Trước khi giới thiệu bài thơ có tựa đề ''Sự Đời'', tôi xin kể ba câu chuyện sau đây:
1. Ông Voltaire (1694 –1778)
Voltaire là bút hiệu của nhân vật nổi tiếng này. Tên thật của ông là François-Marie Arouet. Dù có Thánh Danh rửa tội là ''Phanxicô-Maria'', ông ta lại rất kiêu ngạo. Có lần, được ông Guy Auguste hỏi: ''Này anh bạn, tên anh là Voltaire hay Arouet?'', Voltaire trả lời nhắm chế nhạo ông kia: "Tôi bắt đầu bằng tên của tôi. Còn ông thì kết thúc bằng tên của mình."
Voltaire quy tụ người nể mình thành nhóm Beezebuth nhắm ''hạ bệ Thiên Chúa'' và nói rằng Thiên Chúa có thể ''về hưu'' trong vòng hai mươi năm nữa vì, lúc đó, chẳng còn ai thèm phục vụ ''ông ấy'' ! Ai dè, đúng hai mươi năm sau (1773), Voltaire già đời mà chưa trót thế này đã về ''bên kia'' ! Giờ hấp hối của ông làm nhiều người phải khiếp sợ ! Ông thét lên: ''Một bàn tay đang níu kéo tôi đến với Thiên Chúa. Và đây, đây, quỷ muốn bắt tôi … Tôi thấy rõ Hỏa Ngục !'' Rồi ông ta tru trếu như mãnh hổ, dùng hai bàn tay cấu xé thịt mình. Bà kia thường giúp người lâm chung, phát biểu cảm tưởng: ''Ở bên giường ông Voltaire đang hấp hối, tôi không còn dám chứng kiến người vô đạo chết như thế.''
Theo thiển ý của tôi, có thể ông ta đã nói trong lòng không cho ai nghe vì xấu hổ: ''Xin Chúa nhân từ tha tội cho con.''
2. Người chăn lạc đà
Từ sáng sớm, gặp người nọ đang quỳ gối cầu nguyện trong sa mạc, một người vô thần nói: ''Này, anh là tên chăn lạc đà, bày đặt cầu nguyện làm gì cho mất thì giờ ? Không có Thượng Đế đâu !'' Người có Đạo hỏi tay vô thần: ''Không thấy lạc đà thì làm sao ngài biết tôi là kẻ chăn lạc đà ?'' Ông vô thần đáp: ''Lạc đà của mầy đang ngủ đâu, tao không biết. Nhưng quanh mày, còn dấu chân chúng nó trên cát thì tao biết mày làm gì ở đây mà.'' Anh có Đạo lập luận: ''Té ra là vậy ! Ngài không thấy lạc đà của tôi, nhưng lại nhìn rõ dấu vết của chúng trên cát. Xin ngài vui lòng nhìn quanh ngài toàn là sa mạc, nhìn trời, nghe gió, sờ thân thể ngài, miệng, mắt, tai ngài thì ngài biết được tất cả các thứ ấy là dấu vết chứng minh có Thượng Đế.'' Nghe vậy, tay vô thần mắc cỡ, bỏ đi.
3. Đứa bé với người cha nuôi
Nhà ''thông thái'' kia xin một đứa bé tí về làm con nuôi, cấm nó tiếp xúc với bất cứ ai, chẳng cho nó đến trường, mà chỉ dạy riêng nó ở nhà. Một hôm, khi đã được chừng mười lăm tuổi, ra vườn ngắm cảnh bình minh, cậu bé thốt lên: '' Ông Mặt Trời ôi, sao Ông đẹp quá ! Chim chóc líu lo ! Hoa muôn sắc ! Gió mát ! Không khí trong lành ! Xin Ông mặt Trời chỉ cho tôi biết Ngài đã làm ra ông và cảnh vật quanh tôi.'' Người cha nuôi giận dữ, mắng: ''Ai dạy con nói những điều vừa rồi ?'' Cậu bé trả lời: ''Thưa ba, con đâu được tiếp xúc với ai ! Chính những gì con thấy đã dạy cho con hôm nay bài học rằng có Ngài nào đó làm nên tất cả mọi sự.''
Người cha nuôi vội vàng đến vuốt ve cậu bé, rưng rưng nước mắt và nói: ''Lạy Chúa, con tin có Chúa.''
Hóa ra, người mù không phải là người không thấy mặt trời, nhưng là người không nhận ra tiếng ÔNG TRỜI nói qua vạn vật và qua thân xác mình. Cậu bé đúng là người thuộc thành phần ''hậu sinh khả úy'' !
Xin tặng quý vị độc giả bài thơ:
SỰ ĐỜI
Trời cho có mắt mà nhìn
Nhìn hoài, người vẫn không tin có Trời !
Trời làm đêm để nghỉ ngơi
Lên giường, người chẳng ngỏ lời tri ân !
Trời cho người có tay chân
Bàn tay làm việc tu nhân giúp đời
Bàn chân đi đứng thảnh thơi
Đưa người tìm đến những nơi người cần
Nhưng người làm chuyện bất nhân:
Chiến tranh, bom đạn ..., bất cần lương tri !
''Vô tri bất mộ'' chỉ vì
Con người tham vọng, so bì hơn thua !
Mình giàu, mình sẽ là ''vua''
Mặc ai khốn khổ te tua vì mình !
Trời cho mình có tâm linh
Nhưng người vô đạo, u minh, hàm hồ !
Trời sinh ra lúa, khoai, ngô …
Cho người trồng trọt, phơi khô ban ngày
Người tài, sao chẳng ra tay
Làm nên sự sống mà thay ÔNG TRỜI ?
Ai làm vật đổi, sao dời ?
Người tài, sao chẳng sống đời ngàn năm ?
Người ra nghĩa địa, người nằm
Tiền tài, danh vọng ăn nhằm gì đâu ?
Thây người sẽ hóa đất nâu !!!
Hồn người bất tử về đâu, hỡi người ???
Đức Quốc, 25.8.99
Đaminh Phan văn Phước