Tâm Tình Chia Sẻ

Nếu bạn tin rằng bạn phải chết, rằng có một cõi đời đời, rằng bạn chỉ có thể chết một lần, và nếu [lúc bạn được Chúa gọi về] bạn có sai lầm lỗi, lầm lỗi ấy sẽ là mãi mãi, không thể sửa chữa lại được, tại sao bạn lại không biết lựa chọn để bắt đầu ngay bây giờ là làm tất cả với sức lực của mình để bảo đảm một cái chết tốt? - Thánh Alphonsus di Liguori.

Cái chết là một điểm dừng mà tất cả chúng ta ai cũng sẽ đến, và ai ai cũng biết điều đó, thế nhưng chúng ta lại làm tất cả để gạt nó sang một bên.  Chúng ta sợ nó đến nỗi chúng ta tìm mọi cách, thậm chí ngay cả mê tín dị đoan để thay đổi định mệnh của mình, tất cả để trốn tránh cái chết.  Thậm chí có nhiều nơi người ta mê tín đến nỗi đành lòng hạ danh giá của người con dâu đã có thai khi rước dâu về nhà bằng cách rước dâu vào ngõ sau để ngăn ngừa cái chết trong gia đình.  Đúng là một lối suy nghĩ ngớ ngẩn.  Sự chết là gì đối với mỗi người chúng ta mà tại sao chúng ta lại sợ nó đến như vậy?  Còn tệ hại hơn nữa là khi biết mình sợ cái chết mà còn dùng nó để lấn át và lấy quyền hành trên người khác. Thật sự chúng ta có bao giờ nhìn lại cái chết và tự hỏi nó có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?  Có bao giờ chúng ta mang nỗi sợ hãi ấy vào cầu nguyện xin Chúa dạy cho chúng ta biết sự thánh thiêng của cái chết, để rồi chúng ta không lạm dụng nó cũng như không để nó làm chủ đời mình một cách ngớ ngẩn không?

Chúng ta thường nói "Sống gửi thác về", nhưng trên thực tế con người chúng ta không thật sự đón nhận hành trình đi về đó.  Chúng ta chưa nhìn cái chết như là một cái gì đó thánh thiêng để rồi chúng ta biết đón nhận nó như là một ân huệ quý báu Chúa ban.  Nếu chúng ta biết đón nhận, chúng ta mới biết nhìn sự chết như là một người bạn thân luôn đồng hành với mình trên mọi ngóc nghách của cuộc sống. Thật sự nó là như vậy.  Cái chết chẳng bao giờ rời ta và luôn theo ta như hình với bóng cho đến khi chúng ta được Chúa gọi về.  Cái “Chết” như là một người bạn đồng hành thiêng liêng luôn thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và tinh tuyền của tạo dựng và cái giá cứu chuộc của Con Một Thiên Chúa.  Qua đó sự "Chết" sẽ giúp chúng ta chọn cách sống cho mỗi một hơi thở trong cuộc đời. 

Chúng ta nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu khi xưa Ngài sống mọi giây phút trong cuộc đời làm người với Thiên Chúa Cha.  Nhưng khi phải đối diện cái chết, Ngài cũng tỏ ra sợ hãi trong cái yếu đuối của một con người, và Ngài đã xin các môn đệ ở với Ngài.  Nhưng sau khi vật lộn với sự yếu đuối đó, Ngài đã chọn đối diện cái chết của Ngài với Thiên Chúa Cha và Ngài đã xin uống chén đắng đó theo ý Cha Ngài (cf. Lc 22:42).  Khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết theo ý Cha Ngài, Ngài đối diện với những gì sẽ tới (bắt bớ, sỉ nhục, đánh đòn, vác thập giá, và đóng đinh) trong bình an.  Hơn nữa, trên thập giá Ngài đã chọn để được chết ở trong tay Cha Ngài, “Lạy Cha Con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Nếu Chúa Giêsu là người cho chúng ta thấy chúng ta có thể đối diện với sự chết trong tâm tình tin yêu và phó thác, mỗi ngươi chúng ta cũng được mời gọi để xin ơn để bắt chước Ngài.

Như vậy thì mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta hãy xin ơn để được đồng hành với người bạn đời "Chết", và xin Chúa dùng bạn "Chết" để nhắc nhở chúng ta phải sống với Chúa hôm nay như thế nào hầu chúng ta biết sẵn sàng đáp lại khi Ngài hỏi ta, “Con ơi, con đang ở đâu và đang làm gì?”, và chúng ta có thể trả lời với Ngài rằng, "Con đang ở trong sự hiện diện của Cha".  Lắm lúc chúng ta nghĩ là chúng ta chỉ có thể ý thức được rằng chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa khi chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, hoặc tham dự thánh lễ, nhưng đó chỉ là một phần cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta có thể chọn để ở trong sự hiện diện của Chúa trong mọi nơi mọi lúc.  Chẳng hạn như chúng ta chọn để lo lắng và chú ý đến con cái và người thân, hơn là để mình bị thu hút vào TV, ngay cả khi mọi người đang cùng ngồi coi TV chung với nhau.  Hãy để ý đến những tâm tình khó chịu, không muốn rời TV khi ai đó đang cần sự giúp đỡ của ta, và xin ơn để được đáp trả nhu cầu của người thân trong yêu thương hơn là bị bắt buộc. 

Vì nếu chính lúc này, Chúa gọi chúng ta về và hỏi, “Tâm tình con đang ở đâu với Cha?” thì câu trả lời sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của mình trong lúc ấy.  Câu trả lời đó có thể là “Con đang kiềm chế sự khó chịu của con để con được nhìn thấy và phục vụ Chúa trong người thân”, hay là “Con đang thật sự cảm nhận ra tình thương của Chúa dành cho con qua người bạn” hay là “Con đang mệt mỏi bực bội vì đứa con của con không cho con ngồi yên để coi TV” hay là “Con đang ngồi coi bộ phim không tốt cho lứa tuổi của các con của con, nhưng vì con chưa có biết hy sinh và nhà chỉ có một cái TV nên con cứ để cho các con của con cùng coi” hay là “Con đang giận đội banh kia tại vì chúng chơi dở mà con đang bị thua độ.”  Câu trả lời nào là câu trả lời của mỗi người trong giờ phút linh thiêng ấy?

Trong phong tục Á Đông của chúng ta cũng thường hay dùng cái chết để đoạt lấy quyền hành trên người khác, hay làm khuất đi những gì chúng ta không muốn nhìn thấy.  Những người trẻ đang yêu thì dùng cái chết để đe dọa, để đòi hỏi được chiều chuộng hay muốn được lấy người kia làm sở hữu.  Còn những bậc cha mẹ lớn tuổi thì dùng cái chết để bắt con cái làm theo những gì mình muốn để xoa dịu nỗi âu lo hay xấu hổ của mình khi mình không còn một cách khuyên bảo nào khác.  Có những bậc cha mẹ muốn thấy con cái mình lập gia đình trước khi mình chết để cho mình cảm thấy được yên thân và an tâm, và dùng sự gần đất xa trời để cố tình đẩy con mình vào một tình cảm mà mình cảm thấy không có ổn.  Và cũng có những cha mẹ dùng tuổi tác già nua của mình để bắt con cái phục tùng và làm như ý mình muốn.  Ở đây chúng ta không nói là mình không nên lo lắng cho con cái, nhưng chúng ta cũng nên dâng sự lo lắng và xấu hổ của mình cho Chúa.  Chúng ta xin ơn để nhận ra rằng trước khi con mình là con của mình, con mình đã là con của Chúa, và khi mình muốn cho con mình được tốt đẹp hoàn hảo thì Chúa là Đấng Sinh Thành còn muốn cho đứa con của Ngài được tốt đẹp và hoàn hảo gấp bội.

Ước gì mỗi người chúng ta biết ngồi lại và suy tư về cái chết với Chúa, và xin Ngài dạy cho chúng ta ý nghĩa và sự thánh thiêng của sự chết, để qua sự hiểu biết đó chúng ta biết chọn sống mỗi giây phút với Ngài hầu chúng ta cũng được ngồi trong lòng Tổ Phụ Abraham như anh Larazô nghèo khó trong câu chuyện “Người phú hộ và anh Larazô” ở Luca chương mười sáu.

Củ Khoai, 9/2013