100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 54

ĐIỀU RĂN THỨ 8  : CHỚ LÀM CHỨNG DỐI

Ta hãy xem bài Kinh Thánh thuật lại chuyện loài người từ nguyên thủy đã bị Satan gieo vào lòng tinh thần gian trá thế nào :

Trích sách Khởi Nguyên, ch.3

Rắn là vật tinh ranh, xảo trá hơn mọi dã thú Thiên Chúa đã làm ra. Nó đến với bà Eva và nói :

-           Hẳn Thiên Chúa đã phán : Các ngươi không được ăn cây nào trong vườn cả. (Dĩ nhiên là nó có ý gieo sự ngờ vực về lòng tốt của Thiên Chúa vào lòng bà).

Ngay tình, bà cứ thực đáp :

-           Đâu có ! Mọi quả cây trong vườn, chúng tôi được ăn cả, chỉ trừ quả cây ởgiữa vườn, thì Thiên Chúa phán : “Các ngươi chớ có ăn, kẻo chết uổng mạng. (Đó là Thiên Chúa thương chúng tôi, sợ chúng tôi phải chết vì ăn quả độc ấy).

Nhưng rắn (tức là thần tăm tối, độc ác) chỉ đợi có thế, nên hắn chộp lấy câu ấy mà đưa ý độc vào :

-           Chết ư ? Chết thế nào được ? Quả nhiên, Thiên Chúa biết ngày nào các người ăn nó, mắt các người sẽ mở ra và các người sẽ nên như những Thiên Chúa khác, biết lành, biết dữ. Do đó, Thiên Chúa mới cấm.

Quả nhiên, người đàn bà mắc mưu gian của Rắn. Bà nghĩ : Thiên Chúa sợ con người bằng Thiên Chúa. Bà mới nhìn lên cây, quả cây ăn chắc phải ngon, mà nhìn thì thật sướng con mắt. Bà nghĩ nó đáng quí thực, cây ấy ăn vào thì sẽ được tinh khôn. Thế là bà đã hái quả ấy mà ăn và cũng đã trao cho chồng bảo chồng ăn nữa. Và thế là tai họa xảy ra. Họ đã bị Rắn phỉnh gạt. Mắt họ mở ra, nhưng thay vì thấy mình được bằng Thiên Chúa, thì chỉ thấy mình trần trụi (nghèo nàn đi, mất mọi cái tốt đẹp Thiên Chúa ban cho). Rồi khi Thiên Chúa đến để trò chuyện vào buổi hoàng hôn êm ả, gió thanh bình hiu hiu thổi, thì ông bà sợ quá chạy đi núp mình khuất mắt Thiên Chúa, che giấu sự nghèo nàn, trần trụi của mình. Nhưng Thiên Chúa đã gọi cả hai ra, trách phạt đích đáng.

* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Satan đã dùng mấy lời khéo léo gài bẫy bà Eva, hắn rất tài tình trong chiến thuật phỉnh gạt này, để đạt mục đích tối tăm : phá đổ hạnh phúc của ông bà tổ tông và của cả nhân loại. Thật khủng khiếp thay ! Chỉ một vài lời nói mà có sức phá hủy cả một công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa ! Nhưng không phải bao giờ nó cũng phá hủy ! Vậy, ta hãy suy nghĩ về cái khả năng tốt đẹp là lời nói mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Ta có thể lái về đàng tốt là xây dựng, an ủi, thông cảm ; về đàng xấu là phá đổ, lường gạt, gây đau khổ...

1/         Điều trước tiên : Lời nói là một ân huệ của Thiên Chúa ! Có bao giờ bạn nghĩ thế chưa ? Và có bao giờ bạn cám ơn Thiên Chúa đã ban cho bạn lời nói, và không bị câm ? Chắc có lần ta thấy hai người đang như trò chuyện, nhưng lại có những cử chỉ kỳ quặc : hai tay họ liên tục làm những dấu hiệu kỳ lạ và nhanh, nét mặt họ cau lại, lúc lại trợn trừng cách khó nhọc, làm ta tưởng họ đang cãi nhau... Lại gần, ta không nghe thấy một âm thanh nào cả ! Đó là hai người câm ! Tội nghiệp : họ đang cố gắng rất cực khổ dùng những dấu hiệu bàn tay, nét mặt, để nói những câu chuyện không lời. Nhưng thật là vô cùng khó khăn, cực nhọc : vì làm sao diễn tả được tất cả những gì họ cảm, họ nghĩ, họ ước ao... bằng 5 ngón tay và những cử chỉ nghèo nàn ấy ?

Vì thế, ta thường thấy những người câm rất hung dữ, nóng nảy, nếu không thì ngấm ngầm xa lánh mọi người, càng ngày càng chôn vùi kiếp người trong cô đơn, bị loại xa xã hội loài người...

So sánh với họ, ta thật có phúc và giàu có : sống mà nói được, đó là một sinh thú trên đời. Thường ta coi là chuyện bình thường, kỳ thực, đó là một ơn huệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên ta : điều ấy đã rõ. Nhưng Ngài không chỉ dựng nên ta câm nín, như con vật thông minh mà thôi (như con chó trong nhà). Kinh Thánh bảo : Ngài yêu thương và dựng ta “theo hình ảnh của Ngài”, tức là phú cho ta khả năng suy nghĩ, trái tim yêu thương và lời nói để phô diễn những tư tưởng và tâm tình dào dạt trong lòng. Có lời nói, chúng ta được truyện trò thú vị, dốc bầu tâm sự cho vơi nỗi sầu, cười đùa cho vui càng thêm vui...

Lời nói thật là một khả năng tuyệt vời, là của báu mà bạn có được, nó làm bạn hạnh phúc. Chẳng may, ngày nào bạn bị câm, bạn sẽ thấy vô cùng bất hạnh, vô cùng cô độc, và chán sống. Vậy bạn hãy tạ ơn Chúa !

2/         Điều thứ hai : Lời nói cũng là một nghĩa vụ : Ta cám ơn Chúa đã ban cho ta lời nói. Cách biết ơn tốt nhất là sử dụng nó đúng như ý muốn của Chúa. Vậy Ngài muốn sao ?


Không chỉ muốn ta nói năng, biểu lộ tư tưởng và tình cảm để vui sống, mà còn muốn rằng : nhờ truyền thông cho nhau những ý tưởng và tâm tình, kiến thức, ao ước, quyết định..., ta được học hiểu Chúa hơn mà thông hiệp với chính Chúa và thông hiệp với anh chị em đồng loại. Thế nghĩa là nhờ lời nói, ta nhận ra được Chúa yêu thương ta, ta kết hiệp với Ngài, rồi nhờ lời nói, ta nói làm sao để an ủi, xây dựng, phục vụ, giúp ích mọi bề cho anh em mình...

Buồn thay ! Tội tổ tông truyền đã làm cho sự cởi mở, chân thành của ta với đồng loại bị phá hủy, xáo trộn. Thay vì thông hiệp, yêu thương, ta gieo hận thù, chia rẽ ; thay vì phục vụ, ta lường gạt, lừa dối... Cứ xem truyện Kinh Thánh kể trên kia đủ thấy : Sau khi sa ngã theo lời dụ dỗ phỉnh phờ của “Cha sự láo khoét” (Phúc Âm Ga 8.44), thì ông Ađam đổ tội cho bà Eva, bà Eva không biết trút tội cho ai, liều tố cáo con rắn... Lời nói nay trở ngược mũi giáo : thay vì đem phúc, nay gieo họa, gây tang tóc, đổ vỡ, chiến tranh, đau đớn, buồn tủi..., đến nỗi Thánh Giacôbê phải than : “Lưỡi là lửa,... là tàn lửa nhỏ, thế mà đốt cháy cả đám rừng lớn... Chính hỏa ngục đã nhóm lên” (Gc 3.5-6).

3/         Điều thứ ba : Nghĩa vụ phải chân thật trong lời nói cũng như cách cư xử : Thời đại ta, hình như ăn gian, nói dối, lường gạt... đã tới mức trầm trọng, tràn ngập cả mọi tầng lớp trong xã hội... Và tai hại nhất là người ta coi đấy như một sự kiện tự nhiên..., thôi đành chấp nhận vậy. Không được ! Người Kitô hữu không thể có thái độ buông xuôi như vậy ! Hay chúng ta không còn tin rằng Chúa phép tắc vô cùng ? Rằng Chúa quyền phép có thể biến đổi xấu nên tốt ? Vậy ta hãy cầu xin, đồng thời phải hành động, dù một phần nhỏ bé, tùy sức ta. Có người đã nói : “Thà đốt lên một ngọn đèn nhỏ, còn hơn chỉ ngồi mà nguyền rủa bóng tối”. Vậy mỗi người trong chúng ta hãy bắt đầu thắp lên một ngọn đèn nhỏ trong gia đình đã, nghĩa là ta hãy học tập và dạy cả cho con em ta ngay thẳng và thật thà trong lời nói cũng như cách cư xử. Để góp phần vào việc này, xin đưa thêm vài suy nghĩ và thực hành :


a/         Chức vụ của lời nói là phụng sự chân lý : lời nói chỉ đạt tới tất cả vẻ cao đẹp của chức năng nó - như ý Chúa muốn - khi nó cống hiến đúng như sự thật. Cũng như chiếc đồng hồ mà không chạy đúng giờ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc chết... Ra ngoài phố, người ta hỏi : mấy giờ rồi, ta nhìn vào đồng hồ, nó chết queo rồi ! Ôi quê quá ! Nếu sửa mãi không được, thì ta chỉ còn đem bán lạc xoong... Cũng vậy, khi lời nói và cung cách cư xử của ta không đi đúng sự thật, nghĩa là đúng như ta nghĩ trong lòng, và đúng như chân lý của Chúa, thì lúc ấy, ta đã làm hỏng dụng cụ Chúa ban là lời nói, ta đã phản bội chức vụ của lời nói. Và Chúa Giêsu đã dạy : “Lời nói của các ngươi phải là có thì nói có, không thì nói không, còn ngoài ra là do từ ác thần mà nói ra” (Mt 5.37). Lại có lời khác rằng : “Ta bảo các ngươi : mọi lời hư từ người ta nói ra, người ta sẽ phải trả lẽ ngày phán xét. Vì bởi lời ngươi nói, ngươi sẽ được trắng án, và bởi lời ngươi nói, ngươi sẽ bị kết án” (Mt 12.36-37).

Mặc dầu xã hội bên ngoài có điêu ngoa, điên đảo đến đâu, người Kitô hữu và gia đình Kitô hữu cứ đi cho đúng đường Chúa dạy.

b/         Không những thế, ta còn phải huấn luyện cho con em ta ngay từ nhỏ : “Bé không vin, cả gẫy cành”, tục ngữ đã nói thế. Trẻ con tự bẩm chất rất hồn nhiên và ngay thẳng, có thế nào nó tỏ ra thể ấy. Vì thế, đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ ! Lúc còn nhỏ, trí óc trẻ con chưa học ở người lớn cách lừa lọc, dối gạt, bóp méo... Nó như chiếc ống kính thu hình, có sao, in vào như vậy. Do đó, ngay từ nhỏ, giúp cho con em in vào trí óc, thành tập quán ngay thật. Nhưng có một nhận xét tâm lý đáng lưu ý ở đây : chính vì khả năng trí óc trẻ con còn hạn hẹp, nên có đôi khi nó chưa có thể nhìn đúng những sự việc xảy ra, lại chưa có đủ trí nhớ chính xác để nói lại cho đúng, và khi nói ra, chưa đủ lão luyện để diễn tả cho đúng, thiếu ngôn ngữ, hoặc nhất là vì tưởng tượng của trẻ vô cùng phong phú và sống động (nó có thể thưởng tượng cái ghế nó đang ngồi rung rinh là con ngựa đang phi...), thế là điều nó nói ra không hoàn toàn đúng, ta có cảm tưởng nó nói dối, nói sai sự thật và trừng phạt.

Phụ huynh thiếu hiểu biết về điểm tâm lý, sẽ gây ra hậu quả tai hại là làm mất sự tin cậy, cởi mở của con em..., chúng cảm thấy lạc hướng, mất an toàn, vì thấy tại sao mình nói như mình hiểu, lại bị trừng phạt, đánh mắng... Và rồi, vì cảm thấy nói như lòng cảm nghĩ, thì bị phụ huynh đánh mắng, nó sẽ học cách nói dối, nói khác cái nó nghĩ để chiều lòng người lớn, thế là nó đâm mất ngay thẳng và thật thà. Học sinh cũng vậy, chúng nói dối thường là vì lo âu trước hình phạt, hoặc vì thấy thầy, cô không tin cậy vào chúng...

Bởi vậy, ở điểm này, phụ huynh phải kiên nhẫn và biết thông cảm với những khuyết điểm tâm lý non yếu của chúng, và hướng dẫn từ từ : với tuổi lớn dần, khả năng trí óc phát triển của chúng sẽ biết gạn lọc đâu là sự thật, đâu là sự tưởng tượng. Khi khả năng diễn tả, ngôn từ giàu có hơn, chúng sẽ nói trúng hơn. Vậy, điều cần nhất là phụ huynh đừng vội gán tội nói dối, điêu ngoa cho chúng, mà hãy biết thông cảm và uốn nắn từ từ, chỉ cho chúng thấy phải nói thế nào cho chỉnh... Làm như vậy, con em sẽ biết ơn cha mẹ, cha mẹ sẽ sung sướng vì được con cái tin cậy, cởi mở với mình. Mà chỉ giáo dục được, khi con cái tin cậy và cởi mở. Lòng chúng mà một lần khép kín hẳn lại, thì ta giáo dục mấy, dạy dỗ mấy cũng vô ích, chỉ trợt ra ngoài, hay đụng vào một cánh cửa đóng kín.

c/         Một điều cũng rất quan hệ là tránh gương xấu. Ai cũng biết : con em coi người lớn, cách riêng cha mẹ, là gương mẫu, nó nhìn theo mà học cách sống làm người. Tục ngữ có câu : Cha nào con nấy, Hổ phụ sinh hổ tử. Nó như tờ giấy trắng, như ống kính thu hình, có sao ghi vậy và làm theo. Nhưng có điều quái gở - đây là một sự yếu đuối do nguyên tội truyền lại - là học cái tốt thì ít, học cái xấu, cái dở thì nhiều và rất mau. Xem thế, gương xấu của cha mẹ, anh chị lớn cứ hàng ngày treo trước mắt nó thật nguy hại biết chừng nào ! Không ngờ, bao cha mẹ đã toàn chỉ đường dối trá, lường gạt cho con em mình ! Chắc nhiều bậc phụ huynh quên trách nhiệm trước tòa phán xét của Chúa về các gương xấu. Chúa chúng ta đã cảnh cáo mạnh mẽ: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong các kẻ nhỏ này, thì thà nó bị khoanh cối đá vào cổ rồi nhận chìm đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian vì những cớ vấp phạm. Tất nhiên không thể tránh việc có gương xấu, song khốn cho kẻ làm dịp gây gương xấu và vấp phạm...” (Mt 18.6-7).

Ngược lại, chúng tôi xác tín rằng : dù ngoài xã hội có đầy dẫy gương xấu về gian dối, nếu trong gia đình, cha mẹ đã nhờ ơn Chúa và biết lấy lời Chúa mà uốn nắn con cách khéo léo, để tâm hồn nó nhiễm tính ngay thẳng, thật thà, thì ảnh hưởng xã hội không thể lung lay tâm hồn nó được, hay nếu có, cũng chỉ phần nào thôi !

đ/         Trong số những ảnh hưởng xấu bên ngoài, phải kể đến phim ảnh, báo chí, truyền hình, sách truyện... Vì trục lợi vô lương tâm, người ta đã cho ra đời những văn hóa phẩm, trong đó trình bày sự gian xảo, dối trá, lường gạt, căm thù, tranh cãi như những phương thế hữu hiệu và rất tự nhiên để dành quyền lợi, để mưu sinh, để có tiền tiêu xài, để làm giàu... Cha mẹ có lòng muốn con em mình nên người thật thà, thì sẽ lưu tâm chỉnh đốn cách khéo léo những sự trình bày sai lệch đó. Cấm con em đọc mọi sách báo, xem mọi phim ảnh là điều không thể làm được... Vậy, tốt hơn cả là hướng dẫn chúng xem và đọc sao cho khỏi bị tổn hại. Hẳn ta còn nhớ ví dụ : cá vàng sống trong bồn nước hư thối, cứ sống mãi, thở hít trong đó, tất nó sẽ nhiễm bệnh. Vậy phải giải độc nước ấy đi, tức là chỉ dẫn cho con em biết học cái tốt, trừ cái xấu trình bày trong các văn hóa phẩm nói trên.

Trong công cuộc trường kỳ giáo hóa, cha mẹ phải kiên nhẫn làm thường xuyên, chứ không chỉ lâu lâu mới la om xòm vài câu là đủ bổn phận. Chúng ta quá bận bịu trăm công ngàn việc, đúng vậy, song nếu ta thương con cái thật lòng và muốn nó hạnh phúc, ta phải cố gắng thôi. Trong cuộc giáo hóa, phụ huynh không những phải kiên nhẫn - điều rất cần ! - mà còn phải nhẹ nhàng, êm ái, có chừng mực, đầy thông cảm và yêu thương, gây nơi con tình cảm tin cậy, nhất là phải khuyến khích con làm điều thật thà, ngay thẳng, một thành công nhỏ của chúng, ta cũng nên khen thưởng, khích lệ. Chớ nóng nảy, đánh mắng làm chúng thấy nặng nề và đâm khiếp đảm, tuyệt vọng và chai lỳ. Chúng là cây non mà, sao lại đối xử với chúng ngang tầm với mình, đòi chúng phải có ngay những tâm tình mà chính mình phải mất cả đời mới tập được ! Kinh Thánh đã dạy : “Hỡi các người làm cha, đừng gắt gao làm hẫn chí uất hận con cái, kẻo chúng đâm tuyệt vọng” (Cl 3.21).

Trong giờ cầu nguyện và học Lời Chúa tại gia đình này, ta hãy cùng nhau xin Chúa chúc lành cho công cuộc giáo dục của ta, cũng xin Chúa ban ơn cho cả chúng ta - những phụ huynh và người trưởng thành - được biết dùng lời nói của mình cho đúng ý Chúa.

Tích truyện

Ông chủ kia một hôm sai đầy tớ ra chợ :

-           Hãy mua cái gì ngon nhất về cho ta uống rượu !

Người đầy tớ đi chợ, mua cái lưỡi heo, về xào lăn thật ngon đem lên. Ông chủ ăn khen ngon. Lần sau, ông lại sai đi chợ, nhưng mua món gì dở nhất. Người đầy tớ cũng lại mua lưỡi heo. Ông chủ ăn xong, ngạc nhiên hỏi :

-           Tại sao lần trước, ta sai ngươi mua đồ ăn ngon nhất, ngươi cũng mua cái lưỡi, lần này mua đồ dở nhất cũng là cái lưỡi ?

-           Thưa ông chủ, đúng thế, vì cái gì tốt lành cũng do cái lưỡi, mà cái gì xấu xa người ta nói ra cũng do cái lưỡi.

-----oOo-----