LÀM MUỐI CHO ĐỜI & LÀM ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
LÀ MỘT BÀI HỌC DỄ HIỂU NHƯNG KHÓ THỰC HIỆN.
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong bản tin ngày 13.1.2005 của Thông tấn xã Công giáo (Vietcatholic News) người ta đọc được một tin ngắn nói về lý do tại sao người Công giáo Bra-zin bỏ sang Tin Lành. Bản tin ngắn ấy còn tiết lộ một điều đáng mọi người công giáo phải suy nghĩ. Điều đó là: Phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn giáo và Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Bra-zin cho biết 75% dân chúng là người Công giáo, nhưng chỉ có 1% người Công giáo là tích cực tham gia mọi sinh hoạt của Giáo hội, 25% thường xuyên dự thánh lễ còn 50% chỉ tham dự vào các dịp lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh. Nếu đối chiếu thực tế ấy với giáo huấn của Chúa Giê-su về vai trò và sứ mạng của người Ki-tô hữu là làm “muối cho đời”, làm “ánh sáng cho trần gian” trong bài Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa thường niên hôm nay (Mt 5,13-16) thì chúng ta phải nói gì?
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM
2.1 Lắng nghe Lời Chúa: Mt 5,13-16: Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian
(13) “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. (14) “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp thắp đèn rồi lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”
2.2 Trong đoạn Tin Mừng Mt 5,13-16 trên, chúng ta khám phá Chúa Giê-su là Ai?
Bài Phúc Âm là một đoạn văn “diễn từ” nên không trực tiếp miêu tả Chân Dung Đức Giêsu mà chuyển tải một trong những nội dung quan trọng của giáo huấn về những người đi theo Chúa. Dù vậy chúng ta cũng có thể khám phá ra các điều sau đây về Chúa Giê-su là Người ban giáo huấn cho các môn đệ:
(1o) Đức Giê-su là một nhà giáo dục rất có uy đối với các môn đệ và dân chúng. Lời giảng dạy của người vang lên một cách mạnh mẽ, đầy sức cuốn hút và thuyết phục… khiến người nghe đón nhận một cách hào hứng và phấn khởi.
(2o) Đức Giêsu là một nhà giáo dục có trình độ sư phạm cao và am tường tâm lý con người. Người đã khôn khéo dùng những vật dụng rất bình dân và gần gũi với đời sống con người (là muối và ánh sáng) để chuyên chở một nội dung giáo huấn cao siêu về người môn đệ. Muối dùng để ướp thịt cá, làm cho các loại thực phẩm ấy không bị thối nát. Muối dùng để nêm các món canh hay xào nấu làm cho các món ăn có hương vị đặm đà (Những người phải ăn lạt vì bệnh thèm vị mặn như thế nào). Còn ánh sáng thì làm cho mọi sinh vật sống và làm cho thế giới này đẹp đẽ, tươi vui hơn. Trong thế giới văn minh, chỉ một ngày mất điện, con người sẽ thấy khổ sở như thế nào!
2.3 Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng Mt 4,12-23 dạy chúng ta điều gì?
Giáo huấn của Lời Chúa quá rõ ràng minh bạch. Chúa Giê-su đã dùng muối và ánh sáng để nói về vai trò và sứ mạng của người Ki-tô hữu thật không gì gần gũi mà lại sâu sắc hơn. Ý nghĩa của Lời Chúa là: Người Ki-tô hữu có trách nhiệm chẳng những làm cho xã hội bớt các tệ nạn xã hội mà còn phải làm cho xã hội giầu mạnh, tự do, dân chủ, công bình, yêu thương và văn minh hơn. Qua chứng từ đời sống tốt lành, thánh thiện của người Ki-tô hữu, người ta sẽ khám phá ra Thiên Chúa là nguồn cội của Chân Thiện Mỹ và cất tiếng ca tụng Người.
III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Áp dụng vào thực trạng của xã hội Việt Nam hiện nay, người Công giáo không những chỉ được mời gọi thể hiện tình yêu thương bác ái Ki-tô giáo với hết moi người, nhất là với những người kém may mắn trong xã hội, mà còn được Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô giao sứ mạng làm trong sạch môi trường xã hội khỏi các tệ nạn đủ loại: tham nhũng hối lộ, ăn cắp của công, hống hách cửa quyền, buôn lậu, hàng gian hàng giả, ma túy, đĩ điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em v.v.. Việc của vế thứ nhất thì tương đối dễ và có thể nói là người Công giáo Việt Nam đã và đang thực hiện một cách rất tốt. Thật vậy, khắp các nơi trên toàn quốc, người Công giáo Việt Nam tích cực tham gia vào tất cả các nỗ lực của Giáo hội và xã hội nhằm giúp người nghèo bớt nghèo, người khổ bớt khổ, người bị bỏ rơi được quan tâm, người bệnh được chữa trị, người bị khinh rẻ được yêu thương……... Nhưng việc của vế thứ hai thì khó hơn nhiều và đòi phải có dũng khí của các ngôn sứ hay chứng nhân tử đạo, vì đụng chạm ngay đến cơ chế xã hội và những người có quyền chức và địa vị. Hậu quả đương nhiên của những hành động bênh vực phẩm giá con người và công bằng xã hội chắc chắn sẽ là sự thiệt thòi, mất mát, không chỉ về quyền lợi vật chất mà có khi cả nghề nghiệp và mạng sống nữa. Thậm chí ngay cả trong Giáo hội, việc nói ngay, nói thẳng và thái độ không luồn cúi nịnh bợ, không phe cánh cũng không được ưa chuộng và đề cao, huống chi là ở ngoài xã hội.
Theo thống kê của giới báo chí thì trong năm 2004 vừa qua có tất cả 129 nhà báo bị giết hại trên toàn thế giới, mà đại đa số là những con người đã can đảm nói lên sự thật và bênh vực công lý. Chắc con số những người bị trù dập, bị đì, bị mất chức, mất việc làm, bị ngồi tù do dám thẳng thắn tố cáo cái xấu, cái gian, các ác sẽ nhiều gấp bội. Đó chính là các ngôn sứ thời hiện đại mà chúng ta phải ngưỡng mộ và noi theo, nếu chúng ta muốn sống đúng vai trò và sứ mạng ngôn sứ của người Ki-tô hữu.
IV. CẦU NGUYỆN
-
Lạy Chúa,
-
Khi con đói, xin gửi đến một người cần con cho ăn.
-
Khi con khát, xin gửi đến một người cần con cho uống.
-
Khi con lạnh, xin gửi đến một người cần con sưởi ấm.
-
Khi con bị xúc phạm, xin gửi đến một người cần con ủi an.
-
Khi thánh giá con quá nặng, xin đưa thập giá người khác đến cho con.
-
Khi con quá nghèo nàn, xin đưa con đến với người túng quẫn hơn con.
-
Khi con thiếu thì giờ, xin đưa con đến với người cần thì giờ của con.
-
Khi con bị lăng nhục, xin đưa con đến với người cần con ca tụng.
-
Khi con ngã lòng, xin gửi đến một người cần con khích lệ.
-
Khi con cần người khác cảm thông, xin gửi đến một người cần con thông cảm.
-
Khi con cần người khác chăm lo, xin gửi đến một người cần con chăm sóc.
-
Khi con chỉ nghĩ đến mình, xin hướng suy nghĩ của con đến tha nhân.
(Lạy Chúa, Khi con đói của Mẹ Têrêxa, trích Maranatha 34)
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội