Học và Sống Năm Thánh Kinh
Thánh Kinh là Lời Chúa được viết xuống dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Thánh Kinh không chứa trọn vẹn Lời Chúa vì Lời viên mãn của Thiên Chúa chính là Đức Kitô, mà không một sách nào có thể chừa trọn. Lời này đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai hợp lại thành một Kho Tàng Đức Tin, được các Thánh Tông Đồ truyền lại trong Hội Thánh. Còn Giáo Lý là cách Hội Thánh trình bày, giải thích, áp dụng và bảo toàn Kho Tàng Đức Tin này. Cho nên Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý vì Thánh Kinh “trình bày Lời của Chính Thiên Chúa dưới một dạng không thay đổi” và làm cho “tiếng Chúa Thánh Thần vọng đi vọng lại trong những lời của các ngôn sứ và các Tông Đồ” (Dei Verbum, số 21).

Nguồn Gốc của Giáo Lý

Trong thời các Tông Đồ, khi nói đến Thánh Kinh là nói đến Cựu Ước vì các sách Tân Ước khi ấy chưa được viết ra, và nếu có được viết ra thì cũng chưa được Hội Thánh công nhận là phần tử của Thánh Kinh. Hình thức dạy Giáo Lý đầu tiên là việc các Tông Đồ dùng Cựu Ước để giải thích những biến cố liên quan đến cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô, cùng những chứng từ cá nhân của các Tông Đồ, các môn đệ và các nhân chứng ban đầu. Một phần của Giáo Lý này được ghi lại và hợp thành bộ Tân Ước. Một phần khác được truyền lại qua Thánh Truyền. Đến thời các Giáo Phụ thì hầu hết các bài Giáo Lý được giảng dạy dưới hình thức giải thích Lời Chúa trong Thánh Kinh. Qua mọi thời đại “Lời Chúa là nguồn mạch của Giáo Lý” (Cẩm Nang Chung về Giáo Lý, số 95). “Việc dạy Giáo Lý luôn rút nội dung từ nguồn mạch sống động là Lời Chúa được truyền lại qua Thánh Truyền và Thánh Kinh, bởi vì Thánh Truyền và Thánh Kinh tạo thành một kho tàng Lời Chúa duy nhất, được trao phó cho Hội Thánh” (Catechesi Tradendae, số  27, x. Dei Verbum, số 10 a e b; x. 1 Tim 6:20 ).

Liên Hệ giữa Giáo Lý và Thánh Kinh

Giáo Lý không phải là Thánh Kinh. Giáo Lý giúp chúng ta hiểu biết và áp dụng Thánh Kinh trong Hội Thánh. Giáo Lý trình bày các giáo huấn của Hội Thánh một cách có hệ thống và đầy đủ để hướng dẫn đời sống chúng ta.

Việc dạy Giáo Lý, một hình thức của thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng và thăng tiến trong sự thánh thiện nhờ Lời Chúa trong Thánh Kinh (x. Dei Verbum, số 12). Môn Giáo Lý phải lấy Thánh Kinh làm nguồn cảm hứng, học trình căn bản, và mục đích, bởi vì Thánh Kinh củng cố Đức Tin, nuôi linh hồn, và bồi dưỡng đời sống tâm linh: “Thánh Kinh cung cấp khởi điểm, nền tảng và quy luật cho việc dạy Giáo Lý” (Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh, số 19). Vì thế chúng ta thấy các sách Giáo Lý hiện đại dùng rất nhiều Lời Chúa để chứng minh và trình bày Giáo Lý.

Giáo Lý không trái ngược với Thánh Kinh và không có ưu thế trên Thánh Kinh, nhưng lệ thuộc vào Thánh Kinh và phục vụ Thánh Kinh. Nhờ học Giáo Lý chúng ta hiểu biết Thánh Kinh một cách tường tận và đúng hơn theo truyền thống của Hội Thánh. Giáo Lý là kho tàng khôn ngoan được tích trữ trong hơn 2000 năm lịch sử Hội Thánh. Cả Giáo Lý lẫn Thánh Kinh nuôi dưỡng thừa tác vụ dạy Giáo Lý (x. Chỉ Nam Chung về Giáo Lý, số 128).

Dùng Thánh Kinh trong việc Dạy Giáo Lý

Vì ý thức được rằng Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý, cho nên các sách giáo khoa về Giáo Lý hiện đại chưng dẫn rất nhiều câu Thánh Kinh để chứng minh nguồn gốc của những giáo huấn Hội Thánh trong bài Giáo Lý. Các Giáo Lý viên có nhiệm vụ phải hiểu tường tận và sử dụng những câu Thánh Kinh này để giúp cho chính mình vả các học sinh có một sự hiểu biết vững chắc về những điều mình dạy dựa theo ánh sáng Lời Chúa. Không những Giáo Lý viên phải hiểu biết Lời Chúa mà phải thấm nhuần và sống Lời Chúa để họ trở nên linh hoạt và thu hút khi nói về Chúa. Muốn truyền thụ Lời Chúa cho linh hoạt, Giáo Lý viên cần có những phương pháp khác nhau để đem Thánh Kinh vào bài Giáo Lý, như các trò chơi về Thánh Kinh, vẽ tranh, tô màu Thánh Kinh, chiếu phim Thánh Kinh…. Ba phương pháp thông dụng nhất có thể dùng trong mọi lớp Giáo Lý là:

1) Kể chuyện Thánh Kinh

Chúng ta ai cũng thích nghe kể chuyện, đặc biệt là các trẻ em. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để giảng dạy dân chúng. Trong các dụ ngôn này, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc với các thính giả của Người để giúp họ hiểu giáo huấn cao siêu của Nước Trời. Một Giáo Lý viên cũng phải biết kể chuyện cách hấp dẫn và hợp với lứa tuổi cùng trình độ kiến thức của học viên để giúp họ hiểu bài Giáo Lý mình dạy.

2) Hoạt Cảnh

Một trong những cách để làm cho Thánh Kinh trở nên sống động, nhất là với trẻ em, là diễn kịch. Các hoạt cảnh này có thể được sửa soạn kỹ càng hay ứng biến tại chỗ. Chúng có thể được diễn tả cách hiệu quả bởi các trẻ em trẻ khoảng sáu tuổi, cũng như người lớn. Hoạt cảnh là một phương pháp dạy học có thể được dùng thường xuyên, giúp cho nhiều người tham gia, và sử dụng nhiều giác quan trong tiến trình học hỏi. (Hoạt cảnh không bao giờ được thay thế việc công bố Tin Mừng và bài giảng trong Thánh Lễ). Không những trẻ em có thể đóng hoạt cảnh, mà đôi khi sự tham gia của phụ huynh làm cho các hoạt cảnh thêm sống động. Trong khi có thể đóng những vở kịch nhỏ bất cứ lúc nào, có một số thời điểm của năm Phụng Vụ rất thích hợp cho hoạt cảnh Thánh Kinh, như các mùa Vọng/Giáng Sinh và mùa Chay/Phục Sinh. Nhưng bạn cũng có thể dùng bài đọc Chúa Nhật hay bài Giáo Lý bạn sẽ dạy làm đề tài cho hoạt cảnh của bạn. Nên chọn những câu truyện dễ đóng kịch, như dụ ngôn người con hoang đàng, người Samaritanô nhân từ.. . .

Sau hoạt cảnh, khuyến khích tham dự viên tham gia việc suy niệm cá nhân và nhóm nhỏ. Cung cấp các câu hỏi dùng để hội thảo tại chỗ, và có thêm cả những câu hỏi để các em đem về thảo luận trong gia đình sau biến cố này (từ Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer của HĐGMHK).

3. Cầu Nguyện bằng Thánh Kinh

Cách tốt nhất để tập cho học sinh cầu nguyện bằng Thánh Kinh là dùng Thánh Kinh trong khi cầu nguyện mở đầu lớp học. Hầu hết các sách giáo khoa về Giáo Lý ngày nay mở đầu một bài học bằng một câu hay một đoạn Thánh Kinh thích hợp với bài học đó, cùng một lời nguyện ngắn và một hình ảnh đẹp giúp chúng ta suy niệm về câu Thánh Kinh này. Hãy cùng học sinh đọc to đoạn Thánh Kinh ấy. Rồi nói các em vừa lập đi lập lại câu Thánh Kinh, vừa nhìn ngắm bức hình và tự hỏi xem Chúa muốn nói gì với các em qua đoạn Thánh Kinh đó. Sau đó cho vài em chia sẻ cảm nghiệm của mình trước khi cầu nguyên chung.

Một hình thức cầu nguyện bằng Thánh Kinh khác là Lectio Divina, như đã được bàn đến trong bài trước. Có nhiều cách khác nhau trong tiến trình này, nhưng đây là một cách có thể dùng dễ dàng trong một lớp học. Tiến trình này được HĐGMHK đề nghị trong tài liệu Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer cho Chúa Nhật Giáo Lý 2008.

§ Bắt đầu bằng cách hỏi các tham dự viên để cho tâm trí và tinh thần lắng đọng.

§ Giải thích rằng bạn sẽ đọc lớn tiếng một đoạn Thánh Kinh vài lần, và mời các tham dự viên cùng theo dõi với bạn bằng cách nhìn vào Thánh Kinh của họ.

§ Đọc qua lần thứ nhất, họ phải lắng nghe để tìm được một lời hay một câu làm cho họ chú ý. Họ có thể viết xuống để suy nghĩ sau đó.

§ Trước khi lớn tiếng đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ nhì, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ xem đoạn Thánh Kinh này có ý nghĩa gì đối với đời sống của chính họ.

§ Trước khi đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ ba, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ về việc họ phải trả lời thế nào đối với Lời của Thiên Chúa.

§ Sau mỗi lần đọc để cho các tham dự viên suy nghĩ về đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện bằng đoạn Thánh Kinh ấy. Họ có thể dùng sổ tay để viết các suy tư, cám tưởng, hình ảnh và tư tưởng mà bài đọc gợi ra trong tâm trí họ xuống.

§ Cuối cùng, sau một thời gian thích hợp, hỏi xem có tham dự viên nào muốn chia sẻ lớn tiếng tư tưởng và lời cầu nguyện của họ từ cảm nghiệm này không.

Tóm lại trong việc dạy Giáo Lý, hãy làm sao để cho Thánh Kinh thấm nhuần đời sống chúng ta và lan tran đến các học sinh của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta phải đọc trước những câu Thánh Kinh có liên quan đến bài Giáo Lý mình sắp dạy ít ra là ba ngày, suy niệm về câu Thánh Kinh và Giáo Lý mà mình sẽ dạy. Hãy nhóm những lời ấy lên trong trí tưởng tượng của mình, và mời những lời ấy vào đời sống mình là nơi mà chúng có thể trở nên sống động và thích hợp với kinh nguyện hằng ngày. Có như thế khi đến lớp học, Chúa ở trong chúng ta sẽ dạy thay cho chúng ta và các học sinh sẽ được thấm nhuần Lời Chúa cùng hiểu được sự liên hệ giữa bài Giáo Lý với Thánh Kinh và với đời sống thường nhật của các em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News