Thánh Thần

Thánh Thần 

Khổng Nhuận


Trước công đồng Vaticanô II, Thánh Thần là một ngôi vị bị lãng quên trong một góc trời xa lạ đầy huyền bí. Thánh Linh như ngọn lửa đom đóm leo lét, chập chờn giữa một đêm đông âm u giá lạnh kéo dài gần 14 thế kỷ. Thần Khí như ngọn gió hắt hiu trên sườn đồi cô đơn cuối chân trời. Mới khoảng 30 gần đây, các phong trào Thánh Linh, phong trào Canh Tân Đặc Sủng …phát triển khá rầm rộ với số thành viên lên tới hàng triệu người. Riêng ở Vietnam, có lẽ do hoàn cảnh đặc thù, nên những phong trào này mới được số ít người biết đến và hoạt động tương đối âm thầm. 
 
Nhìn chung, đại đa số giáo dân chúng ta vẫn còn xa lạ với Thánh Thần. Tại sao vậy? Có lẽ chúng ta vẫn còn mang cặp mắt nhân loại. 
 
I.  Thánh Thần theo lối nhìn cũ: Thiên Chúa ở ngoài ta 
 
1. Thánh Thần là Ngôi thứ Ba 
 
Thiên Chúa Ba Ngôi là tín điều căn bản của Công giáo mà Chúa nhật nào chúng ta cũng hát hoặc lớn tiếng tuyên xưng qua Kinh Tin Kính. Tuy Ba Ngôi một Chúa nhưng chúng ta vẫn thích tách Ba Ngôi ra làm ba khung trời riêng biệt. Cần tôn vinh, ngợi khen, cảm tạ ư? Ta đồng thanh hoặc âm thầm dâng những lời chúc tụng lên Chúa Cha. Cần tỉ tê tâm sự ư? Chúng ta có thể trò truyện với Chúa Giêsu hàng giờ. Cần xin Chúa soi sáng giúp mình làm một việc gì, lúc đó chúng ta mới chịu ghé qua Chúa Thánh Thần trong giây lát rồi lập tức vùi đầu vào công việc mà chúng ta đã ấp ủ và lên kế hoạch từ lâu rồi. Chúng ta còn tuyên xưng rằng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần …Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con…. Giả sử như sau thánh lễ Chúa nhật, có một người đứng ở cửa nhà thờ đưa ra một câu hỏi: Ông, bà đã thờ phượng và tôn vinh Đức Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng có tới 90 % giáo dân chúng mình không trả lời được hoặc trả lời vu vơ. Như thế chứng tỏ một cách rõ ràng rằng chúng ta chỉ thích tuyên xưng ngoài miệng chứ không thực hiện niềm tin này vào trong cuộc sống. Lý do đơn giản là Ngôi Ba Thánh Thần dường như rất còn xa lạ với phần đông giáo dân chúng ta. 
 
2.  Thánh Thần là đấng bảo trợ 
 
Trước khi hiến mình trên Thánh giá, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.(Ga 14,16). Khi còn sống nơi trần thế, Đức Giêsu là đấng bảo trợ các môn đệ của mình. Sau khi Đức Giêsu về trời, Chúa Cha đã ban cho chúng ta một Đấng Bảo trợ khác là chính Thánh Thần. Mang tiếng là Đấng bảo trợ và ở với chúng ta luôn mãi, nhưng thật oái oăm, Thánh Thần dường như không bao giờ được chúng ta nhớ tới trong những giờ phút lâm nguy. Thực vậy, mỗi khi đối đầu với đau khổ, khó khăn người thì vội chạy tới Mẹ Maria, kẻ thì tìm đến Thánh Giuse, Mac-ti-nô. Có người thích khăn gói quả mướp tới tận mũi Cà mau cầu xin với cha Diệp. Người khá giả có thể đáp máy bay sang cầu xin với Đức Mẹ Mễ-du, Đức Mẹ Lộ-đức …Hoá ra Thánh Thần chỉ được tiếng oai phong là Đấng Bảo trợ nhưng thực tế chúng ta vẫn cứ để Ngài ngồi chơi xơi nước !!! 
 
3.  Thánh Thần là Đấng Hướng dẫn 
 
Thường thường, trước khi khởi sự làm việc gì đạo đức, chúng ta mới cùng nhau hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con … Cứ như thể suốt đời Ngài chu du khắp nơi và chỉ viếng thăm khi ta cầu xin Ngài. Ấy là chưa kể rất nhiều khi miệng ông ổng hát mà lòng trí vẫn bay bổng tới những phương trời vui chơi, giải trí, làm ăn, học hành ... thậm chí đầu óc còn mải toan tính việc trả thù rửa hận cho hả lòng. Hơn nữa, làm sao ta có thể nghe được tiếng của Ngài hướng dẫn mà làm theo?! Khó quá! Khó quá! 
 
Nếu chúng ta nhìn Thánh Thần với ba khuôn mặt kể trên: Ngôi Ba, Thần Bảo trợ, Thần hướng dẫn, chúng ta khó có thể làm quen với Ngài nói chi tới chuyện sống với Ngài. Như vậy tính sao dây? Có lẽ chúng ta nên xây dựng cho mình một lối nhìn sống động hơn về Thánh Thần. 
 
II.   Thánh Thần theo lối nhìn mới: Chúa vốn ở trong tôi 
 
 Thánh Thần quả là món quà vô giá, tuyệt vời. Theo ánh mắt tâm linh, Thánh Thần sẽ hoá thành những khuôn mặt cực kỳ sống động và hấp dẫn. 
 
1. Thánh Thần là con tim tình yêu của Cha 
 
Một trong những viên ngọc quý - giữa kho tàng Lời Chúa mênh mông - mà Chúa muốn trao tận tay - không - Chúa muốn trao tận tâm hồn mỗi người chúng ta, đó là: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5,5). 
 
Vì quá yêu chúng ta, Chúa Cha đã trao cho chúng ta trọn vẹn trái tim thổn thức yêu thương của Ngài. Từ muôn thủa, Ngài đã tuôn đổ vào lòng ta con tim tình yêu Thánh Thần để chúng ta mãi mãi bơi lội trong biển tình thương bao la của Ngài. Ta hít thở tình yêu của Ngài, lớn lên trong tình yêu của Ngài. Đi đâu, ở đâu, tôi cũng nằm gọn trong vòng tay âu yếm của Ngài như anh cả Giêsu trong trái tim nhân lành của Chúa Cha: Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.(Ga 17,26). Ta thấy đó, tình Chúa Cha yêu thương Đức Giêsu ở trong tâm chúng ta. Mà tình yêu thương này chính là Thánh Thần tình yêu của Chúa Cha yêu thương Đức Giêsu và mỗi người trong chúng ta. Còn gì hạnh phúc hơn??!! Thánh Gioan đã xác tín rằng: Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.(1Ga 3,24). Chúng ta đều biết rằng nam nữ yêu nhau mong ước được ở bên nhau đã là khoái lắm rồi! Vợ chồng nên một xương một thịt thì sướng run cả người như cả hai đang tận hưởng hoan lạc nơi bồng lai tiên cảnh !! Tình yêu giữa Chúa và ta sâu đậm hơn nhiều vì Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Nam nữ, vợ chồng cùng lắm chỉ ở bên nhau mà thôi. Nhờ đâu mà ta biết được ta kết hợp với Chúa đậm sâu như vậy? Đó chính là nhờ con tim tình yêu Thần Khí - con tim này như một chất keo siêu dính, kết hợp chúng ta nên một với Chúa. Quả vậy, Thánh Thần chính là con tim tình yêu của Cha. 
 
2. Thánh Thần là sự sống thần linh của Cha 
 
Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,(Ga 5,26). Sự sống thần linh ở đây chính là Thần Khí mà Chúa ban cho trưởng tử Giêsu. Có  người chủ trương rằng chỉ riêng mình Đức Giêsu mới được độc quyền hưởng sự sống thần linh của Cha. Thực là nực cười!! Chủ trương như thế có khác gì hình ảnh cái đầu Giêsu thì tràn đầy sự sống thần linh của Cha trong khi thân thể của Ngài là chúng ta thì lại bị khô cứng hoặc thối rữa!! Vì thế, theo ánh mắt tâm linh, không chỉ mình Đức Giêsu mà còn cả mỗi người chúng ta đều được Chúa Cha thương ban sự sống thần linh của Ngài vào tâm hồn ta. Nhờ đó chúng ta mới cảm nhận được Thánh Thần gần gũi chúng ta biết bao!! 
 
3. Thánh Thần là sức mạnh thần kỳ 
 
Trong cuộc sống trần gian này, có biết bao điều làm cho tâm trí chúng ta chán nản, thân xác chúng ta mệt mỏi, rã rời khiến tâm hồn ta tràn đầy thất vọng, chỉ muốn buông xuôi tất cả. trong vũng sâu u hoài đó, ta lấy đâu ra sức mạnh thần kỳ để vượt qua, để vươn lên? Khỏi cần tìm đâu xa, chúng ta chỉ cần trầm tư một chút, ngắm nhìn tâm hồn mình để khám phá ra sức mạnh tiềm tàng ẩn giấu trong đó. Ta sẽ nhận ra kho sức mạnh quyền năng vô tận có thể giúp ta hoá giải hoặc vượt qua những yếu đuối một cách khá dễ dàng mà không cần phải chiến đấu vất vả khổ sở bằng ý chí của đầu óc con người. Chính thánh Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm về sức mạnh Thần Khí trong bản thân mình: Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.(2Tm 1,7) 
 
Tóm lại, chúng ta còn có thể khai thác nhiều đặc điểm khác của Thánh Thần như nguồn chân lý, nguồn mạc khải, nguồn sự sáng, nguồn ân huệ, nguồn tự do, nguồn khôn ngoan, nguồn tái sinh và cứu độ, nguồn tinh luyện và thánh hoá … và còn nhiều nguồn khác mà các nhà thần học đã và đang ra công nghiên cứu. Ai cảm thấy thích nguồn nào thì lao đầu vào nghiên cứu, hy vọng khám phá được nhiều điều thú vị, rồi sống theo cảm nghiệm mình đã đạt được trong quá trình tu luyện và kiếm tìm. 
 
Trong khuôn khổ nhỏ bé của bài chia sẻ này, chúng tôi chỉ xin xoáy vào 3 khuôn mặt thân thương gần gũi của Thánh Thần mà chúng tôi tâm đắc nhất. Đó là 3 đặc tính của Thánh Thần: Con tim tình yêu, Sự sống thần linh và Sức mạnh thần kỳ của Cha. Nhờ đó, chúng tôi nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần trong cuộc sống thường ngày của mình. Có như vậy chúng ta mới xứng danh là Chứng Nhân Đức Kitô đích thực chứ.

Khổng Nhuận