Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 8

Nguy cơ làm biến dạng thông điệp thiêng liêng

Trong chương trước, hồng y Jorge Bergoglio đã đưa ra một định nghĩa có tính cách xây dựng: “Chân thành mà nói, tôi nghĩ vai trò thiết yếu của Giáo Hội ngày hôm nay không phải là giảm số giới luật, nên hay không nên làm dễ dàng chuyện này chuyện kia, nhưng vai trò thiết yếu của Giáo Hội là phải đi ra khỏi tháp ngà, đến với giáo dân, biết từng người giáo dân một.” Chắc chắn điều này sẽ đưa đến một quyết tâm ngày càng có mặt trong xã hội và nơi các giáo hữu trung thành: Giáo Hội công giáo phải thay đổi một loạt khái niệm và tiêu chuẩn để “đi kịp với thời đại” và tránh, giả như, mất mát tín hữu. Các đề nghị này nhắm đến một vài vấn đề thuộc thứ trật tính dục như: quan hệ tiền hôn nhân, phương tiện ngừa thai, ngừa sida, rước lễ cho những người ly dị khi họ lập gia đình lại. Chúng tôi nghĩ những vấn đề này cần triển khai.

- Có một khe hở nào quá quan trọng giữa một vài quy định của Giáo Hội và cách mà người công giáo sống ngày nay không?

- Để trả lời câu hỏi này, tôi phải đi lui lại đàng sau. Luân lý là một phần thuộc bản tính con người và luân lý có trước tôn giáo. Tất cả mọi người, dù là tín hữu, người theo thuyết bất khả tri hay vô thần đều không thể tránh vấn đề luân lý, một vấn đề đi từ những nguyên tắc tổng quát nhất – nguyên tắc đầu tiên là “làm điều lành, tránh điều dữ” -, đến những nguyên tắc đặc biệt nhất. Trong chừng mực mà con người thấy ra và thực hành các nguyên tắc này thì khe hở được giảm bớt. Tôi muốn nói đây là khe hở của tăng trưởng. Cũng có một khe hở theo hợp đồng, loại “mọi cái đều ngang nhau, rồi thì tất cả những gì ở trần thế này đều vào chung một lò”, giống như lời bài hát của điệu tango Cambalache. Điều này ở đâu cũng có, nơi người theo thuyết bất khả tri, vô thần hay tín hũu. Có thể nói đó là vấn đề của cuộc sống hai mặt. Hai luân lý.

- Ví dụ?

- Tôi tuyên bố tôi là người công giáo nhưng tôi không trả thuế. Hoặc tôi lừa chồng, lừa vơ, hoặc không quan tâm đến con cái cho đủ. Hoặc để cha mẹ vào nhà già như khi mùa hè đến, bỏ vài viên long não vào áo lạnh đem cất và không bao giờ thăm viếng họ. Hoặc tôi lừa dối người khác, cân gian, đong thiếu. Cuối cùng tôi quen với thói gian lận: tôi gian lận không những với chung quanh, với gia đình mà cả với chính tôi. Chung chung, khi nói đến cuộc sống hai mặt, người ta nghĩ đến người đàn ông có hai vợ hoặc cha xứ có vợ. Nhưng hai mặt là tất cả những gì có tính gian lận, phạm nguyên tắc luân lý đã ghi khắc trong tâm khảm con người. Dứt khoát, thử thách luân lý cũng như thử thách tôn giáo trước hết là sự gắn bó chặt chẽ giữa các nguyên tắc và hạnh kiểm.

- Trên một vài vấn đề, còn có một sự chấp nhận mạnh mẽ từ xã hội…

- Tôi muốn nói đến một sự giảm giá trị các nguyên tắc luân lý để chứng minh cho việc mình không áp dụng nó. Chẳng hạn, tôi trở lại vấn đề gây tranh cãi, khi tôi tham dự một cuộc thảo luận, tôi thường hỏi người tham dự có trả thuế không – vì đó là câu hỏi mà chúng tôi phải đặt ra – rất nhiều người trả lời không. Một trong những lý luận của họ là tiền này bị Nhà Nước lấy. “Tôi giữ và chính tay tôi sẽ cho người nghèo, tôi không muốn tiền này vào ngân hàng Thụy Sĩ”, họ trả lời như vậy. Họ yên lòng, ít tốn công tốn của. Bây giờ, rất hiếm người hy vọng khi xong việc với một một tấm lòng tự nhiên. Họ có thói quen nói: “Chuyện này kết thúc tốt” hoặc “Chuyện này không làm được nữa.” Tất cả những thành ngữ này là những lối thoát trước sự thiếu nguyên tắc luân lý xây dựng trên cách ứng xử xấu với người khác hay với chính mình.

- Tuy nhiên, các khái niệm và các ứng xử thay đổi với thời gian và không phải lúc nào cũng tiêu cực…

- Chung chung văn hóa tiến bộ trong chừng mực đạo đức lương tâm chiếm ưu thế. Đạo đức, chính nó không thay đổi. Tất cả chúng ta đều mang đạo đức trong người. Ứng xử theo đạo đức là thuộc tính con người của chúng ta. Bằng chứng là chúng ta ngày càng ý thức hơn về các vấn đề lương tâm. Chẳng hạn, ngày nay con người có ý thức mạnh hơn về sự vô luân của án tử hình. Ngày xưa, người ta cho rằng Giáo Hội công giáo ủng hộ án tử hình hoặc ít nhất Giáo Hội không lên án. Bản giáo lý mới nhất đòi hỏi dứt khoát phải hủy án tử hình. Nói cách khác, chúng ta ý thức đời sống là một tài sản thiêng liêng, không một tội ác nào, dù khủng khiếp đến đâu lại có thể biện minh cho án tử hình. Chúng ta cũng có thể nói như vậy với nạn nô lệ, dù vậy cũng không tránh khỏi nô lệ dưới các hình thức khác.

- Có nghĩa là?

- Ngày nay có những hình thức nô lệ ẩn giấu cũng hung ác không kém gì ngày xưa. Bây giờ không còn ai có ý nghĩ sẽ buôn nô lệ bằng đường máy bay mà không bị tù. Nhưng chúng ta biết có những người Bolivie đến Á Căn Đình làm việc trong những điều kiện khai thác phi nhân, ở các cơ xưởng phía Nam hay trong các cơ xưởng lén lút, rồi rốt cuộc, họ cũng đến ở trong các thành phố ổ chuột hay ở Buenos Aires. Hay có những cô người Dominicain bị đem qua đây làm điếm. Đó là những hình thức nô lệ mới. Nhưng tôi nhấn mạnh, văn hóa tiến triển thì đạo đức lương tâm tiến triển, con người cũng vậy, trong chừng mực có thể hy vọng một cuộc sống thẳng thắn hơn, lương tâm hơn và đó là một sự kiện không những có tính cách thiêng liêng mà còn có tính cách nhân bản.

- Giáo Hội có nhấn mạnh quá trong một vài cách ứng xử của con người, chẳng hạn đạo đức trong tính dục không?

- Giáo Hội rao giảng những gì mà Giáo Hội xem là làm cho con người được tốt hơn, mạnh hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng độ đi xuống thì lại khá thường xuyên. Tôi xin giải thích, điều quan trọng trong một bài giảng là lời Chúa Giêsu Kitô, danh từ thần học gọi là kerygma. Chữ này có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, xuống thế làm người, chịu nạn, chịu chết, chôn trong mồ và sống lại để cứu chúng ta. Đó là kerygma, tin mừng của Chúa Kitô gây ngạc nhiên, đưa đến sự chiêm niệm và lòng tin. Một vài người tin ngay lập tức như bà Mađalêna. Có người tin sau khi nghi ngờ. Và có người phải đặt ngón tay vào vết thương như thánh Tôma mới tin. Mỗi người theo cách của mình. Đức tin là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.

-  Cha muốn nói có người quan tâm đến các vấn đề tính dục hơn là trọng tâm sứ điệp thiêng liêng?

- Tôi sẽ nói. Sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô là suy tư, là học đạo. Suy tư về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, về Giáo Hội, nơi rút ra các nguyên tắc, cách đối xử theo đạo đức thiêng liêng mà lối hạnh kiểm này cũng không đi ngược với lối hạnh kiểm nhân bản, nhưng nó còn làm phong phú thêm. Tôi nhận thấy nơi một vài nữ tín hữu ưu tú một sự suy thoái về mặt thiêng liêng vì họ không sống với đức tin của họ.

- Trên nền tảng nào cha có nhận xét đó?

- Trên sự kiện là họ trực tiếp đi từ đạo, nhấn mạnh về mặt luân lý mà không lưu ý đến kerygma. Chỉ cần nghe một vài bài giảng, là phải hiểukerygma và một phần giáo lý, nhưng cuối cùng lại dừng ở luân lý mà không tìm hiểu thấu đáo giáo lý. Và trong vòng luân lý – trong bài giảng thì ít hơn-, người ta thích nói đến luân lý tính dục, những gì liên hệ đến tính dục, để biết, mình có làm được chuyện này chuyện kia không, làm chuyện này chuyện kia có tội hay không. Làm như vậy, chúng ta xếp qua một bên gia tài của Chúa Giêsu Kitô, gia tài của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta, gia tài của một cuộc sống kitô còn nhiều điều khác nữa, chứ không phải chỉ là các vấn đề tính dục. Chúng ta để qua một bên những điều phong phú, với huyền nhiệm đức tin, kinh tin kính và để kết thúc thì chúng ta bàn với nhau có nên hay không nên tổ chức một cuộc đi bộ chống dự án cho phép dùng thuốc ngừa thai.

- Loại chủ đề này có vẻ thu hút sự chú ý của tín hữu hơn là rao giảng Phúc Âm…

- Nhân dịp đặt tên cho một luật y tế trong lãnh vực sinh sản, ngừa thai, một vài nhàø trí thức ưu tú còn muốn vào các trường học để triệu tập học sinh làm một cuộc biểu tình chống dự án, vì các bà cho rằng, trước tiên hết, nó chống lại với tình yêu. Tình yêu trở nên một cái gì thuộc về cơ quan sinh dục, đến mức, trong một vài trường hợp, người ta biến nó thành chuyện buôn bán, đơn thuần là một sản phẩm tiêu thụ. Nhưng giáo phận Buenos Aires chống đối việc gạt trẻ con ra một bên, cho rằng trẻ con không can dự vào. Cá nhân tôi, tôi cho rằng trẻ con thì thiêng liêng hơn là cuộc tranh luận ở Nghị trường. Tôi cấm không được triệu tập các em dưới mười tám tuổi nhưng tôi cho phép những em đến tuổi đi bầu được tham dự. Dù sao, một vài tổ chức cũng đã đột nhập với những học sinh đến từ các trường ở thành phố Buenos Aires. Tại sao họ khăng khăng làm như vậy? Những em bé này đứng trước những cảnh các em chưa bao giờ thấy: những người đổi giống có thái độ hung hăng, các bà đòi nữ quyền hát những bài hát rất lố lăng. Ngoài ra, người lớn còn đem các trẻ vị thành niên đến để xem những cảnh ghê tởm.

- Chắc chắn họ muốn càng có đông người càng tốt.

- Nhưng đó không phải là lý do để tập họp các em nhỏ tuổi. Không được lèo lái các em còn nhỏ. Tôi kể cho các bạn nghe một giai thoại: một chủng sinh có trí tưởng tượng cực đoan được chịu chức linh mục. Một vài ngày sau, ông phải chủ lễ cho các nữ sinh Rước lễ lần đầu ở một trường của các nữ tu. Có gì đẹp hơn là nói về Chúa Giêsu cho các nữ sinh nghe! Nhưng không, trước ngày lễ, ông nhắc các em một vài điều kiện để được rước lễ lần đầu: nhịn đói một giờ, ở trong ân sủng Chúa và… không được dùng phương tiện ngừa thai! Tất cả các em nữ sinh này đều mặc áo trắng, và ông thấy không có gì tốt hơn là quăng vào mặt các em những lời răn đe về chuyện ngừa thai. Và đó là kiểu vặn vẹo đôi khi xảy ra. Và đó là điều tôi muốn nói khi nói đến sự giảm thiểu, một loại xuống cấp của nét đẹp kerygma trở thành đạo đức về tính dục.

- Một chủ đề khác cũng gây tranh luận, đó là Giáo Hội từ chối không cho những người đã ly dị được rước lễ trong ngày lễ tái hôn của họ. Cha nghĩ gì về những người ở trong tình trạng này, họ buồn vì không được rước Mình Thánh Chúa?

- Họ phải hội nhập vào giáo xứ và làm việc ở đó vì trong giáo xứ có những việc họ có thể làm. Họ phải tìm cách gia nhập vào cộng đoàn thiêng liêng, các tài liệu tông tòa và Giáo Huấn của Giáo Hội. Đức giáo hoàng cũng lưu ý trong trường hợp này, Giáo Hội phải giúp đỡ họ. Đúng là có một số người buồn vì không được rước lễ. Điều phải làm là phải giải thích rõ. Một số linh mục đã giải thích rất rõ về mặt thần học và các đương sự cũng hiểu rất rõ.

- Còn về việc đấu tranh chống phá thai?

- Tôi đưa vấn đề này vào trong đấu tranh cho sự sống, từ khi thụ thai cho đến khi chết, có nhân phẩm và tự nhiên. Bao gồm săn sóc bà mẹ lúc mang thai, các luật bảo vệ phụ nữ sau khi sinh, bảo hiểm chế độ ăn uống đầy đủ cho trẻ em, săn sóc theo dõi sức khỏe cho từng người trong suốt cuộc sống của họ, chăm sóc người già và không dùng đến phương cách trợ tử. Cũng không được “giết” người bằng cách để họ trong tình trạng suy dinh dưỡng, suy đồi giáo dục, đó là những cách làm cho cuộc sống nghèo đi.

- Nhiều người cho rằng chống phá thai là vấn đề của tôn giáo.

- Bạn nghĩ đi… Người đàn bà mang thai không mang trong bụng cái bàn chải đánh răng hay một khối u. khoa học cho chúng ta biết, ngay khi thụ thai, bào thai đã mang mã di truyền của nó. Thật kỳ diệu. Đó không phải là vấn đề tôn giáo nhưng rõ ràng là vấn đề đạo đức, được xây dựng trên những nghiên cứu khoa học; đứng trước mặt chúng ta là một con người.

- Nhưng trình độ của người đàn bà phá thai có ngang trình độ với người mổ phá thai không?

- Tôi sẽ không nói đến trình độ. Tôi cảm nhận, không phải tội nghiệp, nhưng trắc ẩn theo nghĩa Thánh Kinh – có nghĩa là trắc ẩn và đồng hành với người đàn bà phá thai mà tôi không biết vì áp lực nào họ phải hành động như vậy, còn những người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, họ làm vì tiền và lạnh lùng làm!

- Còn hơn thế nữa, ở các bệnh viện tư, người ta phá thai một cách lén lút, những người này xua đuổi các bà đi phá thai ngay lập tức, họ sợ bị tố cáo, cảnh sát sẽ đến làm khó dễ. Sau khi phá xong, họ để các bà về mà không theo dõi, không đến săn sóc tận nhà, nhiều khi các bà bị mất máu nhiều và đành xoay xở một mình. Sự nghiệt ngã này tương phản với các vấn đề lương tâm, sự hối hận dày vò của những người đàn bà phá thai kéo dài trong nhiều năm sau.

- Giáo Hội có khép cánh cửa tránh phá thai khi Giáo Hội chống việc ngừa thai, thậm chí ở một số nơi, còn hạn chế việc giáo dục tính dục.

- Giáo Hội không chống lại việc giáo dục tính dục. Cá nhân tôi, tôi nghĩ giáo dục phải đi theo tiến độ tăng trưởng của trẻ con, phải thích ứng với từng độ tuổi. Thật ra Giáo Hội luôn luôn có những khóa giáo dục tính dục dù đúng là không phải lúc nào cũng có ý thức tốt. Vấn đề là ngày hôm nay tất cả những người hô hào dạy tính dục lại xem tính dục như một chuyện tách riêng ra khỏi con người. Thay vì có một luật về giáo dục tính dục để làm tốt cho con người nhân danh tình yêu thì họ lại có một luật dành cho lạc thú của cơ quan sinh dục. Đó là sự phản kháng của chúng tôi. Chúng tôi không muốn con người bị xuống cấp.”