Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.1 Rôma Lúng Túng

Hỏi: Vẫn có hàng trăm ngàn người tuôn tới dự thánh lễ do Giáo-chủ dâng trong những chuyến công-du mục-vụ. Nhưng những cuộc gặp-gỡ lớn đó không nói lên tình-trạng thật của Giáo-hội hôm nay. Ngay từ năm 1984 ngài đã nói về một tiến-trình suy-tàn của Giáo-hội. Ngày nay, người ta có thể dùng hình ảnh lỗ đen nổi tiếng trong vũ-trụ để nói về Giáo-hội. Nghĩa là một thiên-thể đã vỡ tung trong vũ-trụ. Tâm của nó từ lâu đã chẳng còn thấy nữa và nó teo dần thành tinh-cầu tí-hon. Người ta còn nhận ra sự hiện-hữu của nó nhờ qua những chuyển-động lạ-lùng của nó quanh một khối thể khổng-lồ đã biến mất từ lâu. Những mảnh vỡ không thoát ra được khỏi lực hút của tinh-cầu mẹ, cứ cuốn tít vô-định với nhau trong những tập-hợp mới, choảng nhau vỡ tung hoặc tự hủy dần.

Tôi thấy hình ảnh những lỗ đen, những vì sao vỡ rất hay. Sự việc trong thực-tế cũng có thể giống như vậy. Hiển-nhiên, trong giai-đoạn lịch-sử như đã mô-tả hiện nay sẽ không có cảnh hàng đoàn-lũ người quay về với Chúa. Rõ-ràng chưa tới giờ tinh-cầu kia dầy đặc trở lại và lấy lại được kích-thước và lực sáng cũ của nó. Quả là thiếu thực-tế khi nghĩ rằng rồi đây lịch-sử sẽ sang trang và đức tin sẽ trở lại như một hiện-tượng tập-thể.

Nhưng trước sau tôi vẫn tin rằng sẽ có những đợt sóng âm-thầm nổi lên, rằng Giáo-hội có thể nói sẽ tái-sinh từ những kẻ ngoài giáo-hội công giáo và sống lại cái kinh-nghiệm mà các môn-đệ và cả chính đức Giê-su đã sống. Khi Ngài nói: “Ta không tìm thấy một niềm tin như thế ở Is-ra-en”, thì có nghĩa là Ngài tin vào những đợt bùng dậy đức tin sống-động nơi thế-giới những người ngoài Giáo-hội, một sự sống-động mà ta không thấy có nơi những ki-tô-hữu hiện nay. Người tin Chúa hôm nay thường tỏ ra mệt-mỏi trong đức tin và coi nó như một gánh nặng phải lê vác một cách khó-nhọc chứ không lấy đó làm vui. Trong ý-nghĩa đó thì hình ảnh tinh-cầu trên cũng không hợp lắm, vì Ki-tô giáo, như tôi đã nói, luôn trở lại tình-trạng hạt cải, và cũng nhờ vậy mà luôn trẻ lại. Rồi đây Ki-tô giáo có thể một lần nữa ảnh-hưởng mạnh lên lịch-sử như nó đã làm trong suốt thời Trung-cổ hay không, điều này thật không ai nói trước được. Tuy nhiên, tôi hoàn-toàn tin chắc rằng Ki-tô giáo vẫn tồn-tại và sẽ hiện-diện dưới những hình-thức mới. Nó cũng sẽ là sức sống của lịch-sử và sẽ cống-hiến cho nhân loại những chỗ trú-ẩn an-toàn để sống-còn.

Có kinh-nghiệm về cái tiêu-cực hay nhìn thấy được rằng cuộc sống không có đức tin thì sẽ bế-tắc hoặc sẽ rơi vào khoảng trống ghê-sợ, những hiểu-biết đó chưa hẳn đã mang lại đức tin. Chúng có thể dẫn ta từ khó chịu qua nghi-ngờ toàn-diện tới thái-độ cay-độc – hoặc dẫn tới việc tự huỷ-hoại chính mình.

Hỏi: Chúng ta đang chứng-kiến một hoàn-cảnh thật nghịch-lí. Thế-giới thay-đổi hôm nay đang làm nhiều người ngất-ngư vì tốc-độ biến-chuyển của nó, nhưng đồng thời lại đang tạo ra một môi-trường thật thuận-lợi cho tôn-giáo. Chưa bao giờ con người đua nhau đi tìm những hình-thái tâm-linh siêu-đẳng và hỗn-tạp nhiều như hiện nay. Vậy mà các đạo binh hùng-hậu nhất của các giáo-hội Ki-tô giáo xem ra không lợi-dụng được gì trong cuộc đua tìm ý-nghĩa cuộc sống này.

Trước hết, ở một khía-cạnh nào đó thì quả đúng là một thời-đại mới của tôn-giáo đã mở màn. Con người đi tìm tôn-giáo bằng nhiều cách. Nhưng họ cho là đã không tìm thấy nó trong niềm tin ki-tô, trong giáo-hội ki-tô, mà lại tìm nơi những hình-thái hoàn-toàn mới, trong đó tôn-giáo thường bị biến dạng để trở thành như một thứ đối-lực với cuộc sống hàng ngày, hoặc biến thành một thứ ma-thuật và giáo-phái và từ đó hiện thân dưới những hình-thái bệnh-hoạn. Có lẽ các giáo-hội Ki-tô đại-chúng phần nào bị đè nghẹt bởi sức nặng của quá nhiều định-chế, bởi quyền-hành cơ-chế hoặc bởi sức ép của chính lịch-sử mình. Ta không còn thấy được cái sinh-động, cái giản-dị của đức tin Ki-tô giáo nữa. Làm ki-tô-hữu chỉ còn có nghĩa là gia-nhập một bộ máy khổng-lồ với vô số những điều răn và những tín-điều khó hiểu. Như thế Ki-tô giáo chỉ còn là một gánh nặng thừa-thãi với những truyền-thống và cơ-chế mà người ta không muốn quẳng đi vì còn thấy đâu đó một vài lợi-ích của chúng. Ngọn lửa thật-sự của đạo đã không ngoi lên được qua lớp tro quá dày.

Hỏi: Xem ra không chỉ có tro phủ trên đó mà thôi. Theo lối nhìn phiếm-diện của dư-luận hiện thời thì giáo-hội Công giáo không những chỉ là một thứ gì còn sót lại của quá-khứ và có lẽ còn đáng cho vào sọt rác. Đối với thế-giới trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, không có khiêu-khích nào lớn hơn sự tồn-tại một giáo-hội phẩm-trật. Nhiều người ngày nay cho rằng chỉ có kẻ điên-rồ mới khẳng-định là chỉ có một Thiên-chúa, Ngài có một người con và Ngài đã gởi người con đó xuống trần để cứu nhân-loại. Có thể nói không có một định-chế nào khiêu-khích thế-giới – mà lạ thay kể cả thế-giới phương tây, nơi chịu nhiều ảnh-hưởng đức tin và giáo-hội Ki-tô – cho bằng giáo-hội Công giáo.

Dưới nhiều khía-cạnh, điều đó nói lên giá-trị tốt của giáo-hội Công giáo, bởi vì Giáo-hội này vẫn còn là lực-lượng khiêu-khích, vẫn là gai nhọn và là sự phản-kháng, hay nói như thánh Phaolô, đó là một cái gì gây tai-tiếng, gây vấp ngã. Nghĩa là giáo-hội Công giáo vẫn còn một ý-nghĩa nào đó và không ai có thể gạt nó qua một bên để thản-nhiên sống được. Tôi đã nói từ lâu rồi là phải phân-biệt hai loại gây tai-tiếng: chính và phụ. Cái tai-tiếng phụ là những lỗi lầm, thiếu sót, những cơ-chế hoá quá độ thật-sự của chúng tôi. Nhưng cái tai-tiếng chính là chúng tôi chống lại sự sa lầy trong cái tầm-thường hoá, hẹp-hòi hay những hứa-hẹn giả, chúng tôi không mặc-nhiên để cho con người ngủ mê trong những ý-thức-hệ tự tạo ra. Vì thế tôi dám nói rằng: Nếu như giáo-hội Công giáo là một cái gai vì nó chống lại cái ý-thức-hệ thế-giới mới có vẻ đang hình thành và bảo-vệ những giá-trị nguồn-cội của con người, những giá-trị mà ý-hệ kia đã không dành cho chúng một chỗ đứng nào cả, thì chuyện đó lại là một điều hay.

Hỏi: Rõ-ràng Giáo-hội đã đánh mất sự khả-tín của mình. Một thí-dụ quái-đản: Nhiều năm trước, khi giáo-chủ Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng có sự hiện-hữu của thiên-thần, thì nhiều người nghe như chuyện hài-hước. Thế rồi bổng dưng chuyện thiên-thần lại nổi lên như cồn. Dĩ-nhiên thiên-thần lúc này là thứ thật, thứ tốt. Rõ-ràng thiên-thần lúc này lại xuất-hiện từ Giáo-hội.

Thật thú-vị khi quan-sát sự thay-đổi nhanh-chóng của các mốt tinh-thần. Khởi đầu là một thứ đồng-thuận duy-lí, muốn tinh-luyện Ki-tô giáo bằng cách vứt bỏ đi những gì gọi là thừa-thãi. Thiên-thần và các thánh là những thứ chẳng còn hợp thời nữa. Nhưng rồi bổng-nhiên xuất-hiện một thao-thức đi tìm những điều huyền-bí và tìm về một thứ thế-giới đầy siêu-việt, và cả một đợt “sóng thiên-thần” mới xuất-hiện với hành-trạng và hành-tung khó hiểu từ bên ngoài Giáo-hội tràn tới. Đây quả là một hiện-tượng đáng lưu-ý: Những giáo-huấn đến từ Giáo-hội thì chẳng ai quan-tâm hoặc chấp-nhận, trong khi đó những gì đến từ ngoài thì bổng dưng lại được coi trọng. Điều này cho thấy trong lòng sống của Giáo-hội có sự mệt-mỏi, khiến người ta không còn nhận ra cái đẹp và cái cần cho cuộc sống đức tin mình. Như thế, tôi nghĩ, cái từ ngoài đến cũng là cơ-hội giúp chúng tôi đánh thức chính mình.

Hỏi: Còn nữa: Cả sự hiểu-biết về đức tin cũng mất, nó như bổng dưng bị một sức mạnh huyền-bí lạ-lùng nào đó cuốn hút đi mất. Chẳng hạn như ở Đức, 30% người lớn tin Giáng-sinh chỉ là một câu chuyện thần-thoại của anh em nhà Grimm (tác giả những chuyện thần-thoại nổi tiêng ở Đức. ND). Các linh-mục không còn biết mình là ai, giáo-dân chẳng hiểu mình nên tin gì, các nhà thần-học tiếp-tục cắt-xén những truyền-thống căn-bản, kho-tàng phụng-vụ bị thất-thoát.

Ông đã nêu lên một số điều gay-go có lẽ cần phải làm sáng tỏ từng điểm một. Có lẽ tôi cũng cần phải bênh-vực cho các nhà thần-học. Nhưng lúc này chúng ta không đi vào chi-tiết này.

Ông có lí, đã có sự mất-mát ngay cả những kiến-thức tôn-giáo đơn-giản. Điều đó khiến chúng tôi phải tự hỏi: Việc dạy giáo-lí của chúng tôi ra sao? Trường lớp chúng tôi làm gì với khá nhiều giờ giáo-lí? Tôi tin rằng người ta đã sai lầm khi truyền lại cho học-sinh quá ít thông-tin. Các thầy cô chúng tôi có lí khi cho rằng dạy giáo-lí không chỉ đơn-thuần là nhồi cho các em nhiều kiến-thức về đạo, nhưng là phải trao cho các em cái gì hơn nữa kia, phải giúp các em học chính cuộc đời mình. Tuy-nhiên quan-điểm này đã khiến thầy cô quá quan-tâm tới việc dạy cho các em có thiện-cảm với lối sống này, và đã bỏ-bê việc truyền-đạt nội-dung thông-tin chính. Tôi nghĩ, chúng tôi phải sẵn-sàng thay-đổi thái-độ. Trong xã-hội trần-tục hiện nay, nếu may-mắn còn có giờ giáo-lí trong trường học, thì đừng trông mong lôi-kéo nhiều học-sinh vào đạo. Nhưng phải giúp các em hiểu Ki-tô giáo là gì. Cần giúp các em, dĩ-nhiên bằng lối giải-thích hấp-dẫn, nhiều thông-tin tốt khiến cho các em phải tự hỏi: Có lẽ đây là cái gì tốt cho tôi chăng?

Hỏi: Ngày nay, nhóm những người còn đi lễ, còn đi kiệu hoặc còn bênh-vực Giáo-hội xem ra bị đám đông đa số nhìn với con mắt lạ-kỳ. Ngay nhúm nhỏ người này cũng càng ngày càng cảm-nhận bổng dưng mình đang sống một thứ đạo chẳng còn ăn-nhập gì với thế-giới chung-quanh. Phải chăng tiến-trình sụp-đổ đã trầm-trọng hơn chúng ta tưởng?

Chắc-chắn đang có sự mất-mát kinh-khủng về ý-nghĩa của Ki-tô giáo, và sự hiện-diện cùa Giáo-hội cũng đang thay hình đổi dạng. Rõ-ràng cái xã-hội xưa nay thấm-nhuần Ki-tô giáo lúc này đây đang rạn vỡ ra từng mảng. Trong hoàn-cảnh đó, tương-quan xã-hội và Giáo-hội cũng đang biến-chuyển và cơ chừng như đang đi lần về hướng một hình-thái xã-hội hết chất Ki-tô giáo. Đạo Ki-tô không còn tạo được sự canh-tân nơi tư-duy chung của xã-hội.

Trung-tâm điểm đời sống hôm nay thực-sự nằm nơi những đổi mới kinh-tế và kĩ-thuật. Ở đó – đặc-biệt là ở ngành truyền-thông giải-trí – ngôn-ngữ và cung-cách cư-xử của con người được định hình. Đây có thể nói là lĩnh-vực trung-tâm của cuộc sống con người, hấp-dẫn các phong-trào quần-chúng lớn. Ở đó tôn-giáo dĩ-nhiên không biến mất, nhưng trôi dạt vào lãnh-vực chủ-quan. Đức tin được dung-túng như là một trong những hình-thái tôn-giáo chủ-quan; hoặc nó vẫn còn có được một chỗ đứng như một thành-tố văn-hoá.

Nhưng mặt khác, với cách-thế mới, Ki-tô giáo sẽ cung-cấp cho con người một mẫu-mực sống và nó sẽ hiện-diện như một nơi đầy tình người trong sa-mạc kĩ-thuật. Điều này đã xẩy ra rồi. Nhìn vào các phong-trào như Tân giáo-lí, Fô-cô-la-ri v.v.. thì rõ. Dù người ta có thể chỉ-trích này nọ nơi từng phong-trào, nhưng nói chung đó là những đợt sóng canh-tân. Qua những phong-trào đó, đạo Chúa được cảm-nhận như một cái gì mới và rất nhiều người, từ các phương trời xa, bổng nhiên nhận thấy đó là một cơ-may để sống và có thể sống trong thế-kỉ này. Vì vậy chức-năng công-chúng của Giáo-hội không còn mang hình-thức như trước đây trong thời giáo-hội và xã-hội quyện vào nhau, nhưng nó vẫn luôn còn đó như một cơ-may mới cho con người.

Hỏi: Có những ý-niệm xuất-phát từ Giáo-hội, trước đây được cả thế-giới chia-sẻ, nay không còn tác-động gì nữa. Và Giáo-hội cũng càng ngày càng mất sức sáng-tạo. Cho tới mới đây thôi, các nghệ-sĩ và trí-thức mặc-nhiên đi với Giáo-hội. Qua bao thế-kỉ đó là chuyện đương-nhiên. Raffael, Michelangelo hay Johann Sebastian Bach, những con người tài-ba, đã tỏ ra vô cùng sáng-tạo trong khi phục-vụ Giáo-hội. Ngày nay trái lại, nếu còn thích phục-vụ, thì người ta dấn-thân cho tổ-chức Hoà-bình xanh hay Nhân-quyền quốc-tế.

Điều đó có liên-hệ với hướng đi của lịch-sử như đã nói trên. Văn-hoá công-luận ngày hôm nay, đại-diện bởi các hệ-thống truyền-thông, là một thứ văn-hoá vắng bóng siêu-việt. Nơi đó Ki-tô giáo không được cảm-nghiệm như một lực quyết-định. Vì thế mà một số tác-nhân đạo-đức đã đi tìm hướng khác, như ông nói. Nhưng tôi tin chắc trong tương-lai Giáo-hội sẽ không thiếu lực sáng-tạo. Hãy nhìn vào giai-đoạn cuối thời Thượng-cổ, lúc đó có lẽ chẳng ai quan-tâm đến sự hiện-diện của một Biển-đức. Đấy là một kẻ thoát-li xuất thân từ giới quí-tộc và làm nhiều chuyện khác người. Và về sau đã được nhận-diện như là “Con tàu cứu tử cho phương Tây”. Và cũng trong cái nhìn đó, tôi tin ngày nay cũng có nhiều tín-hữu Ki-tô thoát-li khỏi cái đồng-thuận kì-lạ của nếp sống đương thời để thử-nghiệm những cách sống mới. Công-luận chẳng ai để ý tới họ, nhưng thật-sự họ đang thực-hiện những chuyện định hình cho tương-lai.

Hỏi: Ngài có thể nói rõ thêm về “cái đồng-thuận kì-lạ của nếp sống đương thời” không?

Nó hàm-chứa trong cái tôi vừa trình-bày: Thiên Chúa chẳng có giá-trị gì trong nền đạo-lí của con người. Nếu Ngài có đó thì Ngài cũng không liên-quan gì với chúng tôi – trong thực-tế đấy là châm-ngôn sống của mọi người. Ngài không quan-tâm tới chúng tôi và chúng tôi cũng chẳng bận-tâm gì tới Ngài. Vì vậy vấn-đề cuộc sống đời-đời cũng không có chỗ đứng. Trách-nhiệm trước Chúa và trước toà-án của Ngài được thay-thế bằng trách-nhiệm đối với lịch-sử, đối với nhân-loại. Từ đó người ta đưa ra các mực-thước luân-lí, có thể được trình-bày một cách quá-khích, chẳng hạn như việc chống nạn nhân-mãn được gắn liền với cuộc đấu-tranh chung nhằm bảo-vệ sự cân-bằng sinh-vật. Từ đó mọi chuyện đều được phép làm, nếu như chúng không cạnh-tranh với nền đạo-lí kia. Vì không có một thẩm-quyền trách-nhiệm nào ngoài công-luận và các toà-án của chúng (có thể dã-man) nên lực kích-động của các mực-thước luân-lí kia trong cuộc sống cá-nhân thường rất yếu. Lực đẩy của lí-tưởng có ích cho người ở xa hơn cho người ở gần; ở gần kề thường hay phát-sinh thói ích-kỉ…