Học và Sống Năm Thánh Kinh
Trong bài trước chúng ta đã bàn về Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Hội Thánh. Chúng ta đã thấy rằng trong Thánh Lễ, Hội Thánh nuôi chúng ta bằng cả hai bàn tiệc Lời Chúa lẫn bàn tiệc Thánh Thể. Nhưng tại sao hai bàn tiệc này dường như không mấy ảnh hưởng đến đời sống chúng ta, kể cả đời sống của nhiều vị có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa cho các chúng ta? 
 

Có lẽ vì chúng ta chưa để cho Lời Chúa “cư ngự cách dồi dào” trong tâm hồn mình (x. Col 3:16 ). Muốn cho cho Lời Thiên Chúa cư ngụ và sinh hoa kết quả trong tâm hồn thì chúng ta cần phải đọc Thánh Kinh theo các truyền thống của Hội Thánh. Tiếc rằng trong các truyền thống này xem ra trái ngược với nền văn hóa, mà đôi khi còn trái ngược cả với những quan niệm “khoa học” của nhiều học giả Thánh Kinh hiện đại.

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa tháng 10 năm 2008 vừa qua Đức Hồng Y Francis George đã tóm tắt hiện tình về giảng dậy Thánh Kinh như sau: “Thường thì óc tưởng tượng của thời đại đã đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa như là tác nhân trong lịch sử. Người trí thức ngày nay tìm thấy nhiều sự bất nhất trong Thánh Kinh, và không được biết regula fidei (luật Đức Tin). Tâm hồn con người hiện đại không được uốn nắn bởi việc phụng tự và tuân phục Lời Chúa trong năm Phụng Vụ.” (THĐGM 9/10/2008 ). Ý thức được điều đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết tâm giải phóng Hội Thánh khỏi ảnh hưởng của Thuyết Tương Đối và không ngừng cổ võ cho việc trở lại với những truyền thống tốt đẹp của Hội Thánh, đặc biệt là truyền thống đọc, học và cầu nguyên bằng Thánh Kinh, để Lời Chúa thật sự biến đổi lòng chúng ta và trở nên một Mùa Xuân Thiêng Liêng Mới cho Hội Thánh.

Phong trào đọc Thánh Kinh của người Công Giáo mỗi ngày một lan rộng, nhưng có những người đọc Thánh Kinh với một cách gọi là “xoay ổ đạn” - tức là mở bất cứ đoạn Thánh Kinh nào ra cách ngẫu nhiên, và coi là Thiên Chúa nói với họ bằng câu nào mà ngón tay họ đặt vào. Có những người khác lại giải thích Thánh Kinh theo ý mình và cho rằng đó là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Đó không phải là những cách đọc Thánh Kinh theo truyền thống.

Có nhiều phương pháp đọc Thánh Kinh theo truyền thống. Trong số các phương pháp này, có hai phương pháp thông dụng nhất. Một là phương pháp Lectio divina mà Đức Thánh Cha đã nhiều lần khuyến khích, và Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua cũng nhấn mạnh đến. Hai là phương pháp tưởng tượng như phương pháp Linh Thao của Thánh Ignatiô.

Lectio divina

Lection divina là phương pháp đọc Thánh Kinh nhằm mục đich hiệp thông với Thiên Chúa và gia tăng sự hiểu biết về Lời Chúa. Đó là một cách cầu nguyện bằng Thánh Kinh mà trong đó một người phải học, suy nghĩ, lắng nghe và cầu nguyện bằng Lời Thiên Chúa. Phương pháp này đã được dùng ngay từ đầu thế kỷ thứ 3. Đến thế kỷ thứ 6, nó đã trở nên thông dụng nhờ Thánh Bênêđictô. Mục đích của Lectio divina là giúp chúng ta tìm thấy và đối thoại với Thiên Chúa trong Thánh Kinh, và nhờ đó chúng ta cũng tìm thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên và tha nhân.

Phương pháp Lectio divina rất dễ để dùng cho cá nhân và các nhóm lớn nhỏ. Có nhiều cách khác nhau trong phương pháp này, nhưng ở đây chúng tôi chỉ trình bày nguyên tắc chung. Phương pháp này gồm bốn bước:

1) Lectio - Đọc

Điều đầu tiên là phải để tâm hồn lắng đọng, rồi cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình để hiểu điều mình đọc. Sau đó đọc hết bài Thánh Kinh mình muôn đọc, thí dụ như Bài Tin Mừng Chúa Nhật. Không đọc thoáng qua như đọc chuyện, nhưng đọc từ từ, vừa đọc vừa suy nghĩ và cầu nguyện. Tìm hiểu xem bản văn này nói về ai, nói ở đâu, nói cái gì. Câu hỏi là “tôi học được cái gì từ bản văn này?”

2) Meditatio – Suy Niệm

Sau đó đọc lại lần thứ hai, vừa đọc vừa cầu nguyện. Đọc đi đọc lại cho đến khi gặp một câu làm cho mình chú ý hay cảm động. Ngừng lại ở câu đó và tự hỏi xem “Chúa muốn nói gì với tôi qua câu này?” Khi cầu nguyện riêng, có nhiều người áp dụng phương pháp tâm niệm vào bước này, nghĩa là lập đi lập lại và suy nghĩ về câu này rất nhiều lần, có khi cả ngày. Vừa suy nghĩ xem Chúa muốn nói gì với mình, vừa xét mình xem mình đã làm gì sai những điều Chúa dạy trong câu này và cố gắng sửa đổi.

3) Oratio - Cầu Nguyện

Cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa trong tình con thảo. Sau khi đã biết Chúa muốn nói gì với mình qua câu Thánh Kinh, chúng ta sẽ cầu nguyện với Chúa bằng cách dựa vào câu Thánh Kinh mà thưa lại với Chúa. Có thể là xin lỗi Chúa vì mình đã không sống như Lời Chúa dạy trong câu Thánh Kinh vừa đọc. Có thể là cảm tạ, chúc tụng hay thờ phượng Chúa, hoặc xin ơn hay trình bày cho Chúa những khó khăn mình đang gặp phải.

4) Contemplation – Chiêm niệm

Trong chiêm niệm, chúng ta lặng lẽ chiêm ngắm Chúa qua hình ảnh mà chúng ta thấy trong bài Thánh Kinh. Chúng ta lặng yên an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa. Ở bước này, chúng ta không cần nói hay nghĩ gì cả, mà chỉ để tâm hồn đắm chìm trong tình yêu của Chúa, thưởng thức sự hiện diện của Chúa bên cạnh chúng ta, như em bé nằm trong lòng mẹ.

Ngày nay có nhiều dòng tu còn thêm vào phương pháp này hai bước nữa là bước chuẩn bị và bước thực hành.

Tưởng Tượng

Phương pháp Linh Thao của Thánh Ignatiô Loyola là một thí dụ sống động về việc dùng óc  tưởng tượng để đi vào Thánh Kinh thế nào. Những cách khác nhau được đề nghị ở đây bao gồm cả hoạt cảnh lẫn cầu nguyện. Phương pháp này có hiệu quả nhất với những dạng kể chuyện hoặc làm hoạt cảnh về những câu truyện trong Thánh Kinh.

Bắt đầu bằng việc đọc câu truyện trong cầu nguyện. Rồi đặt mình vào hoàn cảnh của một trong các nhân vật trong câu truyện; cố gắng đi vào vai trò ấy trong một bài đọc tiếp theo. Làm nhân vật này có ý nghĩa gì? Bạn thấy, nghe, ngửi, cảm giác và nghĩ gì? Bạn được tự do hay bị ràng buộc một cách nào đó? Điều gì xảy ra cho bạn, và tại sao? Ở lại với cảm nghiệm này trong cầu nguyện, và viết nhật ký về điều đó. Cảm nghiệm này phản ảnh thế nào một điều gì trong đời bạn? Bạn có thể tìm thấy Thiên Chúa ở đâu trong việc này? Bạn được mời gọi để trả lời thế nào?

Cách thực hành này có thể được dùng cho các nhóm thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt là các trẻ em trong tuổi tiểu học. Các em thông thạo loại thực tập này cách kỳ lạ, và câu trả lời của các em thường cũng rất thâm thúy.

Tóm lại, hôm nay chúng ta bàn về việc sử dụng Thánh Kinh trong cầu nguyện riêng. Lần sau chúng ta sẽ bàn đến sử dụng Thánh Kinh trong việc dạy Giao Lý. Chúng ta hãy để Thánh Kinh thở cho mình trong đời sống hằng ngày. Thay vì để Thánh Kinh mãi là những Lời cổ xưa trên những trang giấy, hãy nhóm những Lời ấy lên trong trí tưởng tượng của chúng ta, và mời những Lời ấy vào đời sống mỗi người chúng ta, là nơi Lời có thể trở nên sống động và thích hợp với kinh nguyện hằng ngày, cùng biến đổi con người chúng ta càng ngày càng nên giống Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, nhiều hơn.

Viết phỏng theo tài liệu Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer của HĐGMHK

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News