Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 10

Chờ cất cánh

Trong một xứ sở như xứ sở Á Căn Đình, người dân sống từ cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác, buộc chúng tôi phải suy nghĩ về những lý do vì sao chúng tôi không có khả năng khai thác tiềm năng có thể khai thác được với nguồn tài năng phong phú mà mọi người có thể hưởng. Chúng tôi muốn nói chuyện với hồng y về một bài báo của cựu thủ tướng Uruguay, ông Julia María Sanguinetti, theo đó ông nhấn mạnh: “Ai đó đã nói các quốc gia có thể phân chia thành bốn thể loại: thứ nhất, những nước phát triển; thứ nhì, những nước chậm phát triển; thứ ba, Nhật bản, với cách phát triển không giải thích được; và thứ tư là Á Căn Đình, mà đến bây giờ không ai có thể giải thích được sự chậm phát triển của nó.” Qua lời châm biếm này là một lời phê phán sắc bén đặt ra rất nhiều câu hỏi.

Câu nói trên gợi ra ba câu hỏi mà chúng tôi muốn đặt ra với hồng y Bergoglio:

- Một tài nguyên phong phú như vậy có thể lại là một khiếm khuyết không? Trong chừng mực nào, người Á Căn Đình đã sống kham khổ khi họ có tất cả, ngược với thực tế, người di dân không có gì? Xứ sở này có cần phải đi qua cơn khủng hoảng ở đầu thế kỷ này để ý thức nghịch lý khắt khe, một xứ có thể nuôi được 300 triệu dân lại để cho tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng?

- Trước hết, những câu hỏi đặt đúng lúc, vì tôi muốn nhấn mạnh hai chuyện. Theo một câu châm ngôn Ý, ở Á Căn Đình, khi bạn vứt một hạt giống ngoài đường, lập tức cây mọc lên. Hơn nữa, người Ý không thể tưởng tượng bò lại có thể thả ngoài chuồng đi ăn cỏ thoải mái. Vào thời gia đình tôi còn ở Bắc Ý, cha tôi làm chuồng bò sát nhà để hơi ấm của con vật dùng làm sưỏi. Con bò không đi ra khỏi chuồng, chúng tôi đem rơm và cỏ đến. Tôi không biết nguồn tài nguyên phong phú của chúng ta có làm cho cuộc sống của chúng ta dễ hơn không, nhưng tôi tin chắc một chuyện, chúng ta không khai thác hết tất cả những gì chúng ta có. Ngày phán xét trước mặt Chúa, chúng ta sẽ đếm những người đã bỏ bê nguồn tài nguyên thay vì làm cho nó sinh lợi. Không những trong lãnh vực nông nghiệp và chăn nuôi mà còn trong ngành khoáng vật. Á Căn Đình là một nước có rất nhiều khoáng mỏ. Đương nhiên, chúng ta cũng còn có núi. Rất vô lý, dù bờ biển trải dài, chúng ta cũng không có thói quen ăn cá, lại cũng không chế biến để xuất cảng. Ngắn gọn, chúng ta chưa biết sáng tạo ra những công việc dựa trên tài nguyên của mình. Thật không thể chấp nhận, địa bàn công việc của chúng ta tập trung ở vùng vên biên các thành phố lớn như Buenos Aires, Rosario… Thật không thể chấp nhận được.

- Nhưng, đó là…

- Chắc các bạn biết chuyện các đại sứ đi tìm Chúa để than phiền vì sao Chúa cho Á Căn Đình nhiều tài nguyên như vậy, trong khi các quốc gia khác thiếu, Chúa trả lời: “Chắc chắn, nhưng Ta cũng giao Á Căn Đình cho các ông đó.” Nói thế để chúng ta biết, chúng ta không ở tầm cao với những gì chúng ta có, bây giờ cũng chưa muộn để lật qua một trang khác.

- Nạn nghèo khó gia tăng thật đáng ngại. Đầu những năm 1960, nạn nghèo đói ở Á Căn Đình là 4%, cơn khủng hoảng năm 2011 là 50%. Bây giờ, có quá nhiều người đói…

- Nhân dịp lễ thánh Gaétan, thánh bổn mạng của bánh mì và công ăn việc làm, tôi xin nhắc lại lời bài hát của cha Julian Zini, cha nói, không chịu được cảnh chết đói trên miếng đất được chúc phúc; nước chúng ta được ban phúc, tôi lặp lại, Chúa đã cho chúng ta tất cả, thế mà để thiếu bánh mì và công ăn việc làm thì thật là một chuyện bất công. Một bất công khổng lồ và một vô trách nhiệm hiển nhiên trong việc phân phối nguồn của cải. Giáo Hội có nhắc, nhưng ngay lập tức Giáo Hội bị lên án là chống chính phủ. Ngoài trừ một vài giai đoạn ngắn ngưng nghỉ, còn thì từ nhiều năm nay, nạn nghèo đói luôn luôn gia tăng. Đó không phải là vấn đề kinh tế.

- Đó có phải là vấn đề chính trị kinh tế? Hay một cái gì khác phức tạp hơn?

- Nói cho cùng, đó là vấn đề của tội. Từ một vài năm nay, Á Căn Đình sống trong tình trạng tội lỗi vì không lo được cho người không có cơm ăn, không có công ăn việc làm. Chúng ta tất cả đều chịu trách nhiệm. Trong cương vị là giám mục, tôi cũng chịu trách nhiệm. Đó là công việc của tất cả người kitô. Đó là trách nhiệm của tất cả những ai phung phí tiền bạc mà không có ý thức về xã hội rõ ràng. Ở đây, tại thành phố Buenos Aires, khu vực Puerto Madero lịch sự, có 36 tiệm ăn, tôi không biết giá cả như thế nào, nhưng tôi biết chắc, một bữa ăn hơn 20$. Bên cạnh phía này là Villa Rodrigo Bueno và phía kia là Villa 31, khu vực Retiro nổi tiếng. Ở hai thành phố này, dân chết đói vì thiếu lương tâm xã hội. Dù đôi khi họa hiếm, chúng ta cho tiền để tránh ánh mắt nhìn của người nghèo và cũng là một cách chúng ta xóa tội.

- Cha nói quá nặng…

- Cũng như có lần tôi nói trên đài phát thanh khi có cuộc viếng thăm đền Thánh Gaétan, chúng ta có bổn phận chia sẻ thức ăn, áo quần, y tế, giáo dục cho người anh em mình. Một vài người vội vã phản đối: “Ông cha này là cộng sản!” Không đúng chút nào, những gì tôi nói là Lời Phúc Âm. Mặt khác phải cẩn thận, chúng ta sẽ bị phán xét về việc này. Ngày Chúa Giêsu đến, Chúa sẽ nói với một số người: “Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn; Ta khát, các con đã cho uống; Ta trần truồng, các con đã cho mặc; Ta đau yếu, các con đã săn sóc; Ta ngồi tù, các con đã đến thăm.” Và chúng ta hỏi Chúa: “Chúng con làm lúc nào, chúng con không nhớ.” Chúa trả lời: “Mỗi lần các con làm như thế với một người nghèo, là các con đã làm cho chính Ta.” Nhưng Chúa cũng nói với những người khác: “Các ngươi hãy đi xa khỏi Ta, vì khi Ta đói, các ngươi không cho Ta ăn.” Chúa cũng trách chúng ta vì chúng ta đổ lỗi cho nhà cầm quyền, mà chính ra, trách nhiệm này trong một chừng mực nào đó ở trong tầm tay chúng ta, là công việc của tất cả mọi người.

- Vấn đề là có một mảng rất lớn các thế hệ mới không có được một trình độ tối thiểu về mặt giáo dục hoặc không được đào tạo để yêu thích việc làm. Động lực xã hội đặc nét của Á Căn Đình qua câu nói nổi tiếng “con tôi là bác sĩ” thật đang bị đe dọa nặng.

- Có thể, nhưng chúng ta có thể hành động để đổi ngược khuynh hướng. Chẳng hạn lấy ví dụ cha Di Paola ở Villa 21 khu vực Barracas, Buenos Aires. Cha đề nghị một giái pháp xen kẽ cho những người trẻ nghiện ngập: một trường nghệ thuật và huấn nghệ, một trường lấy mẫu sau cơn khủng hoảng ở Âu châu, giống cơn khủng hoảng năm 2001, vì hai tình trạng giống nhau. Sau hai năm học, các em ra trường với chứng chỉ thợ chuyên nghiệp do quốc gia cấp. Có nghĩa là đã được đào tạo trong cố gắng. Để nhắc lại những gì tôi đã nói ở trên, khía cạnh tích cực của việc làm, điều làm cho chúng ta cảm thấy mình “thần thánh”, chúng ta giống như Chúa thì có thể tạo ra được. Đại loại giống như cảm nhận của một người cha, người mẹ ôm trong tay đứa con đầu lòng. Khả năng sáng tạo đã làm biến đổi cuộc đời của họ. Và đó cũng là cảm nhận của người trẻ vừa ra trường. Văn hóa của việc làm, kết hợp với nghỉ ngơi, là một vốn quý không thay thế được.

- Một cơn khủng hoảng nặng như cơn khủng hoảng hồi đầu thế kỷ làm cho chúng ta suy nghĩ chăng?

- Cho phép tôi trở lại với trường hợp nước Nhật mà bác sĩ Sanguinetti đưa ra. Chúng ta nhớ, sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt, nước Nhật rơi vào cảnh khốn cùng. Không những họ đau khổ vì bị bom nguyên tử tàn phá nhưng họ còn chịu một cú sốc văn hóa, bị tê cứng vì nghe thông điệp của Nhật hoàng, ông nói rằng ông không phải là Thiên Tử. Và người Nhật bắt tay vào xây dựng đất nước. Trên các hải cảng từng bị ném bom, trẻ con, thanh niên, người lớn nhảy xuống biển, tay cầm vít nhặt các mãnh tàu, mãnh máy bay, mãnh sắt để đem đi tái hồi ở nhà máy thép. Họ đi lại từ số không.

- Cha có nghĩ Á Căn Đình cũng có thể làm như vậy?

Tất cả những gì tôi có thể nói, là rất nhiều ví dụ trong Lịch sử chứng minh cho thấy, năng lực sáng tạo để tạo ra công ăn việc làm và đi tới đàng trước đã xảy ra trong những thời kỳ khủng hoảng cao độ, khi chẳng còn gì để làm. Có thể Á Căn Đình đi đến giai đoạn đó chăng…