Giáo Lý Kinh Thánh

KINH THÁNH VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

I. Kinh Thánh Có Liên Hệ Đến Sự Mặc Khải của Thiên Chúa

Để đánh giá đúng sự hiểu biết của Công Giáo về Kinh Thánh, người ta phải thấu hiểu toàn thể quan điểm của Giáo Hội về Mặc Khải của Thiên Chúa.1 Giáo Hội Công Giáo dậy rằng trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa tự tỏ mình ra (mặc khải) một cách dần dần cho dân của Người.2 Sự mặc khải này lên đến tột điểm trong sự Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô.3 Giáo Hội dậy rằng trong Đức Kitô, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình một cách trọn vẹn và "giờ đây chúng ta không phải chờ đợi sự mặc khải mới lạ nào khác trước khi Đức Kitô Chúa chúng ta khải hiện trong vinh quang."4 
 
Giáo Hội Công Giáo cũng xác nhận rằng Chúa Giêsu đã chọn mười hai tông đồ để rao giảng Phúc Âm cho toàn thế giới để sự mặc khải của Thiên Chúa được loan truyền cho nhân loại.5 Sau đó họ tấn phong các giám mục và linh mục để nối tiếp sứ vụ của họ, đó là những người được mời gọi để "bảo vệ chân lý đã được giao phó cho họ qua Chúa Thánh Thần."6 Vì vậy, người Công Giáo coi sự mặc khải của Thiên Chúa chính yếu được truyền khẩu ngay tự ban đầu (Thánh Truyền).7 
 
Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn một số tông đồ và các Kitô Hữu tiên khởi để viết xuống những câu chuyện về Chúa Giêsu và một số thư giảng dậy cũng như sự mặc khải. Giáo Hội thời tiên khởi nhận biết các văn bản này là được Thiên Chúa linh ứng. Do đó, Giáo Hội Công Giáo liên tục dậy rằng sự mặc khải của Thiên Chúa còn được truyền lại cho chúng ta bằng văn bản (Kinh Thánh).8 Tuy nhiên, khác hẳn với Tin Lành, Kinh Thánh thì không được coi như sự giảng dậy toàn vẹn, thấu đáo về Đức Tin Kitô Giáo. Đúng hơn, Thánh Truyền và Thánh Kinh cùng với nhau được coi là nguồn mặc khải toàn bộ của Thiên Chúa, như được giải thích trong Giáo Lý Công Giáo: 
 
Vì vậy, Thánh Truyền và Thánh Kinh có liên hệ chặt chẽ với nhau và san sẻ cho nhau. Vì cả hai, xuất phát từ cùng một nguồn Thiên Chúa, cùng đến với nhau trong một kiểu cách nào đó để hình thành một điều và tiến về cùng một mục đích.9 
 
Tuy nhiên, vẫn còn điểm thứ ba cần được giải thích về quan điểm Công Giáo về sự mặc khải của Thiên Chúa. Có thể nói, Chúa Giêsu Kitô chọn Giáo Hội để dậy bảo sự mặc khải của Người cho toàn thể nhân loại và mọi nơi. Người Công Giáo hiểu rằng Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm, tương tự như người Tin Lành hiểu về một "Giáo Hội tinh thần." Tuy nhiên, người Công Giáo cũng tin rằng Chúa Giêsu đã thiết lập một Giáo Hội có phẩm trật, hữu hình, được dẫn dắt bởi Thánh Phêrô và các tông đồ cũng như những người kế vị. Để đảm bảo sự mặc khải đó được duy trì nguyên vẹn cho đến tận thế,10 Chúa hứa ban Thánh Thần để bảo vệ và dẫn dắt Giáo Hội này.11 Dĩ nhiên, điều này không được người Công Giáo hiểu rằng bất cứ tín hữu nào hay ngay cả thầy dậy nào cũng được bảo vệ khỏi sự sai lầm. Đúng hơn, Giáo Hội chủ trương rằng các giáo huấn chính thức và những công bố (của đức giáo hoàng hay công đồng) sẽ được bảo vệ không bị sai lầm. Bởi đó, người Công Giáo nhìn đến Công Đồng Giêrusalem như được ghi trong chương mười lăm của Công Vụ Tông Đồ là thí dụ chính yếu về thẩm quyền dậy dỗ và bảo vệ chân lý của Giáo Hội như được các tông đồ nhận lãnh từ Chúa Kitô. 
 
Việc hình thành bộ quy điển Thánh Kinh cho thấy quan điểm của Công Giáo về thẩm quyền của Giáo Hội. Trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội có sự bất đồng về những sách nào được coi là chính lục. Tỉ như, nhiều người coi một vài cuốn sách không có trong Tân ước ngày nay là một phần của Kinh Thánh, tỉ như Thư Gửi Tín Hữu Côrintô hay Mục Tử Hermas của Clêmentê. Ngược lại, một số đặt vấn đề hay tẩy chay tính cách quy điển của những cuốn sách hiện có, tỉ như thư gửi Tín Hữu Do Thái, thư Giacôbê, thư II của Phêrô, và sách Khải Huyền. Tuy nhiên, vấn đề này sau cùng đã được giải quyết qua các công đồng của giáo hội, và các thông tư của đức giáo hoàng.

Vì vậy, với tín hữu Công Giáo, lý do người ta chấp nhận tính cách linh ứng của các sách trong bộ chính lục là vì người ta tin rằng Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và bảo vệ các giáo huấn chính thức của Giáo Hội về vấn đề đức tin và luân lý. Dù vấn đề là tính cách quy điển của Kinh Thánh hay sự hiểu biết thích hợp về đoạn Kinh Thánh, người Công Giáo chính thống coi thẩm quyền dậy bảo của Giáo Hội là một món quà của Chúa ban cho con người để bảo vệ sự mặc khải của Thiên Chúa trong mọi thời đại và mọi dân tộc. Giáo Hội xác nhận rằng Thiên Chúa đã thiết lập ba cột trụ là Kinh Thánh, Truyền Thống, và Huấn Quyền để duy trì sự mặc khải của Người cho nhân loại. "Phù hợp với hoạch định khôn ngoan nhất của Thiên Chúa," ba trụ cột này "quá liên hệ và hợp nhất với nhau đến nỗi một điều này không thể đứng vững nếu không có hai điều kia…"12Bất cứ khi nào nghĩ đến sự tương giao của Giáo Hội Công Giáo với Kinh Thánh, trước hết, người ta phải nghĩ đến quan điểm nền tảng này của Công Giáo về sự Mặc Khải của Thiên Chúa.

II. Cách Giải Thích Kinh Thánh của Công Giáo Qua Lịch Sử

A. Giáo Hội Tiên Khởi 
 
Sự kiện Kitô Hữu tiên khởi coi trọng Kinh Thánh có thể dễ nhận thấy qua việc nghiên cứu các bài giảng, phụng vụ, nhận xét và nghệ  thuật của Kitô Hữu. Họ đồng ý về tính cách linh ứng của Kinh Thánh (tuy có sự bất đồng ý về tính cách quy điển của các sách) và coi Kinh Thánh là "công trình độc nhất của một Tác Giả độc nhất."13 Trong những học giả Kinh Thánh vĩ đại của Kitô Giáo tiên khởi là Ambrôse, Giêrôme, Augustine, và ĐGH Grêgôriô Cả ở Tây Phương, trong khi ở Đông Phương có Athanasius, Gioan Kim Khẩu và các Giáo Phụ Cappadocian (Basil Cả, Grêgôriô Nazianzus, Grêgôriô ở Nyssa). 
 
Trong khi một số giáo phụ, tỉ như, Melito ở Sardis, Clemente ở Alexandria, Origen, đưa ra các quy tắc để dẫn giải Kinh Thánh, trong thời kỳ tiên khởi này, tổng quát, các quy tắc vẫn còn uyển chuyển. Việc dẫn giải có tính cách ngụ ý của các văn bản thánh được chấp nhận một khi sự ngụ ý này hướng về Đức Tin Kitô Giáo và không thay đổi nhiều với Tông Truyền. Câu châm ngôn nổi tiếng của Vincent ở Lerins là quy tắc của thời ấy: quod ubique, quod semper, quod ab omnibus (điều [được dậy bảo] ở mọi nơi, luôn luôn, và bởi mọi người). 
 
Chân lý của Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen, có giá trị lịch sử thường được các Giáo Phụ mặc nhiên chấp nhận. Tuy nhiên, một vài ngoại lệ của điều này được thấy trong Học Phái Alexandria. Thí dụ, Origen dậy rằng các biến cố trong Cựu Ước không nhất thiết phải chính xác về lịch sử, nhưng được dùng như các câu chuyện để nói lên các chân lý có giá trị tinh thần. Trái lại, Học Phái Antiôkia tỉ như Gioan Kim Khẩu mạnh mẽ tẩy chay phương cách tiếp cận này, và duy trì tính cách xác thực lịch sử của Kinh Thánh. 
 
Khi các thế kỷ trôi qua, sự quen thuộc tự nhiên với ngôn ngữ Kinh Thánh (tiếng Hy Lạp và cổ Do Thái) và các truyền khẩu tiên khởi giảm dần. Bởi đó, phát sinh nhu cầu cần có các quy tắc dẫn giải và chú thích. Từ từ, việc phát triển liên tục về nghệ thuật và khoa học của việc nghiên cứu Kinh Thánh đã đưa đến truyền thống Công Giáo về bốn ý nghĩa của Kinh Thánh. 
 
Ý nghĩa đầu tiên là nghĩa đen (theo văn tự) mà theo T. Tôma Aquinas, là ý nghĩa mà tất cả các ý nghĩa khác phải dựa vào đó. Nghĩa đen thì đơn giản là ý nghĩa trực tiếp và đúng theo mặt chữ, tuy điều này có bao hàm phép ẩn dụ (tỉ như, Con của Sấm Sét vẫn là nghĩa đen tuy nó có tính cách ẩn dụ). 
 
Ba ý nghĩa khác, ngụ ý, loại suy, và luân lý cùng hợp thành ý nghĩa tinh thần. Nghĩa ngụ ý chú ý đến ý nghĩa biểu tượng được phát sinh bởi chữ. Những hình ảnh tiên báo trong Cựu Ước và Tân Ước là thí dụ của ý nghĩa này. Nghĩa loại suy nhắm đến sự liên can của chữ với điều người Công Giáo gọi là "tứ chung;" có thể nói là sự chết, sự phán xét, thiên đàng, và hỏa ngục. Sau cùng, nghĩa luân lý dậy chúng ta cách sống. Tính cách dậy bảo của bốn ý nghĩa này được tóm tắt trong bài thơ nổi tiếng thời trung cổ: 
 
Littera geta docet, quid credas allegoria, 
moralis quid agas, quo tendas anagogica.
 
 
Theo nghĩa bóng, câu này có thể lược dịch như sau: "văn tự dậy chúng ta về điều đã xảy ra; điều bạn phải tin được gọi là ngụ ý; điều bạn phải thi hành được gọi là nghĩa luân lý; ý nghĩa loại suy có liên quan đến chung cuộc đời bạn."14


B. Thời Trung Cổ 
 
Việc nghiên cứu Kinh Thánh phát đạt trong suốt thời trung cổ, một thời đại mà thần học và nghiên cứu Kinh Thánh được coi là "cực điểm của kiến thức" và "hoàng hậu của khoa học." Trong thời Trung Cổ, Giáo Hội Công Giáo duy trì và trao truyền lại Kinh Thánh. Người ta nói rằng nếu hai đan sĩ làm việc toàn thời gian thì phải mất bốn năm mới chép xong toàn bộ Kinh Thánh. Bởi đó, vì giá trị không thể tưởng được và vì không muốn bị mất cắp nên bộ Kinh Thánh đôi khi được giữ bằng giây xích trong nhà thờ và thư viện, chứ không phải vì Giáo Hội âm mưu muốn giữ làm của riêng không cho công chúng biết, như một vài người cáo buộc. Ngược lại, Giáo Hội đã làm mọi sự trong khả năng để phổ biến Kinh Thánh trong thời Trung Cổ cũng như giúp duy trì văn hóa và kiến thức của Tây Phương. 
 
Thời đại này đề cao việc tìm kiếm sự thật ở bất cứ đâu. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy trong thời này, các đại học, thư viện, và nghệ thuật và khoa học nở rộ. Việc nghiên cứu Kinh Thánh và lưu ý đến ngôn ngữ nguyên thủy đã bành trướng trong thời gian này. Tỉ như, Công Đồng Viena (1311) ra lệnh các đại học phải có môn cổ ngữ. 
 
Có lẽ phong trào nổi tiếng trong thời Trung Cổ về nghiên cứu Kinh Thánh là Học Phái Kinh Viện. Các học giả vĩ đại của thời này, trong đó có Bernard ở Clairvaux, Albert Cả, Tôma Aquinas, và Bonaventura, tìm cách tổng hợp lý lẽ với đức tin. Học phái này nghiên cứu triết học và Luật Tự Nhiên trong ánh sáng lời Chúa. Thí dụ, Aquinas giải thích đức tin Kitô Giáo dưới ánh sáng hiểu biết của Aristotle với ý định chứng minh rằng Kitô Giáo là một đức tin hữu lý, và chân thật. Tuy nhiên, cũng có giá trị để nhận xét rằng Giáo Hội thận trọng chủ trương rằng bất kể giá trị của lý lẽ và triết học, cần có ơn sủng để đạt được đức tin, đức cậy, và đức ái. Đó là, người ta có thể lý luận để tìm ra sự thật qua các phương tiện tự nhiên, nhưng chỉ nhờ ơn siêu nhiên, người ta mới có thể tin và được cứu độ. 
 
Thần học gia thời Trung Cổ dựa nhiều vào bài nhận định của các Giáo Phụ và họ thờ ơ với các cách dẫn giải mới và có sáng kiến. Các học giả tỉ như sử gia và thần học gia người Anh là Bede, Peter Lombard, và Tôma Aquinas xuất bản các công trình là sự thu lượm các văn bản và ý kiến của các Giáo Phụ. Một học giả khác là thí dụ điển hình cho thời đại này khi ông viết, "Tốt hơn đừng mất thời giờ với các ý tưởng được cho là mới mẻ này, nhưng hãy ngập tràn với nguồn xưa cũ."15 
 
Sự học hỏi Kinh Thánh cũng dựa nhiều vào ý nghĩa ngụ ý của Kinh Thánh. Thật vậy, trong con mắt nhiều người ngày nay, một số cách dẫn giải này dường như "giầu tưởng tuợng," nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Mark Holtz giải thích: 
 
Nhờ bởi Hugh ở Victor (1090-1141), chúng ta được biết chiều dài của con tầu ông Nôe, 300 cubít, là dấu của Thánh Giá, vì con số 300 được tượng trưng là chữ "tau" (T) trong tiếng Hy Lạp, mà nó có hình dạng chữ thập. Rupert ở Deutz (1075-1129) nói cho chúng ta biết rằng câu trong sách Châm Ngôn (19:12), "Cơn giận của một ông vua thì giống như tiếng sư tử rống," nói về Đức Kitô trên thập giá, vì sau đó Vua của các vua gào thét vào mặt Lũ Qủy.16 
 
Chắc chắn, tối thiểu một số giải thích được đưa ra trong thời Trung Cổ có thể bị ngày nay gạt bỏ vì quá hăng say dùng đến ý nghĩa thiêng liêng. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sự tin tưởng sâu đậm của các thần học gia thời đại đó vào sự linh ứng của Kinh Thánh. Trái với sự chú giải tự do tân thời, họ có thể thấy Thiên Chúa là tác giả sau cùng của Kinh Thánh. Hậu quả là, ngay cả những câu trần tục nhất cũng thường được coi có giá trị thiêng liêng và đưa đến những giải thích có tính cách ngụ ý.


C. Thời Phản Cải Cách 
 
Trong thế kỷ 16, Giáo Hội phải đương đầu với những thử thách nghiêm trọng khi người Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng đến gần Vienna, và sự Cải Cách Tin Lành. Trên nhiều khía cạnh, Giáo Hội thấy tinh thần hăng say dần dà suy đồi kể từ thế kỷ 13. Các vấn đề này bao gồm sự thối nát trong hàng giáo sĩ, không đủ người dậy giáo lý cho giáo dân, và cuộc Đại Ly Khai thật tai tiếng, trong thời gian này hai giáo hoàng tự cho mình là đại diện hợp pháp của Thánh Phêrô--một ở Rôma và một ở Avignon, Pháp. 
 
Giáo Hội đáp ứng với cuộc Cải Cách Tin Lành qua Công Đồng Trentô. Các giáo phụ của công đồng nhìn nhận lỗi lầm của Giáo Hội Công Giáo trong sự suy thoái luân lý và giảng dậy trong đời sống Kitô Hữu. Tuy nhiên, Công Đồng đã nhắc lại các học thuyết truyền thống để trả lời cho những cách chú giải Kinh Thánh mới của Tin Lành. Bộ Vulgate được tái xác nhận là không có sai lầm gì về đức tin và luân lý. Tính cách quy điển truyền thống của Vulgate cũng được duy trì, bao gồm những thứ quy của Cựu Ước (được người Tin Lành gọi là "ngụy thư", họ tẩy chay những sách này không thuộc về chính lục). Quy điển này thường được Giáo Hội chấp nhận trong nhiều thế kỷ như được thấy hiển nhiên trong Công Đồng Hippo (393) và Carthage (397), và các công đồng khác. Tuy nhiên, Công Đồng Trentô không có lý do gì để hồ nghi, và mạnh mẽ dứt khoát xác định quy điển. 
 
Trong Giáo Hội thời Cải Cách, việc nghiên cứu Kinh Thánh lại phát triển. Các linh mục dòng Tên như Peter Canisius, Robert Bellarmine, và Francisco Suarez là những thần học gia lỗi lạc nhất. Việc học ngôn ngữ nguyên thủy lại tiếp tục gia tăng. Tỉ như, Thomas More khẳng định, "Làm thế nào có thể biết thần học nếu không biết tiếng cổ Do Thái và Hy Lạp và Latinh?"


D. Thời Khai Sáng đến Hiện Đại 
 
Việc tẩy chay quyền bính Giáo Hội bùng nổ trong thời Cải Cách đã mở cửa cho các phương cách tiếp cận có tính cách phê phán và hoài nghi đối với Kinh Thánh. Trong giai đoạn Hậu Khai Sáng, trong các thế kỷ 17 và 18, các học giả Kinh Thánh Tin Lành tự do bắt đầu tẩy chay tính cách không thể sai lầm của văn tự trong Kinh Thánh. Trong thế kỷ 19 phương pháp phê bình-lịch sử đối với Kinh Thánh chiếm ưu thế, nó nghiên cứu Kinh Thánh trong ánh sáng của các tiến trình lịch sử mà trong đó được viết xuống. Các học giả phái phê bình-lịch sử chịu ảnh hưởng của Hegel và các nhà tư tưởng hiện đại khác. Hậu quả là họ tìm hiểu Kinh Thánh với những phỏng đoán duy lý và tự nhiên, theo đó bất cứ biến cố siêu nhiên nào trong Kinh Thánh đều được giải thích là sản phẩm của thần thoại. 
 
Các phương pháp của những người duy lý bị Giáo Hội lên án khi lịch sử bước sang đầu thế kỷ 20. Thí dụ, thông điệp Providentissimus Deus (1893) của ĐGH Lêô XIII mạnh mẽ tẩy chay thái độ từ chối chân lý và từ chối tính cách linh ứng của Kinh Thánh, ngài coi đó là lạc giáo và thiếu nền tảng đức tin, trong khi khuyến khích người Công Giáo hãy nghiên cứu. Năm 1943, ĐGH Piô XII viết thông điệp Divino Afflante Spiritu, để kỷ niệm năm mươi năm ngày ban hành thông điệp Providentissimus Deus. Đức thánh cha viết rằng khoa phê bình văn học đã phát triển đến mức nó có thể được dùng để nghiên cứu Kinh Thánh một cách an toàn mà không phương hại đến ý nghĩa đích thật của Kinh Thánh. Người cũng khuyến khích các học giả Kinh Thánh hãy theo sát các cuộc nghiên cứu về khảo cổ học, văn hóa, và lịch sử để hiểu biết hơn về văn tự của các văn gia trong Kinh Thánh. 
 
Trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II, Dei Verbum (Lời Chúa) là một trong những văn bản hay nhất. Văn kiện này tóm lược lập trường của Giáo Hội Công Giáo về sự Mặc Khải của Thiên Chúa. Nó tái khẳng định kho báu vĩ đại mà Kitô Hữu đang có trong Kinh Thánh, giá trị không thể lường được của Kinh Thánh để dậy bảo chân lý và giúp chúng ta đi theo Chúa Kitô. Nó cũng dậy rằng các hình thức văn chương, các khung cảnh lịch sử, và các "yếu tố nhân bản" khác phải được lưu ý trong việc học hỏi Kinh Thánh. Ảnh hưởng mạnh trong việc hình thành Dei Verbum là Sancta Mater Ecclesia (Mẹ Giáo Hội Thánh Thiện), được công bố bởi Ủy Ban Kinh Thánh năm 1964. Tài liệu này đưa ra sự hiểu biết của Công Giáo về các Phúc Âm, nhấn mạnh đến tính cách lịch sử và sự liên quan với các truyền khẩu của tông đồ. 
 
Buồn thay, chúng ta phải than thở rằng trong thời hậu công đồng Vatican II, nhiều người trong Giáo Hội đã làm sái lệch ý định đích thực của công đồng để cổ vũ nhiều điều thường bị Giáo Hội lên án công khai. Tỉ như việc giải thích các phép lạ trong Kinh Thánh chỉ là thần thoại và chấp nhận phương cách phê bình-lịch sử một cách không hạn chế (hoàn toàn bỏ qua thông điệp Providentissimus Deus, Divino Afflante Spiritu, và toàn thể truyền thống dẫn giải Kinh Thánh của Giáo Hội). Có rất nhiều câu chuyện của các giáo dân bị bối rối khi nghe giảng rằng ma qủy chỉ là "sự giải thích những xáo trộn tâm lý của thế kỷ thứ nhất," hoặc phép lạ của Chúa Giêsu là huyền thoại được cộng đồng Kitô Hữu tiên khởi dựng nên sau này. 
 
ĐGH Gioan Phaolô II cùng với ĐHY Ratzinger (khi còn là Trưởng Thánh Bộ Tín Lý) từ từ nhưng bền bỉ đưa giáo hội trở về con đường nguyên thủy được các Giáo Phụ của Công Đồng Vatican II đề ra. Sách Giáo Lý Công Giáo mới, được phát hành năm 1994, chứa đựng một đoạn tuyệt diệu về Kinh Thánh.17 Sách Giáo Lý trình bầy học thuyết chính thống của Công Giáo và có một giá trị vô giá để giúp dẫn dắt Giáo Hội trong những năm sắp tới. Ngoài ra sách này còn có một đoạn phi thường về sự mặc khải của Thiên Chúa, trong đó diễn tả bốn ý nghĩa của Kinh Thánh. Hành động này được nhiều người giải thích: rõ ràng là Vatican xác nhận giá trị của quan điểm truyền thống về Kinh Thánh. 
 
Một văn kiện then chốt khác là "The Interpretation of the Bible in the Church" (1993) của Ủy Ban Kinh Thánh. Trong khi văn kiện này duy trì việc sử dụng phương cách phê bình-lịch sử đối với Kinh Thánh như một phương tiện để hiểu biết ý nghĩa Kinh Thánh chính xác hơn trong ánh sáng của khung cảnh lịch sử, văn hóa mà nó được viết ra, tài liệu này cảnh giác những nguy hiểm có thể xảy ra từ phương pháp này, nhất là khi nó được dùng để loại trừ sự dẫn giải có tính cách thiêng liêng. Tài liệu này tái xác nhận rằng sự dẫn giải Kinh Thánh không chỉ là công việc của các học giả. Đúng ra, Kinh Thánh là lời tích cực, sống động của Thiên Chúa, chủ yếu sống trong tâm hồn của các phần tử Giáo Hội.

Chắc chắn sẽ là điều ngây thờ và quá lạc quan khi nói rằng Giáo Hội Công Giáo đã thoát ra khỏi tình trạng buồn chán của giai đoạn hậu công đồng. Tuy nhiên, người tín hữu Công Giáo nhìn đến tương lai với đầy hy vọng, tin vào quan điểm của ĐGH Gioan Phaolô II rằng Giáo Hội đang có sự quân bình ở đầu một mùa xuân mới--một mùa hoa mà chắc chắn bao gồm sự nhấn mạnh đến việc canh tân học hỏi Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội.

III. Việc Chuyển Dịch Kinh Thánh và Giáo Hội Công Giáo

A. Cổ Ngữ Anh và Anh Ngữ thời Trung Cổ 
 
Ngày nay nhiều người vẫn tin rằng Giáo Hội Công Giáo cố không cho người ta biết đến Kinh Thánh. Điều này cho thấy sự tệ hại về giao tế nhân sự của Giáo Hội trong hơn 500 năm qua, vì không có gì khác hơn sự thật. 
 
Thật vậy, chính vì lời yêu cầu của ĐGH Damasus vào cuối thế kỷ thứ 4 mà Thánh Giêrôme đã hình thành bộ kinh thánh Vulgate bằng tiếng Latinh. Học thuật xuất sắc của T. Giêrôme đã làm cho bản dịch này trở nên một chuẩn mực chính xác và các bản Latinh trước đó trở nên lỗi thời. Bản dịch này được coi như bộ Kinh Thánh có giá trị quyết đoán cho Giáo Hội Tây Phương trong 1,500 năm kế đó. Công Đồng Trentô đã lập lại giá trị ấy và tán thành việc dùng bản dịch này "trong những cuộc thảo luận, bài thuyết trình và bài giảng." 
 
Để hiểu giá trị của bộ Vulgate, trước hết người ta phải hiểu rằng trong thời Trung Cổ và ngay cả cho đến gần đây, Latin không phải là ngôn ngữ chết như ngày nay. Ở Tây Âu trong suốt thời Trung Cổ, người nào biết đọc biết viết đều có thể đọc và viết tiếng Latinh. Nền giáo dục được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Latinh. Đó là ngôn ngữ của những người có học thức và văn hóa. Do đó, với những người học thức của Anh, bộ Vulgate được coi là bộ Kinh Thánh chính yếu trong thời Trung Cổ. 
 
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thú nhận lời cáo buộc rằng Kinh Thánh bị gò bó trong tiếng Latinh ở thời Trung Cổ. Trong thế kỷ thứ bảy, một đan sĩ tên Caedmon đã dùng thơ văn để viết lại một phần Kinh Thánh. Trong thế kỷ tiếp đó, vị đáng kính nổi tiếng Bede đã dịch sang tiếng địa phương. Nhiều bản dịch khác được thực hiện trong một vài thế kỷ tiếp đó, kể cả phần Thánh Vịnh được cho là của Vua Alfred Đại Đế. 
 
Vào năm 1066, người Norman xâm chiếm nước Anh, và tiếng Anh thời Trung Cổ và tiếng Pháp thay thế cho Cổ Ngữ Anh (Saxon). Từ lúc đó trở đi chúng ta có nhiều bản viết tay tỉ như lời diễn giảng của Orm (k. 1150) và Salus Animae (k. 1250). Sự hiện diện của các bản dịch trong giai đoạn này được xác nhận qua lời nói đầu của King James Bible, và Thomas More là người đã viết: "Từ lâu trước thời của Wycliff, toàn thể bộ Kinh Thánh được những người đạo đức và học thức chuyển dịch sang tiếng Anh, và được đọc một cách nghiêm trang và kính cẩn bởi những người tốt lành và thánh thiện."18


B. Thế Kỷ 14 cho đến thời Cải Cách 
 
Trong cuối thế kỷ 14, ngôn ngữ của những người nói tiếng Anh bắt đầu thay đổi đáng kể, tiến đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là Anh ngữ. Trong giai đoạn này có một vài bản dịch từng phần Kinh Thánh trước cả Wycliff, bao gồm các Thánh Vịnh được cho là của William Shoreham và Richard Rolle, và những người khác. Trong thập niên 1380 bản dịch bộ Vulgate sang tiếng bản xứ được cho là của John Wycliff trong nhiều ấn bản khác nhau. Thượng Hội Đồng Oxford, được triệu tập năm 1408, lên án các bản dịch không được Giáo Hội phê chuẩn. Sở dĩ có việc này là vì Giáo Hội coi bản dịch của Wycliff là sai lầm (giống như các bản dịch của phái Chứng Nhân Giêhôva đối với ngày nay). 
 
Trong toàn thể thời Trung Cổ, chính các đan sĩ là những người miệt mài duy trì bộ Kinh Thánh. Hàng giáo sĩ thường bị đòi hỏi phải thuộc lòng toàn bộ thánh vịnh. Các phụng vụ, bài giảng, âm nhạc, và lời phê bình trong thời đại này cũng quá đầy đủ để cho thấy sự thấu hiểu Kinh Thánh của hàng giáo sĩ. 
 
Với giáo dân, những lời lẽ được ghi nhận dưới hình thức văn học, tài liệu luật pháp, thư từ, v.v., cho thấy chứng cớ hiển nhiên rằng giáo dân quá quen thuộc với Kinh Thánh. Tuy đa số dân chúng mù chữ, Kinh Thánh được truyền đạt cho họ dưới các hình thức khác hơn là bài đọc, tỉ như giảng dậy ở trường, bài giảng ở nhà thờ, kịch nghệ, và nghệ thuật. Các nhà thờ là "Kinh Thánh hình ảnh", trong đó có nhiều bức tượng và tấm kính mầu nói lên các câu chuyện trong Kinh Thánh.


C. Thời Cải Cách và Douay-Rheims 
 
Sau khi máy in được phát minh trong thế kỷ 15, bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng bản xứ được in ở Anh là của William Tyndale. Bất chấp lệnh đức giám mục, ông rời nước Anh và cư ngụ ở Worms, nước Đức, ở đây ông gặp Luther. Ông hoàn tất việc chuyển dịch ở nước ngoài và lén lút đưa vào nước Anh. Sự chuyển dịch này gồm cả những chú thích có tính cách bài-Công Giáo và bị các giám mục Anh coi là sai lầm. Thomas More đã bình tĩnh và vô tư viết về bản dịch của Tyndale rằng "để tìm thấy những sai lầm trong sách của Tyndale thì cũng giống như tìm nước ở trong biển."19 Không ngạc nhiên gì, bản dịch này đã bị lên án và các bản sao chép đã bị thiêu hủy. 
 
Trong suốt thế kỷ 16, rất nhiều bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh xuất hiện. Các bản dịch này bao gồm bộ Kinh Thánh Coverdale và bộ Kinh Thánh Geneva, mà như cái tên cho thấy, được sáng tác ở Geneva bởi những người Tin Lành đi theo John Calvin và Theodore Beza. Cũng được hoàn tất là bộ Kinh Thánh các Giám Mục, được Giáo Hội Anh Quốc thực hiện dưới triều Hoàng Hậu Êligiabét để phản ứng với ảnh hưởng của phái Calvin qua bộ Kinh Thánh Geneva. 
 
Người Công Giáo lánh cư đến lục địa Âu Châu dưới triều Hoàng Hậu Êligiabét. Một nhóm dịch giả Công Giáo bắt đầu dịch bộ Tân Ước ở Rheims, nước Pháp. Sau khi hoàn tất, văn bản này được công bố vào năm 1582. Bộ Cựu Ước sau đó được dịch ở trường English College ở Douay, nước Pháp và hoàn tất năm 1609. Theo lời các dịch giả, việc chuyển dịch được thực hiện "với mục đích thành tâm chống lại những sai lạc mà qua đó những người dị giáo đã từ lâu lừa dối cách thảm thương hầu như toàn thể người dân trong nước." Bản dịch này được dựa trên bộ Vulgate và được so sánh với bản nguyên thủy bằng tiếng Hy Lạp. Để trả lời tại sao họ lại dùng bộ Vulgate để làm căn bản thay vì tiếng nguyên thủy, họ trả lời rằng bộ Vulgate "không chỉ hay hơn các bản dịch khác bằng tiếng Latinh , nhưng còn hơn cả chính tiếng Hy Lạp, ở những chỗ họ bất đồng… chính bản Latinh này được duy trì tốt hơn khỏi những sai lạc."20 
 
Trong giữa thế kỷ 18, ĐGM Challoner đã ráo riết duyệt lại bản dịch Douay-Rheims để giảm thiểu các chữ tối nghĩa và làm cho dễ đọc hơn. Ảnh hưởng của tiếng Latinh trong bản Douay-Rheims được thấy rõ. Bản Douay-Rheims còn ảnh hưởng đến các dịch giả của bản King James.


D. Các Bản Dịch Ngày Nay 
 
Bản dịch Douay-Rheims trở nên bộ Kinh Thánh căn bản cho giới Công Giáo nói tiếng Anh trên ba trăm năm. Có một vài toan tính sửa đổi nhưng không thể so với bộ Douay-Rheims. Vào năm 1941, bản dịch Tân Ước của Confraternity được công bố. Đây là một chuyển dịch mới, mà giống như bản Douay-Rheims, được dựa trên bản Vulgate và được so sánh với tiếng nguyên thủy. Tuy nhiên, theo sự đòi hỏi của văn kiện Divino Afflante Spiritu vào năm 1943 là các bản dịch phải dựa trên tiếng nguyên thủy, công việc của Confraternity phải ngừng lại, khiến cho bộ Cựu Ước chưa được hoàn tất. 
 
Bản New American Bible (NAB) được công bố từng phần từ 1952 cho đến 1970. Bộ NAB là một bản dịch đặc biệt, nó nghiêng về tính cách dễ đọc hơn là dịch sát nghĩa. Một số người Công Giáo than phiền về việc loại bỏ một đoạn dịch Công Giáo truyền thống. Tỉ như, Luca 1:28 được dịch là "Hail, favored one!" (Kính chào người được qúy mến!) thay vì "Hail, full of grace!" (kính chào người đầy ơn phúc)—mà đã tạo thành lời đầu của kinh Kính Mừng. Tuy nhiên, bản NAB vẫn là bản dịch được đọc nhiều nhất trong giới Công Giáo Hoa Kỳ ngày nay, và được hoan nghênh bởi nhiều học giả của nhiều giáo phái. 
 
Các bản dịch Kinh Thánh Công Giáo khác hiện nay bao gồm bản Jerusalem Bible và New Jerusalem Bible, được sử dụng vì mục đích phụng vụ trong các quốc gia nói tiếng Anh ở ngoài Hoa Kỳ. Bản dịch "Revised Standard Version-Catholic Edition" vẫn là bản được nhiều người Công Giáo ưa chuộng vì dịch sát nghĩa và không dùng ngôn từ không có phái tính rõ rệt. 
 
Greg Youell 
 
(Pt Giuse Trần Văn Nhật lược dịch, xem trong www.nguoitinhuu)


GHI CHÚ 
 
1. A comprehensive summary of this can be found in the Second Vatican Council's Dei Verbum or the new Catechism of the Catholic Church (CCC). 
 
2. cf. Heb. 1:1-2, etc. 
 
3. cf. Jn. 14:9, Dei Verbum 4. 
 
4. ibid. 
 
5. cf. Mt. 28:19ff., Mk. 16:15, etc. 
 
6. 2 Tim. 1:14, cf. 2 Tim. 2:2, Acts 1:15-26, 14:23, 15:22ff., Rom. 10:15, Titus 1:5, etc. 
 
7. cf. 2 Thes. 2:15, 3:6, 1 Cor. 11:2. 
 
8. cf. 2 Pet. 3:16 
 
9. CCC 80. 
 
10. cf. Dan. 7:14, Mt. 16:18-19, 28:19-20 
 
11. cf. Jn. 14:26, 16:12-15, Acts 15:28, Eph. 4:12-14, 1 Tim. 3:15, etc. 
 
12. Dei Verbum 10.. 
 
13. The Interpretation of the Bible in the Church, III.B.2. 
 
14. Wilker, Robert J. "Interpreting the Bible: Three Views." First Things (August/September 1994). 
 
15. Demarest, Bruce A. "Interpreting the Bible," in Tim Dowley, ed., Eerdman's Handbook to the History of Christianity (Carmel, NY: Lion Publishing, 1977), 284-85. 
 
16. Holtz, Mark. "All Scripture Is Inspired By God: Medieval Exegesis and the Modern Christian." The Catholic Dossier (March-April 1996). 
 
17. CCC 101-141 
 
18. Dialogues III. in Henry Graham, Where We Got the Bible (Rockford, IL: TAN Books 1977), 100. 
 
19. Graham, 128. 
 
20. Preface to the Douay Old Testament, 1609. (The original includes many spellings now obsolete. Hence, the extensive use of brackets in the quote.)