100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

  
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 69
LỜI BAN SỨC SỐNG

Trích sách Khởi Nguyên, ch.6-8

Sau khi Ađam, Eva sa ngã và bị đuổi ra khỏi địa đàng, loài người sinh sản ra đông đúc. Nhưng Yavê thấy loài người càng ngày càng làm sự dữ, suốt ngày từ sáng đến tối, họ chỉ suy tính làm những điều tội lỗi. Yavê hối tiếc vì đã dựng nên con người và Người đã phải đau phiền trong lòng. Người quyết định sẽ xóa sạch khỏi mặt đất hết thảy loài người cùng với mọi giống chim muông, cầm thú. May thay ! Chỉ có một mình ông NOÊ là người ăn ở có đức nghĩa trước mặt Thiên Chúa. Ông sinh được ba con trai : Sem, Kham và Gia-phét. Lúc ấy, Yavê phán với Noê :

-           Ngươi hãy đóng một chiếc tàu lớn, vì ta sắp cho lụt Hồng Thủy đến trên cõi đất mà hủy diệt hết mọi loài, mọi vật dưới gầm trời. Phần ngươi, ngươi ăn ở có nghĩa với Ta, Ta sẽ cứu ngươi và vợ con, cháu chắt ngươi. Cùng với gia đình ngươi, ta sẽ cứu mỗi loài, mỗi vật một cặp, cho vào tàu của ngươi.

Noê đã vâng theo lời Thiên Chúa dạy không sai sót điều nào. Đóng tàu xong, Chúa bắt đầu cho mưa 40 ngày, 40 đêm, mưa trút xuống như thác, nước dâng lên cao đến nỗi mọi núi non cao nhất cũng bị phủ lấp. Mọi loài, mọi vật, mọi người đều chết hết. Còn tàu Noê, nổi trên nước và mọi người trong tàu đều được cứu sống. Nước ngập như thế 150 ngày, sau đó từ từ cạn dần, khi đất đã lộ ra, ông Noê hạ tàu trên sườn núi và bước ra khỏi tàu. Trước ơn lạ lùng cứu thoát đó, Noê và gia đình lấy đá lập một bàn thờ và dâng lễ tế tạ ơn lên Thiên Chúa.

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Ở đâu có loài người, là thấy có đủ thứ tội lỗi, thời xưa cũng như thời nay. Thiên Chúa thánh thiện vô cùng, không thể làm ngơ trước sự dữ, sự tội. Hình phạt nhất định phải đến, không chóng thì chày. Hồi đó, may có ông Noê là người ăn ở có nghĩa với Chúa. Noê đã làm gì để được cứu thoát ?

Ông làm một điều điên khùng ! Nhưng vì Chúa dạy thì ông vâng lời. Đó là đóng một chiếc tàu. Các bạn cứ thử tưởng tượng chút xem. Ở giữa một làng quê đang nắng ráo, thanh bình, yên vui, bỗng nhiên, dân làng thấy ông Noê đóng một chiếc tàu to quá cỡ. Kinh Thánh cho biết : dài 150m, rộng 25m, cao 15m. Ai ai cũng cười nhạo ông. Hình như Đức Giêsu cũng gợi đến thái độ cười nhạo hoặc ít ra dửng dưng ấy khi Ngài nói : “Vào lúc Noê đóng tàu, thiên hạ cứ ăn uống, cứ lấy vợ lấy chồng cho đến ngày Noê vào tàu và Hồng Thủy đến...” (Lc 17.26-27).

Họ cười nhạo ông, vì đang nắng ráo, bình yên thế này lại đi đóng tàu, mà lại đóng ngay giữa đồng bằng, nơi không có sông có biển. Nên họ yên chí họ khôn, Noê khùng, thế là họ cứ việc ăn uống, chơi bời, lấy vợ lấy chồng, xây nhà dựng cửa... Chắc ông Noê cũng lắm lúc bị lời chế diễu làm ông lung lay, cũng cảm thấy hình như mình điên thật..., song chợt nhớ lại Lời Chúa bảo, thế là ông nhắm mắt tin vào Chúa rồi cắm đầu làm việc... Nào có ai ngờ, lụt Hồng Thủy đến đã chứng tỏ ai khôn, ai dại, ai tỉnh, ai điên ! Khi chiếc tàu kia bắt đầu nổi lên mặt nước mênh mông, các người cười nhạo ông và cứ tiếp tục ăn chơi đâu rồi ? Họ có còn cười nhạo nữa chăng ? Họ bị tiêu diệt hết rồi ! Kết quả : Lời Chúa dạy, Noê đã tin và làm theo, lời ấy đã cứu sống ông và cả gia đình. Đó chẳng phải là Lời Chúa đem đến sự sống ư ? Ông Noê được cứu sống phần xác khỏi Hồng Thủy tiêu diệt, là hình bóng chỉ về việc Lời Chúa cũng cứu sống ta cả hồn xác như vậy.

Kỳ trước, ta đã nói Lời Chúa ban ơn thứ nhất là sự sống đời đời. Còn ơn thứ hai, được sống lại ngày sau hết, sẽ dành đến phần bàn về sự sống lại cho tiện.

Kỳ này, ta tìm hiểu tiếp, Lời ban sự sống nghĩa là thế nào ?

1/         Trước hết, ta quay nhìn Đức Giêsu :

Trong những lễ trọng, linh mục chủ tế đến trước bàn đọc Sách Thánh, vạch hình thánh giá trên sách, rồi vạch ba hình thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực. Giáo dân ở dưới cũng làm như vậy. Khi công bố Lời Phúc Âm xong, chủ tế hôn Sách Thánh, còn giáo dân tung hô : “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !”. Trong các lễ trọng thể, còn có rước sách, bồi lễ cầm nến sáng chầu hai bên, linh mục xông hương Sách Thánh nữa.

Tại sao làm những nghi thức long trọng như vậy cho một cuốn sách ?

Thưa : Không phải cho một cuốn sách đâu, nhưng chính là cho Lời thần thánh của Chúa Kitô đang được đọc lên vang dội vào tai chúng ta, như thể Chúa Kitô đang đứng đó phán dạy cho ta nghe.

Loài người cất giữ với lòng trọng kính các lời của những bậc danh nhân, thánh hiền, ngay đến cả các sưu tập thơ phú hoặc tư tưởng, lời hay ý đẹp của người xưa, coi đó như những viên ngọc quí, cất đi cho các thế hệ mai sau thưởng thức, tìm được nguồn vui thú tinh thần, và tu tỉnh bản thân, xây dựng xã hội...

Những lời thần thánh của Đức Giêsu còn quí báu và đầy ý nghĩ hơn gấp bội, và còn ban sự sống đời đời, vì đó là Lời của Sự Khôn Ngoan Vĩnh Hằng của Thiên Chúa.

Trong ba năm, Lời Vĩnh Hằng ấy, tức là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã xuống ở giữa trần gian, đem từ trời xuống kho tàng “sự thật” để giảng dạy cho loài người. Chính vì Ngài là sự thật, Ngài mang sự thật toàn diện xuống nói cho loài người, nên ta thấy Ngài giảng dạy không phải như mấy ông giáo tổ lập đạo khác : các ông chỉ là người trần gian, nên phải tu luyện, rồi đi tìm học đạo, sau nhiều năm công phu dò dẫm mới nghĩ rằng tìm ra một chân lý mà dạy cho đồ đệ, như Đức Phật Thích Ca, như Đức Khổng Phu Tử... Còn Đức Giêsu không bao giờ phải hỏi ý kiến hay bàn bạc với người ta : Tôi nói có đúng không hay sai ? Nếu sai chỗ nào, xin giúp ý kiến cho tôi sửa ? Không bao giờ Ngài do dự hay có những câu : Có lẽ... Có thể... Hình như... Trái lại, lời Ngài dạy chắc nịch : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi...”. Vì Ngài biết mình là ai : “Ta là Đàng, là Sự thật và là Sự sống !”

2/         Quay nhìn về loài người :

Loài người sống ở trần gian đầy tối tăm và lầm lạc, như thể người mù rờ rẫm đi trong đêm tối, đi mà không biết mình đi đâu, có kẻ tưởng đi đúng đường, mà hóa ra lại đi lạc, kẻ khác rơi xuống hố, đâm vào bụi gai... Tức là có ý nói loài người không biết đâu là sự thật, là cùng đích đời mình, nên có người nghĩ hạnh phúc là trong danh vọng, kẻ khác cho rằng trong giàu tiền lắm của, kẻ khác nữa cho rằng trong cuộc săn đuổi các khoái lạc, tứ đổ tường... Kẻ thì nói hạnh phúc con người chỉ ở đời này, chơi đi, ăn đi cho thỏa, chẳng có kiếp sau, kiếp trước, chẳng có thiên đàng, hỏa ngục gì cả ; kẻ khác lại nói có nhiều kiếp, tu thân diệt dục kiếp này chưa xong, lộn vào kiếp sau đền tội và tu tiếp...

Thiên Chúa thương xót loài người tối tăm, lầm lạc như thế, vô phương tìm ra đường sự sống và hạnh phúc thật, nên đích thân Con của Người phải xuống dạy.

3/         Chuyển Lời Chúa đến với ta thế nào ?

Những lời dạy quí báu đó, các tông đồ và môn đồ của Đức Giêsu là những người đầu tiên đã nghe, đã tin và đã sống. Phần Đức Giêsu, sau khi thực hiện xong sứ mệnh, Ngài đã về trời lại, về nơi Ngài đã ở trước bên Cha từ thuở đời đời. Các tông đồ đã ghi nhớ kỹ các điều mắt thấy tai nghe về các lời dạy và các hành động của Thày Chí Thánh, và cách ghi nhớ chắc chắn nhất là chép vào sách. Chúa Thánh Thần đã đến soi sáng trí khôn và hướng dẫn ngòi bút họ viết sao cho đúng như Chúa muốn. Vì thế, họ chỉ có thể viết đúng sự thật. Phần chúng ta, sinh ở thế kỷ 20, không được diễm phúc nghe Chúa, thấy Chúa, song không sao, Chúa còn ca ngợi : “Phúc cho kẻ không thấy Thày mà vẫn tin”. Và hơn thế, Chúa còn cầu nguyện cách tha thiết rằng : “Lạy Cha, con không chỉ cầu cho các môn đồ đang có mặt đây, mà còn cầu xin cho các kẻ sau này nghe lời chúng mà tin vào Con, xin Cha cũng thánh hóa nữa”.

Như vậy, các Lời Chúa dạy, việc Chúa làm để chỉ đường cho ta tới hạnh phúc thiên đàng đã được ghi chép vào sách, còn phần nào nhiều quá không chép xuể, thì được vào “bộ nhớ” của Hội Thánh và truyền lại cho ta, không sai trệch, cách trung thực, vì có Chúa Thánh Thần hổ trợ, Ngài là Thần Khí Sự thật !

Phần ta, khi đón nhận và tin Lời Chúa mà Hội Thánh chuyển lại cho ta, đó là ta đón nghe chính Chúa như Chúa dạy : “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Ta, ai nghe các con là nghe Ta, và tiếp đón Ta là tiếp đón Cha, Đấng đã sai Ta” (Lc 10.16; Mt 10.40). Lời Thánh Phaolô khen tín hữu Thesalônikê sau đây, cũng là khen chúng ta : “Tôi không ngớt tạ ơn Thiên Chúa, bởi chưng anh em đã chịu lấy lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, thì anh em đã đón nhận lấy, không phải như lời của những người phàm, mà là như lời của chính Thiên Chúa, mà quả thật là thế” (1Tx 2.13).

4/         Ta phải có thái độ nào trước Lời Chúa ?

Trong cuộc đời, ta luôn cẩn trọng đón lấy và ghi nhớ các lời cha mẹ, thày cô giáo... Thường nghe trẻ con nói : “Ba tao bảo thế này..., ba tao nói thế kia...”. Đối với nó, ba nói là sự thật, ba nó là ông trời, nó tin vào ba nó, không ai có thể làm nó lung lay lòng tin. Người lớn cũng vậy, biết bao lời dạy của cha mẹ, thày dạy, ta vẫn ghi nhớ đến suốt cuộc đời : “Hồi ấy, ba tôi có dặn tôi thế này... hoặc má tôi khuyên tôi thế kia...”

•  Cha trên trời còn có lòng ưu ái, yêu thương, lo lắng cho ta vô ngần hơn thế, nên đã sai Đức Giêsu, Con Một Người, đến dạy dỗ, hi sinh đền tội cho ta khỏi chết đời đời. Cứ thử hỏi, một người hi sinh mạng sống để bảo đảm lời nói, hẳn ta không thể còn nghi ngờ gì, vì không phải lời nói suông. Đức Giêsu đã nói, đã dạy ta con đường sự thật, Ngài đã lấy mạng sống hi sinh đi để lời nói ấy có giá trị. Có vị giáo tổ lập đạo nào đã lấy mạng sống hi sinh cho tín đồ của mình chưa ? Cái chết của Đức Giêsu chứng tỏ cho ta biết những lời Ngài dạy là chỉ vì yêu thương ta và muốn mưu ích cho ta. Ai không nghe, không tin vào lời Ngài, quả thật là người lòng chai dạ đá, vô tâm, vô tình, vong ơn bội nghĩa ; hơn nữa, là người dại dột, ngu xuẩn.

Thánh Phêrô đã thay mặt các môn đồ mà nhận tin lời Đức Giêsu: “Lạy Thày, bỏ Thày con biết theo ai ? Vì Thày có những lời đưa đến sự sống đời đời”.

•  Đón nhận Lời Chúa không chỉ là cử chỉ đền đáp ân tình của Chúa thương yêu, lo lắng cho ta, mà còn là nhu cầu của chính bản thân ta nữa :

Lời Chúa ban sự sống, như cơm bánh ban sức sống cho thân xác ta. Con người còn có linh hồn và linh hồn cũng cần phải được nuôi dưỡng, xin các bạn đừng quên ! Lương thực cho linh hồn phải là thiêng liêng như linh hồn là giống thiêng liêng. Cái đói của thân xác thấy được, nên ai cũng sợ và ra sức kiếm đồ ăn, thức uống nuôi nó ; nhưng còn cái đói, cái chết của linh hồn, người ta không thấy được nên không sợ. Chính ở đây, loài người chia hai phe : người khôn, kẻ dại. Kẻ chỉ thấy cái nhãn tiền, kẻ còn thấy cả cái linh thiêng. Được Lời Chúa dạy, họ tin, đức tin làm họ thấy cái người đời không thấy. Cũng như chuyện Noê, ông tin Lời Chúa báo trước sẽ có lụt Hồng Thủy ngay giữa lúc trời vẫn khô ráo, bình yên vô sự... Lúc Hồng Thủy đến mới thấy, ông sống, mọi kẻ kia chết hết. Cái khôn, cái dại lúc đó, lúc quyết liệt ấy mới bày tỏ ra. Và số phận họa phúc, không còn thay đổi được nữa, kẻ mở mắt ra thấy mình dại thì cũng quá muộn rồi, và muôn đời muôn kiếp khổ đau trầm luân là phần công lênh trả cho cái dại dột nhất thời của họ. Cũng như cô gái non nớt kia, cha mẹ dạy dỗ cho biết e dè, khôn ngoan thì không nghe, cứ nói có gì xấu đâu, có gì đâu mà sợ... ; đến lúc bị lợi dụng, tan nát đời hoa, tên sở khanh truất ngựa truy phong, lúc đó mới mở mắt ra thì trăm năm ôm hận, một thời xuân sắc tàn phai hết rồi còn chi...

•  Ở đây có một điều lầm lẫn tai hại : đó là nhiều người, ngày nay chỉ coi linh hồn như là một cái trí khôn, nên họ chỉ nuôi nó bằng khoa học, triết học, lời hay ý đẹp ở các sách vở, phim ảnh, truyền hình... Thưa : như thế không đủ, linh hồn ta, ngoài chức năng trí tuệ, còn có cái linh hướng về tâm linh, thiêng linh. Vậy nó cần của ăn thiêng linh nữa, mà chỉ Lời Chúa và ơn sủng mới ban cho mà thôi. Kinh nghiệm đời cho thấy sự khác biệt đó : có biết bao kẻ học cao trí thức, đỗ đủ thứ bằng cấp, tiến sĩ, phó tiến sĩ, bác sĩ..., mà vẫn kỳ thực là những tên lưu manh, sa đọa, độc ác, ích kỷ, hại dân hại nước. Đó là những kẻ mới nuôi cái phần trí, mà không nuôi cái phần linh trong mình. Do đó, Chúa Giêsu dạy : “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng các Lời Chúa phán ra” (Mt 4.4). Lời Chúa nuôi ta, có nghĩa là không chỉ soi sáng trí khôn ta biết đàng phải, đàng thật mà đi, nhưng nhất là còn ban sức mạnh thúc đẩy ý chí ta làm được sự lành, tránh sự dữ, phục vụ, thương yêu tha nhân, xây dựng xã hội...

Cách riêng các bạn trẻ, các bạn đang ở lứa tuổi học hành, tức là tâm hồn các bạn đang mở ra khao khát đón nhận đủ mọi thứ : học chữ, học nghề, học sống, học ăn, học nói, học gói, học mở... Nói tóm lại, tâm hồn các bạn đang khao khát chân lý. Chớ gì đang khi học các môn học bồi dưỡng trí tuệ, các bạn đừng bỏ đói cái phần linh trong các bạn. Thiếu nó, các bạn không bao giờ là con người đầy đủ.

Tích truyện

Ở Ấn độ, một thanh niên đến cùng một vị thày tu đang ngồi bên bờ sông Hằng và xin chỉ cho làm thế nào để tìm được Thượng Đế. Vị Thày tu nắm lấy anh, dìm xuống nước một lúc đến gần như ngộp thở. Khi người thanh niên lên bờ, vừa sặc sụa, vừa hổn hển hỏi vị chân tu :

-           Tại sao thày làm vậy ?

Ông đáp :

-           Khi nào con khao khát Thượng Đế mãnh liệt như con khát khao khí thở lúc con bị dìm xuống dòng sông, lúc ấy, con sẽ tìm thấy Ngài như tìm được sự sống cho con !