Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 12

Tôi cũng thích điệu nhảy Tango

Trong những buổi gặp chúng tôi ở tòa giám mục, hồng y Bergoglio luôn luôn đúng giờ, ngoại trừ một hôm ngài để chúng tôi chờ. Chúng tôi nghĩ cha bận việc gì khẩn cấp nên không đến kịp.

Trong khi ngồi chờ ở phòng đợi, chúng tôi thấy cha đi qua, tay cầm bình thủy và một gói bánh, việc này làm chúng tôi tò mò, vì cha không có thói quen ăn buổi lỡ giữa hai lần tiếp khách. Vài phút sau chúng tôi thấy cha tiễn một cặp vợ chồng nghèo với hai đứa con. Sau này chúng tôi biết, gói bánh và bình thủy đựng nước chè là để mời gia đình này, họ ở Chaco và quen biết cha trong một buổi gặp gỡ tình cờ, trước khi về Chaco, họ đến đây chào cha. Dù cuộc viếng thăm bất ngờ, cha tiếp đón họ ân cần, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và thân thiết ôm họ.

- Cha xin lỗi vì đã để chúng con chờ, nhưng cuộc viếng thăm của gia đình này thật bất ngờ.

Cha xin lỗi chúng tôi khi đi về phòng họp. Cha sẽ không tưởng tượng vì chứng kiến sự tiếp đón ân cần của cha mà chúng tôi thay đổi các câu hỏi của chúng tôi hôm nay. Sự kiện này làm chúng tôi muốn hỏi cha những câu hỏi có tính cách riêng tư hơn. Hôm nay sẽ không có vấn đề tôn giáo, văn hóa, xã hội. Chúng tôi muốn biết một vài khía cạnh cuộc sống bình thường của cha, các thói quen, sở thích, các gắn bó. Ngắn gọn, chúng tôi muốn tìm hiểu con người đàng sau phẩm trật cao này, theo kiểu hỏi tò mò của ngành báo chí.

Cha đồng ý với một điều kiện: “Đồng ý, nhưng không được hỏi theo kiểu bà Corin Tellado,” nữ tác giả người Tây Ban Nha nổi tiếng viết tiểu thuyết tình cảm. Khôi hài, cha còn nói khích chúng tôi: “Một chút thì được.” Và chúng tôi bắt đầu…

- Khi đứng trước một nhóm chưa quen biết, cha tự giới thiệu mình như thế nào?

- Jorge Bergoglio, cha xứ. Tôi thích được gọi là cha xứ.

- Ở đâu?

- Buenos Aires.

- Một người?

- Bà nội.

- Cha theo dõi tin tức theo cách nào?

- Đọc báo chí, còn đài phát thanh, tôi chỉ vặn để nghe nhạc cổ điển.

- Internet?

- Có thể tôi sẽ bắt chước một trong các vị tiền nhiệm, hồng y Aramburu, ngài chỉ dùng Internet sau khi về hưu ở tuổi 75.

- Cha hay dùng phương tiện xe điện ngầm. Cha thích loại di chuyển này?

- Tôi dùng vì nó nhanh nhưng tôi thích đi xe buýt để nhìn đường xá.

- Cha đã có vị hôn thê?

- Có, cô ở trong nhóm bạn chung, chúng tôi cùng đi nhảy.

- Vì sao cha dứt tình?

- Vì nhận ra mình có ơn gọi.

- Trong bà con thân thuộc của cha có ai đi tu?

-  Có, con của chị Marta. Anh ấy cũng ở dòng Tên như tôi.

- Sở thích của cha?

- Khi còn trẻ, tôi thích sưu tập tem. Bây giờ tôi thích đọc và nghe nhạc.

- Một tác phẩm văn học?

- Thơ của Hölderlin và một số lớn tác phẩm văn học Ý.

- Chẳng hạn?

I promesi sposi (Những vị hôn thê, Alessandro Manzoni) tôi đọc đến bốn lần. Và La Divina Commedia (Vở kịch thần thánh, Dante). Tôi cũng thích Dostoievski và Maréchal.

- Còn văn sĩ Borges, cha có quen biết?

- Chứ sao! Borges có tài ăn nói không cần phác thảo. Đó là một nhà minh triết, một người rất sâu sắc. Ông để lại trong tôi hình ảnh một người mà trong cuộc sống, đặt mọi chuyện đúng chỗ của nó, sắp xếp sách đàng hoàng trên kệ, một quản thủ thư viện rất giỏi.

- Borges là người theo thuyết bất khả tri.

- Một người theo thuyết bất khả tri nhưng mỗi buổi tối đều đọc kinh Lạy Cha vì có hứa với mẹ, ông chết chôn theo nghi thức tôn giáo.

- Một tác phẩm âm nhạc?

- Trong số các tác phẩm ưa thích, tôi chọn Đoạn mở đầu Léonore 3 của Beethoven do Furtwängler điều khiển, theo tôi, đó là một trong các nhạc trưởng điều khiển hay nhất một số giao hưởng của Beethoven, tôi cũng thích tác phẩm của Wagner.

- Cha thích điệu tango?

- Rất thích. Đó là loại âm nhạc ăn sâu trong lòng tôi. Tôi nghĩ, tôi biết khá rành hai giai đoạn của tango. Giai đoạn đầu, tôi thích nhóm D’Arienzo, các ca sĩ thì thích Carlos Gardel, Julio Sosa và Ada Falcón, sau này cô đi tu. Còn Azucena Maizani thì tôi xức dầu cho bà. Tôi quen bà vì chúng tôi là láng giềng của nhau, khi biết bà nằm bệnh viện, tôi có vào thăm. Tôi còn nhớ đã gặp Virginia Luque và Hugo Del Carril ở đó. Còn giai đoạn thứ nhì thì tôi rất thích Astor Piazzolla và Amelita Baltar, người hát nhạc của ông hay nhất.

- Cha có biết nhảy tango?

- Có. Tôi nhảy khi còn trẻ, nhưng tôi thích milonga hơn.

- Một bức tranh?

- Bức Thập tự trắng của Marc Chagall.

- Cha thích loại phim nào?

- Đương nhiên các phim của Tita Merello đóng và các tác phẩm tân hiện thực Ý mà cha mẹ tôi đã cho anh em chúng tôi xem. Cha mẹ tôi không bỏ sót một phim nào của Anna Magnani và Aldo Fabrizi, cũng như nghe opéra, trước khi xem phim, khi nào cha mẹ tôi cũng giải thích cho chúng tôi. Cha mẹ nói trước hai hoặc ba chuyện để hướng dẫn chúng tôi; chúng tôi đi xem phim ở rạp trong khu vực, có khi xem ba phim liền nhau.

- Một phim cha đặc biệt thích?

- Gần đây là phim Buổi tiệc của Babette, tôi rất xúc động khi xem phim này. Và một số lớn phim Á Căn Đình. Tôi còn nhớ các chị em Legrand, Mirtha và Silvia trong phim Dưới ánh trăng. Lúc đó tôi tám hay chín tuổi. Nghệ thuật điện ảnh Á Căn Đình có tuyệt tác Los Isleros của Lucas Demare. Và cách đây vài năm, tôi có xem phim Esperando la carroza, nhưng hiện nay, tôi không còn xem phim nữa.

- Môn thể thao ưa thích của cha?

- Khi trẻ, tôi chơi basket nhưng thích nhất là đi xem đá banh. Cả nhà đều đi, cả mẹ cũng đi theo chúng tôi cho đến năm 1946 để xem các lực sĩ đá bóng đội San Lorenzo, đội ưa chuộng nhất của chúng tôi: cha mẹ tôi ở Almagro, khu vực của đội bóng.

- Cha có thể nói một sự kiện đáng kể?

- Đội bóng xuất sắc của năm nay. Hồi đó thì người giữ thành Pontoni, xứng đáng hưởng giải Nobel. Nhưng đó là một thời khác. Hồi đó chúng tôi chỉ hò hét quá lắm là “đồ du côn, đồ vô lại, đồ bán đứng…” chứ không như bây giờ, toàn những chữ khủng khiếp.

- Cha nói mấy thứ tiếng?

- Tôi bập bẹ tiếng Ý (sự thật chúng tôi thấy cha nói rất giỏi). Còn các thứ tiếng khác thì đúng là “các thứ tiếng hồi xưa tôi có nói” vì không tập luyện thường xuyên. Tôi nói thạo tiếng Pháp, xoay xở được với tiếng Đức. Tiếng Anh thì khó hơn, nhất là phần âm giọng vì một tai của tôi không được tốt. Và đương nhiên tôi hiểu tiếng Piémont mà âm nhạc đã ru tôi thời thơ ấu.

- Cha ra nước ngoài lần đầu ở đâu?

- Ở Colombie năm 1970. Sau đó tôi thăm các nhà tập ở Châu Mỹ La tinh. Ở Mễ Tây Cơ, lần đầu tiên tôi thấy một khu vực hoàn toàn khép kín, một hiện tượng chưa bao giờ thấy ở Á Căn Đình. Nó làm cho tôi sợ khi thấy một nhóm tự cắt đứt với xã hội bên ngoài.

- Chuyến đi đầu tiên của cha qua Âu châu?

- Là ngày 4 tháng 9 năm 1970. Trước hết là đến Madrid, sau đó tôi đi thăm các nhà tập ở Âu châu. Tôi cũng có đến Ái Nhĩ lan để học tiếng Anh. Tôi nhớ đó là dịp Noel năm 1980, tôi ngồi gần một cặp vợ chồng già người Do Thái, họ đi Jérusalem. Hai vợ chồng rất dễ thương. Khi tiếp viên loan báo nhân dịp lễ, hãng máy bay sẽ đãi khách món tráng miệng là kem, ông cụ tỏ ra thất vọng vì ông đã ăn thịt mà sau khi ăn thịt thì không được ăn thức ăn gì có sữa. Theo phong tục Do Thái, không bao giờ được lẫn lộn thịt và sữa, mà kem thì có sữa. Nhưng một lát sau, ông quay qua tôi và nói với một nụ cười đồng tình: “Nhưng hôm nay là ngày Noel, thưa cha!” Rồi ông yên tâm ăn kem. Tôi gần như muốn ôm ông…

- Cuộc gặp gỡ với gia đình của cha ở Ý như thế nào? Cha có cảm nhận mình đang ở đất của tổ tiên?

- Nói làm sao bây giờ? Khi tôi nói tiếng Piémont, tôi cảm thấy như mình đang ở nhà mình. Tôi biết một người anh của ông nội, các chú bác, các anh em họ. Bà chị họ lớn tuổi nhất là 78 tuổi và khi tôi thăm bà, tôi có cảm tưởng như tôi luôn luôn sống ở đó. Tôi giúp bà làm việc nhà, dọn bàn… Nhưng mà tôi trốn các cuộc du lịch.

- Tại sao?

- Vì tôi là người thích quanh quẩn ở nhà. Tôi thích nơi tôi ở. Tôi thích Buenos Aires.

- Khi cha đi du lịch, nhìn từ bên ngoài, cha có hình ảnh Á Căn Đình nào trong đầu?

- Tôi rất nhớ nhà. Đi một thời gian ngắn là tôi muốn về. Tôi nhớ hồi ở nội trú Francfort để làm luận án, buổi chiều tôi đi dạo ở nghĩa trang, từ đó tôi có thể nhìn thấy phi trường. Một lần, một người bạn ngạc nhiên thấy tôi và hỏi tôi làm gì ở đây: “Tôi chào máy bay… Tôi chào các máy bay bay về Á Căn Đình…” tôi trả lời như thế.

- Trong cuộc sống hàng ngày, cái gì đối với cha là một hy sinh lớn?

- Rất nhiều chuyện. Chẳng hạn phải chờ đến nửa đêm mới được cầu nguyện.

- Vậy, mỗi đêm cha ngủ mấy tiếng?

- Tùy. Trung bình năm giờ mỗi đêm. Tôi ngủ sớm và đương nhiên là dậy sớm, lúc 4 giờ sáng. Nhưng trong ngày, tôi có ngủ trưa 45 phút.

- Theo cha, đức hạnh nào là đức hạnh đầu tiên?

- Đương nhiên là tình yêu, quan tâm đến người bên cạnh với lòng khoan dung. Tôi rất thích sự dịu dàng! Tôi luôn luôn xin Chúa cho tôi một quả tim hiền dịu.

- Tội nào là tội xấu xa nhất?

- Nếu tôi cho tình yêu là đức hạnh tối thượng thì đương nhiên tội xấu xa nhất là hận thù. Nhưng tôi ghét hạng nhất là kiêu căng, kiểu “tôi cho tôi là bề trên.” Khi nào tôi có cảm nhận tôi đang kiêu căng, tận trong lòng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng và tôi xin Chúa tha thứ, bởi vì không ai tránh được loại tội này.

- Cha sẽ đem theo cái gì đầu tiên khi bị cháy nhà?

- Quyển kinh nhật tụng và quyển sổ ghi công việc hàng ngày. Tôi sẽ tiếc vô cùng khi mất hai quyển đó. Trong quyển sổ ghi công việc hàng ngày, tôi ghi tất cả cuộc hẹn, địa chỉ, số điện thoại. Và quyển nhật tụng thì khi nào cũng ở bên cạnh tôi; đó là quyển kinh tôi mở ra đọc mỗi buổi sáng và gấp lại trước khi đi ngủ. Khi di chuyển, lúc nào tôi cũng mang hai quyển nhật tụng trong hành lý cầm tay. Trong sách tôi kẹp bản chúc thư và các thư của bà nội, bài thơ “Rassa nostrana” của Nino Costa, mà tôi đã có nói.

- Cha có nhớ một bức thư nào đặc biệt của bà nội?

- Bức thư có giá trị nhất đối với tôi là bức bà viết năm 1967 dịp tôi chịu chức, một nửa bằng tiếng Ý, một nửa bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà phòng hờ trường hợp bà chết trước khi tôi chịu chức, bà cẩn thận viết để tôi nhận cùng một lúc với món quà của bà. May thay bà sống đến ngày tôi chịu chức và đã đưa hai món quà cho tôi. Đây là bức thư (cha lấy quyển nhật tụng và tìm bức thư trong sách)

- Cha có muốn đọc cho chúng con nghe?

- Đương nhiên. “Trong ngày tuyệt vời mà con cầm trong bàn tay thiêng liêng của con Đấng Kitô Cứu Chuộc và cái ngày mở trước mắt con một con đường tông đồ vừa dài vừa sâu đậm nhất, bà tặng con món quà nhỏ này, nó có rất ít giá trị vật chất nhưng mang một giá trị tinh thần rất lớn.”

- Và bản chúc thư? (Cha lại tìm trong quyển nhật tụng.)

- Bà viết một trong những câu: “Các cháu mà bà cho hết cả tâm hồn bà, bà mong các cháu sống lâu và hạnh phúc,  nhưng nếu có ngày nào các con bị bệnh, bị đau, bị mất người thân làm cho các con buồn thì các con nhớ, một tiếng thở dài hướng về Nhà Tạm, nơi có người thánh tử đạo cao cả nhất, uy nghiêm nhất và một ánh nhìn về Đức Mẹ dưới chân thánh giá, có thể nhỏ một giọt dầu trên vết thương sâu thẳm nhất và đau đớn nhất.”

- Làm sao cha sống giây phút khi là một linh mục thường sống với các bạn dòng Tên ở Córdoba được tin mình sẽ được phong làm giám mục phụ tá, thêm nữa, lại được phong ở Buenos Aires?

- Sứ thần tòa thánh lúc đó là Đức cha Ubaldo Calabresi gọi tôi để hỏi về một vài linh mục, chắc chắn là các ứng viên giám mục. Một ngày nọ, cha mời tôi đến và tuyên bố, lần này buổi nói chuyện có tính cách riêng tư. Vì công ty hàng không có chuyến bay đi đi về về Buenos Aires –Córdoba-Mendoza nên cha hẹn gặp tôi ở phi trường khi chuyến bay đi và về của Mendoza. Đó là ngày 13-05-1992, chúng tôi đang bàn đến những vấn đề nghiêm túc và khi máy bay từ Mendoza tới, sắp cất cánh bay về Buenos Aires, hành khách được mời lên tàu, cha nói với tôi: “A! một chuyện sau cùng… cha được chỉ định làm giám mục phụ tá Buenos Aires, tin này sẽ được chính thức thông báo ngày 20…” Cha đơn giản báo với tôi như thế.

- Và cha phản ứng như thế nào?

- Tôi bị nghẽn. Giống như tôi đã nói, tôi có thói quen phản ứng trước những chuyện bất ngờ, dù tốt dù xấu. Và phản ứng đầu tiên của tôi lúc nào cũng là phản ứng xấu.

- Và nó cũng xảy ra như vậy khi cha được thông báo làm giám mục phó với quyền kế vị hồng y Quarracino?

- Cũng vậy. Vì lúc đó tôi là tổng đại diện, khi hồng y Quarracino xin La Mã cho một vị giám mục phó với quyền kế vị, tôi xin cha cho tôi đừng phụ trách một giáo phận nào, mà chỉ là giám mục phụ tá phục vụ giáo phận Buenos Aires. “Tôi chỉ là người sống ở đây, ngoài Buenos Aires, tôi không biết làm gì hết,” tôi giải thích cho cha rõ. Lúc đó là ngày 27 tháng 5 năm 1997, vào buổi sáng, hồng y Calabresi gọi tôi và mời tôi đến ăn sáng. Chúng tôi đang uống càphê, tôi sắp nói cám ơn cha đã mời tôi và sửa soạn về thì tôi thấy có người đem bánh ngọt và chai rượu sâm banh đến. Tôi nghĩ là sinh nhật của cha, tôi sắp chúc mừng. Nhưng tôi ngạc nhiên khi cha trả lời tôi với một nụ cười rạng rở: “Không, không phải sinh nhật của tôi, nhưng là để mừng cha vì cha sẽ là giám mục phó với quyền thừa kế của địa phận Buenos Aires.”

- Bởi vì chúng con đang hỏi đến đây, cảm giác của cha như thế nào khi tên cha được xướng lên nhiều lần trong nhà nguyện Sixtine lần bầu người kế vị đức giáo hoàng Gioan Phaolô II?

Hồng y Bergoglio trở nên nghiêm, hơi căng thẳng. Rồi cha cười:

- Khi bắt đầu mật nghị, các hồng y đều hứa phải giữ bí mật; chúng tôi không thể nói những gì đã xảy ra.

- Nhưng ít nhất cha cũng nói cảm nhận của cha khi nghe tên mình giữa những ứng viên lớn của Tòa thánh…

- Là thẹn thùng, là xấu hổ. Lúc đó cha nghĩ mấy ký giả điên rồi.

- Hoặc họ nắm được một ít tin tức?

- Với sự dự đoán của họ, họ bao trùm cả một phạm vi lớn. Họ nói con số các hồng y có thể làm giáo hoàng là chín, trong đó có hai người Âu châu, mà đức hồng y Ratzinger là một, hai người ở Châu Mỹ la Tinh. Cứ thế họ giảm khoảng cách sai lầm và tăng sác xuất trúng.

-  Rốt cùng thì chúng con, những người làm nghề ký giả giàu trí tưởng tượng…

- Đúng, đầy cả tưởng tượng…

* * *

Nơi hồng y Bergoglio sống và làm việc đã cho chúng tôi biết rất nhiều về nhân cách của cha. Trước hết chúng tôi ngạc nhiên thấy cha không giữ văn phòng dành cho giám mục, một nơi rộng rãi ở tầng hai, dù giản dị nhưng cũng có thể cho cảm tưởng mình có quyền lực và ở chức cao. Theo chỗ chúng tôi biết, nơi này bây giờ dùng như nhà kho. Văn phòng của cha ở cùng một tầng nhưng rất khiêm tốn, còn nhỏ hơn văn phòng thư ký của cha, thư ký của cha cũng không cập nhật hóa lịch của cha: chính tay cha tự ghi các cuộc hẹn trong quyển sổ tay nhỏ. Bàn làm việc của cha rất ngăn nắp. Dưới tấm kiếng có vài hình ảnh tản mát, các sinh hoạt mục vụ, có một tấm hình rất cảm động là hình của một người dân tộc thiểu số nghèo ở Á Căn Đình.

Phòng của cha ở tầng trên, cũng căn phòng khi cha làm giám mục phụ tá. Không thể khắc khổ hơn: một giường đơn bằng gỗ, có cây thập giá của ông bà nội Rosa - Juan tặng, có lò sưởi điện vì dù tòa nhà có hệ thống sưởi nhưng chỉ bật sưởi khi có đủ nhân viên. Căn phòng ngăn nắp, cha giải thích: “Hàng tuần mỗi ngày thứ ba có một bà đến dọn dẹp.” Đương nhiên cha tự làm giường mỗi buổi sáng. Trước mặt, ngăn cách bằng một hành lang, có một bức tượng Chúa Kitô ngồi, Chúa Kitô của lòng kiên nhẫn, một đức hạnh mà cha thường hay ca tụng, kế đó là nhà nguyện riêng, cũng trần trụi.

Trong một căn phòng gần đó là thư viện của cha, đầy sách và giấy tờ. Bergoglio cho chúng tôi hay cha đang lọc các tài liệu để “không để lại việc cho người khác sau khi mình chết.” Cha cũng cho biết, cha vứt rất nhiều các bài viết của cha. “Tôi muốn khi mình rời thế gian này, tôi để lại càng ít đồ càng tốt”, cha nói. Nhưng có một tờ giấy cha cất kỹ. Một tờ giấy đã có màu bụi thời gian, trên tờ giấy đó cha viết bài tuyên xưng đức tin rất cảm động, trong “giây phút sốt sắng của một tâm tình thiêng liêng cao độ” trước khi chịu chức linh mục và cha không ngần ngại tuyên xưng lại.

Cha đọc:

“Con muốn tin Chúa là Chúa Cha, yêu thương con như con, con tin Chúa Giêsu là Chúa, đấng thổi Thần Khí vào cuộc đời con để làm cho con vui cười và dẫn dắt con đến sự sống đời sau.

Con tin vào câu chuyện đời con, đi dưới ánh nhìn yêu thương của Chúa, đấng, vào ngày mùa xuân, 21-09 đến tìm con để mời con đi theo Ngài.

Con tin vào nỗi đau của con, nỗi đau làm cho con cằn cỗi vì tính ích kỷ, con lại ẩn nấp trong tính ích kỷ này.

Con tin vào tính bủn xỉn của tâm hồn con, chỉ tìm cách để nhận mà không cho… không cho.

Con tin những người khác là tốt và con phải yêu thương họ mà không sợ hải, không bao giờ phản bội họ để con được an tâm.

Con tin vào đời sống tu trì.

Con tin là con muốn yêu thương rất nhiều.

Con tin vào cái chết mỗi ngày, nóng bỏng mà con muốn trốn nhưng lại cười với con, mời gọi con chấp nhận.

Con tin vào lòng kiên nhẫn của Chúa, đón nhận con, tốt như một đêm hè.

Con tin cha của con đang ở trên trời, bên cạnh Chúa.

Con tin cha Duarte (cha giải tội ngày 21-09) cũng ở trên trời, cầu bàu cho chức thánh của con.

Con tin Đức Mẹ, mẹ của con, thương con và không bao giờ bỏ con một mình.

Và con hy vọng vào sự ngạc nhiên mỗi ngày, qua đó thể hiện tình yêu, sức mạnh, phản bội, tội lỗi, sẽ theo con cho đến lúc gặp gỡ cuối cùng khuôn mặt tuyệt vời mà con chưa biết bởi vì con cứ vuột khuôn mặt này hoài, khuôn mặt mà con muốn biết và yêu thương. Amen.

Thư viện tư được trang hoàng bằng những bức ảnh của người thân. Giữa những tấm hình này, có một tấm hình của một sinh viên trẻ ngành kỷ sư, chết trong một tai nạn và một bức tranh của họa sĩ Daniela Pisarev, cô bạn người Do Thái mà cha làm hôn lễ cho một người công giáo. Chúng tôi ngừng ở một kệ thư viện nơi có một bình đầy bông hồng trắng đặt đàng sau bức tượng thánh Têrêxa Hài Đồng. “Khi tôi gặp vấn đề, tôi cầu nguyện với thánh Têrêxa, không phải để xin giải quyết vấn đề nhưng để giúp tôi cáng đáng được vấn đề và như dấu chỉ được nhận ơn, gần như ngày nào tôi cũng nhận một bông hồng trắng,” cha thố lộ.

* * *

Khi chúng tôi sắp ra về, hồng y Bergoglio giới thiệu phi công Aldo Cagnoli của hãng máy bay Italia, anh đến chào cha. Hai người biết nhau trên các chuyến bay giữa Buenos Aires và Rome, điểm khởi đầu cho một tình bạn.

Mấy năm trước đây Cagnoli tốt nghiệp khoa xã hội học, anh mang đến tặng cha luận án tiến sĩ về vấn đề khủng bố bằng đường hàng không. Vì anh dự định xuất bản một quyển sách về chủ đề này nên anh đến xin cha viết lời nói đầu.

Chúng tôi nghĩ anh có thể cho chúng tôi một góc nhìn về hồng y Bergoglio dưới một góc cạnh khác. Vì thế trong một dịp anh quá cảnh Buenos Aires, chúng tôi xin anh nói về tình bạn của anh với hồng y Bergoglio.

Trong buổi nói chuyện, Cagnoli cho chúng tôi biết, chính xác anh quen cha ngày 20-04-2005 trên chuyến bay Buenos Aires-Rome. Anh muốn tiếp xúc với cha, vì cách đây ba năm, anh đã rất chú ý đến nhân cách của người này khi anh đọc một bài báo về hồng y Á Căn Đình gốc Ý, người đã chu toàn mục vụ của mình với một mức dấn thân rất mạnh về mặt luân lý và có một lòng khiêm tốn đáng nễ.

Từ đó, Cagnoli không ngừng đi tìm để đào sâu và bổ túc các thông tin quá ngắn gọn và thiếu sót của bài báo này. “Lần đầu tiên khi tôi gặp cha trên máy bay, chúng tôi trao đổi một vài cảm tưởng, tôi thấy cha đúng là người tôi đã hình dung trong đầu, đúng đến từng chi tiết. Tôi rất xúc động về khả năng lạ lùng của cha là khả năng làm cho người đối diện thoải mái và dễ dàng nói chuyện, nhờ tính nồng ấm, ngược với bề ngoài khắc khổ và nhất là nhờ tính cực kỳ đơn giản của cha.”

Sau buổi nói chuyện đầu tiên, họ khám phá ra cả hai đều sinh cùng một ngày 17-12, hồng y Bergoglio mời anh sang Buenos Aires. Cagnoli không muốn bỏ dịp may, anh nhận lời mời trong lần ghé Buenos Aires kỳ sau. Tình bạn được nối kết qua những buổi gặp gỡ giữa Buenos Aires và Rome, họ nói chuyện với nhau về đủ đề tài, từ nấu ăn đến luân lý, xã hội. Anh mời cha về nhà gặp cha mẹ của anh. Cagnoli rất ấn tượng về khả năng lái cuộc thảo luận và những suy nghĩ có tính cách khiêu khích, rõ ràng là ngây ngô và ngoài ý muốn của thân phụ mình, một người thợ mộc, tin một cách sâu đậm vào chủ nghĩa cộng sản.

“ Chẳng hạn, trong một cuộc gặp gỡ, thân phụ của anh giải thích là ông rất khó để khắc tượng Chúa Giêsu trên thập giá mà ông muốn tặng hồng y, vì trong tưởng tượng của nghệ nhân, ông nghĩ Chúa Giêsu là một người rất đau khổ, rất giận về những gì đã xảy đến cho Người”, ông nói.

Hồng y Bergoglio trả lời: “Tôi không bao giờ nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh này, nhưng có thể, trong nhân tính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu có thể như vậy, một cách nào đó rất giận cho những đau khổ khủng khiếp mình phải chịu.”

Sau đó, từ Buenos Aires, cha gởi cho ông một bức hình Chúa Giêsu với ánh nhìn dịu dàng và chịu đựng. Cagnoli nói: “Cha tôi rất xúc động.”

Anh ngưỡng mộ nơi hồng y Bergoglio một khả năng nhạy cảm với lòng tốt của mọi con người, ứng xử từng chuyện dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng vẫn theo một chiều hướng rõ rệt. “Tầm cao cả của một con người, theo thiển ý của tôi, không ở việc xây lên những bức tường để dấu đàng sau đó sự hiểu biết và trách nhiệm của họ nhưng là biết đối đầu với người khác với một đầu óc phê phán và một thái độ tôn trọng và học hỏi trong khiêm tốn trong bất cứ giây phút nào của cuộc sống; đó là những gì tôi thấy nơi hồng y Bergoglio.”

Và Cagnoli kết luận: “Tầm cao cả của cha là do tính đơn giản phối hợp với sự hiểu biết rộng lớn, một lòng tốt sâu đậm đi theo một quan điểm nghiêm túc, một tinh thần cởi mở phối hợp với sự thẳng thắn, một khả năng lắng nghe đối với tất cả mọi người và một khả năng lãnh nhận. Cha có rất nhiều chuyện để trao truyền. Tôi nghĩ cha làm, với lòng đơn giản và với một phong cách phi thường mà những người ở trong cũng như ở ngoài Giáo Hội phải làm, nhưng than ôi, họ không làm.”