100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 30

THƯƠNG XÁC 7 MỐI (TIẾP)

Trích Tin Mừng Thánh Luca 16.19tt

Hôm ấy, Chúa Giêsu nói ngụ ngôn này để cảnh cáo những ai ích kỷ, không thương người khốn khổ khác.

Xưa, có một ông nhà giàu, ăn mặc toàn hàng xịn, tơ lụa đắt tiền, ngày ngày cỗ bàn cao lương mỹ vị, ăn uống thỏa thuê. Lại có người ăn mày tên La-da-rô, người ta vất bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, bụng đói như cào, những mong lượm được miếng cơm thừa canh cặn ăn cho đỡ đói lòng, mà không ai cho... Chỉ có con chó hoang đến liếm mụn nhọt. Rồi một hôm, người ăn mày chết và được các thiên thần đem lên thiên đàng, dự tiệc cùng thánh Tổ phụ A-bra-ham. Ông phú hộ cũng chết, nhưng bị rơi xuống hỏa ngục. Giữa những cực hình, ông ngẩng mặt lên, thấy trên kia, La-da-rô đang hưởng phúc, liền kêu to :

- “Lạy cha A-bra-ham ! Xin thương xót tôi với ! Xin sai La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ xuống lưỡi tôi cho mát chút xíu, vì tôi đang bị quằn quại, thiêu đốt trong ngọn lửa này”.

Nhưng A-bra-ham nghiêm nghị đáp :

- Hỡi kẻ ích kỷ vô tâm ! Suốt đời ngươi đã sung sướng, ăn uống no nê, quần là áo lượt, bao nhiêu cái ngon, cái đẹp, ngươi hưởng hết ; còn La-da-rô thì đã chịu bao đau khổ, nào đói khát, nào bệnh tật, rách rưới... Lúc ấy, ngươi có nhớ lấy chút xíu bánh hay rượu mà thấm miệng La-da-rô cho đỡ đói, đỡ khát chăng ? Vậy bây giờ, tình thế đảo ngược : La-da-rô được hạnh phúc, còn ngươi phải quằn quại đau đớn, âu cũng là lẽ công bằng. Vả lại, bây giờ giữa ngươi và chúng ta, không còn có thể qua lại, giúp đỡ nhau gì được nữa, vì có một vực thẳm ngăn cách hai bên. Có giúp đỡ nhau gì thì giúp ngay khi ở trần gian, chứ bây giờ thì vô phương.

Người ấy lại nói :

- Thôi, phận con đành vậy ! Nhưng con có 5 anh em còn sống. Xin Cha sai La-da-rô đến nhà răn dạy chúng đừng sống như con mà phải họa đời đời.

A-bra-ham mới nói :

- Chúng đã có Lời Chúa, có sách Kinh Thánh, có Tin Mừng dạy, cứ việc nghe và thực hành !

- Thưa Cha A-bra-ham, không đâu ! Chúng cứng lòng lắm ! Họa may có ai từ cõi chết hiện về bảo chúng, chúng sẽ hối cải.

A-bra-ham lắc đầu :

- Ôi ! Nếu chúng không nghe Lời của chính Chúa dạy, thì cho dẫu kẻ chết có hiện về bảo, chúng cũng chẳng nghe đâu !

* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Chúng ta đây đang nghe Lời Chúa Giêsu kể ngụ ngôn này. Chúng ta có là những kẻ ích kỷ vô tâm, chỉ lo cho thân mình, không biết nghĩ thương đến kẻ khác chăng ? Chúng ta có cứng lòng, nghe Lời Chúa dạy như thế mà vẫn không thay đổi lòng ích kỷ thành tình thương yêu chăng ? Hay chúng ta chờ người chết hiện về bảo mới nghe ?

Hôm nay, ta bàn tiếp các mối thương xác, để biết mà thực hành những Chúa dạy.

Mối thứ ba : Cho kẻ rách rưới ăn mặc :

 

Đi giữa phố, thấy ai cũng quần là áo lượt, mốt nọ mốt kia, ta tưởng cảnh rách rưới, không còn nữa, hay chỉ nơi những người ăn xin, cố tình vá chằng vá đụp để gợi lòng thương của người khác. Thôi, đừng nhìn ngoài phố, hãy nhìn quanh khu xóm..., ta vẫn còn nghe có kẻ nói : “Chúa nhật, tôi không đi dự lễ vì không có áo !” ; vẫn còn thấy mùa đông, có người mặc chưa đủ ấm ; vẫn còn có gia đình không đủ chăn mền đắp, thiếu mùng màn tránh muỗi cho con nít, cách riêng để khỏi sốt rét, sốt xuất huyết, vv... Nói rộng nữa, vẫn có những người thiếu nhà, vẫn còn những người chui rúc các ổ chuột..., sống không ra con người.

Nhìn vào trong nhà, nếu để ý, ta sẽ thấy có quần áo, mùng mền... dư thừa, hoặc không dư, song có khả năng sắm cái mới và cho các đồ cũ. Hãy gom góp lại một chỗ sẵn, để có thể cho đi. Không để ý làm như thế, chợt lúc có ai xin, hay ta định cho, ta sẽ lúng túng và bỏ lỡ dịp. Có những người quá keo kiệt, không bao giờ nghĩ rằng có thể cho ai được manh áo cũ, vì áo quần cũ, họ vẫn cần để... lau nhà ! Đó là cách xử sự của những người không có chút tình thương nào trong tim cả. Lại có nhiều người khác hoàn toàn không cho ai quần áo cũ, chỉ vì không có thói quen, không ý thức vấn đề, không để ý...

Dân chúng đến hỏi ông Gioan Tẩy Giả :

- Chúng tôi phải làm gì, sinh hoa quả việc lành phúc đức nào để xứng với lòng hối cải, hòng tránh khỏi cơn thịnh nộ của phán xét Thiên Chúa ?

Ông Gioan đáp :

- Kẻ có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có miếng ăn, cũng hãy làm như vậy ! (Lc 3.10-11).

Nghĩa là cách sám hối, đền tội hay nhất là thắng ích kỷ, chỉ biết lo cho mình no đủ. Quả thực, như nhà chú giải Kinh Thánh kia nói : “Có việc đền tội nào tốt hơn sự tự bắt mình phải bớt chút của cải (ở đây là bớt quần áo, đồ cũ), mà thường chúng ta dính bén quá mức ?” (Pirot). Từ xưa, các tiên tri đã dạy như thế : “Thiên Chúa phán : ăn chay, đền tội, hãm mình, phạt xác đâu chỉ là rắc tro trên đầu, mặc áo vải gai thô nhặm ? Ăn chay, đền tội mà Ta mến chuộng là thế này : chia sẻ miếng cơm cho người đói, cho kẻ vô gia cư trú ngụ, thấy ai mình trần, rách rưới, ngươi cho áo che thân, ngươi không tránh né giúp đỡ cho đồng bào ruột thịt ngươi” (Ys 58.5-7).

Trước lòng chai dạ đá của người có của mà ích kỷ, Thánh Tông đồ Giacôbê nói những lời hăm dọa nghe mà toát mồ hôi lạnh : “Này ! Những kẻ có của, hãy khóc đi ! Rú lên vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi tích trữ (không đem ra bố thí), của cải đó đã ra mục nát. Áo quần các ngươi xếp trong tủ, trong rương (không chịu phân phát cho kẻ mình trần), áo quần đó đã để mọt gặm. Tiền bạc các ngươi cất kỹ trong két sắt hay chôn giấu dưới đất, tiền bạc ấy đã bị sét rỉ ! Ấy đó, tất cả những mục nát, mọt gặm, sét rỉ ấy sẽ làm chứng tố cáo tội ích kỷ các ngươi, chúng sẽ ăn thấu xương thịt các ngươi, bởi vì tích trữ mà không biết chia sẻ, vô hình chung, các ngươi đã tích trữ lửa hỏa ngục để thiêu đốt các ngươi trong ngày phán xét” (Gc 5.1-3).

Mối thứ tư : Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc :

 

Đây là những hạng người không có phương tiện để tự mưu sinh. Ốm đau nằm một chỗ, hoặc bị giam tù làm sao kiếm sống được ? Vậy mối thương người này bảo ta phải viếng thăm họ. Không chỉ thăm suông, mà nếu có phương tiện, thăm và nuôi nữa. Trong những hoàn cảnh đau buồn ấy, họ rất cô đơn, cần sự an ủi, nâng đỡ, cả tinh thần lẫn vật chất. Có thể đem đến cho họ an ủi của Lời Chúa, của sách thiêng liêng. Ở những nước khác trên thế giới, có những thanh niên nam nữ, ngay cả thiếu nhi, tình nguyện hi sinh thời giờ vui chơi, làm ăn, kiếm tiền... để đến thăm viếng các bệnh viện, phục vụ bệnh nhân và đỡ tay cho y tá, mỗi tháng một lần, vì công việc của họ quá bề bộn, nặng nề... Còn ở đất nước mình, chừng nào có thể (tỉ dụ phải được phép của ban quản lý bệnh viện nếu đi đông và khá đều đặn), cũng nên cùng nhau đi thăm các trại cùi, bệnh viện, nhà tế bần... Biết bao việc có thể làm, dù nho nhỏ, song cụ thể : gội đầu, hớt tóc, xếp giường chiếu, rửa chén bát cho bệnh nhân, viết thư và gửi thư giùm, nhắn tin, biếu sách báo để giải trí hoặc để bồi bổ tinh thần, biếu những món quà nhỏ hoặc thuốc men, vv...

Đối với tù nhân, vấn đề cũng tương tự, song có phần phức tạp hơn nhiều. Trong những trường hợp tù oan, hoặc đang bị cầm giữ đợi ngày xét xử, nếu có cách giúp để được trả tự do, thật là quí ! Ở đây, có thể bước sang mối phúc thứ sáu : chuộc kẻ làm tôi. Ngày xưa, thời Trung Cổ, các hiệp sĩ có lý tưởng “thế thiên hành đạo” như các võ sĩ nghĩa hiệp của ta, họ giải thoát tù nhân hay con tin bị bọn thảo khấu bắt giữ..., can thiệp chống cường hào ác bá để giải phóng những kẻ thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng. Thánh Vinh Sơn Phaolô chuyên lo tìm cách chuộc kẻ làm tôi, có lần chính Ngài tự nguyện thế chân cho một tên nô lệ chèo đại chiến thuyền... Cha Kôn-bê (Kolbe) tự nguyện chết thay cho một tù nhân ở trại tập trung Đức Quốc Xã.

Mối thứ năm : Cho khách đỗ nhà :

 

Ngày nay, vấn đề này quả rất khó thực hành. Không chỉ do vấn đề hộ khẩu, mà còn do kinh tế eo hẹp, nhất là do con người ngày nay quá dối gian, độc ác, nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để lường gạt... ; cho nên người ta đâm sợ làm phúc thành mang họa vào thân..., ngay cả đối với họ hàng hoặc quen thuộc cũng vậy.

Tuy thế, việc cho khách lạ trú ngụ thật là việc bác ái rất đáng cổ võ, nhất là trong dịp hoạn nạn như chiến tranh, cháy nhà, lụt lội... Nhưng ai vượt nổi mọi e sợ, cho trú ngụ với sự ân cần, niềm nở, chứ không cau có, với tình yêu thương, săn sóc, chứ không lãnh đạm, sống chết mặc bay : người ấy thi hành một việc thương người lớn lao. Họ đã làm cho chính mình Chúa vậy, như Chúa Giêsu đã dạy thế. Còn thánh Phêrô nói : “Đức mến phủ lấp, xóa sạch vô vàn tội lỗi” (1Pr 4.8). Thánh Phaolô thì bảo : “Có kẻ nhờ đó mà không ngờ đã tiếp đón thiên thần làm khách trọ” (Hr 13.2). Ý nhắc đến tích chuyện ông Abraham cho ba người thanh niên trú ngụ và đãi cơm, không ngờ đó là các thần sứ trên trời xuống chúc phúc cho ông được sinh con trai. Nới rộng ra hơn : mối thương người này còn nhằm giúp đỡ những người lạc đường, lạc lõng, bơ vơ, cô thân cô thế..., giúp một người mới bước vào xí nghiệp, công xưởng, đơn vị mình, hoặc mới tập tễnh bước vào nghề..., ân cần chỉ bảo, giúp phương thế cho họ thành công, thành tài... Đó cũng là những việc bác ái lớn.

Mối thứ bảy :  Chôn xác kẻ chết :

 

Với một thi thể đã chết, mà cũng thi hành bác ái ư ? Tại sao vậy? Thưa : vì tin vào sự sống lại của thân xác : xác sống lại ngày sau hết, hợp với hồn mà hưởng phúc với Chúa. Giáo Hội làm phép xác, dâng lễ cầu hồn và an táng cách tôn kính, cũng vì coi đó là xác thánh, chứ không phải là một thây ma vô hồn như xác trâu bò, chết là hết. Không ai không tôn trọng thi hài người đã chết, cho dù người vô tín ngưỡng, vô tôn giáo đến đâu cũng vậy. Cũng như người Do thái thời xưa, chết mà không được chôn cất tử tế nơi phần mộ gia đình là một ô nhục, bất hạnh. Giúp chôn cất xác vô thừa nhận như ông Tôbi làm ngày xưa là một việc nghĩa rất lớn. Chính Chúa tán dương người phụ nữ đập bình bạch ngọc, xức dầu thơm cho thân thể Chúa, vì Chúa cho rằng bà ấy linh cảm trước là Chúa sẽ bị chết như một phạm nhân, và không được phép chôn táng tử tế, nên bà ấy đã xức dầu để liệm táng xác Chúa trước đi (Mt 16.12).

Ngày nay, vấn đề chôn xác ấy ít xảy ra cho ta. Nhưng ta có thể thực hành cách khác : chẳng hạn giúp kẻ sắp sinh thì : đến đọc sách dọn mình chết lành cho người già cả, ốm nặng, hấp hối ; mời linh mục cho họ chịu các phép sau hết ; hoặc trong phường xóm có ai qua đời, họp nhau đến cầu hồn, cầu lễ... Những giúp đỡ cách này, cách khác cho tang gia bối rối là rất quí khi giúp đỡ vô vị lợi. Nhiều nơi có thói tục rất ngoại đạo là mở ra ăn uống, nhậu nhẹt... trong cảnh ma chay ấy, gây ra những điều nghịch mắt, chướng tai : trong nhà thì đọc kinh và khóc lóc, ngoài sân thì nhậu nhẹt, cười nói, rượu vào lời ra... Nhiều người cho ta cảm tưởng là họ đi tìm miếng ăn nơi đám ma.

Cụ Phan Kế Bính có lần than rằng : “Than ôi ! Việc tử biệt là cảnh rất đau buồn, còn người đến trợ giúp nhà tang là một nghĩa vụ xã hội. Khi người ta đau đớn, có thể giúp được việc gì thì giúp, còn tưởng gì đến sự ăn uống. Phần hiếu chủ thì đang lúc buồn bã, âu sầu, còn bụng dạ nào nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi, thì cái nghĩa vụ cứu giúp nhau ở đâu ?” (trích “Việt Nam phong tục”, tr.185).

Một người ngoài đạo mà còn nói được như vậy ! Nghĩ tình đời thật đen bạc : lúc người ốm nằm hấp hối thì chẳng có ai, dĩ chí người trong gia đình cũng lơ là... Thế mà người ốm vừa thở hơi cuối cùng, thì cả một “kỹ nghệ khai thác xác chết” nổi dậy hoạt động tấp nập, ầm ĩ..., nào đòn đám ma, nào phường kèn, nào mổ heo, mổ gà, nào ăn uống, vv...

Có những tục lệ ngoại đạo từ ngoại giáo du nhập vào lễ an táng của người công giáo, song không thể chấp nhận được. Có nhiều lắm, chỉ kể ra đây một hai điều. Như thấy ở nơi nọ thuê dàn kèn đám ma, con hát về khóc mướn theo tiếng kèn ò e, í e..., khóc sao có bài bản thật hay thì được thưởng tiền... Có người bắt chước ngoại giáo, đi đưa linh cửa mà lăn lộn ngất xỉu trên đường trước quan tài, hoặc lăn nhào xuống huyệt... như muốn chết theo ; hoặc làm ma chay thật linh đình để lấy tiếng khen, khoe của, khoe công, mà ngờ đâu đạo hiếu của người ấy chỉ là che mắt thế gian, lúc người ốm còn sống thì đối xử tàn tệ, bạc đãi, đến nỗi có câu ca dao chế rằng :

Còn sống thì chẳng cho ăn,
Chết đi cúng kiếng làm văn tế ruồi
”.

Những thói tục ấy chẳng lợi gì cho linh hồn người quá cố, mà còn biểu lộ một sự yếu kém đức tin trầm trọng về số phận của linh hồn người chết nơi thế giới bên kia. Cho nên, thánh Phaolô dạy : “Tôi không muốn để anh em không biết chút gì về số phận những người đã chết, ngõ hầu anh em đừng buồn phiền, sầu não như kẻ không có đức tin và không có niềm hi vọng vào sự sống lại. Đây tôi cho biết : những ai chết trong ơn nghĩa Chúa, Thiên Chúa sẽ cho họ ở làm một với Chúa Kitô... Rồi ngày sau, lúc Chúa Tái Lâm, những kẻ đã chết sẽ sống lại... và chúng ta tất cả sẽ được lên ở với Chúa mãi muôn đời” (1Tx 4.13-17).

Tích truyện

Một câu chuyện vui cười về chôn xác kẻ chết : Ông già ốm nặng sắp chết, nằm thoi thóp. Ở phòng bên cạnh, các con ông bàn tán việc lo liệu ma chay. Anh nào cũng keo kiệt, không muốn bỏ tiền để làm ma cho ông. Kẻ thì bàn : mua cho ông chiếc hòm thật rẻ. Kẻ khác nói : không nên thuê xe tang có ngựa kéo, tự ta khiêng quan tài đi chôn cũng được. Nghe họ bàn vậy hoài, ông già gọi các con lại bảo : 

- Thôi, để tao đi bộ ra nghĩa địa mà chết ngoài đó cho rồi !

-----oOo-----