PHẦN I
MÙA XUÂN ĐÓ ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA TÔI
Chương 2 : Ngày xuân đó
Dấn thân và Từ bỏ
Lần xưng tội đó, có một điều gì đó lạ lùng đến với tôi. Tôi không biết đó là gì, nhưng nó đã thay đổi đời tôi, tôi muốn nói là nó chụp lấy tôi mà tôi không chống đối gì được... Đó là nỗi kinh ngạc, bàng hoàng của cuộc gặp gỡ. Tôi nhận ra là chúng đang chờ tôi. Đó là cảm nghiệm tôn giáo, là cú sốc khi thấy mình đang ở với người đang chờ mình. Từ giây phút đó, với tôi, Chúa là người tìm tôi trước.1
Lễ Dia de la primavera, “Ngày đầu xuân” là ngày lễ quan trọng và phổ biến được tổ chức vào ngày 21 tháng 9 ở Argentina. Buổi chiều năm 1953 đó, Jorge Mario Bergoglio ăn mặc lịch sự hơn thường lệ. Anh sửa soạn đi gặp cô bạn gái. Nhưng trên đường đi, hẳn có một chuyện gì đó đã xảy đến cho anh. Anh cảm thấy bồn chồn, anh ngừng chân trước nhà thờ San Jose de Flores và quyết định vào đó xưng tội.
Cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa linh mục và chàng trai trẻ đã đưa đến một thay đổi triệt để trong cuộc đời của chàng trai. Quyết định trở thành linh mục không phải là một quyết định đễ dàng. Nó có nghĩa từ bỏ trọn đời và từ bỏ luôn giấc mơ xây dựng gia đình. Jorge Mario Bergoglio chỉ mới mười sáu tuổi, và đang có bạn gái. Với một tương lai hứa hẹn trước mắt, anh có thể trở thành một kitô hữu đáng kính mà không cần phải là linh mục. Nhưng vào buổi chiều mùa xuân sáng rạng đó, anh cảm nhận được điều mà anh mô tả một cách cao đẹp, đó là tiếng gọi thiêng liêng: “Thiên Chúa tìm bạn trước. Bạn đang tìm Ngài, nhưng Ngài tìm bạn trước. Bạn muốn tìm Ngài, nhưng Ngài đã thấy bạn rồi.”2
Bergoglio thường nhắc đến cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Trong quyển sách viết chung với giáo sĩ Abraham Skorka, ngài nhấn mạnh đến sự dấn thân tôn giáo, “Đúng ra thì, tất cả mọi chuyện xảy ra nhờ Thiên Chúa kêu gọi, mời đến và chạm đến bạn.”3
Sau một thời gian ngắn quyết định theo thiên chức linh mục, Jorge Mario Bergoglio chia tay bạn gái. Anh biết Thiên Chúa đang mời gọi anh sống đời sống mục vụ và đời sống anh đã thay đổi. Nhưng để chính chắn, anh muốn có một thời gian suy nghĩ trước khi vào chủng viện.
Khi thưa với cha mẹ về dự định mới này, anh ngạc nhiên thấy cha ủng hộ không điều kiện, còn mẹ thì không đồng ý. Bà muốn người con cả học hành đổ đạt xong, lòng bà day dứt vì cảm thấy mình sẽ mãi mãi mất con. Bà của anh tỏ ra thông hiểu hơn. Ngài nhớ lại lời của bà mình: “Được, nếu Chúa gọi con, con hãy lên đường, bà chúc lành cho con… Và con đừng bao giờ quên, cánh cửa nhà này luôn mở rộng và không một ai phiền gì nếu con quyết định quay trở về.”4
Bà của Jorge Mario là mẫu mực của khôn ngoan. Lời khuyên của bà đã giúp ngài nhạy bén trong việc nâng đỡ và hướng dẫn những ai muốn nhờ ngài giúp họ nhận định trong những quyết định quan trọng của đời mình.
Trước khi vào chủng viện, Bergoglio đã học xong và đã được huấn luyện trong phòng thí nghiệm. Anh không hé môi cho những người chung quanh biết về dự định dấn thân cũng như các suy nghĩ của mình. Dần dần anh bắt đầu rút lui, anh muốn sống cô tịch, muốn định hướng để củng cố cho kế hoạch của mình.
Bốn năm trước khi vào chủng viện là bốn năm anh suy nghĩ rất nhiều. Trong thời gian này, anh định hình lập trường chính trị và nghiên cứu một vài vấn đề văn hóa anh yêu thích. Cuối cùng rồi cũng đến lúc thực hiện bước tiếp theo, Jorge Mario đã cảm nghiệm được cuộc sống bên ngoài và bên trong Giáo hội khác nhau như thế nào. Dù không có bằng chứng nào chứng minh, nhưng có người cho rằng thời gian này là thời gian ngài dò tìm đường lối chính trị và hoạt động tích cực trong các phong trào thanh niên ủng hộ chủ nghĩa Peron, một kiểu phong trào như các phong trào thanh niên phát xít ở Ý.
Quyết định
Năm hai mươi mốt tuổi, Bergoglio vào chủng viện Dòng Tên. Lúc đầu, anh vào chủng viện của tổng giáo phận Buenos Aires nhưng sau đó anh vào Dòng Tên.
Phần thứ hai của quyển sách này sẽ nói kỹ về Dòng Tên, nhưng cũng nên nhắc ở đây, Dòng Tên có một uy thế và danh tiếng lạ lùng ở Châu Mỹ La tinh. Các môn đệ của thánh Inhaxiô Loyola là những đạo quân phục vụ giáo hoàng để ngăn Cuộc Kháng cách ở Âu châu, là lực lượng phúc âm hóa to lớn xuyên suốt vùng Á châu và Mỹ châu. Nhóm nhỏ các linh mục đó, những người đã dùng việc linh thao nổi tiếng của mình để tìm kiếm sự gặp gỡ Thiên Chúa qua cảm nghiệm thiêng liêng của từng người, đã trở nên thành phần ưu tú về văn hóa và là đạo quân tiên phong của giáo hoàng. Họ tuyệt đối vâng phục giáo hoàng.
Kỷ luật của dòng Tên là điều đã thu hút Jorge Mario Bergoglio mạnh nhất:
Thành thật mà nói, tôi chẳng biết đi theo hướng nào. Những gì tôi thấy được rõ ràng, là tôi có ơn gọi. Cuối cùng... tôi vào Dòng Tên, họ là một lực lượng làm thăng tiến giáo hội, nói theo kiểu quân đội, họ lớn lên trong vâng phục và kỷ luật, và điều này đã thu hút tôi.
Vì thế, trọng tâm hoạt động của họ là truyền giáo. Có thời gian tôi muốn đi truyền giáo ở Nhật Bản, nơi Dòng Tên đang thực hiện một công trình rất quan trọng trong một thời gian dài. Nhưng vì vấn đề sức khỏe khó khăn của tôi khi còn trẻ, nên tôi không được đến đó.
Sẽ khá ít người vuột khỏi lời giảng của tôi, nếu tôi được gởi đến đó, chẳng biết có được vậy không?5
Những năm đầu ở chủng viện thật khó cho anh thanh niên Jorge Mario. Năm học đầu tiên, mẹ anh không đi ghi danh với anh. Về sau bà mới dần dần quen với ơn gọi của con, nhưng bà vẫn giữ một khoảng cách nào đó. Khi Bergoglio thụ phong linh mục, bà dự lễ phong chức, đến cuối lễ, bà quỳ gối xin con chúc lành cho mình.
Jorge Mario kể với nhà báo Sergio Rubin, trong suốt thời gian đó, tiếng gọi của Chúa là một tiếng gọi không cưỡng được:
Ơn gọi là tiếng Thiên Chúa gọi một tâm hồn đang đợi chờ chính điều đó, dù có ý thức hay không. Khi đọc sách Phụng vụ giờ kinh, tôi luôn được đánh động khi đọc đoạn nói Chúa Giêsu nhìn Matthêu với vẻ mặt, có thể nói như Người đang biểu lộ một điều gì đó như lòng “thương xót” và chọn lấy. Đó chính xác là cách tôi cảm thấy Chúa nhìn tôi trong lần xưng tội hôm đó. Và Ngài cũng đòi tôi phải nhìn người khác như thế, với lòng thương cảm bao la như thể tôi chọn họ cho Ngài, không trừ một ai, vì tất cả đều được chọn để yêu mến Chúa. “Thương xót và chọn lấy” là câu chủ đạo tôi chọn khi được thụ phong giám mục và là trọng tâm cảm nghiệm tôn giáo của tôi.6
Một trong những quan điểm của Giáo hoàng Phanxicô về ơn gọi, hay lời kêu gọi của Thiên Chúa, đến từ lời của tiên tri Giêrêmia và cách nhìn của ông với cây hạnh đào, cây trổ hoa đầu tiên vào mùa xuân (Gr 1: 11). Một quan điểm nữa là câu của thánh Gioan tông đồ: “Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, cốt lõi tình yêu là đây, Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước.”7
Để tìm Chúa, chúng ta phải dừng lại và lắng nghe. Không có cách nào khác. Có được nhận thức này về Thiên Chúa, chàng trai trẻ Bergoglio như tìm được nơi nương ẩn. Với anh, cầu nguyện khác xa với việc đơn giản là xin Chúa ban cho chuyện này chuyện kia. Trên tất cả, cầu nguyện là một dạng quy phục. Khi chúng ta nhận mình bất lực, Thiên Chúa hành động trên cuộc đời chúng ta.
Giáo dục
Jorge Mario Bergoglio luôn luôn cảm kích sâu sắc mình được có học. Nền tảng giáo dục của ngài phong phú và đa dạng, ngài là con người vừa khoa học vừa văn học. Ngài là sinh viên nghiêm túc, là giáo sư nghiêm khắc.
Thời gian đầu sứ vụ, Bergoglio đã đối diện với một bài học khó khăn, có lẽ là khó khăn nhất trong đời: sự đau đớn. Trong một thời gian dài, ngài bị bệnh hành hạ với những cơn sốt cao, ngài níu mẹ, lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra cho mình. Vì bác sĩ chưa chẩn đoán được bệnh nên mẹ cũng không trả lời được cho con câu hỏi đầy lo sợ này.
Đối diện với cái đau, đã nhiều lần chúng ta hỏi, tại sao? Tại sao tôi phải bị đau? Tại sao tôi phải chết? Tại sao những người thân yêu của tôi phải chết và chết một cách đau đớn? Con người muốn khám phá cho được nguyên do đau khổ của mình. Khi hỏi những câu hỏi tại sao, người ta ít hướng về Chúa mà hướng về phản ứng của mình trước nỗi đau.
Jorge Mario đã phải chịu đựng cơn đau khủng khiếp, một cơn đau không thể chịu nổi. Đang là một thanh niên hai mươi mốt tuổi, cảm nhận có tiếng Chúa gọi trong cuộc đời mình. Nhưng cũng Thiên Chúa đó lại đặt mình đau đớn nằm trên giường bệnh. Những người đến bệnh viện thăm đều lặp đi lặp lại rằng, rồi cơn đau sẽ hết, rồi mọi chuyện sẽ khá hơn, lời nói của họ chỉ an ủi được chút ít thôi. Nhưng có một nữ tu quen biết ngài từ khi còn nhỏ đến thăm, bà đã nói một câu làm cho tâm hồn và thể xác của Jorge Mario bình yên. “Bà đã nói một lời thật sự đã đánh động tôi và mang bình an đến cho tôi. Bà nói, tôi đang theo gương Chúa Giêsu.”8
Jorge Mario đã học được bài học quan trọng nhất trong cuộc đời: cơn đau và chịu đựng cơn đau đưa chúng ta đến gần Chúa hơn. Qua Chúa Giêsu Kitô nhập thể, Thiên Chúa đã nhận lấy đau khổ. Làm sao một giáo hoàng tương lại xin cho mình một cuộc đời không đau khổ? Suốt đời sức khỏe của ngài bị hạn chế, nó làm tan giấc mơ đi truyền giáo ở Nhật Bản, nhưng nó cũng đưa ra cho ngài một con đường mà nếu không có bệnh tậy này, ngài sẽ không bao giờ dấn thân vào. Ngài nói lên điều này như sau:
Đau đớn, tự nó không phải là một nhân đức, nhưng cách chúng ta đối diện với nó có thể là nhân đức. Chúng ta được mời đến để có được viên mãn và niềm vui, trên con đường đó, nỗi đau là biên giới, là yếu tố giới hạn. Vì thế, chúng ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa đau đớn qua nỗi đau của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.9
Lời của ngài không có chỗ đứng ở thời buổi này. Chúng ta sống trong một xã hội chuộng thú vui, thú vui gần như là mục đích duy nhất của nhân loại. Con người tự chích thuốc mê cho mình trước nỗi đau của cơ thể cũng như của tình cảm. Nhưng khi chúng ta mất khả năng cảm nhận đau và chịu đau, chúng ta không còn thật sự là con người nữa. Có lẽ dù đây là một trong những điều ít được nói ra nhất, nhưng là một trong những giáo lý lớn nhất của Kitô giáo.
Một bài học lớn khác mà ngài đã học được qua kinh nghiệm này, đó là đừng nhận chìm mình trong nỗi đau. Khi nhìn những gì Chúa Kitô chịu đựng trên thập giá, các kitô hữu phải thấy được sự phục sinh sau nỗi đau. Ngài đã diễn tả, “Đó là lý do vì sao tôi nghĩ vấn đề then chốt là nhìn nhận thập giá như hạt giống phục sinh. Tất cả mọi nỗ lực chịu đựng nỗi đau chỉ đem lại kết quả cục bộ trừ phi nó đặt nền tảng trên sự siêu việt.”10Cơ sở thần học dạy ngài cách xây dựng và sắp xếp kinh nghiệm này, nhưng không cho ngài kinh nghiệm này được.
Lúc đầu, ngài học ở chủng viện Dòng Tên tại Santiago, Chile, một nhà tĩnh tâm cũ của thánh Alberto Hurtado. Đây là nơi đặc biệt của các tu sĩ dòng Tên. Thánh Alberto Hurtado là tu sĩ dòng Tên người Chile, sáng lập “Nhà Chúa Kitô” (Hogarde Cristo). Không chỉ là một tu sĩ dòng Tên lừng danh, ngài còn dành trọn cuộc đời để cải thiện đời sống cho các công nhân Chile. Vị linh hướng của ngài, Fernando Vives, cũng là tu sĩ dòng Tên, đã dạy ngài biết tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội.
Thánh Alberto Hurtado đã học luật tại Đại học Công giáo Giáo hoàng Chile và về sau tham gia chính trị, theo Đảng Bảo thủ. Dành phần lớn cuộc đời cho thanh niên, cuối cùng ngài lập hội Liên hiệp Hành động Kinh tế Chile, (Action Sindical y Economica Chilena), bị một số người cáo buộc là theo chủ nghĩa cộng sản. Chính quyền Chile tưởng nhớ ngày mất của ngài, dùng ngày này là Ngày Đoàn Kết, và năm 1994 giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho ngài.
Học trong một học viện được thánh Alberto Hurtado sáng lập và truyền cảm hứng, rõ ràng đã có tác động lên trọng tâm dành cho người nghèo và công bằng xã hội của Jorge Mario Bergoglio. Trong chủng viện Santiago, Chile, vị giáo hoàng tương lai được đào tạo theo nền giáo dục kinh điển, học tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp, lịch sử và văn học. Sau khi học xong ở chủng viện, ngài được thụ phong linh mục, sau đó ngài đến Tây Ban Nha để tiếp tục theo học tại Alcala de Henares. Ngài học thần học từ năm 1967 đến 1970.
Trong nhiều năm, ngài vừa học vừa giảng dạy. Từ năm 1964 đến 1965, ngài dạy văn học và triết học tại Trường Đức Vô Nhiễm Nguyên tội tại Santa Fe (Colegio de la Inmaculada de Santa Fe), và năm 1966, ngài dạy các môn này tại trường Chúa Cứu Thế Buenos Aires (Colegio del Salvador de Buenos Aires). Jorge Milia, một trong những học sinh của ngài kể về cách mà một Bergoglio nghiêm khắc làm nhà giáo dục như thế nào. Khi có ai không làm bài tập ở nhà, thầy dòng Tên trẻ Bergoglio gọi người đó lên đứng lớp dạy bài đó:
Thầy giáo trẻ nói với người đó: “Con sẽ dạy bài học này,” và một bạn cùng lớp nói nhẹ xen vào: “Và đám bạn sẽ xé xác con ra.” Anh sinh viên đã dạy bài đó thật tuyệt vời, nhưng ai cũng sợ thầy Bergoglio, một giáo sư nghiêm túc sẽ không nguôi giận. Cuối cùng, Bergoglio bảo anh: “Con xứng đáng điểm mười, nhưng thầy cho con điểm chín, không phải để phạt con nhưng để nhắc con nhớ, điều quan trọng là phải làm tròn bổn phận mỗi ngày, làm công việc của mình một cách có hệ thống nhưng không được để thành một thói quen nhàm chán, con phải xây từng viên đá một, đừng xây một cách tùy hứng, vốn là chuyện rất dễ cám dỗ con làm thế.”11
Quan điểm giáo dục về làm việc nghiêm túc đã định hình vị tân giáo hoàng. Kết quả cuối cùng ít quan trọng hơn tiến trình dẫn đến kết quả đó. Nếu chúng ta không tạo được các thói quen tốt, chúng ta sẽ ít đạt được thành quả trong cuộc đời.
Bergoglio có nói về một doanh nhân Argentina giàu có và nổi tiếng mà ngài tình cờ gặp trên một chuyến bay. Khi máy bay đáp xuống, hành lý ra trễ, ông doanh nhân lập tức nổi giận, quát tháo kiểu, không biết tôi là ai à, không thể đối xử với tôi như vậy…vv Bergoglio nghĩ rằng người này đã đạt được những điều to lớn trong đời nhưng lại không thể tự chủ, như thế là đã đánh mất uy tín đạo đức với người khác.12 Chắc chắn, tân giáo hoàng sẽ biết tự chủ, kiên nhẫn để đạt những gì mình cần mà không bỏ qua các thủ tục và quy tắc.
Cách đào tạo một tu sĩ dòng Tên
Nền tảng dòng Tên đã có ảnh hưởng lớn trên nhân cách của ngài. Trong quyển sách đồng tác giả với người bạn là giáo sĩ Skorka, ngài xác định bốn cột trụ đào tạo chủng sinh Công giáo, đặc biệt các tu sĩ dòng Tên. Với những lời đơn giản, ngài giải thích cột trụ thứ nhất:
Cột trụ thứ nhất là đời sống thiêng liêng, nơi ứng sinh đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua thế giới nội tâm của mình. Vì thế, năm đào tạo đầu tiên nhằm hiểu và thực hành đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng. Những năm tiếp theo thì nhẹ hơn.13
Đời sống thiêng liêng là tâm điểm định hướng cuộc đời của một linh mục. Bergoglio, con người của cầu nguyện, hiểu rất rõ điều này, và với cột trụ đầu tiên này, ngài tạo nên những thói quen, chứ không chỉ là nguyên tắc hay kiến thức thần học, từ đó sẽ giúp trọn đời sống mục vụ của linh mục.
Cột trụ thứ hai là đời sống cộng đoàn. Nhân loại là những thực thể mang tính xã hội, và Bergoglio tin rằng những ai dự định phục vụ giáo hội và xã hội, lòng cảm thông của họ phải được phát triển để họ có thể đặt mình vào vị trí của tha nhân, sống cùng và sống với tha nhân.
Chúng ta không được đào tạo trong đơn độc. Chúng ta phải được “nhào như bột” và lớn lên trong cộng đoàn để về sau có thể cưu mang và dẫn dắt cộng đoàn. Đây là lý do có các chủng viện. Cạnh tranh và ghen tị đều có trong mỗi cộng đoàn, nhưng nó giúp chúng ta mài giũa tâm hồn cũng như dạy chúng ta biết nhường nhịn nhau. Ngay cả trong các trận giao bóng giữa các chủng sinh cũng có tình trạng này.14
Linh mục và chủng sinh phải học để sống chung và phát triển các thói quen này trong cộng đoàn. Các linh mục cai quản giáo xứ phải biết cách giải quyết các xung khắc cũng như biết thương lượng với người khác. Từ những ngày đầu tiên, kitô giáo đã mang tính cộng đoàn: từ thời Công vụ Tông đồ cho đến thời cộng đoàn giáo dân ở các giáo xứ hiện đại hay ở các giáo hội Tin Lành, nơi mọi người quen biết nhau và giúp đỡ lẫn nhau.
Bergoglio không bao giờ lý tưởng hóa chủng viện hay chức linh mục. Vì các chủng sinh cũng là những người có đam mê và yếu đuối như mọi người khác, nên phải biết là họ sẽ có xung đột khi sống chung với nhau. Do đó, cột trụ thứ hai trong việc đào tạo của Dòng Tên là sống chung với nhau trong cộng đoàn như một thói quen cho vai trò thừa tác viên mục vụ của mình.
Cột trụ thứ ba mà Jorge Mario Bergoglio đưa ra là đời sống tri thức. Dù xã hội hiện đại có lẽ đánh giá điều này cao hơn các chuyện khác, nhưng ngài đặt nó vào vị trí thứ ba mà thôi. Trong sáu năm chủng sinh học môn thần học, học các chú giải về Thiên Chúa, về Ba Ngôi, về Chúa Giêsu, và các bí tích, học Kinh thánh và thần học luân lý. Hai năm đầu là học triết học, để có một nhận thức tốt hơn về thần học trong những năm đào tạo còn lại.
Cột trụ thứ tư là đời sống tông đồ. Để học làm mục tử, cuối tuần các chủng sinh đến giáo xứ để giúp đỡ các linh mục và học hỏi ở các vị. Suốt năm đào tạo cuối cùng, họ sẽ sống luôn tại giáo xứ. Qua những năm thử thách này, các giám sát viên sẽ quan sát tính tốt cũng như khiếm khuyết của những ứng sinh mong ước làm linh mục này.
Bốn cột trụ trên là để nhào nặn nên linh mục, và cũng có thể hiểu, đây là mẫu mực cho tất cả kitô hữu. Đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, đào tạo tri thức, và mục vụ là nền tảng cho đời sống đức tin.
Dù không nhất thiết phải có bằng đại học để làm linh mục, nhưng hiếm thấy tu sĩ dòng Tên nào lại không có bằng đại học. Vì dấn thân để đi rao giảng, nên các tu sĩ dòng Tên có khuynh hướng dành nhiều thì giờ cho giáo dục. Hơn nữa, các tu sĩ dòng Tên luôn là thành phần ưu tú trong giáo hội Công giáo, đặc biệt là trong lĩnh vực biện giáo.
Giáo hoàng Phanxicô có một nền tảng giáo dục vừa rộng vừa hoàn bị, với những nghiên cứu về hóa học, thời gian trong chủng viện, theo học khoa học nhân văn ở Chile, và bằng cao học về khoa học nhân văn ở Trường Huynh đệ ở San José (Colegio Mayor de San José). Ngài cũng có bằng thần học và đã dạy nhiều môn học khác nhau trong nhiều năm. Bergoglio cũng đã hoàn tất luận văn tiến sĩ tại Đức.
Từ năm 1980 đến 1986, ngài là hiệu trưởng trường Maximo, và Trường Triết-Thần học ở Casa San Miguel (Facultad de Filosofia y Teologia). Nền tảng vững chắc và những công tác trong giáo dục của ngài về sau hỗ trợ cho công việc của ngài ở nhiều vị trí khác nhau trong Giáo hội Công giáo Argentina.
Các chú thích:
1. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010.
2. Như trên.
3. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).
4. Tôi tin tưởng ở con người.
5. Như trên.
6. Như trên.
7. Như trên. Đức giáo hoàng Bergoglio muốn nói đến đoạn thư Thánh Gioan 1Ga: 4: 10: Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta.”
8. Tôi tin tưởng ở con người.
9. Như trên.
10. Như trên.
11. Như trên.
12. Như trên.
13. Bergoglio và Skorka.
14. Như trên.