Tài Liệu Khác

NoiGuongDucKito_logo

(từ cuốn "The Imitation of Christ" do Aloysius Croft dịch từ nguyên bản tiếng La Tinh)
Cuốn 2: ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Mục Lục



Chương I: Noi Gương Đức Kitô và Khinh Miệt Mọi Phù Vân Thế Gian  

 

Chúa nói, "Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối" (Gioan 8:12). Qua những lời của Đức Kitô chúng ta được khuyên nhủ hãy bắt chước đời sống và thói quen của Người, nếu chúng ta thực sự ao ước muốn được giác ngộ và tránh được mọi mù quáng của tâm hồn. Do đó, nỗ lực chính của chúng ta là hãy nghiên cứu cuộc đời của Đức Giêsu Kitô. 
 
Sự giảng dậy của Đức Kitô thì tuyệt hảo hơn tất cả lời khuyên của các thánh, và ai có được thần khí của Người sẽ tìm thấy lương thực ở trong đó. Bây giờ, có nhiều người đọc Phúc Âm nhưng thường không để ý gì vì họ không có thần khí của Đức Kitô. Tuy nhiên bất cứ ai muốn thấu hiểu trọn vẹn lời của Đức Kitô thì phải uốn nắn cuộc đời mình theo cuộc đời Đức Kitô. 
 
Có ích lợi gì khi nói về Ba Ngôi Thiên Chúa một cách uyên bác, nhưng vì thiếu khiêm tốn, bạn làm phật lòng Ba Ngôi? Thật vậy, không phải kiến thức làm cho một người nên thánh thiện và công chính, nhưng một đời sống nhân đức giúp họ hài lòng Thiên Chúa. Thà tôi cảm thấy ăn năn hối lỗi còn hơn là tìm định nghĩa sự thống hối. Vì có ích lợi gì cho chúng ta khi thuộc lòng bộ Kinh Thánh và các nguyên tắc của mọi triết gia nhưng không sống trong ơn sủng và tình yêu của Thiên Chúa? Phù hoa của mọi phù hoa và tất cả chỉ là phù hoa, ngoại trừ yêu mến Thiên Chúa và phục vụ một mình Người. 
 
Đây là sự khôn ngoan vĩ đại nhất--tìm kiếm vương quốc thiên đàng qua sự khinh miệt thế gian. Bởi đó, thật phù hoa khi tìm kiếm và tín thác vào sự giầu sang mà nó sẽ tàn lụi. Cũng là phù hoa khi tìm cách có được vinh dự rồi dương dương tự đắc. Là phù hoa khi theo đuổi sự dâm dật của thể xác và ao ước những điều mà vì đó sẽ phải luận phạt nặng nề sau này. Là phù hoa khi ao ước sống lâu mà lại không lo gì đến lối sống xứng đáng. Là phù hoa khi chỉ bận bịu với những gì hiện tại và không đề phòng những gì sẽ xảy đến. Là phù hoa khi yêu quý những gì chóng qua và không nhìn xa để thấy đâu là niềm vui vĩnh cửu. 
 
Phải thường nhớ đến câu châm ngôn: "Mắt có nhìn bao nhiêu cũng không thỏa, tai có nghe đến mấy cũng chẳng đầy" (Gv 1:8). Hơn thế nữa, hãy cố gắng đừng để tâm hồn ưa thích những điều hữu hình và tự hướng mình đến những điều vô hình. Vì những ai chiều theo các đam mê xấu xa của mình sẽ làm ô uế lương tâm và mất ơn sủng của Thiên Chúa.

Chương II: Khiêm Tốn Nghĩ Về Mình  

 

Một cách tự nhiên, ai ai cũng muốn sự hiểu biết; nhưng kiến thức có ích gì nếu không kính sợ Thiên Chúa? Thật vậy, một người nhà quê khiêm tốn phục vụ Thiên Chúa thì còn tốt hơn một thức giả kiêu căng lo nghiên cứu vận hành của tinh tú mà bỏ quên linh hồn mình. Người biết nhiều về chính mình sẽ trở nên trung dung và không vui khi được người đời ca ngợi. 
 
Nếu tôi hiểu biết mọi sự ở thế gian và không có đức ái, điều đó có ích gì cho tôi trước mặt Thiên Chúa, Đấng xét xử tôi qua hành động? 
 
Cũng tránh xa thèm khát hiểu biết, vì trong đó cũng có nhiều bực bội và lừa dối. Người học thức thích tỏ vẻ am tường và muốn được gọi là khôn ngoan. Tuy nhiên, có nhiều điều mà kiến thức không giúp ích gì cho linh hồn, và người quá bận rộn về những gì không dẫn đến sự cứu độ thì thật không khôn ngoan. 
 
Chữ nghĩa nhiều không thoả mãn được linh hồn; nhưng một đời sống tốt lành sẽ thanh thản trí óc và một lương tâm trong sạch đưa đến sự tín thác vào Chúa. 
 
Khi biết nhiều bạn sẽ hiểu nhiều và bạn sẽ bị xét xử nặng nề hơn, trừ khi cuộc đời bạn thánh thiện hơn. Do đó, đừng trở nên kiêu căng vì tài năng hay sở học của bạn. Đúng ra, phải lo sợ vì những tài năng đã được ban cho bạn. Nếu bạn nghĩ là mình biết nhiều và hiểu nhiều thì ngay lúc ấy cũng hãy biết rằng có nhiều điều bạn chưa biết. Bởi đó, đừng làm ra vẻ khôn ngoan, nhưng hãy thú nhận sự ngu dốt. Sao lại đề cao mình hơn người khác trong khi có nhiều người uyên bác hơn, văn minh hơn bạn? 
 
Nếu bạn muốn biết và hiểu rõ những điều có giá trị, hãy yêu chuộng sự vô danh và coi như không là gì cả. Thực sự biết và coi thường chính mình là lời khuyên tốt nhất và tuyệt hảo nhất. Hãy nghĩ mình chẳng là gì cả, và luôn luôn nghĩ tốt đẹp về người khác là sự khôn ngoan nhất và tuyệt hảo nhất. Vì vậy, nếu bạn thấy người khác làm lỗi công khai và phạm tội trọng, đừng nghĩ mình tốt hơn họ, vì bạn không biết bao lâu bạn còn tốt như vậy. Mọi người đều yếu đuối, nhưng bạn phải thú nhận rằng không ai yếu đuối hơn bạn.

Chương III: Học Thuyết Chân Lý  

 

Phúc cho ai được chân lý thể hiện nơi người ấy, không bằng dấu chỉ hay lời nói phai nhạt, nhưng thực sự là như vậy. Quan điểm, giác quan của chúng ta thường hay lừa dối chúng ta và ít khi chúng ta nhận ra điều đó. 
 
Có tốt gì khi thảo luận nhiều về các vấn đề phức tạp và mơ hồ khi sự thiếu hiểu biết về các điều ấy không tố cáo chúng ta trong Ngày Phán Xét? Thật nực cười khi bỏ qua những điều có lợi và cần thiết nhưng lại quá lưu tâm đến những điều không liên quan và có hại. 
 
Chúng ta có mắt nhưng lại không thấy. 
 
Như thế, chúng ta phải làm gì với những thắc mắc của triết học? Người mà Ngôi Lời Hằng Hữu nói với thì không bị ràng buộc bởi lý thuyết. Vì từ Lời này mà có mọi sự và mọi sự nói về Người--Đấng Nguyên Thủy cũng nói với chúng ta. Không có Lời này, không ai hiểu và phán đoán đúng. Ai mà từ Lời ấy phát sinh mọi sự, ai truy nguyên mọi sự từ Lời và nhìn thấy mọi sự trong Lời, người ấy có thể an ổn tâm hồn và giữ được bình an với Thiên Chúa. 
 
Ôi lậy Chúa, Ngài là chân lý, xin giúp con nên một với Ngài trong tình yêu vĩnh cửu. Con thường kiệt quệ vì những điều được nghe và được đọc, nhưng trong Ngài là tất cả những gì con ao ước. Giới trí thức hãy im đi, mọi tạo vật hãy câm nín trước Ngài; chỉ một mình Ngài nói với con. 
 
Càng chế ngự mình và tâm hồn càng bình dị bao nhiêu, người ta càng dễ hiểu những điều cao siêu, vì họ được ánh sáng hiểu biết từ trên cao. Một tinh thần thanh khiết, đơn sơ, và bền bỉ thì không bị sao nhãng bởi công việc, vì người ta thi hành việc đó để vinh danh Thiên Chúa. Và vì muốn sự bình an nội tâm nên họ không tìm kiếm mục đích ích kỷ trong mọi sự. Thật vậy, còn điều gì phiền hà và khổ sở hơn là những khao khát bất trị của tâm hồn? 
 
Một người tốt lành và đạo đức sắp đặt điều phải làm không theo xu hướng xấu xa nhưng theo tiếng gọi của lý trí đúng đắn. Có phải người cố làm chủ chính mình là người buộc phải chiến đấu nhiều hơn? Vậy, đây phải là mục đích của chúng ta: chiến thắng chính mình, trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày, thăng tiến nhân đức. 
 
Mọi sự tuyệt hảo ở đời này đều pha trộn ít nhiều sự bất hảo và không có sự hiểu biết nào của chúng ta mà không có chỗ u tối. Khiêm tốn nhận biết mình là con đường chắc chắn đến với Thiên Chúa hơn là hăng say tìm kiếm kiến thức. Không phải vì kiến thức, hay sự hiểu biết được coi là xấu xa, tự nó tốt lành và vì thế được Thiên Chúa phong ban; nhưng phải luôn luôn mong muốn một lương tâm trong sạch và đời sống nhân đức. Nhiều người sai lạc và không đạt được gì vì họ cố trở nên uyên bác hơn là sống tốt. 
 
Nếu người ta lo lắng đến việc nhổ tận gốc mọi thói xấu và gieo trồng các nhân đức khi họ bàn thảo về các vấn đề, sẽ không còn nhiều sự dữ và điều tiếng xấu trong thế gian, hay sự lỏng lẻo trong các tổ chức tôn giáo. Vào ngày phán xét, chắc chắn rằng chúng ta sẽ không được hỏi về những gì chúng ta đọc nhưng về những gì chúng ta làm; không phải những gì hay ho chúng ta nói nhưng về kiểu cách chúng ta sống. 
 
Hãy cho tôi biết những bậc thầy mà bạn biết rõ khi còn sống và họ nổi tiếng về học thuật, bây giờ họ ở đâu? Những người khác đã chiếm chỗ của họ và tôi không biết những người này có nghĩ gì đến những người đi trước hay không. Khi còn sống, dường như họ đáng kể; bây giờ ít ai nghĩ đến họ. Vinh dự thế gian thật chóng qua biết chừng nào! Phải chi đời sống của họ cùng nhịp bước với điều họ hiểu biết thì sự học hỏi của họ đã có giá trị. 
 
Biết bao người đang hư mất vì kiến thức phù vân của thế gian mà lại ít lo lắng đến việc phục vụ Thiên Chúa. Họ trở nên phù phiếm trong sự cao ngạo của họ vì muốn được vĩ đại hơn là khiêm tốn.
 
Người thực sự vĩ đại là người rất mực bác ái. Người thực sự vĩ đại thì thấy mình nhỏ bé và không coi danh vọng là điều đáng kể. Người thực sự khôn ngoan sẽ coi những điều thế gian là điên dại để họ có thể tiến đến Đức Kitô. Người thực thi thánh ý Chúa và không thiết gì đến chính mình thì thực sự rất hiểu biết.

Chương IV: Khôn Ngoan Trong Hành Động  

Đừng chiều theo sự bốc đồng và các ý kiến nhưng hãy cân nhắc cách thận trọng và kiên nhẫn trong ánh sáng của thánh ý Thiên Chúa. Vì rất thường khi, rất buồn mà nói, chúng ta quá yếu đuối đến độ tin vào điều xấu và nói xấu người khác hơn là điều tốt. Tuy nhiên, người tuyệt hảo không dễ tin người mách lẻo, vì họ biết tính yếu đuối con người thì thiên về sự dữ và thường xuất hiện trong lời nói. 
 
Không hành động hấp tấp hay cố chấp bám víu lấy ý kiến của một người, không tin mọi điều người ta nói hay không rỉ tai điều tầm phào nghe được, đó là sự khôn ngoan lớn lao. 
 
Hãy hỏi ý kiến người khôn ngoan và có lương tâm. Hãy tìm kiếm lời khuyên bảo tốt hơn cho bạn thay vì chiều theo xu hướng của chính mình. 
 
Một đời sống tốt lành sẽ làm cho người ta khôn ngoan theo như Thiên Chúa và giúp họ cảm nghiệm được nhiều điều, càng khiêm tốn và càng quy phục Thiên Chúa bao nhiêu thì họ càng khôn ngoan hơn và càng bình an hơn trong mọi sự.

Chương V: Đọc Sách Thánh  

Chân lý, chứ không phải sự hùng biện, là điều được tìm kiếm khi đọc Sách Thánh; và phải đọc mọi phần trong tinh thần mà nó được viết ra. Vì trong Sách Thánh chúng ta phải tìm kiếm điều ích lợi hơn là cách diễn tả bóng bẩy. 
 
Tương tự như vậy chúng ta phải sẵn sàng đọc các sách đạo đức và đơn sơ như những cuốn sách uyên thâm. Chúng ta không bị ảnh hưởng bởi uy thế của tác giả, dù họ là một đại văn hào hay một người tầm thường, nhưng vì yêu quý chân lý đơn sơ. Chúng ta không nên hỏi ai đang nói với chúng ta, nhưng hãy ghi nhận điều được phát biểu. Con người sẽ qua đi, nhưng chân lý của Chúa tồn tại mãi mãi. Thiên Chúa nói với chúng ta trong nhiều phương cách bất kể con người. 
 
Sự tò mò thường cản trở chúng ta trong việc đọc Sách Thánh, khi chúng ta muốn hiểu và nghiền ngẫm điều mà lẽ ra chúng ta chỉ đọc và lướt qua. 
 
Bởi đó, nếu bạn muốn được ích lợi từ sách, phải đọc với sự khiêm tốn, đơn sơ, và với đức tin, và đừng bao giờ tìm kiếm tiếng tăm là người trí thức. Hãy sẵn sàng tìm kiếm và để ý lắng nghe những lời của các thánh; đừng bất mãn với những lời của người xưa, vì họ không được dựng nên mà không có mục đích.

Chương VI: Những Cảm Xúc Không Bị Mua Chuộc  

Khi người ta khao khát điều gì quá đáng, họ dễ dàng trở nên xấu xa. Một người kiêu ngạo và hám lợi thì không bao giờ thư thái, trong khi người khiêm tốn và có tinh thần nghèo khó thì sống trong một thế giới an bình. Một người không hãm mình thì dễ bị cám dỗ và bị trùm lấp bởi những điều nhỏ nhặt, tầm thường; tinh thần của họ thì yếu đuối, trong phạm vi nhục dục và nghiêng về khoái lạc; họ thật khó để tiết chế những khát khao trần tục. Vì thế họ rất buồn khi phải từ bỏ những điều đó; họ dễ nổi nóng khi bị khiển trách. Tuy nhiên nếu họ được thỏa mãn sự khát khao, lương tâm sẽ khiến họ hối hận vì đã chiều theo các đam mê và chúng không đưa đến sự bình an mà họ tìm kiếm. 
 
Như vậy, bình an đích thật của tâm hồn thì tìm cách chống lại các đam mê, chứ không phải thỏa mãn chúng. Không có bình an trong con người nhục dục, trong con người để ý đến những điều vô ích, nhưng sẽ có bình an trong con người có sức mạnh tinh thần.

Chương VII: Tránh Hy Vọng Hão và Kiêu Căng  

Thật vô ích cho ai đặt tin tưởng vào loài người, trong các tạo vật. 
 
Đừng cảm thấy xấu hổ khi phục vụ người khác vì tình yêu Chúa Kitô và sống khó nghèo trong thế gian. Đừng trở nên tự phụ nhưng hãy tín thác vào Thiên Chúa. Hãy thi hành những gì trong tầm sức của mình và Thiên Chúa sẽ giúp cho thiện tâm của bạn. Đừng cậy dựa vào học lực của mình hoặc sự xảo quyệt của bất cứ ai, nhưng thay vào đó hãy tín thác vào ơn Chúa, Đấng giúp đỡ người khiêm tốn và hạ bệ kẻ kiêu căng. 
 
Nếu bạn giầu sang, đừng lấy đó làm vinh dự, hoặc vì bạn bè có quyền thế, nhưng hãy tìm vinh dự nơi Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi sự và trên tất cả, Đấng muốn trao ban chính Người. Đừng khoe khoang vì tầm vóc con người hay sắc đẹp bề ngoài, chúng sẽ bị hủy hoại và tiêu diệt bởi một cơn bệnh nhỏ. Đừng kiêu hãnh về tài năng để không làm mất lòng Thiên Chúa vì mọi thiên khiếu bạn có là thuộc về Người. 
 
Đừng coi mình tốt hơn người khác để bạn không bị coi là xấu xa trước mặt Thiên Chúa, Đấng biết rõ con người có gì. Đừng kiêu hãnh về hành động tốt lành của bạn, vì sự phán xét của Thiên Chúa khác với của loài người và điều làm họ hài lòng lại thường làm phật lòng Thiên Chúa. Nếu bạn có gì tốt, hãy tìm nơi người khác những điều tốt hơn, để như thế bạn vẫn giữ được khiêm tốn. Không thiệt hại gì khi coi mình thấp hơn người hkác, nhưng thật tai hại khi nghĩ bạn tốt hơn ngay cả một người. Người khiêm tốn sống trong sự bình an liên tục, trong khi tâm hồn người cao ngạo thì ghen tị và thường giận dữ.

Chương VIII: Tránh Xa Việc Quá Thân Mật  

Đừng mở lòng cho bất cứ ai, nhưng hãy thảo luận công việc với người khôn ngoan và kính sợ Thiên Chúa. Đừng bè bạn với người xa lạ và trẻ tuổi. Đừng bợ đỡ người giầu, và đừng thích giao du với nhân vật vĩ đại. Hãy làm bạn với người khiêm tốn và đơn sơ, với người chân thành và có nhân đức, và nói với họ về những điều có giáo dục. Đừng thân mật với bất cứ phụ nữ nào, nhưng hãy đưa mọi phụ nữ tốt lành về với Thiên Chúa. Hãy chỉ tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa và các thiên thần, và tránh được con người để ý. 
 
Chúng ta phải bác ái với mọi người nhưng lại suồng sã với mọi người thì không thiết thực. Đôi khi điều xảy ra là một người thích được nổi tiếng giữa những người không quen biết, nhưng đồng thời lại bị coi thường bởi những người biết rõ. Thường chúng ta nghĩ mình sẽ làm hài lòng người khác bởi sự hiện diện nhưng thay vào đó chúng ta lại làm họ bực mình vì những lỗi lầm mà họ thấy nơi chúng ta.

Chương IX: Vâng Lời và Quy Phục  

Là điều vĩ đại khi vâng lời, sống dưới một bề trên và không phải làm chủ chính mình, vì sự quy phục thì an toàn hơn là sự chỉ huy. Nhiều người sống trong sự vâng lời vì bị bắt buộc hơn là vì tình yêu. Trong sự hời hợt như vậy họ sẽ trở nên bất mãn và chán nản; họ sẽ không bao giờ có được sự bình an trong tâm trí trừ khi họ thực sự quy phục vì tình yêu Thiên Chúa. 
 
Bất cứ đi đến đâu, bạn sẽ không tìm thấy sự thanh thản trừ khi khiêm tốn vâng lời quy luật của đấng có quyền. Những mơ tưởng hạnh phúc nhờ sự thay đổi và nơi chốn xa lạ đã làm thất vọng nhiều người. 
 
Thật sự ai ai cũng muốn thi hành theo ý riêng và về phe với những người đồng ý với họ. Nhưng nếu Thiên Chúa ở giữa chúng ta, có lúc chúng ta phải từ bỏ ý riêng để được ơn bình an. 
 
Hơn thế nữa, có ai quá khôn ngoan để biết hết mọi sự? Đừng tin tưởng quá đáng vào ý kiến riêng mình, nhưng hãy sẵn sàng lắng nghe quan điểm của người khác. Tuy ý kiến bạn hay, nếu bạn chấp nhận quan điểm của người khác vì tình yêu Thiên Chúa, bạn sẽ được lợi thêm rất nhiều; vì tôi thường nghe rằng thật an tâm hơn khi lắng nghe và chấp nhận lời khuyên bảo hơn là răn đời. Cũng có thể xảy ra là trong khi ý kiến của một người có thể là hay, sự bất đồng với người khác trong cuộc tranh luận là dấu hiệu của sự kiêu hãnh và ngoan cố.

Chương X: Tránh Trò Chuyện Vô Ích  

Phải tránh xa chuyện tầm phào bằng mọi giá, vì khi thảo luận về chuyện thế gian, dù thành thật đến đâu đi nữa, đó là một sự sao nhãng lớn lao vì chúng ta dễ bị lọt bẫy và say mê sự phù phiếm. 
 
Nhiều khi tôi ao ước phải chi mình giữ được sự bình an và đừng giao du với con người. Thật vậy, sao chúng ta lại trò chuyện và tầm phào với nhau mà khi chấm dứt câu chuyện lương tâm chúng ta không khỏi bối rối? Chúng ta làm như vậy vì tìm kiếm sự an ủi qua sự trò chuyện với người khác và muốn dịu bớt tâm trí mệt mỏi vì những ý nghĩ linh tinh. Bởi đó, chúng ta nói và nghĩ thật trìu mến về những điều rất ưa thích hoặc những điều rất ghét. Nhưng, thật buồn mà nói rằng, thường chúng ta nói một cách vô ích và không có mục đích; vì sự vui thú bên ngoài này thường ngăn cản sự an ủi của Thiên Chúa bên trong tâm hồn. 
 
Do đó, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để thời gian đừng trôi qua một cách vô ích. 
 
Khi đúng lúc phải nói, hãy nói điều gì có lợi cho giáo dục. 
 
Các thói quen xấu và sự lãnh đạm với thăng tiến tâm linh không giúp chúng ta gìn giữ miệng lưỡi. Ngược lại, thành khẩn trò chuyện về vấn đề tinh thần là một trợ giúp lớn lao cho thăng tiến tâm linh, nhất là khi chúng ta cùng một tinh thần và tâm trí trong Chúa.

Chương XI: Được Bình An và Hăng Hái Tìm Sự Tuyệt Hảo  

Chúng ta sẽ vui hưởng bình an nếu tự mình không lưu tâm đến những gì người khác nói hoặc làm, vì những điều ấy không liên hệ gì đến chúng ta. Làm thế nào một người thích dính dáng vào chuyện không phải của mình, thích tìm kiếm trò tiêu khiển lạ lùng, và ít khi hồi tâm lại có thể sống trong bình an lâu dài? 
 
Phúc cho ai có tâm hồn đơn sơ vì họ sẽ vui hưởng bình an dư dật. 
 
Tại sao một số các thánh lại quá tuyệt hảo và quá đắm chìm trong sự chiêm niệm? Vì họ cố gắng tiêu diệt mọi khao khát trần tục, và nhờ đó họ có thể gắn bó với Thiên Chúa trọn cả tâm hồn và được tự do chú ý đến các tư tưởng bên trong. 
 
Chúng ta quá bận rộn với các điều quái dị, quá bận tâm đến những điều chóng qua. Ít khi chúng ta thực sự chiến thắng ngay cả một tật xấu, và chúng ta không bừng cháy với khao khát muốn thăng tiến hằng ngày; bởi đó, chúng ta vẫn lạnh lùng và thờ ơ. Nếu kềm hãm thân xác mình một cách tuyệt hảo và đừng để tâm trí bị sao nhãng, chúng ta mới có thể biết quý trọng những gì thuộc về Thiên Chúa và cảm nghiệm được những sự trên trời. 
 
Thật vậy, trở ngại lớn lao nhất, trở ngại duy nhất, là chúng ta không thoát khỏi các đam mê và sắc dục, chúng ta không cố gắng theo con đường tuyệt hảo của các thánh. Do đó khi gặp chút khó khăn, chúng ta dễ nản lòng và quay sang tìm sự an ủi của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng đứng vững như chiến sĩ ngoài mặt trận, sự giúp đỡ của Thiên Chúa chắc chắn sẽ duy trì chúng ta. Vì Người, Đấng ban cho chúng ta cơ hội để chiến thắng, sẵn sàng giúp đỡ những ai tiến bước và tin tưởng vào ơn sủng của Người. 
 
Nếu chúng ta để sự tiến bộ trong đời sống tu trì lệ thuộc vào sự tuân giữ các quy luật hoàn toàn bề ngoài, sự tận tụy ấy sẽ mau chóng chấm dứt. Vậy, hãy can đảm dứt bỏ để chúng ta không còn bị ràng buộc bởi những đam mê và nhờ đó có được sự bình an tâm trí. 
 
Nếu hằng năm, chúng ta nhổ tận gốc được một nết xấu, không bao lâu chúng ta sẽ trở nên tuyệt hảo. Tuy nhiên, điều trái ngược thường xảy ra là--trong sự hăng hái hoán cải ban đầu, chúng ta cảm thấy tốt hơn và thanh khiết hơn là sau nhiều năm sống đức tin. Sự hăng hái và tiến bộ của chúng ta phải ngày càng gia tăng; tuy nhiên, bây giờ nó lại được coi là đáng chú ý nếu một người có thể giữ được chỉ một phần sự hăng hái ban đầu. 
 
Nếu ngay từ đầu, chúng ta quyết liệt đôi chút, sau đó chúng ta có thể thi hành mọi việc với sự dễ dàng và niềm vui. Thật khó để phá vỡ một thói quen cũ, nhưng càng khó khăn hơn khi phải đi ngược với ý muốn của chúng ta. 
 
Nếu bạn không thể vượt qua những điều nhỏ bé tầm thường, sao bạn có thể vượt qua những điều khó khăn hơn? Hãy chống lại những cám dỗ ngay tự lúc đầu, và đừng học thói xấu để rồi mỗi ngày một chút, nó trở thành xấu xa hơn. 
 
Nếu bạn chỉ để ý đến sự bình an mà một đời sống tốt lành sẽ đem cho bạn cũng như niềm vui mà đời sống ấy đem cho người khác, tôi nghĩ bạn sẽ ngày càng lưu tâm đến sự thăng tiến tâm linh.

Chương XII: Giá Trị của Nghịch Cảnh

Thật tốt khi chúng ta gặp gian nan và khó khăn, vì các điều đó nhắc nhở chúng ta về thời gian thử thách và đừng hy vọng vào bất cứ gì ở đời này. Đôi khi cũng tốt để chúng ta phải chịu sự đối nghịch, để bị người đời đánh giá cách sai lầm tuy chúng ta hành động đúng và có ý định tốt. Những điều này giúp chúng ta khiêm tốn và che chở chúng ta khỏi tính kiêu căng. Khi người ta coi thường diện mạo bên ngoài của chúng ta, khi họ không nghĩ tốt về chúng ta, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn. Do đó, người ta phải bén rễ sâu nơi Thiên Chúa đến độ họ không còn cần đến sự an ủi của người đời. 
 
Khi một người thiện tâm bị đau khổ, bị cám dỗ, bị khổ sở vì các ý nghĩ xấu xa, họ thấy rõ nhu cầu lớn lao nhất là Thiên Chúa, vì không có Người họ không làm gì được. Bị buồn sầu vì những bất hạnh và đau khổ, họ than van và cầu nguyện. Họ mệt mỏi vì đời sống và khao khát cái chết để được tan biến và sống với Đức Kitô. Và rồi họ thực sự hiểu rằng không thể nào tìm thấy sự an toàn tuyệt hảo và sự bình an trọn vẹn nơi trần gian này.

Chương XIII: Chống Trả Cám Dỗ  

Một khi sống ở thế gian này, chúng ta không thể tránh khỏi đau khổ và cám dỗ. Vì được viết trong sách ông Gióp rằng: "Đời sống con người trên mặt đất là một cuộc chiến đấu." Do đó, mọi người phải chống trả với cám dỗ và phải tỉnh thức trong sự cầu nguyện đừng để qủy thần tìm được cơ hội lừa gạt họ. Không ai thì thật tuyệt hảo hay thật thánh thiện nhưng đôi khi họ bị cám dỗ; con người không thể nào hoàn toàn tránh được sự cám dỗ. 
 
Tuy nhiên những cám dỗ, dù phiền toái và cam go, thường hữu ích cho con người, vì trong sự cám dỗ họ trở nên khiêm tốn, được thanh khiết và dễ lắng nghe. Tất cả các thánh đều trải qua nhiều cám dỗ và thử thách để sinh ích lợi cho họ, trong khi những người không thể chống trả được thì trở nên phóng đãng và sa ngã. Không có tình trạng nào quá thánh thiện, không có nơi nào quá bí ẩn đến độ sự cám dỗ và thử thách không thể đến được. Con người không bao giờ được an toàn khỏi bị cám dỗ một khi họ còn sống, vì cám dỗ đến tự bên trong chúng ta--chúng ta được sinh ra trong tội. Khi một cơn cám dỗ hay thử thách trôi qua, cái khác lại đến; chúng ta luôn có điều gì phải đau khổ vì chúng ta đã mất tình trạng nguyên thủy đầy ơn phúc. 
 
Nhiều người tìm cách thoát khỏi chước cám dỗ, nhưng họ lại càng chìm vào sâu hơn. Chúng ta không thể chiến thắng bằng cách trốn tránh, nhưng bởi kiên nhẫn và thực sự khiêm tốn chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn kẻ thù. Ai chỉ tránh cám dỗ ở bên ngoài và không nhổ tận gốc thì chỉ tiến bộ chút ít; thật vậy chúng sẽ trở lại mau chóng và dữ dội hơn trước. 
 
Dần dà, trong sự kiên nhẫn và chịu đựng lâu dài bạn sẽ chiến thắng chúng, nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa hơn là bởi sự khắc nghiệt và theo phương cách hấp tấp của bạn. Khi bị cám dỗ hãy tìm lời khuyên bảo; và đừng gay gắt với người cám dỗ, nhưng hãy an ủi họ như chính bạn muốn được an ủi. 
 
Khởi đầu của mọi cám dỗ nằm trong một tâm trí dao động và ít tín thác vào Chúa, vì như một con tầu không có bánh lái bị sóng đẩy đưa, một người cẩu thả và thiếu quyết tâm sẽ bị cám dỗ theo nhiều phương cách. Lửa tôi luyện sắt và cám dỗ tôi luyện người công chính. Thường chúng ta không biết lập trường của mình là gì, nhưng cám dỗ sẽ cho thấy chúng ta là gì. 
 
Trước hết, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác chống với những cám dỗ ban đầu, vì kẻ thù dễ bị khuất phục hơn nếu nó bị khước từ không cho vào tâm trí và khi gõ cửa nó đã bị chặn ngay từ ngưỡng cửa. 
 
Có người nói rất đúng: "Chống trả ngay tự đầu; khi chữa trị thì đã trễ, vì sự trì trệ đã khiến qủy thần thêm mạnh mẽ." Lúc đầu, chỉ một ý nghĩ trong đầu, sau đó sự tưởng tượng mạnh mẽ, tiếp theo là sự khoái lạc, sự vui sướng xấu xa, và thỏa thuận. Do đó, vì nó không bị chống trả ngay từ đầu, Satan ra vào tự do. Và càng chậm trễ chống trả, họ càng yếu sức mỗi ngày, trong khi kẻ thù lại càng tăng sức mạnh. 
 
Một số người chịu thử thách ghê gớm ngay từ đầu hành trình hoán cải, người khác lại ở cuối, trong khi một số khác lại bị quấy rối liên tục trong suốt cuộc đời. Lại nữa, có những người chỉ bị cám dỗ sơ sài tùy theo sự khôn ngoan và công bằng của Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng cân nhắc địa vị và công trạng của mỗi người và chuẩn bị tất cả để được ơn cứu độ. 
 
Do đó, chúng ta không nên thất vọng khi bị cám dỗ, nhưng hãy hăng hái cầu xin Thiên Chúa để Người thấy thích hợp giúp chúng ta, vì theo lời Thánh Phaolô, Người sẽ không để cám dỗ quá sức chúng ta. Chúng ta hãy khiêm tốn phó thác linh hồn chúng ta trong tay Chúa trong mọi cơn thử thách và cám dỗ vì Người sẽ gìn giữ và tán dương những ai khiêm tốn. 
 
Sự tiến bộ của một người được đo lường qua những cám dỗ và thử thách, vì trong đó là cơ hội để lập công trạng và nhân đức. 
 
Khi không gặp khó khăn, người ta ít hăng say và đạo đức, nhưng khi gặp nghịch cảnh nếu họ kiên nhẫn chịu đựng, họ có hy vọng thăng tiến lớn lao. 
 
Để bảo vệ với những cám dỗ lớn, một số người thường chịu những cám dỗ nhỏ để vì khiêm tốn nhận biết yếu đuối của mình trong những thử thách nhỏ, họ có thể không quá tự tin vào sức mạnh của chính mình trong những thử thách lớn.

Chương XIV: Tránh Phán Đoán Cẩu Thả

Hãy hướng sự chú ý đến chính mình và cẩn thận đừng phán xét hành động của người khác, vì khi phán xét người khác người ta nỗ lực uổng công, thường làm lỗi, và dễ phạm tội; trong khi, phán xét và lưu tâm đến chính mình thường đem đến ích lợi. 
 
Chúng ta thường phán xét những sự kiện theo ý chúng ta muốn, vì qua cảm nghĩ cá nhân thường không còn quan điểm đích thật. 
 
Nếu Thiên Chúa là đối tượng duy nhất mà chúng ta ước ao, chúng ta không dễ bị khuấy động bởi ý kiến trái ngược. Nhưng thường một điều gì đó len lỏi bên trong hay xẩy ra bên ngoài làm chúng ta lạc hướng. 
 
Nhiều người, vô tình, tìm kiếm chính mình trong những việc họ làm. Dường như họ an tâm thích thú khi sự kiện xảy ra theo ý họ muốn và ưa thích, nhưng nếu trái với ao ước của họ, không bao lâu họ sẽ bị bối rối và buồn bã. Các tâm tình và ý kiến khác biệt thường chia cách bạn hữu và người thân, ngay cả người đạo đức và sốt sắng. 
 
Một thói quen thì khó thay đổi, và không ai muốn bị dẫn đi xa hơn điều họ có thể thấy. 
 
Nếu bạn dựa nhiều vào sự thông minh hay tính cần cù của bạn hơn là đức tính quy phục Chúa Giêsu Kitô, bạn sẽ khó và chậm để trở nên một người được giác ngộ. Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn toàn quy phục Người và, qua tình yêu nồng nhiệt, vươn lên trên mọi khôn ngoan con người.

Chương XV: Những Việc Được Thi Hành Trong Đức Ái

Đừng bao giờ làm sự dữ vì bất cứ gì trong thế gian, hay vì yêu mến bất cứ ai. Tuy nhiên, vì sự tốt lành của công việc, có lúc người ta phải cố ý bỏ dở hay thay đổi với một việc tốt hơn. Đây không phải là chểnh mảng việc tốt lành nhưng đúng ra là thăng tiến nó. 
 
Nếu không có bác ái, công việc bề ngoài không có giá trị, nhưng bất cứ gì được thi hành trong đức ái, dù nhỏ bé và tầm thường, sẽ sinh kết quả vì Thiên Chúa để ý đến lòng bác ái trong hành động của họ chứ không phải chính việc làm. 
 
Người làm nhiều thì yêu mến nhiều. Người làm nhiều sẽ làm giỏi. Người làm giỏi sẽ phục vụ công ích thay vì vui thú của chính mình. 
 
Giờ đây, điều tưởng là bác ái thì thực sự là thú vui nhục dục, vì xu hướng của người ấy, ý định của họ, lòng muốn được khen thưởng, và tư lợi của họ là những động lực ít khi thiếu. Trái lại, người có đức ái đích thật và tuyệt hảo thường không tìm kiếm gì cho mình, nhưng tìm kiếm mọi sự vì vinh danh Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ không ghen tị ai, vì họ không muốn vui thú riêng hay muốn tự hào về chính mình, thay vào đó họ muốn Thiên Chúa được vinh danh trên mọi sự. Họ không quy cho con người bất cứ gì tốt lành nhưng hoàn toàn quy cho Thiên Chúa là Đấng mà mọi sự được xuất phát như từ một suối nước, và trong Người tất cả những ai được chúc phúc đến nghỉ ngơi như mục đích và kết quả sau cùng. 
 
Nếu người ta còn một chút đức ái đích thật chắc chắn họ sẽ cảm thấy rằng mọi sự ở trần gian này thực sự là phù phiếm!

Chương XVI: Chịu Đựng Lỗi Lầm của Người Khác

Nếu Thiên Chúa không có quy định nào khác, người ta phải kiên nhẫn chịu đựng bất cứ gì mà họ không thể sửa đổi nơi chính mình và nơi người khác. Như vậy, tốt hơn hãy coi đó có lẽ để thử thách sự kiên nhẫn của bạn và để kiểm tra bạn, vì không có sự thử thách và kiên nhẫn, công trạng của bạn không đáng kể. Tuy nhiên, với những khó khăn như vậy bạn phải cầu xin Thiên Chúa để Người giúp bạn chịu đựng chúng một cách điềm tĩnh. 
 
Nếu sau khi khuyên bảo một hai lần, người ấy không sửa đổi, đừng tranh luận với họ nhưng hãy dâng mọi sự lên Thiên Chúa để thánh ý và vinh dự của Người được xúc tiến trong mọi tôi tớ của Người, vì Thiên Chúa biết rõ làm thế nào để biến xấu thành tốt. Hãy cố gắng kiên nhẫn chịu đựng những khiếm khuyết của người khác, dù bất cứ gì, vì bạn cũng có nhiều khuyết điểm mà người khác phải chịu đựng. 
 
Nếu bạn không thể thay đổi chính mình để trở nên như bạn muốn, làm thế nào bạn có thể uốn nắn người khác theo ý bạn được? Chúng ta muốn họ trở nên trọn lành, nhưng chúng ta chưa sửa đổi lỗi lầm của chính mình. Chúng ta ao ước họ được sửa trị cách nghiêm khắc, nhưng chúng ta không thay đổi mình. Sự tự do của họ làm phật lòng chúng ta, nhưng chúng ta cũng không bị từ chối những gì chúng ta xin. Chúng ta muốn họ bị ràng buộc bởi lề luật, nhưng chúng ta sẽ không để chính mình bị cản trở bởi bất cứ gì. Vì vậy, thật rõ ràng là chúng ta ít nghĩ đến người khác hơn là chính mình. 
 
Nếu tất cả chúng ta đều tuyệt hảo, có còn ai để chúng ta phải đau khổ chịu đựng vì danh Chúa? Nhưng Thiên Chúa đã quy định như vậy, để chúng ta có thể biết được cách chịu đựng gánh nặng của nhau, vì không ai là không có lỗi, không ai không có gánh nặng, không ai trọn vẹn hay khôn ngoan đủ. Vì vậy chúng ta phải nâng đỡ lẫn nhau, an ủi lẫn nhau, hỗ tương giúp đỡ, và khuyên bảo, vì sự đo lường nhân đức của người ta thì được tỏ lộ rõ ràng nhất trong lúc khốn khó--tai họa không làm con người nên yếu đuối nhưng thay vào đó nó cho thấy họ là gì.

Chương XVII: Đời Sống Đan Viện

Nếu bạn muốn sống bình an và hài hòa với người khác, bạn phải biết cách bỏ đi ý riêng của mình trong nhiều điều. Để sống trong các đan viện hay dòng tu, vẫn ở đó mà không than phiền, và bền chí trung thành cho đến chết thì không phải là vấn đề nhỏ. Thật vậy, phúc cho ai sống một cuộc đời tốt lành ở đó và chết cách hạnh phúc cũng ở đó. 
 
Nếu bạn muốn kiên trì tìm kiếm sự trọn lành, bạn phải coi mình là một lữ khách, một người đi đầy ở trần gian. Nếu bạn muốn trở nên một tu sĩ, bạn phải bằng lòng là kẻ điên khùng vì Chúa Kitô. Y phục và nghi thức cắt tóc thay đổi con người nhưng chỉ chút đỉnh; đó là thay đổi đời sống, hoàn toàn chết đi các đam mê để hun đúc một tu sĩ đích thật. 
 
Ai muốn tìm kiếm Thiên Chúa và sự cứu độ của linh hồn mình thì sẽ chỉ tìm thấy khó khăn và muộn phiền, và ai không muốn trở nên người nhỏ nhất, tôi tớ của tất cả, thì không thể giữ được sự bình an lâu dài.

Bạn đến để phục vụ, không phải để ra lệnh. Bạn cũng phải hiểu rằng bạn được mời gọi để chịu đựng và làm việc, không phải để nhàn rỗi và tán dóc cho hết giờ. Ở đây người ta bị thử thách như vàng trong lửa. Ở đây không ai có thể sống nếu họ không thật tâm khao khát muốn trở nên khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa.

Chương XVIII: Gương Mẫu của Các Giáo Phụ

Hãy nhìn đến gương mẫu sống động của các thánh, là những người có được ánh sáng của sự trọn lành và đạo đức đích thật, và bạn sẽ thấy chúng ta thi hành thật ít ỏi, gần như chẳng có gì. Than ôi, cuộc đời chúng ta chẳng là gì so với các ngài! Các thánh và các bạn của Đức Kitô đã phục vụ Chúa trong đói khát, trong lạnh lẽo và trần truồng, trong công việc và sự mệt nhọc, trong kinh nguyện và chiêm niệm, trong sự bách hại và biết bao hoạn nạn. Biết bao nhiêu thử thách gắt gao họ phải chịu đựng--các Tông Đồ, các vị tử đạo, những người bị cầm tù vì đức tin, các trinh nữ, và tất cả những ai muốn đi theo con đường của Đức Kitô! Họ ghét bỏ cuộc sống đời này để có được sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 
 
Đời sống của các vị ẩn sĩ trong sa mạc thật nghiêm ngặt và không lệ thuộc biết chừng nào! Họ phải chịu những thử thách nặng nề và lâu dài! Họ thường bị vây bủa bởi kẻ thù! Họ thường xuyên và hăng say cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa! Họ giữ chay thật khắt khe! Lòng yêu mến và hăng say muốn nên trọn lành của họ thật lớn lao biết chừng nào! Họ chiến đấu để làm chủ các thói xấu thật can đảm biết chừng nào! Họ cho thấy mục đích hướng đến Thiên Chúa thật tinh tuyền và thẳng thắn! Ban ngày họ làm việc và ban đêm họ cầu nguyện lâu giờ. Ngay cả khi làm việc họ không ngừng cầu nguyện bằng tâm trí. Họ dùng thời giờ thật ích lợi; mỗi giờ dường như quá ngắn để phục vụ Thiên Chúa, và trong sự chiêm niệm ngọt ngào lớn lao, họ quên cả nhu cầu của thân xác. 
 
Họ từ bỏ mọi sự giầu sang, danh giá, vinh dự, bạn hữu và các liên hệ. Họ không muốn gì nơi thế gian. Ít khi họ cho phép mình được những tiện ích của đời sống, và sự phục vụ thân xác, ngay cả khi cần thiết, cũng làm khó chịu một số người. Họ nghèo của cải trần gian nhưng giầu có ơn sủng và nhân đức. Nghèo túng bên ngoài, bên trong họ đầy tràn ơn sủng và sự an ủi của Thiên Chúa. Xa lạ với thế gian, họ gần gũi và là bạn thân tình của Thiên Chúa. Chính họ dường như chẳng là gì cả, và họ bị thế gian khinh miệt, nhưng trong mắt Thiên Chúa họ đáng quý và được yêu mến. Họ sống thực sự khiêm tốn và đơn sơ vâng phục; họ bước đi trong bác ái và kiên nhẫn, tiến bộ hằng ngày trên hành trình đời sống tâm linh và được sự quý mến của Thiên Chúa. 
 
 Họ được coi như gương mẫu của mọi tu sĩ, và sức mạnh khích động tiến đến sự trọn lành của họ phải lớn hơn sự thờ ơ cám dỗ chúng ta sống lè phè. 
 
Thật hăng say chừng nào khi các tu sĩ khởi đầu đời sống tu viện! Họ thật tận tụy cầu nguyện và ganh đua nhân đức! Thật đẹp biết bao tinh thần kỷ luật lan tràn giữa họ! Sự tôn trọng và vâng phục mọi sự dưới quyền một bề trên thật vĩ đại! Dấu chân họ để lại vẫn còn làm chứng rằng quả thật họ là những người thánh thiện và trọn lành đã can đảm chiến đấu và thắng được thế gian. 
 
Ngày nay, ai không vi phạm và kiên nhẫn chịu đựng các nhiệm vụ tự lãnh nhận thì đã được coi là vĩ đại. Chúng ta thật thờ ơ và chểnh mãng biết chừng nào! Chúng ta mau chóng đánh mất sự hăng say ban đầu và ngay cả cảm thấy mệt mỏi vì lười biếng! Bạn đã được thấy quá nhiều gương mẫu đạo đức thì đừng ngủ gục khi theo đuổi nhân đức!

Chương XIX: Các Luyện Tập của Một Tu Sĩ Tốt Lành  

Đời sống của một tu sĩ tốt lành thì phải đầy dẫy mọi nhân đức để đối với người khác thì dường như họ còn thua kém. Với lý do tốt lành, nội tâm sung mãn thì tốt hơn đầy dẫy ở bên ngoài, vì Đấng thấu suốt bên trong là Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta phải hết sức tôn kính dù chúng ta ở đâu và trong mắt Người chúng ta phải bước đi một cách trong trắng như thiên thần. 
 
Mỗi ngày chúng ta phải canh tân điều quyết tâm và chỗi dậy với sự hăng say như thể đó là ngày đầu tiên trong đời sống tu trì. Chúng ta phải nói: "Lậy Chúa, xin giúp con sống điều quyết tâm và trong sự phục vụ thánh thiện của Chúa. Giờ đây, ngay trong hôm nay, xin giúp con khởi sự một cách tuyệt hảo, vì cho đến bây giờ con chưa đạt được gì cả." 
 
Có tiến bộ hay không là tùy theo ý định; và ai khao khát sự trọn lành thì phải rất chuyên cần. Nếu một người có ý chí mạnh còn sa ngã thường xuyên thì người thiếu quyết tâm hoặc không tha thiết thì sao? Trong sự quyết tâm của chúng ta có nhiều cách để sa ngã; ngay cả một thiếu sót nhỏ trong luyện tập cũng dẫn đến một mất mát gì đó. 
 
Người công chính tùy thuộc vào ơn Chúa hơn là sự khôn ngoan riêng mình khi tuân giữ điều quyết tâm. Trong Người họ phó thác mọi việc, vì quả thật, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên," và kiểu cách Thiên Chúa khác với con người. Nếu một tập luyện thỉnh thoảng bị bỏ qua vì sự đạo đức hay vì thích sự tập luyện khác, sau này nó có thể tập lại dễ dàng. Nhưng nếu nó bị bỏ quên một cách cẩu thả, vì mệt mỏi hay chểnh mảng, sai lầm ấy thật lớn và sẽ đưa đến thiệt hại. Dù cố gắng đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn dễ sa ngã trong nhiều điều. Tuy nhiên chúng ta phải luôn có một số mục đích nhất định, nhất là đối với những gì cản trở chúng ta nhiều nhất. Đời sống bên trong cũng như bên ngoài phải được để ý kỹ lưỡng và phải có thứ tự, vì cả hai đều quan trọng để nên trọn lành. 
 
Nếu bạn không thể xét mình liên tục, hãy thi hành tối thiểu mỗi ngày một lần, buổi sáng hay buổi tối. Vào buổi sáng đề ra một quyết tâm và buổi tối tự kiểm điểm xem những gì bạn đã nói trong ngày, những gì bạn đã làm và đã nghĩ đến, vì trong những điều đó có lẽ bạn thường làm mất lòng Chúa và người chung quanh. 
 
Hãy trang bị cho mình như một người chống trả sự tấn công của qủy thần. Hãy kềm chế sự thèm khát và rồi bạn sẽ dễ kềm chế xu hướng xác thịt. Đừng bao giờ hoàn toàn không bận rộn, nhưng hãy đọc hay viết hay cầu nguyện hay suy niệm hay làm bất cứ gì đó vì ích lợi chung. Tuy nhiên, sự rèn luyện thân xác phải được thi hành với sự phân định và không được thi hành một cách bữa bãi bởi bất cứ ai. 
 
Những việc đạo đức không phổ thông thì đừng phô bầy nơi công cộng, vì tốt hơn nên thi hành điều riêng tư nơi kín đáo. Hơn nữa, hay cẩn thận đừng thờ ơ với sự cầu nguyện chung vì ưa thích cách sùng kính riêng của mình. Tuy nhiên, sau khi thi hành một cách chu toàn và trung thực với những bó buộc thuộc bổn phận, nếu có giờ rảnh rỗi hãy dùng nó cho các gợi ý đạo đức riêng tư. 
 
Không phải ai ai cũng có cùng một loại sùng kính. Cái thích hợp người này, cái thích hợp người kia. Tương tự như vậy, các luyện tập khác nhau thích hợp cho những thời điểm khác nhau, có cái cho ngày lễ và có cái cho ngày trong tuần. Khi bị cám dỗ, chúng ta cần những loại sùng kính nào đó. Cho những ngày nghỉ ngơi và an bình chúng ta cần các loại khác. Có những loại thích hợp khi buồn sầu, có những loại khi vui vẻ trong Chúa. 
 
Vào những ngày lễ lớn, việc sùng kính phải được canh tân và thành khẩn cầu xin sự cầu bầu của các thánh. Từ ngày lễ này sang ngày lễ khác, chúng ta phải tập trung đến mục đích của chúng ta như thể đang đi từ thế gian đến ngày lễ hội trên thiên đàng. 
 
Sau cùng, trong mùa lễ, chúng ta phải cẩn thận chuẩn bị con người, sống thánh thiện hơn, và tuân giữ quy luật nghiêm nhặt hơn, như thể sắp sửa được lãnh nhận phần thưởng của Thiên Chúa vì sự lao nhọc của chúng ta. Nếu mục đích này bị trì hoãn, hãy tin rằng chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng và chúng ta chưa xứng với vinh dự lớn lao sẽ được tiết lộ cho chúng ta vào đúng lúc. Trong khi đó, chúng ta hãy chuẩn bị cho mình một cái chết thật tốt đẹp. 
 
Đức Kitô nói, "Phúc cho tôi tớ nào khi chủ đến vẫn còn tỉnh thức. Thật, Thầy bảo thật các con: ông chủ sẽ đặt người ấy cai quản mọi tài sản của ông" (Luca 12:43, 44)

Chương XX: Yêu Mến Cô Độc và Thinh Lặng  

Hãy tìm kiếm thời giờ thích hợp để thư thái và suy niệm thường xuyên vì quý mến Thiên Chúa. Đừng tò mò điều kỳ lạ. Đọc những điều như vậy sẽ đem muộn phiền cho tâm hồn thay vì giúp tâm trí bận rộn. Nếu bạn tự rút lui khỏi những cuộc bàn tán không cần thiết và vẩn vơ hết thời giờ, tránh lắng nghe chuyện tầm phào và tin đồn, bạn sẽ có đủ thời giờ thích hợp để chiêm niệm. 
 
Rất nhiều vị đại thánh cố tránh tụ tập bất cứ khi nào có thể để phục vụ Thiên Chúa trong sự thư thái. Một vị viết, "Càng thường xuyên đàn đúm với người ta, tôi càng mất đi bản tính con người." Chúng ta thấy điều này thường đúng khi tham dự các cuộc trò chuyện lâu dài. Dễ để im lặng hơn là nói nhiều. Ở nhà thì dễ hơn là ra đi với đầy đủ trang bị. Vậy, bất cứ ai muốn nhắm đến một đời sống nội tâm và tâm linh thì phải, cùng với Chúa Giêsu, tách biệt khỏi đám đông. 
 
Không ai xuất hiện trước công chúng một cách an toàn trừ khi trước hết họ ưa chuộng tính cách vô danh. Không ai an toàn trong lời nói trừ khi họ yêu chuộng sự thinh lặng. Không ai chỉ huy một cách an toàn trừ khi họ sẵn sàng được chỉ huy. Không ai ra lệnh một cách an toàn trừ khi họ biết rõ thế nào là vâng phục. Không ai vui mừng một cách an toàn trừ khi trong lòng họ có một lương tâm tốt lành. 
 
Hơn thế nữa, sự an toàn của các thánh luôn được gói ghém trong sự kính sợ Thiên Chúa, không phải vì họ thiếu thận trọng và khiêm tốn nhưng vì người ta để ý đến nhân đức và ơn sủng của họ. Ngược lại, sự an toàn của kẻ độc ác phát sinh từ sự kiêu căng và hành động táo bạo và sẽ kết thúc trong mưu mô gian dối của chính họ. 
 
Đừng bao giờ cho rằng bạn an toàn trong đời này, dù bạn có vẻ là một tu sĩ tốt lành, hay một ẩn sĩ đạo đức. Rất thường xảy ra là những ai được quá quý trọng thì lại dễ lâm vào tình trạng nguy hiểm vì quá tự tin. Do đó, với nhiều người, tuyệt đối không bị cám dỗ thì không phải là tốt, nhưng nên thường bị thử thách để đừng trở nên quá an tâm, đầy kiêu hãnh, hoặc ngay cả chỉ muốn trở về với sự tiện nghi thân xác. 
 
Nếu người ta không bao giờ tìm kiếm niềm vui chóng qua và vướng vào chuyện thế sự, họ sẽ có một lương tâm tốt lành. Họ sẽ thật bình an và thanh thản nếu cắt đứt mọi lo lắng hão huyền và chỉ nghĩ đến những điều của Thiên Chúa, những điều hữu ích cho linh hồn, và hoàn toàn tín thác vào Chúa. 
 
Không ai đáng được sự an ủi của Thiên Chúa nếu họ không kiên trì ăn năn thống hối. Nếu bạn thực sự lo buồn trong tâm hồn, hãy đi vào phòng và tách biệt khỏi sự ồn ào thế tục, như đã được viết: "Hãy than vãn về tội mình trong phòng." Ở đó bạn sẽ tìm thấy điều mà bạn thường đánh mất khi ở ngoài. 
 
Căn phòng của bạn sẽ trở nên thân thương nếu bạn muốn ở trong đó, nhưng nếu không, nó trở nên chán ngắt. Nếu ngay tự đầu đời sống tu trì, bạn sống và gìn giữ căn phòng ấy, không lâu nó sẽ trở nên một người bạn đặc biệt và một sự an ủi lớn lao. 
 
Trong sự thinh lặng một linh hồn sùng tín sẽ thăng tiến trong nhân đức và biết được các chân lý giấu kín của Kinh Thánh. Ở đó họ sẽ tìm thấy cả dòng nước mắt để tẩy rửa chính họ hằng đêm, để họ có thể ngày càng thân mật với Tạo Hóa khi họ càng xa cách với mọi ồn ào của thế gian. Vì Thiên Chúa và các thiên thần sẽ đến với họ là người xa cách với bạn hữu và người thân. 
 
Một người không ai biết đến và đạt được ơn cứu độ thì tốt hơn là nổi tiếng vì làm được phép lạ mà thờ ơ với sự cứu độ. Thật đáng ca ngợi khi một tu sĩ ít khi ra ngoài, để tránh con mắt người đời và không muốn nhìn thấy họ. 
 
Sao lại ước ao nhìn thấy điều mà bạn không được phép? "Thế giới này qua đi và thú vui trần tục cũng vậy." Sự đói khát nhục dục đôi khi dụ dỗ bạn đi lang thang, nhưng khi giây phút ấy qua đi, điều gì có thể giúp bạn đừng bị lương tâm khuấy động và một tâm hồn ra nặng nề? Một chuyến đi vui vẻ thường dẫn đến lối về buồn thảm, một buổi tối hoan lạc dẫn đến một bình minh ảm đạm. Như thế, mọi thú vui nhục dục bắt đầu thật hấp dẫn nhưng sau cùng nó đưa đến sự hối tiếc và cái chết. 
 
Điều gì bạn có thể tìm kiếm ở nơi khác mà bạn không thể thấy ngay trong căn phòng mình? Đây là trời và đất và mọi yếu tố, vì những điều này mà mọi sự được tạo dựng. Điều gì bạn thấy có thể tồn tại lâu dài bất cứ đâu dưới ánh mặt trời? Có lẽ bạn nghĩ mình sẽ thực sự đầy đủ, nhưng bạn không thể làm được, vì nếu bạn được thấy mọi điều hiện hữu, nó có gì khác hơn là một cái nhìn trống rỗng? 
 
Hãy ngước mắt lên Thiên Chúa ở thiên đàng và cầu nguyện vì tội lỗi và khuyết điểm của bạn. Hãy để sự hư ảo ra hư không. Hãy bắt tay vào những việc mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho bạn thi hành. Hãy khép lòng mình lại và kêu cầu đến Chúa Giêsu, Người Thân Yêu của bạn. Hãy ở với Người trong căn phòng, vì không ở đâu bạn tìm thấy sự bình an như thế. Nếu bạn không rời bỏ nơi đó, và nếu không lắng nghe chuyện tầm phào vớ vẩn, bạn sẽ ở lại trong sự bình an lớn lao. Nhưng vì thỉnh thoảng bạn ưa thích nghe tin tức, điều đó chỉ đúng nếu bạn thấy buồn phiền trong tâm hồn.

Chương XXI: Tâm Hồn Đau Buồn  

Nếu bạn muốn tiến bộ trong nhân đức, hãy sống kính sợ Thiên Chúa, đừng tìm cách được quá nhiều tự do, hãy rèn luyện giác quan, và tránh xa sự khờ dại ngớ ngẩn. Sự đau buồn giúp cho nhiều người được ơn sủng trong khi sự phóng đãng thường hủy diệt ơn ấy. 
 
Người ta tự hỏi có ai để ý và suy gẫm về tình trạng đầy ải của mình cũng như những nguy hiểm cho linh hồn mà lại có thể tuyệt đối hạnh phúc ở đời này. Vì thư thái và không chú ý đến nhược điểm của mình, chúng ta không cảm thấy thực sự đau buồn cho linh hồn chúng ta, nhưng thường thỏa thích trong tiếng cười vô nghĩa khi chúng ta có lý do chính đáng để than khóc. Không tự do nào thật sự và không niềm vui nào đích thật nếu nó không được xây dựng trên sự kính sợ Thiên Chúa và một lương tâm tốt lành. 
 
Phúc cho ai có thể trút bỏ mọi gánh nặng vì lo lắng và hồi tưởng lại đời sống mình trong sự thống hối thánh thiện. Phúc cho ai có thể quẳng đi mọi điều có thể làm lương tâm ra hoen ố và nặng nề.
 
Hãy chiến đấu như một con người. Thói xấu bị lấn lướt bởi thói tốt. Nếu bạn đừng đả động đến người khác, họ sẽ để yên cho bạn thi hành điều phải làm. Đừng bận tâm đến công việc của người khác và đừng vướng mắc đến công việc của bề trên. Chính yếu, hãy để mắt đến chính mình và cổ động chính mình hơn là bạn hữu. 
 
Nếu bạn không muốn người ta quý chuộng, đừng để điều đó làm bạn buồn; nhưng nếu bạn không sống đúng với tư cách hay không cẩn trọng như một tôi tớ của Thiên Chúa và như một tu sĩ sùng tín, hãy coi đó là vấn đề quan trọng. 
 
Thật tốt hơn và an toàn hơn cho chúng ta khi ít được khuây khỏa đời này, nhất là sự thoải mái của thân xác. Tuy nhiên nếu chúng ta không có sự khuây khỏa thánh thiêng hay ít khi cảm nghiệm được điều đó, đó là lỗi của chúng ta vì đã không tìm kiếm sự đau buồn tâm hồn và không từ bỏ sự thoả mãn phù phiếm bề ngoài. 
 
Hãy tự coi mình không xứng với sự an ủi của Thiên Chúa và đúng hơn đáng bị khổ não. Khi một người thực sự thống hối, đối với họ cả thế giới thì cay đắng và chán ngắt. 
 
Một người tốt lành luôn tìm thấy điều để than khóc; dù nghĩ đến chính mình hay tha nhân họ biết rằng không ai sống ở đời này mà không đau khổ, và càng xét mình kỹ càng bao nhiêu họ càng lo buồn bấy nhiêu. 
 
Tội lỗi và thói xấu, làm chúng ta quá vướng bận đến nỗi ít khi nghĩ đến thiên đàng, là những vấn đề đáng phải đau buồn và thống hối tận căn. 
 
Không ai hồ nghi rằng bạn sẽ nghiêm chỉnh sửa đổi mình nếu bạn nghĩ nhiều về sự chết yểu hơn là sống lâu.Và nếu bạn trầm ngâm về cái đau đớn của hỏa ngục hay luyện ngục tương lai, tôi tin rằng bạn sẽ sẵn sàng chịu lao nhọc và khó khăn và không sợ cực khổ. Nhưng vì các ý nghĩ ấy không bao giờ đánh động tâm hồn và vì chúng ta ham mê sự khoái lạc được thổi phồng, chúng ta vẫn rất lạnh lùng và thờ ơ. Thân thể khốn khổ của chúng ta rất dễ phàn nàn vì cả linh hồn chúng ta cũng không có sự sống. 
 
Do đó, hãy khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa để Người có thể ban cho bạn thần khí thống hối và cùng với Ngôn Sứ hãy lên tiếng: "Lậy Chúa, hãy nuôi con với bánh đau buồn và cho con uống suối lệ chứa chan" (Tv 79:6).

Chương XXII: Những Ý Nghĩ Về Sự Bất Hạnh của Con Người

Bất cứ ở đâu, bất cứ đi đâu, bạn vẫn khốn khổ nếu không quay về với Thiên Chúa. Vậy sao lại mất tinh thần khi những điều xảy ra không như bạn ước muốn? Có ai được tất cả mọi sự như họ muốn không? Không--cả tôi cũng vậy, cả bạn cũng vậy, và bất cứ ai trên trái đất này cũng vậy. Không ai trên trái đất này, dù là giáo hoàng hay vua, mà không phải chịu đau khổ thử thách. 
 
Vậy có ai là người tốt hơn? Có chứ, đó là người chịu đau khổ vì Thiên Chúa. Nhiều người thiếu phán đoán và hay thay đổi nói rằng "Hãy coi người đó sống sung sướng, giầu sang chừng nào, họ vĩ đại, quyền thế biết bao." Nhưng bạn phải hướng mắt lên sự giầu sang trên thiên đàng và nhận biết rằng của cải vật chất mà họ nói đến thì chẳng là gì cả. Những thứ ấy không chắc chắn và rất phiền toái vì họ không bao giờ có được của cải mà không lo âu sợ hãi. Hạnh phúc con người không lệ thuộc vào việc làm chủ của cải dồi dào; chỉ một ít thôi cũng đã đủ. 
 
Sống trên trái đất thực sự là một bất hạnh. Càng khao khát đời sống tâm linh bao nhiêu, con người càng cay đắng với hiện tại bấy nhiêu, vì họ hiểu rõ hơn và thấy hiển nhiên hơn những khiếm khuyết, sự thối nát của bản tính loài người. Để ăn uống, để nhìn xem và ngủ nghỉ, để thư thái, để lao nhọc, và bị ràng buộc bởi nhu cầu của người khác thì chắc chắn là một bất hạnh lớn lao và khổ sở cho một người sùng tín, họ sẽ vui hơn khi không bị ràng buộc bởi những thứ ấy và được sạch khỏi mọi tội lỗi. Thật vậy, người sống nội tâm ở đời này thì bị gánh nặng bởi nhu cầu của thân xác, và vì lý do này một ngôn sứ đã xin được giải thoát khỏi những thứ đó nếu có thể: "Lậy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi khó khăn" (Tv 34:17). 
 
Nhưng khốn cho ai không biết sự bất hạnh của chính mình, và càng khốn hơn nữa cho những ai ái mộ đời sống bất hạnh và thối nát này. Thật vậy, một số người hầu như không thể mua được những thứ cần dùng bởi việc làm hay xin xỏ; tuy nhiên họ lại yêu thích điều đó đến nỗi chỉ muốn được sống mãi ở đây, chẳng màng gì đến vương quốc Thiên Chúa. 
 
Thật điên rồ và thiếu lòng tin dường nào khi những người quá mê mải sự đời không ưa thích điều gì khác hơn là nhục dục! Quả thật họ là những người đáng thương, vì cuối cùng họ sẽ đau buồn khi thấy những gì họ ưa thích thì thật rẻ tiền và vô giá trị. 
 
Các thánh của Thiên Chúa và các bạn sùng tín của Đức Kitô không tìm kiếm những gì thoả mãn thân xác hay những gì được người đời nhiều khi ưa thích. Mục đích và toàn thể hy vọng của họ nhắm đến sự tốt lành bất diệt. Tất cả những gì họ khao khát là hướng đến vương quốc vô hình và lâu dài, không để cho việc ham muốn điều hữu hình khiến họ trở nên tầm thường. 
 
Vậy, đừng mất hăng hái, hỡi anh chị em, khi theo đuổi đời sống tâm linh. Vẫn còn kịp, và thời giờ của bạn chưa qua. Sao lại trì hoãn mục đích của mình? Hãy vùng lên! Hãy bắt đầu ngay lập tức và nói: "Đây là giờ hành động, đây là lúc chiến đấu, đây là thời gian thích hợp để cải thiện." 
 
Khi bạn gặp khó khăn và đau buồn, đó là lúc để có thêm công nghiệp. Bạn phải vượt qua sóng gió và lửa bỏng trước khi đến chỗ nghỉ ngơi. Nếu bạn không mạnh dạn, bạn sẽ không vượt qua được thói xấu. 
 
Một khi còn sống trong thân thể mỏng dòn này, chúng ta không thể sạch tội hoặc không thể sống mà không mệt mỏi và đau buồn. Thật vui sướng biết bao nếu chúng ta được thoát khỏi mọi bất hạnh, nhưng khi mất sự trong trắng vì tội lỗi, chúng ta cũng mất ơn sủng đích thật. Do đó, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi lòng thương xót của Thiên Chúa cho đến khi điều tội lỗi này trôi qua, cho đến khi sự chết bị nuốt trôi trong sự sống. 
 
Bản tính con người thật bạc nhược là chừng nào khi hướng về sự dữ! Hôm nay bạn xưng thú tội lỗi và ngày mai bạn lại tái phạm tội lỗi ấy. Ngay lúc này bạn quyết tâm phải thận trọng, thế mà một giờ sau bạn lại hành động như thể chưa bao giờ quyết tâm. 
 
Do đó, vì sự mỏng dòn và nhu nhược, chúng ta có lý do để khiêm tốn và đừng bao giờ nghĩ điều gì vĩ đại về mình. Vì chểnh mảng, chúng ta có thể mau chóng đánh mất những gì mà nhờ ơn Chúa, chúng ta có được qua sự lao nhọc vất vả, lâu dài. Sau cùng, chúng ta sẽ trở nên gì khi quá mau chóng trở nên lãnh đạm? Khốn cho chúng ta khi cho là mình được an nghỉ trong bình an và bảo bọc khi cuộc đời chúng ta thực sự không có thánh thiện đích thật. Thật có lợi cho chúng ta, như những đệ tử ngoan ngoãn, được dậy bảo một lần nữa về các quy tắc của một đời sống tốt lành, để thấy có hy vọng khi sửa đổi và tiến bộ tâm linh trong tương lai.

Chương XXIII: Nghĩ về Sự Chết

Không bao lâu cuộc đời bạn sẽ chấm dứt; vậy hãy nghĩ xem điều gì được cất giữ cho bạn ở đâu đó. Hôm nay chúng ta sống; ngày mai chúng ta chết và bị lãng quên rất mau. Ôi, sự đần độn và cứng cỏi của một tâm hồn thì chỉ nghĩ đến hiện tại thay vì chuẩn bị những gì sẽ đến! 
 
Bởi đó, trong mọi hành động và mọi tư tưởng, hãy thi hành như thể bạn sẽ chết vào ngày hôm nay. Nếu bạn có một lương tâm tốt lành bạn sẽ không sợ chết quá đáng. Tránh tội thì tốt hơn là sợ chết. Nếu hôm nay bạn không chuẩn bị, làm thế nào bạn chuẩn bị được ngày mai? Ngày mai thì không chắc đến, làm thế nào bạn biết là có ngày mai? 
 
Có tốt gì khi sống một cuộc đời mà chúng ta ít thay đổi cho nó tốt hơn? Thật vậy, một cuộc đời lâu dài thường không có lợi cho chúng ta, nhưng trái lại, nó thường tích lũy thêm tội lỗi. Phải chi trong trần gian này chỉ có một ngày để chúng ta sống thật tốt đẹp. Nhiều người tính sổ những năm sống trong đạo nhưng thấy rằng cuộc đời họ chẳng thánh thiện gì hơn. Nếu cái chết là điều khủng khiếp, thì rất có thể là càng sống lâu thì càng nguy hiểm. Phúc cho ai luôn nhớ đến sự chết và hằng ngày chuẩn bị cho cái chết của mình. 
 
Nếu có bao giờ bạn chứng kiến một người từ trần, hãy nhớ rằng, bạn cũng phải đi qua con đường đó. Buổi sáng hãy nhớ rằng có thể bạn không còn sống đến buổi chiều, và khi tối đến đừng dám chắc bạn sẽ sống đến bình minh. Do đó, hãy luôn sẵn sàng và sống như thể cái chết không bao giờ đến với bạn mà không chuẩn bị. Nhiều người chết thình lình và không ngờ, vì vào lúc bất ngờ Con Thiên Chúa sẽ đến. Khi giây phút cuối cùng ấy đến, bạn sẽ có nhiều ý nghĩ thật khác biệt về cuộc đời mà bây giờ nó đã qua và rồi bạn sẽ rất hối tiếc là đã quá thờ ơ và cẩu thả. 
 
Thật vui sướng và khôn ngoan biết bao khi trong cuộc đời này người ta cố gắng trở nên những gì mà họ muốn tìm thấy khi từ trần. Tuyệt đối khinh miệt thế gian, luôn ao ước thăng tiến nhân đức, yêu mến sự rèn luyện, làm việc đền tội, sẵn sàng vâng phục, tiết dục, và bền bỉ chịu gian khổ vì tình yêu Đức Kitô, những điều này sẽ giúp người ta hy vọng lớn lao về một cái chết vui sướng. 
 
Bạn có thể làm được nhiều việc tốt lành khi mạnh khỏe, nhưng khi đau yếu bạn làm được những gì? Chẳng được bao nhiêu khi bệnh hoạn. Tương tự như nhiều người đi hành hương nhưng ít người nên thánh. 
 
Đừng đặt tin tưởng vào bạn hữu và thân thuộc, và đừng trì hoãn việc chăm sóc linh hồn bạn, vì người ta quên bạn mau hơn cả bạn nghĩ. Tốt hơn ngay bây giờ hãy chuẩn bị và thi hành các công việc tốt lành trước khi chết còn hơn là trông nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Nếu bạn không lo gì đến phúc lợi của mình thì ai sẽ lo cho bạn khi chết đi? 
 
Hiện tại thì rất quý; đây là ngày cứu độ; bây giờ là lúc thuận tiện. Thật buồn biết bao khi bạn không dùng thời gian mà trong đó bạn có thể kiếm được sự sống đời đời trong một phương cách tốt đẹp hơn. Sẽ đến lúc khi bạn chỉ muốn có một ngày, một giờ để cải thiện, và ai chắc rằng bạn có được lúc đó hay không? 
 
Vậy, bạn yêu dấu, hãy thấy rằng bạn có thể thoát khỏi sự nguy hiểm vô cùng và sự sợ hãi lớn lao vì mất ơn cứu độ, nếu bạn luôn luôn cảnh giác và nhớ tới cái chết. Ngay bây giờ hãy cố sống theo một phương cách mà vào giờ lâm tử bạn có thể vui mừng thay vì sợ hãi. Hãy học cách chết đi cho thế gian bây giờ, để rồi bạn có thể bắt đầu sống với Đức Kitô. Hãy học cách từ bỏ mọi sự ngay bây giờ, để rồi bạn có thể rảnh rang ra đi với Người. Hãy trừng phạt thân xác bạn trong sự ăn năn sám hối bây giờ, để rồi bạn có thể tin tưởng chắc chắn. 
 
Ôi, người điên dại, sao bạn lại trù tính sống lâu khi bạn không chắc có sống được một ngày? Biết bao người đã bị lừa gạt và bị đem đi đột ngột! Biết bao lần bạn được nghe về những người bị chết chìm, bị rơi từ trên cao xuống, bị chết trong khi ăn uống, khi chơi đùa, trong lửa cháy, bởi chiến tranh, bởi bệnh tật, hay bởi bàn tay các tên trộm cướp! Cái chết là đường cùng của mọi người và đời sống con người chóng qua như bóng mây. 
 
Ai sẽ nhớ đến bạn sau khi chết? Ai sẽ cầu cho bạn? Bạn yêu dấu, ngay bây giờ hãy thi hành bất cứ gì có thể vì bạn không biết khi nào từ trần, hay số phận của bạn ra sao sau khi chết. Hãy kiếm cho mình sự bất tử quý giá trong khi còn có thời giờ. Đừng nghĩ gì khác hơn là ơn cứu độ. Chỉ lưu tâm đến những gì thuộc về Chúa. Ngay bây giờ hãy nuôi dưỡng tình bạn khi vinh danh các thánh của Thiên Chúa, bởi noi gương của họ, để khi từ giã đời này họ sẽ đón bạn vào nơi cư ngụ đời đời. 
 
Hãy giữ mình như một khách lạ trên trần gian, một lữ khách không màng gì đến thế sự. Hãy giữ tâm hồn bạn được tự do và dâng lên Thiên Chúa, vì bạn không có căn nhà vĩnh cửu ở đây. Hằng ngày hãy dâng lên Người kinh nguyện, tiếng thở than và nước mắt thống hối của bạn, để sau khi chết linh hồn bạn được đến với Thiên Chúa trong hạnh phúc.

 

Chương XXIV: Sự Phán Xét và Hình Phạt Tội Lỗi

 
Trong mọi sự, hãy để ý đến cùng đích; làm thế nào bạn có thể đứng trước Quan Tòa nghiêm nghị mà không gì giấu được Người và Người phán quyết thật công minh, không chấp nhận hối lộ hay sự bào chữa. Và bạn, người tội lỗi đáng thương và bất hạnh, bạn sợ ngay cả khuôn mặt người nóng giận, sẽ trả lời sao với Thiên Chúa Đấng biết rõ mọi tội lỗi của bạn? Sao bạn không tự chuẩn bị cho ngày phán xét này, đó là khi không ai có thể được miễn trừ và được bảo vệ bởi ai khác vì mỗi người đều bận rộn trả lời cho hành động của mình? Trong cuộc đời này việc bạn làm thì sinh ích lợi, nước mắt bạn được chấp nhận, tiếng than van của bạn được lắng nghe, sự thống hối của bạn có thể chuộc tội và thanh tẩy. 
 
Người kiên nhẫn thanh luyện tội lỗi cách tốt lành khi họ đau buồn nhiều về dã tâm của kẻ hãm hại họ hơn là thương tích của chính mình; khi họ sẵn sàng cầu nguyện cho kẻ thù và thật lòng tha thứ cho người xúc phạm; khi họ không do dự tha thứ cho người khác; khi họ dễ động lòng thương hơn là oán giận; khi họ nghiêm khắc với chính mình và cố gắng bắt thân xác phải quy phục tinh thần. 
 
Tốt hơn hãy đền bù tội lỗi ngay bây giờ và dứt bỏ các thói xấu hơn là để chúng bị thanh luyện ở đời sau. Thực sự, chúng ta tự lừa dối mình bởi khờ dại yêu quý thân xác. Lửa ấy cháy bằng gì nếu không phải là tội lỗi chúng ta? Ngay bây giờ, càng dung thứ cho mình và càng thoả mãn xác thịt bao nhiêu, việc đền tội càng khó khăn và chúng ta càng bị nung nấu lâu hơn bấy nhiêu. 
 
Vì người ta sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn bởi những gì họ đã phạm tội. Ở đó, kẻ lười biếng sẽ bị thúc đi bằng chĩa ba nóng bỏng, và kẻ tham lam bị hành hạ với cái đói khát khôn tả; kẻ phóng đãng và dâm ô bị tắm trong dầu sôi và lưu huỳnh hôi thối; kẻ ghen tị sẽ đau buồn tru như chó dại. 
 
Mỗi thói xấu đều có hình phạt thích hợp. Kẻ kiêu căng sẽ phải đối diện với từng chút mơ hồ và kẻ tham lam cồn cào với cơn đói khát đê hèn nhất. Một giờ đau khổ ở đó sẽ cay đắng hơn một trăm năm hành xác sám hối ở đây. Trong cuộc đời này người ta còn được nghỉ ngơi và được hưởng sự dỗ dành của bạn hữu, nhưng kẻ bị luận phạt không được nghỉ ngơi hay an ủi. 
 
Bởi đó, bạn phải thận trọng và sám hối tội lỗi ngay bây giờ để vào ngày phán xét bạn có thể được an toàn nghỉ ngơi với những người được chúc phúc. Vì vào ngày ấy, người công chính sẽ đứng vững trước những người đã hành hạ và đàn áp họ, và ai khiêm tốn chịu sự xét xử của loài người sẽ được chỗi dậy để chuyển sự phán xét ấy cho chúng. Người nghèo và khiêm tốn sẽ đầy tin tưởng, trong khi kẻ kiêu căng sẽ sợ hãi lo âu. Ai trở nên điên rồ ở thế gian này và bị khinh miệt vì Đức Kitô thì dường như họ đã sống khôn ngoan. 
 
Trong ngày ấy mọi thử thách kiên nhẫn chịu đựng sẽ hài lòng và tiếng nói kẻ tội lỗi sẽ câm nín; người sùng tín sẽ vui mừng; quân vô đạo sẽ xót xa; và thân xác bị hành hạ vì sám hối sẽ hớn hở vui mừng hơn là nếu trước đây được nuông chiều với mọi khoái lạc. Và rồi y phục rẻ tiền sẽ sáng chói còn y phục giầu sang sẽ phai nhạt và tả tơi; mái tranh nghèo nàn được ca tụng nhiều hơn dinh thự dát vàng. Trong ngày ấy sự kiên nhẫn chịu đựng sẽ đáng kể hơn mọi quyền lực thế gian; sự đơn sơ vâng phục sẽ được tán dương trên mọi tài giỏi thế gian; một lương tâm tốt lành và trong sạch sẽ làm vui sướng tâm hồn con người nhiều hơn là triết thuyết của giới thức giả; và sự khinh miệt giầu sang sẽ cân nặng hơn bất cứ báu vật nào trên mặt đất. 
 
Và rồi bạn sẽ thấy an ủi trong sự cầu nguyện thành tín hơn là được ăn ngon mặc đẹp; bạn sẽ vui mừng là đã im lặng thay vì kéo dài chuyện tầm phào. 
 
Và rồi công việc thánh thiện sẽ có giá trị nhiều hơn điều thế sự; đời sống nghiêm nhặt và sám hối khó khăn sẽ hài lòng hơn mọi vui thích trần gian. 
 
Vậy bây giờ hãy học cách chịu đựng điều nhỏ để bạn không phải đau khổ điều lớn lao hơn ở chốn đời đời. Ở đời này hãy thử qua điều bạn có thể chịu đựng ở đời sau. Nếu bạn chỉ chịu nổi đau khổ chút ít, làm sao bạn có thể chịu nổi sự đau khổ đời đời? Nếu bây giờ sự đau khổ tầm thường đã làm bạn thiếu kiên nhẫn, lửa hỏa ngục sẽ gây ra điều khủng khiếp đến đâu? Sự thật, bạn không thể có hai niềm vui: bạn không thể nếm mọi khoái lạc đời này và sau đó được ngự trị với Đức Kitô. 
 
Ngay giây phút này trong cuộc đời bạn đã được mọi vinh dự và khoái lạc, điều đó có tốt lành gì nếu bạn phải chết ngay lúc ấy? Do đó, tất cả đều là phù hoa, ngoại trừ yêu mến Thiên Chúa và chỉ phục vụ một mình Người. 
 
Ai yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn thì không sợ chết hay hình phạt hay phán xét hay hỏa ngục, vì tình yêu tuyệt hảo đảm bảo đường đến Thiên Chúa. 
 
Không lạ gì người vẫn say mê tội lỗi thì sợ chết và sự phán xét. 
 
Tuy nhiên, ngay cả đến bấy giờ, tình yêu không đủ mạnh để ngăn cản bạn đừng làm điều xấu, thì cũng tốt, ít nhất vì sợ hãi hỏa ngục bạn đừng làm điều ấy. Ai gạt bỏ sự kính sợ Thiên Chúa thì không thể tiếp tục lâu trong sự thiện hảo nhưng sẽ mau chóng rơi vào cạm bẫy qủy thần.

Chương XXV: Hăng Say Cải Thiện Đời Sống

 
Hãy tỉnh thức và chuyên cần việc phục vụ Thiên Chúa và thường nghĩ đến lý do tại sao bạn lại từ bỏ thế gian mà theo đạo (hay đi tu). Không phải là vì bạn muốn sống cho Chúa và trở nên một người nhân đức hay sao? Vậy, hãy tha thiết cố gắng trở nên trọn lành vì trong một thời gian ngắn bạn sẽ được phần thưởng từ sự lao nhọc, và bạn không phải sợ hãi hay đau buồn khi vào giờ lâm tử. 
 
Bây giờ chỉ phải lao nhọc chút ít, và không lâu bạn sẽ thấy yên lòng trong chân lý và niềm vui vĩnh cửu; vì nếu bạn tiếp tục trung tín và chuyên cần thi hành, chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban thưởng một cách độ lượng và bền bỉ. Hãy tiếp tục hy vọng một cách hợp lý là sẽ đạt được ơn cứu độ, nhưng đừng hành động như thể bạn quá chắc chắn để khỏi sinh ra kiêu căng và lười biếng. 
 
Một ngày kia có người thường do dự và băn khoăn giữa hy vọng và sợ hãi nên sinh ra buồn chán, họ khiêm tốn quỳ gối trước bàn thờ. Trong khi suy niệm về những điều ấy, họ nói: "Ôi phải chi con biết được là có nên kiên trì cho tới cùng hay không!" Ngay lúc ấy họ nghe tiếng Chúa trả lời: "Nếu con biết được điều này, con sẽ làm gì? Vậy ngay bây giờ hãy thi hành những gì mà con sẽ làm và rồi con sẽ thực sự biết chắc." Ngay lập tức họ được yên lòng và phó thác cho thánh ý Chúa, sự khoắc khoải vì không biết chắc liền chấm dứt. Họ không còn tò mò muốn biết tương lai là gì, và thay vào đó họ cố gắng đi tìm sự trọn lành và thánh ý Chúa tự lúc khởi đầu cho đến lúc chấm dứt mọi công việc tốt lành. 
 
Một ngôn sứ có nói: "Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, sẽ được ở trong đất nước và bạn sẽ hưởng sự giầu sang của nó" (Tv 36:3). 
 
Có một điều khiến nhiều người không hăng say cải thiện đời sống, đó là, sợ khó khăn, sợ cực nhọc chiến đấu. Chắc chắn rằng những ai can đảm vượt qua mọi khó khăn và những trở ngại khó chịu sẽ bỏ xa người khác trên đường theo đuổi nhân đức. Một người tiến bộ nhất và đáng được ơn sủng nhất trong những vấn đề ấy chính là người chiến thắng bản thân và từ bỏ ý riêng nhiều nhất. Thật đúng là mỗi người đều có những khó khăn riêng phải đối phó và chế ngự, nhưng một người siêng năng và chân thành sẽ tiến bộ rất nhiều cho dù họ có nhiều đam mê hơn là một người điềm đạm nhưng ít lưu tâm đến nhân đức. 
 
Hai điều đặc biệt cần được thăng tiến--quyết liệt tránh xa các thói xấu mà bản tính tự nhiên thường hướng về một cách dữ dội, và hăng say tìm kiếm các ơn sủng cần thiết nhất. 
 
Cũng phải nghiên cứu để đề phòng và vượt qua các lỗi lầm của người khác mà chúng thường làm bạn bất mãn. Hãy lợi dụng mọi cơ hội, để khi thấy hay nghe biết về gương tốt bạn hãy tìm cách bắt chước. Trái lại, hãy cẩn thận đừng vi phạm những điều mà bạn đáng kiển trách, hay nếu bạn thực sự có lỗi, hãy cố gắng sửa đổi chính mình càng sớm càng tốt. Bạn thấy người khác thế nào, họ cũng thấy bạn như vậy. 
 
Thật dịu dàng và êm đềm biết bao khi thấy các đồng môn sùng tín và hăng say, lịch thiệp và chịu rèn luyện! Thật buồn và đau đớn biết bao khi thấy họ lang thang trong sự chết, không luyện tập những gì mà họ được mời gọi! Thật đau lòng biết bao khi họ chểnh mảng với mục đích cuộc đời và tham dự vào những việc không phải của họ! 
 
Hãy nhớ đến mục đích bạn đã lãnh nhận, và hãy nhớ đến hình ảnh của Đấng Bị Đóng Đinh. Tuy nhiều năm bạn đã bước đi trên hành trình đến với Thiên Chúa, có thể bạn phải xấu hổ vì, với hình ảnh Đức Kitô trước mặt, bạn đã không cố gắng trở nên giống Người. 
 
Tu sĩ nào mãnh liệt và sùng tín để ý đến đời sống thánh thiện và sự thống khổ của Chúa sẻ tìm thấy vô số điều hữu ích và cần thiết cho mình. Họ không cần tìm kiếm điều gì khác hơn là Chúa Giêsu. 
 
Phải chi Đấng Bị Đóng Đinh đến với tâm hồn mình, chúng ta sẽ học được thật mau chóng và phong phú chừng nào! 
 
Một tu sĩ hăng hái sẽ chấp nhận tất cả những gì ban truyền cho họ và thi hành cách tốt đẹp, nhưng một tu sĩ lười biếng và lừng khừng làm mãi không xong, và bị khắc khoải đủ mọi phía vì họ không có sự an ủi bên trong và bị cấm không được tìm kiếm an ủi từ bên ngoài. Tu sĩ nào không sống đúng với quy luật sẽ tự đưa mình đến chỗ chết, và ai muốn được tự do và phóng túng nhiều hơn sẽ luôn luôn gặp khó khăn, vì điều gì đó hay người khác luôn luôn làm họ bực mình. 
 
Làm thế nào mà nhiều tu sĩ tự giam mình trong dòng kín lại có thể sống với tinh thần kỷ luật đó được? Họ ít khi đi ra ngoài, họ sống trong sự chiêm niệm, thực phẩm tồi tệ, y phục thô kệch, họ làm việc cực nhọc, họ nói ít, họ thức lâu, dậy sớm, cầu nguyện nhiều, đọc sách thường xuyên, và tự đặt mình trong nhiều loại rèn luyện. Hãy nghĩ về dòng Thánh Brunô và dòng Xitô, các đan sĩ và nữ tu của nhiều dòng khác, làm thế nào họ có thể thức dậy hằng đêm để ca tụng Thiên Chúa. Thật xấu hổ nếu bạn lười biếng trong các công việc thánh thiện như thế trong khi quá nhiều tu sĩ đã bắt đầu hân hoan trong Chúa. 
 
Nếu không còn gì khác hơn để thi hành mà chỉ ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và tiếng hát, nếu phải chi bạn đừng bận rộn với ăn uống, ngủ nghỉ để có thể ca ngợi Thiên Chúa luôn luôn và chỉ bận rộn với các mục đích thiêng liêng thì bạn vui sướng hơn bây giờ biết chừng nào, một tên nô lệ cho mọi nhu cầu của thân xác! Phải chi không có những nhu cầu như thế, mà chỉ có sự khỏe khoắn thiêng liêng của linh hồn nhưng, thật buồn để nói rằng, ít khi chúng ta được nếm thử! 
 
Khi người ta đến tới điểm mà họ không còn tìm kiếm sự khuây khỏa nơi bất cứ tạo vật nào, họ sẽ bắt đầu say mê Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Và rồi họ sẽ chấp nhận bất cứ gì xảy đến cho mình. Họ không vui vì điều vĩ đại cũng không buồn vì điều nhỏ, nhưng hoàn toàn phó thác một cách tin tưởng vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng là mọi sự trong mọi sự, với Người không có gì bị hủy diệt, mọi sự đều sống cho Người, và phục vụ Người theo ý Người muốn. 
 
Luôn nhớ đến cùng đích của bạn và đừng quên là thời gian qua rồi sẽ không trở lại. Nếu không lưu tâm và chuyên cần bạn sẽ không có đức tính gì. Khi bắt đầu thấy do dự, bạn đang rơi vào sự dữ; nhưng nếu hăng say, bạn sẽ tìm thấy bình an và không còn thấy khó nhọc vì ơn Chúa và vì lòng yêu mến nhân đức. 
 
Một người hăng say và chuyên cần thì sẵn sàng cho mọi sự. Thật tốt hơn hãy tìm cách chống trả thói xấu và đam mê hơn là đổ mồ hôi vì cực nhọc vật chất. Ai không vượt qua được các lỗi lầm nhỏ, sẽ dần dà sa ngã trong lỗi lầm lớn hơn. 
 
Nếu bạn dùng một ngày thật ích lợi, bạn sẽ luôn vui sướng khi chiều tà. Hãy coi chừng chính mình, hãy khuấy động chính mình, hãy cảnh giác chính mình, và bất kể người khác có ra sao, đừng bỏ bê chính mình. Càng quyết liệt với chính mình bao nhiêu, bạn sẽ càng tiến bộ bấy nhiêu. 
 
Trích trong  www.nguoitinhuu.com