắc nên loài người không còn khả năng sửa sai nữa, trừ phi họ trở về với Chúa là Đấng dựng nên họ. 
 
Nghĩa là con người phải có nguồn gốc chứ không thể nào từ dưới đất chui lên, hoặc do chó mèo hóa kiếp, hay do khỉ đột tiến hóa như giả thiết "khoa học" Darwin và thuyết luân hồi của Phật Giáo. Nhận biết được điều đó, tôi bắt đầu đi tìm Hội Thánh Tin Lành để học đạo và sinh hoạt với họ. 
 
Nhờ vậỳ tôi đã được gặp Chúa trước khi gia nhập vào Hội Thánh của Ngài. Kỳ thật tôi không theo một đạo nào như anh Hải Văn Hoàng nghĩ đâu, mà tôi theo Chúa và theo Lời Chúa trong Thánh Kinh để cùng sinh hoạt với anh chị em Tin Lành trong nhiều giáo phái khác nhau. 
 
Nếu không trải qua 15 năm học Phật, chắc tôi còn nghi ngờ rằng Phật Giáo có thể đúng hơn Chúa cũng không chừng, vì Phật Giáo có quá nhiều kinh, còn Chúa chỉ có một quyển Kinh Thánh mà thôi!!! 
 
Đâu ngờ sự nói dối phải dài dòng và luộm thuộm hơn sự nói thật. Cái sai phức tạp hơn cái đúng. Cái giả trá tỏ ra tinh xảo hơn cái chân thật. Cái xấu phải hóa trang nhiều hơn cái tốt. Điều dữ luồn lách lươn lẹo lắc léo hơn điều lành. 
 
Sự ngu dại đưa con người ta đến hậu-quả khủng khiếp hơn sự thông sáng, vì khiến con người ta chưa bước vào bên trong mà ù đã khiến họ dám nói đó là ngõ cụt trong khi chính họ lại không biết rằng họ đang dậm chân nơi ngõ cụt! Ôi thật đáng thương thay cho " tất-cả những người bạn Hải Văn Hoàng! " 
 
Tôi sẽ trả lời tiếp những thắc mắc còn lại của bạn. 
 
Chào bạn Hải văn Hoàng. 
 
Berli lập đông. 
 
Huệ Nhật 
  

CÂU III

Hải Văn Hoàng hỏi: 
 
 
“Tôi không biết có Thiên Chúa nào tạo ra tôi hay không. Nhưng tôi chỉ biết rằng cha mẹ tôi là người đã sanh ra tôi, nuôi nấng tôi từ khi còn nhỏ cho đến lớn. Vậy tôi phải thờ người nào khi cha mẹ tôi còn sống hay đã chết? Hỏi tức là trả lời rồi đó!”


Huệ Nhật trả lời: 
 
Bạn Hải Văn Hoàng thân mến, 
 
Có rất nhiều điều bạn không biết, nhiều đến nỗi không ai đếm hết. Nhưng khi bạn nói “Tôi không biết có Thiên Chúa nào tạo ra tôi hay không” thì đây là một câu luồn lách rất dở. Nếu muốn tin theo các thuyết của Phật Giáo Ấn Độ, bạn cứ tin, nhưng bạn không nên chối bỏ tư tưởng truyền thống đạo thờ Trời, của dân tộc Việt Nam chúng ta. 
 
Đức Chúa Trời đã mặc khải trong lương tri của mỗi con người một sự nhận biết về Ngài. Tổ tiên chúng ta đã có câu “Trời sinh Trời dưỡng.” “Trời kêu ai nấy dạ.” Khổng Tử nói: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh”. Dân tộc ta có câu: 
 
“lạy trời mưa xuống, 
 lấy nước tôi uống, 
 lấy ruộng tôi cày...” 
 
Tác giả Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du, một thi sỹ lừng danh nhất trong văn học Việt Nam đã đưa ra thuyết thiên mệnh, nghĩa là tin rằng có Trời định đoạt mạng sống con người. Nguyễn Du viết: 
 
“Văn chương nết đất, thông minh tính Trời.” (Câu 150) 
 
“Rủi may, âu cũng sự Trời.” (Câu 808) và các câu 420, 659, 998, 1018, 
 
“Đạo Trời báo phục chỉn ghê” (2310) 
 
“Cho hay muôn sự tại Trời “(câu 2391) 
 
“Mới hay tiền định chẳng lầm” (câu 2409) 
 
“Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau” (câu 2410) 
 
Ý niệm về Thiên Mệnh hay là Thiên Định đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam. Oan ức kêu trời, vấp ngã kêu trời... 
 
Như trong 2 lá thư trước tôi đã viết cho bạn, khi bạn quan sát thiên nhiên và sự vận hành của vũ trụ, bạn thấy các thiên hà được vận hành trong không gian vô biên qua từng giây phút một cách chính xác để tạo ra sự sống cho muôn loài. Nếu không có bàn tay tuyệt vời toàn tri, toàn quyền thì làm gì có trật tự hài hòa tuyệt đối như thế được? Bạn thấy hàng chục ngàn loài hoa đẹp ấy không bởi bàn tay sáng tạo nào cả ư? Trái tim của bạn biết đập từ trong bụng mẹ là do bạn hay do cha mẹ bạn? Tại sao cơ thể bạn chỉ bắt đầu từ 2 giọt máu sơ sài của cha mẹ bạn mà sau 9 tháng 10 ngày bạn thành một con người có đủ các bộ phận tinh vi như thần kinh, máu, tủy, xương, thịt, tóc tai, tế bào, hồng cầu, bạch cầu, não, nội tạng... và bạn lớn lên rồi già dần, nhưng tuổi đời của bạn dù muốn dù không cũng bị giới hạn sẵn rồi! 
 
Phải chăng cha mẹ bạn nắn lên bạn va ông bà bạn nắn lên cha mẹ bạn? Con người đầu tiên được sinh ra làm tổ tiên nhân loại là ai? Bạn không thắc mắc sao? Hay bạn chỉ muốn biết mình sinh ra từ cha mẹ mà thôi? Hay bạn nghĩ rằng cha mẹ bạn sáng tạo ra bạn? Hay là cha mẹ bạn đã được sinh ra và họ tuân theo luật “tạo hóa” để sinh ra bạn như ngày hôm nay? Quy luật tuyệt đối như thế mà không do ai tạo ra cả thì tại sao cha mẹ bạn và cả nhân loại phải tuân theo? Có ai lấy khỉ để sinh ra bò tót chưa? Có ai lấy cá voi để sinh ra cá sấu chưa? 
 
Từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã nói rằng Đức Chúa Trời ban sự sống động trong muôn loài, và loài nào sinh loài đó, và ngày nay vẫn y như thế không một chút đổi thay! Tại sao đá không biết ăn nằm với nhau để sinh ra voi? Trên thế gian nầy có một quy luật nào tinh vi huyền diệu và hoàn hảo hơn quy luật thiên nhiên không? Có sự hoàn hảo tuyệt đối nào mà lại không do trí tuệ tuyệt đối tạo ra không? 
 
Một chiếc máy nổ hiện đại có tối-tân đến bao nhiêu cũng vẫn còn khuyết điểm, mặc dù đó là kết-quả tốt nhất của nhiều công trình nghiên cứu lâu dài, tổng-hợp của nhiều bộ óc rất giỏi của nhân loại. 
 
Phải chăng bố của bạn tự chế ra tinh trùng và mẹ bạn tự chế ra trứng để làm thành bạn? Phải chăng cha mẹ bạn chế ra nước, sông hồ, biển cả núi non, không khí, hột giống, đất đai, thực vật, động vật để nuôi bạn lớn lên? Cho nên bạn chỉ biết thờ cha mẹ bạn mà thôi ư ? 
 
Bạn có quyền thờ cha mẹ bạn trên một bàn gỗ đầy bụi bặm, và cúng một năm một lần; sau đó bạn được ăn nhậu no nê, dù bạn không thấy cha mẹ bạn ngồi trên đó nữa. Nhưng chắc chắn bạn đã từng nghe tổ tiên mình nói rằng “ăn cơm trời, uống nước trời, thở không khí trời cho. Ai quên ơn trời là có tội với trời .“ 
 
Nếu tin theo Phật Giáo thì bạn không cần thờ cha mẹ, vì cha mẹ của bạn chỉ là “cơ duyên” sinh ra bạn chứ có ý nghĩa gì đâu mà phải thờ? Nếu tin theo thuyết Luân Hồi của Phật Giáo thì bạn cứ bắt chước Đức Thích Ca ngồi thiền cho đạt đến Túc Mệnh Thông. Khi đó bạn thấy một con bò, hay một con khỉ nào đó là kiếp trước của tổ tiên bạn, bạn thờ ngay con bò đó, như thế có thể chính xác và đầy đủ hơn thờ bốn năm đời tổ tiên ngắn ngủi hay không? Vì Phật Giáo không hề dạy ai thờ cha mẹ kia mà! 
 
Báo hiếu khác với sự thờ lạy. Nếu cha mẹ của bạn còn sống mà bị bạn thờ lạy thì chắc họ khổ lắm! Thờ cha mẹ là tập tục của Nho Giáo Á Đông. Người xưa để tang cha mẹ ba năm bằng cách giữ xác cha mẹ đôi ba tháng hoặc cả năm trong nhà để khóc than, sau khi chôn cất còn tiếp tục thờ lạy. Đó tập tục mê tín còn sót lại mà ngày nay có những đứa con bất hiếu vẫn ưa áp dụng. 
 
Kinh thánh dạy rằng con cái phải hiếu kính cha mẹ khi họ còn sống chứ không phải thờ lạy họ sau khi họ không có mặt trên thế gian nầy nữa. Không có một linh hồn cha mẹ nào về ngồi trên bàn thờ của bạn để ăn cơm mỗi năm một lần. Đạo Phật không có giáo lý nầy nên họ học đòi theo Nho Giáo và Lão Giáo để bòn mót tín đồ cho đông. 
 
Ngày nay hàng triệu người đã bỏ tập tục nầy rồi vì biết rằng sự thờ lạy cha mẹ như thế là mê tín, và chỉ “thờ” có mấy đời ngắn ngủi mà thôi, còn tổ tiên tối sơ ở đâu chẳng ai biết! Một tâm hồn vô tín, một lương tâm chai lỳ, vô ơn, một tấm lòng phi nghĩa giữa trời đất vạn vật là tốt đẹp lắm hay sao, thưa bạn Hải Văn Hoàng? 
 
Bạn chỉ mới hỏi vài câu là bạn xem như “đã trả lời rồi” !!! Nhưng tôi hỏi bạn nhiều câu, bạn có trả lời không? Bạn biết con gà sinh ra trước cái trứng hay cái trứng sinh ra trước con gà? Có vô số điều bạn và tôi chưa biết, và vô số điều bạn và tôi không biết. Nhưng chúng ta không thể nói rằng vì bạn và tôi không biết cho nên Sự Thật là điều không có thật. 
 
Sự Thật vẫn là Sự Thật dù chúng ta có biết hay không biết. Bởi thế, đối với Sự Thật tuyệt đối thì chúng ta chỉ có tin chứ không làm sao biết hết nổi. Nếu bạn nghe theo Đức Phật để chỉ tin những gì bạn biết, bạn hiểu, bạn thấy có ích lợi thì hiện giờ có hàng vạn điều của Đức Phật mà bạn chưa hiểu, chưa biết, nhưng bạn vẫn tin phải không? Sự sai lầm nầy tôi sẽ đề cập với bạn sau này. 
 
Nhưng tôi yêu linh hồn bạn lắm, vì tôi biết bạn và tôi đều là anh em có cùng một Cha thiêng liêng. Xin cho tôi chép lại Lời của Cha Thiêng Liêng cho bạn: 
 
“Vả cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó ra cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể bào chữa gì được nữa, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại; họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú côn trùng.” (Rm 2:16-23).

Lý luận của Hải Văn Hoàng (Hoàng Hải)

 
“Bạn hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Đức Phật có nói như thế nầy: “Nếu một người nào đó đến nói với nhà ngươi một điều gì đó. Sau khi nhà ngươi suy nghĩ kỹ càng và thấy rằng điều đó không đúng, nhà ngươi Đừng Tin. Nếu một người nào đó đến nói với nhà ngươi một điều gì đó. Sau khi nhà ngươi suy nghĩ kỹ càng và thấy rằng điều đó đúng, phải, chân lý thì nhà ngươi Nên Tin. 
 
(If a person comes and tells you something. If that is something that is not right, after you think over, you don't have to believe it. If a person comes and tells you something. If that is something that is RIGHT, TRUE, after you think over, you SHOULD BELIEVE it.) 
 
Bạn thấy không. Đức Phật dạy chúng ta Tu Làm Chủ Lấy Chúng Ta (Self-confidence. Self-control) chứ không nên ỷ lại (depend) vào người khác. Hãy dùng lý trí của mình xem xét (examine), suy nghĩ (think over) và hiểu bất cứ câu nói hay tư tưởng của người khác. Đừng vội tin bất cứ câu nói của ai, dù người đó có phải là Thiên Chúa đi chăng nữa! 
Tôi mong rằng bạn Huệ Nhật sẽ tìm hiểu (giác ngộ) đâu là Sự Thật, đâu là Giả Dối. 
 
Trân trọng, 
 
Hoàng Hải”


Huệ Nhật giải đáp: 
 
Tôi hỏi lại Hoàng Hải, khi Hoàng Hải viết như thế là Hoàng Hải đã xác nhận rằng tất cả những lời Phật Thích Ca dạy đều đã được Hoàng Hải examine, think over, với Self-confidence rồi nên Hoàng Hải mới tin? Có đúng thế không? 
 
Nếu đúng thế thì Hoàng Hải đã trở nên một tay nói dối dở nhất thế gian. Tôi biết chắc Hoàng Hải chưa examine thuyết Luân Hồi, nhưng Hoàng Hải vẫn tin. 
 
Tôi biết Hoàng Hải chưa think over những câu thần chú của Phật Giáo, nhưng Hoàng Hải vẫn tin. 
 
Hoàng Hải chưa examine về sự thành phật, về niết bàn, về cõi cực lạc, về Di Đà, về Quán âm, về hàng trăm vị Phật Hồng Danh, về địa ngục, về quỷ dạ xoa, về Địa Tạng, về Thanh Đề và Mục Kiền Liên, về Tiêu Diện bồ tát, về cô hồn các đẳng, về trái tim Quảng Đức, về luật tạng, về vô ngã, về thiền định, giới định Huệ, về bát Chánh Đạo, về Đức Thích Ca...thế mà lâu nay Hoàng Hải đã tin tuốt luốt hết. 
 
Có bao giờ Hoàng Hải cúng thức ăn cho tổ tiên mình sau khi đã examine xem họ ăn hay không ăn? Nếu Hoàng Hải chưa examine gì cả mà đã tin các thứ ấy thì có nghĩa là Hoàng Hải vừa nêu câu kinh của Đức Phật để tự chứng minh rằng mình đang chưởi lại câu kinh ấy! Thực chất Hoàng Hải có làm đúng như lời Phật dạy đâu? 
 
Bạn Hoàng Hải thân-mến: 
 
Không phải một mình Hoàng Hải thực hiện giáo lý Đạo Phật một cách tréo cẳng ngỗng như thế thôi đâu. Hàng mấy trăm triệu người trên thế gian lâu nay đã và đang làm như thế. Vì sao vậy bạn biết không? 
 
Chúa Jesus Christ chỉ cần đưa ra một lẽ thật thật đơn-giản và cũng thật là thực tế: “... nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố ” (Mt 15:14b). 
 
Câu Kinh thánh nầy rất đơn giản, rất dễ hiểu và cũng rất dễ examine từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Chúa nói câu nầy trước công chúng và các nhà thông thái, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái mà không có ai cãi lại cả. 
 
Một câu rất ngắn của Chúa Jesus Christ suốt hai ngàn năm nay, bây giờ cho tôi thấy rằng một người chưa hiểu gì về thiên đàng, về tội lỗi, về nguyên nhân của sự đau khổ nhưng đã đưa ra các giáo lý thần bí, mơ hồ, với hàng trăm giới luật chi li mà chính mình cũng không giữ được thì việc người ấy đưa hàng trăm triệu người khác xuống cái hố âm u sai lạc là điều tự-nhiên mà thôi. 
 
Bạn Hoàng Hải thân mến, 
 
Chúng ta được thừa hưởng nhiều tri thức và kinh nghiệm sống của nhân loại suốt dòng lịch sử xa xưa cho đến nay. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trí tuệ và các phương tiện sống được cung ứng cho con người một cách tối-đa. Ngày nay chúng ta hiểu biết về chúng ta nhiều hơn thời đại Đức Thích Ca ngày xưa hiểu biết về họ, thế nhưng nhân loại vẫn còn đui mù trong tâm linh. 
 
Trí tuệ của loài người tự cổ chí kim vẫn chưa đủ để hiểu hết lẽ huyền vi của sự sống. Nếu áp dụng lời dạy của Đức Thích Ca: “Nếu một người nào đó đến nói với nhà người một điều gì đó. Sau khi nhà ngươi suy nghĩ kỹ càng và thấy rằng điều đó không đúng, nhà ngươi Đừng Tin. Nếu một người nào đó đến nói với nhà ngươi một điều gì đó. Sau khi nhà ngươi suy nghĩ kỹ càng và thấy rằng điều đó đúng, phải, chân lý thì nhà ngươi Nên Tin” thì không bao giờ bạn tin được một điều gì đáng tin. Vì những gì bạn đã hiểu được là quá ít. Nhưng những gì bạn chưa hiểu và nhân loại cũng chưa hiểu thì còn quá nhiều. 
 
Chúa Jesus nói với nhà thông thái Ni-cô-đem rằng “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, chúng ta nói điều mình biết, làm chứng điều mình đã thấy; còn các ngươi chẳng hề nhận lấy lời chứng của chúng ta. Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời thì các ngươi tin sao được?” (Gioan 3: 11-12). 
 
Hoàng Hải không self-control nhịp tim của mình được, không self-control bao tử của mình được, không self-control lòng dục của mình được, không self-control bộ não của mình được, không self-control sự ngu dại của mình được, không self-control chiều cao của thân xác mình được, không self-control mạng sống của mình được...có phải như vậy không ? 
 
Nhưng nếu giả sử Hoàng Hải có self-control được các thứ ấy thì Hoàng Hải cũng không nhờ đó mà tìm thấy thiên đàng vĩnh cửu đâu. 
 
Cả thế gian đang đui mù về tâm linh vì tội lỗi ngăn cách thế gian với Đức Chúa Trời. Bất cứ một người nào do xác thịt sinh ra trong thế gian cũng bị nhiễm sự đui mù như thế. 
 
Vì vậy Đức Chúa Trời ban Chúa Jesus Christ đến thế gian để làm con đường, làm sự sáng dẫn đưa nhân loại về vĩnh cửu. Chúa Jesus nói “Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống; ấy là Con Người vốn ở trên trời....Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Gioan 3: 13,14,15,16). 
 
Đức Tin ở đây không giống như niềm tin hay là lòng tin phù du tương đối của nhân loại mà Đức Thích Ca đã đề cập trong câu nói của Ngài. 
 
Đức Tin ở đây là sự mặc khải sẵn trong lương tâm nhân loại mà ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa đã thao thức để tìm kiếm, nhưng thời đó bên Ấn Độ chưa ai dạy Kinh Thánh cho thái tử. Vì thế thái tử đã đau khổ quằn quại từ bỏ vợ đẹp con thơ, bỏ ngôi báu, bỏ cha già để đi tìm. 
 
Như tôi đã giải đáp trong hai bức thư trước, Đức Tin là chỗ ngự của Đức Chúa Trời vào lương tâm khiêm tốn hạ mình của mỗi một người. Mỗi con người chúng ta được sinh ra trong dòng dõi tội lỗi, nên đã thiếu mất Vinh Quang của Đức Chúa Trời, nhưng trong lương tâm nhân loại, Đức Chúa Trời vẫn để một dấu vết vinh quang của Ngài vào để đợi thời và kỳ của ân điển đến thứ tha và cứu rỗi. 
 
Ngài gởi Con Một của Ngài xuống thế gian mang theo Vinh Quang thiên thượng của Ngài cho chúng ta. Chúng ta chỉ bày tỏ thái độ chân thành, khiêm tốn ăn năn để tiếp nhận ân điển trong sự chết cứu chuộc của Con Ngài mà thôi. Khi tiếp nhận Đức Tin trong Chúa Jesus Christ rồi, bạn bắt đầu được mặc lại địa vị Con Trời, bạn sẽ có kinh nghiệm tái sinh và nên thánh. Bạn sẽ được đổi mới. 
 
Một người chưa tiếp nhận Đức Tin trong Chúa Jesus Christ và một người đã tiếp nhận Đức Tin của Ngài là rất khác nhau về mặt tâm linh. Điều này tương-tự như hàng trăm ngàn người Việt Nam chen chúc trong các trại tỵ nạn để chờ được chấp nhận định cư bởi một nước thứ ba. Ai ai cũng mòn mỏi như nhau dù quá khứ của họ là tướng tá, bộ trưởng, hay dân thường, trí thức hay bình dân... 
 
Trong tình trạng mỏi mòn đau thương đó, nếu ai được nhận vào một nước thứ ba thì tự nhiên tâm trạng và vị trí của họ khác hẳn với những người chưa được tiếp nhận, mặc dầu họ đang cùng ăn cùng ở trong trại tỵ nạn. 
 
Thế nên Đức Tin của tôi hôm nay không phải là niềm tin mơ hồ chủ quan theo kiểu đã examine, đã think over, đã self-control như đức Thích Ca nói, nhưng Đức tin của tôi là “sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (Do Thái 11:1). 
 
Như KinhThánh đã định nghĩa, người Việt Nam nào được nghe tên mình được chấp-thuận cho đi định-cư bởi một nước thứ ba, trong khi anh ta đang ngồi ở trại tỵ nạn, tức là anh ta đã có “sự biết chắc về những điều đương trông mong và bằng chứng vững vàng về điều chưa xem thấy.” 
 
Tôi ví dụ tạm vậy thôi, thật ra Đức Tin của tôi có những bằng chứng sống động của Đức Thánh Linh trong chính tôi ngay bây giờ, vì Ngài đang ở trong tôi. Thân thể tôi là đền thờ của Ngài, là nơi phước hạnh yêu thương, bình an, thánh khiết, nhân từ, vui vẻ, đầy hy vọng và tin chắc. 
 
Tôi tạm ví như tâm trạng một người Việt Nam trong tỵ nạn Bidong vừa thấy tên mình trong danh sách của những người được Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Đức tiếp nhận vậy. Lúc đó là lúc vui mừng đến chảy nước mắt chứ không nghi ngờ đến nỗi phải examine, think over và self-control theo kiểu Đức Thích Ca. 
 
Tự cổ chí kim chỉ có Kinh Thánh, Lời Chúa mới dạy con người Đức Tin nầy. Tất cả các giáo chủ tôn giáo khác hoàn toàn không biết, vì họ là phàm nhân như chúng ta, họ không dẫn chúng ta về với Chúa được mà chính họ cũng cần có Chúa như chúng ta. Vấn đề tốt, xấu, đạo đức, gian ngoa... theo quan niệm thế gian vẫn còn rất tương đối. 
 
Nhưng để được địa vị làm con Đức Chúa Trời thì chỉ có một giải pháp vâng lời Đức Chúa Trời trong Chúa Jesus Christ mà thôi. Chỉ có Đức Chúa Jesus Christ là Đấng từ trên trời xuống thế gian để cứu chúng ta ra khỏi thế gian đầy tăm tối nầy để về với Đức Chúa Trời. Vì biết bạn không đủ khả năng hiểu hết về Ngài, nên Ngài ban cho bạn Đức Tin. 
 
Khi bạn có lương tâm và lòng khao khát về sự giải thoát ra khỏi tội lỗi, ra khỏi thế gian tăm tối nầy thì cứ đem lòng tin để tiếp nhận Ngài vào lòng của bạn. Bạn sẽ trở nên con người phi thường mang địa vị Con Trời với một bản tính mới và nhìn thấy hạnh phúc, nếm trải tiên vị của nước Đức Chúa Trời ngay khi còn sống tạm trên thế gian nầy. 
 
Chúa Jesus Christ phán “Ta là đường đi, chân lý và sự sống; chẳng bởi ta, không ai đến được cùng Cha.” (Gioan 14:6). Nhưng Đức Thích Ca không bao giờ dám tự xưng mình như thế, vì Đức Thích Ca vốn là một chúng sinh được thọ tạo từ bụi tro như chúng ta. 
 
Vì vậy Tâm thần tôi có Đức Tin để thờ kính Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Nhất, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Khi thờ Chúa, tôi hiểu ý nghĩa sự hiếu kính cha mẹ tôi theo lời dạy của Chúa một cách thực tế hơn trước nhiều, và tôi vẫn quý trọng, yêu mến các bậc vĩ nhân như Đức Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Aristote, Socrate, Platon.... 
 
Tôi yêu quý mọi người và yêu quý cuộc sống nầy, trong đó có cả Hải văn Hoàng, vì chúng ta là anh em trong cùng Một Cha ở trên trời. 
 
Thân mến chào Hải Văn Hoàng. 
 
Berlin lập Đông. 
 
Huệ Nhật


Các bạn Phật Tử thân mến, 
 
Cám ơn các bạn đã quan tâm. HN đang sống xa các bạn, và hiện đang ở trong một hoàn cảnh rất bận rộn. Vì cuộc sống tha hương của con dân VN nơi vùng nầy thật là đa đoan, khốn khổ, đáng thương. HN phải làm việc rất nhiều để giúp đỡ họ và cũng để chính bản thân mình cảm thấy được an ủi phần nào khi gần gũi họ. Tuy ít có cơ hội vào mạng website để trao đổi với các bạn, nhưng HN ghi nhận tất cả những lời phê bình của các bạn. Các bạn phê bình nặng hay nhẹ, đúng hay sai, khen hay chê, mỉa mai hay chưởi rủa... thì HN nầy đều ghi nhận hết. 
 
HN đã từng đi tu trong PG, nay trở về trong Chúa Jesus Christ nên rất dễ cảm thông các bạn; nhất là bạn AT. Các bạn hỏi "HN ở đâu mà không lên mạng trực tiếp đối thoại?" Thiệt tình HN nầy không có đủ thời gian và không đủ điều kiện lên mạng như các bạn đâu. Nhưng nếu bàn về Phật Giáo và Ðức Tin trong Chúa một cách đàng hoàng thì HN sẽ chạy đường trường với các bạn từ nay cho đến khi lìa khỏi thế gian nầy. Trong ơn của Chúa, HN không ngại đàm đạo với bất cứ một nhóm hay một cá nhân nào, dù họ tự nhận mình là những người thông thái nhất. Vì chúng ta đang làm người với nhau, dẫu thông thái đến mấy cũng trong giới hạn tương đối mà thôi. Con người không thể ra khỏi giới hạn phàm nhân tương đối được đâu, nhưng Ðấng dựng nên con người luôn luôn sẵn sàng đặt sự khôn ngoan kỳ diệu và sự thương xót lạ lùng của Ngài vào trong con người hữu hạn như chúng ta. Ai ở trong Ðấng khôn ngoan kỳ diệu ấy là người hưởng được sự bình tịnh, an hòa, tự do, thư thái và biết giao thông với người lân cận bằng tình yêu thiêng liêng, giải thoát vượt hẳn tình yêu phàm tục của nhân loại. Chúng ta chưa gặp nhau, nhưng trên mạng website chúng ta là những người lân cận với nhau. 
 
Các bạn Phật Tử thân mến, 
 
HN viết hoa hai chữ Phật Tử để tỏ lòng tôn trọng các bạn. Mong rằng các bạn cũng vì danh nghĩa ấy mà sử dụng ngòi bút của mình thật đúng ý nghĩa văn dĩ tải đạo để chứng tỏ các bạn có một tôn giáo đi tìm cái đẹp chứ không đến nỗi tối tăm ngoa ngạnh như "đạo lừa" của quỷ Satan hiện hình con rắn trong vườn Eden. Tôn giáo thì có nhiều, nhưng không phải tôn giáo nào cũng chân thật hết đâu các bạn ạ. Con người chúng ta sống giữa thế gian nầy luôn luôn cần Ðấng Toàn Năng dắt dẫn, giống như một em bé luôn luôn cần có mẹ bên cạnh. Chỉ tiếc là chúng ta đánh mất tính trẻ thơ, mặc dù trí khôn của chúng ta trong mênh mông vô lượng thì không hơn gì trí khôn của một đứa bé trong vòng tay của mẹ nó. 
 
Ngày xưa thái tử Tất Ðạt được sinh ra bởi máu thịt của nhà vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-gia. Vốn là con nhà vua nên thái tử được hưởng thụ nền tảng giáo dục cao cấp nhất của vương triều Tịnh Phạn. Nhưng dù cao cấp đến mấy, loài người chúng ta vẫn bị hạn chế trong trần thế phàm phu và tương đối. Ðã là con người thì không ai tuyệt đối thánh khiết và vô tội cả. Ðã là con người thì ai ai cũng mong ước được hoàn hảo. Chính thái tử cũng mong cho mình như thế. Ngài thao thức về chân lý. Ngài muốn tìm cho ra lẽ đạo huyền vi mầu nhiệm. Ngài muốn biết nguyên nhân nào đã đưa nhân loại đến tình trạng tranh chấp chém giết lẫn nhau để phải chuốc lấy khổ đau giữa thế gian nầy. Lúc ấy thái tử và các bậc thầy của thái tử chỉ biết cuộc sống thế gian trong phạm vi khu vực Nepal. Những gì Ðức Thích Ca đã giác ngộ vào thời đó mà sách vở ghi lại đã làm cho nhiều người tưởng Ngài thông biết hết mọi lẽ huyền vi. Nhưng thật ra nếu gộp lại tất cả tri thức của nhân loại gồm Lão, Khổng, Phật, triết đông triết tây tự cổ chí kim...cũng chưa đủ để chỉ ra một giải đáp hoàn hảo cho nhân loại. Tôn giáo, triết lý nào cũng không giải quyết được nan đề tội lỗi của nhân loại. Vì nhân loại vốn sinh ra trong vực sâu tội lỗi. Chúng ta cần được cứu ra khỏi tội lỗi, cần được Ơn Tha Tội của Ðức Chúa Trời, nhiên hậu chúng ta mới được mở mắt tâm linh để nhìn thấy chân lý, và làm điều lành đúng nghĩa. Những ai chưa trở về tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ðức Chúa Trời thì vẫn còn mò mẫm trong lạc lầm. 
 
Tri thức nhân loại có được nhờ những ngàn năm dạn dày kinh nghiệm. Ngày nay nhân loại đã thấy rằng sự hiểu biết của các vĩ nhân còn nhiều thiếu sót trong khi nhu cầu nhận thức của nhân loại càng ngày càng rộng, càng xa, càng sâu sắc, càng bức thiết hơn. Thế nhưng vua Salomon đã nói rằng "Vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm sự tri thức ắt thêm sự đau đớn" (Truyền đạo 1: 18)- Vua Salomon sinh trước vua Tịnh Phạn chừng một hai thế kỷ. Hồi đó sự giao thông còn sơ khai nên loài người chỉ khu trú giới hạn trong những vùng văn hóa, kinh tế, lịch sử, và tôn giáo khác nhau. Nhờ đọc Kinh Thánh Cựu Ước, vua Salomon đã tin Ðức Chúa Trời. Trong Ðức Tin nầy, vua Salomon nhận thức rằng "Sự kính sợ Ðức Chúa Trời là khởi đầu sự tri thức. Còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy." (Châm ngôn 1:7) 
 
Dù khả năng của nhân loại có giới hạn, nhưng bản chất tham vọng của nhân loại không có giới hạn. Loài người là loài cao cấp tột bực ưu việt và đặc biệt vượt xa các loài khác trên trái đất. Thế nhưng càng ngày nhân loại càng thấy sự hiểu biết của mình còn ít ỏi, vì thế nhân loại luôn luôn nổ lực rèn luyện, học tập, tu đức từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Nhưng dù nhân loại cố gắng đến mấy, tiến bộ đến mấy, Ðức Chúa Trời vẫn cảnh báo rằng tình trạng đạo đức trên thế gian càng ngày càng sa sút, "tội lỗi càng ngày càng gia tăng và tình yêu trong phần nhiều người thì nguội dần." (Mt 24:12). Ngày nay các bạn học giáo lý Phật Giáo để tự làm thượng đế cho chính mình và tự mình thắp đuốc lên mà đi. Nhưng trước khi Thái Tử Tất Ðạt Ða ra đời, tiên tri Giê-rê-mi đã được Ðức Chúa Trời mở mắt để nhìn thấy sự bất lực của nhân loại trên nhiều mặt, đặc biệt nhất là về mặt đạo đức. Ông Viết: "Chúa ơi, con biết đường loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền đưa dẫn bước chân mình."(Giê-rê-mi 9:28). Thời xa xưa như thế mà Giê-rê-mi cũng đã thấy rằng con người vốn bất lực trước tội lỗi và bị tội lỗi điều khiển để làm điều ác, nên dù muốn làm điều lành, họ cũng không làm được một cách trọn vẹn như ý muốn. Ðến thời đại Tân Ước, Thánh Phao Lô cũng nhận ra điều nầy và ông ghi lại trong sách Rôma đoạn 7:19 "Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn." 
 
Bởi thế, không có một quyển sách nào nói đến phẩm chất thiêng liêng của loài người một cách dứt khoát xác thực như quyển Kinh Thánh. Cũng không có một quyển sách nào nói rõ nguyên nhân tội lỗi xẩy ra trong loài người như quyển Kinh Thánh. Cũng Kinh Thánh, là quyển sách duy nhất nói đến tội ác của loài người và chỉ có loài người mới làm nô lệ cho tội lỗi. Cũng chỉ có một quyển Kinh Thánh nói lên một cách súc tích nhất về nguồn gốc vũ trụ và tổ tiên nhân loại cũng như chỉ ra kế hoạch cứu rỗi của Ðức Chúa Trời nhằm cứu nhân loại ra khỏi mê muội tối tăm tội lỗi. Những điều được ghi ra trong Kinh Thánh có khi rất thực tế dễ hiểu, nhưng cũng có nhiều điều cao quá sức của chúng ta. Tuy nhiên bất cứ ai có lòng tìm hiểu thì Ðức Chúa Trời biết lương tâm của người ấy và Ngài soi sáng, dắt dẫn, ban phước từng bước một để người ấy nhận ra chân lý của sự sống. Quyển Kinh Thánh là một quyển sách nói lên sự sống lạ lùng kỳ diệu. Kinh Thánh không phải là quyển lý thuyết hay tư tưởng của loài người, mặc dầu trong đó những ý tưởng con người và ý tưởng ma quỷ cũng được ghi lại để chúng ta biết phân biệt. 
 
Có nhiều điều chúng ta tưởng mình đã hiểu, nhưng thời gian đem đến cho chúng ta những bài học mới khiến chúng ta nhận biết mình vốn đã sai lầm. Sự hiểu biết của nhân loại suốt nhiều ngàn năm cũng trải qua những sai lầm nhất định như thế. Vậy chúng ta chia xẻ cho nhau những gì mình tin, mình hiểu, mình sống...với tấm lòng càng chân thật chừng nào càng quý báu chừng ấy. Chúng ta cùng nhau học tập từng bước một cho đến khi nhắm mắt lìa đời cũng chưa thấy đầy đủ đâu. Nhưng bao lâu các bạn nghe theo tiếng gọi của Ðức Chúa Trời để mời Con Một của Ngài là Chúa Jesus Christ giáng sinh trong tâm linh của các bạn, thì lúc ấy các bạn thấy được sự trọn vẹn thiêng liêng; sự thỏa lòng viên mãn, niềm hạnh phúc sâu xa, cảm nghiệm về tình yêu và lòng nhân từ được tái dựng một cách mới mẻ trong đời sống các bạn ngày và đêm, khi ăn và khi ngủ hay khi làm việc ở bất cứ nơi nào. Khi trở về trong Chúa, tôi đã chứng nghiệm được cái Ðại Ðịnh mà ngày xưa trong Phật Giáo người ta mô tả quá nhiều nhưng không ai đạt đến một cách đích thực cả. Chính các bạn đang thiếu thốn hạnh phúc thiêng liêng. Các bạn bị quấy rối bởi những định kiến tôn giáo, định kiến hơn và thua, đúng và sai, lành và dữ, thật và giả, ta với người... Ngay cả một vài anh chị em đã tin Chúa, nhưng chưa từng trải đời sống tâm linh sâu nhiệm, nên cũng bị lôi kéo vào những lý lẽ phù du trần thế khiến cho cuộc đàm đạo online của chúng ta bị nhiễu một cách đáng tiếc. HN nầy mong ước được chia xẻ với các bạn về niềm hạnh phúc sâu xa mà HN có được từ khi trở về với Chúa. Ngoài ra HN không có gì đáng nói cả các bạn ạ. Nếu các bạn hiểu được con người tầm thường của HN thì chắc là các bạn sẽ cười bể bụng, vì trong bản chất nhân loại, HN nầy cũng giống các bạn lắm. Nhưng ai là người nhận biết và tin rằng Ðức Chúa Trời đã cứu HN ra khỏi ngu muội tối tăm gian ác như thế nào thì người ấy không khỏi ngạc nhiên. Tuyệt vời lắm các bạn ạ. Ðiều nầy không khó xẩy đến cho các bạn đâu. Chỉ khó vì lòng các bạn chưa dám mở ra, chưa dám khao khát kiếm tìm. Chúa nói ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở. Ai biết mình đang đói thức ăn thiêng liêng thì sẽ được no lòng, ai biết mình nghèo nàn thì sẽ được giầu có, ai biết mình khốn khó sẽ được thỏa lòng, ai biết khóc lóc sẽ được an ủi...nghe đơn giản thế mà lại là chân lý sống đó các bạn ạ. 
 
Thời gian của chúng ta được sống trên đất nầy quả là ngắn ngủi. Nhưng thà có một ngày phước hạnh trong Nhà Cha mình hơn là có cả vạn ngày điêu đứng, lưu linh, kiêu sa, ngạo nghễ, sa lầy trong thế gian mờ tối nầy. 
 
Dĩ nhiên các bạn cũng công nhận với HN rằng loài người chúng ta luôn luôn bất toàn, càng bất toàn càng nung nấu tham vọng, càng tham vọng càng dễ bất mãn. Chúng ta không có gì cả. Trước khi chúng ta có mặt trên đời, thế gian đã được dựng nên một cách đầy đủ. Chúng ta được sinh ra theo quy luật thiên tạo diệu kỳ. Chúng ta không tự làm cho mình có một thân thể, không tự làm cho mình có một trí óc, không tự làm cho mình có một tâm hồn, không tự làm cho mình có tình cảm, và ý chí. Khi lớn lên hết tuổi hồn nhiên, những ước muốn phàm tục của chúng ta điều khiển chúng ta nhiều hơn là chúng ta quản trị chúng. Chúng ta không tự làm cho mình có cha mẹ và cũng không tự chọn cha mẹ cho chính mình. Chúng ta theo đủ thứ lý thuyết mơ hồ để phỏng đoán nguồn gốc ban sơ, nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy một lý thuyết nào chắc chắn đúng phóc. Càng nghiên cứu ý nghĩa của cuộc đời, chúng ta như những kẻ mò mẫm đi tìm một vài vết tích của những giấc chiêm bao của mình đã bị quên. Chúng ta dựa vào các tôn giáo, các triết thuyết, các giả thuyết, các giả tưởng, giả định để bám vào mà lập luận mỗi ngày. Thế mà chúng ta không nhận ra sự ngu dại của mình. Sách có câu "Ðá thì nặng, cát cũng nặng; nhưng cơn cuồng nộ của kẻ ngu còn nặng hơn cả hai thứ đó." (Châm ngôn: 27:2). Hay là "kẻ ngu muội lặp lại sụ ngu si của nó như con chó ăn lại vật nó đã mửa ra"(Châm ngôn 26:11). Nhân loại đã mắc phải điều nầy quá nhiều, dù chúng ta có khôn ngoan đến mấy thì chúng ta cũng đang thừa hưởng vô số sai lầm của người đi trước. Dĩ nhiên là chúng ta cũng thừa hưởng nhiều tri thức quý báu của nhân loại nữa chứ! Nhiều người trong chúng ta ưa khoe khoang tính tốt của mình, nhưng ai làm được một người trung thành giữa trời đất muôn vật nầy với lòng biết ơn Ðấng tạo dựng nên vạn sự? Ai là người nhận ra điều lầm lỗi, điều ngu dại, tính điêu ngoa lừa dối của chính mình một cách chân thành sâu kín? Chúng ta đâu có biết rằng trong lòng chúng ta có nhiều mưu kế để rồi bị trói gô trong bại hoại; bởi thế ai biết đặt ý muốn của mình trong ý muốn của Ðức Chúa Trời thì người ấy được giải phóng ra khỏi sự tối tăm tâm linh để có một đời sống phước lành, an bình, thỏa nguyện. 
 
Các bạn thân mến, chúng ta chỉ có một Cha thiêng liêng là Ðấng tạo dựng nên trời đất muôn vật. Ai khước từ Ngài thì linh hồn người ấy giống như đứa con hoang lang thang trong sa mạc. Mỗi bước đi của hắn rút ngắn khoảng cách giữa hắn và nơi tử địa cuối cùng của hắn mà thôi. Nhưng người nào sống với Kinh Thánh thì giống như một người lữ hành có la bàn, có kế hoạch để biết trước mình sẽ đến đâu và niềm vui sướng của mình nơi đó sẽ làm mình ngạc nhiên hơn nữa. 
 
HN chào các bạn và mong sẽ được tiếp tục đàm đạo với các bạn một cách ôn hòa thân ái. 
 
Nguyễn Huệ Nhật 
 
Ngày lập đông Berlin 2003.

1. Hải Văn Hoàng hỏi:

 
Làm sao chúng tôi (những người VN theo đạo thờ Tổ Tiên) lại có thể thông cảm với những người theo đạo Chúa của các ông được? Làm sao chúng tôi thông cảm với các ông khi đạo Chúa vào VN với gươm dao, súng đạn, với đổ máu...? Làm sao chúng tôi thông cảm được với ông khi mà đạo Chúa đi vào VN bắt chúng tôi phải bỏ đạo Thờ Tổ Tiên? Làm sao chúng tôi thông cảm với các ông khi ông nói chuyện với chúng tôi với một tư cách của một-kẻ-văn-minh-tiến-bộ-đang-nói-chuyện-với-kẻ-ngu-si-đần-độn coi đạo của mình là văn minh, là tiến bộ hơn đạo của kẻ khác? Làm sao chúng tôi có thể thông cảm được với các ông khi các ông PHẢI NHỜ VẢ ĐẾN MỘT QUYỀN NĂNG KHÁC CỨU RỖI MÌNH, trong khi tự mình có thể làm được?


HN trả lời: 
 
Bom đạn, chiến tranh thì từ xưa đến nay đã xẩy ra. Kinh Thánh ghi lại: con trai của A-dam, là Ca-in, vì ganh tỵ mà giết A-bên, em ruột của mình. Vậy chiến tranh là do tội lỗi di truyền từ tổ tiên của nhân loại kể từ khi họ bỏ Chúa để nghe lời Satan. 300 năm trước khi biết đến Ðạo Chúa, đế quốc La-mã đã xâm lăng Do Thái và toàn bộ vùng đất Palestin. Lịch sử Tam Quốc Chí của Trung Hoa từ trước kỷ nguyên cũng đã đánh nhau kinh khủng lắm. Tào Tháo, Tần Thủy Hoàng, Lê Long Ðĩnh, Minh Trị Thiên Hoàng, Hồ Chí Minh, Pôn pốt... theo đạo nào mà giết người kinh khủng thế? Các cuộc nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam cũng đã tiêu diệt toàn bộ dân tộc Chàm và nhiều dân tộc thiểu số khác. Cuộc xâm lăng của Việt Nam chiếm lấy Thủy Chân Lạp của Campuchia. Cuộc chiến Ðại Á của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Văn Hóa của Trung Cộng. Cuộc xăm lăng miền Nam Việt Nam của Bắc Việt. Cuộc chiến biên giới Hoa Việt. Cuộc xâm lăng Campuchia của Việt nam 1979-1990. Cuộc tàn sát của Khme Ðỏ đối với chính dân tộc của họ (mặc dầu họ có mấy ngàn năm lịch sử Phật Giáo). 
 
Vì biết mình là người gian ác, nên chúng ta cần có Chúa để được Ngài tha tội và chăn dắt, nhờ đó chúng ta bớt phạm tội. Mỗi đời sống cá nhân chúng ta đều cần Chúa, vì chúng ta bất toàn. Giống như đứa nhỏ cần có cha mẹ vậy. Con không cha như nhà không nóc. Người không có Chúa như hột luá không có đất gieo. Ông Hải Văn Hoàng cảm thấy không cần đến quyền năng của Chúa, vì ông tự cho mình là một người trọn vẹn. Ông ăn cơm trời, uống nước trời, thở không khí trời cho, vậy ông đâu có cần trời làm gì. Phải không? Ông chỉ biết "đạo chúa" gây chiến tranh còn đạo của ông và đạo Phật không gây chiến tranh? Ông thông minh và lý luận như thế thì tôi "phục ông" quá. Xin thua. Hết cãi nổi vì ông giác ngộ thành phật rồi, cho nên ông không cần nhìn đúng vào sự thật của lịch sử nữa!!! Không ai dám cãi với người như thế. Tôi chỉ thương ông mà chịu khó viết cho ông đây!!!

2. Hải Văn Hoàng hỏi rằng:

 
Einstein lấy điểm gì mà khen Phật giáo? Nếu nhà bác học này không đọc nhiều về Phật giáo thì tại sao dám nói rằng "chỉ cóo đạo Phật mới đáp ứng được những đòi hỏi của khoa học."


Huệ Nhật trả lời: 
 
Ông Hải Văn Hoàng nên nhớ rằng Eistein là một nhà khoa học. Nói về khoa học thì tôi hoàn toàn thua Einstein, nhưng nói về Phật Học và Thánh Kinh thì ngày nay tôi hiểu nhiều hơn Einstein thuở trước. Einstein chưa từng bỏ ra 15 năm để học Phật như tôi, cũng chưa bỏ ra 23 năm để học Kinh Thánh như tôi. Vì thế một câu khen Phật Giáo của Eistein chưa có giá trị bằng kinh nghiệm Phật Giáo của tôi đâu. Nhưng nói về toán học, về tốc độ ánh sáng thì tất cả chúng ta đều thua Einstein. Nói về nuôi dạy con thì Einstrein thua rất nhiều bà mẹ trên thế giới. Nói về y khoa thì Einsterin thua nhiều bác sỹ. Nói về đá banh Einstein còn thua nhiều thanh niên trai trẻ ngày nay. Nói về nấu ăn thì Einstein thua Hồ Chí Minh xa, vì Hồ Chí Minh đã từng là bồi bếp cho Tây. Nói về bơi lội thì Einstein thua nhiều dân biển Việt Nam. Vậy ông không nên mượn Einstein để binh vực Phật Giáo. Nếu ông thấy Phật Giáo hay thì ông cứ nói lên, khỏi cần mượn ai cả. Phật Giáo của ông "quá hay", đạo thờ ông bà của ông cũng "quá hay" nên ông chỉ biết lẩn quẩn trong đầu ông mà thôi!!! Einstein là nhà khoa học thực nghiệm chứ không phải là nhà tôn giáo học. Tôi không bao giờ nhờ một nhà nhiếp ảnh làm thế công việc của một kiến trúc sư. Tôi có cảm tưởng rằng ông Hải Văn Hoàng là một người thất nghiệp, quá rảnh rang không biết làm gì nên suốt ngày đụng tới đâu là than phiền tới đó. Người như thế rất cần đến với Chúa để ăn năn tội và tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài hầu nhận lấy phước hạnh tràn trề cho cuộc sống ngắn ngủi phù du nầy và còn cho cuộc đời vĩnh cửu mai sau nữa ông ạ.

3.Ý kiến Hải Văn Hoàng:

 
Bởi vì họ thấy đạo Chúa KHÔNG CÓ CÁI GÌ ĐỂ CHO HỌ HỌC HỎI HẾT. Những điều trong Thánh Kinh của các bạn thì ĐỨC PHẬT ĐÃ NÓI HẾT RỒI!


Huệ Nhật trả lời: 
 
Ông Hài Văn Hoàng đã học hết Phật Giáo chưa? Ông học hết Kinh Thánh chưa mà dám viết câu trên? Một người thật sự hiểu biết không bao giờ viết một câu dại dột như thế. Kinh Thánh và Kinh Phật khác nhau rất xa. Tôi thấy rằng giải thích cách nào ông Hoàng cũng không hiểu tới đâu. Tôi tin rằng nếu ông không ăn năn về với Chúa thì ông sẽ cứ hiểu sai lầm cho đến cuối cùng, và đó là tình trạng đau đớn cho ông thật là đáng tiếc. Thật đáng thương!!!

4. Ý kiến ông Hài văn Hoàng:

 
Chữ viết không phải là văn minh. Họ đi vào Việt Nam với một ý đồ là biến dân tộc chúng tôi thành những con người máy chỉ biết nghe lời họ và làm lợi cho họ mà thôi.


Huệ Nhật trả lời: 
 
Ý tưởng trên đây của ông thật là cực đoan, quá khích, đầy ác cảm đối với người Tây Phương. Theo ông Hoàng thì dân tộc Việt Nam là dân "Văn Minh, Ðạo Ðức, Thông Thái" dù không có chữ viết, không có kiến trúc đặc thù và ngày nay sống nương nhờ vào nhiều dân tộc khác trên thế giới? Dân tộc Việt Nam quá Nhân Ðạo, quá Khôn Ngoan nên đã giết nhau khiến hàng triệu người bỏ xứ ra đi sống tha hương chăng??? Dân tộc Việt Nam quá Văn Minh nên nhập cảng Phật Giáo từ Ấn Ðộ, nhập cảng bói toán xem quẻ từ Trung Hoa, nhập cảng chữ viết của Tầu và của Tây chăng? Theo tôi, tổ tiên Việt Nam có lòng kính sợ Ông Trời mặc dầu họ chưa biết Kinh Thánh.

5. Hải văn Hoàng:

Có một đoạn ông CHỬI BỚI dân tộc và đất nước Việt. Sau đó ông lại bảo rằng "tôi yêu VN". Ông thấy không, ông tự MÂU THUẬN chính ông rồi đấy. Ông yêu dân Việt ở cái chỗ nào, ông nói tôi nghe thử xem? Ông ăn gạo Việt, ông uống nước Việt, ông lớn lên từ nước Việt...thế mà ông lại có những danh từ hỗn láo đối với dân Việt. Thôi, cũng được, đất nước nào, dân tộc nào cũng có những thành phần như ông. Dân Việt cũng không lấy làm tiếc đã mất một người con dân Việt như ông. Nếu ông muốn ở cái nước trời vĩnh viễn, xin ông cứ tự tiện lên nước trời mà ở. Tiếc cho cái công lao dưỡng dục của đấng sinh thành ra ông!!!


Huệ Nhật trả lời: 
 
Thưa ông Hải Văn Hoàng, tình yêu và sự nhận thức rất khác nhau nhưhg có thể hỗ trợ cho nhau. Tôi là một người Việt Nam, vì thế tôi yêu Việt Nam, ấy là điều tự nhiên. Ðức Chúa Trời dựng nên thế gian và nhân loại. Ngài dựng nên nhiều loài vật, và riêng loài người thì được sinh sôi nẩy nở thành nhiều giống người khác nhau. Tôi cám ơn Ðức Chúa Trời vì Ngài đã dựng nên tôi trong dòng dõi Việt Nam. Là người Việt Nam thì tôi hiểu và yêu người Việt nam như tôi. Ðơn giản thế thôi. Tôi yêu dân tộc VN, nhưng tôi cũng chê cái dở và khen cái hay của VN tôi. Ông Hoàng khen nhiều cái hay quá thì tôi cũng chêm vào vài cái dở để chê hầu giúp ông nhìn đủ hai mặt trái phải của dân tộc Việt Nam. Thế thôi! Ðồng thời tôi cũng tôn trọng các giống dân khác, vì tôi biết họ cũng được Ðức Chúa Trời dựng nên như dân tộc Việt Nam của tôi. Nhận thức được điều đó từ trong Kinh Thánh, nên tôi yêu dân tộc Việt Nam hơn ngày xưa tôi còn ở trong Phật Giáo. Tôi muốn dân tộc Việt Nam văn minh tiến bộ, nhưng cũng nên khiêm tốn, hiền hòa chứ không phải hung dữ, chủ quan, kém cỏi như lịch sử đã ghi lại. Tôi yêu Việt Nam cho nên tôi nhìn nhận sự thật của dân tộc Việt Nam. Ai nói mình yêu Việt Nam mà chuyên môn che dấu cái xấu của mình để chê bai cái hay của người khác thì kẻ đó là đạo đức giả và tự lừa dối mình. Chân lý không ở trong người đó đâu!!!

6. Hải Văn Hoàng:

 
Tại sao tôi lại cứ phải nói với ông về người Việt, dân Việt… như thế mãi nhỉ? Dù sao ông cũng mang một cái tên Joshua, nên, nói về người Việt nghe rằng không được xuôi. Thôi lần sau để tôi viết bằng tiếng Do Thái vậy? Thân chào ông HN và TH. Cầu xin Tổ Tiên sẽ dẫn dắt các ông về đường ngay, nẻo chánh.


Ý kiến của Huệ Nhật: 
 
Theo Kinh Thánh (và chỉ có Kinh Thánh mới nói đến) ấy là dân tộc Do Thái, một dân tộc đặc biệt nhất trên thế gian do Ðức Chúa Trời chọn lựa để làm bài học cho cả nhân loại. Từ trước khi Chúa Cứu Thế xuất hiện, Ðức Chúa Trời đã rao báo cho dân Do Thái biết trước mọi sự. Chúa Cứu Thế xuất hiện trong dân tộc đó và Ngài bị dân tộc đó đại diện Nhân loại để đóng đinh Ngài. Dù dân tộc Do Thái có nhiều đặc tính tốt, và có tư chất thông minh; nhưng nhìn vào quan điểm giá trị nhân loại thì dân tộc Do Thái cũng ngang hàng với tất cả các dân tộc khác. Ðức Chúa Trời yêu người Cà Răng Căng Tai như Ngài yêu người văn minh thông thái. Trước mặt Ðức Chúa Trời thì mọi dân tộc đều là con của Ngài và họ ngang nhau. Dân tộc nào tự cho mình là nhất thì đó là một sai lầm lớn. Giá trị độc đáo của con người là linh hồn và sự sống đời đới chứ không phải là trí óc khôn lanh trong một thân thể to cao. Vì linh hồn con người là hình ảnh của Ðức Chúa Trời. Ðây là một điểm cốt yếu trong Kinh Thánh mà Phật Giáo chưa hiểu thấu. Ðiều nầy cũng là bình thường, vì nhiều tôn giáo khác cũng chưa hiểu thấu nữa chứ không riêng gì Phật Giáo. Bao giờ nhân loại trở về trong Lời Chúa thì nhân loại tự nhiên thành anh em con một cha, mặc dù lúc đó họ vẫn còn kèn cựa tranh chấp nhau. Loài người là thế đó. Nhân vô thập toàn mà. Chính vì vậy nên loài người cần có Ðấng toàn năng toàn trí, toàn tại, Ðấng thương yêu dắt dẫn dạy bảo. Nếu không quay lòng về với Ðức Chúa Trời, loài người luôn luôn chà đạp nhau vì họ bị tội lỗi điều khiển. Muốn nhân loại trở về với Ðức Chúa Trời thì chính ông và tôi phải trở về trước nhất, lúc đó mới kêu gọi người khác được. Kinh Thánh xác nhận rằng "Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Ðức Chúa Trời, chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc." (Thi Thiên 14:1). 
 
Chúc ông mạnh khỏe, tỉnh táo để nhận biết Ðức Chúa Trời là Cha của nhân loại. Ngài dựng nên thế gian và tất cả mọi loài. Ðặc biệt là Ngài ban cho loài người tự do để tự chịu trách nhiệm về điều mình làm. 
 
Kính chào ông, 
 
Huệ Nhật. 
 
Thân gởi hai ông NdinhLang và Hải Văn Hoàng, 
 
Có lẽ đây là bức thư cuối cùng tôi gởi đến hai ông. Tôi cám ơn hai ông đã chịu khó gởi cho tôi nhiều câu hỏi về Ðức Tin trong Chúa, mặc dù chúng ta chưa hề quen biết nhau. Tôi bỏ qua tất cả những câu văn cảm tính hàm chứa sự kích bác của căn bịnh thành kiến trầm kha, và rất sung sướng mỗi khi được nói cho bất cứ ai (kể cả cho bản thân tôi) về Ðức Chúa Trời và Tình Yêu của Ngài đang ngự trong tôi. Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nói lên điều quý báu phước hạnh vô lượng nầy trong bất cứ trường hợp nào. Y như Kinh Thánh đã dạy: mọi thứ trên thế gian đều tạm bợ, kể cả những tư tưởng, những giáo lý, các chủ nghĩa, các hệ thống tư duy của nhân loại. Bất cứ điều gì con người nghĩ ra được cũng có giới hạn nhất định và rất tương đối. Nhưng bất cứ điều gì đã được chép trong Kinh Thánh, nếu càng chuyên lòng chiêm nghiệm, sống theo và tin cậy thì kết quả chân thật được bày tỏ một cách kỳ diệu trên đời sống thực tế cũng như trong đời sống tâm linh của người tin. Hiện nay còn nhiều người chưa tin Chúa và không chịu mở lòng tìm hiểu Kinh Thánh, thậm chí còn nhiều người chống đối Kinh Thánh, nhưng Kinh Thánh vẫn là Lời hằng sống của Ðức Chúa Trời ban cho nhân loại. Bất cứ ai còn ôm ấp, dấu kín tội lỗi của mình thì còn bị mù lòng không thể nhận biết ý nghĩa và sự sống trong Kinh Thánh. Ðó là điều đáng tiếc cho họ, chứ không phải đáng tiếc cho Kinh Thánh. Kinh Thánh là bản di chúc của Cha thiên thượng dành cho những đứa con có lòng tin kính, lòng khiêm tốn, lòng khát khao tìm kiếm chân lý và sự sống thiêng liêng của Cha mình. Kinh Thánh là Lời hằng sống mà Ðức Chúa Trời mặc khải cho kẻ lữ hành đi về thiên quốc. Kinh Thánh giống như một bức thư tình vô lượng, nhưng ai tự xem mình là người ngoại cuộc thì không làm sao cảm nhận được tình yêu sâu xa sống động trong đó. Dù còn nhiều người cứng lòng chưa tin nhận, Kinh Thánh vẫn là Lời của sự sống, là chân lý, là kim chỉ nam dẫn đưa con người về nước trời vĩnh cửu. Kinh Thánh được ví như sông nước hàng sống dành cho người khát. Chúa Jesus Christ phán "Phàm ai uống nước nầy thì sẽ còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, chẳy văng ra cho đến sự sống đời đời." (Gioan 4: 13-14). Không chỉ những người vô tín mới bị mù lòng đối với Kinh Thánh, những người nặng đầu óc tôn giáo, nặng nghi thức lễ lạc, nặng triết lý hư không, nặng phẩm trật và giai cấp tín ngưỡng đầy mặc cảm văn hóa cực đoan cũng bị mù lòng không hiểu Kinh Thánh, vì họ ngăn trở sự soi sáng của Ðức Thánh Linh. Bởi thế những tâm địa phàm phu dù có thông thái đến mấy cũng không thể thấu đạt sứ điệp Thánh Kinh bao giờ, trừ khi họ biết khiêm tốn hạ mình thì sẽ hiểu. 
 
Nhưng nhờ đâu tôi nhận thức được điều nầy? Ðó là nhờ 15 năm tu hành trong Chùa để chuyên tâm học tập, thực hành về các giáo lý của đạo Phật, đạo Nho và những niềm tin truyền thống cúng bái của người Việt Nam như thờ ông bà, bói quẻ dịch, và các quan niệm đạo đức Á Ðông. Dĩ nhiên tôi đã từng hết lòng tin tưởng và đã từng hết lòng tìm tòi những điều đáng trân trọng trong các giáo lý và niềm tin ấy thì ngày nay tôi mới có thể xác quyết được sự khác nhau giữa Lời hằng sống và đạo lý thế gian như thế nào. Tiếp theo đó, tôi cũng đã trải qua hơn 20 năm sống trong đức tin để học và làm theo Lời Chúa, nhờ vậy nên tôi hoàn toàn xác tín về sự sống của Ðức Chúa Trời. Có một điều làm cho tôi cảm thấy xót xa đối với bất cứ một chiếc áo tôn giáo hay đạo lý nào ngoài Kinh Thánh, đó là bản chất tội lỗi của con người. Ðiều nầy không bao giờ được nhìn nhận một cách sâu xa trừ khi người ta trở về trong ánh sáng của Lời Chúa. Những thể hiện của tội lỗi là tham vọng, tư dục, ích kỷ, gian dâm, thù ghét, bất nghĩa, đạo đức giả và rao giảng sự giả dối một cách thiêng liêng là điều mà tôi đã học tập, đã chứng kiến, đã kinh nghiệm qua đời sống của một người tu hành...Bởi thế tôi dám nói thẳng thắn rằng không có một người nào chiến thắng được bản chất tội lỗi của mình, cho dù anh ta cố gắng hết sức thì cũng chỉ sửa chữa một số hành vi tội lỗi bên ngoài mà thôi. Ðôi lúc những "tấm lòng tốt" được trải rộng ra giữa thế gian chỉ vì mục đích che đậy tội lỗi bên trong con người mà thôi. Loài tắc kè hóa trang mầu sắc trên da của nó trong rừng rú, nhưng loài người hóa trang mầu sắc của thế giới "tâm linh" qua truyền thống văn hóa, chủ nghĩa chính trị, đạo đức luân lý trong thế gian. Ðức Chúa Trời thấy rõ điều đó nên Ngài ban Lời và ban Thánh Linh trong Lời để tái tạo tâm linh của người có đức tin. 
 
Sau nhiều năm chiêm nghiệm với những kinh nghiệm tu hành qua các giới luật tôn giáo, các tư tưởng đạo lý Ðông Phương và giáo lý Phật Giáo, tôi thao thức tìm kiếm một điều mà tôi cho là quan trọng nhất, ấy là có hay không có sự sống đời đời (?) Trong khi giáo lý đạo Phật phủ nhận sự sống đời đời thì Ðức Chúa Trời đã đoái nghe những thao thức sâu kín của tôi, Ngài đã dọn đường và tiếp nhận tôi vào trong sự chết và sự sống lại của Con Ngài, tức là Cứu Chúa Jesus Christ. Khi nhận được tình yêu và ơn tha thứ của Ðức Chúa Trời qua sự chết cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Jesus Christ, tôi đã được tái sinh thành một tạo vật mới. Tôi khám phá ra sự sống của Ngài lớn lên trong tôi, một sự sống phong phú, yêu thương, sống động, thánh khiết đầy vui mừng, bình an và hạnh phúc để mỗi ngày tôi thoát khỏi bản chất tội lỗi cũ của mình. Ðiều nầy vẫn tiếp tục xẩy ra trong chính tôi và giúp tôi nhìn thấy sự sống tâm linh mới mẻ, và đây là bằng chứng của sự sống đời đời, vì tôi giao thông với Ðức Chúa Trời trong Ðức Thánh Linh. Chỉ có những người đồng một Ðức Tin, cùng một Ðức Thánh Linh, cùng một kinh nghiệm về sự chết của tội lỗi và sự sống của Thánh Linh mới cảm thông nhau. Những người kiêu ngạo và tự ỷ vào khả năng suy luận của mình thường xem kinh nghiệm sự sống và hạnh phúc thiêng liêng của tôi như một sự rồ dại, trong khi họ không biết sự tối tăm đã bủa vây linh hồn họ một cách thảm thương! 
 
Ngày trước dù được nhiều người kính trọng, nhưng tôi hoang mang đau đớn vì thấy công trình tu niệm chỉ là những màn kịch tôn giáo và đạo đức như thế nào; ngày nay tôi vui mừng một cách đơn sơ khi thấy và biết mầm sống đạo của Chúa Cứu Thế cứ tiếp tục lớn lên trong lòng tôi khiến tôi hát ca và hưởng thụ những ngày hạnh phúc, nhân từ trong Ðức Tin của Chúa. Tôi sẽ tắt thở lìa đời khi miệng mình còn ca hát cảm tạ ơn Cha, dẫu rằng đôi lúc không làm sao diễn tả được nỗi vui sướng nầy cho bà con Việt Nam đồng hương như quý vị. 
 
Thưa hai ông, không ai nhìn thấy chân lý của sự sống vĩnh hằng bằng mắt trần và trí óc phàm phu, nhưng mắt trần và trí óc phàm phu của chúng ta vẫn có điều kiện giao tiếp với Ðức Chúa Trời qua Ðức Tin mà Ngài đã mặc khải trong Ngôi Lời vốn đã hiện thành xác thịt, đó là Chúa Cứu Thế Jesus Christ. Quý vị có quyền đến với Ngài, gặp Ngài bằng Ðức Tin; và quý vị cũng có quyền khước từ Ngài bằng một loại niềm tin phủ nhận đang hoạt động do bản chất tội lỗi của mình. Chúng ta có quyền tự do tuyệt đối nên chúng ta cũng có trách nhiệm với quyền tự do của mình. Chúng ta có quyền đóng đinh bản chất tội lỗi của mình với Ngôi Lời trên thập tự giá để con người tội lỗi của chúng ta được Ðức Chúa Trời tha thứ một cách trọn vẹn, sau đó chúng ta được tái sinh thành con người mới và bắt đầu thể hiện đượïc điều lành đúng nghĩa theo thánh ý của Ðức Chúa Trời. Nếu chúng ta khước từ Ngài, thì mọi việc lành chúng ta làm được chỉ là những màn kịch đạo đức mà thế gian đã biểu diễn suốt những ngàn năm. Giống như một đứa con đang khước từ tình yêu và địa vị của Ðấng Sinh Thành ra nó, thì dù nó có bao nhiêu hành vi hiếu nghĩa sau đó cũng chỉ là màn kịch đạo đức giả mà thôi. Ðạo hiếu mà Kinh Thánh dạy là sự tôn quý, hiếu thảo với cha mẹ mình theo ý thích và nhu cầu của cha mẹ khi họ đang còn sống chứ không phải biểu diễn sự cúng bái để khoe khoang lòng hiếu thảo sau khi cha mẹ đã lìa đời. Ðạo thờ Trời trong tôi là nhìn biết Ðức Chúa Trời ngay hôm nay chứ không hẹn đến một kiếp nào sau khi tôi đã chết! Chúng ta đã thấy một trăm năm giữa thế gian chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi so với cõi mênh mông vô tận. Nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn có tự do để tìm kiếm sự sống đời đời. Sự sống đời đời là từ nơi Ðấng tạo dựng hoàn vũ chứ không từ nơi hoàn vũ. Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta nhìn biết Ðấng dựng nên hoàn vũ khi chúng ta quan sát sự vận hành kỳ diệu của hoàn vũ. Một phần hoàn vũ mà mắt và trí loài người có thể thấy và biết được cũng đã quá tinh vi mầu nhiệm, huống chi Ðấng dựng nên hoàn vũ là Ðấng mầu nhiệm đến mức nào, làm sao tâm trí con người có thể hình dung được? Tuy nhiên chúng ta còn có Ðức Tin đặt vào ơn soi sáng của Ngài để chúng ta nhìn biết Ngài là Chân Lý hằng hữu. Quý vị chưa tiếp nhận Ðức Tin của Chúa Cứu Thế nên quý nhầm lẫn Ðức Tin của Ngài với niềm tin chủ quan của quý vị. Ðức Tin của Chúa Cứu Thế là "Sự biết chắc vững vàng của những điều đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy." (Do Thái 11:1). Tâm địa phàm phu một chiều không làm sao thấu triệt được Ðúc Tin nầy đâu! 
 
Ðể kết thúc lá thư nầy, tôi xin nhấn mạnh rằng việc thiện đầu tiên mà chúng ta đáng phải làm là nhìn biết Ðấng dựng nên mình để biết ơn Ngài, từ đó chúng ta mặc lấy hình ảnh của Ngài để làm điều lành ở giữa thế gian. Cũng thế, thái độ hiếu kính đích thực của đứa con đối với cha mẹ là thái độ nhìn nhận họ là Ðấng sinh thành và dưỡng dục ra mình trước đã, sau đó sự chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ mới bắt đầu có ý nghĩa. 
 
Ðạo thờ Trời của tôi theo lời dạy trong Kinh Thánh là nguồn của tất cả đạo lý mà loài người cần học theo. Nếu có ai từ chối thì ấy là điều vô phúc cho họ, còn chân lý hằng sống vẫn là "Chân lý hằng sống hôm qua, ngày nay và cho đến đời không bao giờ thay đổi" như Kinh Thánh đã xác nhận. 
 
Rất mong quý vị can đảm vượt ra khỏi mọi lý lẽ thế gian để hồi tâm trở về với Lời Chúa. Nhận biết Ðức Chúa Trời là khởi đầu mọi ân phúc cao siêu và thực tế cho bất cứ ai còn sống trên đời nầy. 
 
Thân kính chào hai ông, 
 
Nguyễn Huệ Nhật

CÂU VII

 
Những thắc mắc của ông Hải Văn Hoàng và các bạn Phật tử: 
 
Ðức Chúa Trời chỉ nắn ra ông Adam và bà Eva (nên nhớ hai người nầy là gốc Do Thái) thì làm sao mà có thể biến ra được người da vàng, da đỏ, da trắng, da đen? Tôi Không Tin có một Ðức Chúa Trời quyền uy tột đỉnh như vậy được? Ðiểm này đã trái ngược hoàn toàn với tư tưởng Phật Giáo. Triết lý Phật Giáo không trả lời câu hỏi con người từ đâu mà ra. Bởi vì: 
Có thì có tự mảy may 
 
Bằng không thì cả thế gian này cũng không. 
 
Kìa trông ánh nguyệt dòng sông 
 
Có không, không có, có không là gì? 
 
Ông Hải Văn Hoàng còn thắc mắc: 
 
Tôi thấy cần nêu lên vài điểm nhận xét của tôi về lý tưởng Thiên Chúa Giáo của Huệ Nhật. Tôi cũng đọc hai Thánh Kinh: Cựu Ước và Tân Ước, và thấy rằng những lời của Ðức Chúa Trời hay của Chúa Jesus đều lo cho nước và dân tộc Do Thái chứ không nói về toàn diện của con người. Những lời Chúa phán cho người nầy người nọ đều dành cho dân Do Thái. Như vậy, những quyển Thánh Kinh nầy chỉ dành riêng cho dân Do Thái chứ không nói về nhân loại. Ðức Chúa Trời có mặc khải cho người nào đi nữa cũng là mặc khải cho người Do Thái chứ không mặc khải cho ngưòi của dân tộc khác.


Huệ Nhật trả lời: 
 
Ông Hải Văn Hoàng và ông NdinhLang thân mến, 
 
Triết lý PG không trả lời câu hỏi Con người từ đâu mà ra , vì PG không biết điều đó, chứ không phải vì như ông nói đâu. Bốn câu thơ trong thư của ông nghe rất hay! 
 
Có thì có tự mảy may 
 
Bằng không thì cả thế gian này cũng không. 
 
Kìa trông ánh nguyệt dòng sông 
 
Có không, không có, có không là gì? 
 
Nhưng 4 câu thơ nầy gợi lên tính kiêu ngạo, ngông cuồng của tác giả, và không thừa nhận sự bất lực của mình. Dù đã biết lập ngôn một cách triết lý như thế, nhưng tác giả không nói lên được cái đã có tự mảy may là cái gì! Và cái gì là cái Bằng không thì cả thế gian nầy cũng không! Nếu chịu khó động não, chúng ta sẽ thấy cái chênh vênh giữa nội dung câu thơ với kiến thức thật của con người. Nếu đọc 4 câu thơ nầy cho vui tai thì không sao, nhưng nếu dùng nó để nêu lên một ý nghĩa sâu xa về chân lý tuyệt đối thì quả là hời hợt và sáo rỗng. Tư tưởng con người chỉ đủ để làm văn hóa nghệ thuật trong phạm vi con người chứ không đủ để diễn tả chân lý tuyệt đối vô biên vô lượng đâu. Khi đôi mắt nhỏ bé của con người nhìn ánh nguyệt và dòng sông để định nghĩa chân lý hằng hữu thì chẳng khác chi con cóc ngồi dưới đáy giếng để diễn tả bầu trời. Ngày nay khoa học không gian càng tiến bộ, loài người càng nhận ra rằng sự hiểu biết của mình về không gian còn quá ít. Bởi thế, nhiều nhà khoa học không gian vẫn dâng lời cầu nguyện để tỏ sự biết ơn và lòng kính sợ Ðấng dựng nên trời đất mênh mông là Ðức Chúa Trời toàn năng. Ai trở về trong Chúa mới thật sự nhận ra cái hão huyền khờ dại của mình ở giữa thế nhân. Sự khờ dại đó đã lưu truyền qua mấy ngàn năm trong văn chương triết lý con người. Thưa các bạn, sau khi được Kinh Thánh mở mắt tâm linh, tôi nhận ra Chân Lý và sự sống trong Lời Chúa, từ đó tôi hiểu văn chương và triết lý của loài người vẫn là phù du hư ảo. Vì thế, tôi rất muốn nói với các bạn về chân lý của sự sống từ Ðức Chúa Trời được mặc khải trong Kinh Thánh. Nếu không tiếp nhận sự mặc khải của Ðấng toàn năng, trí óc loài người chỉ lẩm cẩm trong hư tưởng tăm tối mà thôi. 
 
Kinh Thánh Sáng Thế ký đoạn 1 và 2 ghi lại diễn tiến công việc của Ðức Chúa Trời khi Ngài tạo dựng thế gian và con người. Ðây là 2 đoạn Thánh Kinh rất ngắn diễn tả công việc của Ðức Chúa Trời tạo dựng cả thế gian và mọi loài. Suốt nhiều ngàn năm qua, khả năng hiểu biết của nhân loại vẫn chưa phân tích nổi, dù có người tin và cũng có người không tin, nhưng trí óc nhân loại không đủ khả năng phân tích hết công việc tạo dựng của Ðức Chúa Trời đã được ghi lại trong hai đoạn Thánh Kinh nói trên. Ðức Chúa Trời phán một lời Phải có sự sáng thì có sự sáng. (Sáng-thế-ký 1:2). Ngài cho nhân loại biết rằng Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.(Esai 55: 8-9). Sau khi loài người phạm tội, Ngài kêu gọi tội nhân rằng: "Hỡi kẻ phạm tội, hãy nghĩ lại! Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Ðức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Ðức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên" (Esai 46:8-10). Là Ðấng đến từ Ðức Chúa Trời, Ðấng biết rõ khả năng hạn hẹp của con người, Chúa Jesus Christ đã nói với nhà thông thái Ni-cô-đem rằng. Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói với các ngươi những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được? (Gioan 3:12). Ngài lại xác nhận rằng Ta là đường đi, chân lý và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng Cha. (Gioan 14:6). 
 
Trở lại hai đoạn Kinh Thánh đầu tiên trong sách sáng Thế Ký, sau khi tạo dựng thế gian từ không đến có, Ðức Chúa Trời dựng nên con người đầu tiên và đặt tên là Adam. Ðức Chúa Trời lấy bụi đất nắn ra thân thể ông Adam. Ngài hà hơi sống thiêng liêng vào thân thể Adam để Adam được mặc lấy ảnh tượng của Ngài. Lúc đó chưa có dân tộc Do Thái, chưa có một dân tộc nào khác cả. Kinh Thánh xác nhận rằng loài người là loài duy nhất được mặc lấy ảnh tượng của Ðức Chúa Trời. Nhờ mang ảnh tượng của Ðức Chúa Trời nên loài người có phẩm chất thiêng liêng của Ðức Chúa Trời. Sáng Thế Ký đoạn 1 từ câu 26 đến câu 31 cho chúng ta thấy Ðức Chúa Trời đã phán dặn con người đầu tiên rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên đất. (Sáng Thế ký 1: 28). Lời nầy đã được ứng nghiệm từ thuở tạo thiên lập địa cho đến ngày nay. Dù tin hay không tin Kinh Thánh, không ai có thể phủ nhận chân lý nầy. Nghĩa là suốt nhiều ngàn năm lịch sử thế gian, nhân loại là loài sinh vật sống duy nhất được Ðức Chúa Trời ban cho trí khôn và có quyền quản trị mọi loài, loài người sinh sản ngày càng đông. Ðây là điểm quan trọng mà chưa có một tôn giáo nào khác nói đến một cách dứt khoát như Kinh Thánh đã nói. Dù Kinh Thánh là quyển sách lâu đời nhất, nhưng ngày nay chúng ta vẫn thấy những gì đã ghi trong Kinh Thánh là sự thật sống động không thể chối cãi được. Dĩ nhiên cũng có người trích dẫn Kinh Thánh để xuyên tạc giống như những đứa nghịch tử chối bỏ cha mình. Dù ngông cuồng tự phụ đến mấy, con người vẫn không đủ khả năng hiểu hết sự mầu nhiệm mênh mông. Người ta nói: 
 
Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo 
 
Thúng không vành nó méo tư phương 
 
Nếu mà cái lưỡi có xương, 
 
Thế gian mới hết lắm đường thị phi. 
 
Ai chưa nhìn biết Chân Lý và sự sống đời đời trong Ðức Chúa Trời mới tin những ý tưởng thị phi. Thật ra, trong tiềm thức nhân loại ở phương đông như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Ðộ... Dù thời xưa Kinh Thánh chưa được truyền đến, nhưng con người ở đó cũng đã có những biểu hiện niềm tin về Ðức Chúa Trời qua các lưu truyền văn hoá. Ví dụ niềm tin Trời sinh trời dưỡng. Tạo hóa công minh. Trời kêu ai nấy dạ (việt Nam). Hay là Thiên sinh vạn vật duy nhân tối linh (Nho giáo Trung Quốc). Các bạn xem chữ Nghĩa trong chữ Nho thì cũng có thể nhận ra một sự mặc khải về Ơn Cứu Rỗi của Ðức Chúa Trời qua Con Một của Ngài. Ðó là sự kết hợp của chữ Chiên (con chiên) đứng trên chữ Ngã (tôi) để viết thành chữ Nghĩa. Ðiều nầy cho chúng ta thấy rằng hàng ngàn năm trong văn hóa Trung Quốc, tiềm thức của tổ tiên người Trung Hoa đã có sự soi sáng rằng Chúa Jesus Christ là Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi của thế gian đi. (Gioan 1: 29b). Kinh Thánh dạy rằng ai tiếp nhận Chúa Jesus Christ cho mình thì người đó được xưng công nghĩa, được nhận lại quyền làm con của Ðức Chúa Trời như Gioan 1:11,12,13 đã nói. Từ khi tin Chúa, tôi đã có kinh nghiệm sự sống thiêng liêng của Ngài, có sự bình an và sự thỏa lòng trong địa vị làm con Ðức Chúa Trời. Nếu các bạn đọc thơ của Tagore, một đại thi hào Ấn Ðộ thời cận đại, cũng sẽ biết Tagore đã dùng thi ca để tôn vinh Ðức Chúa Trời như thế nào. 
 
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng tất cả các dân tộc đều sinh ra từ Adam và Eve. Ông Hải Văn Hoàng cho rằng Adam là người Do Thái chứng tỏ ông chưa đọc Kinh Thánh. Sách Sáng-thế-ký của Thánh Kinh Cựu Ước cho biết ông Adam là người đầu tiên của nhân loại do Ðức Chúa Trời dựng nên. Mọi dân tộc đều từ trong một Adam mà ra và đều được mang ảnh tượng của Ðức Chúa Trời trong Adam cũng như bị chi phối bởi tội lỗi từ trong Adam. Hãy chịu khó đọc sách Sáng Thế ký của Cựu Ước và đối chiếu với các sách Rô-ma, sách Ga-la-ty của Tân Ước mà tôi ghi chú sau đây, các bạn sẽ nắm rõ ý nghĩa căn bản nầy. 
 
Sách Sáng Thế Ký từ đoạn 3 trở đi, chúng ta thấy sau khi Adam và Eve đã phạm tội với Ðức Chúa Trời, tội lỗi bắt đầu cai trị các dòng dõi đầu tiên của nhân loại cho đến ngày nay. Kinh Thánh cũng cho thấy Ðức Chúa Trời đã buồn lòng vì loài người phạm tội. Sự kiện Ngài phạt kẻ có tội là vì Ngài muốn dắt dẫn loài người ra khỏi tội lỗi, nhưng ngài luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Ðức Chúa Trời ghét tội lỗi, nhưng Ngài yêu tội nhân. Ðức Chúa Trời dựng nên chúng ta theo ý muốn của Ngài. Nhưng khi Ngài đã ban cho chúng ta tự do tuyệt đối để chúng ta làm theo ý muốn của mình; thì chúng ta cũng phải nhận lấy trách nhiệm trên hành động của mình. Ðức Chúa Trời không dựng nên chúng ta như những cổ máy vô hồn được vận hành theo điều kiện bắt buộc. Cái máy computer chỉ hoạt động theo điều kiện của phần cứng và phần mềm do con người chế tác, lắp ráp và cài đặt; trong khi con người thì có tư tưởng, có ý thức bản ngã, có tình cảm, có ý chí, có tự do...Cái máy không bao giờ tự ý hỏi tại sao con người sáng chế ra tôi, nhưng con người có ý thức để hỏi Ðức Chúa Trời ơi, tại sao Ngài sáng tạo ra tôi? Và con người có thể nghe sự giải bày của Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Mỗi người nghe Lời Chúa bằng một tấm lòng độc lập trong sự giao thông với Ðức Chúa Trời và với tha nhân. Mặc dầu chúng ta không giải thích được tại sao Ðức Chúa Trời vẫn cho phép Satan cám dỗ bà Eve. Nhưng chúng ta vẫn thấy rằng nếu bà Eve muốn quyết định một thái độ làm theo lời Ðức Chúa Trời để khước từ lời khuyến dụ của Satan thì bà vẫn có cơ hội; chỉ tiếc là bà ấy đã không làm như thế. Ngày nay chúng ta không thể trách móc bà Eve, hay đòi hỏi một sự sửa đổi ý định của Ðức Chúa Trời; trái lại, chúng ta cần xem chính chúng ta là ai? Chúng ta có quyền làm thử theo lời dạy của Ðứùc Chúa Trời để xem kết quả đúng hay sai. Trong chúng ta, có ai dám nói rằng “tôi không hề mang cái tính dễ bị cám dỗ như bà Eve?” Từ thuở tổ tiên của chúng ta đã phạm tội cho đến nay, tội lỗi vẫn cai trị nhân loại; trừ khi cá nhân từng người một trở về nhận lấy ơn tha tội và nhận lấy quyền làm con Ðức Chúa Trời để nhờ ân điển và quyền năng của Ngài mà chiến thắng tội lỗi. Tôi nói cho các bạn một trăm phần trăm là bất cứ ai không trở về trong ơn Cứu Rỗi của Ðức Chúa Trời thì người đó vẫn bị tội lỗi cai trị. Không có một người nào chiến thắng được tội lỗi bằng sức riêng của mình cả, dù là người tốt. Người tốt, là tốt theo quan niệm tương đối của loài người, nhưng tốt cách nào mà vẫn khước từ Cha tiêng liêng của mình là Ðức Chúa Trời, thì người đó vẫn bị quyền lực tội lỗi cai trị. Ví dụ đứa con bỏ cha mẹ đi hoang đàng thì nó bị dân bụi đời hiếp đáp cho đến khi nó trở về trong nhà Cha nó. Giá như trên bước đường bụi đời lưu lạc, đứa con đó có làm điều chi tốt đẹp cho ai đi chăng nữa, thì thực chất nó vẫn là một đứa con bất hiếu đối với cha mẹ nó. Như Ca dao Việt nam có câu: Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Kinh Thánh đã xác nhận: Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời. (Rôma 3:23). Và: Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. (1 Gioan 1,8-9). 
 
Chúng ta không hiểu hết ý chỉ của Ðức Chúa Trời, nhưng chúng ta vẫn có thể đọc Kinh Thánh để thấy kế hoạch Ðức Chúa Trời dắt dẫn chúng ta và giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi như thế nào. Ðiều quan trọng là chính chúng ta có đủ can đảm để thừa nhận mình là kẻ có tội như Kinh Thánh dạy hay không. Và chúng ta có muốn thoát ra khỏi tội lỗi hay không? Từ Cựu Ước đến Tân Ước, Kinh Thánh vẫn xác nhận rằng sau khi làm trái lời dạy của Ðức Chúa Trời, tổ tiên loài người đã phạm tội với Ngài, và từ đó tội lỗi truyền vào nhân loại. Vì tội lỗi mà loài người bị xa cách Ðức Chúa Trời. Nhưng Ðức Chúa Trời vẫn có kế hoạch giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi, miễn là nhân loại bằng lòng tin và làm theo Lời Ngài. Chúa Jesus Christ cũng xác nhận sự thật đau lòng nầy: Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội dần… (Mt 24:12). Nhưng Ðức Chúa Trời vẫn dắt dẫn nhân loại qua từng bước với lòng nhân từ vô lượng của Ngài. Bất cứ ai chăm chỉ tra xem Kinh Thánh và đối chiếu với những sự kiện lịch sử từ cổ chí kim thì phải công nhận rằng tội ác của loài người vẫn tiếp tục xẩy ra không ngớt, nhưng hồng ân thương xót của Ðức Chúa Trời vẫn tiếp tục gia tăng để tha thứ và cứu vớt nhân loại; nhất là những ai có lòng tìm kiếm sự nhân từ của Ngài. 
 
Kính Thánh diễn tả dòng dõi loài người sau trận Hồng Thủy như thế nào? Trận Hồng Thủy đã xẩy ra trong quyền phép của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của loài người. Sau trận Hồng Thủy, nhân loại lúc đó chỉ còn lại gia đình ông Nô-ê. Các con trai của Nô-ê là Sem, Cham và Gia Phết là những tổ phụ của nhân loại từ sau trận Hồng Thủy. Ðến Sáng Thế Ký đoạn 11, Kinh Thánh cho chúng ta thấy loài người lúc đó đã bắt đầu văn minh, biết xây dựng nhà cửa, nhưng tội lỗi của loài người cứ gia tăng, vì họ quá kiêu ngạo. Lúc đó nhân loại vẫn còn nói một thứ tiếng. Khi Ðức Chúa Trời phá đổ tháp Ba-bên, Ngài cũng làm tan tác tiếng nói loài người (sáng-thế ký 11:7). Tháp Ba-bên là sự kiêu ngạo của loài người. Ngày nay, trong mỗi con người, mỗi dân tộc đều có tham vọng xây cho mình một cái tháp Ba-bên đúng như ý nghĩa ban đầu của nó. Ðó cũng là một bằng chứng cho chúng ta thấy Kinh Thánh luôn luôn nói lên thực trạng đáng buồn của nhân loại từ ngàn xưa. 
 
Sau thời kỳ tháp Ba-bên, Ðức Chúa Trời chọn lựa một dân tộc đặc biệt để dắt dẫn nhân loại trở về trong đường lối của Ngài, đó là dân tộc Do Thái. Ông Hải Văn Hoàng hiểu sai khi cho rằng ông Adam là tổ tiên của dân Do Thái và Kinh Thánh chỉ nói đến dân tộc Do Thái mà thôi. Adam là tổ phụ đầu tiên của nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta. Còn dòng dõi dân Do Thái được Ðức Chúa Trời chọn là bắt đầu từ Abraham, sau Adam rất lâu. Abraham là hậu duệ xa xôi của Sem, một trong ba con trai của Nô-ê được liệt kê ra trong Kinh Thánh (Sáng thế ký 9:18-19). Còn hai người anh em ruột của Sem là Cham và Gia-phết là tổ phụ của những dân tộc khác mà Sáng-thế-ký đoạn 9 và đoạn 10 đã nói. 
 
Ðức Chúa Trời chọn ông Abraham là người có Ðức Tin để làm tổ phụ tuyển dân Do Thái. Vậy dân tộc Do Thái cũng là một dân tộc như tất các các dân tộc khác, nhưng điều đặc biệt là họ được Ðức Chúa Trời tuyển chọn để mặc khải ơn cứu rỗi của Ngài cho cả nhân loại. Ðến nay vẫn không ai có thể phủ nhận cá tính đặc biệt của dân tộc Do Thái suốt từ lịch sử tổ tiên của họ cho đến những biến cố lịch sử đã xẩy ra giữa dân tộc Do Thái liên quan đến các dân tộc khác. Rõ ràng là đến bây giờ dân tộc Do Thái vẫn là một dân tộc đặc biệt trên thế gian. Tại sao lại đặc biệt? Vì họ được Ðức Chúa Trời chọn để mặc khải chương trình cứu rỗi của Ngài cho nhân loại. Nói một cách khác, Ðức Chúa Trời chọn dân Do Thái để mặc khải cho nhân loại thấy hậu quả của tội lỗi từ Satan và kết quả của ơn cứu rỗi trong quyền phép đời đời và lòng thương xót từ nơi Ðức Chúa Trời đối với toàn thể nhân loại. Ðây cũng là sự mặc khải về quyền năng, bổn tính công bình, bổn tính thánh khiết và lòng thương xót của Ngài để loài người lấy đó làm chuẩn mực cho cuộc hành trình về Nước Trời, đồng thời để nhận lại sự sống đời đời ngay hôm nay. Cuộc hành trình đó mỗi cá nhân chúng ta trong tập thể Hội Thánh của Chúa có thể bắt đầu từ thế gian nầy để đi về Thiên Quốc như dân tộc Do Thái đã bắt đầu từ xứ Ai Cập đi về Ðất Hứa vậy. Ðọc tiếp Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta thấy Ðức Chúa Trời dùng dân Do Thái để mặc khải cho nhân loại ơn Cứu Rỗi của Ngài trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ. 
 
Nếu chú ý đến con người Abraham và các thế hệ con cháu của ông, chúng ta thấy cá tánh và kết quả trên mỗi con người của thời đó vẫn rất gần gũi với con người chúng ta bây giờ. Chính vì thế mà Kinh Thánh là quyển sách sống từ xưa đến nay và càng ngày càng được nhân loại biết đến nhiều nhất. Từ câu đầu tiên của Thánh Kinh Tân Ước đã nhắc đến gia phổ (phần xác thịt) của Chúa Cứu Thế (Mt 1:1) theo dòng dõi Abraham, tổ phụ của dân Do Thái là dân mà Ðấng Cứu Thế xuất hiện. Cần xem kỹ để thấy sự mặc khải thần tánh thiêng liêng Chúa Cứu Thế trong con người xác thịt là như thế nào: Sáng-thế-ký 3:15; thiên 22:1, Thi-thiên 88; Esai 7:14; Esai 9:5-6; Esai 53; Mi-chê 5:1; Gioan 1:29; Gioan 1:1-18; Gioan 3:14-16; Gioan 8:55,56,57= (3 câu nầy Chúa Jesus Christ xác nhận Ngài có trước Abraham); Công vụ 4:12; Ga-la-ty 3: 19-20; Ga-la-ty 4:4; 1Ti-mô-the 2:5; và sách Hê-bơ-rơ là những phần Kinh Thánh căn bản về nền tảng thần học và sự mặc khải chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời dành cho nhân loại qua dân tộc Do-Thái. Sở dĩ Ðức Chúa Trời mặc khải chân lý sự sống đời đời của Ngài qua Ðức Tin của chúng ta là vì trí óc hiểu biết của chúng ta quá ít; nếu không tiếp nhận Ðức Tin của của Chúa thì phần tâm linh của chúng ta bị mù loà. Khi đã bị mù loà tâm linh rồi nhưng còn nói …tự mình thắp đuốc lên mà đi, ấy là nói dối! 
 
Từ các sách lịch sử, sách luật, sách nghi lễ, sách thi ca, sách tiên tri trong Kinh Thánh đều nói đến các sựï vi phạm của dân tộc Do Thái và cách giải quyết vấn đề tội lỗi của họ. Ðức Chúa Jesus Christ cũng đã xác nhận rằng Kinh Thánh Cựu Ước là sự mặc khải về Ngài cho nhân loại (Gioan 5:46-47). Thật ra tất cả Kinh Thánh đều là một Mặc Khải văn tự nhưng đầy mầu nhiệm lạ lùng mà bất cứ một tấm lòng nào khát khao chân lý, muốn khiêm tốn tìm tòi đều có thể bắt gặp được ý nghĩa sống động của Lời Chúa đụng chạm vào tâm linh. Những kẻ kiêu ngạo, xấc xược, đầy thành kiến, những kẻ cứng lòng, tự phụ, những kẻ che dấu sự gian ác trong lòng mình đều bị đui mù về mặt tâm linh, không làm sao thấy được chân lý đã mặc khải trong Thánh Kinh. Giống như đứa con bất hiếu mà cứ khăng khăng khước từ cha mẹ và không chịu nhận lỗi thì không thể nào thấy được tình yêu của cha mẹ mình đối với mình. Kinh Thánh giống như nước dành cho kẻ khát, thức ăn dành cho kẻ đói, tình yêu dành cho kẻ lữ hành cô độc giữa thế gian tăm tối, là ngọn đèn cho tâm linh kẻ hướng về chân lý và lòng nhân từ thiên thượng, là sức sống, là bằng chứng cho những tấm lòng có đức tin. Ngược lại Kinh Thánh là cái búa, là gươm đối với người ác, là lửa đối với tội lỗi. Bất kỳ các anh là ai, khi đọc Kinh Thánh cũng đều đụng phải một sự thật, đó là Lời sự sống chạm vào tấm lòng vốn gian ác, nhưng khiến cho người ta cần đến ơn cứu rỗi như kẻ chết đuối nắm được cái phao để sống; nếu không nắm được cái phao thì tự vật vã một mình, hoặc vật lộn với người đang cùng chết đuối cho tới lúc cả hai đều chết. Kinh Thánh cảnh báo rằng: "Ai khôn ngoan mà hiểu những sự nầy? Ai là giỏi giang mà biết những sự đó? Vì các đường lối của Ðức Chúa Trời là ngay thẳng; những kẻ công bình sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó." (Ô-sê 14:9). Tôi khuyên các bạn nên khao khát được bước đi trong Lời Chúa, đừng để mình vấp ngã trong đó như những kẻ phạm phép!!! Tôi càng đọc Kinh Thánh càng nhận thêm đức tin, càng thấy phước hạnh, an bình cho chính tôi mỗi ngày. Thật là tuyệt vời. Vì thế tôi cám ơn Chúa mãi mãi. Cái cảm giác biết ơn và niềm hạnh phúc trong tôi không bao giờ ngừng nghỉ. Ôi thật là tuyệt vời các bạn ạ. Cảm tạ Chúa toàn năng đầy lòng thương xót! Nhưng ai khước từ ơn cứu rỗi của Chúa Jesus Christ là kẻ tự chọn con đường địa ngục cho chính mình, thật là đáng tiếc! 
 
Ðức Chúa Trời kêu gọi tất cả nhân loại, nhưng nhiều người còn ham mê tội lỗi, còn say sưa trên con đường ác, còn kiêu ngạo, còn đầu lụy Satan nên chưa dám quay về với Ngài. Những người đó đang hưởng một loại tự do làm theo ý riêng để đi vào con đường tăm tối khổ đau. Họ chịu trách nhiệm về thái độ tinh thần và hành vi thực tế của họ. Dẫu họ không tin Ðức Chúa Trời thì Ðức Chúa Trời cũng đã dựng nên họ và dựng nên địa ngục cho sở thích mù quáng của họ. Dù loài người đã phạm tội, nhưng Ðức Chúa Trời giàu lòng tha thứ khi họ trở về ăn năn thống hối. Ngài ban cho chúng ta nước trời đời đời ngay từ hôm nay khi chúng ta quay lòng trở về với Lời Ngài. Nhưng ai khước từ ơn tha thứ của Ngài thì họ đã bị xét đoán rồi. Những kẻ ấy không chạy đi đâu khỏi lưới trời được. Vì thế từ buổi xa xưa, dù người Á Ðông chúng ta chưa đọc Kinh Thánh mà cũng đã nhận thức rằng "thiên vọng khôi khôi sơ nhi bất lậu" (Lưới trời lồng khó mà lọt khỏi). 
 
Xin cám ơn các anh Hải văn Hoàng và Ndinhlang đã gởi đến cho tôi những câu hỏi để tôi có cơ hội chia xẻ về tình yêu của Ðức Chúa Trời mà tôi đã nhận được. Chúc các anh bình tĩnh, sáng suốt để suy nghĩ và chọn lựa con đường tâm linh cho chính mình. Chúng ta chỉ có thể chọn lựa cái đã có, chúng ta không thể làm ra một cái gì mới hơn ngoài kế hoạch sáng tạo và cứu rỗi của Ðức Chúa trời. Hoặc là chúng ta cứ ở trong tội lỗi do Satan đã cám dỗ và chỉ huy, hoặc là chúng ta trở về trong kế hoạch cứu rỗi của Ðức Chúa Trời qua sự chết cứu chuộc của Con Một của ngài là Ðức Chúa Jesus Christ, cứu Chúa của nhân loại. 
 
Thân mến chào các bạn. 
 
Nguyễn Huệ Nhật 
December, 01, 2003