100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999


[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 73

TỘI NGUYÊN TỔ

Trước khi học Bí Tích Rửa tội, hoặc văn vẻ hơn : Bí Tích Thanh tẩy (đừng đọc là Thánh tẩy), ta phải tìm hiểu tội tổ tông đã, vì Phép Thanh tẩy có phận sự tẩy xóa tội tổ tông và các tội mình làm.

Trích sách Khởi Nguyên, ch.3

Rắn là một vật tinh ranh hơn mọi dã thú Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà :

-           Hẳn Thiên Chúa đã phán : Các ngươi không được ăn cây nào trong vườn ?

Người đàn bà đáp :

-           Quả cây trong vườn chúng tôi được ăn, chỉ trừ quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa cấm ăn, cấm sờ, kẻo phải chết.

Rắn nói :

-           Chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên, Thiên Chúa biết ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những thiên chúa biết cả tốt xấu.

Nghe vậy, không nhịn được tính tò mò, người đàn bà đã nhìn, thì thấy quả ăn chắc là ngon, nhìn cũng sướng mắt, nó thật đáng quí, để được tinh khôn. Thế rồi, không cầm mình nổi trước cám dỗ, bà đã hái quả mà ăn, bà cũng trao cho chồng ở bên bà, và ông đã ăn. Mắt cả hai đứa đã mở ra và chúng biết là chúng trần truồng. Chúng đã khâu lá vả làm khố cho mình. Chúng nghe tiếng Yavê bước đi tản bộ trong vườn lúc gió hiu hiu thổi buổi chiều hôm, và con người với vợ đi núp mình khuất mặt Yavê giữa những cây trong vườn. Yavê gọi con người mà rằng :

-           Ngươi ở đâu ?

Con người đáp :

-           Tôi nghe tiếng bước của Người trong vườn và tôi sợ vì tôi trần truồng, nên tôi đi núp mình đi.

Yavê phán :

-           Ai đã mách cho  ngươi biết là ngươi trần truồng ? Họa chăng là ngươi đã ăn cây Ta cấm ?

Và con người thưa :

-           Người đàn bà mà Người đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn.

Yavê quay sang hỏi người đàn bà :

-           Tại sao ngươi làm thế ?

Người đàn bà thưa :

-           Rắn đã phỉnh tôi nên tôi đã ăn !

Sau đó, Yavê xử phạt cả ba, và nặng nề nhất là trên con rắn.

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Bài Kinh Thánh này, hầu như mọi tín hữu đều biết gần như thuộc lòng. Nhưng hiểu nó cho đúng, đã được mấy ai ?

Trước hết, không được hiểu đoạn văn này như là một việc tả chân đúng từng câu, từng chữ, sát nghĩa đen : con rắn là con rắn ta thường thấy, cái cây là cái cây nào đó giống các cây mà ta biết..., trái cấm là một trái cây cũng như trái táo, trái “bom”, trái ổi... Vậy phải hiểu sao ? Phải hiểu nó giống như câu chuyện ngụ ngôn, nghe kể để rút lấy cái ý muốn ám chỉ điều gì ở trong đó. Vì quả thật, chưa hề bao giờ có một con rắn lại biết nói, đó là chuyện hoang đường. Nhưng tác giả Kinh Thánh có ý ám chỉ nó là một loài quỉ quái, tinh khôn, khéo léo, biết luồn lách, và có ác tâm muốn làm hại loài người. Rắn ám chỉ về ma quỉ, hoặc một thế lực tăm tối, ác hiểm, lén lút, xúc xiểm con người làm sự trái.

Nhưng đàng khác, ta không được coi câu chuyện tả trên đây là hoang đường ; trái lại, ta phải nhận là có xảy ra. Nhưng vì nó là một điều bí nhiệm, nên phải dùng thể văn bình dân, tả chuyện, tả cảnh mà kể lại, nhất là cho những người bán khai sống cách đây mấy nghìn năm được dễ hiểu, dễ nhớ. Tóm lại, ta phải vượt qua các chi tiết cụ thể, vật chất, sát nghĩa đen, mà hiểu các điều ấy theo nghĩa bóng, tức ý nghĩa nhiệm mầu mà Chúa muốn dạy cho ta. Ta hãy lấy một ví dụ : ở bên tây phương, khi đứa con nít 4, 5 tuổi ngớ ngẩn hỏi mẹ nó : Con từ đâu mà sinh ra ? Ba má nó không thể nào nói cho nó về vấn đề sinh lý, việc cha mẹ giao hợp với nhau, tinh trùng gặp trứng của người nữ rồi kết thành bào thai thể nào..., cái đó quá khó đối với nó, để sau này khi nó lớn lên, đủ trí khôn, họ sẽ nói rõ. Hiện giờ phải nói bóng bẩy, bà mẹ sẽ chỉ nói : “Một hôm có con cò trắng bay trên trời, ngậm trong mỏ một cái giỏ, trong đó có con nằm, bé tí xíu, rồi con cò đậu xuống, bỏ vào bụng mẹ đây, thế là mẹ đẻ con ra, con là con bố mẹ”. Với tuổi thơ, biết từng ấy là đủ rồi. Nhưng nếu khi nó đã 20 tuổi, học đại học gì gì rồi, mà nó cứ hiểu như mẹ nó kể hồi bé, thì nó chẳng hóa ra thằng ngốc, ấu trĩ lắm sao ?

Ấy thế mà việc ấy lại xảy ra cho nhiều người tín hữu mới chết chứ ! Không cần nói về nhiều điều khác trong đạo, chỉ lấy một tỉ dụ là chuyện Kinh Thánh kể trên về việc ăn trái cấm, có nhiều người tín hữu nay đã trưởng thành, sống thế kỷ 20, sắp bước sang 21, mà vẫn hiểu chuyện đó như đứa con nít : là có một con rắn biết nói, có một cái cây có quả cấm (có người còn gọi đích danh nó là trái pom nữa, thật hết nước nói), rồi ăn vào, nuốt vào bụng, còn Adong thì nuốt nửa chừng đến cổ, mắc kẹt thành cục adong ở giữa cổ...

Đáng buồn ! Lỗi là do các Đấng giảng dạy không cắt nghĩa. Song tín hữu cũng có lỗi vì tỏ ra ít chịu khó tìm hiểu ý nghĩa đạo mình, học dăm câu sách phần, giáo lý hồi nhỏ, thế là cứ hiểu từng đó và y như thế cho đến bây giờ, đang khi các vấn đề ở đời, văn chương, khoa học, kinh tế, làm ăn, mánh lới..., thì họ chịu khó học lắm, rành lắm. Tôi nói đây là xin nhắn riêng các bạn trẻ, từ 13-14 tuổi trở lên..., hãy chịu khó học thêm giáo lý và Kinh Thánh, để đời sống đạo của các bạn càng tươi đẹp, vì có hiểu mới thích.

1/         Bây giờ, ta đề cập đến ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên : Thiên Chúa đã tạo dựng nên loài người, Người lại cho họ hưởng dùng mọi sự vật Người dựng nên, đó là ý câu : “Mọi quả cây trong vườn, chúng tôi đều được ăn. Nhưng có một thứ cây quả Thiên Chúa cấm, sờ vào, ăn vào là phải chết”. Ý nói : có một điều, con người không được chạm tới, không được chiếm lấy, nghĩa là Thiên Chúa đặt con người trong một giới hạn, không được vượt qua mà tìm cái không thuộc quyền họ, quá khả năng họ. Ở đây là cây biết tốt xấu, cái cây lạ đời này có ý ám chỉ quyền định đoạt về cái gì là tốt, là xấu cho đời mình. Quyền ấy thuộc về Thiên Chúa. Tiếm quyền ấy sẽ đem con người tới cái chết, cái hỏng cuộc đời mình.

a/         Quyền định đoạt về tốt xấu là thế nào ? Thưa là điều lợi hại mà chỉ mình Thiên Chúa có quyền định, ví dụ nói dối là xấu, là hại. Nhưng con người chiếm quyền ấy khi nói : Không, nói dối là tốt, là cần, nhất là khi nhờ nói dối, tôi đạt được điều tôi ước mong, nói dối có lợi cho tôi, cho nên tôi quyết định rằng đó là điều làm được và tốt (Đây là lấy ví dụ cho anh chị em dễ hiểu, chứ không phải nguyên tổ phạm có tội nói dối đó mà thôi). Làm như thế, con người đã định đoạt về tốt xấu là điều lợi hại chi phối số mệnh con người.

b/         Như thế, nói chung lại, con người phạm tội gì ? Cái tội này - mà đoạn Kinh Thánh mô tả cụ thể bằng việc ăn trái cấm - đó là khi tiếm quyền Thiên Chúa ấy, họ muốn bằng Thiên Chúa. Truyện kể rằng : “Các ngươi sẽ mở mắt”, tức là sẽ nên thượng trí, khôn ngoan, và “Các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa”, bằng Thiên Chúa, ngang với Thiên Chúa, thế là chẳng cần Thiên Chúa nữa, cái gì mình cũng biết được, cái gì mình cũng làm được, tốt xấu, hạnh phúc đời mình mình tự tạo lấy, đó là thiên đàng trần gian ngay đây rồi, cần gì phải cầu xin, phải tin Chúa, phải lãnh như ơn huệ của Thiên Chúa... Như thế là chối bỏ địa vị thụ tạo, tự cho mình như những Thiên Chúa, không biết ơn Chúa đã tạo dựng nên mình, chẳng biết ơn về mọi sự Thiên Chúa dựng nên trong thế giới này cho mình.

c/         Các Đấng giảng dạy từ xưa đến nay đều tóm tắt cái tội ấy lại bằng câu : tội kiêu ngạo ! Song không phải cái kiêu ngạo vụn vặt con nít hay xưng trong tòa, hay kiêu ngạo lẻ tẻ của ta thường ngày đối với người này, người nọ. Đây là cái thái độ kiêu ngạo tầy trời, và chống với chính Thiên Chúa nữa mới ghê chứ !

2/         Bây giờ, ta đến điểm hỏi rằng : Ai đã phạm tội ấy ? Lời đáp từ xưa ta vẫn được nghe dạy là một mình ông Adong và bà Eva phạm, đó là tội tổ tông, rồi truyền đến con cháu là tất cả giống dòng nhân loại. Bây giờ, ta nên hiểu rộng ra thế này : Không chỉ mình nguyên tổ phạm, mà cả chúng ta, cả nhân loại, bất cứ ai sinh ra làm người thì cũng mang lấy sẵn cái mầm mống tội ấy trong mình. Chẳng phải trong chúng ta, ai cũng có kiêu ngạo đấy ư ? Ai chẳng có cái mầm mống tôi muốn làm chủ cả mọi sự, muốn tự mình định đoạt cái tốt, cái xấu. Tỉ dụ Chúa bảo ta : không được nói dối, còn ta tự nhủ : nói dối mà không làm thiệt hại ai, thì tôi làm được. Chúa định rằng : phải tha thứ, phải yêu kẻ địch thù ! Thế mà nhiều người dám nghĩ : Chúa dạy thì Chúa cứ dạy, chứ ai mà làm được ? Làm sao tôi tha thứ được cho kẻ đã làm hại gia đình tôi, đã sỉ nhục tôi, tôi phải báo thù mới được ! Chúa dạy yêu thương ư ? Làm sao yêu kẻ thù tôi được ? Chúa dạy phải sống trong sạch, còn người có gia đình thì một vợ một chồng. Chúng ta nói : Chúa dạy điều khó ai mà giữ được..., vợ chồng không còn sống hạnh phúc với nhau thì tôi bỏ, đi lấy người khác..., sống với nhau mà như trong hỏa ngục thì sao sống nổi... Chúa khó quá, Chúa vô nhân đạo, Chúa bắt người ta phải khổ... Nói tóm : chúng ta luôn luôn ngấm ngầm chống đối, muốn đi ngược ý Chúa, muốn làm mọi sự theo ý mình : đó là tội tổ tông, nó nằm trong bản thân con người rồi ! Vậy, tội tổ tông là điều chúng ta cũng phạm và đang phạm hàng ngày : nói tổng quát là cái thái độ tâm hồn ta luôn muốn chống lại ý Thiên Chúa, muốn làm theo ý mình, làm chủ đời mình, không muốn uốn nắn đời mình theo ý muốn của Chúa định đoạt, mà hành động sao để có lợi cho mình, theo ý thích và đam mê của mình.

3/         Hậu quả sau khi phạm tội tổ tông là gì ? Bài Kinh Thánh cho biết : “Mắt họ mở ra và thấy mình trần truồng”. Không phải là không có quần áo, mà là trần trụi, nghèo xơ xác, chẳng có gì cả. Phạm tội chống Thiên Chúa, làm chủ mình, định đoạt đời mình, họ tưởng họ sẽ được mọi sự, kỳ thực ra trắng tay. Cứ thử lấy một ví dụ : Hít-le khi tưởng mình là tài giỏi, Đức quốc xã sẽ làm bá chủ thế giới, thế là ông phát động cuộc xâm lăng các nước và chiến tranh với cả thế giới... Cuối cùng, ông đã thất bại, cả thế giới chống lại, đem quân, chiến xa, máy bay ném bom tan cả nước Đức ; còn Hít-le thì phải tự sát trong một cái hầm, khi quân Đồng Minh vây Bá Linh và sắp bắt được ông. Ông đã ra trần truồng, nghĩa là trần trụi, chẳng còn gì, chính mạng ông cũng mất. Ta lấy thí dụ ấy mà áp dụng cho từng người. Nếu chúng ta muốn làm theo ý mình, tổ chức đời mình theo ý mình, làm chúa tể đời mình, mọi hoạt động đời mình theo ý riêng, đam mê, tội lỗi..., ta sẽ ra tay trắng, ra trần truồng, khi đứng trước tòa phán xét... Còn gì nữa ? Bài Kinh Thánh nói : Họ sợ và trốn tránh mặt Chúa, Đấng trước kia chiều chiều xuống tản bộ trong vườn dạo chơi thân mật với họ. Thế là hết tình nghĩa. Bây giờ chỉ còn tránh lánh, nếu không phải là địch thù. Còn gì nữa ? Hình phạt ngay ở đời này, trong chính bản thân và điều kiện sống của mình : ông phải cật lực đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm chén cơm, bà phải đau đớn trong sinh đẻ và thân phận phải lụy phục chồng. Gieo gió chỉ gặp bão.

4/         Tình trạng ấy có tuyệt vọng không ? Thưa không ! Ở bài sách Thánh trên, ta không trích đăng câu tiếp theo, đó là một lời hứa hé mở niềm hi vọng cho nhân loại khốn khổ : một miêu duệ, tức là một người con cháu trong dòng dõi nhân loại, sẽ cứu nhân loại. Đó là tiên báo về Chúa Giêsu Kitô sẽ đến cứu họ, giải thoát họ khỏi tội tổ tông và các tội mình làm, thoát cảnh trần truồng và bị kết án, thắng Satan (con rắn).

Tất cả ơn giải thoát, sự toàn thắng nói trên, Đức Giêsu đã đến, đã thực hiện xong, nhờ cuộc Tử nạm và Phục sinh của Ngài. Ngài gói ghém nó lại trong Bí Tích Thanh tẩy mà gửi đến cho ta. Vậy muốn được giải thoát, được toàn thắng, ta hãy lãnh lấy Bí Tích Thanh tẩy.

Tích truyện

Xưa, có một ông hoàng trẻ mà rất kiêu, muốn người ta tôn thờ mình như vị thần, nên không cho người ta đến gần, chỉ được phép bái lạy từ xa. Một hôm, ông du thuyền trên sông, thuyền lật, ông ta bì bõm sắp chết đuối. Ông kêu cứu, dân làng nghe tiếng chạy ra, nhưng thay vì nhảy tới cứu, họ chỉ đứng xa xa trên bờ mà bái lạy rối rít. Ông gào :

-           Đến cứu ta, các bạn !

Họ trả lời :

-           Chúng tôi không dám đụng đến thánh thể ngài với tay thô hèn của chúng tôi.

Mãi một lúc sau, họ mới đến vớt ông lên thì bụng ông đã phình lên vì uống nước no. Thật là một bài học đích đáng ! Từ đó, ông chừa thói kiêu ngạo, cho mình là thần thánh.