Chúa Nhật tuần này Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, còn gọi là lễ Ngũ Tuần, là một trong các ngày lễ quan trọng nhất trong năm bao gồm mùa Phục Sinh và những lễ tưởng nhớ thuở ban đầu của Giáo Hội.
Đây là những điều bạn cần biết về ngày lễ này:
Thời điểm và nguồn gốc của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống luôn rơi vào 50 ngày sau khi Chúa chịu chết và sống lại, và 10 ngày sau lễ Thăng Thiên. Bởi vì lễ Phục Sinh không rơi vào một ngày nhất định trong niên lịch và vì lễ Chúa Thánh Thần lại tính theo thời điểm của lễ Phục Sinh, cho nên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sẽ rơi vào khoảng từ 10 tháng Năm đến 12 tháng Sáu.
Thời điểm của những lễ này cũng là lúc người Công Giáo có ý niệm về Tuần Cửu Nhật – tức là chín ngày cầu nguyện, bởi vì trong Sách Tông Đồ Công Vụ 1, Mẹ Maria và các môn đệ cùng nhau cầu nguyện “liên tục” trong chín ngày sau khi Chúa về trời cho tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Theo truyền thống, Giáo Hội cầu nguyện Tuần Cửa Nhật để xin ơn Chúa Thánh Thần vào những ngày trước Lễ Thánh Thần Hiện Xuống.
Chữ “Pentecoste” là một chữ gốc Hy Lạp, có nghĩa là thứ 50.
Có một lễ của Do Thái cũng được cử hành là Shavu`ot, rơi vào ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua. Shavu`ot đôi khi còn được gọi là những tuần lễ hội, ý nói về thời gian bẩy tuần lễ sau lễ Vượt Qua.
Lúc đầu lễ này là một lễ hội mùa gặt, Shavu`ot bây giờ là lễ tưởng niệm ấn Giao Ước Cũ trên núi Sinai khi Thiên Chúa trao kinh Torah cho ông Moses trên núi này. Mỗi năm vào ngày lễ này, người Do Thái làm sống lại việc chấp nhận quà tặngTorah.
Những gì xảy ra vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Theo truyền thống Kitô giáo, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày lễ kính nhớ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ, Mẹ Maria và những người theo Chúa lúc khởi đầu cùng họp nhau trong phòng cửa đóng kín.
Một luồng gió mạnh ùa vào phòng nơi mọi người đang tụ họp, và những hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng người một và họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau và có thể hiểu nhau. Đây quả là môt hiện tượng lạ lùng đến nỗi một số người nghĩ rằng những Kitô hữu này đã đầy rượu rồi, nhưng thánh Phê-rô đã quả quyết rằng lúc bấy giờ mới là buổi sáng và rằng sự kiện lạ này là do tác động của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần cũng ban cho các tông đồ những ơn sủng khác và hoa trái cần thiết để hoàn thành sứ mạng cao cả là – ra đi và loan báo tin Mừng cho mọi dân tộc. Thi hành lời hứa của Đức Kitô trong Tân Ước (Luca 24:46-49) là các Tông Đồ sẽ được “mặc lấy sức mạnh” trước khi các ngài được sai đi để loan báo Tin Mừng.
Điều đó ở đâu trong Thánh Kinh.
Sự kiện chính của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (gió mạnh và các lưỡi lửa) là việc xảy ra trong sách Tông Đồ Công Vụ 2:13, tuy nhiên có những việc xảy ra liền sau đó như bài giảng của Thánh Phê-rô, việc rửa tội cho hàng ngàn người… tiếp tục cho tới câu 41.
Sinh nhật hạnh phúc của Giáo Hội.
Ngay sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Phê-rô được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần đã giảng bài giảng đầu tiên cho người Do Thái và những người không tin, trong đó ngài trích sách Cựu Ước, cho thấy rằng ngôn sứ Giô-en đã tiên báo về những biến cố xảy ra này và sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Thánh Phê-rô cũng nói với mọi người rằng Đức Giê-su mà họ đã đóng đinh là Thiên Chúa và ngài đã sống lại từ cõi chết, nghe thế “ họ đau đớn trong lòng”. Rồi họ hỏi là họ nên làm gì, Thánh Phê-rô khuyên họ hãy ăn năn xám hối và chịu phép rửa. Theo sách Tông Đồ Công Vụ, có khoảng 3,000 người đã chịu phép rửa sau bài giảng của Thánh Phê-rô.
Vì lý do này mà Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được coi như ngày sinh của Giáo Hội, Thánh Phê-rô, vị Giáo Hoàng Tiên Khởi, có bài giảng đầu tiên và cải hóa hàng ngàn người mới tin. Đây là lần đầu tiên, các thánh Tông đồ và các tín hữu hiệp nhất trong cùng một ngôn ngữ chung và một lòng nhiệt thành và mục đích chung ra đi và loan báo Tin Mừng.
Lễ phục Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và những tập tục trên toàn thế giới.
Thông thường, các linh mục sẽ mặc lễ phục đỏ vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, biểu tượng lửa cháy tình yêu của Thiên Chúa và những lưỡi lửa đáp xuống trên các tông đồ.
Tuy nhiên ở nhiều vùng trên thế giới, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống lại được coi là Chúa Nhật Trắng, cho nên lễ phục màu trắng lại thường được mặc ở Anh và Ái Nhĩ Lan. Màu trắng biểu tượng cho chim bồ câu là Chúa Thánh Thần và áo màu trắng mà người tân tòng muốn mặc trong ngày lãnh nhận phép Rửa Tội.
Truyền thống lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở Ý là rải hoa hồng xuống từ trần nhà thờ để nhớ lại phép lạ những lưỡi lửa, và cũng tại một số nơi trong nước Ý, lễ Chúa Thánh Thần còn được gọi là Pascha Rosatum (Hoa hồng Phục Sinh).
Ở Pháp, người ta thổi kèn trong Thánh Lễ để nhớ lại tiếng gió thổi mạnh của Chúa Thánh Thần.
Ở Á Châu thường có thêm một nghi thức bổ xung là quỳ gối trước bàn thờ vào đọc những bài thánh vịnh dài và những lời kinh. Ở Nga, người ta mang hoa và những cành lá xanh đến trong các buổi phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Giuse Thẩm Nguyễn
nguồn: http://www.vietcatholic.net/
Source: CatholicNewsAgency.com Everything you need to know about Pentecost