Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN III

NĂM THÁCH ĐỐ

Chương 13

Vị giáo hoàng khiêm nhượng, bạn của người nghèo

Một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa phải đến từ bên trong. Tôi phải đặt mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và để Lời Ngài giúp đỡ, tiếp tục dấn bước đến bất cứ nơi nào Ngài muốn.1

Trong Kitô giáo, cầu nguyện là điều cần thiết để tín hữu phát triển và lớn lên. Cầu thay nguyện giúp và cầu nguyện là một phần động lực của giáo hội toàn thể, nhưng cũng là đời sống giữ đạo sốt sắng của từng cá nhân. Quan điểm của Giáo hoàng Phanxicô về cầu nguyện đã được thể hiện rõ: một trong những lời cầu nguyện chung đầu tiên với tư cách giáo hoàng, trong bài đăng đầu tiên trên Twitter, và trong bài nói chuyện với các tín hữu tề tựu ở Buenos Aires, ngài đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho ngài.

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenTân giáo hoàng dường như hiểu rõ tầm quan trọng của việc cầu nguyện và suy niệm liên lỉ, đây không phải là một kỹ thuật mang tính cách hỗ trợ tâm lý nhưng là khí cụ cho đời sống thực tế hàng ngày. Đó là lý do vì sao ngài tin rằng cầu nguyện là một trong những cột trụ của đời linh mục.2 Có lẽ lời bình luận đẹp nhất của ngài về cầu nguyện là khi ngài định nghĩa cầu nguyện là một hành động tự do.3 Giáo hoàng Phanxicô không tin có một cố gắng để chi phối việc cầu nguyện. Cầu nguyện luôn luôn phải là một hành động tự nguyện,  không thể bị bất kỳ ai hay điều gì quy định. Cầu nguyện không phải là cách để chi phối Thiên Chúa hay ý muốn của Ngài, vì tiên quyết, Thiên Chúa là một hiện hữu tự do với ý muốn riêng của Ngài. Vậy, cầu nguyện làm được gì?

Với giáo hoàng, căn bản cầu nguyện là hành động giao tiếp, đơn giản là nói và lắng nghe.4 Theo ngài, cầu nguyện là sự pha trộn giữa, thinh lặng tôn thờ khi chờ đợi Thiên Chúa ngỏ lời, và thương lượng mặc cả kiểu Abraham cố gắng thuyết phục Thiên Chúa. Moses cũng mặc cả với Thiên Chúa, ông xin điều này điều kia. Cầu nguyện không bao giờ kết thúc trong ý muốn của một người hoặc ý muốn của Thiên Chúa mà thôi, đúng hơn, cả hai dường như sẽ tìm thấy nhau ở một nơi nào đó và cùng đi với nhau. Với giáo hoàng Phanxicô, cầu nguyện là pha trộn giữa can đảm, khiêm nhượng, và thờ phượng.Khi lời cầu nguyện bị biến thành một hành động nghi lễ đơn thuần hay thậm chí là một sự kiện xã hội, thì chúng ta vướng vào nguy cơ có thể đánh mất sức mạnh và hy vọng của cầu nguyện. Vì thế, giáo hoàng tin rằng cầu nguyện phải là trọng tâm của mọi chuyện.

Đáng chú ý là, giáo hoàng Phanxicô quả quyết mãnh lực tiền bạc sẽ biến mất khi cầu nguyện, vì điều quan trọng nhất là bỏ mình, như bà góa dâng cúng trong đền thờ, bà cho đi những gì bà không có.6

Giáo hoàng đã viết về lần đầu khi các người Tin Lành mời ngài đến dự một buổi họp lớn của họ. Đến một lúc, họ hỏi ngài có muốn họ cầu nguyện cho ngài hay không. Một vài người không hiểu vì sao ngài chấp thuận để cho người của một giáo hội khác cầu nguyện cho mình:

Lần đầu tiên tôi được những người Phái Phúc âm mời đến dự một trong những buổi gặp gỡ của họ ở Luna Park, lúc đó sân vận động chật kín người. Ngày hôm đó một linh mục Công giáo và một mục sư phái Phúc âm lên diễn thuyết. ... Đến một lúc, vị mục sư phái Phúc âm xin mọi người cầu nguyện cho tôi và cho linh mục đoàn của tôi... Khi họ cầu nguyện, điều đầu tiên tôi nghĩ là mình phải quỳ gối, một thói quen Công giáo, để nhận lấy lời cầu nguyện và chúc lành của bảy ngàn người đang ở đó. Tuần sau, một tạp chí chạy dòng tít, “Buenos Aires, Trống Tòa. Tổng giám mục mắc tội bội giáo.” Với họ, cầu nguyện cùng với người khác là bội giáo. Thậm chí với một người theo thuyết bất khả tri, từ quan điểm ngờ vực của họ, chúng ta cũng có thể cùng nhau nhìn lên và tìm kiếm sự siêu việt. Mỗi người cầu nguyện theo truyền thống của mình. Có gì là sai?7

Giáo hoàng Phanxicô tin rằng cầu nguyện là điều mang lại hiệp nhất chứ không chia rẽ mọi người. Tân giáo hoàng muốn được mọi người chúc lành, cho dù họ có là người Công giáo hay không.

Cầu nguyện, đó là hành vi khiêm nhượng, là điều mà Giáo hoàng Phanxicô tin tưởng, sẽ là thành lũy duy nhất chống lại thói đạo đức giả, vì trước mặt Chúa, không một ai có thể nói dối hay giả vờ. Những gì làm công khai sẽ được thưởng riêng.8 Lòng khiêm nhượng là con đường duy nhất sẽ không bao giờ làm cho bạn đánh mất mình hoặc xa cách Thiên Chúa. Trong Kinh thánh, con người rõ ràng là bất toàn, nhưng khi khiêm nhượng cúi mình trước Thiên Chúa, Ngài rộng tay đón họ trở về. Khi nghĩ về cầu nguyện, cuối cùng, giáo hoàng nhìn ra thói đạo đức giả:

Đạo đức giả về tâm linh là một chuyện rất thường thấy nơi những người núp trong Giáo hội nhưng lại không sống đức công bình mà Thiên Chúa đã ban. Họ cũng chẳng có lòng hối lỗi ăn năn. Họ là những người sống nước đôi hai mặt.9

Các chú thích:

1. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010).

2. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

3. Như trên.

4. Như trên.

5. Như trên.

6. Như trên.

7. 17-03-2013, http://www.lanacion.com.ar/1564044-en-sus-palabras-ideas-que-iluminan -el-papado-de-francisco.

8. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

9. Như trên.