100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

  
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 60
TÔN TRỌNG DANH DỰ NGƯỜI KHÁC

sách Dân số, ch.12

My-ri-am, chị của Môsê, cũng đã được ơn nói tiên tri, ở trong dân Israen ai cũng gọi bà là Nữ tiên tri (x. Xh 15.20). Ấy thế mà, một ngày kia, bà đã quên ơn trọng ấy của Chúa, đã đánh mất uy tín mình, bà đã vì ganh tị với Môsê hoặc vì tức giận với em dâu, là vợ Môsê, mà đi nói phạm đến Môsê :


- Dễ thường Yavê chỉ phán dạy qua miệng Môsê mà thôi sao? Ông ta có chi đặc biệt đâu ! Đó, ông ta cũng lấy vợ thuộc dân ngoại. Yavê lại đã không phán dạy qua miệng của chúng ta đó ư ?


Môsê là con người rất đỗi khiêm nhu, ông đã nghe thấy lời dèm pha, nói xấu ấy để hạ giá ông, nhưng ông đã nhẫn nhục chịu đựng.


Nhưng cả Yavê cũng đã nghe thấy. Bất thần, Yavê gọi My-ri-am và cả A-ha-rôn đã đồng lõa với bà nói phạm đến Môsê, và bảo:


- Hãy nghe đây ! Nếu giữa các ngươi có được tiên tri nào, thì đó là Ta chỉ tỏ mình Ta ra bằng thị kiến hoặc phán bảo nó trong mộng. Còn với Môsê, tôi tớ của Ta, thì không thế ! Trên tất cả Nhà Ta, nó là người tín cẩn. Ta nói nó mặt đối mặt như bạn thân, nhãn tiền, chứ không bằng chiêm bao, và nó đã được thấy hình bóng của Yavê. Vậy tại sao các ngươi dám nói dèm pha, xúc phạm đến tôi tớ của Ta ?


Và cơn giận của Yavê bừng cháy phạt họ. Yavê vừa dứt lời, thì phong hủi đã bám vào da bà My-ri-am loang lổ, sống như chết, nửa thân mình bị ròi bọ rúc rỉa.


Môsê đã cầu xin Chúa xá tội cho chị mình và chữa lành. Chúa phán :


- Vì ngươi đã cầu xin cho nó, nó sẽ được khỏi, nhưng nó vẫn phải đuổi ra ngoài trại mà ở ngoài rừng 7 ngày.


* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Qua bài Kinh Thánh trên, ta hiểu ngay : đừng bao giờ được phép nói hành, nói xấu ai cả ; huống chi người thuộc về Chúa, cỡ như Môsê. Trong tai chúng ta, phải luôn vang lên lời : “Tại sao các ngươi dám nói dèm pha xúc phạm đến tôi tớ Ta ?”


Bởi vậy, bài hôm nay, ta phải suy nghĩ :


1/  Tại sao phải tôn trọng danh dự người khác ?


Vì chúng ta đã xem kỳ trước, danh dự là của báu, người ta quí hơn mạng sống, đến nỗi có người liều chết để giữ danh thơm của mình. Ở đây, ta còn đi xa hơn : vì ta là Kitô hữu, ta còn có lý do riêng và cao trọng hơn khiến phải trọng danh dự người ta. Đây Lời Chúa dạy : “Mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7.12). Ta muốn người khác trọng danh tiếng ta, không nói hoặc làm gì phá hoại danh dự ta, thì Chúa dạy ta hãy trọng danh thơm người ta như thế. Lời dạy khác : “Nợ gì với ai, hãy trả cho người ấy : ...sợ người phải sợ, kính người phải kính...” (Rm 13.7). “Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu mến anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa...” (1Pr 2.17). Chúa không chỉ dạy, Ngài còn làm gương : “Sau khi ma quỉ đã gieo vào lòng Yuđa cái ý định nộp bắt Đức Giêsu..., Ngài đã chỗi dậy khỏi bàn tiệc, cởi áo ngoài ra, thắt khăn ngang lưng, quì xuống, lấy nước rửa chân tất cả các môn đệ, kể cả Yuđa đang rắp tâm phản Thày. Ngài đã làm một việc chỉ dành cho nô lệ. Sau đó, Ngài bảo : ‘Nếu Ta là Chúa và là Thày các con, mà đã rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau như gương Ta đã làm đó’” (Ga 13.). Ngài là Thiên Chúa, là Thày, mà cúi mình quì xuống trước tạo vật, và hầu hạ các ông với một sự khiêm nhường, như vậy tỏ ra Ngài tôn trọng họ đến chừng nào.


2/ Động cơ nào thúc đẩy ta phải trọng danh dự người ta ? Đành rằng, việc tôn trọng phải biểu lộ ra bằng cử chỉ bên ngoài, như gương Đức Giêsu nêu trên, nhưng nó sẽ không thành thực, nếu không có một lý do bên trong thúc đẩy : lý do đó là linh hồn của cử chỉ bên ngoài. Vậy, lý do bên trong đó là : sự nhìn nhận tự trong lòng, cách thật tình, cái giá trị của người khác. Khi ta khinh bỉ ai trong lòng, mà bề ngoài ta làm những cử chỉ lễ độ, tôn kính, đó là cử chỉ giả hình, giả bộ.


Nhìn nhận giá trị người khác là thế nào ?


 a/  Điểm trước hết là coi mọi người - bất cứ ai, già trẻ, lớn bé, nam nữ, nghèo cũng vậy, mà tàn tật cũng thế - là một con người, hình ảnh của Thiên Chúa, rất được Thiên Chúa yêu thương và tôn trọng họ. Kinh Thánh nói : “Phàm nhân là gì để Người nhớ đến ? Con người là chi để Người bận tâm ? So với thiên thần, Người dựng nên họ không thua mấy tí, vinh dự huy hoàng là triều thiên mà Người ban tặng cho họ” (Tv 8.5-6). Kẻ được Thiên Chúa tôn trọng và ban vinh dự huy hoàng như thế, ai dám không tôn trọng ? Dù họ có xấu đi, Thiên Chúa Cha vẫn thấy hình ảnh Con mình trong họ. Do đó, mọi người đều đáng ta tôn trọng, dù bề ngoài họ có nghèo nàn, có đốn mạt đến thế nào. Vì thế, trên kia, Thánh Phêrô dạy : “Hãy tôn trọng hết mọi người !” (1Pr 2.17). Và Đức Giêsu không ngần ngại đi lại, ăn uống với những người tội lỗi, thu thuế, là hạng người dưới mắt dân Do thái, đã sa đọa, và bị loại ra ngoài lề tôn giáo và xã hội, đáng khinh bỉ. Thế mà Đức Giêsu lại đến với họ, bầu bạn với họ. Đức Giêsu cho biết : Ngài tôn trọng họ, danh dự của họ ở chỗ họ là con Thiên Chúa, họ có nhân phẩm, họ là con người.


Vậy, cha mẹ cũng phải tôn trọng con cái, tuy chúng là con mình. Nhiều cha mẹ coi con cái như đồ vật mình tạo ra, nên có quyền thống trị, độc tài, muốn đánh chửi thế nào cũng được. Đó là hành vi tội lỗi. Chồng cũng phải tôn trọng vợ : vì sao ? Thánh Phêrô bảo : “Hãy biết điều, thân phận nữ tính của họ mỏng giòn, yếu đuối, nhưng các người làm chồng phải biết kính vì họ như những người sẽ cùng đồng thừa hưởng cơ nghiệp sự sống đời đời” (1Pr 3.7).


Ngoài xã hội, không chỉ trọng kính người ta theo tôn ti đẳng cấp, mà - vì mình là Kitô hữu - còn phải tôn trọng người khác ngược với cách đánh giá thông thường của người đời, tức là trọng kính cả những ai bé nhỏ, nghèo hèn, không đáng đếm xỉa... như nói trên kia.


 b/ Cách cư xử, đối đãi sẽ phải thế nào ? Không thể nói hết, vả lại, ai cũng biết rồi. Ở đây, xin phép nhắc sơ qua vài điều :


- Hãy nghĩ tốt cho người ta.


- Kinh Thánh còn dạy : “Hãy coi kẻ khác trổi trang hơn mình !” (Ph 2.3).


-  Các lỗi lầm họ, ta che giấu đi bằng một sự thinh lặng đầy bác ái, trừ phi vì ích lợi cho họ, cho cộng đồng, ta buộc phải nói ra. Song ngay ở đây, cũng phải từ tâm, gượng nhẹ.


- Đừng báo thù bằng cách bôi nhọ, dèm pha, hạ uy tín như bà My-ri-am trên kia.


- Các hình thức bên ngoài biểu lộ sự lễ phép và xã giao. Lễ phép là thái độ của người văn minh.


- Bảo vệ danh dự người khác khi bị tấn công cách ác ý, bất công. Hãy đứng về phe bênh vực tiếng tốt của họ. Đau buồn chia sớt cùng họ, khi họ bị tổn thương danh dự - Tốt nhất là đừng nghe ai nói hành, nói xấu người khác. Nếu bạn có can đảm, hãy cắt ngang câu chuyện. Nếu không, bạn hãy bẻ lái câu chuyện sang hướng khác, cùng lắm, bạn hãy im lặng, một sự im lặng ngầm phản đối. Sau cùng, bạn còn có thể phản đối bằng cách đứng dậy, bỏ đi chỗ khác, biểu lộ sự không tán thành của mình. - Nếu có ai đưa ra những ngờ vực về kẻ khác, bạn có thể nói : “Anh suy bụng ta ra bụng người đó !”, hoặc : “Ở đâu mà chị biết điều ấy ? Có thấy tận mắt không ? Tôi sẽ đi hỏi đương sự, nếu không đúng thì chị sẽ mất gì nào ?”

- Tốt hơn hết, ta hãy nói tốt cho người đang bị người ta nói xấu, ít ra cũng tìm cách bào chữa, hoặc nhắc nhở mọi người : “Chúng ta ai cũng sai phạm, vấp váp cả !”.


Vậy, trước khi kết thúc, ta hãy để vang vọng lại Lời Chúa trách phạt bà My-ri-am : “Tại sao các ngươi dám nói dèm pha xúc phạm đến tôi tớ của Ta ?”

Tích truyện

Trích Tam quốc diễn nghĩa, hồi 23


Tào Tháo lộng quyền, dám khinh rẻ cả Vua. Các quan rất tức giận, song vì Tháo rất quyền thế, không ai dám làm gì. Chỉ có một số đại thần âm mưu định giết Tháo. Trong số đó có Cát Bình, là thày thuốc trẻ của Tháo, cùng nhau uống máu ăn thề sẽ tìm dịp đánh thuốc độc cho Tháo chết. Một  hôm, Tháo bị nhức đầu, Cát Bình sắc siêu thuốc độc. Nhưng được mật báo, Tháo liền giả vờ không uống. Cát Bình bị ép phải uống trước. Biết là bị lộ, Bình sấn lại đè Tháo để đổ thuốc vào. Tháo đẩy thuốc ra, đổ cả xuống đất, gạch đều nứt nẻ vỡ tung. Bị bắt, Cát Bình không hề sợ. Bị tra tấn đến thịt nát xương tan, Bình không hề hé môi khai tên các bạn đồng mưu. Bình mắng:


- Mày là thằng giặc dối vua lừa dân, cả thiên hạ đều muốn giết mày ! Chẳng có ai sai tao cả. Nay việc không thành, chỉ có chết là cùng”.


Bị đánh nát thịt, Bình ngất đi, tỉnh dậy lại nói :


- Chẳng ai sai tao, có trời sai tao đến giết mày thì có !


Tháo sai chặt tay. Bình nói :


- Mất tay, ta còn miệng để nuốt giặc, còn lưỡi để chửi giặc.


Tháo sai lính cắt lưỡi... Lúc ấy, Bình quay đầu hướng về Đình Vua, bái lạy, rồi đập đầu xuống thềm mà chết. Người sau làm thơ khen rằng : “Cực hình không chịu khuất, muôn thuở còn lưu, chết thảm vẫn như sinh”.